CHƯƠNG VIII

 

SINH HOẠT GIÁO LÝ.

 

I. Mục đích :

      1. Thư giãn, giải trí.

               Ở lứa tuổi khối Căn Bản các, em chỉ có thể cầm trí được 20 phút, tối đa là 30 phút. Do đó, sau khi các em đã gặp Chúa trong phần cầu nguyện giữa giờ, nghĩa là đã học nửa giờ Giáo lý, Giáo lý viên cho các em sinh hoạt để tâm trí các em được thư giãn, thoải mái hầu có thể tiếp tục học hỏi tốt hơn ở nửa giờ Giáo lý còn lại.

      2. Tạo bầu khí vui tươi trong giờ Giáo lý.

      3. Ghi nhớ nội dung bài Giáo lý  :

             Phần sinh hoạt cũng nhằm giúp các em ghi nhớ những gì vừa học. Do đó, phần sinh hoạt này phải  được lựa chọn phù hợp với nội dung bài Giáo lý.

II. Các hình thức sinh hoạt trong giờ Giáo lý.

           Vì thời gian sinh hoạt rất ngắn, khoảng 5 phút và không gian sinh hoạt là phòng học, nên chúng ta chỉ lựa chọn các hình thức sinh hoạt đơn giản sau đây  : băng reo, trò chơi nhỏ, bài hát.

      1. Băng reo.

                 Chúng ta sáng tác băng reo dựa theo nội dung bài Giáo lý và theo một trong các  thể loại sau đây  :

a. Các em lặp lại theo người điều khiển, thêm cử điệu.

Ví dụ :

-Người điều khiển  (NĐK)  : Chúa đã về.

-Tất cả  (TC)  lặp lại : Chúa đã về  (vỗ tay 3 cái) .

-NĐK: Trên phố phường –  TC : lặp lại  (bước vào 3 bước)

-NĐK: Trên làng quê          TC :  lặp lại  (bước thêm vào 3 bước) .

-NĐK: Trên quê hương Việt Nam – TC : bước ra 6 bước, vung tay và la lên : A !

b. Người điều khiển chỉ nói 1 câu, tất cả nói câu khác.

Ví dụ :

-NĐK : Chúa ở đâu ?      TC : Trong anh  (chỉ vào người bên cạnh) .

-NĐK : Chúa ở đâu ? TC : Trong tôi  (chỉ ngực) .

-NĐK : Chúa ở đâu ? TC : Trên trời  (chỉ lên trời) .

-NĐK : Chúa ở đâu ? TC : Khắp mọi nơi  (xoay tròn) .

c. Người điều khiển nêu nhiều ý, tất cả chỉ lặp lại một câu :

Ví dụ :

-NĐK : Ta vui             -  TC : bên nhau  (vỗ tay 2 cái) .

-NĐK : Ta múa           -  TC : bên  nhau  (vỗ lên đùi hai cái) .

-NĐK : Ta hát             -  TC : bên nhau  (hai tay lên vai) .

-NĐK : Tất cả            -  TC : bên nhau.

d. Người điều khiển nêu ý, tất cả cùng bổ túc ý.

Ví dụ :

-NĐK : Sống trên đời       -  TC : Phải có bạn  (giơ hai tay hình chữ V).

-NĐK : Không có bạn  -  TC : Buồn chết đi   (chắp tay) .

-NĐK : Nhưng phải chọn -  TC : Bạn tốt  (nắm tay người bên cạnh) .

      2- Trò chơi

a. Định nghĩa :

Trò chơi là một cuộc vận động sinh hoạt :

-          Do một người tổ chức.

-          Cho một số người tham gia.

-          Theo một quy ước có hướng dẫn.

-          Trong một thời gian nhất định.

-          Tại một nơi chốn.

b. Mục đích :

-          Giúp xây dựng bầu khí vui tươi, rèn luyện sự khéo léo và giáo dục chiều sâu nội tâm.

-          Đối với Giáo lý, trò chơi còn giúp ghi nhớ nội dung Giáo lý.

c. Yêu cầu trong giáo lý : giáo dục chiều sâu :

Trò chơi góp phần giáo dục :

-          Về nhân bản : Trò chơi giúp nhận thức kỷ luật tập thể, tính trung thực, ý chí cương quyết.

-          Về thiêng liêng : Trò chơi có tính tôn giáo hình thành ý niệm Thiên Chúa và tha nhân, thêm yêu mến Thánh Kinh, lời mời gọi của Chúa.

d. Chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi (9 -12 tuổi).

               Chọn những trò chơi có tính động, nhanh, có tính ganh đua.

 

e. Điều khiển trò chơi.

          Giáo lý viên làm người quản trò, điều khiển cuộc chơi. Để thành công nên cân nhắc chọn lựa trò chơi cho thích hợp với không gian, nội dung bài Giáo lý lứa tuổi và số người tham dự.

Quản trò lưu ý tới 4 bước sau đây  :

[1]. Chuẩn bị trò chơi  :

Nghiên cứu kỹ lưỡng  :

* Địa điểm.

* Phân công cụ thể.

* Chuẩn bị các dụng cụ chơi cho chu đáo.

[2]. Hướng dẫn trò chơi  :

* Giới thiệu tên trò chơi, phổ biến luật chơi.

* Ở từng điểm nên hỏi lại xem mọi người đã hiểu, đã nắm vững luật chơi chưa.

* Đề nghị chơi thử, nháp một hai lần cho chắc chắn, cũng là tạo bầu khí lôi cuốn vào cuộc chơi hơn.

[3]. Diễn tiến trò chơi  :

Đang khi tiến hành cuộc chơi. Quản trò phải chú ý đến tính cách sau đây, liên quan đến tâm lý người chơi  :

*  Luôn nhắc nhở, nêu cao tinh thần tự giác, trung thực.

* Khéo léo khuyến khích những em nhút nhát chưa quen  sinh hoạt.

[4]. Kết thúc trò chơi :

Khi trò chơi chấm dứt, cần lưu ý đến các điểm sau đây  :

* Tuyên bố kết quả trò chơi cho công bằng, khen người thắng và khuyến khích người thua.

* Nên vắn tắt nêu ý nghĩa trò chơi vừa chơi xong, ý nghĩa nhân bản và ý nghĩa hướng về nội dung bài Giáo lý.

Ví dụ  :

Tên trò chơi  : Đôi giầy đây rồi !

- Thể loại : Vận động mạnh trong phòng hoặc ngoài trời, dành cho độ tuổi thiếu nhi (9-12 tuổi).

-  Rèn luyện : Vận động mạnh và nhận định nhanh.

-  Giáo dục : Luôn giữ nề nếp tề chỉnh trong đội ngũ.

- Luật chơi  : Chia lớp thành hai đội, mỗi người bỏ ra một chiếc giầy nếu đi giầy, hoặc một chiếc dép nếu đi dép, để trong một vòng tròn đường kính 2 mét, cách mức khởi hành 5 mét. Quản trò ra hiệu lệnh, lần lượt từng người của mỗi đội chạy lên tìm và mang giầy hay xỏ dép vào chân, chạy trở về mức, đập tay cho người lên kế tiếp. Đội nào xong trước tập họp hàng ngang trình diện để quản trò kiểm tra xem có xỏ đúng dép và cột dây giầy đàng hoàng chưa.

- Mục đích  : Gây bầu khí sôi nổi, vui nhộn.

 

    3. Bài hát.

         a. Giá trị bài hát  :

- Bài hát có thể dùng trong việc giảng dậy như một phương tiện sư phạm sinh động và có hiệu quả cao.

- Bài hát có khả năng chuyển tải ý nghĩa một chủ đề giáo dục nhân bản hoặc một bài Giáo lý.

- Bài hát có thể nhanh chóng gây dựng được bầu khí vui tươi cho lớp học, tập thể.

         b. Cách chọn bài hát  phù hợp với lứa tuổi (9- 12 tuổi)

 - Chọn những bài hát mạnh, nhịp nhàng, phấn khởi, có tính cộng đồng.

 - Phù hợp với chủ đề, nội dung bài Giáo lý.

         c. Phương pháp tập hát  :

  - Hát trước bài hát 2, 3 lần cho mọi người nghe quen tai.

  - Sau đó tập từng câu.

  - Vừa hát vừa cắt nghĩa từng câu của bài hát một cách lý thú và sinh động.

  - Với các em lứa tuổi (9 –12 tuổi), nên có cử điệu đi kèm.

 

v Bài tập :

               Chọn một bài Giáo lý (khối Căn bản) và chọn hoặc sáng tác một băng reo, một trò chơi, một bài hát phù hợp với nội dung bài Giáo lý.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà