IV. LINH MỤC, THẦY DẠY CẦU NGUYỆN
I. Học cậy trông nhờ cầu nguyện
Là
thầy dạy cậy trông vào Chúa, linh mục còn là thầy dạy cầu nguyện. Chính nhờ cầu
nguyện, mà người kitô hữu học “cậy trông”. Chính nhờ cầu nguyện mà người kitô
hữu quen đặt hy vọng vào Chúa, quen tin tưởng nơi Chúa.
1.
+
Như Đức Thánh Cha Benêđictô XVI viết : “Nếu không còn ai lắng nghe tôi nữa,
thì vẫn còn Chúa lắng nghe tôi. Nếu tôi không còn có thể nói chuyện với ai, nếu
tôi không còn có thể kêu cầu đến bất cứ người nào, tôi vẫn luôn có thể thưa
chuyện cùng Chúa. Nếu không còn ai giúp đỡ, khi nhu cầu hay mong đợi vượt quá
khả năng hy vọng của con người, thì Thiên Chúa vẫn có thể giúp tôi” (ĐGH.
Bênêđictô XVI, Spe salvi, số 32).
+
Đức Thánh Cha đã trích dẫn trường hợp Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, với 13 năm
tù, trong một hoàn cảnh gần như tuyệt vọng, nhờ cầu nguyện mà đã có thể lắng
nghe Thiên Chúa và đàm đạo với Thiên Chúa. Điều đó đã làm cho lòng trông cậy
của người trở nên mạnh mẽ; Người trở thành “chứng nhân hy vọng cho mọi người
trên toàn thế giới” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Spe salvi, số 32).
2.
+
Theo thánh Augustinô, cầu nguyện làm cho trái tim của chúng ta “giản nở”. Cầu
nguyện nuôi dưỡng lòng khao khát Chúa nơi chúng ta. Có khi Chúa chưa nhậm lời
chúng ta, là để làm tăng thêm lòng khao khát của chúng ta. Chúa chưa vội nhậm
lời để lòng trông cậy của chúng ta thêm mãnh liệt.
+
Khi ta cầu nguyện, Chúa cũng thanh tẩy tâm hồn ta. Người như gạn đục khơi trong
cho dòng suối tâm hồn ta. Nhiều “dối trá” còn dấu ẩn nơi ta (tự lừa dối) được
đưa ra ánh sáng. Lòng khao khát Chúa nơi chúng ta càng thêm tinh tuyền. Lòng ta
càng ngày càng hướng về Chúa như là tương lai cuối cùng của cuộc đời ta, như là
Thiên Đàng đích thực của chúng ta.
+
Cầu nguyện còn mở lòng ta ra với tha nhân. Cầu nguyện là đưa “mọi sự và mọi
người” vào tâm hồn ta, để tất cả được xuất hiện dưới ánh sáng của Chúa. Khi cầu
nguyện, ta không chỉ trông cậy Chúa cho ta, mà cho mọi người có quan hệ với ta.
Tương quan cá nhân với Chúa, tương quan cộng đoàn với Chúa xen kẻ nhau trong
đời sống cầu nguyện của ta.
+
Khi cầu nguyện, lòng ta vừa cởi mở với Chúa, vừa cởi mở với thế giới. Cầu
nguyện nhiều, chúng ta dần dần trở nên “những con người hy vọng” (cho xã hội,
cho thế giới), có khả năng hy vọng và có thể trở thành thầy dạy hy vọng cho
những người khác.
3.
+
Linh mục dạy cho giáo dân cầu nguyện là tập cho giáo dân đặt niềm hy vọng vào
Chúa, trông cậy vào Chúa, tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa. Tập
cho giáo dân hướng về Chúa và khẩn cầu Chúa, chờ đợi Chúa nhậm lời.
+
Hoàn cảnh càng khó khăn bao nhiêu, lời cầu nguyện càng tha thiết, và lòng trông
cậy càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Và nhờ tin tưởng Chúa mà lòng trông cậy vào Chúa
trở nên vững vàng. Linh mục là thầy dạy đức tin, cũng là thầy dạy cầu nguyện,
thầy dạy trông cậy vào Chúa.
II. Linh mục, thầy dạy cầu nguyện, cũng là thầy dạy đón nhận và đáp trả
ơn Chúa
1.
+
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng : cầu nguyện là một hồng ân, vì cầu
nguyện Kitô giáo không là một hành vi tự nhiên, mà là một hành vi siêu nhiên.
Tự sức mình, ta không thể cầu nguyện đựơc. Ta cầu nguyện được là do Chúa ban ơn
cho ta. Chính những lúc khô khan, càng làm cho ta xác tín, cầu nguyện là một
hồng ân như Chúa Giêsu đã nói : “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha
không ban ơn ấy cho” (Ga 6,65).
+
Linh mục hãy dạy cho giáo dân biết cầu nguyện là một hồng ân, để giáo dân biết
quý trọng sự cầu nguyện, và không ngã lòng nản chí gặp lúc khô khan, mà cần ý
thức mạnh mẽ hơn nữa : cầu nguyện là một ơn huệ của Chúa và hãy nài xin cho
được ân huệ đó (Xin dạy con cầu nguyện).
Kiên
trì trong đời sống cầu nguyện cũng là một bài học “đức cậy”. Chính Chúa Giêsu
đã dạy rằng : “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt
10,22).
2.
+
Thánh Tôma định nghĩa “cầu nguyện là cầu xin Thiên Chúa những điều phải lẽ”.
Nhưng theo thánh Phaolô : “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải,
nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta” (Rm 8,26). Chúa Thánh
Thần điều chỉnh tâm tình và tư tưởng của chúng ta rập theo thánh ý của Thiên
Chúa khi chúng ta cầu nguyện (lúc Chúa Thánh Thần hành động). Cầu nguyện là môi
trường giáo dục đức tin, đức cậy, đức mến rất tốt.
+
Chính vì thế trước hết, bản thân linh mục hãy biết để dành thì giờ cho việc cầu
nguyện để không ngừng được Thiên Chúa giáo dục, không ngừng là môn sinh của
Thiên Chúa (như lời tiên tri Isaia). Bấy giờ linh mục mới có thể dạy bảo giáo
dân cầu nguyện. Một số đông linh mục không còn dạy giáo dân cầu nguyện nữa, dù
đó là một nghĩa vụ quan trọng nhất của linh mục đối với giáo dân.
3.
+
Linh mục là “thầy dạy tiếp xúc với Chúa”. Mà nếu linh mục không có tiếp xúc với
Chúa, thì làm sao mà dạy giáo dân tiếp xúc với Chúa được. Dĩ nhiên, “dạy cầu
nguyện là một điều rất khó, nên nhiều linh mục e ngại, không muốn làm. Chỉ có
Chúa Thánh Thần mới có thể dạy ta cầu nguyện, nên linh mục chỉ có thể dạy cầu
nguyện trong Chúa Thánh Thần. Nếu linh mục chỉ có thể rao giảng và làm chứng
cho Đức Kitô cùng với Chúa Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần, thì linh mục
cũng chỉ có thể dạy giáo dân cầu nguyện trong Chúa Thánh Thần và cùng với Chúa
Thánh Thần.
+
Linh mục có thể dùng Thánh Kinh, thánh ca, thánh vịnh để tập cho giáo dân cầu
nguyện. Nhưng trước hết linh mục phải dạy cho giáo dân biết cầu nguyện là gì.
Đôi khi linh mục chỉ biết một vài định nghĩa lý thuyết về cầu nguyện, mà trong
thực tế không cầu nguyện hay ít cầu nguyện, nên không có kinh nghiệm về cầu
nguyện, và không thể dạy lại cho giáo dân.
+
Nhưng dầu sao, đó là một bổn phận không thể bỏ qua, nên linh mục cứ phải dạy
cho giáo dân cầu nguyện. Chính linh mục, khi đã ý thức nghĩa vụ phải dạy cho
giáo dân cầu nguyện, thì sẽ tha thiết nài xin Thiên Chúa ban cho chính mình “ơn
biết cầu nguyện”. Linh mục cùng với giáo dân tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban
ơn cầu nguyện, thì chắc chắn Ngài sẽ ban cho. Linh mục hãy xác tín rằng không
khi nào Thiên Chúa không nhậm lời. Ngài luôn nhậm lời và ban cho ta còn hơn
điều ta xin : “Ngài sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài” (Lc 11,13).
Linh mục cũng phải tập cho giáo dân dần dần xác tín như thế.
+
Linh mục hãy dạy cho giáo dân “biết thuận theo Chúa Thánh Thần”, nhờ đó họ mới
có một đời sống thiêng liêng, đời sống nội tâm đích thực, vì đời sống nội tâm
là đời sống thuận theo Chúa Thánh Thần. Linh mục hãy tập cho giáo dân cởi mở
tâm hồn ra với Chúa, biết đón nhận ơn Chúa, để cho ơn Chúa tác động biến đổi
mình.
+
Ta có được sự cầu nguyện là vì Chúa đến với ta. Chúa dùng nhiều cách để mở cửa
tâm hồn ta. Chúa khơi dậy tình yêu nơi ta, khơi dậy lòng khao khát nơi ta. Ta
có được sự cầu nguyện là vì “Chúa khao khát ta”. Chúa biểu lộ điều đó tại bờ
giếng Giacóp và trên thập giá : “Ta khát” (Ga 19,28). Theo Giáo Lý Hội
Thánh Công Giáo, cầu nguyện là sự gặp gỡ giữa hai sự khao khát (la rencontre
des deux soifs) : Chúa khao khát ta và ta khao khát Chúa (x. GLHTCG, số
2560). Đó là sự gặp gỡ giữa hai trái tim, hai tình yêu. Cầu nguyện là tình yêu
được Tình Yêu khơi dậy (tình yêu đáp trả lại Tình Yêu). Do đó dạy cầu nguyện
chính là dạy yêu Chúa (Ví dụ : người mẹ dạy con cầu nguyện), dạy đón nhận và
đáp trả tình yêu của Chúa, dạy đón nhận và đáp trả ơn Chúa.
III. Linh mục là thầy dạy nội tâm hóa giao ước bằng cầu nguyện
1.
+
Khi nói cầu nguyện là “tiếp xúc với Chúa”, chúng ta phải nói tới ý nghĩa của
Giao Ước. Lịch sử của Giao Ứơc vừa là lịch sử của Mạc Khải, vừa là lịch sử của
cầu nguyện (đáp trả).
+
Cầu nguyện giúp hình thành và triển nở Giao Ước khắc ghi trong trái tim. Cầu
nguyện là thiết lập tương giao với Chúa, gặp gỡ Chúa trong tâm hồn. Tương giao
này không bắt đầu từ chúng ta, mà bắt đầu từ Thiên Chúa. Thiên Chúa thiết lập
tương giao trước. Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Người mời gọi và lôi kéo chúng
ta vào trong tình yêu của Ngài, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta.
2.
+
Đạo của chúng ta là “đạo của Giao Ước Mới”. Giống như các tiên tri trong Cựu
Ước, các linh mục là người giáo dục Dân Chúa sống Giao Ước và thực hành Giao
Ước. Linh mục giúp cho giáo dân “nội tâm hóa” Giao Ước. Cơ bản của Giao Ước là
“đồng ý thuộc về nhau”. Thiên Chúa thuộc về chúng ta, vì Ngài tự hiến cho chúng
ta trong Đức Giêsu Kitô (khi ban Đức Giêsu Kitô cho chúng ta). Chúng ta thuộc
về Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.
+
Chính Đức Giêsu Kitô là Giao Ước Mới ghi khắc trong tim mỗi tín hữu. Cầu nguyện
là làm cho Đức Giêsu Kitô tỏ hiện trong tâm hồn ta, là gặp gỡ Chúa trong tâm
hồn.
+
Trong Giao Ước nội tâm này, Danh Xưng quan trọng nhất là “Chúa” (Κύριος)
và “Giêsu-Kitô” (Ιησούς Χριστος). Cầu nguyện là ghi khắc danh Chúa trong trái
tim, để không bao giờ quên nữa. Linh mục phải dạy cho giáo dân biết kêu cầu
danh Chúa để được cứu rỗi : “Vì tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ
được cứu rỗi” (Rm 10,13).
+
Giao Ước không là giao kèo bằng chữ chết, nhưng là một giao kèo sống động, một
đối thoại không ngừng giữa Thiên Chúa với chúng ta. Do đó có một định nghĩa
khác về việc cầu nguyện cũng rất gần gũi và thực tế : “Cầu nguyện là chuyện
vãn với Chúa”. Linh mục hãy tập cho giáo dân nói chuyện với Chúa, lắng nghe
lời Chúa và đáp trả lời Chúa. Trong khi đáp trả, chúng ta tâm sự với Chúa, kêu
xin Chúa, cảm tạ Chúa, ngợi khen và chúc tụng Chúa, bày tỏ tình yêu đối với
Chúa. Tương quan giữa chúng ta với Chúa là tương quan giữa người bạn với người
bạn (tương quan bằng hữu). Đấng thiết lập tương quan bằng hữu là Chúa Thánh
Thần.
IV. Linh mục là thầy dạy kết hợp với Chúa, nên một với Chúa trong cầu
nguyện
1.
+
Một định nghĩa khác về cầu nguyện cũng rất sâu xa, nhưng cũng dễ hiểu : “Cầu
nguyện là kết hợp với Chúa, gắn bó với Chúa, và nên một với Ngài”. Chúng ta
chỉ có thể kết hợp với Chúa trong Chúa Thánh Thần và nhờ Chúa Thánh Thần.
+
Linh mục phải dạy cho giáo dân “sống kết hợp với Chúa, vì kết hợp với Chúa là
“cốt lõi” của đời sống nội tâm của người kitô hữu (Ví dụ : cành nho - thân nho,
cành nào lìa cây sẽ khô héo liền). Chỉ khi nào kết hợp với Chúa, gắn bó với
Chúa và nên một với Ngài, người kitô hữu mới được thông phần vào sự sống của
Chúa, sống bằng sự sống của Chúa. Chúng ta chỉ có thể kết hợp với Chúa trong
Thánh Thần và nhờ Thánh Thần.
2.
+
Cầu nguyện là một sự hiệp thông, mà Chúa Thánh Thần là ơn thông hiệp. Hạnh phúc
và niềm vui của ta nẩy sinh từ việc ta kết hợp với Chúa, nên một với Chúa, ở
trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là thiên đàng của chúng ta. Cầu nguyện, theo
một nghĩa nào đó, là ở “trong thiên đàng”, vì đạt tới mục tiêu của đời sống
kitô hữu.
+
Dĩ nhiên, sự kết hợp với Chúa, hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa là “cầu nguyện
ở trình độ rất cao, mà linh mục ít khi đạt tới trình độ ấy, nhưng linh mục vẫn
phải giải thích cho giáo dân biết về ý nghĩa sâu xa ấy của việc cầu nguyện. Nếu
không thực hiện, linh mục thực sự lỗi bổn phận trong chức vụ linh mục. Linh mục
nên xác tín rằng Chúa Thánh Thần vẫn có thể làm việc qua con người bất xứng của
mình như một dụng cụ trong tay Ngài, để giúp người kitô hữu kết hợp với Đức
Kitô và nên một với Người.
3.
+
Hiệp thông cũng có thể là chia sẻ. Chúng ta được thông phần, được chia sẻ sự
sống của Chúa, tình yêu của Chúa, chương trình của Chúa, lương thực của Chúa.
Vì cầu nguyện là hiệp thông, nên cầu nguyện đích thực luôn hướng về hiệp thông
bí tích trong mầu nhiệm Thánh Thể. Hiệp thông là đón rước Chúa vào trong tâm
hồn, trong cuộc sống, để Chúa sống trong ta. Hiệp thông trọn vẹn sẽ đưa đến
trạng thái như thánh Phaolô đề cập : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi,
mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).