V. LINH MỤC, THẦY DẠY THỜ PHƯỢNG CHÚA
I. Nhân đức thờ phượng trong thời đại Tân Ước
+
Thờ phượng là một nhân đức mà nhiều người có đạo hôm nay, kể cả tu sĩ và linh
mục, nhiều khi quên lãng. “Ý thức về sự linh thánh” cứ mỗi ngày phai nhạt dần
trong thế giới càng ngày càng bị tục hoá (x. Rudolf Otto : “Sacré et profane
: tremendum et fascinosum). Kitô giáo ngày nay như mất hết vẻ linh thiêng.
Thực tế, ngay cả trong hàng giáo sĩ và tu sĩ cũng có không ít người đánh mất
chiều kích linh thánh trong đời sống của mình.
+
Theo thánh Tôma, thờ phượng thuộc về phạm vi đức công bằng : chúng ta tôn trọng
quyền của Thiên Chúa trên chúng ta, vì Ngài đã dựng nên chúng ta. Sự sống của
chúng ta, vận mệnh của chúng ta thuộc về Ngài. Chúng ta phải phục tùng Ngài
cách tuyệt đối. Tương quan giữa chúng ta với Ngài là tương quan giữa thụ tạo
với Đấng Tạo Hoá. Chúng ta quy hướng mọi sự về Ngài. Ngài là Alpha
(nguyên thuỷ) và Omêga (cùng đích). Dù trong thời đại Tân Ước, chúng ta
phải tôn thờ Thiên Chúa trong Thánh Thần và Chân Lý : “Nhưng giờ đã đến - và
chính lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha
trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như
thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong
thần khí và sự thật” (Ga 4, 23-24), nhưng thái độ kính sợ vẫn cần phải có.
+
Là linh mục của thời đại Tân Ước, chúng ta có nhiệm vụ phải hướng dẫn giáo dân
thực hành “phượng tự của thời đại Tân Ước”. Linh mục, người dạy giáo dân thờ
phượng Thiên Chúa, phải noi gương Đức Giêsu là “con người thờ phượng tuyệt hảo”
(le parfait adorateur du Père). Chính Người đã khai trương một “phượng
tự mới”. Giáo hội đã lãnh nhận gia tài phượng tự đó từ Đức Giêsu.
+
Tông huấn “Sacramentum caritatis” (Bí Tích Tình Yêu) nhấn mạnh đến tầm
quan trọng của sự thờ phượng trong chính lúc chúng ta “rước lễ”. Tông huấn
trích dẫn lời thánh Augustinô : “Nemo autem illam carnem manducat, nisi
prius adoraverit ; peccemus non adorando - Không ai ăn Thịt này mà trước
đó đã không thờ lạy; nếu không thờ lạy, chúng ta có tội”. Và “Rước lễ là
thờ lạy Đấng chúng ta đón nhận” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Sacramentum caritatis,
số 66). Thánh lễ là hành vi thờ phượng tối cao của Hội Thánh.
+
Ngày hôm nay, Giáo hội nhấn mạnh trở lại việc thờ phượng Đức Giêsu Thánh Thể
ngoài lúc cử hành thánh lễ (x. ĐGH. Bênêđictô XVI tại Đại hội giới trẻ thế giới
năm 2006, tại Köln, Đức quốc). Đó là một phương thế giúp cho chúng ta và giáo
dân tái tạo lại “ý thức linh thánh” rất cần thiết cho đời sống đạo, giúp cho
giới trẻ tái khám phá “nhu cầu linh thánh” trong thẳm sâu cõi lòng họ.
+
Thờ phượng trong Kitô giáo đi đôi với tình yêu, một tình yêu sâu thẳm chứ không
phải là tình yêu phàm tục. Trong Bí Tích Thánh Thể, Con Thiên Chúa đến thăm
chúng ta và khao khát trở nên một với chúng ta. Hành động thờ lạy ngoài thánh
lễ kéo dài và làm sâu sắc thêm tất cả những gì diễn ra trong chính cử hành thánh
lễ.
+
Linh mục hãy tập cho giáo dân thờ phượng Chúa trong thánh lễ và ngoài thánh lễ
(Mục vụ : truyền phép, chầu Thánh Thể). Linh mục hãy tập cho giáo dân viếng
Chúa, và làm gương cho giáo dân trong việc cầu nguyện trước Thánh Thể.
II. Vai trò nhiệm huấn của linh mục (Mystagogie)
Phượng
tự Kitô giáo là một “môi trường linh thiêng” và đầy sức sống. Môi sinh ấy là
Thần Khí của Đức Kitô Tử Nạn - Phục Sinh, Thần Khí là Sự Sống của Thiên Chúa,
của Đức Kitô Phục Sinh, trở thành môi trường sống của chúng ta trong phượng tự
Kitô giáo (in Spiritu). Nhiệm vụ của linh mục là dẫn đưa các tín hữu vào
môi trường đó, để họ có thể tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật (x. Ga
4,23). Đó là vai trò nhiệm huấn của linh mục.
Linh
mục là “thừa tác viên thánh”, người đưa các tín hữu vào “mầu nhiệm thánh” (sacrum
mysterium). Trước hết linh mục dẫn đưa dân Chúa vào mầu nhiệm bằng cách cử
hành “mầu nhiệm”. Mầu nhiệm trọng tâm mà linh mục cử hành là mầu nhiệm Tử Nạn -
Phục Sinh của Đức Kitô, là kỳ công lớn nhất của tình yêu Thiên Chúa, là hy tế
cứu độ dâng lên Thiên Chúa làm đẹp lòng Ngài hơn cả.
Chính
việc cử hành của linh mục, với những lời đọc, những cử chỉ thực hiện một cách
sốt sắng và nghiêm túc, một cách nào đó đã dẫn đưa dân Chúa vào mầu nhiệm, làm
cho họ tiếp xúc với mầu nhiệm, hiểu và yêu mến mầu nhiệm (Verba et Gesta).
Trong phụng vụ, các cử chỉ và các lời đọc soi sáng cho nhau. Cả hai đều có giá
trị dấu chỉ, một bên là dấu chỉ bằng ngôn ngữ hay tiếng nói, bên kia là dấu chỉ
bằng cử điệu hay hành vi. Cả hai bên đều có ý nghĩa và bổ sung cho nhau. Chính
vì thế, linh mục hãy đọc những lời trong phụng vụ cách rõ ràng, khoan thai;
thực hiện các cử chỉ, hành vi cách nghiêm túc, và trông thấy được.
Giáo
lý nhiệm huấn chia làm nhiều giai đoạn : giai đoạn khai tâm, giai đoạn bổ túc
và giai đoạn đào sâu. Trong giai đoạn khai tâm, linh mục hãy giải thích những
điều cơ bản của nghi lễ và mầu nhiệm. Trong giai đoạn bổ túc, linh mục cố gắng
dạy cho giáo dân biết ý nghĩa tôn vinh Thiên Chúa và cứu độ con người của các
bí tích. Trong giai đoạn đào sâu, linh mục giúp cho tín hữu hiểu sâu hơn các
mầu nhiệm, để các tín hữu được hiệp thông thật sâu xa vào “mầu nhiệm”.
III. Linh mục dạy cho giáo dân biết vai trò của Chúa Thánh Thần và Giáo
hội trong phụng vụ
1.
+
Nhiệm huấn (mystagogie) là giáo huấn về các mầu nhiệm, dẫn đưa vào các
mầu nhiệm. Theo kiểu nói của thánh Phaolô và của các giáo phụ, mầu nhiệm cũng
chính là bí tích (μυστήριον). Vì chúng ta không những tin các mầu nhiệm,
mà còn cử hành các mầu nhiệm. Đạo của chúng ta là đạo của các mầu nhiệm, chỉ
những ai tin, đã được “dẫn đưa vào” (khai tâm, initiés), mới có thể hiểu được.
Việc
dẫn đưa vào mầu nhiệm là một tiến trình tuần tự, chứ không thể là toàn bộ hay
trọn vẹn ngay tức khắc. Trong giai đoạn đầu của lịch sử Giáo hội, các dự tòng,
dù đã được học lâu năm, nếu chưa chịu phép Rửa tội, thì không được phép tham dự
phần “Phụng vụ Thánh Thể”.
+
Khi nói tới bí nhiệm, bí tích, mầu nhiệm, không phải chúng ta chỉ nói tới khía
cạnh bí mật (bí kiếp, mật mã, thần chú), khó hiểu, nhưng quan trọng hơn, đó còn
là khía cạnh “siêu nhiên”, siêu phàm, vượt trên tự nhiên, khía cạnh “ân sủng”.
Chính
vì thế, mà không ai có thể đi vào mầu nhiệm được, nếu không được dẫn đưa bởi
ánh sáng, tình yêu, và quyền năng của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần. Linh mục
chỉ có thể đưa dẫn người kitô hữu, đưa dẫn dân Chúa vào các mầu nhiệm nhờ Chúa
Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần.
2.
+
Linh mục, cùng với giám mục, thông phần chức Tư Tế của Đức Kitô, là người quản
lý các mầu nhiệm (bí tích). Linh mục có quyền và có trách nhiệm phân phát,
nhưng chỉ có thể làm được điều đó trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, do quyền
năng thánh chức đã lãnh nhận (potestas ordinis). Tuy nhiên, linh mục
không thi hành quyền năng này theo kiểu phù phép, nhưng phải giảng giải, dạy dỗ
và giáo dục dân Chúa về các mầu nhiệm. Linh mục chỉ có thể làm điều đó cách tốt
đẹp với Chúa Thánh Thần, và trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là “Thầy dạy
kỳ diệu nhất”, và linh mục là dụng cụ có ý thức của Chúa Thánh Thần.
3.
Sách
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã bàn về vai trò của Chúa Thánh Thần và Giáo hội
trong phụng vụ từ số 1091 đến hết số 1109 (19 số).
“Trong
Phụng Vụ, Chúa Thánh Thần là thầy dạy đức tin cho Dân Thiên Chúa, là Đấng thực
hiện những kỳ công của Thiên Chúa, những bí tích của Giao Ước Mới. Chúa Thánh
Thần mong muốn và hoạt động trong lòng Hội Thánh để chúng ta sống bằng chính sự
sống của Đức Kitô phục sinh. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chúng ta đáp lại
bằng đức tin; lúc ấy, chúng ta thực sự cộng tác với Ngài. Chính vì thế, Phụng
Vụ trở thành công việc chung của Chúa Thánh Thần và Hội Thánh” (GLHTCG, số
1091).
“Khi
thông ban mầu nhiệm Chúa Ki-tô qua các bí tích (dispensation sacramentelle),
Chúa Thánh Thần cũng hành động như trong các trường hợp khác của nhiệm cục cứu
độ : Người chuẩn bị cho Hội Thánh đón Chúa Kitô, gợi nhớ và biểu lộ Chúa Kitô
cho cộng đoàn tín hữu; Người dùng quyền năng làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô hiện
diện và tác động trong hiện tại; cuối cùng, Người liên kết Hội Thánh với đời
sống và sứ mạng của Chúa Kitô” (GLHTCG, số 1092).
IV. Vai trò nhiệm huấn của linh mục trong mục vụ các bí tích (ngoài bí
tích Thánh Thể)
Trong sứ mạng giáo dục đời sống đức tin của người kitô
hữu, linh mục cần chú trọng đầy đủ đến việc giáo dục dân Chúa sống bí tích.
Một trong những điều quan trọng cốt yếu mà linh mục thiếu
sót là giáo dục cho dân thấy tương quan mật thiết giữa các bí tích với bí tích
Thánh Thể, là chóp đỉnh và nguồn mạch của đời sống và sứ vụ của Giáo hội.
Trong tông huấn “Sacramentum Caritatis” (Bí tích
Tình Yêu), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cập đến tương quan giữa bí tích
Thánh Thể và các bí tích khác trong 14 số (số 16-29). Điều đó chứng tỏ tầm quan
trọng của vấn đề này trong đời sống đức tin. Một số người có đạo, vì hiểu rất
ít, và có khi hiểu sai lạc về các bí tích, nên có thái độ coi thường, và dần
dần đi tới việc bỏ bê “sự thực hành đạo” (non pratiquant).
Nếu được hướng dẫn kỷ lưỡng, chắc chắn đời sống bí tích
sẽ có nhiều hoa trái, và hoa trái đó cũng chính là hoa trái của Chúa Thánh
Thần.
+ Các bí tích khai tâm : “Như các Nghị Phụ đã nói,
chúng ta phải tự hỏi xem cộng đoàn của chúng ta đã ý thức rõ về mối liên hệ
chặt chẽ giữa các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể hay chưa. Chúng ta
không bao giờ được quên rằng chúng ta được rửa tội và thêm sức để nhằm vào việc
lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Điều này đưa đến trách nhiệm mục vụ, phải giúp
người ta có một sự hiểu biết thống nhất hơn về tiến trình khai tâm kitô giáo
… Bí tích Rửa Tội giúp chúng ta được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, được
đón nhận vào Hội thánh và trở thành con Thiên Chúa, đó là cửa ngõ để tiến đến
các bí tích khác. Với bí tích này, chúng ta được gia nhập vào Thân Thể duy nhất
của Đức Kitô (x. 1Cr 12,13), vào dân tư tế. Tuy nhiên, chính việc tham dự vào
hy tế Thánh Thể mới kiện toàn trong chúng ta những gì bí tích Rửa tội đã ban
cho chúng ta” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 17)
+ Bí tích Hòa giải : “Thượng Hội Đồng nhắc nhớ rằng
trách nhiệm mục vụ của Giám mục trong địa phận là phải thúc đẩy giáo dục lòng
sám hối xuất phát từ Bí tích Thánh Thể và khuyến khích giáo dân thường xuyên đi
xưng tội. Mọi linh mục phải quảng đại trong việc ban bí tích Giao Hòa. Về
vấn đề này, phải chú ý đến việc đặt các tòa giải tội cách nào để dễ nhận ra và
phải làm nổi bật ý nghĩa của bí tích này. Tôi xin các vị mục tử, phải chú ý đến
cách thức trao ban Bí tích Giao Hòa và thu hẹp việc thực hành xá giải chung vào
những trường hợp được qui định” ĐGH. Bênêđictô XVI, Sacramentum
Caritatis, số 21)
+ Bí tích xức dầu : “Nếu Bí tích Thánh Thể cho thấy
cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô được biến đổi thành tình yêu, thì Bí tích
Xức Dầu Bệnh Nhân nối kết những người đang đau yếu với việc tự hiến của Đức
Kitô để mang lại ơn cứu độ cho mọi người, đến độ bệnh nhân trong mầu nhiệm hiệp
thông chư thánh cũng được tham gia vào việc cứu độ thế giới”… “Việc rước lấy
Của Ăn Đàng khai mở cho bệnh nhân sự viên mãn của mầu nhiệm vượt qua, vì thế
phải bảo đảm cho bệnh nhân rước lễ” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Sacramentum
Caritatis, số 22)
+ Bí tích Hôn Phối : “Trọn cuộc đời người
kitô hữu mang dấu ấn tình yêu hôn nhân của Đức Kitô đối với Hội Thánh. Bí tích
Rửa Tội giúp chúng ta hội nhập vào Dân Chúa, là mầu nhiệm mang tính chất hôn
nhân; có thể gọi bí tích này ‘cuộc tắm rửa tân hôn’ đi trước tiệc cưới, là Bí
tích Thánh Thể . Bí tích Thánh Thể củng cố liên tục sự duy nhất và
tình yêu bất khả phân ly của mọi hôn nhân Kitô giáo. Trong bí tích này, nhờ
quyền năng bí tích, ràng buộc hôn nhân được nối kết nội tại với sự duy nhất
Thánh Thể giữa Đức Kitô là hôn phu và Hội Thánh là hôn thê (x. Ep 5,31-32). Sự
ưng thuận lẫn nhau mà vợ chồng thực hiện trong Đức Kitô và làm họ thành một
cộng đoàn sự sống và tình yêu, cũng mang một chiều kích Thánh Thể” (ĐGH.
Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 27)
Nên một với Chúa để nên một với nhau, nên một với nhau để
nên một với Chúa. Chính vì thế, những người bị rối sẽ không được rước lễ.