KÍNH NHỚ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ - "NĂM THÁNH PHAOLÔ"

 

 

 

Ngày 28-6-2007, trong buổi hát Kinh Chiều I, tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành Rôma, Đức Thánh Cha Beneđictô XVI đã loan báo dành một năm để kính nhớ Thánh Phaolô Tông đồ, bắt đầu từ ngày 29-6-2008 đến hết ngày 29-6-2009, nhân dịp kỷ niệm 2.000 năm sinh nhật Thánh Phaolô Tông đồ.

Cửa vào Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành sẽ được mở vào chiều ngày 28-6-2008. Đức Thánh Cha sẽ bước qua cửa này và khai mạc Năm Thánh Phaolô Tông đồ, gọi là "cửa Thánh Phaolô". Năm này không phải là Năm Thánh như thường lệ cứ 25 năm cử hành một lần. Và cửa Thánh Phaolô cũng không phải là cửa thánh như được nói tới trong các Năm Thánh.

1. Năm Thánh Phaolô là gì?

Vậy Năm Thánh Phaolô là gì? Đây là một năm đặc biệt dành kính Thánh Phaolô Tông Đồ, để kỷ niệm ngày sinh của Thánh nhân cách đây 2.000 năm. Cho dù chúng ta không biết rõ ngày sinh của ngài là ngày nào, nhưng các nhà chuyên môn đã dự đoán là Thánh nhân sinh ra vào khoảng giữa năm 7 và năm 10 sau Chúa Kitô. Như trên đã nói, đây không phải là Năm Thánh mà truyền thống vẫn nói tới, cứ 25 năm Đức Thánh Cha ban bố mở Năm Thánh một lần, hoặc là những dịp đặc biệt khác. Đức Thánh Cha cũng không mở hay đóng cửa thánh trong Năm Thánh Phaolô.

Vì những lý do trên, Đại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành Rôma (Basilica San Paolo fuori delle Mura, Roma) sẽ là điểm quy tụ chính yếu trong Năm Thánh Phaolô này.

Ngôi thánh đường này đã được trùng tu, như tu sửa lại toà cho Đức Thánh Cha, tu sửa khung chung quanh bàn thờ chính (baldaquin) của nghệ sĩ Arnolfo di Cambio, sơn phết lại tiền đình tứ quan, là lối để khách hành hương đi vào nhà thờ.

Về các di tích của Thánh Phaolô tại Vương cung Thánh đường này, khách hành hương đã có thể chiêm ngắm một phía của mộ Thánh Phaolô. Phần mộ này được xây vào giữa thế kỷ thứ IV và thứ V tại vùng Ostia. Vì vùng Ostia hay có lụt lội do sông Tevere, nên người ta phải xây tường để chắn nước và bảo vệ ngôi mộ này. Hiện tại, cần nhiều thời gian để có thể trưng bày tất cả cỗ hòm chôn Thánh nhân cho công chúng kính viếng và chiêm ngắm. Từ khi cho công chúng thấy một phần của ngôi mộ này, con số của khách hành hương đã tăng lên nhiều. 

Nhưng các nơi khác trong Giáo Hội cũng sống Năm Thánh Phaolô này, nhất là những nơi mang tên Thánh Phaolô, vì Năm Thánh Phaolô có tầm mức phổ quát cho toàn thể Giáo Hội.

2. Mục đích Năm Thánh Phaolô

Đức Thánh Cha Beneđictô XVI đã nói rõ 2 mục đích của Năm Thánh Phaolô.

Mục đích thứ nhất là để tín hữu khắp nơi biết về Thánh Tông đồ Phaolô. Đây là một vị truyền giáo trứ danh và vĩ đại. Nhưng rất tiếc là nhiều người Công giáo biết rất ít về Thánh nhân, cũng như họ không biết về sức mạnh của lời rao giảng và việc làm chứng của ngài về Chúa Kitô. Người ta có thể nói tới mấy điểm chính về giáo huấn của Thánh Phaolô trong các thư  ngài viết như sau:

• Một sự gắn bó trọn vẹn, sống chết với Chúa Kitô.

• Một tình hiệp thông sâu đậm trong các cộng đoàn tiên khởi.

• Một ý hướng ra bên ngoài "ad gentes" trong hoạt động tông đồ của Thánh Phaolô.

Ngoài ra, người ta còn có thể nói tới:

• Niềm tin sâu xa vào biến cố Phục sinh của Chúa Kitô.

• Đức ái đặc biệt trong giáo huấn của Thánh Phaolô.

Mục đích thứ hai nhắm vào công việc đại kết. Từ đây, chúng ta nhận ra ý nghĩa việc thiết lập một nhà nguyện đại kết trong Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.

Tóm lại, ý nghĩa và mục tiêu của Năm Thánh Phaolô có thể được tóm gọn như sau: đây là một dịp để nhận ra việc làm chứng mạnh mẽ của Thánh Phaolô, và từ đó, tín hữu lấy đà dấn thân cách hăng say hơn trong đời sống đức tin và trong các hoạt động đại kết. Đây là một thời điểm quan trọng để tái khám phá một bộ mặt phi thường của Kitô giáo thời kỳ đầu. Đây là công việc trở về nguồn của Kitô giáo.

3. Lịch các buổi cử hành Năm Thánh Phaolô

Tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành có những buổi cử hành sau đây:

- Các buổi cử hành phụng vụ: mỗi tháng có một buổi cử hành phụng vụ, do một vị Hồng y chủ sự.

- Cùng với buổi cử hành phụng vụ này, còn có đề nghị một đề tài để suy tư.

- Các cuộc hành hương tới Đền thờ này.

- Các đan sĩ của Đan viện Thánh Biển Đức ở đây sẽ phụ trách việc đón tiếp khác hành hương và cử hành việc cầu nguyện với họ. Các đan sĩ sẽ ngồi toà giải tội cho các khách hành hương thuộc nhiều thứ tiếng khác nhau.

- Đan viện Thánh Biển Đức ở đây sẽ mời một công đồng Kitô giáo không phải là Công giáo đến cùng cầu nguyện chung.

- Tín hữu cũng được lãnh Ơn Toàn Xá dành cho các Vương cung Thánh đường lớn ở Rôma. Vì thế, không cần xin thêm các dịp khác nữa trong năm này.

Luật định về việc lãnh Ơn Toàn Xá khi viếng các Vương Cung Thánh đường lớn tại Rôma được quy định như sau: 

“Ban Ơn Toàn xá cho tín hữu khi họ sốt sắng đến viếng 1 trong 4 Đại Vương cung Thánh đường tại Rôma, và đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính, trong các dịp:

1) Ngày lễ tước hiệu.

2) Bất cứ ngày lễ buộc nào.

3) Một ngày trong năm do chính tín hữu chọn.

(Enchiridion Indulgentiarum. Normae et condiciones. Libreria Editrice Vaticana, 1986, khoản 11).

4. Các buổi gặp gỡ trong Năm Thánh Phaolô

Tại Đền thờ Thánh Phaolô cũng có tổ chức các cuộc gặp gỡ cho từng giới như sau:

Năm 2008:

Tháng 7: các tu sĩ

Tháng 8: các nhà truyền giáo

Tháng 9: các họ đạo

Tháng 10: các giám mục (nhân dịp Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới)

Tháng 11: các người bị tù ngục

Tháng 12: giới sinh viên

Năm 2009:

Tháng 1: các Kitô hữu

Tháng 2: các bệnh nhân

Tháng 3: các phong trào mới

Tháng 4: giới trẻ

Tháng 5: các gia đình

Tháng 6: các linh mục và phó tế

5. 16 nơi tại Rôma liên hệ tới Thánh Phaolô

(1) Thánh Phaolô Alla Regola

(2) Ngục Marmertino

(3) Hang toại đạo San Sebastiano

(4) Tre Fontane

(5) Nơi hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ôm hôn từ giã nhau lần cuối cùng và ban phép lành cho nhau trước khi chịu tử đạo.

* Các nơi khác chưa được công bố.

6. Khách hành hương đến Rôma

Hiện tại, mỗi ngày có 4.000 khách hành hương đến Rôma. Nhưng trong Năm Kính Thánh Phaolô, con số này sẽ tăng lên hơn nhiều.

Việc đón tiếp khách hành hương được tổ chức như sau:

a) Các đan sĩ Đan viện Thánh Biển Đức sẽ giúp các buổi cầu nguyện cho các nhóm hành hương.

b) Trong Nhà thờ sẽ có 4 nhà nguyện bên cạnh để cử hành các Thánh lễ cho các nhóm hành hương, với con số khoảng 50 người.

Các nhóm đông khoảng 500 người, có thê cử hành tại bàn thờ phía sau bàn thờ chính.

Các nhóm đông hơn phải cử hành ở bàn thờ chính và ở giữa lòng nhà thờ. Sẽ có bàn giấy để giúp đặt chỗ trước cho các nhóm.

c) Khi khách hành đi vào nhà thờ, họ đi từ tiền đình tứ quan, thắp một cây nến. Sau đó, họ đi vào cửa gọi là cửa Thánh Phaolô, và thực hiện một việc thống hối và hiệp thông trong đền thờ này.

7. Nhà nguyện đại kết

Một điểm mới tại Đại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành, đó là nhà nguyện đại kết. Như chúng ta đã đọc trên đây, một trong hai mục tiêu của Năm Kính Thánh Phaolô là cổ vũ phong trào đại kết. Từ đó có việc thiết lập một nhà nguyện đại kết. Nhà nguyện này nằm tại nơi mà trước đây là giếng rửa tội của đền thờ. Đây là một phần của ngôi nhà nguyện cũ bị phá huỷ và được tu sửa vào các năm 1928-1930, do kiến trúc sư Arnaldo Foschini.

Nhà nguyện này mang những đặc tính sau đây:

• Là một nhà nguyện dành cho các Cộng đồng Kitô giáo không phải là Công giáo có thể đến cầu nguyện.

• Bàn thờ của nhà nguyện này là chính bàn thờ trước đây đặt trước mộ Thánh Phaolô ở dưới bàn thờ chính.

• Bàn thờ này chứa hài cốt của Timothêô di Antiochia, tử đạo vào năm 311.

8. Các sáng kiến có tính cách văn hoá, nghệ thuật

Ngoài những buổi cử hành phụng vụ và cầu nguyện, Năm Thánh Phaolô còn có những sáng kiến văn hoá và nghệ thuật nữa.

Sẽ có những buổi diễn thuyết, gặp gỡ, học hỏi.

Vào tháng 10-2008, sẽ có một cuộc gặp gỡ đại kết quan trọng. Sẽ có những buổi hoà nhạc, nhưng được tổ chức ở ngoài nhà thờ.

Người ta cũng đang soạn thảo một cuốn chỉ nam (vademecum) cho khách hành hương.

Sau cùng, Uỷ ban Năm Thánh Phaolô cũng lo xuất bản Sách Công vụ Tông đồ và các thư Thánh Phaolô.

9. Dõi theo bước chân truyền giáo của Thánh Phaolô

Trong Năm Thánh Phaolô, những nơi khác gắn liền với cuộc đời của Thánh Phaolô cũng có những sáng kiến tương tự.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các Giám mục Công giáo sẽ viết cho các Kitô hữu thuộc các Lễ nghi khác nhau, và sẽ tổ chức một cuộc hành hương đi Rôma. Tại Tarso, quê hương của Thánh Phaolô, không có một nhà thờ, nhà nguyện vĩnh viễn để cử hành Thánh Lễ và các buổi cử hành phụng vụ khác. Khi muốn làm lễ tại một nhà nguyện mà bây giờ biến thành bảo tàng viện, người ta phải xin phép chính quyền địa phương và phải trả lệ phí. Vì thế, các Giám mục Công giáo đã cùng với các vị chức sắc của các Giáo hội thuộc các Lễ nghi khác và các Cộng đồng Kitô giáo ngoài Công giáo và Chính thống đã xin với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để dùng Nhà nguyện này cách tự do, hay được xây cất một nhà nguyện tại đây. Hy vọng trong Năm Kính Thánh Phaolô, sự việc sẽ được giải quyết.

Tại Siria, Công giáo Hy Lạp Melkiti sẽ đưa ra những sáng kiến cử hành, học hỏi và hành hương trong Năm Thánh Phaolô, vì tại đây có Đamascô, nơi Thánh Phaolô trở lại, chịu Phép Rửa Tội.

Tại Giêrusalem, Đức Sứ thần Toà Thánh tại Israel đã đề nghị biến Giêrusalem thành nơi cử hành các lễ nghi tưởng niệm trong Năm Thánh Phaolô.

Tại Malta, nơi hang Rabat mà Thánh Phaolô đã cư ngụ 3 tháng sau khi bị đắm tàu, các buổi cử hành phụng vụ, cũng như các cuộc hành hương trong Năm Thánh Phaolô sẽ được thực hiện tại đây. 

Chương trình và lịch cử hành tại các nơi này sẽ được các nơi này công bố sau.

Roma, ngày 22-12-2007

Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

(Viết theo bài Phỏng vấn của Đức Hồng y Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, Giáo sĩ Trưởng coi sóc Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành Roma, và các tài liệu khác, trong báo L’Osservatore Romano, thứ tư, ngày 19-12-2007, tr. 8).