CHƯƠNG III
CHÚA THÁNH THẦN:
ĐỨC CHÚA VÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG
Thần Khí Chúa
trong Cuộc Sáng Tạo và trong Lịch Sử
15. Nếu quả
thật ý nghĩa cứu thế của Đức Giêsu chỉ có thể hiểu được trong khung cảnh mạc
khải của Người về chương trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi, thì như thế Chúa
Thánh Thần là một phần tuyệt đối cần thiết của mầu nhiệm Đức Giêsu và ơn cứu
rỗi mà Người mang đến. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng thường xuyên quy chiếu về
vai trò Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu rỗi, các Ngài lưu ý rằng sự chia cách
giả tạo giữa Đấng Cứu Thế và Chúa Thánh Thần, có thể phương hại tới chân lý về
Đức Giêsu Đấng Cứu độ duy nhất của mọi người.
Theo truyền thống Kitô giáo, Chúa Thánh Thần luôn
luôn được liên kết với sự sống và việc ban sự sống. Kinh Tin Kính của Công đồng
Niceno-Constantino gọi Chúa Thánh Thần là "là Đức Chúa, Đấng ban sự
sống". Cho nên không phải là điều đáng ngạc nhiên khi nhiều chú giải về
bài tường thuật Sáng tạo trong sách Sáng Thế đã nhìn thấy Chúa Thánh Thần trong
ngọn gió mạnh lướt qua trên mặt nước (x. St 1,2). Chúa Thánh Thần hiện diện từ
giây phút đầu việc của cuộc sáng tạo -là biểu lộ đầu tiên của tình yêu của
Thiên Chúa Ba Ngôi-, và luôn hiện diện trong thế giới được xem như sức mạnh ban
sự sống của Người (52). Vì sự sáng tạo là khởi đầu lịch sử, nên Thần khí nói
được là một quyền lực ẩn giấu đang hành động trong lịch sử, hướng dẫn lịch sử
theo những con đường chân lý và điều thiện.
Mạc khải về thân thế của Chúa Thánh Thần, tình yêu
hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con, là điều riêng biệt của Tân Ước. Trong tư
tưởng Kitô giáo, Người được thấy như là nguồn mạch sự sống của mọi tạo vật.
Công cuộc sáng tạo là sự thông ban tình yêu trong tự do của Thiên Chúa, một sự
thông ban mà từ cái không, đem mọi sự vào trong hiện hữu. Không có gì đã được
tạo dựng mà không được lấp đầy bởi sự trao đổi tình yêu không ngừng, là đặc
tính của sự sống sâu thẳm của Ba Ngôi, nghĩa là tràn đầy Chúa Thánh Thần:
"Thần khí Chúa đã tràn đầy thế giới" (Kn 17). Sự hiện diện của Thần
Khí trong tạo thành phát sinh trật tự, hài hoà và lệ thuộc lẫn nhau trong tất
cả những gì hiện hữu.
Được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, những
con người trở nên nơi trú ngụ của Thần Khí một cách mới mẻ, khi họ được nâng
lên tới phẩm giá làm con Thiên Chúa (x. Gl 4,5). Được tái sinh trong Bí tích
Thánh Tẩy, con người cảm nghiệm sự hiện diện và quyền lực của Thần Khí, không
chỉ là Tác giả sự sống, nhưng còn là Đấng thanh tẩy và cứu chuộc, sản sinh
những hoa quả "bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm,
trung tín, hiền hoà, tiết độ" (Gl 5,22-23). Những hoa quả đó của Thần Khí
là tín hiệu "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ
Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5). Khi được tiếp nhận trong
tự do, tình yêu này biến những người nam nữ thành những dụng cụ khả kiến của
hoạt động không ngừng bên trong của Thánh Thần. Trên hết tất cả, chính khả năng
cho và nhận tình yêu mới mẻ này minh chứng sự hiện diện bên trong và quyền lực
của Chúa Thánh Thần. Như là hậu quả của việc biến đổi và tái tạo dựng mà Người
thực hiện trong tâm trí dân chúng, Chúa Thánh Thần gây ảnh hưởng trên xã hội và
văn hoá nhân loại (53). "Thật vậy, Thánh Thần là nguồn gốc những lý tưởng
cao thượng và những công trình phúc lợi cho nhân loại đang hành trình qua dòng
lịch sử. "Qua việc quan phòng kỳ diệu, Thánh Thần Chúa hướng dẫn dòng chảy
thời gian và đổi mới mặt địa cầu" (54).
Theo hướng dẫn Công Đồng Vatican II, Các Nghị Phụ
Thượng Hội Đồng để ý tới vô vàn hành động đa dạng của Chúa Thánh Thần, Ngài
liên tục gieo những hạt giống chân lý giữa các dân tộc, tôn giáo, văn hoá và
triết học của họ (55). Điều này có nghĩa là những tôn giáo, những văn hoá và
triết lý đó có khả năng giúp đỡ dân chúng, cá nhân hay tập thể, chống lại sự dữ
và phục vụ sự sống cũng như tất cả những gì là thiện hảo. Các quyền lực sự chết
cô lập dân chúng, xã hội và các cộng đồng tôn giáo khác nhau, và sinh ra sự nghi
ngờ và cạnh tranh đưa tới xung đột. Ngược lại, Chúa Thánh Thần nâng đỡ dân
chúng trong việc tìm kiến sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau. Do đó Chúa Thánh
Thần nâng đỡ dân chúng trong việc tìm kiến sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau.
Chúa Thánh Thần và Mầu Nhiệm Ngôi Lời
Nhập thể
16. Dưới sự
hướng dẫn của Thần Khí, lịch sử cứu độ diễn ra trên sân khấu của thế giới, và
của của vũ trụ nữa, theo chương trình đời đời của Chúa Cha. Chương trình đó, do
Thánh Thần khởi sự từ khi bắt đầu việc sáng tạo, được mạc khải trong Cựu Ước,
được hoàn thành nhờ ân sủng của Đức Giêsu Kitô, và được tiếp nối trong công
cuộc sáng tạo mới nhờ cũng một Thần Khí cho tới khi Chúa lại đến trong vinh
quang vào lúc kết thúc thời gian (56). Mầu nhiêm Nhập thể của Con Thiên Chúa là
công trình cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần: "Sự cưu mang và sinh ra Đức
Giêsu Kitô thực tế là công trình cao cả nhất được thực hiện do Chúa Thánh Thần
trong lịch sử sáng tạo và cứu chuộc: ân sủng tuyệt diệu - "ân sủng hiệp
nhất", nguồn mạch mọi ơn khác" (57). Mầu nhiệm Nhập thể là biến cố mà
trong đó Chúa tập hợïp về với chính mình, qua sự hợp nhất mới mẻ và chung cuộc,
không những con người, mà còn toàn thể thọ tạo và tất cả lịch sử (58).
Được cưu mang trong lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi
phép Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35; Mt 1,20), Đức Giêsu thành Nadareth, Đấng
Mêsia và Cứu Thế duy nhất, được đầy tràn Chúa Thánh Thần. Thần Khí xuống trên
Người khi Người chịu phép rửa (x. Mc 1,10) và dẫn đưa Người vào hoang địa để
được nên mạnh sức trước khi thi hành sứ vụ công khai của Người (Mc 1,12; Lc
4,1; Mt 4,1). Trong hội đường thành Nadareth, Người bắt đầu sứ vụ ngôn sứ của
Người, bằng cách áp dụng cho chính mình thị kiến của ngôn sứ Isaia về sự xức
dầu Thần Khí, dẫn tới việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, tự do cho kẻ
bị giam cầm và một năm hồng ân của Thiên Chúa (x. Lc 4,18-19). Nhờ quyền năng
của Thần Khí, Đức Giêsu chữa lành bệnh nhân và xua đuổi ma quỷ, như là một tín
hiệu Nước Thiên Chúa đã đến (x. Mt 12,28). Sau khi từ kẻ chết chỗi dậy, Người
đã thông ban cho các môn đệ Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người đã hứa đổ tràn trên
Giáo Hội khi Người trở về với Chúa Cha (x. Ga 20,22-23).
Tất cả những sự kiện đó chứng tỏ rằng sứ vụ của Đức
Giêsu mang dấu vết rõ ràng sự hiện diện của Thần Khí: sự sống, sự sống mới.
Giữa sự sai đi Chúa Con từ Chúa Cha và sự sai đi Thần Khí từ Chúa
Cha và Chúa Con, có một sự liên hệ chặt chẽ và thiết yếu (59). Hành động của
Thánh Thần trong sáng tạo và lịch sử nhân loại, đạt được một ý nghĩa hoàn toàn
mới đối với hành động của Người trong đời sống và sứ vụ của Đức Giêsu. Những
"hạt giống Lời" nhờ Thần Khí gieo xuống, chuẩn bị cho toàn thể thọ
tạo, lịch sử và con người để đạt tới sự trưởng thành viên mãn trong Đức Kitô
(60).
Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã diễn tả mối quan
tâm đối với khuynh hướng tách biệt hoạt động của Chúa Thánh Thần với hoạt động
của Đức Giêsu Cứu thế. Đáp lại quan tâm đó, tôi lặp lại ở đây những gì tôi đã
viết trong Thông Điệp Redemptoris Missio: "(Thánh Thần) không thay
thế Đức Kitô và cũng không lấp đầy một thứ chỗ trống mà đôi khi được gợi lên là
hiện hữu giữa Đức Kitô và Ngôi Lời (Logos). Bất cứ cái gì mà Thánh Thần mang
đến trong tâm hồn con người và lịch sử các dân tộc, trong các nền văn hoá và
tôn giáo, thì giúp chuẩn bị cho Tin Mừng và chỉ có thể hiểu khi quy chiếu về
Đức Kitô, Ngôi Lời đã mặc lấy thể xác nhờ quyền lực Thần Khí 'ngõ hầu đã là con
người hoàn hảo, Người cứu rỗi mọi người và qui tụ mọi sự' " (61).
Cho nên sự hiện diện phổ quát của Chúa Thánh Thần
không được dùng như lời bào chữa để khỏi công bố Đức Giêsu Kitô cách công khai
như là Đấng Cứu độ độc nhất và duy nhất. Ngược lại, sự hiện diện phổ quát của
Chúa Thánh Thần không thể tách biệt khỏi sự cứu độ phổ quát trong Đức Giêsu. Sự
hiện diện của Thần Khí trong tạo vật và lịch sử chỉ về Đức Giêsu Kitô, nhờ Người
mà tạo vật và lịch sử được cứu chuộc và thành toàn. Sự hiện diện của Thần Khí
cả trước biến cố Nhập Thể và trong cao điểm lễ Ngũ Tuần luôn chỉ về Đức Giêsu
và về sự cứu độ Người mang đến. Cũng thế, sự hiện diện phổ quát của Chúa Thánh
Thần không bao giờ có thể bị tách biệt khỏi sự hoạt động của Người trong Thân
Thể Đức Kitô, tức là Giáo Hội (62).
Chúa Thánh Thần và Thân Thể Đức Kitô
17. Chúa
Thánh Thần gìn giữ nguyên vẹn sợi giây hiệp thông giữa Đức Giêsu và Giáo Hội
Người. Ngự trong Giáo Hội cũng như ngự trong một đền thờ (x. 1 Cr 3,16), Thần
Khí hướng dẫn Giáo Hội, trước hết để đạt đến chân lý toàn vẹn về Đức Giêsu. Sau
đó chính Thần Khí ban sức mạnh cho Giáo Hội để tiếp tục sứ vụ của Đức Giêsu,
trước nhất bằng cách làm chứng cho chính Đức Giêsu, sau đó hoàn thành điều
Người đã hứa trước lúc chết và sống lại, tức là Người sẽ sai Thần Khí đến với
các môn đệ để họ có sức làm chứng về Người (x. Ga 15,26-27). Công trình
của Thần Khí trong Giáo Hội cũng là để làm chứng rằng các tín hữu là dưỡng tử
của Thiên Chúa, những người được tiền định hưởng ơn cứu độ, được trọn vẹn hiệp
thông với Chúa Cha, như đã hứa (x. Rm 8,15-17). Khi ban cho Giáo Hội những đoàn
sủng và ân huệ khác nhau, Thần Khí làm cho Giáo Hội lớn lên trong hiệp thông,
như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau (x. 1 Cr 12,4: Ep 4,11-16). Thần
Khí hợp nhất mọi dân tộc, với những tập quán, những tài nguyên và tài năng khác
nhau, biến Giáo Hội thành một dấu chỉ hiệp thông của toàn thể nhân loại dưới
quyền lãnh đạo của Đức Kitô (63). Thần Khí uốn nắn Giáo Hội thành một cộng đoàn
những chứng nhân để, nhờ quyền lực của Người, Giáo Hội làm chứng cho Đức Giêsu
Cứu Thế (x. Cv 1,8). Theo nghĩa này, Chúa Thánh Thần là tác nhân chủ yếu của
việc Phúc Âm hoá. Từ đó các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng có thể kết luận rằng, cũng
như sứ vụ trần thế của Đức Giêsu được hoàn thành trong quyền lực Chúa Thánh
Thần, thì "cũng một Thần Khí đã được ban cho Giáo Hội bởi Chúa Cha và Chúa
Con trong ngày lễ Ngũ Tuần, để hoàn thành sứ vụ tình yêu và phục vụ của Đức
Giêsu tại Á Châu" (64).
Chương trình cứu độ con người của Chúa Cha, không
kết thúc với sự chết và phục sinh của Đức Giêsu. Nhờ ân huệ của Thần Khí Đức
Kitô, hoa quả sứ vụ cứu rỗi của Người được Giáo Hội ban tặng cho mọi dân tộc
thuộc mọi thời đại, qua sự loan truyền Tin Mừng và phục vụ yêu thương đối với
gia đình nhân loại. Như Công Đồng Vatican II nhận xét, "Chúa Thánh Thần
thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Người để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên
Chúa là Đấng đã đặt Đức Kitô làm nguồn ơn cứu độ cho cả thế giới" (65). Được
Thần Khí ban quyền thực hiện sự cứu độ của Đức Kitô trên mặt đất, Giáo Hội là
hạt giống của Nước Chúa và tha thiết mong đợi sự hình thành chung cuộc của nó.
Căn tính và sứ mạng của Giáo Hội không tách biệt khỏi Nước Chúa, Nước mà Đức
Giêsu đã loan báo và khai mào trong tất cả những gì Người đã nói và đã làm,
nhất là trong sự chết và sống lại của Người. Thần Khí nhắc Giáo Hội nhớ rằng
Giáo Hội không phải là cùng đích cho chính mình; trong tất cả những gì Giáo Hội
là và làm, thì Giáo Hội hiện hữu để phục vụ Đức Kitô và sự cứu độ thế giới.
Trong nhiệm cục cứu độ này, những công trình của Chúa Thánh Thần trong tạo vật,
trong lịch sử và trong Giáo Hội, tất cả là thành phần của một kế hoạch đời đời
của Ba Ngôi trên tất cả những gì hiện hữu.
Chúa Thánh Thần và Sứ Vụ của Giáo Hội
tại Á Châu
18. Thánh
Thần, Đấng đã hành động trên Á Châu trong thời các Tổ Phụ và ngôn sứ, và còn
mãnh liệt hơn nữa trong thời Đức Giêsu và Giáo Hội sơ khai, bây giờ vẫn tác
động giữa các người Kitô hữu Á Châu, bằng cách củng cố chứng tá đức tin của họ
giữa các dân tộc, các nền văn hoá và tôn giáo của lục địa. Cũng như cuộc đối
thoại tình yêu vĩ đại giữa Thiên Chúa và con người được Thần Khí chuẩn bị và
được thực hiện trên phần đất Á Châu qua mầu nhiệm Đức Kitô, thì ngày nay cuộc
đối thoại giữa Chúa Cứu Thế và các dân tộc trên lục địa, vẫn tiếp tục nhờ quyền
lực của cùng một Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội. Trong tiến trình
này, các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ, tất cả đều có một vai
trò thiết yếu, vì nhớ lời Đức Giêsu, vừa là lời hứa và cũng là lệnh truyền:
"Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh
em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các
miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,8).
Giáo Hội xác tín rằng, sâu trong lòng dân chúng,
các nền văn hoá và tôn giáo tại Á Châu, có một cơn khát "Nước Hằng
sống" (x. Ga 4,10-15), một cơn khát chính Thần Khí đã tạo ra và chỉ mình
Đức Giêsu Cứu Thế mới có thể thoả mãn trọn vẹn. Giáo Hội trông chờ Chúa Thánh
Thần tiếp tục chuẩn bị các dân tộc Á Châu vào cuộc đối thoại cứu độ với Đấng
Cứu Thế của mọi người. Được Thần Khí hướng dẫn trong sứ vụ phục vụ và tình yêu,
Giáo Hội có thể trao tặng một cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và các dân tộc tại Á
Châu khi họ đi tìm cuộc sống viên mãn. Chỉ trong cuộc gặp gỡ đó, mới gặp được
nguồn Nước Hằng Sống vọt đến sự sống đời đời, nghĩa là, sự hiểu biết một Thiên
Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Người đã sai đến (x. Ga 17,3).
Giáo Hội biết rõ rằng mình chỉ có thể hoàn thành sứ
vụ khi nghe theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Khi dấn thân làm dấu hiệu và
dụng cụ đích thực cho hoạt động của Thần Khí trong những thực tại phức tạp tại
Á Châu, Giáo Hội phải biện phân, giữa tất cả hoàn cảnh khác nhau của lục địa,
tiếng Thần Khí mời gọi làm chứng cho Đức Giêsu bằng những cung cách mới và có
hiệu quả. Chân lý trọn vẹn về Đức Giêsu và sự cứu độ mà họ đã đạt được luôn là
một ân huệ, chớ không bao giờ là thành quả của nỗ lực con người. "Chính
Thần Khí chứng thực cho thần khí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.
Vậy, đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là
đồng thừa kế với Đức Kitô" (Rm 8,16-17). Do đó Giáo Hội không ngừng kêu
lên: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy tràn đầy tâm hồn các tín
hữu Chúa và đốt lên trong họ ngọn lửa tình yêu của Chúa!" Đó là ngọn lửa
mà Đức Giêsu ném trên mặt đất. Giáo Hội tại Á Châu chia sẻ niềm ước mong của
Người cho ngọn lửa đó giờ đây lại bừng cháy lên (x. Lc 1249). Với lòng ao ước
nồng cháy này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã tìm cách biện biệt những lãnh
vực truyền giáo chính yếu cho Giáo Hội tại Á Châu, đang lúc Giáo Hội này bước
qua ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba.