CHƯƠNG IV

ĐỨC GIÊSU ĐẤNG CỨU THẾ:
LOAN BÁO ƠN HUỆ

Vị trí Ưu Tiên của Việc Loan Báo

19.    Ở ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, tiếng Đức Giêsu phục sinh lại vang dội trong tâm hồn mỗi người Kitô hữu: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,18-20). Xác tín vào sự giúp đỡ liên lỉ của chính Đức Giêsu cũng như sự hiện diện và quyền năng của Thần khí của Người, các tông đồ ra đi tức khắc sau lễ ngũ tuần để hoàn thành lệnh truyền này: "các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông" (Mc 16,20). Những gì các ông loan báo có thể tóm tắt trong những lời Thánh Phaolô: "Bởi chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu" (2 Cr 4,5). Được chúc phúc với ơn đức tin, Giáo Hội, sau 2000 năm, tiếp tục ra đi gặp gỡ các dân tộc của thế giới, để chia sẻ cho họ Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Giáo Hội là một cộng đồng rực cháy sự hăng say truyền giáo, để làm cho Đức Giêsu được biết, yêu mến và đi theo.

Không thể có Phúc Âm hoá thực sự mà không có loan báo công khai về Đức Giêsu là Chúa. Để trả lời cho một sự lầm lẫn về bản tính chân thật của sứ mạng Giáo Hội, thì Công Đồng Vatican II và huấn quyền từ đó, đã luôn luôn nhấn mạnh vị trí ưu tiên của việc rao giảng về Đức Giêsu Kitô trong mọi hoạt động Phúc Âm hoá. Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã minh nhiên viết rằng "không thể có việc Phúc Âm hoá thật nếu danh xưng, lời giảng dạy, sự sống, những lời hứa, vương quốc và mầu nhiệm Đức Giêsu thành Nadareth, Con Thiên Chúa, không được loan báo" (66). Đó là điều các thế hệ Kitô hữu đã làm suốt bao thế kỷ. Với một sự hãnh diện có thể hiểu được, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhắc lại rằng: "Nhiều cộng đoàn Kitô hữu tại Á Châu đã gìn giữ đức tin của mình suốt bao thế kỷ dẫu trải qua những đau khổ lớn lao, và đã bám trụ vào gia sản thiêng liêng này với sự kiên trì dũng cảm. Đối với họ, chia sẻ kho tàng lớn lao này là một niềm vui lớn và cấp thiết" (67).

Đồng thời, các vị tham gia Hội nghị đặc biệt đã xác nhận không biết bao nhiêu lần sự cần thiết tái dấn thân vào việc rao giảng Đức Giêsu Kitô chính trên lục địa đã thấy khởi sự việc rao giảng này cách đây 2000 năm. Những lời thánh Phaolô Tông đồ lại càng trở nên nhức nhối hơn, bởi lẽ nhiều người trên lục địa này chưa bao giờ gặp được con người Đức Giêsu cách rõ ràng và ý thức: "Tất cả những ai kêu cầu Danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ có thể tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng?" (Rm 10,13-14). Câu hỏi lớn mà Giáo Hội tại Á Châu đang giáp mặt là làm sao chia sẻ với các anh chị em tại Á Châu về kho tàng chúng ta có, như là một ân huệ chứa đựng tất cả các ân huệ khác, đó là Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.

Loan Báo Đức Giêsu Kitô tại Á Châu

20.    Giáo Hội tại Á Châu tha thiết hơn với công tác rao giảng, vì biết rằng "nhờ hoạt động của Thần Khí, đã có saün nơi các cá nhân và các dân tộc một sự mong chờ, cho dầu vô ý thức, mong chờ được biết chân lý về Thiên Chúa, về con người, và về cách thức thoát khỏi tội lỗi và sự chết" (68). Sự nhấn mạnh đến việc rao giảng đó không bị thúc đẩy bởi áp lực các bè phái, cũng không phải bởi tinh thần xúi nhập đạo, cũng không phải do ý thức tự tôn nào cả. Giáo Hội rao giảng Tin Mừng vì vâng lời lệnh truyền của Đức Kitô, biết rằng mọi người có quyền nghe Tin Mừng của Thiên Chúa, Đấng mạc khải và hiến mình trong Đức Kitô (69). Làm chứng về Đức Giêsu Kitô là công việc phục vụ cao cả nhất mà Giáo Hội có thể trao tặng cho các dân tộc Á Châu, bởi vì việc đó đáp ứng với sự ước mong sâu xa của họ được gặp Đấng Tuyệt Đối, và nó cũng vén mở những chân lý và những giá trị bảo đảm sự phát triển toàn diện con người.

Vì ý thức sâu xa đến tính phức tạp của rất nhiều hoàn cảnh khác nhau tại Á Châu, và phải "nói sự thật trong tình bác ái" (Ep 4,15), nên Giáo Hội loan báo Tin Mừng với lòng kính nể và tôn trọng đầy yêu thương đối với thính giả của mình. Việc loan báo mà tôn trọng các quyền của lương tâm thì không xúc phạm tự do, bởi vì đức tin luôn đòi hỏi một sự đáp trả tự do về phía cá nhân (70). Tuy nhiên sự kính trọng không loại đi sự cần thiết phải rao giảng công khai Tin Mừng trong sự toàn vẹn của nó. Cách riêng trong bối cảnh nhiều nền văn hoá và tôn giáo tại Á Châu, phải nêu rõ rằng "không phải sự kính nể và tôn trọng các tôn giáo này, cũng không phải tính phức tạp của các vấn đề nẩy sinh, là một lời mời gọi Giáo Hội rút lui khỏi sự rao giảng Đức Giêsu cho những người không Kitô hữu này" (71). Khi viếng thăm Aán Độ năm 1986, tôi đã phát biểu rõ ràng rằng: "việc Giáo Hội tiếp xúc với các tôn giáo khác là một tiếp xúc đầy kính trọng chân thành...Sự kính trọng này có hai mặt: kính trọng đối với con người khi họ tìm câu trả lời cho các vấn đề sâu xa nhất về cuộc sống của họ, và sự kính trọng đối với hoạt động Thần Khí trong con người" (72). Thật vậy, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng saün sàng nhìn nhận hoạt động của Thần Khí trong các xã hội, văn hoá và tôn giáo Á Châu, nhờ đó mà Chúa Cha chuẩn bị tâm hồn cho các dân tộc Á Châu đón nhận đầy đủ sự sống trong Đức Kitô (73).

Trong các cuộc thăm dò trước khi họp Thượng Hội Đồng, nhiều Giám Mục Á Châu nhắc đến các khó khăn khi rao giảng Đức Giêsu như Đấng Cứu độ duy nhất. Trong Hội Nghị, hoàn cảnh được diễn tả như vầy: "Một số người theo các tôn giáo lớn tại Á Châu, không có vấn đề gì khi chấp nhận Đức Giêsu như một hiển hình của Thần Thánh hay Đấng Tuyệt Đối, hay là một minh chủ (enlightened one). Nhưng đối với họ thật khó mà công nhận Người như một hiển hình duy nhất của Thiên Chúa" (74). Thật thế, nỗ lực chia sẻ ơn huệ đức tin vào Đức Giêsu như Đấng Cứu Độ duy nhất, gặp đầy dẫy những khó khăn về phương diện triết học, văn hoá và thần học, đặc biệt trong ánh sáng của những niềm tin của các tôn giáo lớn tại Á Châu, đan kết sâu xa với các giá trị văn hoá và những lối nhìn riêng biệt về thế giới.

Theo ý kiến của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, cái khó là do sự kiện Đức Giêsu thường bị coi xa lạ với Á Châu. Điều nghịch lý là phần lớn người Á Châu có khuynh hướng nhìn Đức Giêsu -sinh ra trong phần đất Á Châu- như là một nhân vật Âu Châu hơn là Á Châu. Việc rao giảng Tin Mừng do các nhà truyền giáo Âu Châu chịu ảnh hưởng bởi các nền văn hoá nơi các Ngài phát xuất là điều không thể tránh được. Các nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã công nhận đó là sự kiện không thể tránh được trong lịch sử truyền giáo. Đồng thời các Nghị Phụ trong dịp này "bày tỏ cách hết sức đặc biệt lòng biết ơn của các ngài đối với tất cả các vị thừa sai, nam cũng như nữ, tu sĩ cũng như giáo dân, ngoại kiều hay bản xứ, đã mang đến sứ điệp của Đức Giêsu Kitô và ơn huệ đức tin. Một lời cảm ơn đặc biệt nữa phải được biểu lộ đối với những Giáo Hội địa phương đã sai và còn sai các vị thừa sai đến Á Châu" (75).

Những nhà truyền giáo có thể tin tưởng, dựa vào kinh nghiệm của thánh Phaolô, vị đã lao mình vào cuộc đối thoại với những giá trị mang tính triết học, văn hoá và tôn giáo của những thính giả (x. Cv 14, 13-17; 17, 22-31). Chính các công đồng chung của Giáo Hội, khi soạn thảo những công thức đức tin của Giáo Hội, đã phải sử dụng những vốn ngôn ngữ, triết học, văn hoá mà họ có trong tầm tay. Như vậy, những vốn đó trở thành một tài sản chung của toàn thể Giáo Hội, có khả năng phát biểu học thuyết Kitô của mình một cách xứng hợp và phổ quát. Chúng thuộc về gia tài đức tin, mà ta phải chiếm hữu và không ngừng chia sẻ lại khi gặp gỡ với các nền văn hoá khác nhau (76). Như vậy sứ vụ rao giảng Đức Giêsu theo một cách thức làm cho các dân tộc Á Châu được đồng hoá với Người, đang khi vẫn trung thành với giáo thuyết thần học của Giáo Hội và với những nguồn gốc Á Châu của mình, sứ vụ đó là một thách đố tột bậc.

Việc trình bày Đức Giêsu Kitô là một Đấng Cứu Độ duy nhất, cần phải theo một khoa sư phạm, từng bước dẫn đưa dân chúng đến việc đón nhận trọn vẹn mầu nhiệm. Rõ ràng là việc loan báo Tin mừng lần đầu tiên những người không kitô hữu, và việc rao giảng Đức Giêsu tiếp theo đó cho những kẻ tin, phải khác nhau trong cách tiếp cận. Trong lần loan báo đầu tiên, chẳng hạn, "có thể trình bày Đức Giêsu Kitô như sự hoàn thành những khát vọng được diễn tả trong các thần thoại và văn học dân gian của các dân tộc Á Châu" (77). Nói chung, phương pháp kể truyện, quen thuộc với văn hoá Á Châu, thì đáng được dùng ưu tiên. Quả thực, việc rao giảng Đức Giêsu Kitô có thể có hiệu quả nhất bằng cách kể lại câu chuyện về Người, như sách Phúc Âm làm. Các khái niệm hữu thể học có liên quan, mà phải luôn luôn được hàm ý và diễn tả khi đang trình bày về Đức Giêsu, có thể được bổ sung nhờ những viễn tượng có tính cách tương quan, lịch sử và cả đến tính vũ trụ. Các Nghị Phụ lưu ý, Giáo Hội phải cởi mở với những phương cách mới và gây ngạc nhiên, nhờ vậy mà gương mặt Đức Giêsu có thể được trình bày tại Á Châu (78).

Thượng Hội Đồng khuyến cáo rằng việc dạy giáo lý tiếp sau đó, phải theo "một khoa sư phạm có tính gợi ý, sử dụng những câu truyện, những dụ ngôn và những biểu tượng rất đặc trưng của phương pháp giảng dạy Á Châu" (79). Sứ vụ của chính Đức Giêsu cho thấy rõ giá trị của việc tiếp xúc cá nhân, điều này đòi hỏi nhà truyền giáo phải lưu tâm đến hoàn cảnh người nghe, để có thể cống hiến một sự loan báo tương xứng với trình độ trưởng thành của người nghe, qua một hình thức và ngôn ngữ xứng hợp. Trong viễn tượng này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhiều lần đã nhấn mạnh đến nhu cầu loan báo Tin mừng bằng một cách thức có thể lôi cuốn tính nhạy cảm của người dân Á Châu, và các ngài nêu lên những hình ảnh về Đức Giêsu có thể hiểu được theo tâm trí và văn hoá Á Châu và đồng thời, trung thành với Kinh Thánh và truyền thống. Trong những hình ảnh đó, có những hình ảnh "Đức Giêsu là Thầy dạy sự khôn ngoan, Vị Lương y, Đấng Giải phóng, Vị Hướng dẫn đàng thiêng liêng, Minh chủ, Người Bạn giàu lòng thương xót của kẻ nghèo, Người Samaritanô nhân hậu, Vị Mục tử nhân lành, Đấng vâng phục" (80). Đức Giêsu có thể được trình bày như là sự khôn ngoan nhập thể của Thiên Chúa. Ân sủng của Người mang lại hoa trái cho "những hạt giống" của Đấng khôn Ngoan đã hiện diện trong cuộc sống, tôn giáo và các dân tộc của Á Châu (81). Giữa nhiều đau khổ các dân tộc Á Châu phải gánh chịu, Đức Giêsu có thể được rao giảng tốt nhất như là Đấng Cứu độ, "Đấng có thể đem lại ý nghĩa cho những ai đang trải qua những đau khổ và đau đớn không thể tả được" (82).

Đức tin mà Giáo Hội cống hiến như một ân huệ cho con cái mình, không thể bị giam giữ bên trong những giới hạn của sự hiểu biết và sự diễn tả riêng của một nền văn hoá nhân bản nào, bởi vì nó vượt lên trên những giới hạn này và còn thách thức mọi nền văn hoá tiến lên những chiều cao mới mẻ của sự hiểu biết và diễn tả. Nhưng đồng thời, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ý thức rõ về nhu cầu khẩn khiết của Giáo Hội tại Á Châu, muốn trình bày mầu nhiệm Đức Kitô cho các dân tộc mình, theo những kiểu mẫu văn hoá và cách suy nghĩ của họ. Các Ngài chỉ rõ rằng việc hội nhập đức tin như thế trên lục địa các Ngài, gồm có việc tái khám phá khuôn mặt Á Châu của Đức Giêsu và việc tìm ra những phương cách để các nền văn hoá Á Châu có thể nắm bắt ý nghĩa cứu độ phổ quát của mầu nhiệm Đức Giêsu và Giáo Hội Người (83). Trong thời đại hôm nay, cần làm sống lại sự hiểu biết sâu sắc về các dân tộc và văn hoá mà đã có được một cách gương mẫu nơi những con người như Gioan Montecorvino, Matteo Ricci và Roberto de Nobili, đây chỉ nhắc tới một ít người thôi.

Thách Đố của việc Hội Nhập Văn Hoá

21.    Văn hoá là không gian sống trong đó con người đến với Tin Mừng, mặt giáp mặt. Cũng như văn hoá là thành quả của sự sống và hoạt động của một nhóm người, thì những con người thuộc nhóm đó cũng được uốn nắn trong phạm vi rộng rãi bởi nền văn hoá trong đó họ đang sống. Vì con người và xã hội thay đổi, nền văn hoá cũng bị thay đổi theo. Vì văn hoá biến đổi nên con người và xã hội cũng biến đổi theo nó. Từ viễn ảnh này, ta thấy rõ ràng hơn tại sao việc Phúc Âm hoá và hội nhập văn hoá liên hệ với nhau cách tự nhiên và mật thiết. Tin Mừng và việc rao giảng Tin Mừng chắc chắn không đồng nhất với văn hoá; chúng độc lập với văn hoá. Tuy nhiên Nước Thiên Chúa đến với những con người gắn bó sâu xa với một nền văn hoá, và việc xây dựng Vương Quốc không tránh khỏi mượn các yếu tố từ các nền văn hoá nhân bản. Vì thế Đức Phaolô VI nói sự chia tách giữa Tin Mừng và văn hoá là thảm trạng của thời đại chúng ta, với một tác động sâu xa trên cả việc rao giảng Tin Mừng lẫn văn hoá (84).

Trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo Hội không những truyền đạt các chân lý và những giá trị của mình và đổi mới các nền văn hoá từ bên trong, nhưng Giáo Hội cũng tiếp thu từ các nền văn hoá khác nhau, những yếu tố tích cực có saün trong các nền văn hoá đó. Đó là con đường bắt buộc cho những nhà rao giảng Tin Mừng khi trình bày đức tin Kitô giáo và làm cho nó trở nên một thành phần của di sản văn hoá của một dân tộc. Về phần mình, khi các nền văn hoá khác nhau được hoàn thiện và canh tân dưới ánh sáng của Tin mừng, chúng có thể trở nên những diễn tả đích thực của đức tin kitô giáo duy nhất. "Nhờ hội nhập văn hoá mà Giáo Hội, về phần mình, đã trở nên một dấu chỉ dễ hiểu hơn về bản tính của mình, và trở nên một dụng cụ hữu hiệu hơn cho việc truyền giáo" (85). Sự giao kết đó với các nền văn hoá đã luôn là thành phần cuộc hành trình của Giáo Hội qua lịch sử. Nhưng ngày nay sự giao kết đó càng cấp bách cách đặc biệt trong cảnh huống đa-dân-tộc, đa-tôn-giáo, đa-văn-hoá tại Á Châu, nơi mà Kitô giáo vẫn thường còn bị coi là ngoại lai.

Tới đây, quả là tốt khi nhớ lại những gì thường được lặp đi lặp lại trong Thượng Hội Đồng: Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của sự hội nhập văn hoá của đức tin Kitô giáo tại Á Châu (86). Cũng một Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt chúng ta đến chân lý toàn diện, làm cho có thể thực hiện được một cuộc đối thoại có hiệu quả với các giá trị văn hoá và tôn giáo các dân tộc khác nhau. Người hiện diện giữa họ trong một mức độ nào đó, ban sức mạnh cho các người nam nữ thành tâm thiện chí, để họ chiến thắng sự dữ và sự lừa đảo của Thần Dữ, và ban tặng cho mỗi người khả năng thông dự vào mầu nhiệm Phục Sinh, bằng cách nào đó Chúa biết (87). Sự hiện diện của Thần Khí bảo đảm rằng sự đối thoại diễn ra trong chân lý, trong lương thiện, khiêm tốn và kính trọng (88). "Khi ban tặng cho kẻ khác Tin Mừng cứu rỗi, Giáo Hội cố gắng tìm hiểu nền văn hoá của họ. Giáo Hội tìm hiểu tâm trí kẻ nghe, các giá trị và tập quán của họ, các vấn đề và những khó khăn của họ, những hy vọng và những ước mơ của họ. Một khi Giáo Hội hiểu biết những khía cạnh văn hoá khác nhau đó, thì bấy giờ Giáo Hội mới có thể bắt đầu cuộc đối thoại cứu rỗi; Giáo Hội có thể trao tặng, cách kính cẩn nhưng rõ ràng và đầy xác tín, Tin Mừng cứu chuộc cho những ai muốn nghe và tự do đáp trả" (89). Do đó, các dân tộc Á Châu nào, trong tư cách là người Á Châu, mà muốn chiếm hữu đức tin Kitô giáo, thì có thể yên tâm rằng những hy vọng, những trông đợi, những âu lo và đau khổ của họ không những được Đức Giêsu ôm lấy, mà còn trở thành điểm đích thực để ân huệ đức tin và quyền năng Thần Khí đi vào trong cốt lõi thâm sâu nhất của đời sống họ.

Nhiệm vụ của các vị Chủ Chăn, do đoàn sủng của các ngài, là phải hướng dẫn cuộc đối thoại này cách sáng suốt. Cũng vậy, những chuyên viên về các khoa học đạo và đời, đóng những vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập văn hoá. Nhưng quá trình phải bao gồm toàn thể dân Chúa, bởi vì đời sống Giáo Hội như một toàn thể, phải tỏ bày đức tin đang được rao giảng và được tiếp thu. Để bảo đảm cho việc này được thực hiện có chiều sâu, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng xác định một vài lãnh vực đáng chú ý riêng - suy tư thần học, phụng vụ, đào tạo các linh mục và tu sĩ, dạy giáo lý và tu đức (90).

Những Lãnh Vực Chủ Chốt của Việc Hội Nhập Văn Hoá

22.    Thượng Hội Đồng khích lệ các nhà thần học trong công tác tế nhị của họ làm phát triển khoa thần học hội nhập (une théologie inculturée), cách riêng trong lãnh vực Kitô học (91). Các ngài lưu ý rằng "việc suy tư thần học này phải được thực hiện cách can đảm, trong sự trung thành với Kinh Thánh và truyền thống của Giáo hội, trong sự gắn bó chân thành với Huấn Quyền và trong sự hiểu biết về những thực tại mục vụ" (92). Tôi cũng thôi thúc các nhà thần học làm việc trong tinh thần hợp nhất với các Chủ Chăn và dân chúng, những người- luôn hợp nhất với nhau và không bao giờ chia tách nhau- "phản chiếu cảm thức đức tin chân chính mà ta không bao giờ được thôi nhìn" (93). Công trình thần học phải luôn luôn được hướng dẫn bởi sự kính trọng đối với những nhạy cảm của người Kitô hữu, để nhờ sự tăng trưởng dần dần hướng về những hình thức hội nhập biểu tỏ đức tin, dân chúng không bị hoang mang hay bị vấp phạm. Trong mọi trường hợp, việc hội nhập văn hoá phải được hướng dẫn bởi sự tương hợp với Tin Mừng và sự hiệp thông với đức tin của toàn thể Giáo Hội, trong sự thuận theo hoàn toàn với truyền thống Giáo Hội và với mục đích làm cho đức tin dân chúng nên vững mạnh (94). Trắc nghiệm của việc hội nhập văn hoá đích thực, là xem dân chúng có trở nên gắn bó hơn với đức tin Ki tô giáo của mình hay không, bởi vì họ thấy đức tin rõ hơn bằng cặp mắt thuộc về văn hoá của họ.

Phụng Vụ là nguồn gốc và là tuyệt đỉnh của tất cả đời sống Kitô hữu và truyền giáo (95). Phụng Vụ là một phương tiện quyết định của việc rao giảng Tin Mừng, nhất là tại Á Châu, nơi mà những người theo đạo khác nhau rất ưa thích việc tế tự, những lễ hội tôn giáo và những việc đạo đức bình dân (96). Phụng Vụ của các Giáo Hội Phương Đông phần lớn đã được hội nhập văn hoá có kết quả sau bao thế kỷ tương tác với nền văn hoá xung quanh, nhưng những Giáo Hội được thành lập mới đây cần làm sao để phụng vụ trở nên nguồn mạch nuôi dưỡng hơn cho dân chúng, qua việc sử dụng khôn ngoan và hiệu năng các yếu tố rút ra từ các nền văn hoá địa phương. Nhưng sự hội nhập Phụng vụ đòi hỏi nhiều điều hơn là việc chú tâm vào những giá trị văn hoá truyền thống, những biểu tượng và những nghi thức. Cũng cần lưu ý đến những thay đổi trong ý thức và thái độ gây ra do sự xuất hiện của các nền văn hoá trần tục và hưởng thụ đang ảnh hưởng đến cảm thức phụng tự và cầu nguyện của người Á Châu. Cũng không được bỏ qua những nhu cầu riêng biệt của người nghèo, người di dân, người tị nạn, giới trẻ và phụ nữ trong bất cứ việc hội nhập phụng vụ chân chính nào tại Á Châu.

Các Hội Đồng Giám Mục quốc gia và miền, cần phải làm việc chặt chẽ hơn với Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, trong việc tìm kiếm những phương thức có hiệu năng để cổ võ những hình thức phụng tự thích hợp trong bối cảnh Á Châu (97). Sự hợp tác này là cần thiết bởi vì Phụng vụ thánh diễn tả và cử hành một đức tin được mọi người tuyên xưng và, bởi Phụng vụï thánh là gia sản của toàn thể Giáo Hội, nên không thể do các Giáo Hội địa phương định đoạt cách riêng rẽ khỏi Giáo Hội hoàn vũ.

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh cách riêng đến tầm quan trọng của Lời Kinh Thánh trong việc loan truyền sứ điệp cứu độ cho các dân tộc Á Châu, nơi mà Lời được loan truyền có một vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và truyền đạt kinh nghiệm tôn giáo (98). Cho nên cần phát triển một hình thức tông đồ hữu hiệu nhằm phổ biến kinh thánh, hầu có thể đảm bảo rằng bản văn Kinh Thánh được phổ biến rộng rãi hơn và được sử dụng thường xuyên và trong tinh thần cầu nguyện hơn giữa các phần tử Giáo Hội tại Á Châu. Các nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng thật là cấp bách việc dùng Kinh Thánh như là nền tảng cho tất cả mọi việc loan báo, dạy giáo lý, giảng thuyết và hình thức linh đạo truyền giáo (99). Cần phải cổ động và nâng đỡ những cố gắng dịch thuật Kinh Thánh ra tiếng địa phương. Đào tạo về Kinh Thánh phải được coi như một phương tiện quan trọng để giáo dục đức tin cho dân chúng và chuẩn bị họ cho công việc loan báo. Cần phải đưa vào chương trình đào tạo giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến và giáo dân những khoá học Kinh Thánh hướng về mục vụ, với sự nhấn mạnh thích đáng về việc áp dụng huấn giáo Kinh Thánh vào những thực tại phức tạp của đời sống Á Châu (100). Kinh Thánh cũng phải phổ biến giữa những người theo các tôn giáo khác; Lời Chúa có một quyền lực nội tại đánh động tâm hồn dân chúng, bởi vì qua Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần mạc khải kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đối với thế gian. Hơn nữa những lối văn tường thuật gặp được trong nhiều sách Kinh Thánh, có một quan hệ tương đồng với những bản văn tôn giáo điển hình của Á Châu (101).

Một khía cạnh mấu chốt nữa của việc hội nhập văn hoá, có ảnh hưởng phần lớn tới tương lai của tiến trình, đó là sự đào tạo những người rao giảng Tin Mừng. Trong quá khứ, việc đào tạo thường theo kiểu cách, phương pháp và chương trình du nhập từ phương Tây, và tuy đánh giá cao ích lợi do phương pháp đào tạo đó mang lại, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhìn nhận là một phát triển tích cực, các cố gắng thực hiện trong những thời gian gần đây để thích nghi việc đào tạo những người rao giảng Tin Mừng với những bối cảnh văn hoá tại Á Châu. Cùng với việc có được một nền tảng vững chắc do sự học hỏi về Kinh Thánh và các Thánh Giáo Phụ, các chủng sinh phải nắm vững cách chắc chắn và chi tiết gia sản thần học và triết học của Giáo Hội, như tôi đã thúc giục trong Thông điệp Fides et Ratio (102). Trên nền tảng của sự chuẩn bị đó, các chủng sinh mới thu nhiều ích lợi khi tiếp xúc với những truyền thống triết học và tôn giáo tại Á Châu (103). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng khích lệ các giáo sư và các cộng tác viên tìm hiểu cách sâu sắc những yếu tố thuộc tu đức và cầu nguyện, thân thuộc với tâm hồn Á Châu, và dấn mình sâu hơn nữa vào công cuộc tìm kiếm một đời sống trọn vẹn hơn của các dân tộc Á Châu (104). Để đạt mục đích này, cần nhấn mạnh đến việc đào tạo thích đáng ban giáo sư chủng viện (105). Thượng Hội Đồng cũng biểu lộ mối quan tâm về việc đào tạo các tu sĩ nam nữ sống đời thánh hiến, bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng linh đạo và nếp sống của những người được thánh hiến, cần phải nhạy cảm với gia sản tôn giáo và văn hoá của những người họ đang chung sống và đang phục vụ, với giả định là cần phải phân biệt cái gì phù hợp với Tin Mừng, cái gì không (106). Hơn nữa, bởi vì việc hội nhập văn hoá Tin Mừng dính dáng đến toàn thể dân Chúa, vai trò người giáo dân có tầm quan trọng tột bậc. Chính họ là những người hơn ai hết được kêu gọi biến đổi xã hội, trong sự hợp tác với các Giám mục, giáo sĩ và tu sĩ, bằng cách làm cho "tinh thần Đức Kitô" thâm nhập vào trong não trạng, tập quán, luật pháp và cấu trúc của thế giới trần tục nơi họ đang sống (107). Một sự hội nhập văn hoá rộng rãi hơn cho Tin Mừng, ở mọi cấp bậc xã hội tại Á Châu, phần lớn tuỳ thuộc vào sự đào tạo xứng hợp mà các Giáo Hội địa phương dành cho giáo dân.

Đời Sống Kitô Hữu xét như là một lời loan báo

23.    Cộng đồng Kitô hữu càng đâm rễ sâu trong kinh nghiệm về Thiên Chúa xuất phát từ một đức tin sống động, thì càng khả tín về khả năng rao giảng cho kẻ khác biết sự hoàn thành của Nước Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Đó là kết quả của việc trung thành nghe Lời Chúa, cầu nguyện và chiêm ngưỡng, cử hành mầu nhiệm Đức Giêsu trong các bí tích, nhất là trong bí tích Thánh Thể, và nêu gương về sự hiệp thông sự sống đích thật và yêu thương trọn vẹn. Trái tim của Giáo Hội địa phương phải hướng về việc chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-làm-người, và liên lỉ ra sức kết hiệp mật thiết hơn với Đấng mà mình tiếp tục sứ vụ. Việc truyền giáo là hành động bằng chiêm ngưỡng và là sự chiêm ngưỡng bằng hành động. Do đó một nhà truyền giáo mà không có kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa qua kinh nguyện và chiêm ngưỡng, thì sẽ có ít ảnh hưởng thiêng liêng hay thành công về mặt truyền giáo. Đây là một suy tư rút ra từ thừa tác vụ linh mục của riêng tôi và, như tôi đã viết nơi khác, sự tiếp xúc của tôi với các đại diện những truyền thống thiêng liêng không Kitô giáo, nhất là của Á Châu, đã củng cố tôi trong xác tín rằng tương lai của việc truyền giáo tùy thuộc phần lớn vào việc chiêm ngưỡng (108). Tại Á Châu, quê hương của các tôn giáo lớn, nơi mà các cá nhân cũng như toàn thể dân chúng đang khao khát cái thiêng thánh, Giáo Hội được mời gọi trở nên một Giáo Hội cầu nguyện, hoàn toàn thánh thiêng dù dấn thân trong những mối quan tâm trực tiếp về mặt nhân bản và xã hội. Tất cả các Kitô hữu cần một tu đức truyền giáo thật sự gồm có cầu nguyện và chiêm ngưỡng.

Một người có lòng đạo chân chính thì dễ dàng được người ta kính trọng và đi theo tại Á Châu. Cầu nguyện, chay tịnh và những hình thức khổ hạnh khác được coi trọng. Hy sinh, bỏ mình, khiêm tốn, đơn sơ và thinh lặng được xem là những giá trị lớn đối với các tín đồ của mọi tôn giáo. Để sự cầu nguyện không tách rời khỏi sự thăng tiến nhân bản, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng "các công việc của công bình, bác ái và lòng thương xót thì có quan hệ với một đời sống cầu nguyện và chiêm ngưỡng đích thực, và hơn nữa chính cũng một tu đức này là nguồn suối của mọi công trình rao giảng Tin Mừng của chúng ta" (109). Hoàn toàn xác tín về tầm quan trọng của các chứng tá chân chính trong việc rao giảng Tin Mừng tại Á Châu, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng phát biểu: "Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô chỉ có thể được rao giảng bởi những ai bị chiếm đoạt và được linh hứng bởi tình yêu của Chúa Cha đối với con cái mình, tình yêu đó được tỏ bày nơi con người Đức Giêsu Kitô. Việc loan truyền này là một sứ vụ cần đến những con người nam nữ thánh thiện, họ sẽ làm cho Đấng Cứu Thế được biết và được yêu suốt đời của họ. Một ngọn lửa chỉ được cháy lên bằng cái gì đã bén lửa. Cũng vậy, việc loan truyền Tin Mừng Cứu Độ mà có hiệu quả tại Á Châu, chỉ có thể xảy ra, nếu các Giám Mục, các hàng Giáo Sĩ, những kẻ sống đời sống thánh hiến và giáo dân, cháy nóng bằng tình yêu Đức Kitô và ao ước làm cho Người được biết cách rộng rãi hơn, được yêu cách sâu xa hơn, và được theo cách gần gũi hơn" (110). Người Kitô hữu nói về Đức Kitô, thì phải thấm nhuần sứ điệp mà họ rao giảng vào đời sống mình.

Về phương diện này, một hoàn cảnh đặc biệt trong bối cảnh Á Châu đòi hỏi phải lưu ý. Giáo Hội nhận thức rằng chứng tá thầm lặng của đời sống vẫn là con đường duy nhất để loan báo Nước Chúa trong nhiều nơi tại Á Châu, mà việc rao giảng công khai bị ngăn cấm và sự tự do tôn giáo bị chối từ hay bị hạn chế có hệ thống. Giáo Hội sống cách ý thức kiểu làm chứng này, coi đó là một "việc vác thánh giá mình" (Lc 9, 23), đồng thời kêu gọi và thúc bách các chính phủ nhìn nhận tự do tôn giáo như là quyền lợi căn bản con người. Những lời của công đồng Vaticanô II đáng được lập lại ở đây: "Con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này hệ tại con người không bị lệ thuộc vào áp lực của cá nhân, đoàn thể xã hội hay của bất cứ quyền bính trần gian nào khác; không một ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm mình trong các việc tôn giáo, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm mình, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng" (111). Trong một vài quốc gia tại Á Châu, lời tuyên bố này vẫn cần được nhìn nhận và đem ra thi hành.

Như vậy, rõ ràng là việc loan báo về Đức Giêsu Kitô tại Á Châu mang nhiều khía cạnh phức tạp, vừa trong nội dung vừa trong phương cách. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng rất ý thức đến sự đa dạng chính đáng của những phương thức rao giảng về Đức Giêsu, miễn là chính đức tin được tôn trọng trong sự toàn vẹn của nó qua quá trình chiếm hữu hay chia sẻ đức tin. Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng "ngày nay việc Phúc âm hoá là một thực tại, vừa súc tích vừa năng động. Nó gồm có nhiều khía cạnh và yếu tố: chứng tá, đối thoại, rao giảng, dạy giáo lý, hoán cải, bí tích Rửa Tội, gia nhập vào cộng đoàn Giáo Hội, thiết lập Giáo Hội, hội nhập văn hoá và thăng tiến toàn diện con người. Một số yếu tố liên kết với nhau, đang khi một số khác là những bước hay những giai đoạn kế tiếp nhau của toàn thể quá trình Phúc âm hoá" (112). Tuy nhiên, trong mọi công cuộc Phúc âm hoá, phải loan báo trọn vẹn chân lý về Đức Giêsu Kitô. Nhấn mạnh đến một vài khía cạnh của mầu nhiệm khôn dò của Đức Giêsu, vừa là việc chính đáng vừa là cần thiết, để từ từ giới thiệu Đức Giêsu cho một con người, nhưng việc làm đó không được phép làm tổn thương tính toàn vẹn của đức tin. Sau cùng, sự chấp nhận đức tin của một con người phải được đặt nền tảng trên một sự hiểu biết chắc chắn về con người Đức Giêsu, như Giáo Hội trình bày mọi lúc mọi nơi, là Chúa của mọi người, Đấng "vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi mãi đến muôn đời".


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà