CHƯƠNG VII

NHỮNG CHỨNG NHÂN TIN MỪNG

Một Giáo Hội Làm Chứng

42.    Công đồng Vatican II đã dạy rõ rằng, toàn thể Giáo Hội phải truyền giáo, và công tác Phúc âm hóa là nhiệm vụ của toàn thể Dân Chúa (204). Bởi vì toàn Dân Chúa được sai đi để rao giảng Tin Mừng, việc Phúc âm hoá không bao giờ là một hành động cá nhân hay biệt lập; nó luôn luôn là một nhiệm vụ mang tính Giáo Hội, cần được thực hiện trong sự hiệp thông với toàn thể cộng đồng đức tin. Chỉ có một sứ mạng duy nhất và không thể phân chia, vì chỉ có một nguồn gốc và một cùng đích; nhưng trong nó có nhiều trách nhiệm khác nhau và nhiều thứ hoạt động khác nhau (205). Trong mọi trường hợp, rõ ràng là không thể có được sự rao giảng Tin Mừng đích thực nếu người Kitô hữu không trao tặng một chứng tá đời sống phù hợp với sứ vụ rao giảng: "Hình thức chứng tá đầu tiên là chính đời sống của vị thừa sai, của gia đình Kitô hữu, và của cộng đồng Giáo Hội, một cộng đồng bày tỏ một nếp sống mới. Mỗi người trong Giáo Hội, khi cố gắng bắt chước Thầy chí thánh, thì có thể và phải làm chứng theo kiểu này; trong nhiều trường hợp, đó là phương cách duy nhất có thể được, để trở thành nhà truyền giáo" (206). Cách riêng bây giờ, cần chứng tá Kitô hữu chính hiệu, bởi vì "ngày nay dân chúng tin các chứng nhân hơn là các Thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là lời giảng dạy, và tin vào đời sống và hành động hơn là vào lý thuyết" (207). Điều này càng đúng trong bối cảnh Á Châu, nơi mà dân chúng được thuyết phục do đời sống thánh thiện hơn là do lý lẽ trí thức. Như thế, kinh nghiệm về đức tin và về những ân ban của Chúa Thánh Thần, trở thành nền tảng của mọi hoạt động tông đồ, nơi thành thị hay ở thôn quê, trong trường học hay bệnh viện, giữa những kẻ tàn tật, di dân và dân bộ lạc, hay là khi theo đuổi công lý hoặc nhân quyền. Mọi hoàn cảnh đều thuận lợi để người Kitô hữu chứng tỏ quyền năng mà chân lý của Đức Kitô đã hoà nhập trong đời sống của họ. Do đó, được gợi hứng bởi nhiều vị thừa sai đã làm chứng anh dũng cho tình yêu Thiên Chúa giữa các dân tộc của lục địa trong quá khứ, Giáo Hội tại Á Châu bây giờ ra sức làm chứng, không kém sốt sắng hơn, cho Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Sứ vụ kitô giáo đòi hỏi ít nhất điều đó.

Ý thức về đặc tính truyền giáo của Giáo Hội và trông đợi Chúa Thánh Thần lại đổ xuống năng lực mới, đang lúc Giáo Hội đi vào ngàn năm mới, Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng yêu cầu rằng Tông Thư hậu Thượng Hội Đồng nêu lên một số chỉ thị và hướng dẫn cho những ai đang làm việc trong cánh đồng mênh mông của việc Phúc âm hoá tại Á Châu.

Các Chủ Chăn

43.    Chính Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho Giáo Hội khả năng hoàn thành sứ mạng Đức Kitô giao phó. Trước khi sai các môn đệ đi làm chứng nhân, Đức Giêsu ban cho họ Chúa Thánh Thần (x. Ga 20,22), Đấng đã hành động qua họ và đánh động con tim của những kẻ nghe họ (x. Cv 2,37). Cũng xảy ra như vậy đối với những kẻ Người sai đi ngày hôm nay. Một mặt, tất cả những ai đã lãnh bí tích Rửa Tội, do chính ân sủng của bí tích, đã được đề cử dự phần vào việc tiếp tục sứ vụ cứu rỗi của Đức Kitô, và họ có khả năng làm công tác này chính vì tình yêu Thiên Chúa đã được đổ xuống tâm hồn họ nhờ Chúa Thánh Thần mà Người ban cho họ (Rm 5,5). Nhưng mặt khác, sứ vụ chung này được chu toàn nhờ sự đa dạng của nhiều chức năng và đoàn sủng đặc biệt trong Giáo Hội. Trách nhiệm chính yếu để thực hành sứ vụ của Giáo Hội được Đức Kitô giao phó cho các Tông Đồ và những người kế vị các ngài. Do việc truyền chức Giám Mục và do sự hiệp thông phẩm trật với Vị đứng đầu Giám Mục đoàn, các Giám Mục lãnh nhận sự ủy thác và quyền bính để giảng dạy, cai quản và thánh hoá Dân Chúa. Do ý muốn của chính Đức Kitô, Đấng kế vị thánh Phêrô -tảng đá mà trên đó Giáo Hội được xây dựng (x. Mt 16,18)- thực thi sứ vụ đặc biệt là hiệp nhất bên trong Giám mục đoàn. Do đó, các Giám Mục phải chu toàn thừa tác vụ của mình trong sự hiệp nhất với Đấng Kế Vị thánh Phêrô, người bảo đảm chân lý của giáo huấn của các ngài và sự hiệp thông trọn vẹn của các ngài trong Giáo Hội.

Liên kết với các Giám Mục trong công việc loan báo Tin Mừng, các Linh mục được kêu gọi, qua việc truyền chức, trở nên mục tử của đoàn chiên, người rao giảng Tin Mừng cứu độ và thừa tác viên các bí tích. Để phục vụ Giáo Hội như Đức Kitô muốn, các Giám Mục và Linh mục cần được đào tạo vững chắc và liên tục, sự đào tạo đó sẽ cung cấp những thuận lợi để canh tân về mặt nhân bản, thiêng liêng và mục vụ, cũng như liệu cho có các khoá thần học, thiêng liêng và các khoa học nhân văn (208). Dân chúng tại Á Châu cần khám phá nơi hàng giáo sĩ không chỉ là những người chuyên lo việc bác ái hoặc những người quản trị cơ chế, nhưng những con người mà tâm trí hướng về những gì thâm sâu của Thần Khí (x. Rm 8,5). Lòng tôn kính mà các dân tộc Á Châu dành cho những kẻ nắm giữ quyền bính, cần đi đôi với sự liêm chính đạo đức rõ nét nơi những người có trách nhiệm thừa tác trong Giáo Hội. Nhờ có đời sống cầu nguyện, sự nhiệt thành phục vụ và cách sống gương mẫu, hàng giáo sĩ làm chứng hùng hồn cho Tin Mừng trong các cộng đoàn họ chăn dắt nhân danh Đức Kitô. Tôi thiết tha cầu nguyện để những thừa tác viên có chức thánh của Giáo hội tại Á Châu sống và làm việc trong một tinh thần hiệp thông và cộng tác với các Giám mục và mọi tín hữu, bằng cách làm chứng cho tình yêu mà Đức Giêsu đã công bố là dấu chỉ đích thực các môn đệ Người (x. Ga 13,35).

Đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh đến quan tâm của Thượng Hội Đồng về việc chuẩn bị những người linh hoạt và dạy dỗ trong các chủng viện và các phân khoa thần học (209). Sau khi được đào tạo nghiêm chỉnh về các môn khoa học thánh và những môn học liên hệ, các vị đó phải được đào tạo cách đặc biệt về linh đạo linh mục, nghệ thuật linh hướng, và các phương diện khác của công tác khó khăn và tế nhị đang chờ đợi các vị trong việc giáo dục các linh mục tương lai. Đây là một công tác tông đồ quan trọng nhất vì lợi ích và sức sống của Giáo Hội.

Đời Sống Thánh Hiến Và Các Hội Truyền giáo

44.    Trong Tông Thư Hậu Thượng Hội Đồng Vita Consecrata, tôi đã nhấn mạnh tới sự liên kết mật thiết giữa đời sống thánh hiến và sứ mạng truyền giáo. Qua ba khía cạnh của nó là tuyên xưng Ba Ngôi, dấu chỉ tình huynh đệ và phục vụ bác ái, đời sống thánh hiến tỏ bày tình yêu Thiên Chúa trong thế giới, qua chứng tá đặc biệt của nó về sứ vụ cứu rỗi mà Đức Giêsu hoàn thành bằng cách hiến thánh mình hoàn toàn cho Chúa Cha. Nhìn nhận rằng mọi hành động trong Giáo Hội tìm được sự nâng đỡ trong kinh nguyện và hiệp thông với Thiên Chúa, với lòng tôn kính và ngưỡng mộ sâu xa, Giáo Hội tại Á Châu xem các cộng đoàn tu trì sống đời chiêm ngưỡng như là nguồn mạch đặc biệt ban sức mạnh và soi sáng. Dựa theo những đề nghị của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi đặc biệt khuyến khích việc thiết lập những cộng đoàn đan tu và chiêm ngưỡng, nơi nào có thể được. Bằng cách thức ấy, như Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta, việc xây dựng xã hội trần thế luôn đặt nền móng nơi Chúa và luôn hướng về Người, kẻo những kẻ xây dựng xã hội trần thế lại lao động cách luống công (210).

Sự tìm kiếm Chúa, một đời sống hiệp thông huynh đệ, và việc phục vụ kẻ khác, là ba đặc tính chủ yếu của đời sống thánh hiến, có khả năng trao tặng một chứng tá Kitô giáo hấp dẫn đối với các dân tộc Á Châu ngày nay. Hội Nghị Đặc Biệt về Á Châu thúc giục những người sống đời thánh hiến trở nên chứng nhân cho lời mời gọi mọi người nên thánh, và nên gương mẫu lôi cuốn những Kitô hữu và không Kitô hữu, về tình yêu quên mình cho mọi người, nhất là những kẻ bé nhỏ nhất trong anh chị em mình. Trong một thế giới mà cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa thường bị giảm sút, những người thánh hiến cần phải nêu lên những chứng tá thuyết phục và có tính ngôn sứ về địa vị tối thượng của Thiên Chúa và của cuộc sống muôn đời. Sống trong cộng đoàn, họ làm chứng cho những giá trị của tình huynh đệ Kitô giáo và quyền năng biến đổi của Tin Mừng (211). Tất cả những ai dấn thân vào đời sống thánh hiến, đều được kêu gọi trở nên những người hướng dẫn trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, một sự tìm kiếm đã luôn luôn lay động con tim loài người và đặc biệt khả kiến dưới nhiều hình thức tu đức và khổ hạnh tại Á Châu (212). Trong nhiều truyền thống tôn giáo tại Á Châu, những người nam nữ hiến mình trong đời sống chiêm ngưỡng và khổ tu, rất được kính trọng, và chứng tá của họ có một khả năng thuyết phục đặc biệt. Cuộc đời của họ sống trong cộng đoàn, qua một chứng tá thầm lặng và an bình, có thể gợi hứng cho con người tạo nên một cuộc sống hoà hợp hơn trong xã hội. Người ta không mong chờ ít hơn nơi những người nam nữ thánh hiến trong truyền thống Kitô giáo. Gương âm thầm của họ về sự nghèo khó và bỏ mình, về sự khiết tịnh và chân thành, về sự từ bỏ mình trong vâng phục, có thể trở nên một chứng tá hùng hồn có khả năng đánh động mọi người thiện chí và đưa tới một đối thoại mang lại kết quả với các nền văn hoá và tôn giáo xung quanh, và với người nghèo cùng với kẻ không thể tự vệ. Điều đó làm cho đời sống thánh hiến trở nên một phương tiện đặc biệt để rao giảng Tin Mừng cho hữu hiệu (213).

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhìn nhận vai trò sinh động của các Dòng Tu và Tu Hội, của những Hội truyền giáo và những Hội đời sống tông đồ trong việc rao giảng Tin Mừng tại Á Châu các thế kỷ qua. Vì sự đóng góp vĩ đại này của họ, Thượng Hội Đồng tỏ bày với họ lòng biết ơn của Giáo Hội và thúc giục họ không nao núng trong dấn thân truyền giáo của ho. (214). Tôi hiệp ý với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng mà kêu gọi những người sống đời thánh hiến, canh tân sự nhiệt thành của họ trong việc loan báo chân lý cứu độ của Đức Kitô. Tất cả phải được huấn luyện và đào tạo xứng hợp; nền huấn luyện này cần tập trung vào Đức Kitô và trung thành với đoàn sủng nền tảng của họ, nhấn mạnh đến sự thánh thiện và chứng tá cá nhân; tu đức và kiểu sống của họ phải nhạy cảm với gia sản tôn giáo của dân tộc mà họ đang sống và phục vụ (215). Tuy vẫn tôn trọng đoàn sủng riêng của họ, họ phải hoà nhập trong chương trình mục vụ của Giáo Phận nơi họ làm việc. Về phần mình, các Giáo Hội địa phương cần đẩy mạnh sự hiểu biết về lý tưởng của các tu sĩ và đời sống thánh hiến, và cổ võ những ơn gọi đó. Điều này đòi hỏi mỗi giáo phận phải lập ra một chương trình mục vụ cho ơn gọi, gồm có việc chỉ định các Linh mục và tu sĩ làm việc toàn thời gian giữa giới trẻ để giúp họ lắng nghe và nhận định tiếng gọi của Chúa (216).

Trong bối cảnh hiệp thông của Giáo Hội toàn cầu, tôi không thể không thúc giục Giáo Hội tại Á Châu cử đi các vị thừa sai, mặc dầu chính họ cũng cần những người thợ làm việc trong vườn nho. Tôi vui mừng thấy trong nhiều nước Á Châu, những hội Thừa sai sống đời sống tông đồ mới được thành lập; điều đó chứng tỏ rằng đặc tính truyền giáo của Giáo Hội được nhìn nhận và các Giáo Hội địa phương tại Á Châu ý thức đến trách nhiệm phải rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới (217). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng khuyến khích "trong mỗi Giáo Hội địa phương tại Á Châu nơi nào chưa có, nên thành lập những Hội Thừa Sai sống đời sống tông đồ, với đặc tính là dấn thân cách đặc biệt lo việc truyền giáo ad gentes, ad exteros ad vitam" (218). Một sáng kiến như thế chắc chắn mang lại kết quả phong phú, không những cho các Giáo Hội đón nhận các vị thừa sai, nhưng còn cho những Giáo Hội sai họ đi.

Người Giáo Dân

45.    Như Công đồng Vatican II chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ hoàn toàn vào trong thế gian, để họ chu toàn những công tác đa dạng nhất, và chính nơi đây mà họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng Đức Giêsu Kitô (219). Do ân sủng và ơn gọi do bí tích Rửa Tội và Thêm sức, tất cả giáo dân là thừa sai; và sân khấu hoạt động tông đồ của họ là thế giới mênh mông và phức tạp, gồm có chính trị, kinh tế, kỹ nghệ, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật và thể thao. Trong nhiều nước tại Á Châu, người giáo dân đã phục vụ như những nhà truyền giáo thực thụ, tiếp xúc những người bạn Á Châu, những người có lẽ chưa bao giờ gặp được hàng giáo sĩ và tu sĩ (220). Tôi thay mặt toàn thể Giáo Hội bày tỏ lòng biết ơn với họ, và tôi khuyến khích tất cả những người giáo dân nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, như là những chứng nhân cho Đức Kitô ở bất cứ nơi nào họ hiện diện.

Bổn phận của các vị Chủ Chăn là bảo đảm cho người giáo dân được huấn luyện thành người rao giảng Tin Mừng, có khả năng đương đầu với các thách thức của thế giới ngày nay, không phải với sự khôn ngoan và hiệu năng thế gian, nhưng với tâm hồn được đổi mới và được vững mạnh bằng chân lý Đức Kitô (221). Khi làm chứng cho Tin Mừng trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội, người giáo dân có thể đóng vai duy nhất trong việc nhổ tận gốc sự bất công và áp bức, và để làm được vậy họ phải được huấn luyện cách thích hợp. Để đạt tới mục đích đó, tôi hiệp ý với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng mà đề nghị thiết lập, ở cấp giáo phận hay quốc gia, những trung tâm huấn luyện người giáo dân, để chuẩn bị người giáo dân thi hành công tác truyền giáo của họ như những chứng nhân cho Đức Kitô tại Á Châu ngày nay (222).

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng quan tâm hơn hết đến sự kiện Giáo Hội phải là một Giáo Hội cho mọi người tham gia, nơi đây không một ai bị loại trừ, và các ngài xét rằng sự tham gia rộng rãi hơn của người nữ trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội tại Á Châu, là một nhu cầu thúc bách cách đặc biệt. "Người nữ có khả năng hết sức đặc biệt trong việc chuyển trao đức tin, đến nỗi chính Đức Giêsu kêu gọi tới khả năng đó trong việc rao giảng Tin Mừng. Đó là điều đã xảy ra với người phụ nữ xứ Samari mà Đức Giêsu gặp tại giếng nước Giacóp: Chúa chọn bà để phổ biến, lần đầu tiên, đức tin mới trong vùng đất không phải là Do Thái" (223). Để nâng cao việc phục vụ của họ trong Giáo Hội, phải tạo ra nhiều điều kiện thuận tiện hơn cho người nữ theo học những khoá thần học và những lãnh vực khác; và người nam trong các chủng viện hay các cơ sở đào tạo cần được dạy cho biết nhìn người nữ như là những người cộng tác trong việc tông đồ (224). Phải để người nữ tham gia, cách hiệu quả hơn, vào các chương trình mục vụ, những Hội Đồng Mục Vụ cấp giáo phận và giáo xứ, và các Thượng Hội Đồng giáo phận. Những khả năng và phục vụ của người nữ trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chuẩn bị người tín hữu nhận lãnh các bí tích, xây dựng cộng đồng và kiến tạo hoà bình cần được nhìn nhận đầy đủ hơn. Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận, sự hiện diện của người nữ trong sứ vụ tình yêu và phục vụ của Giáo Hội, góp phần to lớn để đem Đức Giêsu hay thương xót, Đấng chữa lành và hoà giải, đến với dân Á Châu, đặc biệt là đối với người nghèo và người bị loại trừ (225).

Gia Đình

46.    Gia đình là chỗ bình thường để giới trẻ lớn lên tới độ trưởng thành cá nhân và xã hội. Gia đình còn là nơi mang lấy gia sản nhân loại, bởi vì nhờ gia đình mà sự sống truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình chiếm một chỗ rất quan trọng trong nền văn hoá Á Châu; và, như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận, các giá trị gia đình như lòøng hiếu thảo, tình yêu và sự chăm sóc người già cả và bệnh hoạn, tình yêu đối với trẻ nhỏ và sự hài hoà, rất được quý trọng trong mọi nền văn hoá và truyền thống tôn giáo Á Châu.

Theo cái nhìn kitô giáo, gia đình là "Giáo Hội tại gia" (226). Gia đình kitô hữu, cũng như Giáo Hội xét chung, phải là một nơi mà chân lý Tin Mừng là luật sống và là ân huệ mà các thành viên trong gia đình mang đến cho cộng đồng rộng lớn hơn. Gia đình không đơn thuần là đối tượng chăm sóc mục vụ của Giáo Hội, gia đình còn là một trong những thành viên hữu hiệu nhất của việc rao giảng Tin Mừng. Các gia đình Kitô hữu ngày nay được kêu gọi làm chứng cho Tin Mừng trong những thời gian và hoàn cảnh khó khăn, khi chính gia đình bị một loạt những quyền lực đe dọa (227). Muốn trở nên tác nhân rao giảng Tin Mừng trong một giai đoạn như thế, gia đình Kitô hữu cần phải trở nên thật sự là "Giáo Hội tại gia", sống ơn gọi Kitô hữu cách khiêm tốn và trong tình yêu.

Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng chỉ rõ, điều này có nghĩa là gia đình phải tham gia cách tích cực vào đời sống giáo xứ, chia sẻ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Sám Hối, và dấn thân phục vụ kẻ khác. Điều đó cũng có nghĩa là cha mẹ phải cố gắng làm sao, trong những khi gia đình tụ tập lại, có thời gian để cầu nguyện, đọc và suy niệm Kinh Thánh, cử hành những nghi lễ xứng hợp do cha mẹ chủ sự, và có những giải trí lành mạnh. Điều đó sẽ giúp gia đình Kitô hữu trở nên trung tâm của việc Phúc âm hoá, nơi mà mỗi thành viên cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa và truyền nó sang cho kẻ khác (228). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng nhìn nhận các trẻ em có vai trò trong việc Phúc âm hoá, vừa ở gia đình của chúng vừa ở trong cộng đồng rộng lớn hơn (229). Vì xác tín "tương lai thế giới và Giáo Hội thông qua gia đình" (230), một lần nữa tôi đề nghị nên học hỏi và đem ra áp dụng những gì tôi đã viết về chủ đề gia đình trong Tông Thư Familiaris Consortio, được ban hành sau Đại Hội khoáng đại thường kỳ của Thượng Hội Đồng các Giám Mục năm 1980.

Giới Trẻ

47.    Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đặc biệt nhạy cảm với chủ đề giới trẻ trong Giáo Hội. Nhiều vấn đề phức tạp mà giới trẻ bây giờ đang đương đầu, trong thế giới Á Châu đang đổi thay, thúc giục Giáo Hội nhắc giới trẻ nhớ đến trách nhiệm đối với tương lai của xã hội và Giáo Hội, khuyến khích và nâng đỡ giới trẻ ở mọi giai đoạn để bảo đảm rằng họ đã saün sàng đón nhận trách nhiệm này. Giáo Hội trao ban cho giới trẻ chân lý Tin Mừng như là một mầu nhiệm đem lại niềm vui và giải phóng; mầu nhiệm mà họ phải học hỏi, sống và chia sẻ với niềm xác tín và can đảm.

Nếu giới trẻ phải trở nên những tác nhân hữu hiệu của việc truyền giáo, thì Giáo Hội cần cung ứng cho họ sự chăm sóc mục vụ xứng hợp (231). Đồng ý với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi khuyên bảo rằng, nơi nào có thể, mỗi giáo phận tại Á Châu phải chỉ định các tuyên úy giới trẻ hay lãnh đạo, để cổ võ việc huấn luyện thiêng liêng và việc tông đồ của giới trẻ. Các trường công giáo và các giáo xứ giữ vai trò trọng yếu trong việc cung ứng nền huấn luyện toàn diện cho giới trẻ, bằng cách tìm phương thế hướng dẫn chúng trên con đường làm môn đệ thật sự và làm phát huy nơi chúng những đức tính nhân bản mà sứ vụ đòi hỏi. Những tổ chức tông đồ giới trẻ và những câu lạc bộ giới trẻ có thể là nơi thuận tiện để cảm nghiệm tình bạn kitô hữu, rất quan trọng đối với người trẻ. Giáo xứ, các hội đoàn và các phong trào có thể giúp người trẻ đối diện tốt hơn với những áp lực xã hội, bằng cách trao tặng cho họ không những khả năng tăng trưởng đến một đời sống kitô hữu trưởng thành hơn, mà còn giúp họ dưới hình thức hướng nghiệp, đào tạo về ơn gọi và cố vấn cho giới trẻ.

Trong việc huấn luyện Kitô hữu cho giới trẻ tại Á Châu, phải nhìn nhận rằng giới trẻ không những là đối tượng của việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội, mà còn là "những tác nhân và cộng tác viên trong sứ mệnh của Giáo Hội qua các việc tông đồ đa dạng của Giáo Hội nhằm yêu thương và phục vụ" (232). Do đó, trong các giáo xứ và giáo phận, người trẻ và phụ nữ phải được mời gọi tham gia vào việc tổ chức các hoạt động có liên can tới họ. Sự tươi trẻ và lòng hăng say, tinh thần liên đới và niềm hy vọng của họ, có thể biến họ thành những người kiến tạo hoà bình trong một thế giới chia rẽ; và, trên phương diện này, điều đáng khích lệ là thấy giới trẻ dấn thân vào những chương trình trao đổi giữa các Giáo Hội địa phương và những quốc gia tại Á Châu và bất cứ nơi nào đang cổ võ sự đối thoại liên tôn và liên văn hoá.

Truyền Thông Xã Hội

48.    Trong thời đại toàn cầu hoá, "những phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quan trọng đến nỗi đối với nhiều người, nó trở thành những phương tiện chính để thông tin và giáo dục, hướng dẫn và tác động trên cách cư xử cá nhân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, giới trẻ đang lớn lên trong một thế giới bị điều kiện hoá bởi truyền thông đại chúng" (233). Ta thấy xuất hiện trên thế giới một nền văn hoá mới "xuất phát từ sự kiện có những cách thức thông tin mới, với ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và tâm lý mới" (234). Vai trò đặc biệt mà các phương tiện truyền thông xã hội nắm giữ trong việc hình thành thế giới, các nền văn hoá và những cách suy nghĩ của nó, đã đưa tới những thay đổi mau lẹ và lan rộng trong các xã hội tại Á Châu.

Chắc chắn, sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội cũng chịu ảnh hưởng sâu xa do tác động của truyền thông đại chúng. Bởi vì truyền thông đại chúng có một ảnh hưởng càng ngày càng lớn mạnh tại Á Châu dẫu cả ở những vùng xa xôi, nó có thể góp phần rất lớn vào việc rao giảng Tin Mừng cho mọi hang cùng ngõ hẽm của lục địa. Tuy nhiên, "việc dùng truyền thông để phổ biến sứ điệp Kitô giáo và giáo huấn đích thực của Giáo Hội thì chưa đủ. Cần phải hội nhập sứ điệp này vào trong 'văn hoá mới' do những phương tiện truyền thông hiện đại tạo ra" (235). Để đạt được mục đích này, Giáo Hội cần khám phá những cách thế hội nhập hoàn toàn truyền thông đại chúng vào kế hoạch và hoạt động mục vụ của mình, để nhờ cách dùng hiệu năng của chúng, quyền năng của Tin Mừng có thể tác động tới các cá nhân và toàn bộ các dân tộc, và những giá trị Nước Trời thấm nhập vào các nền văn hoá Á Châu.

Tôi muốn hợp lời tán dương của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng về Đài Phát Thanh Chân lý Á Châu, đài phát thanh duy nhất có tầm lục địa cho Giáo Hội tại Á Châu, đã gần 30 năm phát thanh rao giảng Tin Mừng. Các Hội Đồng Giám Mục và các Giáo phận tại Á Châu cần phải củng cố khí cụ truyền giáo tuyệt hảo này, nhờ việc soạn thảo chương trình theo các ngôn ngữ cho xứng hợp, nhờ sự giúp đỡ nhân sự và tài chánh (236). Ngoài việc phát thanh, những nhà xuất bản và những cơ quan thông tin Công giáo có thể giúp phổ biến thông tin và cung ứng việc giáo dục và đào tạo tôn giáo thường xuyên trên khắp lục địa. Ở những nơi người Kitô hữu là thiểu số, những thứ đó có thể là phương tiện quan trọng để nâng đỡ và nuôi dưỡng một cảm thức về căn tính Công giáo và để phổ biến kiến thức về những nguyên tắc luân lý Công giáo (237).

Tôi hiệp ý với lời nhắn nhủ của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng về việc Phúc âm hoá bằng các phương tiện truyền thông xã hội, là "arêôpagô của thời đại mới", với hy vọng là chúng có thể giúp thăng tiến con người và loan truyền chân lý Đức Kitô cũng như giáo huấn của Giáo Hội (238). Thật là hữu ích nếu mỗi Giáo phận có thể thiết lập, nơi nào có thể, một văn phòng truyền thông đại chúng. Việc giáo dục về các phương tiện truyền thông, chứ không chỉ việc lượng giá về các sản phẩm của truyền thông, cần phải là một phần càng ngày càng gia tăng trong việc đào tạo linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên, những chuyên viên giáo dân, những học sinh trong các trường Công giáo và các cộng đoàn giáo xứ. Xét vì ảnh hưởng sâu rộng và kỳ diệu của truyền thông xã hội, nên những người Công giáo cần làm việc với các thành viên của các Giáo Hội và Cộng Đồng Giáo Hội khác, và với những người theo các tôn giáo khác, để bảo đảm một chỗ đứng cho các giá trị thiêng liêng và luân lý trong các phương tiện truyền thông. Cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi khuyến khích việc phát triển những chương trình mục vụ cho truyền thông ở cấp quốc gia và Giáo phận, tuân theo những chỉ dẫn của Huấn Thị Mục Vụ Aetatis Novae, với những quan tâm phù hợp với hoàn cảnh riêng của Á Châu.

Các Thánh Tử Đạo

49.    Dù những chương trình đào tạo và các kế hoạch rao giảng Tin Mừng có quan trọng như thế nào đi nữa, cuối cùng thì việc tử đạo mới mạc khải cho thế giới thấy điều cốt yếu nhất của sứ điệp Kitô giáo. Từ "tử đạo" (martyr), có nghĩa là chứng tá, và những ai đã đổ máu mình vì Đức Kitô đã nêu lên chứng tá tột bực cho giá trị thật của Tin Mừng. Trong Sắc Chỉ ấn định Đại Năm Thánh 2000, Incarnationis Mysterium (Mầu nhiệm Nhập Thể), tôi đã nhấn mạnh sự kiện có tính cách thiết yếu là tưởng nhớ Các Thánh Tử đạo: "Đứng trên quan điểm tâm lý học, việc tử đạo là một bằng chứng hùng hồn nhất của chân lý đức tin, bởi vì đức tin có thể đem lại một gương mặt nhân bản cả cho cái chết tàn bạo nhất, và biểu lộ vẻ đẹp của nó ngay trong những cuộc bách hại khốc liệt nhất" (239). Qua các thời đại, Á Châu đã cung cấp cho Giáo Hội và thế giới một đoàn đông đảo các vị Anh Hùng Đức Tin, và từ con tim của Á Châu, trổi lên bài ca vĩ đại: Te martyrum candidatus laudat exercitus (đoàn tử đạo quang huy hùng dũng, máu đào đổ ra minh chứng về Ngài). Đó là bài ca của những vị đã chết vì Đức Kitô trên phần đất Á Châu trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội, và đó cũng là tiếng kêu đầy vui mừng của những người nam và nữ của các thời gần đây, như thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo, thánh Lôrensô Ruiz và các bạn tử đạo, thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, thánh Anrê Kim Taegon và các bạn tử đạo. Xin đoàn đông đảo Các Thánh Tử Đạo Á Châu xưa cũng như nay, không ngừng dạy dỗ Giáo Hội tại Á Châu biết thế nào là làm chứng cho Chiên Con mà các ngài đã giặt trắng áo trong máu của Người (x. Kh 7,14). Ưùớc chi các ngài luôn là những chứng nhân bất khuất cho chân lý này, là các Kitô hữu được kêu gọi, luôn luôn và mọi nơi, loan báo không điều gì khác ngoài quyền lực của Thánh Giá Chúa! Và xin cho máu Các Thánh Tử Đạo Á Châu, bây giờ cũng như mãi mãi, là hạt giống sinh sự sống mới cho Giáo Hội tại mọi hang cùng ngõ hẻm của lục địa!


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà