PHẨM GIÁ CỦA KITÔ HỮU GIÁO DÂN

TRONG GIÁO HỘI MẦU NHIỆM

       

NHẬP ÐỀ

        Ðức Gioan Phaolô đã suy tư về "căn tính" (identité) và "phẩm giá" (dignité) của người Kitô hữu giáo dân từ trong lòng mầu nhiệm Giáo Hội xét như là mầu nhiệm hiệp thông. Ngài nhấn mạnh rằng chỉ với cái nhìn đức tin này, chúng ta mới hiểu đúng ơn gọi và sứ mạng của người Kitô hữu giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới.

        Khởi đi từ hình ảnh cây nho trong truyền thống Thánh Kinh với nhiều ý nghĩa khác nhau, Ðức Gioan Phaolô II đã dặc biệt lưu ý đến ý nghĩa giáo hội học : cây nho diễn tả mầu nhiệm Dân Thiên Chúa. Trong cái nhìn này, người giáo dân không chỉ là những người thợ làm vườn nho, nhưng còn là thành phần của cây nho, như Ðức Giêsu đã nói : "Thầy là cây nho, anh em là cành" (Ga 15, 5).

        Ðức Thánh Cha bắt đầu suy tư về hình ảnh cây nho từ truyền thống các ngôn sứ trong Cựu Ước : cây nho là hình ảnh và biểu tượng về dân được tuyển chọn. Israel là cây nho của Thiên Chúa, công trình của Chúa, niềm vui của Người : "Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng" (Gr 2, 21) ; "Mẹ ngươi giống cây nho được trồng bên dòng nước, quả trĩu nặng, lá sum suê, nhờ mạch nước dồi dào" (Ed 19, 10) ; "Tôi xin hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình. Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ. Anh ra tay cuốc đất, nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn, anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho" (Is 5, 1-2).

        Từ hình ảnh về cây nho trong truyền thống ngôn sứ, Ðức Gioan Phaolô đưa ta trở lại với Phúc âm. Ðức Giêsu cũng sử dụng hình ảnh cây nho để mạc khải một số nét về Nước Thiên Chúa : "Có người kia trồng được một vườn nho ; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa" (Mc 12, 1 ; x. Mt 21, 28).

        Tin mừng thứ tư còn mời gọi ta đi sâu hơn vào chính mầu nhiệm của cây nho : nó không chỉ là biểu tượng và hình ảnh của Dân Thiên Chúa, nhưng còn của chính Ðức Giêsu. Ðức Giêsu là thân nho, các môn đệ là cành nho ; Ðức Giêsu là "cây nho thật" đem lại sức sống cho các cành nào gắn với cây nho (x. Ga 15, 1tt).

        Trong bức tranh nhiều mầu sắc diễn tả bản chất Giáo Hội, Công Ðồng Vatican II đã lấy lại hình ảnh cây nho và cành nho : "Chúa Kitô là cây nho đích thực. Người ban sức sống và hoa trái cho các cành là chúng ta. Nhờ Giáo Hội, chúng ta ở trong Người, và không có Người, chúng ta không thể làm gì được (x. Ga 15, 1-5)[1]

Chính Giáo Hội là vườn nho được Phúc âm nói đến. Giáo Hội là một mầu nhiệm phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi (Ecclesia de Trinitate). Theo cha Bernard Sesboué, khi suy nghĩ về căn tính phẩm giá của người giáo dân trong lòng Giáo Hội mầu nhiệm xét như mầu nhiệm hiệp thông, Tông huấn "người Kitô hữu giáo dân" đã làm rõ nét một số bản văn Công Ðồng Vatican II mà nó trích dẫn 89 lần, đôi khi rất dài [2]. Ðiều này cho thấy hướng đi của Tông Huấn là khai triển giáo hội học hiệp thông của Vatican II được xây dựng trên mầu nhiệm vô cùng thâm sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

        1. Kitô hữu giáo dân là ai ?

        Các nghị phụ của Thượng Hội Ðồng đã đề nghị cần thiết phải có một cách diễn tả tích cực về ơn gọi và sứ mạng của người Kitô hữu giáo dân, nhờ vào việc đào sâu giáo lý của Công Ðồng Vatican II, dưới ánh sáng của các văn kiện mới đây của Huấn Quyền và kinh nghiệm sống của Giáo Hội dưói sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. [3]

Ðể trả lời câu hỏi "Kitô hữu giáo dân là ai ?", Tông Huấn "Kitô hữu giáo dân" (s. 9) đã lấy lại "định nghĩa" của Vatican II trong Hiến chế Lumen gentium với một cái nhìn rất tích cực về người giáo dân khi xác quyết rằng người giáo dân hoàn toàn thuộc về Giáo Hội và mầu nhiệm Giáo Hội, rằng nét đặc thù của ơn gọi và sứ mạng của họ là "tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa" (x. LG 31, đ. 2).

        Hiến Chế tín lý về Giáo Hội đã định nghĩa chữ "giáo dân" như sau :

"Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình. Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân" (LG 31).

Ðiều ta cần lưu ý là các văn kiện này đã loại bỏ định nghĩa người giáo dân cách tiêu cực, nhưng đưa ra một "mô tả tích cực" về người giáo dân. Kitô hữu giáo dân không chỉ được định nghĩa một cách đơn giản như không phải là giáo sĩ, nhưng tiên vàn phải được nhìn nhận là thuộc trọn vẹn về Dân Thiên Chúa.

Dựa theo hình ảnh cây nho trong Kinh Thánh, Kitô hữu giáo dân cũng như mọi thành phần trong Giáo Hội, tất cả đều là cành nho gắn liền với Ðức Kitô, "cây nho thật". "Laikos" (người dân) là thành phần của "Laos" (đoàn dân), nghĩa là thuộc Dân của Thiên Chúa, một dân tư tế. Tông Huấn còn trích dẫn câu nói rất mạnh của Ðức Piô XII : "Giáo dân phải luôn luôn có một ý thức rõ ràng rằng họ không chỉ thuộc về Giáo Hội, nhưng còn là Giáo Hội" (non seulement dappartenir à lEglise, mais dêtre lEglise) [4]. Hướng đi của Công Ðồng Vatican II và tiếp theo là của Tông Huấn rất phù hợp với tư tưởng giáo phụ. Vào đầu thế kỷ thứ ba, giáo phụ Tertulianô cũng đã nói rất mạnh như thế : "Ở đâu có ba tín hữu, ở đó có một Giáo Hội, ngay cả khi họ là những giáo dân" [5]

"Ðịnh nghĩa" trên đây của Hiến Chế Lumen gentium có hai điểm rất quan trọng về thần học :

- Thứ nhất, việc tháp nhập vào Ðức Kitô nhờ đức tin và các Bí tích gia nhập Kitô giáo (Phép Rử, Thêm Sức và Thánh Thể) là nền tảng đầu tiên làm nên thân phận mới mẻ của người Kitô hữu trong mầu nhiệm Giáo Hội, tạo nên bản chất thâm sâu nhất và nền tảng cho mọi ơn gọi và sứ mạng của Kitô hữu giáo dân, bởi vì trong Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, người lãnh nhận Phép Rửa trở nên một "tạo vật mới" (x. Gl 6, 15 ; 2Cr 5, 17).

- Thứ hai, lãnh vực trần thế là lãnh vực riêng biệt của người Kitô hữu giáo dân, người giáo dân có ơn gọi "chu toàn các việc trần thế".

Cái nhìn thần học về "người giáo dân thuộc trọn vẹn về Dân Thiên Chúa", hay nói khác đi "người giáo dân là Giáo Hội" của Tông Huấn "Kitô hữu giáo dân" đã tiếp nối truyền thống rất xa xưa, chẳng hạn tác phẩm Constitutions apostoliques (Hiến Chế tông đồ) vào thế kỷ IV, đã có những lời lẽ như sau :

"Hãy lắng nghe điều này, cả anh em nữa, hỡi các giáo dân, Giáo Hội được Thiên Chúa tuyển chọn, vì đoàn dân từ xa xưa đã được gọi là dân của Thiên Chúa và là dân tộc thánh. Phần anh em, anh em là Giáo Hội của Thiên Chúa, thánh thiện và đã được thánh hiến, đã được ghi trên trời, là tư tế hoàng vương, dân tộc thánh, dân được sở hữu". [6]

        Trong văn chương Kitô giáo, thánh Clêmentê giáo hoàng (88-97) là người đầu tiên dùng từ "lac"(giáo dân), khi nói về trật tự tốt đẹp trong Giáo Hội bằng cách đưa ra tấm gương của dân giao ước cũ. Sau khi phân biệt vai trò của các tư tế và các thầy Lêvi, ngài kết luận : "Người nào là giáo dân thì người ấy bị ràng buộc với các giới luật riêng biệt của người giáo dân". [7] A. Faivre đã giải thích câu này một cách chí lý rằng điều quan trọng nhất "không phải là thánh Clêmentê đã đặt người giáo dân hoàn toàn ở dưới hàng giáo phẩm, nhưng đúng hơn là ngài đã không quên đề cập đến người giáo dân". [8]

2.   Chức tư tế của các Kitô hữu giáo dân.

Công Ðồng Vatican II đã làm sáng tỏ về phương diện thần học chức tư tế chung của người Kitô hữu và chức tư tế thừa tác. Quá khứ của cuộc tranh luận về chức tư tế còn ghi đậm nét trên thần học Tin Lành và Công giáo. Phong trào Cải cách trong khi đề cao chức tư tế chung của người Kitô hữu đã đi đến việc phủ nhận chức tư tế thừa tác. Phản ứng của Công giáo đi ngược lại : đề cao chức tư tế thừa tác đến nỗi phủ nhận chức tư tế chung của người Kitô hữu.

Các bản văn của Vatican II không chỉ nhìn nhận cùng lúc chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác, nhưng còn rõ ràng cho thấy là ta chỉ có thể giải thích chức tư tế thừa tác trên nền tảng của chức tư tế cộng đồng của Dân Thiên Chúa. Hiến chế tín lý về Giáo Hội đã trích dẫn tư tưởng của thánh Augustinô để giải thích rằng chức tư tế thừa tác là để phục vụ chức tư tế cộng đồng :

"Làm giám mục cho anh em, tôi rất sợ ; làm tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Giám mục là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám mục là danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là danh hiệu đem ơn cứu độ" [9] (LG 32, đ. 4).

Khi phác họa "chân dung" của người Kitô hữu giáo dân, Tông Huấn nhắc lại giáo lý của Vatican II. Theo Hiến chế Tin lý về Giáo Hội, nền tảng thần học đầu tiên của căn tính, ơn gọi và sứ mạng người giáo dân là, nhờ Phép Rửa, họ được tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Ðức Kitô, theo cách thức riêng của họ. Phép Rửa là nền tảng khai tâm Kitô giáo và là nền tảng cho mọi Bí Tích của đời sống Kitô mà người giáo dân phải sống.

Tông Huấn đã phác họa "chân dung" của người Kitô hữu giáo dân bằng những nét chính sau đây :

-      Phép Rửa tái sinh người tín hữu sống ơn gọi làm con cái Thiên Chúa ;

-      Phép Rửa liên kết người tín hữu với Ðức Kitô và với Thân Thể của Người là Giáo Hội ;

-      Phép Rửa cho chúng ta được xức dầu trong Thánh Thần để làm nên những đền thờ thiêng liêng.

Tông Huấn lần lượt khai triển những nét chính thuộc thần học làm nên "chân dung" người Kitô hữu giáo dân.

A. Trước hết, Tông Huấn nói đến Phép Rửa là một sự tái sinh Nhờ Phép Rửa, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa trong Con duy nhất của Người là Ðức Giêsu Kitô (Filii in Filio), được liên kết với Con Một yêu quý, trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4, 4-7) và người em của Ðức Kitô. Và như thế, ý định cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong lịch sử của mỗi người Kitô hữu : "Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (Rm 8, 29).

Ðược làm con cái Thiên Chúa, Phép Rửa đưa người tín hữu vào trong Dân Thiên Chúa. Phép Rửa đem lại phẩm giá bình đẳng căn bản nơi tất cả các Kitô hữu (x. LG 32). Tất cả đều có cùng một phẩm giá, phẩm giá làm con Thiên Chúa, có cùng một sự tự do do Chúa Thánh Thần ban, có cùng một lề luật, luật yêu thương, cùng một ơn gọi là đáp trả lại lời mời gọi nên thánh, cùng một hướng đi về Nước Trời. Tính đồng trách nhiệm của các phần tử thuộc Giáo Hội bén rễ trong sự tập họp và trong sứ mạng của Dân Thiên Chúa (x. 1 Pr 2,9). Tất cả mọi tín hữu đều tham dự vào chức tư tế, vương giả và tiên tri của Chúa Kitô (x. LG 10, 11, 12).

Như vậy, thực tại đầu tiên của Dân Thiên Chúa không hệ tại trong những khác biệt về chức vụ nhưng trong chính cái "chúng-tôi-giáo-hội" (le nous ecclésial) được tạo thành bởi tất cả mọi tín hữu và tất cả mọi chức vụ đều nhằm xây dựng thân thể Giáo Hội.

B. Thứ đến, chính ChúaThánh Thần, Ðấng làm cho những người lãnh nhận Phép Rửa trở nên con cái Thiên Chúa, cũng làm cho họ trở nên các chi thể của Ðức Kitô. Phaolô đã nhắc lại điều này cho các tín hữu Côrintô : "Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể" (1Cr 12, 13) để rồi ngài có thể nói với các tín hữu giáo dân của ngài : "Vậy anh em, anh em là thân thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận" (1Cr 12, 27).

Vì được tái sinh làm "con cái Thiên Chúa trong người Con" (filii in Filio), người tín hữu trở nên một thân thể trong Ðức Kitô : "Chúng ta tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể trong Ðức Kitô" (Rm 12, 5). Phép Rửa tạo nên một sự tháp nhập huyền nhiệm, nhưng thực sự vào Thân Thể Ðức Kitô chịu đóng đinh và Phục sinh. Nhờ Phép Rửa, người tín hữu được liên kết với sự chết và sự sống lại của Ðức Kitô (x. Rm 6, 3-5), được cởi bỏ "con người cũ" và mặc lấy "con người mới" là chính Ðức Kitô : "Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Ðức Kitô, đều mặc lấy Ðức Kitô" (Gl 3, 27 ; x. Ep 4, 22-24 ; Cl 3, 9-10).

Dựa trên hình ảnh cây nho và cành nho (x. Ga 15, 5), ta có thể nói rằng hình ảnh này không những nói lên mối liên hệ sâu xa giữa Ðức Giêsu và các môn đệ, nhưng còn nói lên sự hiệp thông sinh động giữa các môn đệ với nhau, bởi vì tất cả đều là cành của một cây nho duy nhất.

Sự kết hiệp đời sống các Kitô hữu trong Chúa Kitô được xây dựng trên tính đa dạng của các chi thể, chứ không phải trên sự phân chia của chúng (1 Cr 12,12). Từ những dữ kiện Kinh Thánh, Hiến chế tín lý về Giáo Hội [10], và tiếp theo là Tông Huấn "người Kitô hữu giáo dân" đã rút ra nguyên lý là trong Thân Thể Chúa Kitô, tất cả vừa khác biệt vừa bổ túc cho nhau "Vậy anh em, anh em là Thân Thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận" (1 Cr 12,27).

C. Sau cùng, dựa trên hình ảnh "tòa nhà" mà Phêrô đã dùng để nói về người tín hữu như những "viên đá sống động" được xây dựng trên nền tảng là Ðức Kitô, "viên đá góc" làm thành "ngôi Ðền Thờ thiêng liêng" (1Pr 2, 5tt), Tông Huấn trở lại với giáo lý của Vatican II : "Thật vậy, những người đã lãnh phép Thanh Tẩy, nhờ sự tái sinh và xức dầu trong Thánh Thần, được hiến dâng để trở thành chỗ ở thiêng liêng" (LG 10, đ 1).

Trong bản văn thư thứ nhất của Phêrô được Hiến chế Lumen gentium trích dẫn, các Kitô hữu được giới thiệu như một "tòa nhà thiêng liêng" được xây dựng trong và nhờ Chúa Thánh Thần Ngôi nhà được nói là "thiêng liêng" ở đây được hiểu theo nghĩa mạnh của từ ngữ như một tòa nhà "cụ thể" được chính Thánh Thần dựng lên. Việc xây dựng này bao gồm những thành viên làm thành "hàng tư tế thánh". Như vậy, Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của chiều kích tư tế của Dân Thiên Chúa "Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải" (Rm 8,26).

Trong thực tại năng động mang chiều kích Ba Ngôi của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần là nguồn cội vừa của các cộng đoàn tín hữu vừa của các chức vụ, và giữ cho tất cả liên hệ với nhau. Hồng Ân Thánh Thần cho mỗi thành phần trong Dân Thiên Chúa tạo nên nền tảng cho trách nhiệm chung của mọi tín hữu"chính Thần Khí duy nhất làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người" (1 Cr 12,11) và Người "ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Giáo Hội theo sự sung mãn của Ngài và tùy nhu cầu của công việc" (LG 7).

Tính đa dạng của ân sủng Thánh Thần kêu mời một sự liên đới trách nhiệmsự cộng tác trong Giáo Hội. Không ai chiếm hữu độc quyền Thánh Thần và mỗi người có thể nhận được một cái gì đó từ người khác. Không ai là "tất cả" trong một Giáo Hội xét như là mầu nhiệm hiệp thông. Không có sức mạnh nhân loại nào có thể trói buộc tự do của Thánh Thần hoạt động trong lịch sử và trong lòng con người.

Chúa Thánh Thần "xức dầu" người lãnh nhận Phép Rửa, ghi trên họ một "ấn tín không hề phai" (x. 2Cr 1, 21. 22), làm cho họ trở nên đền thờ thiêng liêng, nơi Thiên Chúa hiện diện, nhờ vào việc liên kết và nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô. Cũng như Ðức Kitô được Thánh Thần xức dầu và sai đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo (x. Lc 4, 18-19 ; Is 61, 1-2), người Kitô hữu tham dự vào sứ mạng của Ðức Kitô, Ðấng Cứu Ðộ, nhờ các Bí tích khai tâm Kitô giáo (Phép Rửa,Thêm Sức, Thánh Thể).

 

3.   Kitô hữu giáo dân tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Ðức Kitô.

Tông Huấn trình bày người Kitô hữu tham dự vào ba chức năng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Ðức Kitô bằng việc trích dẫn bản văn truyền thống nói về chức tư tế cộng đồng của dân Thiên Chúa trong thư 1 Phêrô :

"Anh em hãy tiến lại gần Ðức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Ðền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Ðức Giêsu Kitô.

[.] Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Ðấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là dân của Thiên Chúa, xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương" (1Pr 2, 4-5. 9-10).

Qua bản văn này, chúng ta thấy một nét mới mẻ khác của ân huệ Phép Rửa : người Kitô hữu giáo dân, về phần mình, tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Ðức Kitô. Việc tham dự này là một ân huệ hoàn toàn nhưng không. Vinh dự này không do con người, nhưng hoàn toàn do lòng thương xót của Thiên Chúa. Các Kitô hữu được mời gọi đến gần Chúa Kitô, để hội nhập vào toà nhà thiêng liêng đang được xây dựng. "Ðến gần" diễn tả một hành trình thiêng liêng của người tín hữu. Sự kết hiệp với Ðức Kitô làm cho các Kitô hữu nên một "hàng tư tế". Hàng tư tế này thi hành chức năng tế lễ nhờ trung gian của Ðức Giêsu Kitô.

Ở đây, Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại giáo lý của Vatican II rằng tất cả mọi người trong dân Thiên Chúa đều tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Ðức Kitô (x. LG 11 ; 12 ; 34 ; 35 ; 36). Ðồng thời ngài mời gọi người Kitô hữu giáo dân đọc lại, suy niệm và hấp thụ giáo lý rất phong phú này của Công Ðồng với tình yêu và sự hiểu biết (x. CFL 14, đ. 3-4).

Ðức Thánh Cha đã tóm tắt giáo lý của Công Ðồng trong những nét chính sau đây :

A. Chức năng tư tế.

Khi nói về người Kitô hữu giáo dân tham dự vào chức năng này, Tông Huấn đã theo sát giáo lý của Công Ðồng Vatican II bằng việc trích dẫn đoạn văn của Hiến chế Lumen gentium :

"Thực vậy, mọi hành động, kinh nguyện và công việc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm hàng ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô" (x. 1Pr 2, 5). [11]

Người Kitô hữu giáo dân tham dự vào chức năng tư tế của Ðức Kitô, theo cách thức riêng của mình, là chiếu tỏa sự thánh thiện và thánh hiến con người cho Thiên Chúa Cha trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, ngang qua đời sống gia đình và xã hội, chính trị và nghề nghiệp. Qua nếp sống thường nhật, họ liên kết với Ðức Kitô trong mầu nhiệm hiến dâng. Tất cả cuộc đời của Ðức Giêsu là hiến dâng, phục vụ cho Thiên Chúa và con người. Cuộc đời người Kitô hữu phải diễn tả tư cách làm con và làm tư tế của Thiên Chúa theo gương Ðức Giêsu qua các hành động cụ thể.

Như vậy, với việc tham dự vào chức năng tư tế của Ðức Kitô, cuộc sống thường nhật của người tín hữu giáo dân được thánh hoá, và nhờ đó, họ dâng hiến thế giới này cho Thiên Chúa.

B.   Chức năng ngôn sứ.

Nhờ tham dự vào chức năng ngôn sứ của Ðức Kitô, Ðấng đã loan báo Nước Thiên Chúa bằng chứng tá cuộc sống và sức mạnh của lời loan báo, người tín hữu giáo dân dấn thân làm chứng cho Tin mừng bằng lời nói và hành động.

Liên kết với Ðức Kitô, vị ngôn sứ cao cả (x. Lc 7, 16), được Thánh Thần làm cho trở nên những chứng nhân của Ðức Kitô Phục Sinh, người giáo dân được tham gia vào sứ mạng rao giảng Tin mừng qua đời sống hàng ngày, gia đình và xã hội. Ðối với nhiệm vụ ngôn sứ, Công Ðồng Vatican II nhấn mạnh đến giá trị phúc âm hoá của hôn nhân Kitô giáo :

"Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một Bí tích đặc biệt thánh hoá, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy ; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế, bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang kiếm tìm chân lý" (LG 35, đ. 3).

C.   Chức năng vương giả

Với việc tham dự vào chức năng vương giả của Ðức Kitô, ta thấy mở ra một chân trời bao la cho việc thi hành chức tư tế cộng đồng của người tín hữu giáo dân và đây là lãnh vực riêng biệt nhất của người tín hữu giáo dân.

Nhờ thuộc về Ðức Kitô, Chúa và Vua vũ trụ, các Kitô hữu giáo dân tham dự vào chức năng vương giả của Người, được Người mời gọi phục vụ cho Nước Thiên Chúa và làm phát triển Nước Thiên Chúa trong lịch sử. Người giáo dân sống chức năng này trước hết qua cuộc chiến thiêng liêng mà họ phải đấu tranh hàng ngày để diệt trừ tội lỗi trong chính bản thân mình (x. Rm 6, 12) để phục vụ Ðức Kitô đang hiện diện trong mọi người, đặc biệt là những người phận nhỏ.

Nhưng Kitô hữu giáo dân được kêu gọi cách đặc biệt là phục hồi giá trị nguyên thủy cho công trình tạo dựng. Hiến chế Lumen gentium nói về nhiệm vụ cao cả và riêng biệt này của giáo dân :

"Thực thế, Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng Nước Người, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hoà bình [12] , trong nước này, chính tạo vật cũng được giải thoát khỏi thân phận làm nô lệ sự hư đốn, để được hưởng tự do rạng ngời của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8, 21).

Vì thế, tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của tạo vật, giá trị của chúng và cùng đích của chúng là ca tụng Thiên Chúa ; đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện, nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hoà bình. Giáo dân giữ lấy vai trò chính yếu trong khi chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó" (LG 36).

Ðó là bản phác họa thần học về chức năng vương giả của mọi người Kitô hữu và đặc biệt đối với Kitô hữu giáo dân. Trong một thế giới bao la về cảnh sống, người giáo dân có địa vị hàng đầu trong việc làm cho các thực tại trần thế trở thành bài ca ngợi khen Thiên Chúa :

"Trước mặt nhân loại, mỗi giáo dân phải là chứng nhân của sự Phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng (x. Gl 5, 22) và truyền bá cho thế gian tinh thần của những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hoà, những người mà Phúc Âm Chúa đã tuyên bố là có phúc (x. Mt 5, 3-9). Tóm lại, người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống" (LG 37).

Hiến Chế Lumen gentium trong số này đã trích dẫn lại tư tưởng bức thư của một tác giả vô danh "gửi cho Diognète" (A Diognète) viết vào khoảng năm 200 : "Như linh hồn ở trong thân xác thế nào, các Kitô hữu cũng phải sống trong thế giới như vậy" [13]

Tóm lại, người tín hữu giáo dân được tham dự vào ba chức năng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Ðức Giêsu là nhờ Phép Rửa. Ba chức năng này được sống và phát triển trong Bí tích Thêm Sức và hoàn tất trong Bí tích Thánh Thể. Ba chức năng này đòi hỏi phải được sống và được thể hiện giữa lòng Giáo Hội hiệp thông và thế giới.

4.   Người Kitô hữu giáo dân và lãnh vực trần thế.

Tông Huấn nhắc lại giáo lý của Vatican II về ơn gọi riêng biệt của người giáo dân : "Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân" (LG 31).

Ðể hiểu được căn tính và phẩm giá của Kitô hữu giáo dân, chúng ta phải đào sâu về phương diện thần học tính cách trần thế (caractère séculier) dưới ánh sáng ý định cứu rỗi của Thiên Chúa và của mầu nhiệm Giáo Hội. Chúng ta cần phân biệt "tính cách trần thế của ơn gọi và sứ mạng Giáo Hội" với "chủ thuyết duy thế tục" (sécularisme).

Như Ðức Phaolô VI đã nói với các vị Bề trên và các thành viên thuộc các Tu Hội Ðời rằng Giáo Hội "có một chiều kích trần thế đích thực, gắn liền với bản chất thâm sâu và sứ mạng của mình, bắt nguồn trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, và được thực hiện dưới nhiều hình thái khác nhau do các chi thể của Giáo Hội". [14]

Thực vậy, Giáo Hội sống trong thế gian, mặc dù không thuộc về thế gian (x. Ga 17, 16) và được sai vào thế gian để tiếp tục công trình cứu chuộc của Ðức Giêsu Kitô ; công trình này tự bản chất liên hệ đến ơn cứu rỗi của con người và cũng liên hệ đến công cuộc canh tân trật tự trần thế.

Tất cả các thành phần trong Giáo Hội đều tham gia vào chiều kích trần thế (dimension séculière) của Giáo Hội, đó là điều chắc chắn, nhưng theo những cách thế khác nhau, và theo Công Ðồng, cách thế riêng biệt của giáo dân là "tính cách trần thế". Trong cụ thể, Kitô hữu giáo dân sống giữa đời, giữa mọi người, trong lòng xã hội, qua đời sống gia đình và nghề nghiệp, họ chu toàn những công việc trần thế. Ta thấy rằng mặc dù, giáo sĩ và những người sống đời thánh hiến nhiều khi cũng lo những công việc trần thế, làm những ngành nghề giữa đời, nhưng ơn gọi của họ vẫn hướng về sứ vụ thánh và làm chứng về tinh thần các mối phúc thật. Tuy nhiên, "ơn gọi đặc thù của người giáo dân là sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội ; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của người giáo dân" [15]

"Thế giới" là nơi Thiên Chúa gọi họ, là môi trường để người giáo dân sống sứ mạng đặc thù của mình, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hoá thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ trần thế của mình.

Ơn gọi và vai trò riêng biệt của giáo dân còn là làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian (x. LG 33, đ. 2). Nhiệm vụ cao cả của giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan rộng tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại (x. LG 33, đ. 4).

Như thế, sự hiện diện của người giáo dân trong thế giới không chỉ mang chiều kích nhân học và xã hội học, nhưng còn mang chiều kích thần học và giáo hội học.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha nói rằng những hình ảnh phúc âm về muối, ánh sáng và men được áp dụng cho tất cả các môn đệ của Ðức Kitô, nhưng đặc biệt phải được áp dụng cho người tín hữu giáo dân (x. CFL 15, đ. 11). Ðức Thánh Cha nối kết việc giáo dân ở trong thế giới với ý tưởng rất đúng về việc Tin mừng hoá văn hoá và các nền văn hoá. Ý tưởng này đã được Ðức Phaolô VI trình bày rất phong phú trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi (Loan báo Tin Mừng) vào năm 1975.

5.   Người giáo dân được mời gọi nên thánh.

Phẩm giá của Kitô hữu giáo dân biểu lộ cách sung mãn trong ơn gọi nên thánh. Vatican II đã đưa ra lời kêu gọi mọi người nên thánh trong Giáo Hội. [16] Tông Huấn nhắc lại rằng khi đưa ra lời kêu gọi này, Công Ðồng mong muốn tất cả con cái của Giáo Hội hãy canh tân đời sống Kitô hữu theo ánh sáng Tin mừng. Ðây không phải chỉ đơn thuần là lời khuyên mang tính luân lý, nhưng là đòi hỏi không thể đảo ngược của mầu nhiệm Giáo Hội.

Tông Huấn nêu lên những lý do thần học của lời kêu gọi này, Tất cả các Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống của mình (x. LG 42, đ. 5) vì :

-      Giáo Hội là cây nho được tuyển chọn : các cành nho sống và lớn lên nhờ đón nhận được nhựa sống của chính Ðức Kitô ;

-      Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm của Ðức Kitô mà các chi thể tham dự vào sự thánh thiện của Ðầu là Ðức Kitô ;

-      Giáo Hội là hiền thê của Ðức Kitô, Ðấng hiến thân để thánh hoá Giáo Hội (x. Ep 5, 25tt).

Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, tất cả các tín hữu được mời gọi canh tân nếp sống theo Tin mừng, quảng đại đáp lại lời gọi của tông đồ Phêrô "Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở" (1Pr 1, 15).

Ðời sống theo Thánh Thần sinh hoa kết trái là sự thánh hoá (Rm 6, 22 ; Gl 5, 22) thôi thúc trong tâm hồn tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa và tận chiều sâu của mỗi người lòng khao khát và đòi hỏi bước theo Ðức Kitô và noi gương Người qua việc đón nhận các Mối Phúc thật của Người, lắng nghe Lời Chúa, thực hành thánh ý Chúa bằng cách biểu lộ cho mọi người, đặc biệt cho những người phận nhỏ và đau khổ biết tình yêu Thiên Chúa đối với thế giới trong chính khi họ chu toàn những công việc trần thế.

        6. Kitô hữu giáo dân nên thánh trong "lãnh vực trần thế".

Ơn gọi nên thánh của Kitô hữu giáo dân được thể hiện theo cách thức riêng của họ trong việc tham gia vào những lãnh vực trần thế : xã hội, kinh tế, văn hoá, chính trị, nghề nghiệp, vv.

Ðức Thánh Cha đã lập lại lời các nghi phụ Thượng Hội Ðồng về ơn gọi nên thánh của người giáo dân giữa trần thế : "Sự thống nhất đời sống của người tín hữu giáo dân rất quan trọng : thực vậy, họ phải thánh hoá bản thân trong đời sống thường nhật, nghề nghiệp và xã hội. Ðể có thể đáp trả lại ơn gọi của mình, các Kitô hữu giáo dân phải nhận ra đời sống thường ngày của mình như một cơ hội kết hiệp với Thiên Chúa và thực hiện ý muốn của Người, cũng như một cơ hội phục vụ tha nhân bằng cách đưa họ đến hiệp thông với Thiên Chúa trong Ðức Kitô" [17] (x. CFL 17).

Ơn gọi nên thánh đối với người giáo dân phải được xác định như một yếu tố thuộc bản chất và không thể tách khỏi đời sống mới do Phép Rửa, và do đó phải được xem như yếu tố cấu tạo nên phẩm giá của người tín hữu giáo dân. Ðồng thời, ơn gọi nên thánh của người giáo dân có liên hệ mật thiết với sứ mạng và trách nhiệm của người giáo dân trong lòng Giáo Hội và trong thế giới.

Phép Rửa là nền tảng khai tâm Kitô giáo và là nền tảng cho mọi Bí tích của đời sống Kitô hữu mà người giáo dân phải sống. Những ân huệ của sự thánh thiện nơi Phép Rửa cũng là một lời mời gọi sự thánh thiện cá nhân. Toàn thể dân Thiên Chúa là một dân thánh. W. Kasper đã nói rất đúng rằng : "đường ranh giới không đi qua giữa giáo sĩ và giáo dân, nhưng giữa Kitô hữu và không Kitô hữu". [18]

 

KẾT LUẬN

Trong Giáo hội hiệp thông, dù khác biệt về ơn gọi và chức vụ, nhưng tất cả mọi thành phần Dân Thiên Chúa đều "được đến trước Tôn Nhan và tế lễ phụng thờ" (Kinh tạ ơn II) và "được quy tụ thành một dân riêng để từ đông sang tây cùng dâng lên Cha một hiến lễ tinh tuyền" (Kinh Tạ ơn III).

Trong Giáo Hội hiệp thông, chúng ta cần phải thoát ra khỏi chủ trương nhị nguyên về xã hội (Dualisme sociologique) gồm giáo sĩ và giáo dân. Chủ trương nhị nguyên này phát xuất từ những thái cực, nó biểu lộ một đàng qua "chủ nghĩa giáo quyền" hay "giáo sĩ trị" ("cléricalisme") và đàng khác qua "chủ nghĩa dân quyền" ("lacalisme"). Cả hai đều là mặt trái và mặt phải của cùng một sai lầm : các thừa tác viên có chức thánh có thể bị cám dỗ lui vào thế phòng ngự để bảo vệ "uy thế" và "quyền thánh" của mình, trong khi đó, các giáo dân có thể bị cám dỗ rơi vào thái độ yêu sách đòi "dân chủ". Chúng ta hãy để mỗi bên hiện diện như nó là, theo đúng "căn tính" và "phẩm giá" của mình trong một Giáo Hội mầu nhiệm và hiệp thông.

Chúng ta hãy tìm kiếm những đặc tính bổ xung nhau, chứ đừng tìm những đối kháng. Sự cộng tác giũa linh mục và giáo dân phải là sự cộng tác hài hoà bằng những hoạt động bổ xung cho nhau trong Thân Thể Ðức Kitô là Giáo Hội. Tương quan giữa linh mục và giáo dân phải được thiết lập trên sự tôn trọng lẫn nhau về "căn tính" của mỗi bên. Chiều kích hiệp thông phải vượt lên trên chiều kích lệ thuộc. Gương của thánh Phaolô vẫn còn mang tính thời sự. Phaolô đã biết thi hành quyền của ngài khi phải thi hành, nhưng mối tương quan với các cộng sự viên của ngài tiên vàn là tương quan hiệp thông. Chỉ có sự hiệp thông sống động mới giúp sống được sự lệ thuộc cần có.

Phẩm giá của người Kitô hữu, nguồn gốc của sự bình đẳng giữa mọi thành phần trong Giáo Hội sẽ bảo đảm và thúc đẩy tinh thần hiệp thông và huynh đệ, đồng thời trở nên nguồn mạch thâm sâu và mạnh mẽ cho hoạt động tông đồ và truyền giáo của các Kitô hữu giáo dân.

Trong tương quan của sự cộng tác mục vụ, các linh mục không thể đơn thuần coi những người giáo dân chia sẻ việc mục vụ với mình như những người thừa hành (simples exécutants) hay những người thực hiện ngoan ngoãn (réalisateurs dociles) các quyết định riêng của linh mục. Những giáo dân này phải tham dự vào Hội Ðồng Mục Vụ, vào các cuộc họp soạn thảo, xây dựng hoạt động mục vụ. Ý kiến của họ phải được chăm chú lắng nghe, tuy không phải là luôn luôn có thể chấp thuận. Mối tương quan tiên vàn phải mang chiều kích hiệp thông trong một Giáo Hội Hiệp thông.

Lm. Antôn Nguyễn Ðức Khiết

 

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

AA     : Apostolicam actuositatem (Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân)

CFL    : Christifideles laci (Tông Huấn hậu Thượng Hội Ðồng "Kitô hữu giáo dân")

LG     : Lumen gentium (Hiến chế tín lý về Giáo Hội)

SC     : Sources chrétiennes

 


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà



[1] LG 6, đ. 3.

[2] Bernard Sesboué, Nayez pas peur !, Regards sur lEglise et les ministères aujourdhui, DDB, Paris, 1996, tr. 117.

[3] Propositio 3.

[4] Piô XII, Diễn từ ngỏ với các tân Hồng Y (20-2-1946) : AAS 38 (1946), tr. 149.

[5] Tertulien, Exhortation à la chasteté 7, 3 : SC 319, tr. 93.

[6] Constitutions apostoliques, II, 26, 1 : SC 320, tr. 235.

[7] Clément de Rome, Thư gửi tín hữu Côrintô 40, 5 : SC 167, tr. 167.

[8] A. Faivre, Les laics aux origines de lEglise, Centurion, Paris, 1984, tr. 34.

[9] Augustinô, Bài giảng 346 : PL 38, 1483.

[10] LG 7

[11] LG 34, đ. 2.

[12] Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô, Vua vũ trụ.

[13] A Diognète, VI, 1 : SC 33 bis, p. 65.

[14] Phaolô VI, Diễn từ ngỏ với các Bề trên va các thành viên thuộc các Tu Hội đời, (2-2-1972) : AAS 64 (1972), tr. 208.

[15] LG 31, đ. 2.

[16] x. LG, Ch. V.

[17] Propositio 5.

[18] W. Kasper, "Lheure des laics" , Christus, 145 (1990), tr. 25.