Sự tham gia của giáo dân
vào đời sống giáo hội -
hiệp thông
(Tông huấn Kitô
hữu giáo dân, ch. II, các số 18 - 31)
Sau khi nói đến phẩm giá cao quý
của người giáo dân trong Giáo Hội (ch. I), Tông huấn cho biết phẩm giá này có
tính chất đòi hỏi (cuối số 17), nghĩa là có một sứ mạng và nhiệm vụ phải thi
hành. Giáo dân phải tham gia vào đời sống Giáo Hội được nhấn mạnh dưới khía
cạnh hiệp thông, và tham gia vào nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội trên thế giới.
Ðó là nội dung của hai chương II và III.
Bài này trình bày những điểm chính của chương II.
I. Những
yếu tố nền tảng của sự tham gia vào Giáo Hội - Hiệp Thông
1. Bản chất của Giáo Hội - Hiệp Thông
Ðể thấy rõ sự tham gia của giáo dân vào đời sống
Giáo Hội - Hiệp Thông như thế nào, phải hiểu Giáo Hội - Hiệp Thông là gì.
a/ Dựa vào hình ảnh cây nho và cành nho (Ga 15,1tt), một hình
ảnh hướng dẫn cho những suy tư của Tông huấn.
- Cũng như cành nho kết hợp với cây nho, các tín hữu, trong đó có
giáo dân, kết hợp với Ðức Kitô là cây nho thật, một sự kết hợp có tính chất
sinh tử. Chính nhờ kết hợp với Ðức Kitô mà họ kết hợp với Chúa Cha. Và cũng như
các cành nho kết hợp với nhau, vì chia sẻ cùng một nhựa sống của cây nho, thì
các tín hữu cũng kết hợp với nhau, vì chia sẻ cùng một sự sống của Ðức Kitô.
- Các tín hữu kết hợp với Ðức Kitô và với nhau không chỉ với tư cách
từng cá nhân riêng rẽ, mà chủ yếu với tư cách một cộng đồng, một tập thể, tức
là Giáo Hội. Giáo Hội chính là "một dân được hiệp nhất, nhờ sự hiệp nhất
giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Cyprianô). Như vậy, sự hiệp
nhất Ba Ngôi là kiểu mẫu, nguồn mạch và cùng đích của sự hiệp thông Giáo Hội.
b/ Dựa vào cách trình bày của Công Ðồng Vaticanô II
- Vaticanô II trình bày Giáo Hội như một sự hiệp thông. Công Ðồng
dùng những hình ảnh Thánh Kinh phác họa Giáo Hội như một sự hiệp thông của các
tín hữu với Ðức Kitô và với nhau : chuồng chiên, đàn chiên, thửa ruộng, cây
nho, tòa nhà, gia đình, đền thánh, hiền thê (x. GH 6). Trong số những hình ảnh
này thì, trừ hình ảnh cây nho được Tông Huấn khai triển đặc biệt, hình ảnh gia
đình và hiền thê làm nổi bật sự kết hợp mật thiết giữa Ðức Kitô và Giáo Hội.
Ðặc biệt, Công Ðồng tổng hợp những bản văn phong phú của Phaolô để trình bày
Giáo Hội là Thân Thể Ðức Kitô, cho thấy tất cả bản chất, sinh hoạt, sự liên kết
và tăng trưởng của Thân Thể này như thế nào.
- Công Ðồng còn dựa vào toàn bộ lịch sử cứu độ để trình bày Giáo Hội
như là Dân Thiên Chúa, lữ hành qua một lịch sử thánh, được chuẩn bị bằng dân
riêng là Israel, đi tới dân mới là dân thiên sai, do chính Ðức Kitô thiết lập,
quy tụ và hiệp nhất mọi người mọi dân, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba
Ngôi, hướng tới ngày Nước Thiên Chúa hoàn tất. Dân này là như "dấu chỉ và
khí cụ của sự hiệp nhất mật thiết với Thiên Chúa, và của sự hiệp nhất toàn thể
nhân loại" (GH 1).
- Sự hiệp thông trong Giáo Hội không phải là một thực tại thuần túy
xã hội học và tâm lý. Có nghĩa là : nó không chỉ là mối liên hệ phát xuất từ
bản tính con người hay đời sống thực tế của xã hội đòi phải liên đới với nhau.
Nói theo kiểu Thánh Kinh, mối liên hệ như vậy vẫn còn có tính chất "xác
thịt và máu huyết". Nhưng sự hiệp thông trong Giáo Hội phát xuất từ chính
bản tính siêu nhiên của Giáo Hội, một dân được Thiên Chúa tuyển chọn, có thủ
lãnh là Ðức Kitô, có quy chế là phẩm giá và sự tự do của các con cái Chúa, có
lề luật là giới răn mới, có không gian phổ quát, có cùng đích là Nước Thiên
Chúa. Do bắt nguồn từ Thiên Chúa mà sự hiệp thông của Giáo Hội phản ánh sự hiệp
thông của chính Thiên Chúa.
Tác nhân
của sự hiệp thông này là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết
bền vững giữa Ba Ngôi, thì trong Giáo Hội, Ngài cũng là mối dây liên kết bền
vững giữa các tín hữu, giúp họ hiệp nhất với Ðức Kitô và, qua Ðức Kitô, với
Chúa Cha, cũng như giúp họ hiệp thông với nhau trong cùng một đức tin, đức cậy,
đức mến, trong một Thân Thể là Giáo Hội và Dân Thiên Chúa.
2. Ðặc tính của sự hiệp thông Giáo Hội : một sự hiệp thông
hữu cơ.
a/ Sự hiệp thông hữu cơ là sự
hiệp thông của các phần tử có những ơn gọi, điều kiện, tác vụ và đoàn sủng khác
nhau, nhưng bổ túc cho nhau, hài hòa với nhau, nhờ đó mỗi người "có tương
quan với toàn thân thể và góp phần riêng của mình vào thân thể đó".
- Sự hiệp thông này tương tự như sự hiệp thông hay liên đới mật thiết
giữa các phần tử của một thân thể sống và hoạt động, đã được thánh Phaolô áp
dụng vào Nhiệm Thể Ðức Kitô, được Công Ðồng Vatican II khai triển và tổng hợp
trong Hiến Chế về Giáo Hội (số 7), và được Tông Huấn lặp lại. Thân Thể này đã
được Ðức Kitô tạo lập một cách mầu nhiệm và đổ tràn sự sống của Ngài, đặc biệt
qua các bí tích, trên các tín hữu là chi thể. Các chi thể này tuy nhiều, nhưng
làm nên một thân thể. Những ân sủng và phận vụ khác nhau của các chi thể đều
góp phần vào lợi ích chung, vào việc xây dựng, củng cố và phát triển thân thể.
Các chi thể kết hợp mật thiết với Ðầu là Ðức Kitô, vì Ngài là Nguyên lý hợp
nhất và tăng trưởng của toàn thân thể.
- Sự hiệp thông giữa những đa dạng và bổ túc này có được là do Chúa
Thánh Thần. Chúa Thánh Thần không những là Ðấng ban sự sống, mà còn là Ðấng
hiệp nhất các hoạt động của toàn thân thể. Thánh Thần ban cho các chi thể những
ân điển khác nhau, theo sự sung mãn của Ngài và tùy nhu cầu của công việc, thì
đồng thời cũng hiệp nhất hài hòa tất cả thân thể, bằng thần lực của Ngài và
bằng sự liên kết các chi thể lại với nhau, nhờ đó mà bảo đảm cho Giáo Hội được
hiệp nhất trong sự hiệp thông và phục vụ. Thánh Tôma đã đối chiếu vai trò và
hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội với vai trò và hoạt động của linh
hồn trong thân xác con người như sau : "Cũng như thân thể được cấu tạo nên
một do sự hiệp nhất của linh hồn, Giáo Hội cũng được cấu tạo nên một do sự hiệp
nhất của Thánh Thần".
Tóm lại,
Giáo Hội là sự hiệp thông với Chúa Cha, một sự hiệp thông triển nở trong sự
hiệp thông với Ðức Kitô và với các anh chị em, được thông ban và nuôi dưỡng qua
các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, do Thần Khí của Ðấng đã hiệp thông đầy
đủ với nhân tính của ta lúc nhập thể và đã sống lại để cho ta hiệp thông với sự
sống lại của Ba Ngôi.
b/ Tông Huấn nhắc nhở rằng sự hiệp thông này chính là một
ân huệ lớn lao. Do đó không những phải lấy lòng tri ân mà đón nhận, nhưng
còn phải biết sống hồng ân này cách cụ thể, bằng việc dùng các tác vụ và đoàn
sủng được ban cho mình để phục vụ Giáo Hội và cứu độ thế giới. Ðiều nhắc cho
các tín hữu nói chung, thì cũng nhắc cho giáo dân nói riêng.
3. Phương tiện tham gia vào Giáo Hội - Hiệp Thông : sử
dụng các tác vụ và đoàn sủng
a/ Các tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ
- Trong Giáo Hội, có nhiều tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ khác nhau,
được ban cho các tín hữu để phục vụ ích chung. Tất cả đều là sự tham dự vào tác
vụ của Ðức Giêsu Kitô. Các tác vụ và nhiệm vụ này đã có ngay từ hồi Giáo Hội sơ
khai, như Tân Ước, nhất là các thư Phaolô cho biết. Trong Giáo Hội hiện nay, có
hai loại tác vụ : tác vụ của người có chức thánh (ministre ordonn ou sacr) và
tác vụ chung hoặc của giáo dân (ministre commun ou lạque). Phân biệt tác vụ
(ministre), chức vụ (office) và nhiệm vụ hay chức năng (fonction).
- Ðứng đầu các tác vụ trong Giáo Hội là tác vụ được phong, phát xuất
từ bí tích Truyền Chức Thánh, được ban cho các Tông Ðồ và các người kế vị, cho
hàng giáo phẩm, để phục vụ Giáo Hội. Các tác vụ này khác với các tác vụ chung
cho mọi tín hữu, tự bản tính chứ không chỉ khác trong cấp độ.
Ngoài các
tác vụ được phong, còn có các tác vụ chung cho mọi giáo dân, đặt nền tảng trên
bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, cũng góp phần phục vụ Giáo Hội, mà các vị chủ
chăn phải nhìn nhận và cổ võ. Trong số này, có hai tác vụ được định chế
(institu) qua một nghi thức phụng vụ, có tính cách vững bền, dành cho nam giới.
Ðó là tác vụ Ðọc Sách và tác vụ Giúp Lễ. Có loại tác vụ tạm thời, hoặc được chỉ
định như tác vụ đọc sách, hoặc theo quy tắc luật định như dẫn lễ, ca viên hay
những việc khác. Có loại tác vụ ngoại lệ có tính cách thay thế, khi nhu cầu đòi
hỏi và khi thiếu tác viên có chức thánh, chẳng hạn tác vụ Lời Chúa, chủ tọa các
Kinh Nguyện Phụng Vụ, ban phép Thánh Tẩy, cho rườc lễ, theo quy tắc của luật
(x. GL 230).
- Một điều được Tông Huấn nhắc nhở đặc biệt, liên hệ đến tác vụ của
giáo dân : Phải lưu ý sự khác biệt cơ bản giữa chức tư tế thừa tác và chức tư
tế cộng đồng, và do đó, sự khác biệt giữa các tác vụ do bí tích Truyền Chức
Thánh và các tác vụ do bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức. "Chỉ có bí tích
Truyền Chức Thánh mới ban cho tác viên thụ phong được tham dự đặc biệt vào chức
vụ của Ðức Kitô Thủ Lãnh và Mục Tử, cũng như vào chức tư tế vĩnh cửu của
Ngài".
Do đó,
việc thi hành phận vụ có tích cách thay thế của giáo dân phải có sự ủy nhiệm
của chủ chăn và không biến họ thành chủ chăn ; không được lẫn lộn và cào bằng
giữa chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác ; không lạm dụng quy định cho
phép các thừa tác vụ ngoại lệ ; các tác vụ của giáo dân phải phù hợp với ơn gọi
giáo dân đặc biệt của họ.
b/ Các đoàn sủng
- Giáo dân phục vụ Giáo Hội - Hiệp Thông không những qua các tác vụ
được định chế hay chỉ định, mà còn qua các đoàn sủng (charisme). Ðoàn sủng là
những ân huệ khác nhau, được Chúa Thánh Thần ban cách nhưng không cho các tín
hữu, nhằm phục vụ cộng đồng, hướng về việc xây dựng Giáo Hội, thiện ích của con
người và nhu cầu của thế giới. Cũng như tác vụ, đoàn sủng thuộc về yếu tính của
Giáo Hội, cần thiết và thường tồn trong Giáo Hội, như một hình thức bổ túc cho
tác vụ và thể chế của Giáo Hội.
Ðoàn sủng
đã được ban cho Giáo Hội ngay từ thời các Tông Ðồ, như một biểu hiện hữu hình
về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, với mục đích làm cho Giáo
Hội tăng trưởng. Thánh Phaolô, đặc biệt trong 1 Cr 12-14, đã đề cập nhiều đoàn
sủng khác nhau và việc sử dụng những ân huệ này.
Trong suốt
dòng lịch sử Giáo Hội, cũng như trong thời đại hôm nay, người ta thấy các đoàn
sủng khác nhau triển nở nơi giáo dân, cả nam lẫn nữ. Chính chúng đem lại sự
sinh động tông đồ và sự thánh thiện cho Giáo Hội.
- Ðiều quan trọng là phải phân biệt đâu là đoàn sủng đích thực, phát
xuất từ Chúa Thánh Thần, nhằm phục vụ công ích, và đâu là những hình thức lệch
lạc phá rối đời sống của các tín hữu và các cộng đồng. Ở đây, vấn đề không phải
luôn luôn ưu tiên cho thể chế, với nguy cơ dập tắt Thánh Thần, nhưng là giáo quyền
phải xem xét kỹ lưỡng để có thể công nhận một đoàn sủng mới như một sự thúc đẩy
mới mẻ của Thần Khí, giúp Giáo Hội thích ứng với hoàn cảnh mới, thời đại mới.
Tiêu chuẩn căn bản để công nhận một đoàn sủng mới là phải có sự tùng phục các
chủ chăn trong Giáo Hội.
II.
Môi trường và hình thức tham gia cụ thể
Giáo
dân tham gia cụ thể và Giáo Hội - Hiệp Thông trong những môi trường và bằng
những hình thức khác nhau.
1. Các môi trường tham gia
- Sự tham gia của giáo dân được thực hiện trước hết và cần thiết trên
bình diện Giáo Hội địa phương. Muốn biết vì sao phải ưu tiên cho sự tham gia
này, cần hiểu rõ Giáo Hội địa phương là gì. Theo cách trình bày của Công Ðồng,
được Tông Huấn lặp lại, Giáo Hội địa phương bao gồm một phần Dân Thiên Chúa,
nhưng không phải là một phần nhỏ được chia ra từ Giáo Hội phổ quát, và Giáo Hội
phổ quát cũng không thuần túy là tổng số các Giáo Hội địa phương. Giữa hai thực
tại này có mối dây hiệp thông bền vững vì Giáo Hội phổ quát hiện diện và được
bày tỏ trong các Giáo Hội địa phương. Chính vì vậy mà mỗi Giáo Hội địa phương
được thành lập theo hình ảnh của Giáo Hội phổ quát, và trong các Giáo Hội địa
phương này, cũng như từ các Giáo Hội địa phương này, một Giáo Hội duy nhất,
thánh thiện, công giáo và tông truyền của Ðức Kitô hiện diện và hành động thực
sự.
Do ý nghĩa
này mà khi tham gia vào sinh hoạt của Giáo Hội địa phương, giáo dân phải ý thức
tinh thần công giáo, nghĩa là phải hướng tới nhu cầu của các Giáo Hội địa
phương khác và của toàn thể Giáo Hội nữa.
- Trên bình diện Giáo Hội địa phương hay Giáo Phận, giáo dân được mời
gọi tham gia vào Hội đồng Mục vu Giáo phận và các Hội nghị Giáo phận. Ngoài ra,
do sự liên đới mật thiết hơn và nhu cầu chung giữa các Giáo phận thuộc một Giáo
tỉnh, một Miền, một Hội Ðồng Giám Mục, họ cũng được mời gọi tham gia vào các
Công Ðồng giáo tỉnh, Công Ðồng toàn miền, Hội nghị của Hội Ðồng Giám Mục, bằng
những ý kiến hay cộng tác, trong giới hạn luật định, qua đó, những vấn đề chung
được thấy rõ hơn và sự hiệp thông giáo hội được bày tỏ cụ thể hơn.
- Sự hiệp thông giáo hội được diễn tả cách trực tiếp và hữu hình nhất
nơi giáo xứ. Ðây là cơ sở cuối cùng của Giáo Hội, nơi mà chính Mầu nhiệm Giáo
Hội hiện diện và hoạt động. Giáo xứ tiên vàn không phải là một tổ chức, một thể
chế, một lãnh thổ, nặng chất pháp lý, nhưng được diễn tả như một thực tại thần
học. Giáo xứ là một cộng đồng tín hữu (cũng như Giáo phận là một phần Dân Thiên
Chúa), một gia đình của Thiên Chúa, một cộng đồng huynh đệ, một cộng đồng Thánh
thể, một cộng đồng đức tin, một cộng đồng hữu cơ. Tất cả đều nói lên sự hiệp
thông là ý niệm chủ yếu khi bàn về Mầu nhiệm Giáo Hội.
- Tuy ngày nay, nhiều công việc của Giáo Hội đòi hỏi sự cộng tác liên
giáo xứ hoặc những hình thức hoạt động khác, nhưng giáo xứ vẫn là đơn vị cơ
bản. Tông Huấn trích lời của đức Phaolô VI nói về giáo xứ như sau : "Chúng
tôi tin tưởng một cách rất đơn giản rằng cơ chế cổ truyền và đáng kính là giáo
xứ có một sứ mệnh cần thiết rất hiện đại. Chính giáo xứ phải tạo ra một cộng
đồng đầu tiên của dân kitô hữu ; chính giáo xứ phải hướng dẫn bước đầu cho Dân
Chúa làm quen với cách diễn tả bình thường của đời sống phụng vụ và tập họp để
cử hành phụng vụ ; chính giáo xứ phải duy trì và làm tươi trẻ niềm tin nơi con
người ngày hôm nay ; chính giáo xứ cũng phải dạy cho họ giáo lý của Ðức Kitô ;
chính giáo xứ cũng phải hăng say và tận tụy thực thi đức ái khiêm tốn trong
công cuộc từ thiện và huynh đệ".
Nhưng để
giáo xứ có thể hoạt động hiệu quả hơn trong thời đại hôm nay, cần thích nghi
các cơ cấu giáo xứ như Giáo Luật cho phép, cổ võ sự tham gia của giáo dân vào
trách nhiệm mục vụ, khuyến khích các hình thức hợp tác giữa các giáo xứ trong
một vùng.
- Giáo xứ là nơi mà giáo dân có thể tham gia hoạt động dễ dàng nhất,
cụ thể nhất, thường xuyên nhất, hữu hiệu nhất. Nhưng trước hết, cần giúp họ
hiểu rõ và xác tín về ý nghĩa cũng như sự cần thiết của việc tham gia này. Họ
phải biết rằng mỗi người, tùy theo ơn gọi, hoàn cảnh, khả năng, tác vụ và đoàn
sủng, dưới sự điều động của vị chủ chăn, phải góp phần vào việc xây dựng và làm
tăng trưởng giáo xứ. Nhiệm vụ này phát xuất từ chính tư cách của họ là kitô
hữu, từ Lời Chúa mời gọi họ đích danh vào làm việc trong vườn nho của Ngài. Sự
góp phần này là cần thiết đến nỗi, như Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân viết,
"nếu không có nó, chính hoạt động tông đồ của các chủ chăn thường không
đạt được kết quả đầy đủ" (TÐ 10). Họ có thể tham gia bằng ý kiến, bằng
việc làm, hoặc bằng cả hai, nhất là thông qua Hội đồng Mục vụ giáo xứ, một thể
chế được THÐGM 1987 rất nhấn mạnh. Tất cả sự tham gia trên đều dựa vào sự hiệp
thông trong giáo xứ, đồng thời cũng làm cho sự hiệp thông này ngày một phát
huy.
- Ngoài ra, giáo dân còn phải biết hướng ra chung quanh, có tinh thần
truyền giáo, sinh hoạt gắn bó với xã hội, liên đới với người khác, phục vụ đồng
bào. Nhờ những hoạt động này, giáo xứ không những là nơi hiệp thông các tín
hữu, mà còn là ngôi nhà mở rộng đón nhận mọi người.
2. Các hình thức tham gia
Giáo dân tham gia vào Giáo Hội - Hiệp
Thông vì thiện ích của mọi người. Ðổi lại, thiện ích của mọi người cũng trở
thành thiện ích của mỗi người trong họ. Họ có thể tham gia dưới hình thức cá
nhân hay tập thể.
Với tư
cách là một hữu thể độc nhất, không thể thay thế, đồng thời cũng là một chi thể
của Giáo Hội, người giáo dân được trao một nhiệm vụ không thể thay thế, được
chu toàn vì ích lợi của cả Giáo Hội.
Nói
về nhiệm vụ tông đồ, một nhiệm vụ tối cần của giáo dân, Công Ðồng Vaticanô II
viết : "Mọi người giáo dân, dù thuộc thành phần nào đi nữa, dù không có cơ
hội hay khả năng cộng tác trong các phong trào, cũng đều được kêu gọi và đều có
nhiệm vụ phải thực hành việc tông đồ cá nhân" (TÐ 16). Công Ðồng cũng cho
biết thêm là "việc tông đồ cá nhân này rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và
thời nào ; hơn nữa, trong một số hoàn cảnh, chỉ có nó mới thích hợp và mới có
thể thực hiện được" (ibid.).
Vì
sao mà có hiệu quả như vậy ? - Tông Huấn cho biết : đó là do giáo dân có thể
đem Tin Mừng chiếu giãi vào mọi ngõ ngách, ngày này qua ngày khác, do điều kiện
sinh hoạt và nghề nghiệp của họ. Họ lại có thể làm chứng cho Tin Mừng một cách
sâu sắc, do trực tiếp chia sẻ chính những khó khăn, những khát vọng và kinh
nghiệm của nhiều loại người mà họ thường xuyên tiếp xúc.
- Việc tham gia tập thể càng cho thấy rõ hơn sự hiệp thông giáo hội,
vì liên đới trực tiếp và gần kề với các anh chị em khác.
Trong
Giáo Hội hiện nay, người ta thấy xuất hiện và phát triển nhiều hiệp hội giáo
dân khác nhau, đến nỗi có thể nói về một mùa Xuân của các hiệp hội giáo dân.
Những hiệp hội này, tuy khác nhau về hình thức, tổ chức và hoạt động, nhưng đều
nhằm mục đích là tham gia tập thể và có trách nhiệm vào sứ vụ của Giáo Hội.
- Lý do của việc tham gia loại này vừa có tính chất xã hội vừa thuộc
lãnh vực thần học. Nó là cách diễn tả xã hội tính nơi con người và nhằm đạt
được hiệu quả tốt hơn do sự góp sức của nhiều người theo cùng một tôn chỉ và
một đường hướng hành động. Ðiều này càng đúng và cần thiết trong bối cảnh một
thế giới tục hóa và có nhiều vấn đề phức tạp. Việc quy tụ lại thành hiệp hội
vừa giúp ích cho đời sống kitô giáo của các thành viên, vừa thúc đẩy hơn nỗ lực
tông đồ và truyền giáo của họ. Tuy nhiên, lý do thuộc giáo hội học mới cần được
nhấn mạnh hơn : việc tham gia tập thể trong các hiệp hội chính là "dấu chỉ
hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Ðức Kitô" (TÐ 18).
- Chính lý do thuộc giáo hội học giải thích hai vấn đề có tính chất
pháp lý về các hiệp hội : vấn đề về quyền lập hội và vấn đề về tiêu chuẩn để
biện biệt và công nhận hiệp hội. Giáo dân có quyền tự do lập hội và sinh hoạt
trong hiệp hội. Dĩ nhiên quyền này luôn luôn và chỉ được thực thi trong sự hiệp
thông của Giáo Hội.
Hiệp hội
giáo dân phải được giáo quyền công nhận. Ðể biện biệt và công nhận các hiệp
hội, phải dựa vào những tiêu chuẩn có tính giáo hội. Tông Huấn đưa ra những
tiêu chuẩn nền tảng như sau : ơn gọi nên thánh của các thành viên ; dấn thân
tuyên xưng đức tin công giáo ; hiệp thông với đức Giáo Hoàng, Giám Mục giáo
phận và các tổ chức tông đồ khác ; cộng tác vào mục đích tông đồ và truyền giáo
của Giáo Hội ; dấn thân vào xã hội nhân loại. Những tiêu chuẩn trên đây được
thể hiện bằng ý hướng và hành vi chi tiết hơn trong đời sống cũng như trong
hoạt động (x. Tông Huấn, cuối số 30).
- Một khi hiệp hội đáp ứng được những tiêu chuẩn đó, giáo quyền có
nhiệm vụ hướng dẫn, khích lệ và lo liệu để hiệp hội được chính thức công nhận,
phê chuẩn, nếu hiệp hội đó đã phổ biến trên phạm vi quốc gia, thậm chí trên thế
giới. Hơn nữa, giáo quyền có thể lựa chọn và cổ võ đặc biệt một hiệp hội nào
đó, hoặc nhận trách nhiệm đặc biệt đối với một hiệp hội nào đó (x. TÐ 24).
Trong số những hiệp hội này, nên lưu ý riêng những hiệp hội hay tổ chức chuyên
biệt hóa trong phong trào Công Giáo Tiến Hành.
Ðể kết thúc chương nói về việc tham gia
của giáo dân vào Giáo Hội - Hiệp Thông, Tông Huấn một lần nữa mời gọi mọi người
ý thức về trách nhiệm làm triển nở sự hiệp thông trong Giáo Hội. Dù tham gia
với tư cách cá nhân hay tập thể, phải luôn duy trì mối dây thân ái, kính trọng,
cộng tác, đặc biệt phải chiến thắng các cám dỗ chia rẽ và chống đối. Tông Huấn
kết luận : "Ðược như vậy, đời sống hiệp thông giáo hội trở thành một dấu
chỉ cho thế giới và một sức mạnh lôi cuốn đưa người ta đến chỗ tin vào Ðức
Kitô" (cuối số 31).