HUẤN THỊ

      

"Về Một Vài Vấn Ðề Liên Quan Ðến Sự Cộng Tác

Của Các Tín Hữu Giáo Dân Vào Thừa Tác Vụ Của Linh Mục".

 

Linh Mục Ðaminh Nguyễn Văn Mạnh

 

MỤC LỤC

 

Lời tựa

Chương I : Những nguyên lý thần học

1.   Chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác

2.   Những nhiệm vụ thừa tác : duy nhất và khác biệt

3.   Ðặc tính không thể thay thế của thừa tác vụ chức thánh

4.   Sự cộng tác của các tín hữu không chức thánh vào thừa tác vụ mục vụ

Chương II : Những quy định thực hành

Ðiều 1 : Cần xác định từ "thừa tác vụ"

Ðiều 2 : Thừa tác vụ lời Chúa

Ðiều 3 : Bài giảng lễ

Ðiều 4 : Cha quản xứ và giáo xứ

Ðiều 5 : Những cơ quan cộng tác trong giáo phận

Ðiều 6 : Các cử hành phụng vụ

Ðiều 7 : Các cử hành Chúa nhật không có linh mục

Ðiều 8 : Thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ

Ðiều 9 : Việc tông đồ bệnh nhân

Ðiều 10 : Chứng hôn

Ðiều 11 : Thừa tác viên rửa tội

Ðiều 12 : Về việc hướng dẫn trong các nghi lễ an táng của Giáo hội

Ðiều 13 : Cần sự biện biệt và huấn luyện tương xứng

Kết

 

Lời Tựa

 

Hệ quả phát sinh từ mầu nhiệm Giáo Hội, đó là tất cả mọi chi thể của Nhiệm thể đều được kêu gọi tích cực tham gia vào sứ mệnh và việc xây dựng dân Thiên Chúa, trong một sự hiệp thông hữu cơ giữa các thừa tác vụ và đặc sủng khác nhau. Lời kêu gọi này thường vang lên trong các tài liệu của Huấn quyền, đặc biệt từ Công đồng Vatican II 1. Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đặc biệt ba khóa họp khoáng đại thường lệ gần đây nhất đã phải tái khẳng định căn tính riêng biệt của người tín hữu giáo dân, của các thừa tác viên chức thánh cũng như những người sống đời thánh hiến, họ cùng chung phẩm giá nhưng khác biệt về nhiệm vụ. Thượng Hội đồng khích lệ tất cả mọi tín hữu xây dựng Giáo hội bằng cách hiệp thông cộng tác vào ơn cứu rỗi thế gian.

Phải lưu ý đến tính cách cấp bách và tầm quan trọng của hoạt động Tông đồ giáo dân trong hiện tại cũng như cho tương lai của việc Phúc Âm hóa. Giáo hội không thể coi thường loại hoạt động này, vì nó được ghi khắc trong bản chất của dân Thiên Chúa, và bởi vì Giáo hội cần đến loại hoạt động tông đồ giáo dân này để thực hiện sứ mạng truyền giáo riêng của mình .

Lời kêu gọi tất cả mọi tín hữu hãy tích cực tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội không phải không có tiếng vang. Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 1987 đã nhận thấy "đâu là cách thức được Thánh Thần sử dụng để tiếp tục làm cho Giáo hội thêm tươi trẻ, bằng cách gợi lên trong Giáo hội những năng lực mới của sự thánh thiện với sự tham gia đông đảo của giáo dân. Trong số nhiều chứng từ, chúng tôi thấy được một chứng từ về những năng lực đó, trong kiểu cách mới về sự cộng tác giữa linh mục, tu sĩ, và giáo dân ; trong sự tham dự tích cực vào Phụng vụ, vào việc loan báo Lời Chúa, vào việc huấn giáo ; trong nhiều dịch vụ và trách vụ được trao phó cho giáo dân, và họ đã đảm nhận rất tốt ; trong việc nở rộ các nhóm, các hiệp hội, các phong trào tu đức và dấn thân ; trong việc tham gia rộng rãi và rõ nét hơn của phụ nữ vào đời sống của Giáo hội và vào việc phát triển xã hội" 2. Cũng thế, trong thời gian chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 1994 về đời sống thánh hiến, đã phát hiện "khắp nơi một ước muốn chân thành muốn thiếp lập chính thức những tương quan hiệp thông và cộng tác giữa các Giám mục, tu sĩ, giáo sĩ triều và giáo dân" 3.

Trong Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng ra sau đó, Ðức Thánh Cha đã khẳng định phần đóng góp độc đáo của đời sống thánh hiến vào sứ mệnh cũng như vào việc xây dựng Giáo hội 4.

Quả thế, tất cả mọi tín hữu đều đã cộng tác vào cả hai lãnh vực thuộc sứ mệnh của Giáo hội : cả trên bình diện thiêng liêng khi mang đến cho con người sứ điệp và ân sủng của Chúa Kitô, cũng như trong phạm vi trần thế khi thấm nhuần và hoàn thiện trật tự các thực tại trần thế bằng tinh thần Tin Mừng 5. Ðặc biệt trong lãnh vực thứ nhất - Phúc âm hóa và thánh hóa - "Hoạt động tông đồ giáo dân và thừa tác vụ mục vụ bổ túc lẫn cho nhau" 6. Các tín hữu giáo dân nam cũng như nữ có ở đây vô số cơ hội để hoạt động : qua chứng từ đồng bộ từ đời sống cá nhân, đến gia đình và xã hội ; qua việc loan báo và chia sẻ Tin mừng Ðức Giêsu Kitô trong mọi môi trường ; qua nỗ lực cắt nghĩa, bênh vực và áp dụng đúng đắn những nguyên tắc Kitô giáo vào các vấn đề thời sự 7. Cách riêng, các vị chủ chăn được khuyên nhủ hãy "nhìn nhận và cổ võ các tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ của giáo dân, những chức vụ và nhiệm vụ đặt nền tảng trên Bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, hơn nữa đối với phần đông trong số họ, còn thêm Bí tích Hôn phối" 8.

Thực tế, trong lãnh vực này, đời sống Giáo hội đã chứng kiến một sự nở rộ đáng kinh ngạc những sáng kiến mục vụ, nhất là từ khi được Công đồng Vatican II và huấn quyền Giáo Hoàng thúc đẩy cách đặc biệt.

Ngày nay, nhiệm vụ ưu tiên phải tái truyền giảng Tin Mừng, thôi thúc toàn thể dân Thiên Chúa, cách riêng đòi hỏi các linh mục phải đóng "vai trò đi đầu dành riêng cho họ"; đồng thời đòi hỏi người ta phải ý thức đầy đủ về tính cách trần thế của sứ mạng người giáo dân 9. Ðường hướng này mở ra trước mắt người tín hữu giáo dân những chân trời hết sức bao la, một số vẫn còn phải tiếp tục khám phá : sự dấn thân vào môi trường thời đại, trong thế giới văn hóa, nghệ thuật, sân khấu, trong việc nghiên cứu khoa học, lao động, những phương tiện truyền thông, chính trị, kinh tế . nó đòi hỏi người giáo dân phải khôn khéo tạo những điều kiện ngày một chắc chắn hơn cho những lãnh vực này tìm gặp được nơi Ðức Giêsu Kitô ý nghĩa viên mãn của nó 10.

Trong lãnh vực rộng lớn này, nơi mà công việc thuần túy thiêng liêng hay tôn giáo cùng song hành với việc thánh hiến trần gian (consecratio mundi ), có một phạm vi riêng, liên quan đến thừa tác vụ chức thánh của hàng giáo sĩ. Nhưng để thực hiện, các tín hữu giáo dân - nam cũng như nữ - có thể được kêu gọi để trợ giúp, tất nhiên cũng bao hàm cả những phần tử không chức thánh thuộc các viện đời sống thánh hiến và những hội đời sống tông đồ. Chính phạm vi riêng biệt này được Công đồng nhắm đến khi dạy rằng : "Ðể kết thúc, hàng Giáo phẩm trao phó cho các giáo dân một vài nhiệm vụ liên quan mật thiết hơn với những bổn phận của các chủ chăn, như việc đề xướng giáo lý Kitô giáo, một vài hành vi phụng vụ, hay chăm sóc các linh hồn" 11.

Chính vì đây là những trách vụ liên hệ mật thiết hơn tới các bổn phận của chủ chăn - là những vị đã phải lãnh bí tích Truyền chức - mà tất cả những ai can dự vào cách này cách khác phải có một lòng hăng say đặc biệt để biết bảo tồn cả bản chất và sứ mệnh của thừa tác viên chức thánh lẫn ơn gọi và đặc tính đời của người giáo dân. Thực thế, cộng tác không có nghĩa là thay thế.

Chúng ta phải sung sướng nhận thấy trong nhiều Giáo hội địa phương, các tín hữu không chức thánh đã cộng tác vào thừa tác vụ mục vụ của linh mục một cách rất tích cực : đem lại nhiều hoa trái dồi dào, trong sự tôn trọng những giới hạn ấn định do bản chất của các bí tích cũng như do sự khác biệt các đoàn sủng và các nhiệm vụ trong Giáo hội ; để đối phó với những tình huống thiếu vắng hoặc khan hiếm các thừa tác viên chức thánh, người ta đã đưa ra những giải pháp quảng đại và thông minh 12. Qua đó, một khía cạnh của sự hiệp thông được sáng tỏ qua việc một số thành viên của Hội thánh ân cần tự nguyện dấn thân để cứu vãn - trong mức độ được phép, vì họ không có ấn tín chức thánh - trong những tình thế cấp bách và nhu cầu dai dẳng, ở một số cộng đoàn 13. Những tín hữu này được kêu gọi và được ủy nhiệm để đảm nhận những trách nhiệm rõ ràng, vừa quan trọng vừa tế nhị, được ơn Chúa nâng đỡ, được các thừa tác viên chức thánh hỗ trợ, và được các cộng đoàn mà họ dấn thân phục vụ tiếp đón tử tế . Các chủ chăn chức thánh biết ơn sâu xa trước sự quảng đại mà đông đảo những người thánh hiến và các tín hữu giáo dân đã dấn thân vào công việc phục vụ đặc biệt này, chu toàn với một cảm thức Giáo hội đích thực và một sự tận tụy đầy tính xây dựng. Các ngài đặc biệt tỏ lòng tri ân và khích lệ đối với những người đang phải chu toàn những trách vụ đó trong những hoàn cảnh bị bách hại, trong môi trường truyền giáo, dù về địa lý hay văn hóa, những nơi mà Giáo hội còn chưa bén rễ và sự hiện diện của linh mục còn quá lẻ tẻ 14.

Ðây không phải là nơi để đào sâu tất cả sự phong phú thần học và mục vụ của vai trò người tín hữu giáo dân trong Giáo hội . Ðiều này đã được soi sáng rộng rãi trong tông huấn "người tín hữu giáo dân".

Mục đích của tài liệu này chỉ nhằm cung cấp một câu trả lời rõ ràng và có thẩm quyền cho rất nhiều những thỉnh cầu cấp bách đến các cơ quan giáo triều từ phía các Giám mục, linh mục và giáo dân đứng trước hoàn cảnh có những hình thức mới về "mục vụ" tại các giáo xứ và giáo phận, liên quan đến những tín hữu không chức thánh, đã xin được làm sáng tỏ.

Quả thực, đây thường là những thực hành, nẩy sinh từ những tình huống cấp bách và tạm thời, và thường được lập nên với ước muốn cung cấp một sự trợ giúp quảng đại cho hoạt động mục vụ, nhưng lại có thể sinh ra những hậu qủa tai hại trầm trọng cho sự hiệp thông thực sự trong Giáo hội. Trong thực tế, những thực hành này hiện diện đặc biệt hơn ở một số vùng, đôi khi với những khác biệt lớn lao ngay trong nội bộ một vùng.

Tuy nhiên, chúng nhắc cho các vị, và đặc biệt là các Giám mục 15, nhớ đến nhiệm vụ rất nặng nề về mục vụ, vì các ngài đã được giao phó cho việc cổ võ và bảo vệ kỷ luật chung của Giáo hội. Kỷ luật này đặt nền tảng trên một số nguyên lý học thuyết đã được Công đồng Vatican II 16 công bố rõ ràng và được huấn quyền Giáo hoàng sau đó tiếp nối 17.

Nội bộ các cơ quan chúng tôi đã thực hiện một công tác suy tư. Các đại biểu của các Giám mục đoàn có liên quan nhiều nhất đến vấn đề đã tham dự một hội nghị bàn về vấn đề này, và sau cùng một bản tham khảo rộng rãi đã được gửi đến nhiều vị Chủ tịch các Hội đồng Giám mục, các Giám chức khác và các chuyên viên về nhiều môn học khác nhau của Giáo hội cũng như đến từ nhiều môi trường khác nhau. Nhờ vậy mà có được một sự đồng quy rõ ràng và ý nghĩa chính xác trong Huấn thị này : tuy nhiên Huấn thị không có tham vọng giải quyết hết mọi vấn đề, một phần vì tài liệu tự giới hạn trong việc xem xét những trường hợp hiện được biết đến nhiều nhất, đàng khác vì những trường hợp này xảy ra trong những hoàn cảnh riêng biệt rất khác nhau.

Việc trung thành áp dụng văn bản này, đã được soạn thảo trên nền tảng chắc chắn của Huấn quyền ngoại thường và thông thường của Giáo hội, được giao phó cho các Giám mục, nhưng cũng nhằm gửi đến cho các Giám chức đang phụ trách những hạt hiện chưa gặp phải những thực hành lạm dụng đó, nhưng có thể không bao lâu cũng sẽ gặp vấn đề do kỹ nghệ thông tin nhanh chóng hiện nay.

Trước khi trả lời cho những trường hợp cụ thể đã được gửi đến chúng tôi, xem ra cần vắn tắt nhắc lại một vài yếu tố quan yếu về ý nghĩa của chức thánh trong cơ chế Giáo hội. Những yếu tố đó khả dĩ giúp hiểu đầy đủ hơn tại sao Giáo hội lại đưa ra những kỷ luật đó, những kỷ luật nhằm thăng tiến quyền lợi cũng như bổn phận của tất cả mọi người, trong sự tôn trọng chân lý và sự hiệp thông Giáo hội, vì "phần rỗi các linh hồn phải luôn là luật tối thượng của Giáo hội" 18.

 

Chương I : NHỮNG NGUYÊN LÝ THẦN HỌC

 

1. Chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác

Chúa Giêsu Kitô, vị Thượng tế vĩnh cửu, đã muốn chức tư tế duy nhất và bất khả phân của Người được Giáo hội chia sẻ. Chính trong Giáo hội này, là dân của giáo ước mới, mà các tín hữu "nhờ sự tái sinh và việc xức dầu Thánh Thần, được thánh hiến để làm nên một đền thờ thiêng liêng và một chức tư tế thánh, để qua mọi hoạt động của người tín hữu, dâng lên những hy tế thiêng liêng và loan truyền các kỳ công của Ðấng đã gọi họ ra khỏi tối tăm vào trong ánh sáng huyền diệu của Người" (x. 1P 2,4 -10)19. "Do đó chỉ có một dân tộc duy nhất được Thiên Chúa tuyển chọn : "chỉ có một Chúa, một đức Tin, một phép Rửa" (Ep 4, 5) ; phẩm giá là chung vì tất cả đều được tái sinh trong Chúa Kitô, ân sủng làm con là chung, ơn gọi nên thánh là chung" 20. Nhưng trong khi "mọi tín hữu đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và cùng chung một hoạt động xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô", một số người, theo ý muốn của Chúa Kitô, được thiết đặt làm "tiến sĩ, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm mục tử chăn đắt những người khác" 21. Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, "dù khác nhau tự bản chất chứ không chỉ về cấp độ, nhưng được sắp xếp cho nhau; thực thế, cả chức tư tế chung lẫn chức tư tế thừa tác, mỗi bên theo cách thức riêng mình, đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Ðức Kitô" 22, giữa hai chức tư tế có một sự duy nhất hữu hiệu, vì Chúa Thánh Thần hiệp nhất Giáo hội trong sự hiệp thông phục vụ và bảo đảm cho Giáo hội những ân huệ phẩm trật cũng như đặc sủng đủ loại 23.

Do đó, sự khác biệt chủ yếu giữa chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác không nằm trong chức tư tế của Chúa Kitô, vì luôn luôn là chức tư tế duy nhất và bất khả phân chia, cũng không nằm trong sự thánh thiện mà mọi tín hữu đều được mời gọi vươn tới : "Thực vậy, chức tư tế thừa tác tự nó không diễn tả một cấp độ thánh thiện cao hơn so với chức tư tế chung của các tín hữu ; nhưng, qua chức tư tế thừa tác, các linh mục đã nhận được từ Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần, một ơn riêng để có thể giúp đỡ dân Thiên Chúa thi hành cách trung thành và đầy đủ chức tư tế chung đã được ban cho mình" 24. Trong việc xây dựng Giáo hội, nhiệm thể Chúa Kitô, các thành phần và nhiệm vụ thì rất khác nhau, nhưng chỉ có một Thần khí duy nhất, Ðấng vì ích chung của Giáo hội ban phát muôn vàn ân huệ khác nhau theo sự giàu có phong phú của Ngài, và theo nhu cầu của công việc (x. 1C 12,1 - 11) 25.

Sự khác biệt là về cách thức tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô : "Trong khi chức tư tế chung của các tín hữu được thực hiện trong sự triển nở ơn phép Rửa tội, là đời sống đức Tin, đức Cậy và đức Mến, đời sống theo Thánh Thần, thì chức tư tế thừa tác là để phục vụ chức tư tế chung, nó liên quan đến việc làm phát triển ơn bí tích Rửa tội của mọi Kitô hữu" 26. Vì thế, "chức tư tế thừa tác tự bản chất khác với chức tư tế chung của các tín hữu vì nó ban cho một quyền thánh chức để có thể phục vụ các tín hữu" 27. Chính vì vậy mà linh mục được khuyên nhủ "hãy cảm nhận ngày một sâu sắc hơn sự hiệp thông sâu xa liên kết mình với dân Chúa", để "khơi dậy và phát triển tinh thần đồng trách nhiệm trong cùng một sứ mệnh cứu độ duy nhất bằng cách mau mắn và hết lòng trân trọng tất cả những đặc sủng và nhiệm vụ mà Thánh Thần phân phát cho các tín hữu nhằm xây dựng Giáo hội" 28.

Như thế ta có thể tổng hợp lại những điểm khác biệt chủ yếu giữa chức tư tế thừa tác của các Giám mục và linh mục với chức tư tế chung của các tín hữu, và do đó cũng phác họa những giới hạn của việc các tín hữu cộng tác vào chức tư tế thừa tác :

a.              Chức tư tế thừa tác có nguồn gốc trong sự kế nhiệm Tông đồ, và được ban cho một quyền thánh chức 29, quyền này cốt yếu nằm trong năng quyền và trách nhiệm được hành động thay mặt Chúa Kitô là Ðầu và Mục tử 30.

b.              Chức tư tế thừa tác làm cho các thừa tác viên chức thánh trở nên những tôi tớ của Chúa Kitô và Giáo hội, qua việc loan báo lời Chúa cách uy tín, cử hành các bí tích và hướng dẫn các tín hữu trong đời sống mục vụ 31.

Ðặt nền tảng của thừa tác vụ chức thánh trong sự kế nhiệm Tông đồ, với tính cách là thừa tác vụ này tiếp nối sứ mệnh mà các Tông đồ đã lãnh nhận từ Chúa Kitô, là một điểm then yếu của giáo lý Công giáo về Giáo hội học 32.

Vì thế, thừa tác vụ chức thánh được thiết lập trên nền tảng các Tông đồ để xây dựng Giáo hội 33 : "Chức tư tế thừa tác hoàn toàn để phục vụ chính Giáo hội" 34.

"Liên kết nội tại với bản chất bí tích của thừa tác vụ Giáo hội là đặc tính phục vụ của chức tư tế thừa tác. Thực vậy, các thừa tác viên, vì hoàn toàn tùy thuộc Chúa Kitô, Ðấng ban sứ mệnh và quyền bính, nên thực sự là "những nô lệ của Chúa Kitô" (Rm 1, 1), theo hình ảnh Chúa Kitô đã tự nguyện vì chúng ta mặc lấy "thân nô lệ thấp hèn" (Ph 2, 7). Bởi vì Lời và ân sủng mà họ là thừa tác viên phân phát không phải là của họ, mà là của Chúa Kitô, Ðấng ban cho họ để họ ban lại cho người khác, nên họ tự nguyện làm nô lệ mọi người" 35.

 

2. Những nhiệm vụ thừa tác : duy nhất và khác biệt.

Những nhiệm vụ của thừa tác vụ chức thánh, xét trong toàn bộ, thì vì chỉ có một nền tảng duy nhất 36, nên chỉ làm thành một thực thể duy nhất bất khả phân chia. Quả thế, như trong Chúa Kitô 37, chỉ có một cội rễ duy nhất là hành vi cứu độ, được thừa tác viên biểu thị và thực hiện qua những chức năng giảng dạy, thánh hóa và cai quản các tín hữu khác. Sự duy nhất này là cội rễ thiết yếu xác định những chức năng khác nhau của thừa tác vụ chức thánh, những chức năng mà dù được xét dưới nhiều khía cạnh khác nhau, vẫn luôn chỉ là một sự thực thi vai trò của Chúa Kitô Ðầu Giáo hội .

Do đó, nếu việc thi hành nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản của thừa tác viên chức thánh tạo thành bản chất của thừa tác vụ mục vụ thì những nhiệm vụ khác nhau của thừa tác viên chức thánh chỉ tạo nên một thực thể duy nhất bất khả phân, và không thể hiểu tách rời nhau được, trái lại phải được xem xét trong tương quan hỗ tương và bổ túc lẫn nhau. Các tín hữu không chức thánh có thể cộng tác với các chủ chăn chỉ trong một vài nhiệm vụ, và trong một mức độ nào đó, khi được thẩm quyền hữu trách kêu gọi cộng tác, và theo những cách thức phải có. Thật vậy, Chúa Kitô "trong thân thể Ngài, nghĩa là trong Hội thánh, không ngừng ban phát những ơn phục vu, qua đó chúng ta cộng tác lo phần rỗi cho nhau" 38. "Việc thi hành một nhiệm vụ như thế không biến người tín hữu giáo dân thành một chủ chăn : thực ra yếu tố làm nên tác vụ không phải do chính hoạt động, nhưng là do bí tích truyền chức thánh. Chỉ bí tích Truyền chức mới ban cho thừa tác viên chức thánh được quyền tham dự đặc biệt vào nhiệm vụ của Ðức Kitô Thủ lãnh và Mục tử, cũng như vào chức tư tế vĩnh cửu của Ngài. Nhiệm vụ được thi hành với tư cách thay thế có được sự hợp pháp cách chính danh và trực tiếp khi được các chủ chăn ủy nhiệm chính thức, và khi thi hành nhiệm vụ này cách cụ thể, người thay thế phải tuân theo sự điều khiển của quyền bính Giáo hội" 39.

Phải tái khẳng định giáo thuyết này, vì một số thực hành, mục đích là để hỗ trợ những trường hợp thực tiễn cộng đoàn quá thiếu các thừa tác viên chức thánh, thì đôi khi lại đã có thể gây sức ép trên quan niệm về chức tư tế chung của người tín hữu, khiến lẫn lộn không còn phân định đặc tính và ý nghĩa riêng biệt của nó. Rồi một trong các hệ lụy là như tán trợ việc giảm thiểu con số các ứng viên cho chức linh mục, và làm lu mờ tính cách độc đáo của Chủng viện như là nơi kiểu mẫu cho việc đào tạo thừa tác viên chức thánh. Ðây là những hiện tượng liên kết chặt chẽ với nhau, và phải suy nghĩ cho thấu đáo tương quan "rễ má" giữa chúng với nhau, để rút ra những kết luận thực hành sao cho khôn ngoan.

3. Ðặc tính không thể thay thế của thừa tác vụ chức thánh.

Một cộng đoàn tín hữu để có thể được gọi là Giáo hội và để thực sự là Giáo hội đúng nghĩa như thế, thì không thể lấy nguồn gốc quyền bính của mình từ những tiêu chuẩn cơ cấu tổ chức theo kiểu hiệp hội hay tổ chức chính trị. Tất cả mọi Giáo hội địa phương đều lãnh nhận quyền bính, quyền lãnh đạo của mình từ Ðức Kitô, bởi vì chính Ngài tự nền tảng đã ban cho Giáo hội này thừa tác vụ tông đồ. Chính bởi vậy, không một cộng đoàn Giáo hội nào được phép tự cho mình quyền lãnh đạo này 40, cũng không được thiết đặt quyền bính đó qua một sự ủy quyền. Thực vậy, việc thi hành nhiệm vụ giáo huấn và cai quản đòi hỏi phải có sự chỉ định theo giáo luật hoặc pháp luật từ phía thẩm quyền phẩm trật 41.

Bởi thế nên chức tư tế thừa tác là cần thiết cho chính sự hiện hữu của cộng đoàn với tư cách là Giáo hội : "Do đó, không được coi chức tư tế thừa tác như thể là (.) đến sau cộng đoàn Giáo hội, như thể cộng đoàn Giáo hội có thể hiểu như đã được thành lập mà không cần chức tư tế ấy" 42. Thật vậy, nếu trong cộng đoàn mà không có linh mục, thì cộng đoàn ấy bị thiếu mất hoạt động và chức năng bí tích của Chúa Kitô Ðầu và Mục tử, là điều cốt yếu cho chính sự sống của cộng đoàn Giáo hội.

Do đó, chức tư tế thừa tác tuyệt đối là không thể thay thế. Từ đó, người ta phải tức khắc suy ra : cần thiết phải có một mục vụ ơn gọi đầy nhiệt tình, có tổ chức và liên tục, để cống hiến cho Giáo hội những thừa tác viên Giáo hội đang cần ; người ta cũng suy ra ngay sự cần thiết phải dành riêng cho các chủng sinh trong Chủng viện đang chuẩn bị lãnh chức linh mục một sự huấn luyện kỹ lưỡng. Tất cả mọi giải pháp khác để đối phó với những vấn đề thiếu thừa tác viên chức thánh chỉ có thể có tính cách tạm thời mà thôi.

Bổn phận cổ võ các ơn gọi thuộc về toàn thể cộng đồng Kitô hữu, và cộng đồng phải chu toàn bổn phận ấy trước hết bằng một đời sống thực sự Kitô hữu" 43. Mọi tín hữu đều phải đồng trách nhiệm về bổn phận ấy, bằng cách góp phần khích lệ cho có nhiều người chấp nhận ơn gọi linh mục, bằng cách không ngừng đi theo Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày một trung tín hơn, và bằng cách tránh xa lối sống thờ ơ của môi trường mình ở, nhất là trong những xã hội quá nặng chủ nghĩa duy vật.

4. Sự cộng tác của các tín hữu không chức thánh vào thừa tác vụ mục vụ.

Giữa nhiều hình thức khác nhau mà người tín hữu không có ấn tín chức thánh có thể tham dự vào sứ mệnh của Giáo hội, thì các tài liệu Công đồng xét đến sự cộng tác trực tiếp của họ vào những trách vụ riêng của các chủ chăn 44. Thật vậy, "khi nhu cầu hoặc vì lợi ích của Giáo hội, các chủ chăn có thể dựa theo những quy tắc đã được luật chung thiết đặt, để trao cho các tín hữu giáo dân một vài nhiệm vụ gắn liền với trách vụ chủ chăn riêng của các ngài, mà không đòi hỏi phải có ấn tín của bí tích Truyền chức" 45. Sự cộng tác này sau đó đã được luật pháp hậu Công đồng, và đặc biệt là bộ Giáo luật mới, quy định.

Bộ Giáo luật mới trước hết đề cập đến những bổn phận và quyền lợi của tất cả mọi tín hữu 46 ; rồi ở phần tiếp theo dành cho các bổn phận và quyền lợi của các tín hữu giáo dân, thì bộ Giáo luật không chỉ đề cập đến những bổn phận và quyền lợi riêng của người tín hữu trong điều kiện trần thế của họ 47, mà cũng đề cập đến cả những trách vụ hay nhiệm vụ không thuộc riêng họ. Trong số ấy, một vài trách vụ hay nhiệm vụ thuộc về bất cứ tín hữu nào, có chức thánh hay không 48 ; một số khác, trái lại, nằm trong loại dịch vụ trực tiếp thuộc thừa tác vụ thánh dành riêng cho các tín hữu chức thánh 49. Các tín hữu không chức thánh không hề có quyền thi hành những trách vụ hay nhiệm vụ này, nhưng họ "có năng cách để được các chủ chăn mời đảm nhận các chức vụ trong Giáo hội và các trách vụ mà họ có thể hành xử theo quy tắc luật định" 50, hay khi "vì thiếu thừa tác viên (.), họ có thể thay thế một vài chức vụ của các ngài (.) theo những quy tắc luật định" 51.

Ðể có thể có sự cộng tác như thế hài hòa trong khoa mục vụ thừa tác, thì điều cần thiết là những nguyên tắc về giáo lý phải rõ ràng để tránh những lệch lạc về mục vụ cũng như những lạm dụng về kỷ luật, rồi thì cũng cần phải dứt khoát đồng tâm thúc giục trong toàn Giáo hội một sự chăm chú áp dụng và áp dụng trung thực những quy định hiện hành, mà không lạm dụng nới rộng phạm vi miễn chuẩn cho những trường hợp không thể miễn chuẩn.

Nếu xảy ra những lạm dụng và vi phạm ở nơi nào đó, thì các chủ chăn phải huy động những phương thế cần thiết và thích hợp để dứt khoát ngăn chặn không cho lan tràn, cũng như để tránh gây thiệt hại cho việc hiểu biết đúng đắn chính bản chất của Giáo hội. Cách riêng, các ngài nên áp dụng những quy tắc kỷ luật đã sẵn, những quy tắc mà thực tế giúp nhận biết và tôn trọng sự khác biệt cũng như bổ sung cho nhau giữa những nhiệm vụ thiết yếu cho sự hiệp thông của Giáo hội. Rồi ở đâu đã lan tràn những vi phạm như thế, thì tuyệt đối không thể trì hoãn việc can thiệp có trách nhiệm của thẩm quyền, vì đó là bổn phận ; qua sự can thiệp này, thẩm quyền đó trở nên người phục vụ thực sự cho sự hiệp thông, vì sự hiệp thông tuyệt đối chỉ có thể được xây dựng xung quanh chân lý.

Hiệp thông, chân lý, công bằng, hòa bình, và bác ái là những từ ngữ quy thuộc lẫn nhau 52.

Dưới ánh sáng của những nguyên lý này, chúng ta sẽ đề cập đến những phương thuốc thích hợp để đối phó với những lạm dụng đã được báo cáo lên các cơ quan giáo triều. Những quy định sau đây được rút ra từ quy phạm của Giáo hội.

 

Chương II : NHỮNG QUY ÐỊNH THỰC HÀNH

 

Ðiều I

Cần xác định tư ngữ "thừa tác vụ"

 

Ðức Thánh Cha trong bài diễn từ nói với những người tham dự hội thảo về đề tài "sự cộng tác của người tín hữu giáo dân với thừa tác vụ của linh mục" đã nhấn mạnh sự cần thiết phải làm sáng tỏ và phân biệt những nghĩa khác nhau đã được gán cho từ "thừa tác vụ" trong ngôn ngữ thần học và giáo luật 53.

1. "Từ ít lâu nay, có thói quen dùng từ "thừa tác vụ" để chỉ không những các chức vụcác chức năng do các mục tử thi hành dựa trên cơ sở bí tích Truyền chức, mà cả các chức vụ và chức năng do các tín hữu không thụ phong thi hành dựa vào bí tích Rửa tội.

Vấn đề từ ngữ còn trở nên phức tạp và tế nhị hơn nữa, khi nhìn nhận cho mọi tín hữu - với tính cách là thay thế, do được các chủ chăn chính thức ủy nhiệm - được phép thi hành một vài nhiệm vụ riêng biệt của hàng giáo sĩ, mà lại không đòi phải có ấn tín của bí tích Truyền chức thánh.

Phải nhìn nhận rằng ngôn ngữ trở nên bất định, hàm hồ, lẫn lộn và do đó vô ích chẳng diễn tả được giáo lý đức tin, mỗi khi bằng bất cứ cách nào, che dấu đi sự khác biệt "không chỉ về cấp độ, mà cả tự bản chất, giữa chức tư tế chung do bí tích rửa tội và chức tư tế thừa tác do bí tích Truyền chức" 54.

2. Sở dĩ trong vài trường hợp được phép nới rộng từ "thừa tác vụ" cho những "trách vụ" thuộc riêng người tín hữu giáo dân, lý dó là vì những trách vụ đó, trong mức độ của nó, cũng là một sự tham dự vào chức tư tế độc nhất của Ðức Kitô. Ngược lại, những "chức vụ", được tạm thời giao phó cho họ, lại tuyệt đối chỉ là kết quả của một sự ủy nhiệm của Giáo hội. Chỉ có một sự quy chiếu không ngừng về nguồn mạch duy nhất là "thừa tác vụ của Ðức Kitô" (.) mới cho phép, trong mức độ nào đó, cũng được áp dụng từ "thừa tác vụ" cho người giáo dân, nhưng không được hàm hồ : nghĩa là không được hiểu và được sống như một nguyện vọng song đối với thừa tác vụ chức thánh, hay như thể lần hồi phá bỏ đặc tính riêng của thừa tác vụ chức thánh ấy.

Theo nghĩa nguyên thủy này, từ "thừa tác vụ" (servitium) chỉ đơn thuần diễn tả công việc qua đó các chi thể của Hội thánh nối dài cho Hội thánh và cho thế giới "sứ mệnh và thừa tác vụ của Ðức Kitô". Còn ngược lại, khi từ "thừa tác vụ" đã được chuyên biệt hóa trong tương quan sóng đôi giữa những "trách vụ" và "chức vụ", thì bấy giờ nên cảnh báo rõ ràng rằng : duy chỉ nhờ bí tích Truyền chức thánh, từ "thừa tác vụ" mới có được ý nghĩa đầy đủ và chính xác mà truyền thống đã vẫn luôn gán cho nó" 55.

3. Người tín hữu không chức thánh chỉ có thể được gọi cách chung là "thừa tác viên ngoại lệ" khi được thẩm quyền hữu trách chỉ định để chu toàn những chức năng nói trong giáo luật khoản 230 3 56, và 943, 1112, và chỉ trong những nhiệm vụ thay thế. Dĩ nhiên người ta có thể dùng tư ngữ cụ thể để xác định nhiệm vụ được giao phó theo giáo luật, tỉ như giáo lý viên, thầy giúp lễ, độc viên vv .

Việc chỉ định tạm thời để làm các việc phụng vụ nói trong khoản 230 2 không cho người tín hữu không chức thánh một danh xưng đặc biệt nào 57.

Do đó, không hợp pháp nếu gọi các tín hữu không chức thánh bằng những danh xưng như "mục tử", "tuyên uý", "quản đốc nhà thờ", "người điều phối", người điều hành", hay những danh xưng nào khác, mà dù sao, có thể khiến lẫn lộn vài trò của họ với vai trò của chủ chăn, là chức vụ chỉ của riêng Giám mục và linh mục 58.

 

Ðiều 2

Thừa tác vụ lời Chúa

1. Nội dung của thừa tác vụ này cốt yếu gồm việc "rao giảng mục vụ, việc dạy giáo lý và toàn bộ huấn giáo Kitô giáo, trong đó bài giảng phụng vụ phải có vị trí ưu tiên" 60.

Việc thi hành những nhiệm vụ gắn liền với thừa tác vụ lời Chúa này nguyên thủy là thuộc Giám mục giáo phận, với tư cách là người điều hành toàn thể thừa tác vụ lời Chúa trong Giáo phận mình 61; rồi cũng thuộc các linh mục, là những cộng sự viên của ngài 62. Thừa tác vụ này còn thuộc về các phó tế, trong sự hiệp thông với Giám mục và linh mục đoàn của ngài 63 .

2. Các tín hữu không chức thánh, tự bản chất của mình tham dự vào nhiệm vụ ngôn sứ của Chúa Kitô ; họ được thiết đặt như là chứng nhân cho Ngài, được trang bị bằng cảm thức đức tin và ân sủng của Lời. Tất cả đều được mời gọi để ngày càng trở nên "những tiền hô hữu hiệu cho niềm tin vào những điều còn trong hy vọng (x. Dth 11,1)" 64. Ngày nay, đặc biệt, đó là công việc dạy giáo lý, một công việc tùy thuộc rất nhiều vào sự dấn thân và lòng quảng đại của người tín hữu không chức thánh trong việc phục vụ Giáo hội .

Vì thế, các tín hữu và đặc biệt là những phần tử của các dòng tu, và tu hội đời sống tông đồ, có thể được mời gọi cộng tác vào việc thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, theo những thể thức hợp pháp 65.

3. Ðể sự cộng tác giúp đỡ này được hữu hiệu, cần thiết phải nhắc lại một vài điều kiện liên quan đến những cách thức cộng tác đó.

Giáo luật khoản 766 thiết đặt những điều kiện để thẩm quyền hữu trách dựa vào đó có thể chấp nhận cho các tín hữu không chức thánh được giảng trong nhà thờ hoặc nhà nguyện. Chính thuật ngữ "có thể được chấp nhận" nhấn mạnh cho thấy đây không hề là một quyền riêng như quyền riêng đúng nghĩa của Giám mục 66, cũng không hề là một năng quyền như năng quyền của linh mục hay của phó tế 67.

Những điều kiện được nêu ra để có thể cho phép như vậy - "nếu có nhu cầu đòi hỏi trong một số trường hợp", "nếu cảm thấy ích lợi trong những trường hợp đặc biệt" - chứng tỏ việc cho phép như vậy có tính cách biệt trừ dường nào.

Ngoài ra, khoản 766 còn xác định rằng phải luôn luôn làm theo những quy định của Hội đồng Giám mục. Với điều khoản cuối cùng này, khoản giáo luật trích dẫn trên thiết đặt cái là nguồn gốc đầu tiên để phân định chính xác có sự cần thiết hay ích lợi hay không trong những trường hợp cụ thể, bởi vì những quy định của Hội đồng Giám mục, cần được Tòa Thánh duyệt y, phải vạch ra những tiêu chuẩn xứng hợp để giúp Giám mục Giáo phận có thể đưa ra những quyết định mục vụ thích đáng : những quyết định này thuộc quyền Giám mục giáo phận cách riêng, vì chính bản chất của chức vụ Giám mục.

4. Trong trường hợp số các thừa tác viên chức thánh quá ít ỏi ở một vài vùng nhất định, có thể xảy ra những tình trạng thường xuyên và khách quan là có "nhu cầu hay lợi ích", gợi ý cần phải chấp nhận cho các tín hữu không chức thánh được giảng dạy.

Việc các tín hữu không chức thánh giảng dạy trong các nhà thờ và nhà nguyện có thể được phép nhằm "bổ sung" cho các thừa tác viên chức thánh, hay vì những lý do đặc biệt có ích lợi trong những trường hợp riêng đã được luật chung của Giáo hội hay luật của Hội đồng Giám mục dự liệu, và vì thế không thể trở thành sự kiện bình thường, cũng không thể coi như một cách thăng tiến chính thức hàng giáo dân.

5. Nhất là trong khi chuẩn bị cho việc lãnh nhận các bí tích, các giáo lý viên hãy cẩn thận khơi lên cho các học viên biết quan tâm đến vai trò và khuôn mặt của vị linh mục, chỉ mình ngài mới là vị phân phát các mầu nhiệm thánh mà họ đang được chuẩn bị để nhận lãnh.

 

Ðiều 3

Bài giảng lễ

 

1. Bài giảng lễ, hình thức giảng thuyết trổi vượt nhất, "nhờ đó mà dựa vào các bài đọc Kinh thánh dọc suốt năm Phụng vụ, các mầu nhiệm đức tin và các quy tắc của đời sống Kitô giáo được trình bày" 68, là thành phần toàn vẹn của phụng vụ.

Do đó, khi cử hành Thánh Thể, bài giảng lễ phải dành riêng cho thừa tác viên chức thánh, linh mục hay phó tế 69. Các tín hữu không chức thánh không được giảng, cho dù họ có đóng vai "trợ tá mục vụ" hay là giáo lý viên, ở bất cứ kiểu cộng đồng hay nhóm nào. Thật vậy, vấn đề thiết yếu không phải là vấn đề diễn giảng cho dễ dàng xuôi chảy hơn - một trường hợp có thể, tùy - , cũng không phải vấn đề đã được chuẩn bị thần học kỹ luỡng, nhưng là vấn đề nhiệm vụ được dành riêng cho vị đã được thánh hiến bởi bí tích Truyền chức thánh ; chính Giám mục Giáo phận cũng không có quyền chuẩn khỏi quy tắc của khoản giáo luật này 70, lý do là vì đây không phải là một điều luật thuần túy về kỷ luật, nhưng là một luật liên quan đến những nhiệm vụ có liên hệ chặt chẽ với nhau là nhiệm vụ giáo huấn và thánh hóa.

Do đó, không thể thừa nhận thói quen thực hành trong vài trường hợp, là giao việc giảng lễ cho các chủng sinh, các sinh viên thần học chưa chịu chức thánh 71. Thật thế, bài giảng lễ không thể được coi như một sự thực tập để quen với tác vụ mai sau.

Phải coi như điều khoản 767 1 bãi bỏ tất cả những quy định trước kia cho phép các tín hữu không chức thánh được đọc bài giảng lễ trong khi cử hành thánh lễ 72.

2. Ðược phép trình bày vắn tắt để giúp hiểu rõ hơn phụng vụ được cử hành ; trường hợp đặc biệt cũng có thể cho phép bày tỏ vắn tắt chứng từ, luôn được thích ứng theo những quy tắc phụng vụ, nhân dịp các thánh lễ cử hành vào những ngày riêng (thí dụ ngày Chủng sinh, ngày bệnh nhân vv .), nếu xét thấy khách quan là rất thích hợp để làm nổi bật bài giảng của linh mục chủ tế đọc theo luật. Những trình bày và những chứng từ này không được mang những đặc điểm có thể làm chúng bị lẫn lộn với bài giảng lễ.

3. "Ðối thoại" trong bài giảng lễ 73 : đôi khi chủ sự có thể xử dụng một cách khôn ngoan hình thức "đối thoại" như một phương cách trình bày, mà không hề hàm ý là ủy nhiệm cho giáo dân bổn phận giảng dạy.

4. Bài giảng ngoài thánh lễ thì các tín hữu không chức thánh có thể giảng, sao cho phù hợp với giáo luật và các quy tắc phụng vụ, trong tinh thần tôn trọng những điều khoản chứa đựng trong đó.

5. Trong bất cứ trường hợp nào, không được trao việc giảng lễ cho các linh mục hay những phó tế đã mất bậc giáo sĩ, hay cách này cách khác đã bỏ việc thi hành thừa tác vụ thánh 74.

Ðiều 4

Cha quản xứ và giáo xứ.

Các tín hữu không chức thánh có thể cộng tác hữu hiệu với thừa tác vụ mục vụ của hàng giáo sĩ qua việc chu toàn những trách vụ ở các giáo xứ, trong các dưỡng đường, các trạm cứu tế, nhà trường, nhà tù, bên cạnh các đấng bản quyền quân đội, vv ., như phải khen ngợi trong rất nhiều trường hợp. Một hình thức cộng tác phi thường, trong các điều kiện đã được dự kiến trước, là hình thức được quy định trong khoản 517 2.

1. Cần hiểu và áp dụng đúng khoản luật này : "nếu vì thiếu các tư tế, Giám mục giáo phận xét thấy cần phải ủy thác sự tham gia thi hành việc chăm sóc mục vụ giáo xứ cho một phó tế hay một người nào khác không có ấn tín linh mục hoặc một nhóm người, thì ngài phải đặt một linh mục nào đó, có quyền hành và năng quyền của một quản xứ, để lo điều hành việc chăm sóc mục vụ". Ðây là một trường hợp đặc biệt, ngoại thường, đòi hỏi phải cẩn trọng hết sức đối với từng điều khoản trong đó, nghĩa là :

a.              "Vì thiếu tư tế", chứ không phải vì lý do tiện lợi hay để "thăng tiến hàm hồ hàng giáo dân", vv .

b.              Phải chắn chắn rằng : đây là sự tham dự vào việc thi hành công tác mục vụ, chứ không phải là điều khiển, phối trí, điều hòa, cai quản giáo xứ, một việc mà theo chính ngôn từ của khoản luật, là chỉ thuộc quyền một linh mục.

Chính vì là trường hợp ngoại trừ, đặc biệt, mà trước hết nên ưu tiên nhờ đến việc phục vụ của các linh mục cao tuổi còn khỏe mạnh chẳng hạn vậy, hoặc trao phó nhiều giáo xứ khác nhau cho một linh mục hay một nhóm linh mục 75.

Dù sao không nên coi thường việc ưu tiên mà chính khoản luật này dành cho thầy phó tế.

Còn phải lưu ý là chính quy tắc giáo luật khẳng định rằng những hình thức tham dự như thế vào việc chăm sóc mục vụ giáo xứ bằng bất cứ cách nào cũng không thể thay thế chức vụ quản xứ. Thật vậy, quy luật xác định rằng ngay cả trong những trường hợp đặc biệt này "Giám mục giáo phận (.) phải đặt một linh mục nào đo, với quyền hành và năng quyền của một quản xứ, để điều hành việc chăm sóc mục vụ". Quả thế, chức vụ quản xứ chỉ có thể trao phó thành sự cho một linh mục (x. kh. 521 1), ngay cả trong trường hợp khách quan thiếu linh mục 76.

2. Về phương diện này cũng phải lưu ý điều này : vị quản xứ là chủ chăn đích thực, riêng của giáo xứ được trao phó cho ngài 77, và ngài vẫn là chủ chăn đích thực của giáo xứ bao lâu chức vụ mục vụ của ngài chưa chấm dứt 78.

Sự kiện một vị quản xứ nộp đơn từ chức vì quá 75 tuổi không đương nhiên là chấm dứt chức vụ mục vụ của ngài. Ngài chỉ chấm dứt chức vụ khi Giám mục giáo phận - sau khi đã xem xét tất cả mọi hoàn cảnh một cách khôn ngoan - đã dứt khoát chấp nhận sự từ chức của ngài, theo quy định của điều 538 3, và đã thông đạt cho ngài bằng văn bản 79. Trái lại vì những hoàn cảnh cụ thể thiếu linh mục ở vài nơi, sẽ là khôn ngoan nếu hết sức thận trọng trong việc chấp thuận đơn từ chức.

Hơn nữa, xét theo quyền mà mỗi linh mục khi lãnh nhận chức thánh, được thi hành những nhiệm vụ gắn liền với chức thánh, thì trừ khi vì những lý do trầm trọng về sức khỏe hay kỷ luật, cần nhớ rằng tuổi 75 không phải là một lý do đủ để buộc Giám mục phải chấp nhận sự từ chức. Sự thể này cũng để tránh một quan niệm coi thừa tác vụ thánh như một công chức 80.

Ðiều 5

Những cơ quan cộng tác trong giáo phận

Những cơ quan này, đã được yêu cầu và thử nghiệm có kết quả tốt trong đường hướng canh tân của Giáo hội theo Công đồng Vatican II và đã được luật pháp Giáo hội chuẩn nhận, tiêu biểu cho một hình thức tham gia tích cực vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội như là hiệp thông.

1. Hội đồng linh mục : Quy phạm của giáo luật quy định rõ những linh mục nào có thể là thành viên của hội đồng linh mục. Thật vậy hội đồng này dành riêng cho các linh mục, vì đặt nền tảng trên việc Giám mục và các linh mục cùng tham dự vào một chức tư tế và một thừa tác vụ.

Do đó cả phó tế lẫn các tín hữu không chức thánh đều không được quyền có tiếng nói chủ động hay thụ động trong hội đồng ấy, cho dù họ có là những cộng tác viên của các thừa tác viên chức thánh, và cả các linh mục đã mất bậc giáo sĩ hay bằng bất cứ cách nào đã rời bỏ thừa tác vụ thánh.

2. Hội đồng mục vụ cấp giáo phận cũng như giáo xứ 83, và hội đồng lo việc kinh tài của giáo xứ 84, mà các tín hữu không chức thánh cũng là thành viên, chỉ có quyền tư vấn, chứ tuyệt đối không có quyền biểu quyết. Chỉ được chọn vào những trách vụ này những tín hữu có những đức tính mà quy phạm giáo luật đòi hỏi 85.

3. Hội đồng giáo xứ : Chỉ linh mục quản xứ mới có quyền chủ tọa các hội đồng giáo xứ. Vì thế những quyết định do bởi một hội đồng giáo xứ họp mà không có sự chủ tọa của linh mục quản xứ, kể cả chống lại ngài, thì bất thành, và do đó vô giá trị 86.

4. Trong tất cả các hội đồng giáo phận, thì chỉ khi nào luật minh nhiên đòi hỏi, thì sự đồng thuận của hội đồng với một hành vi của Giám mục mới có giá trị.

5. Tùy những điều kiện thực tế của địa phương, các đấng thường quyền có thể nhờ đến những nhóm nghiên cứu đặc biệt hoặc những chuyên viên về các vấn đề riêng biệt. Nhưng những chuyên viên hay những nhóm này không đuợc trở thành những cơ quan song hành hoặc làm mất hết ý nghĩa của những hội đồng linh mục và mục vụ cấp giáo phận cũng như những hội đồng cấp giáo xứ : những hội đồng này bị chi phối bởi luật chung của Giáo hội trong các khoản 536 1, và 537 87. Nếu trong quá khứ đã mọc lên những cơ quan như thế, dựa vào tập tục địa phương hay những hoàn cảnh riêng biệt, thì hãy vận dụng những phương thế cần thiết để làm cho chúng phù hợp với luật pháp của Giáo hội hiện hành.

6. Các quản hạt, cũng được gọi là hạt trưởng, tổng linh mục hay tên gọi nào khác, và những vị thay thế các ngài, như "quyền - quản hạt", "quyền - hạt trưởng", vv . thì luôn luôn phải là linh mục 88. Do đó, ai không phải là linh mục, thì không thể được chỉ định vào những trách vụ ấy cách thành sự.

 

Ðiều 6

Các cử hành phụng vụ

 

1. Những hành vi phụng vụ phải biểu lộ rõ ràng tính duy nhất phẩm trật của dân Thiên Chúa trong điều kiện hiệp thông hữu cơ của nó 89, và do đó biểu lộ sự liên kết mật thiết giữa hành vi phụng vụ với bản chất phẩm trật hữu cơ của Giáo hội .

Ðiều này được thể hiện khi tất cả mọi thành phần tham dự thi hành với đức tin và lòng sùng mộ vai trò dành riêng cho mình.

2. Cũng trong lãnh vực này, để bảo toàn căn tính Giáo hội của mỗi người, phải loại bỏ các thứ lạm dụng khác nhau nghịch lại quy định của khoản 907 : trong cử hành Thánh Thể, các phó tế và các tín hữu không chức thánh không được phép đọc những lời nguyện cũng như tất cả những phần nào dành riêng cho linh mục chủ tế - nhất là kinh nguyện Thánh Thể với vinh tụng ca kết thúc - cũng không được phép làm những hành vi hay cử chỉ dành riêng cho vị chủ sự.

Cũng là một lạm dụng nghiêm trọng khi cho phép một tín hữu không chức thánh, thực tế gần như là "chủ sự" Thánh Thể, còn linh mục chỉ làm những gì tối thiểu để bảo đảm thành sự.

Cũng trong đường hướng này, hiển nhiên là bất hợp pháp, nếu một ai đó không chức thánh, mà trong các nghi thức phụng vụ lại mặc những phẩm phục dành riêng cho linh mục hay phó tế (dây các phép, áo lễ, áo dalmatique).

Phải hết sức cẩn thận tránh ngay cả cái vẻ lẫn lộn có thể xuất phát từ những cách hành động ra ngoài quy tắc phụng vụ. Cũng thế, các thừa tác viên chức thánh hãy nhớ bổn phận phải mặc tất cả phẩm phục đã đuợc quy định, cũng như các tín hữu không chức thánh thì không đuợc mặc những gì không được dành riêng cho họ.

Muốn tránh mọi hàm hồ lẫn lộn giữa phụng vụ bí tích do một linh mục hay một phó tế chủ sự, với những hành vi khác do các tín hữu không chức thánh đứng linh hoạt hoặc hướng dẫn, thì nhất thiết các tín hữu này phải dùng những công thức riêng, phân biệt rõ ràng.

 

Ðiều 7

Các cử hành Chúa nhật không có linh mục

1. Tại một số nơi, vì thiếu các linh mục hay phó tế, các cử hành Chúa nhật 90 được những tín hữu không chức thánh hướng dẫn. Công việc phục vụ này, vừa có giá trị nhưng cũng vừa rất tế nhị, phải được thực hiện theo tinh thần và những quy tắc riêng về vấn đề này do thẩm quyền hữu trách của Giáo hội ban hành 91 . Ðể được phép hướng dẫn những cử hành này, người tín hữu không chức thánh phải được Giám mục ủy nhiệm đặc biệt, trong đó ngài có cẩn thận đưa ra những chỉ thị thích hợp xác định thời gian, địa điểm, những điều kiện người ấy phải có, và vị linh mục chịu trách nhiệm về họ.

2. Những cử hành như thế, với những bản văn luôn phải được thẩm quyền hữu trách của Giáo hội phê chuẩn, vẫn luôn luôn chỉ là những giải pháp tạm thời 92 . Cấm không được xen vào trong cấu trúc những cử hành đó những yếu tố riêng của phụng vụ hy tế, nhất là "kinh nguyện Thánh Thể", cho dù dưới hình thức thuật chuyện, để tâm trí các tín hữu không bị lầm lẫn 93. Trong mục đích này, phải luôn luôn nhắc lại cho những người tham dự những cử hành này là nó không thay thế cho hy tế Thánh Thể và chỉ bằng việc tham dự Thánh lễ người ta mới chu toàn luật buộc thánh hóa các ngày lễ 94. Trong những trường hợp đường xá không xa xôi lắm cũng như các điều kiện thể lý cho phép, cần khuyến khích và giúp đỡ các tín hữu để họ cố gắng hết sức mình chu toàn giới luật.

 

Ðiều 8

Thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ.

 

Các tín hữu không chức thánh từ lâu đã từng cộng tác với các thừa tác viên chức thánh trong nhiều lãnh vực mục vụ khác nhau để "hồng ân Thánh Thể khôn tả luôn luôn được nhận biết ngày một sâu xa hơn, và để các tín hữu luôn luôn tham dự vào hiệu năng cứu rỗi của Thánh Thể ngày một sốt sắng hơn" 95.

Ðây là một công việc phụng vụ đáp ứng những nhu cầu khách quan của các tín hữu, và việc phục vụ này nhằm trước hết đến các bệnh nhân và những cộng đoàn phụng vụ mà trong đó rất đông tín hữu ước ao được rước lễ.

1. Tuy nhiên kỷ luật do giáo luật quy định về thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ phải được áp dụng đúng đắn để khỏi sinh ra lẫn lộn. Theo kỷ luật đó thiết định, thừa tác viên thông thường cho rước lễ là Giám mục, linh mục và phó tế 96, còn thừa tác viên ngoại lệ là thầy giúp lễ đã lãnh tác vụ, hoặc người tín hữu đã được ủy nhiệm làm việc này chiếu theo giáo luật khoản 230 3 97.

Vì những lý do thực sự cần thiết, một tín hữu không chức thánh có thể được Giám mục giáo phận ủy nhiệm làm thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ, qua một nghi thức phụng vụ riêng 98 : có thể ủy nhiệm để cho rước lễ cả ngoài thánh lễ hoặc theo từng lần hoặc từng thời gian, hay cách lâu dài. Trong những trường hợp đặc biệt và không thể tiên liệu trước, thì linh mục chủ sự thánh lễ có thể cho phép trong lần đó.

2. Cho rước lễ trong thánh lễ : thừa tác viên ngoại lệ chỉ có thể cho rước lễ trong thánh lễ khi không có thừa tác viên thông thường khác hiện diện, hoặc những vị này bị ngăn trở thực sự 99. Thừa tác viên ngoại lệ cũng có thể cho rước lễ khi có quá đông tín hữu muốn rước lễ mà không đủ thừa tác viên chức thánh khiến thánh lễ có thể kéo quá dài 100.

Một trách vụ như thế có tính cách bổ sungngoại thường 101, và phải được thi hành theo những quy tắc của luật. Trong mục đích này, Giám mục giáo phận nên ra những quy tắc riêng để điều hướng việc thi hành trách vụ này cho ăn khớp với luật pháp chung của Giáo hội. Ngoài ra, phải tiên liệu để người tín hữu được chỉ định vào công tác đó được dạy dỗ thích hợp về giáo lý Thánh Thể, về đặc tính của công việc họ phục vụ, về những luật chữ đỏ phải giữ để hết sức tôn kính một bí tích cao cả dường ấy, và về kỷ luật liên quan đến việc nhận cho rước lễ.

Ðể không gây lẫn lộn, cần phải tránh và tìm cách loại bỏ nhiều thực hành đã phổ biến lâu nay tại một vài Giáo hội địa phương, tỉ dụ như :

-      Việc tự mình rước lễ như thể là đồng tế.

-      Việc cùng các linh mục đọc lại lời hứa linh mục trong lễ Dầu ngày thứ năm tuần thánh, cùng với các tu sĩ lặp lại lời khấn dòng, hay nhận ủy nhiệm của các thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ.

-      Việc thường xuyên dùng các thừa tác viên ngoại lệ trong các thánh lễ, tự tiện nới rộng ý niệm "đông người rước lễ"

 

Ðiều 9

Việc tông đồ bệnh nhân

 

1. Trong lãnh vực tông đồ bệnh nhân, các tín hữu không chức thánh có thể góp phần cộng tác rất quý báu 102. Có vô số chứng từ về các công việc và những nghĩa cử bác ái đối với bệnh nhân đã được các tín hữu không chức thánh thực hiện, hoặc với tư cách cá nhân hoặc dưới hình thức tông đồ tập thể. Ðiều đó bảo đảm một sự hiện diện ưu tiên của Kitô giáo trong thế giới của khổ đau và bệnh tật. Ở đâu các tín hữu không chức thánh theo sát cận bên để giúp các bệnh nhân trong những giờ phút trầm trọng nhất, thì ở đó nhiệm vụ chính yếu của họ là khơi lên lòng ước muốn lãnh nhận các bí tích Sám hối và Xức dầu, bằng cách giúp bệnh nhân chuẩn bị tâm hồn và dọn mình xưng tội cá nhân cách tốt đẹp, cũng như lãnh nhận bí tích Xức dầu thánh. Khi phải làm các phụ tích, các tín hữu không chức thánh phải liệu sao cho cử chỉ phụ tích này không bị lẫn lộn với các bí tích, là những cử hành chỉ dành riêng và tuyệt đối cho Giám mục và linh mục. Các tín hữu không phải là linh mục không bao giờ được phép xức dầu, dù với dầu bệnh nhân đã được làm phép hay với bất cứ thứ dầu nào khác.

2. Về việc ban bí tích Xức dầu này, luật pháp giáo luật nhận được nguồn giáo lý chắc chắn về mặt thần học và việc thực hành ngàn năm của Giáo hội 103, theo đó chỉ có linh mục mới là thừa tác viên duy nhất ban thành sự 104. Quy phạm này hoàn toàn tương hợp với mầu nhiệm thần học được biểu thị và được thực hiện nhờ việc thực thi sứ vụ linh mục.

Phải khẳng định rằng sự kiện dành tuyệt đối cho linh mục thừa tác vụ ban phát bí tích xức dầu này, là vì liên quan tới việc tha tội và việc lãnh nhận Thánh Thể cho xứng đáng. Không ai khác có thể đảm nhận vai trò thừa tác viên thông thường hay ngoại lệ của bí tích này và tất cả mọi cử chỉ bắt chước hành vi xức dầu đều tạo thành một sự giả bộ cử hành bí tích 105.

 

Ðiều 10

Chứng hôn

 

1. Việc có thể ủy cho các tín hữu không chức thánh được chứng hôn có thể rõ ràng là cần thiết trong một số trường hợp hết sức đặc thù do thiếu trầm trọng các thừa tác viên thánh.

Tuy nhiên phải với 3 điều kiện. Thật vậy, Giám mục giáo phận chỉ có thể ủy quyền chứng hôn như thế khi không có linh mục và phó tế, và chỉ sau khi đã được hội đồng Giám mục chấp thuận cho giáo phận ngài, cũng như đã được phép cần thiết của Tòa thánh 106.

2. Cả khi được phép rồi, cũng phải lưu ý đến quy tắc giáo luật liên quan đến việc ủy nhiệm sao cho thành sự 107, cũng như về tư cách, khả năng và tinh thần của người tín hữu không chức thánh được ủy nhiệm 108.

3. Ngoại trừ trường hợp rất đặc biệt - đã được dự liệu trong giáo luật khoản 1112 - do tuyệt đối không có linh mục hay phó tế có thể chứng hôn, còn ngoài ra không một thừa tác viên chức thánh nào có quyền cho phép một tín hữu không chức thánh được chứng hôn như thế, gồm việc hỏi và nhận lời ưng thuận kết hôn theo quy tắc của điều 1108 2.

 

Ðiều 11

Thừa tác viên rửa tội

 

Phải đặc biệt khen ngợi đức tin của đông đảo nhiều Kitô hữu, trong những hoàn cảnh khổ cực bị bắt bớ, cũng như ở những vùng truyền giáo và trong trường hợp nhu cầu thực sự cần thiết, đã bảo đảm - và vẫn luôn bảo đảm - bí tích rửa tội cho các thế hệ mới, vì thiếu vắng các thừa tác viên chức thánh.

Trừ trường hợp cần thiết, quy phạm giáo luật tiên liệu rằng khi thiếu vắng thừa tác viên thông thường hay khi thừa tác viên thông thường bị ngăn trở 109, thì người tín hữu không chức thánh có thể được chỉ định làm thừa tác viên ngoại lệ rửa tội 110. Tuy nhiên phải lưu ý đừng cắt nghĩa quá rộng, và đừng ban năng quyền này dưới hình thức thường xuyên.

Tỉ dụ như không thể coi như là thiếu vắng hay ngăn trở để cho phép các tín hữu không chức thánh được ban bí tích rửa tội : việc thừa tác viên thông thường phải làm việc quá nhiều, hay sự kiện ngài không ở tại chỗ trong địa hạt giáo xứ, hay nữa việc ngài không rảnh rang vào ngày gia đình đã sắp xếp trước. Không một lý do nào nói đó là một lý do đủ.

 

Ðiều 12

Về việc hướng dẫn trong các cử hành nghi lễ an táng.

 

Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều nơi càng ngày càng chứng kiến tình trạng mất gốc Kitô giáo và người tín hữu xa rời không còn thực hành tôn giáo, thì giờ chết và an táng đôi khi có thể trở thành một trong những dịp mục vụ thuận lợi nhất để các thừa tác viên chức thánh có thể trực tiếp gặp gỡ các tín hữu thường xuyên không thực hành đạo.

Do đó thật đáng mong ước là các linh mục hay phó tế , dầu có phải hy sinh nhiều, cũng hãy đích thân chủ sự các nghi thức an táng theo những tập tục địa phương đáng khuyến khích nhất để cầu nguyện thích đáng cho người qua đời, đồng thời gần gũi với các gia đình, và lợi dụng những dịp ấy để thi hành công việc Phúc Âm hóa.

Các tín hữu không chức thánh chỉ có thể hướng dẫn các lễ nghi an táng của Giáo hội khi thực sự thiếu vắng thừa tác viên chức thánh, và phải tuân theo những quy tắc phụng vụ về an táng 111 . Họ phải được chuẩn bị đàng hoàng cho công tác này, cả về giáo lý lẫn phụng vụ.

 

Ðiều 13

Cần sự biện biệt và huấn luyện tương xứng.

 

Trước nhu cầu khách quan cần "một sự thay thế", thẩm quyền hữu trách có bổn phận phải chọn những tín hữu có giáo lý lành mạnh và đời sống gương mẫu. Do đó, không thể nhận cho thi hành những trách vụ này những tín hữu công giáo có đời sống bất xứng, không có tiếng tốt hay ở trong những gia đình mà hiện trạng nghịch với giáo huấn luân lý của Giáo hội. Hơn nữa họ còn phải được huấn luyện hẳn hoi để có thể chu toàn xứng hợp nhiệm vụ sẽ được trao phó cho họ.

Theo những quy tắc của luật riêng, họ còn phải tiếp tục hoàn thiện những hiểu biết của mình bằng cách, trong mức độ có thể, theo học những khóa huấn luyện do thẩm quyền hữu trách tổ chức ở cấp giáo phận112 - tại những nơi khác ngoài chủng viện, vì chủng viện chỉ dành riêng cho các ứng sinh linh mục113 - với sự cẩn trọng hết sức cho giáo lý được dạy phải tuyệt đối phù hợp với huấn quyền của Giáo hội và cho bầu không khí các khóa đó thực sự có tính cách thiêng liêng.

 

KẾT

 

Tòa thánh giao phó tài liệu này cho lòng sốt sắng mục vụ của các Giám mục giáo phận tại các Giáo hội địa phương và cho các đấng thường quyền khác, tin tưởng việc áp dụng tài liệu này sẽ phát sinh nhiều hoa qủa giúp thăng tiến các thừa tác viên chức thánh cũng như các tín hữu không chức thánh trong sự hiệp thông.

Thật vậy, như Ðức Thánh Cha đã nhắc nhở, "phải nhìn nhận, bảo vệ, thăng tiến, biện biệt và sắp xếp cách khôn ngoan rõ ràng ơn riêng của từng phần tử trong Giáo hội, mà không lẫn lộn các vai trò, nhiệm vụ, hay các điều kiện thần học và giáo luật" 114.

Nếu một đàng người ta cảm thấy con số các linh mục ở một vài nơi quá ít ỏi, thì ngược lại ở những nơi khác người ta lại chứng kiến cảnh ơn gọi trăm hoa đua nở đầy hứa hẹn báo trước những viễn ảnh tương lai tích cực. Vì thế những giải pháp đề nghị nhằm cứu vãn tình trạng ít ỏi các thừa tác viên chức thánh chỉ có thể có tính cách tạm thời, và song hành với một mục vụ đặc biệt dành ưu tiên cho việc cổ võ các ơn gọi hướng đến chức linh mục 115.

Về phương diện này, Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng "ở một số địa phương, người ta đã tìm kiếm những giải pháp quảng đại và thông minh. Chính những quy tắc của bộ giáo luật cũng đã đề ra những khả thể mới, nhưng cần phải áp dụng chúng cho thật đúng đắn để khỏi rơi vào tình trạng hồ đồ coi như bình thường và thường lệ những giải pháp mà luật dự kiến cho những tình huống bất thường vì thiếu vắng hay khan hiếm các thừa tác viên chức thánh 116.

Tài liệu này nhằm vạch ra những chỉ dẫn chính xác để bảo đảm một sự cộng tác hữu hiệu của các tín hữu không chức thánh trong những hoàn cảnh bất thường đó, và trong sự tôn trọng sự toàn vẹn của thừa tác vụ mục vụ của các linh mục. "Phải làm cho người ta hiểu rằng những minh xác và phân biệt này không xuất phát từ bận tâm bênh vực các đặc quyền của hàng giáo sĩ, mà từ nhu cầu phải vâng phục ý muốn của Chúa Kitô, bằng cách tôn trọng hình thức cơ cấu mà Người đã in cách bất biến vào Giáo hội của Người" 117.

Việc áp dụng đúng những chỉ dẫn này, trong khung cảnh của sự hiệp thông phẩm trật sinh động này, sẽ sinh ích lợi cho chính người giáo dân, là những người được mời gọi phát huy tất cả những tiềm lực phong phú của căn tính mình và "càng ngày càng sẵn sàng hơn nữa để sống căn tính đó trong việc chu toàn sứ mệnh riêng biệt của mình" 118.

Lời căn dặn khẩn thiết mà vị Tông đồ dân ngoại nói với Timôthê : "Trước mặt Thiên Chúa và Ðức Kitô Giêsu, tôi khẩn thiết yêu cầu : hãy rao giảng Lời, hãy ứng phó lúc thuận lúc nghịch, hãy biện bác, hãy khiển trrách, hãy khuyên lơn . hãy chừng mực trong mọi sự . hãy trọn niềm phục vụ" (2 Tm 4,1 - 5), lời căn dặn ấy đặc biệt thôi thúc các mục tử thánh, những vị đã được mời gọi chu toàn vai trò riêng là "cổ võ kỷ luật chung của toàn thể Giáo hội ., thôi thúc việc tuân hành tất cả mọi luật lệ của Giáo hội" 119.

Bổn phận nghiêm trọng này tạo nên khí cụ cần thiết để những năng lực phong phú tích chứa trong mỗi bậc sống trong Giáo hội được hướng dẫn đúng đắn theo những ý định lạ lùng của Thần Khí, và để sự hiệp thông trở nên một thực tại hữu hiệu trong con đường thường nhật của toàn thể cộng đoàn.

Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội thánh mà chúng ta phó thác tài liệu này cho sự chuyển cầu của Mẹ, giúp mỗi người hiểu rõ những ý hướng của tài liệu, và vận dụng hết sức để trung thành áp dụng, hầu có thể đạt đến kết qủa tông đồ phong phú tốt đẹp hơn.

Những luật riêng và những tập tục hiện hành mà trái ngược với những quy tắc này bị bãi bỏ, cũng như những năng quyền tạm thời để thử nghiệm do Tòa thánh hay tất cả những thẩm quyền khác tùy thuộc Tòa thánh ban cũng đều bị bãi bỏ.

Ðức Thánh Cha, ngày 13 tháng 08 năm 1997 đã phê chuẩn huấn thị này dưới hình thức đặc biệt và ra lệnh phổ biến.

Vatican, ngày 15 tháng 08 năm 1997, nhằm lễ trọng kính Ðức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời.

 

Thánh bộ giáo sĩ

Dario Castrillon Hoyos, quyền Tổng trưởng

Crescenzio Sepe, thư ký

 

Hội đồng Giáo hoàng về giáo dân

James Francis Stafford, Chủ tịch

Stanislaw Rylko, thư ký

 

Thánh bộ giáo lý đức tin

ÐHY Joseph Ratzinger, Tổng trưởng

Tarcisio Bertone SDB, thư ký

 

Thánh bộ phụng tự và kỷ luật bí tích

Jorge Arturo Medina Estévez, quyền Tổng trưởng

Geraldo MajellaAgnelo, thư ký

 

Thánh bộ Giám mục

ÐHY Bernadin Gantin, Tổng trưởng

Jorge Maria Mejia, thư ký

 

Thánh bộ Phúc Âm hóa các dân tộc

ÐHY Joref Tomko, Tổng trưởng

Giuseppe Uhac, thư ký

 

Thánh bộ tu sĩ

ÐHY Eduardo Martinez Somalo, Tổng trưởng

Piergiorgio Silvano Nesti CP, thư ký

Hội đồng Giáo hoàng giải thích văn bản luật pháp

Julian Herranz, Chủ tịch

Bruno Bertagna, thư ký

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú :

1      x. CÐ Vatican II, hiến chế tín lý Lumen gentium, số 33 ; sắc lệnh Tông đồ giáo dân , số 24.

2      Gioan Phaolô II, tông huấn Người tín hữu giáo dân (30.12.1988), số 2 : AAS 81 (1989), tr. 396

3      Thượng Hội Ðồng Giám mục thế giới, hội nghị khoáng đại thường lệ lần thứ 9, Tài liệu làm việc, số 73.

4      x. Gioan Phaolô II, tông huấn Ðời sống thánh hiến (25.03.1966), số 47 : AAS 88 (1996) tr. 420

5      x. CÐ Vatican II, sắc lệnh Tông đồ giáo dân, số 5

6      Sđd, số 6

7      x. Sđd

8      Gioan Phaolô II, tông huấn Người tín hữu giáo dân, số 23 : AAS 81 (1989), tr.429

9      x. CÐ Vatican II, hiến chế tín lý Lumen gentium, số 31 ; Gioan Phaolô II, tông huấn Người tín hữu giáo dân, số 15, tr.413 -416

10   x. CÐ Vatican II, hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 43

11   x. CÐ Vatican II, sắc lệnh Tông đồ giáo dân, số 24

12   x. Gioan Phaolô II, diễn văn Romano, English editio, 11.05.1994, tại kỳ hội thảo về "sự tham gia của người giáo dân vào thừa tác vụ linh mục" (22.04.1994), số 2 : L Observatore Romano English editio, 11.05.1994

13   x. giáo luật, kh. 230 3 ; 517 2 ; 861 2 ; 910 2 ; 943 ; 1112 ; Gioan Phaolô II, tông huấn Người tín hữu giáo dân số 23 và ghi chú 72 : AAS 81, tr.430.

14   x. Gioan Phaolô II, thông điệp Sứ vụ Ðấng Cứu Thế (07.12.1990), số 37 : AAS 83 (1991), tr.282 -286

15   x. giáo luật, kh. 392

16   x. cách riêng CÐ Vatican II, hiến chế tín lý Lumen gentium, hiến chế phụng vụ, sắc lệnh Ðời sống linh mục và Tông đồ giáo dân

17   x. cách riêng tông huấn Người tín hữu giáo dân và Mục tử như lòng mong ước.

18   x. kh. 1752

19   x. CÐ Vatican II, hiến chế tín lý Lumen gentium, số 10

20   Sđd, số 32

21   Như trên

22   Như trên, số 10

23   x. như trên, số 4

24   Gioan Phaolô II, tông huấn Mục tử như lòng mong ước, số 17 : AAS 84 (1992), tr.684

25   x. CÐ Vatican II, hiến chế tín lý Lumen gentium, số 7

26   GLHTCG, số 1547

27   Như trên, số 1592

28   Gioan Phaolô II, tông huấn Mục tử như lòng mong ước, số 74, AAS 84 (1992), tr.788

29   x. CÐ Vatican II, hiến chế tín lý Lumen gentium, các số 10, 18, 27, 28 ; sắc lệnh Ðời sống linh mục, các số 2, 6 ; GLHTCG, các 1538, 1576

30   x. Gioan Phaolô II, tông huấn Mục tử như lòng mong ước, số 15; AAS 84, tr.680 ; GLHTCG, số 875

31   x. Gioan Phaolô II, tông huấn Mục tử như lòng mong ước, số 16 , các tr.681 - 684 ; GLHTCG, số 1592

32   x. Gioan Phaolô II, tông huấn Mục tử như lòng mong ước, các số 14 - 16 ; , các tr. 678 - 684 ; bộ Giáo lý Ðức Tin, thư Chức linh mục thừa tác (06.08.1983), III, 2 -3 : AAS 75 (1983), các tr. 1004 - 1005

33   x. Ep. 2, 20 ; 1V 21, 14

34   Gioan Phaolô II, tông huấn Mục tử như lòng mong ước, số 16 : AAS 84 (1992), tr. 681

35   GLHTCG, số 876

36   x. Sđd, 1581

37   x. Gioan Phaolô II, tông thư Novo incipiente (08.04.1979), số 3 : AAS 71 (1979), tr. 397

38   CÐ Vatican II, hiến chế tín lý Lumen gentium, số 7

39   Gioan Phaolô II, tông huấn Người tín hữu giáo dân, số 23 : AAS 81 (1989), tr. 430

40   x. Bộ Giáo Lý Ðức Tin, thư Chức linh mục thừa tác, III, 2 : , tr. 1004

41   x. CÐ Vatican II, hiến chế tín lý Lumen gentium, chú thích, số 2

42   Gioan Phaolô II, tông huấn Mục tử như lòng mong ước, số 16 : , tr. 682

43   CÐ Vatican II, sắc lệnh về Linh mục , số 2

44   x. CÐ Vatican II, sắc lệnh Tông đồ giáo dân

45   Gioan Phaolô II, tông huấn Người tín hữu giáo dân, số 23 : AAS 81 (1989), tr. 429

46   x. giáo luật, kh. 208 - 223

47  x. Sđd, kh. 225 2 ; 226 ; 227 ; 231 ; 2

48  x. Sđd, kh. 225 1 ; 228 2 ; 229 ; 231 1

49  x. Sđd, kh. 230 2 - 3, đối với điều gì thuộc phụng vụ ; kh.228 1 ; đối với những lãnh vực khác thuộc sứ vụ thánh ; đoạn cuối cùng áp dụng cho những lãnh vực khác ngoài sứ vụ giáo xứ

50   Sđd kh. 228 1

51   Sđd kh. 230 3 ; x. 517 2 ; 776 ; 861 2 ; 910 2 ; 943 ; 1112

52   x. bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, dẫn nhập Huấn thị Hồng ân vô giá (03.04.1980) : AAS 72 (1980), các tr. 331 - 333

53   x. Gioan Phaolô II, diễn văn tại cuộc hội thảo về "Sự tham gia của giáo dân vào thừa tác vụ linh mục" (22.04.1994), số 3 : LObservatore Romano English editio, 11.05.1994

54   Sđd

55   x. Gioan Phaolô II, diễn văn tại cuộc hội thảo về "Sự tham gia của giáo dân vào thừa tác vụ linh mục" (22.04.1994), số 3 : LObservatore Romano English editio, 11.05.1994

56   x. Hội đồng Giáo hoàng giải thích văn bản luật pháp Response (01.06.1988) : AAS 80 (1988), tr. 1373

57   x. Hội đồng Giáo hoàng giải thích văn bản luật pháp Response (11.07.1992) : AAS 86 (1994), các tr. 541 - 542. Bất cứ nghi thức nào liên hệ với việc ủy nhiệm những người không chức thánh để hợp tác trong thừa tác vụ giáo sĩ không được có gì tương tự như nghi thức truyền chức thánh, nghi thức đó cũng không được có một hình thức giống như nghi thức trao ban tác vụ đọc sách hay giúp lễ

58   Những ví dụ đó phải gồm tất cả những phát biểu từ ngữ giống hay tương đương trong ngôn ngữ của nhiều nước, và chỉ một vai trò lãnh đạo hoặc một sinh hoạt thay thế.

59   Cho những hình thức giảng khác nhau, x. giáo luật, kh. 761 ; sách lễ Roma, sách bài đọc, những ghi chú : ấn bản mẫu, 1981

60   CÐ Vatican II, hiến chế Tín lý về mạc khải, số 24

61   x. giáo luật kh. 756 2,

62   x. Sđd, kh. 757

63   x. Sđd

64   CÐ Vatican II, hiến chế tín lý Lumen gentium, số 35

65   x. giáo luật, các kh. 758 - 759 ; 785 1

66   CÐ Vatican II, hiến chế tín lý Lumen gentium, số 25 ; giáo luật, kh. 763

67   x. giáo luật kh. 764

68   CÐ Vatican II, hiến chế Phụng vụ thánh, số 52 ; x. giáo luật,kh. 767 1

69   x. Gioan Phaolô II, tông huấn Dạy giáo lý (16.10.1979), số 48 : AAS 71 (1979), các tr. 1277 - 1340 ; Hồi đồng giáo hoàng giải thích những sắc lệnh CÐ Vatican II, Response (11.01.1971) : AAS 63, tr. 329; Hội đồng phụng tự, huấn thị Actio pastoralis (15.05.1969), số 6d : AAS 61 (1969) tr. 809 : quy chế tổng quát sách lễ Roma (26.03.1970), các số 41, 42, 165 ; quy chế Liturgicae instaurationes (15.09.1970), số 2a : AAS 62 (1970) tr. 696 ; bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, huấn thị Hồng ân vô giá, số 3 : AAS 72 (1980), tr. 331

70   Hội đồng Giáo hoàng giải thích văn bản luật pháp, Response (20.06.1987) : AAS 79 (1987), tr. 1249

71   x. giáo luật, kh. 266 1

72   x. như trên, kh. 6 1 , 2 0

73   x. Thánh bộ Phụng tự, kim chỉ nam của các thánh lễ trẻ em Pueros baptizatos (01.11.1973), số 48 : AAS 66 (1974), tr. 44.

74   Ðể thông tin về các linh mục đã được chuẩn khỏi luật độc thân, x. Thánh bộ giáo lý đức Tin, những quy định về việc chuẩn luật độc thân linh mục khi có bên yêu cầu (14.10.1980), "Những quy luật cốt yếu", mục 5

75   x. giáo luật, kh. 517 1

76   Người tín hữu không chức thánh hay một nhóm giáo dân được giao phó việc cộng tác để thi hành chăm sóc mục vụ, không được đặt tên là "lãnh đạo cộng đồng" hay là kiểu nói nào khác đồng nghĩa

77   x. giáo luật, kh. 519

78   x. như trên, kh. 538 1 - 2

79   x. như trên, kh. 186

80   x. bộ Giáo sĩ, kim chỉ nam đời sống và thừa tác vụ linh mục Tota Ecclesia (31.01.1994), số 44

81   x. giáo luật, các kh. 497 - 498

82   x. CÐ Vatican II, sắc lệng Ðời sống linh mục, số 7

83   x. giáo luật, kh. 514, 536

84   x. Sđd, kh. 537

85   x. kh. 512 1&3, GLHTCG, số 1650

86   x. giáo luật, kh. 536

87   x. Sđd, kh. 135 2

88   x. Sđd, kh. 553 1

89   x. CÐ Vatican II, hiến chế Phụng vụ thánh, các số 26 - 28 ; giáo luật, kh. 837

90   x. Sđd, kh. 1248 2

91   x. Sđd, kh. 1248 2 ; Thánh bộ nghi lễ, huấn thị Inter oecumenici (26.09.1964), số 37 : AAS 66 (1964), tr. 885 ; Thánh bộ Phụng tự, kim chỉ nam những cử hành Chúa nhật khi không có linh mục, Christi Ecclesia (10.06.1988), Notitiae 263 (1988)

92   x. Gioan Phaolô II, hội đàm với một số Giám mục miền Tây Hoa kỳ viếng mộ hai thánh tông đồ (05.05.1993) : AAS 86(1994), tr. 340

93   Thánh bộ về Phụng tự kim chỉ nam những cử hành Chúa nhật khi không có linh mục Christi Ecclesia (10.06.1988), số 35 : ; x. giáo luật, kh. 1378 2 : 10 va 3 ; kh. 1384

94   x. giáo luật, kh. 1248

95   Thánh bộ Kỷ luật các bí tích, dẫn nhập quy chế Ðức bác ái bao la (29.01.1973) : AAS 65 (1973), tr. 264

96   x. giáo luật, kh. 910 1, x. Gioan Phaolô II, tông thư Bữa tối của Chúa (24.02.1980), số 11 : AAS 72 (1980), tr. 142

97   x. giáo luật, kh. 910 2

98   x. Thánh bộ kỷ luật bí tích, quy chế Ðức bác ái bao la, số 1 : , tr. 264 ; Sách lễ Rôma, phần phụ lục : nghi thức ủy quyền thừa tác viên cho rước lễ từng nố ; Pontificale Romanum, De institutione lectorum et acolythorum.

99   Hội đồng Giáo hoàng giải thích luật pháp, Response (01.06.1988), AAS 80 (1988), tr.1373

100x. Thánh bộ kỷ luật bí tích, quy chế Ðức bác ái bao la, số 1 : AAS 65 (1973), tr. 264 ; Thánh bộ bí tích và phụng tự, huấn thị Hồng ân vô giá (03.04.1980), số 10 : AAS 72 (1980), tr. 336

101kh. 230 2 & 3. Giáo luật khẳng định rằng những việc phụng vụ có thể trao phó cho người tín hữu không chức thánh, chỉ tạm thời mà thôi hay để bổ sung.

102x. Nghi thức Rôma - Ordo Unctionis Infirmonum, những chú thích, số 17 : ấn bản mẫu 1972

103x. Gc 5, 14 -15 ; thánh Tôma Aquinô, trong IVSent., d. 4. 1 ; Công đồng chung Florence, Bull Exultate Deo (DS 1325) ; Công đồng chung Trente, Giáo lý về bí tích Xức dầu lần sau hết , đoạn 3 (DS 1697, 1719) ; GLHTCG, số 1516

104x. giáo luật, kh. 1003 1

105x. như trên, kh. 1397 & 392 2

106x. như trên, kh. 112

107x. như trên, kh. 1111, 2

108x. như trên, kh. 1112, 2

109x. như trên, kh. 861 2 ; Nghi thức rửa tội trẻ em, những chú thích tổng quát, các số 16 - 17

110x. như trên, kh. 230

111x. Nghi thức An táng, chú thích, số 19

112x. giáo luật, kh. 231 1

113Ðây có ý nói về những hoàn cảnh "Chủng viện", nơi mà giáo dân và những người dọn mình lãnh chức linh mục được một nền giáo dục và đào tạo như nhau dường như cả hai đều được làm một chức vụ. Những Chủng viện đó được gọi là "hội nhập" hay "hỗn hợp"

114Gioan Phaolô II, diễn văn tại cuộc thảo về "sự tham gia của người giáo dân vào thừa tác vụ linh mục" (11.05.1994), số 3

115x. như trên, số 6

116x. như trên, số 2

117x. như trên, số 5

118Gioan Phaolô II, tông huấn Người tín hữu giáo dân, số 58, tr. 507

119Giáo luật, kh. 392

 


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà