QUY CHẾ PHÁP LÝ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN

TRONG BỘ GIÁO LUẬT 1983

 

Lm. Antôn Nguyễn đức Khiết.

 

        Trong bài này, chúng ta chỉ muốn suy nghĩ trên một số điểm thuộc nội dung chính yếu của những điều khoản Giáo Luật liên quan đến người giáo dân, nghĩa là những điều khoản trong Bộ Giáo Luật 1983 thiết lập và xác định địa vị pháp lý của người giáo dân trong lòng Dân Thiên Chúa, Ðồng thời, khi nói đến quy chế pháp lý (statut juridique) của người giáo dân, chúng ta nói đến những quy chiếu thần học chi phối cái nhìn pháp lý này.

        Bộ Giáo Luật 1917 chỉ bàn đến giáo dân một cách minh nhiên trong 14 khoản luật [1], trong khi đó, Bộ Giáo Luật 1983, mặc dù ngắn hơn Bộ Giáo Luật cũ, có hơn 200 điều khoản bàn về ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân, về quy chế pháp lý của họ trong tư cách là Kitô hữu và giáo dân ở trong Giáo Hội.

Lý do có một sự khác biệt rất lớn giữa hai Bộ Giáo Luật khi bàn đến quy chế pháp lý của người giáo dân là do kết quả của việc triển khai thần học về Giáo Hội của Vatican II, chuyển từ giáo hội học quá nhấn mạnh đến cơ cấu (ecclésiologie dominante hiérarchique) sang giáo hội học hiệp thông (ecclésiologie de communion).

Trong Tông Hiến ban hành Bộ Giáo Luật mới "Sacrae disciplinae leges" (Các luật lệ của kỷ luật thánh), Ðức Gioan-Phaolô II đã nói rất rõ về mối dây liên hệ giữa Công Ðồng Vatican II và Bộ Giáo Luật mới :

"Xét như một dụng cụ, Bộ Giáo Luật này hoàn toàn phù hợp với bản chất của Giáo Hội, cách riêng đã được trình bày do giáo huấn chính thức của Công Ðồng Vatican II xét trong toàn bộ và nhất là trong học thuyết về Giáo Hội. Thực vậy, phần nào Bộ Giáo Luật mới có thể được coi như một cố gắng phi thường để diễn dịch đạo lý của Công Ðồng về Giáo Hội ra ngôn từ pháp lý. Ðành rằng không thể nào có thể chuyển đạt hoàn toàn hình ảnh của Giáo Hội mà Công Ðồng đã mô tả ra ngôn ngữ giáo luật, tuy vậy, Bộ Giáo Luật này luôn luôn phải quy chiếu về hình ảnh ấy như khuôn mẫu nguyên khởi ; Bộ Luật, tự bản chất, phải diễn tả những hình nét ấy bao nhiêu có thể được" [2]

Ðức Gioan-Phaolô II cho rằng Bộ Giáo Luật mới 1983 phản ánh trung thực giáo lý về Giáo Hội, tiên vàn như là một mầu nhiệm hiệp thông và trong Giáo Hội hiệp thông này, mỗi Kitô-hữu, giáo sĩ hay giáo dân, đều liên kết với nhau, đều tham dự vào ba chức phận tư tế, tiên tri và vương giả của Ðức Kitô, theo cách thế riêng của từng người. Như thế, Giáo-Hội-hiệp-thông, tự bản chất phải trở thành Giáo-Hội-cho-mọi-người -tham-gia :

"Trong các yếu tố diễn tả hình ảnh trung thực và chân chính của Giáo Hội, phải kể cách riêng đến đạo lý trình bày Giáo Hội như Dân Thiên Chúa (x. Hiến chế LG 2) và quyền bính phẩm trật nhằm để phục vụ (LG 3), đạo lý bày tỏ Giáo Hội như một mầu nhiệm hiệp thông, và do đó ấn định các mối liên hệ hỗ tương giữa Giáo Hội địa phương với Giáo Hội phổ quát, giữa tính cách tập đoàn với quyền tối thượng, đạo lý theo đó tất cả các phần tử của Dân Thiên Chúa đều tham dự, mỗi người tùy theo mức độ riêng, vào ba chức phận tư tế, tiên tri và vương giả của Ðức Kitô, gắn liền với đạo lý ấy là giáo lý về các nghĩa vụ và quyền lợi của tín hữu, đặc biệt là của giáo dân, sau cùng sự dấn thân vào phong trào hiệp nhất Kitô giáo" [3].

1.   Người giáo dân trong Bộ Giáo Luật 1917 :

-      Ðiều khoản nền tảng :

Ðiều 87 : "Do Bí Tích Rửa Tội, con người được thủ đắc nhân cách trong Giáo Hội của Chúa Kitô, với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của các Kitô hữu".

-      Ðiều khoản phân biệt :

Ðiều 107 : "Do sự thiết lập của Thiên Chúa, trong Giáo Hội, các giáo sĩ khác biệt với giáo dân, mặc dù không phải tất cả các giáo sĩ đều do sự thiết lập của Thiên Chúa, cả giáo sĩ lẫn giáo dân có thể là tu sĩ".

2.   Người giáo dân trong Bộ Giáo Luật 1983 :

-      Các điều khoản nền tảng :

Ðiều 96 : "Do Bí Tích Rửa Tội, con người được sát nhập vào Giáo Hội của Ðức Kitô và thủ đắc nhân cách trong Giáo Hội, với những nghĩa vụ và quyền lợi riêng của các tín hữu Kitô, chiếu theo điều kiện của mỗi người, miễn là họ duy trì sự hiệp thông Giáo Hội và không bị ngăn trở bởi một chế tài đã được tuyên một cách hợp lệ".

Ðiều 204 : "Các tín hữu là những người, nhờ Phép Rửa Tội, được hiệp thân với Ðức Kitô, kết thành Dân Thiên Chúa, và do đó, họ tham dự theo cách thế riêng vào chức vụ tư tế, sứ ngôn và vương giả của Ðức Kitô. Theo điều kiện của mỗi người, họ được kêu gọi thực hành sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo Hội chu toàn trong thế giới".

Chúng ta cần lưu ý đến hai điểm trong định nghĩa này. Trước hết định nghĩa này mang một nội dung phong phú về phương diện thần học và mục vụ trong việc khẳng định rằng tất cả các thành phần trong Dân Thiên Chúa (giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ) đều có trách nhiệm trong một Giáo Hội truyền giáo. Thứ đến, chúng ta phải lưu ý các kiểu nói "theo cách thế riêng" và "theo điều kiện của mỗi người". Với các kiểu nói này, ta thấy có một sự khác biệt giữa các tác vụ, các chức năng trong Giáo Hội. Mỗi chức năng có một quy chế pháp lý khác biệt với nhau.

Ðiều 207-1 : "Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo Hội, có các thừa tác viên có chức thánh trong luật được gọi là các giáo sĩ, còn các người khác được gọi là giáo dân".

Giữa các tín hữu trong Giáo Hội, Giáo Luật phân biệt "các thừa tác viên có chức thánh theo luật được gọi là giáo sĩ, còn các người khác được gọi là giáo dân". Bộ Giáo Luật cũng nói tới "các người thánh hiến cho Thiên Chúa" có thể là giáo sĩ hay giáo dân (x. Ðiều 207, 1-2).

So sánh điều 207-1 của Bộ Giáo Luật mới với điều 107 của Bộ Giáo Luật 1917, chúng ta sẽ nhận ra bước di chuyển từ giáo hội học hình kim tự tháp sang giáo hội học hiệp thông. Trong điều 107 của Bộ Giáo Luật 1917, các giáo sĩ ở trên người giáo dân, trong điều 207-1 của Bộ Giáo Luật 1983, giáo sĩ và giáo dân đều là tín hữu trong Giáo Hội : tín hữu giáo sĩ và tín hữu giáo dân (fidèles clercs et fidèles lacs).

Ðiều 208 : "Giữa các tín hữu, nhờ sự tái sinh trong Ðức Kitô, mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động. Nhờ sự bình đẳng này, các tín hữu cộng tác với nhau xây dựng Thân Thể Ðức Kitô, tùy theo điều kiện và chức vụ riêng của từng người" [4].

Hiến chế tín lý về Giáo Hội đã nói đến sự bình đẳng trong Dân Thiên Chúa như sau : "Chỉ có một Dân Thiên Chúa được Ngài (Ðức Kitô) tuyển chọn, "chỉ có Thiên Chúa, một đức tin, một Phép Rửa" (Ep 4, 5) cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia" (LG 32, đ. 2).

Như vậy, chúng ta thấy các khoản luật nền tảng này đều liên hệ đến cả giáo dân cũng như giáo sĩ.

3.   Các khả năng pháp lý (capacités juridiques) của người giáo dân trong Bộ Giáo Luật 1983.

a. Quyền làm việc tông đồ, xét theo cá nhân hay các hiệp hội :

Ðiều 225-1 : "Xét vì các giáo dân, cũng như mọi tín hữu khác, được Thiên Chúa ủy thác làm việc tông đồ, do Phép Rửa Tội và Phép Thêm Sức, nên họ có nghĩa vụ tổng quát và có quyền lợi xét như từng cá nhân hoặc kết hợp thành hiệp hội, phải làm sao để sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới biết đến và đón nhận. Nghĩa vụ này lại càng thôi thúc hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ có thể nhờ các giáo dân, người ta mới có thể nghe Phúc âm và biết Ðức Kitô" .

Ðiều khoản này phát xuất từ giáo lý của Hiến Chế tín lý Lumen gentium nói đến nghĩa vụ và quyền làm tông đồ của người giáo dân là tham dự vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội, nhờ vào việc lãnh nhận Phép Rửa và Phép Thêm Sức. Như vậy, nền tảng của việc làm tông đồ (lapostolat) thuộc các Bí tích khai tâm Kitô giáo, nghĩa là được ghi khắc trong sứ mạng truyền giáo của toàn thể Giáo Hội, chứ không do ủy quyền. Nói cách khác, nghĩa vụ và quyền làm tông đồ đến từ các Bí tích khai tâm. Từ nền tảng thần học này, người giáo dân còn được mời gọi làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian (x. LG 33, đ. 2 ; AA 15).

b. Khả năng được các vị chủ chăn mời đảm nhận những chức vụ và các nhiệm vụ trong Giáo Hội :

Ðiều 228-1 : "Các giáo dân nào được nhận thấy là có khả năng thì có năng cách để được các chủ chăn mời đảm nhận các chức vụ trong Giáo Hội và các nhiệm vụ mà họ có thể hành sử được chiếu theo quy tắc luật định".

c. Khả năng giúp các chủ chăn của Giáo Hội trong tư cách là những chuyên viên, những cố vấn, ngay cả trong các Hội Ðồng Tư Vấn theo luật định :

Ðiều 228-2 : "Các giáo dân nào xuất sắc trong sự hiểu biết, khôn ngoan và thanh liêm, thì có năng lực để giúp đỡ các chủ chăn của Giáo Hội với tư cách chuyên viên hoặc cố vấn, kể cả trong các Hội Ðồng Tư Vấn theo các quy tắc luật định".

        Hai điều 228-1 và 228-2 rõ ràng phản ánh cách trung thực về sự góp phần trực tiếp hơn của người giáo dân vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm được Hiến chế tín lý về Giáo Hội đề nghị (x. LG 33, đ. 3).

d. Quyền được theo học thần học :

Ðiều 229-2 : "Họ cũng có quyền thủ đắc sự hiểu biết sâu xa hơn trong những thánh khoa được dậy trong các Ðại Học, hoặc các phân khoa của Giáo Hội hay trong các trường dậy tôn giáo, bằng cách theo các lớp giảng và lấy các bằng cấp chuyên môn".

e. Khả năng được mời dậy thần học :

Ðiều 229-3 : "Cũng thế, khi họ đã chu tất những gì luật đòi buộc, họ có năng cách để được thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội ủy nhiệm dậy các thánh khoa".

f. Khả năng đối với người nam có thể nhận tác vụ đọc sách và giúp lễ :

Ðiều 230 : "Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách và giúp lễ, qua một nghi lễ Phụng vụ đã quy định".

g. Ðiều 230-3 rất quan trọng, mặc dù nó nói về trường hợp bổ khuyết :

"Nơi nào nhu cầu Giáo Hội đòi hỏi và thiếu thừa tác viên, thì các giáo dân, dù không có tác vụ đọc sách và giúp lễ, cũng có thể thay thế họ làm một số việc, tỉ như thi hành tác vụ Lời Chúa, chủ tọa các buổi cầu nguyện, rửa tội và cho rước lễ theo các quy tắc luật định" [5].

        Chúng ta phải ghi nhận rằng sự mô tả của điều khoản này về ba nhiệm vụ được giao phó cho giáo dân gắn liền với ba chức năng của thừa tác vụ có chức thánh. Bộ Giáo Luật không sợ từ ngữ thừa tác vụ (=thi hành tác vụ Lời), nhưng lại sử dụng cách nói "thay thế" (Bổ khuyết, suppléant), nghĩa là Giáo Luật coi đó như một ngoại lệ và tạm thời, thể hiện nhu cầu cấp bách do hoàn cảnh khó khăn và vẫn chỉ thi hành trên nền tảng Phép Rửa và Phép Thêm Sức.

        Từ những điều khoản trên, chúng ta đưa ra một vài ghi nhận :

a.   Các điều khoản luật này cho thấy rằng người giáo dân có thể tham gia vào công việc dậy dỗ và thánh hoá. Việc tham gia này bắt nguồn từ Phép Rửa.

b.   Trong các điều khoản 228-231, sau khi đã xác quyết về sự ưu tiên của việc tông đồ thuộc lãnh vực trần thế của người giáo dân, Bộ Giáo Luật trình bày những quy tắc tương hợp với khẳng định sau đây của Hiến chế tin lý về Giáo Hội Lumen gentium :

"Ðàng khác, các giáo dân có những khả năng có thể được Hàng Giáo Phẩm mời đảm nhận một số phận vụ thuộc hàng giáo sĩ có mục đích thiêng liêng" [6]

Ở đây, ta cần lưu ý đến hai chữ "đàng khác". Nó mở ra một chiều kích khác, không mang tính bó buộc nhưng là do lựa chọn, về việc tham gia của người giáo dân vào sứ mạng của Giáo Hội, việc cộng tác với các chủ chăn để phục vụ cộng đoàn Giáo Hội.

Trong những điều khoản này, Bộ Giáo Luật mới nhấn mạnh đến những khả năng pháp lý của người giáo dân hơn là quyền lợi của họ. Khi nhấn mạnh như vậy, Bộ Giáo Luật mới có một cái nhìn rộng lớn về người giáo dân, vai trò và sứ mạng của họ trong lòng Giáo Hội hiệp thông và thừa sai hơn là chỉ dừng lại những quyền lợi cụ thể, dù mang tính pháp lý.

4.   Khả năng của người giáo dân tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội trong Bộ Giáo Luật 1983.

a. Tham dự các Công Ðồng miền :

Ðiều 443-4 : "có thể được mời tham dự các Công Ðồng địa phương, nhưng chỉ với quyền tư vấn mà thôi, cả các linh mục và các tín hữu khác nữa.."

Ðiều 443-5 : "Ngoài ra cũng phải được mời dự Công đồng tỉnh các kinh sĩ nhà thờ chính toà cũng như Hội Ðồng linh mục và Hội Ðồng mục vụ của từng Giáo Hội địa phương, nhưng mỗi định chế chỉ được gửi hai đại biểu làm thành viên đã được bầu lên cách tập đoàn, những người này chỉ có quyền tư vấn mà thôi".

b. Tham dự các Công nghị giáo phận (synode diocésain) :

Theo điều 463-1 và 5 thì các tín hữu giáo dân là thành viên theo luật của Công nghị giáo phận.

c. Tham gia vào Hội đồng Kinh Tế và Quản Lý cấp giáo phận :

Theo điều 492 thì Hội Ðồng Kinh Tế của giáo phận gồm ít nhất là ba tín hữu (giáo dân hay giáo sĩ) và quản lý giáo phận có thể là một giáo dân.

d. Tham gia vào Hội Ðồng mục vụ giáo phận :

Theo điều 512-1, Hội Ðồng mục vụ giáo phận bao gồm các giáo sĩ và các giáo dân (nhất là các giáo dân).

e. Phụ trách một giáo xứ :

Theo điều 517-2, trong hoàn cảnh thiếu linh mục, các giáo dân có thể tham gia vào việc điều hành một giáo xứ.

        Ðể hiểu đúng điều khoản này, ta cần nhắc lại quan điểm của Ðức Gioan-Phaolô II viết trong Tông Huấn Christifideles laci : "Tuy nhiên, phải lưu ý rằng việc thi hành một chức năng như thế không biến người giáo dân thành mục tử ; trong thực tế, yếu tố chính của thừa tác vụ không phải do chính hoạt động, nhưng do Bí tích Truyền Chức. Chỉ có Bí tích Truyền Chức mới trao cho thừa tác viên được thụ phong quyền tham dự đặc biệt vào chức vụ của Ðức Kitô Thủ Lãnh và Mục Tử, cũng như vào chức tư tế vĩnh cửu của Ngài" [7].

        Giáo dân không được trở nên mục tử theo nghĩa như linh mục. Giải thích thần học này được thúc đẩy bởi ưu tư chính đáng là phải tránh mọi lẫn lộn giữa hai chức tư tế : tư tế chung và tư tế thừa tác, và phải duy trì căn tính của thừa tác vụ linh mục cùng với thành phần cấu tạo chức tư tế của thừa tác vụ linh mục. Tuy nhiên, ta không được xem sự tham gia của giáo dân vào trách nhiệm mục vụ được nói ở điều khoản 517-2 như "một sự dữ cần thiết" (comme un mal nécessaire), "cực chẳng đã" hay như là một thừa tác vụ thay thế-bổ khuyết, vì những quan niệm này không phù hợp với phẩm chất dấn thân trong Giáo Hội của một con người. Tuy nhiên, khi nói như vậy, cũng không có nghĩa là chúng ta muốn giáo-sĩ-hoá giáo dân (cléricalisation des lacs).

f. Tham gia vào Hội Ðồng Mục Vụ giáo xứ (x. Ðiều 536)

g. Tham gia vào nhiệm vụ giáo huấn của Giáo Hội :

- Theo điều 759, các giáo dân có thể được mời cộng tác với giám mục và linh mục trong việc thi hành tác vụ Lời Chúa (ministère de la Parole)

- Theo điều 766, các giáo dân có thể được mời giảng thuyết trong nhà thờ hay nhà nguyện, nếu nhu cầu đòi hỏi, trong những hoàn cảnh nhất định, chiếu theo những quy tắc của Hội Ðồng giám mục.

- Theo điều 785, các giáo lý viên giáo dân, dưói sự hướng dẫn của vị thừa sai, sẽ chuyên lo trình bày giáo lý Phúc Âm, điều hành các cử hành Phụng vụ và hoạt động bác ái.

h. Tham gia vào nhiệm vụ thánh hoá của Giáo Hội :

- Theo điều 861-2, trong trường hợp thừa tác viên thông thường vắng mặt hay bị ngăn trở, một giáo lý viên hay một người nào khác được Ðấng Bản Quyền trao cho nhiệm vụ Rửa Tội sẽ cử hành Bí tích Rửa Tội (=cách long trọng, en forme solennelle) cách hợp pháp.

- Theo điều 1112-1, "Nơi nào thiếu tư tế và phó tế, giám mục giáo phận, sau khi được Hội Ðồng Giám Mục chấp thuận và Tòa Thánh ban phép, có thể thừa ủy cho các giáo dân được chứng hôn".

- Theo điều 1168, các giáo dân có những tư cách xứng hợp có thể ban một số Á Bí tích.

i. Tham gia vào tòa án :

- Theo điều 1421-2, Hội Ðồng Giám Mục có thể cho phép đặt cả giáo dân làm thẩm phán. Nếu cần thì một trong những người ấy có thể được lựa chọn để thành lập tập đoàn thẩm phán.

- Theo điều 1435, Sự bổ nhiệm chưởng lý và bảo hệ là việc thuộc quyền của giám mục. Dù là giáo sĩ hay giáo dân, họ phải là người có tiếng tốt, có bằng tiến sĩ hay cử nhân giáo luật, khôn ngoan và nhiệt tâm với công lý.

 

        KẾT LUẬN :

        Sự kiện Bộ Giáo Luật 1983 đã dành rất nhiều điều khoản cho các hình thức hiện diện và hoạt động của người giáo dân trong các cơ cấu của Giáo Hội, cho ta thấy rõ vai trò và địa vị của người giáo dân trong lòng Dân Thiên Chúa xét như một mầu nhiệm hiệp thông, một cộng đoàn thừa sai và một Giáo Hội cho mọi người tham gia.

        Người giáo dân không còn bị coi như những "tay chân" của linh mục, nhưng như những chủ thể đích thực và tự do trong Thân Thể mầu nhiệm của Ðức Kitô, họ có một sứ mạng đặc biệt trong lãnh vực trần thế.

        Những điều khoản của Bộ Giáo Luật 1983 liên quan đến khả năng pháp lý của người giáo dân sẽ trở nên sống động trong mức độ những thừa tác viên có chức thánh nhìn nhận khả năng pháp lý của người giáo dân, kính trọng địa vị đặc thù của giáo dân, đón nhận sự hợp tác của giáo dân, tha thiết đến việc thăng tiến giáo dân và trở nên người biết lắng nghe trong sự cởi mở và đối thoại tình yêu.

        Ðể kết luận, chúng ta hãy đọc lại số 37 của Hiến chế tín lý về Giáo Hội bàn về tương quan giữa chủ chăn và giáo dân. Tương quan này tiếp tục được nói đến một cách cụ thể trong Bộ Giáo Luật mới [8] :

"Như mọi Kitô hữu khác, giáo dân cũng có quyền được các chủ chăn có chức thánh ban phát dồi dào ơn trợ lực chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các Bí tích [9]. Như con cái Thiên Chúa và như anh em trong Chúa Kitô, họ cũng sẽ trình bày với các vị ấy những nhu cầu và khát vọng của mình một cách tự do và tín cẩn. Nhờ sự hiểu biết, khả năng chuyên môn và uy tín của họ, họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội [10]

[.] Phần các chủ chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội [11]. Các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, ân cần giao cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động ; hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích họ tự đảm nhận lấy trách nhiệm. Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét, trong Chúa Kitô, những kế hoạch, thỉnh cầu và khát vọng của họ [12]. Ðàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế".

 

 

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

AA     : Apostolicam actuositatem (Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân)

LG     : Lumen gentium (Hiến chế tín lý về Giáo Hội)

CFL    : Christifideles laci (Tông Huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục "Kitô hữu giáo dân")

 


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà



[1] Bộ Giáo Luật 1917, ấn bản mẫu 1963 : Nơi chữ "giáo dân" trong bảng mục lục phân tích, tr. 682-683, 14 điều khoản được kể ra : 87, 107, 119, 166, 373-3, 682, 684, 1263, 1342, 1521-2, 1592, 1931, 1933-3, 2017.. Bảng mục lục cũng có chữ "Kitô hữu giáo dân", tr. 829 và các điều khoản được kể ra : 87, 682, 1372-1, 1273, 1276, 1325-1, 1496.

[2] Tông Hiến "Sacrae disciplinae leges", đ. 18 (ban hành 25-1-1983).

[3] Tông Hiến "Sacrae disciplinae leges", đ. 21 (ban hành 25-1-1983).

[4] x. LG 32, đ. 3 : "Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng Thân Thể Chúa Kitô".

[5] x. LG 35, đ. 4.

[6] LG 33

[7] CFL 23, đ. 3.

[8] x. Các ghi chú sau liên quan đến các điều khoản trong Bộ Giáo Luật mới.

[9] x. Bộ Giáo Luật 1983, điều 213

[10] x. Bộ Giáo Luật 1983, điều 212-2.

[11] x. Bộ Giáo Luật 1983, điều 275-2.

[12] x. 1Tx 5, 10 ; 1Ga 4, 1.