TINH THẦN ÐỒNG TRÁCH NHIỆM

TRONG GIÁO HỘI - TRUYỀN GIÁO

 

Chương 3 của Tông huấn bàn về sự đồng trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội Sứ vụ.

I. Hiệp thông trong sứ vụ truyền giáo

Ðức Thánh Cha lấy lại hình ảnh cây nho và cành nho để suy tư về sự hiệp thông là điều kiện thiết yếu để kết sinh hoa trái. Khái niệm hiệp thông đã từng được các văn kiện của Vatican II nêu rõ, và là một khái niệm đặc biệt thích hợp để diễn đạt mầu nhiệm thâm sâu của Giáo hội. Hiệp thông luôn bao hàm chiều kích hướng dọc (= hiệp thông với Thiên Chúa), và chiều kích hướng ngang (= hiệp thông giữa các tín hữu với nhau trong Ðức Kitô nhờ Thánh Thần). Ðiều thiết yếu là phải biết nhìn nhận hiệp thông trước tiên như là ân lộc của Thiên Chúa được ban tặng nơi mầu nhiệm Vượt qua. Ðược thiết lập trong Ðức Kitô và được thông ban qua các bí tích, mối liên hệ mới giữa con người với Thiên Chúa cũng được nối dài thêm bằng một mối liên hệ giữa con người với con người.

Niềm hiệp thông trong Giáo hội mang tính cách vừa vô hình lại vừa hữu hình. Xét về mặt thực tại vô hình, đó là mối hiệp thông giữa từng người với Thiên Chúa Cha, qua Ðức Kitô, và trong Chúa Thánh Thần, cũng như với những người khác, là những kẻ cùng tham dự vào bản tính thần linh, trong cuộc khổ nạn của Ðức Kitô , trong cùng một niềm tin, và cùng một tinh thần. Nơi Giáo hội tại thế, trong giáo lý các tông đồ và các bí tích cũng như trong phẩm trật, có tiềm tàng một giây liên hệ mật thiết giữa mối hiệp thông vô hình ấy với niềm hiệp thông hữu hình. Chính mối liên hệ giữa những yếu tố vô hình và hữu hình của niềm hiệp thông trong Giáo hội đã làm cho Giáo hội trở nên Bí tích Cứu Ðộ. Chính do bí tích tính này, mà Giáo hội hiện hữu như một thực tại không chỉ bo bo khép kín mình lại, nhưng là biết thường xuyên mở rộng lòng ra trước đà năng động truyền giáo, vì Giáo hội được sai vào trong thế giới để loan báo và làm chứng, để hiện thực hóa và rao truyền mầu nhiệm hiệp thông là chính mầu nhiệm làm nên Giáo hội: qui tụ mọi sự và mọi người trong Ðức Kitô ; làm bí tích hiệp nhất keo sơn nối kết mọi người. Vì thế ÐTC khẳng định : "Hiệp thông phát sinh hiệp thông" và chủ yếu là hiệp thông truyền giáo. Hiệp thông và truyền giáo kết hợp mật thiết với nhau đến độ hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của sứ vụ truyền giáo: hiệp thông là để truyền giáo và truyền giáo là để hiệp thông. (Có thể xem Tông huấn Giáo hội tại Á Châu số 24 : Hiệp thông và truyền giáo phải đi đôi với nhau).

Trong bối cảnh sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, Chúa Kitô trao phó cho giáo dân một phần trách nhiệm lớn lao, trong sự hiệp thông với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa.

Mối hiệp thông giáo hội trong đó, nhờ đức tin và phép rửa, mỗi người được đính ghép vào, là một mối hiệp thông phát nguyên từ và qui về bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể sở dĩ là nguồn mạch và là sức mạnh sáng tạo làm phát sinh nên mối hiệp thông giữa các phần tử của Giáo hội, là vì chính bí tích này kết hợp từng người trong họ lại với Ðức Kitô (x. 1Cr 10,17). Vì vậy, thuật ngữ thánh Phaolô thường dùng, gọi Giáo hội là Thân thể Ðức Kitô, có nghĩa như thế này : Bí tích Thánh Thể Chúa dùng để ban cho chúng ta Thân thể Người, và để biến chúng ta thành một thân thể duy nhất, là chính bí tích qua đó Giáo hội biểu hiện một cách thường xuyên, trong hình thái chủ yếu nhất của mình, tức là hiện diện ở mọi nơi, mà vẫn chỉ là một, như Ðức Kitô là một.

Tân ước dùng từ Hiệp thông (koinonía) 19 lần, chỉ về mối hiệp thông với Ðức Kitô (x. 1 Cr 1,9) qua việc hiệp thông với những đau khổ của Người (x. Pl 3,10), cùng qua lễ bẻ bánh, vì đó là hành động "dự phần vào Thân thể Người" (x. 1 Cr 10,16) và mối "hiệp thông với Thần Khí" (x. 2 Cr 13,13). Trong Cv 2,42, ý nghĩa giáo hội học hiện rõ qua từ koinonía : các kitô hữu hiệp thông với nhau cả về tinh thần lẫn vật chất, qua việc cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ cho nhau giáo huấn của các tông đồ và cả của cải. Trong các văn phẩm của Gioan, koinonía là kết quả của đức tin sống động đích thực, làm cho các kitô hữu hiệp thông với Cha và Con, cũng như với nhau trong Người (x. 1 Ga 1,1-4).

[Ðể diễn đạt Hiệp thông, các Giáo phụ Hy lạp đã dùng từ koinonía, vì muốn ám chỉ đến bữa tiệc Thánh Thể; còn bên Tây phương, nhất là thánh Augustinô, thì dùng từ communio, có ý liên tưởng đến Giáo hội. Sau này từ ngữ ấy tổng hợp cả hai ý nghĩa, tức là hiệp lễ và cộng đồng Hội thánh; vì vậy, "tuyệt thông" có nghĩa là bị dứt quan hệ với Giáo hội và đồng thời bị cấm rước lễ. Từ thời thánh Hiêrônimô, đã có thành ngữ communio sanctorum, nghĩa là các tín hữu cùng dự phần vào những sự thánh (sancta), nghĩa là các ân lộc cứu độ, như các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, là cội nguồn phát sinh mối hiệp thông vô hình giữa những người tham dự (các thánh). Mối hiệp thông ấy bao hàm một giây liên đới thiêng liêng giữa các phần tử của Giáo hội, trong tư cách là chi thể của cùng một Thân Thể, và hướng tới việc làm cho họ kết hợp thực sự trong đức ái qua việc kiến tạo mối đồng tâm nhất trí chung (x. Cv 4,32). Mối hiệp thông ấy cũng hướng tới việc kết hiệp trong cầu nguyện (x. Cv 2,42), do cùng một Thần Khí gợi hứng nơi mọi người (x. Rm 8,15-16.26), đó chính là Thánh Thần làm cho toàn thể Giáo hội được sung mãn và hiệp nhất". Qua các yếu tố vô hình, mối hiệp thông này chẳng những hiện hữu giữa các phần tử của Giáo hội lữ hành trên trần gian, mà còn hiện hữu giữa các phần tử này với mọi người, nhờ đã lìa đời trong ân nghĩa của Chúa, nên hiện đang là thành viên của Giáo hội Thiên quốc, hoặc sẽ được hoà nhập vào đó một khi đã được hoàn toàn thanh luyện.]

 

II. Loan báo Tin Mừng

Ơn gọi và sứ mạng chính yếu của người giáo dân, cũng như của mọi thành phần khác trong Giáo hội, do phép thánh tẩy trao ban, là loan báo Tin Mừng. Những công việc tông đồ họ có thể đảm nhận là dẫn đưa về với Giáo hội những con người có lẽ rất xa cách với GH, nhiệt thành cộng tác vào việc phổ biến Lời Chúa, cách riêng bằng việc dạy giáo lý.

Nhờ ân sủng và do lệnh truyền của Ðức Kitô, sứ mạng của Giáo hội được tập trung và trải ra trong việc truyền bá Tin Mừng. Nhờ việc Phúc âm hóa, Giáo hội được xây dựng và hình thành như một cộng đồng đức tin : một đức tin được tuyên xưng qua việc gắn bó với Lời Chúa, được cử hành trong các bí tích, và được sống trong đức mến là linh hồn của đời sống luân lý kitô giáo. Lệnh truyền của Ðức Kitô ngày nay cấp thiết hơn bao giờ hết và tuyệt đối đòi hỏi một sự vâng phục mau mắn và quảng đại. Lệnh truyền đó được gửi đến đích thân từng người, không ai được phép tránh né.

1. Ðã đến lúc tiến hành một cuộc Phúc âm hóa mới

Thuật ngữ "Phúc âm hóa mới" đã được ÐTC sử dụng lần đầu tiên tại Ba Lan, năm 1979, nhưng chính tại Haiti năm 1983 ( và nhất là tại Santo Domingo năm 1992 ) mà ngài đã trình bày những yếu tố của chương trình truyền giáo này, có thể áp dụng cho toàn thể Giáo hội "trước thềm thiên niên kỷ thứ ba". Công cuộc phúc âm hóa này được gọi là mới, không phải do nội dung (như thể một thứ Tin Mừng mới), nhưng do nhiệt tình, các phương phápcách diễn đạt.

Công cuộc tái truyền giáo này cần thiết vì ngày nay :

- Tại một số nước kitô giáo kỳ cựu, sự dửng dưng về tôn giáo, tiến trình tục hóa và chủ nghĩa vô thần không ngừng bành trướng.

- Sự thịnh vượng về mặt kinh tế và chạy đua tiêu thụ gợi hứng và tiếp sức cho một cuộc sống "như thể không có Thiên Chúa".

Do đó, nảy sinh những vấn nạn và những bí ẩn ghê sợ không có giải đáp, đưa đẩy con người đến chỗ tuyệt vọng hay cám dỗ muốn huỷ hoại chính mạng sống của mình.

- Tại một số nước khác, tuy còn duy trì nhiều truyền thống sống động và tâm tình kitô giáo, nhưng di sản tinh thần và tâm linh này cũng có nguy cơ tiêu tan do sức ép của nhiều ảnh hưởng, nhất là hiện tượng tục hóa và sự lan tràn của các giáo phái.

Việc cấp bách là phải tổ chức lại cơ cấu kitô giáo của xã hội con người và trước hết, cơ cấu kitô giáo của chính các cộng đồng giáo hội tại các nơi đó.

Người giáo dân ngày nay được mời gọi dấn thân thực thi nhiệm vụ này của Giáo hội, với điều kiện họ phải biết khắc phục nơi bản thân sự phân rẽ giữa Tin Mừng và đời sống, bằng cách tạo lập trong hoạt động hằng ngày, trong gia đình, nơi làm việc, trong xã hội, sự thống nhất của một đời sống tìm được trong Tin Mừng cảm hứng và sức mạnh để thể hiện cách sung mãn.

ÐTC tha thiết mời gọi mọi người hãy "mở rộng cửa cho Ðức Kitô" vì duy mình Người mới có những lời ban sự sống đời đời.

Công cuộc Phúc âm hóa mới này cũng hướng đến những tập thể dân chúng, sống trong những hoàn cảnh, môi trường và những nền văn hóa khác nhau và có mục tiêu hình thành những cộng đồng hiệp thông giáo hội trưởng thành, nghĩa là nơi đó đức tin phát triển và thực hiện hết ý nghĩa nguyên thuỷ của nó là gắn bó vơí bản thân Ðức Kitô và Tin Mừng của Người, gặp gỡ và hiệp thông với Người qua các bí tích, sống trong tình bác ái và phục vụ.

Người giáo dân phải đóng vai trò của mình trong việc hình thành những cộng đồng giáo hội này, không những bằng việc tích cực tham gia một cách có trách nhiệm vào sinh hoạt cộng đồng, mà còn bằng nhiệt tình hoạt động truyền giáo hướng đến tất cả những ai chưa có đức tin hay không còn sống theo đức tin đã lãnh nhận khi chịu phép thánh tẩy.

Ðối với các thế hệ trẻ, người giáo dân hơn, bao giờ hết, phải cống hiến phần đóng góp quí báu của mình bằng một nỗ lực có hệ thống để huấn giáo. Chúng ta cần xác tín rằng hết mọi người đã được rửa tội có quyền được dạy dỗ, giáo dục, đồng hành trong đức tin và trong đời sống đạo.

2. Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ (Mc 16,15)

Công cuộc Phúc âm hóa mới là sứ vụ trường tồn của Giáo hội, nghĩa là đem Tin Mừng đến cho vô số những người chưa nhận biết Ðức Kitô Ðấng cứu chuộc con người. Ðó là nhiệm vụ truyền giáo đặc thù nhất mà Chúa Giêsu đã và còn uỷ thác cho Giáo hội.

Vấn đề truyền giáo đối với Giáo hội ngày nay mang một chiều kích rộng lớn và cấp bách đến độ chỉ có sự hiệp lực của mọi thành phần trong Giáo hội mới hy vọng đem lại hiệu quả khả quan hơn. Giáo hội phải bước vào một giai đoạn lịch sử mới của năng động truyền giáo. Các cộng đồng giáo hội phải kết hợp với nhau, trao đổi cho nhau những năng lực và phương tiện, cùng nhau dấn thân trong sứ vụ duy nhất chung cho mọi tín hữu là loan báo và sống Tin Mừng.

Trong các Giáo hội trẻ, cần đào tạo không những một hàng giáo sĩ địa phương mà cả một đội ngũ giáo dân trưởng thành và có trách nhiệm, như là yếu tố chủ chốt để thiết lập Giáo hội. Như thế,
các cộng đồng đã được phúc âm hóa đến lượt mình cũng dấn thân vào những môi trường hay xứ sở mới để đáp lại sứ mạng loan báo Tin Mừng Ðức Kitô và làm chứng cho Tin Mừng này.

Người giáo dân, bằng gương sáng đời sống và hành động của mình, có thể cải thiện những mối tương quan giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau. Cuộc đối thoại giữa các tôn giáo có một tầm quan trọng hàng đầu vì nó đưa đến sự hiểu biết, quí mến và kính trọng lẫn nhau, xóa bỏ hay ít là giảm thiểu nhiều thành kiến, cổ võ sự hiệp nhất và tình hữu nghị giữa các dân tộc (xem TH Giáo hội tại Á châu, các số 29-31) .

Mọi người đều có trách nhiệm cổ võ và phát huy những ơn gọi truyền giáo đặc thù, trong bậc linh mục, tu sĩ hay giáo dân, tuy không được quên phương thế tối hảo là việc cầu nguyện như lời Chúa dạy.

3. Sống Tin Mừng qua việc phục vụ con người và xã hội

Khi loan báo Tin Mừng, Giáo hội trở nên người đầy tớ của nhân loại. Trong lòng Giáo hội, người giáo dân tham dự vào sứ vụ phục vụ con người và xã hội. Giáo hội luôn đồng hành với con người và sống liên đới mật thiết với lịch sử con người. "Con người là con đường cơ bản và đầu tiên của Giáo hội, con đường chính Ðức Kitô đã đi qua và vạch ra, ngang qua mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc". Giáo hội có thể đóng góp nhiều vào việc nhân bản hóa gia đình nhân loại. Trong nhiệm vụ này, người giáo dân có một vai trò đặc biệt do "đặc tính trần thế của họ, thúc đẩy họ đem đạo vào đời".

4. Cổ võ phẩm giá con người

Ðó là nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm của việc phục vụ của Giáo hội, và của giáo dân trong Giáo hội, đối với gia đình nhân loại. Phẩm giá đó là giá trị cao quí nhất của con người, nhất là khi ta xét đến nguồn gốc và định mệnh của con người : được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Ðức Kitô , con người được kêu gọi làm "con trong Người Con", đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần, và được dành cho sự sống đời đời hiệp thông hồng phúc với Thiên Chúa. Vì thế, phạm đến phẩm giá con người là xúc phạm đến Ðấng tạo dựng con người.

Phẩm giá con người là nền tảng cho sự bình đẳng của hết mọi người. Do đó phải loại trừ mọi hình thức kỳ thị. Phẩm giá con người cũng là nền tảng cho sự tham gia và tình liên đới của mọi người với nhau (đối thoại và hiệp thông). Chống lại mọi mưu toan đè bẹp hay tiêu diệt con người, biến con người trở thành vô danh trong tập thể, cơ chế, cơ cấu hay hệ thống.

5. Tôn trọng quyền sống, bất khả xâm phạm

Nhìn nhận phẩm giá con người đòi hỏi phải tôn trọng, bênh vực và thăng tiến các quyền con người là những quyền tự nhiên, phổ quát và bất khả xâm phạm. Quyền cơ bản và trên hết là quyền sống, vì là căn nguyên và điều kiện của mọi quyền khác. Người giáo dân có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo vệ quyền sống của con người, cách riêng là những người dấn thân trong các lãnh vực giáo dục, y tế và nắm quyền lực kinh tế và chính trị.

Những tiến bộ vượt bực trong các lãnh vực sinh học và y học đặt ra những vấn đề mới cho luân lý sinh học (thụ thai trong ống nghiệm, nhân bản vô tính, tế bào mầm (stem cell), thay đổi gen ..) (Xem "Giáo hội và sự sống" 1997).

6. Tự do kêu cầu Danh Chúa

Tôn trọng phẩm giá con người đòi hỏi phải nhìn nhận chiều kích tôn giáo của con người. Ðòi hỏi này có căn nguyên không thể huỷ diệt trong chính thực tại của con người. Tương quan với Thiên Chúa là một yếu tố cấu thành chính hữu thể và hiện hữu của con người. Vì thế con người phải có quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo.

Thượng hội đồng nhớ đến rất nhiều giáo dân chưa được hưởng quyền đó và phải đương đầu với biết bao khó khăn, gạt ra bên lề xã hội, đau khổ, bách hại và đôi khi cả cái chết vì tuyên xưng đức tin của mình. Tuy nhiên, việc loan báo Tin Mừng và chứng tá của một đời sống kitô giáo trong đau khổ làm thành việc tông đồ cao cả nhất và một nguồn mạch phong phú lạ thường để xây dựng Giáo hội.

Việc tôn trọng phẩm giá con người và nhìn nhận các quyền con người liên hệ đến trách nhiệm của mỗi người, nhưng vấn đề này mang một chiều kích toàn cầu.Tông huấn Quan tâm đến vấn đề xã hội (Sollicitudo Rei Socialis) tố giác những hình thức bất bình đẳng trong sự phát triển, trên bình diện quốc tế, giữa các vùng thế giới khác nhau.

Trách nhiệm phục vụ con người có liên hệ chặt chẽ với trách nhiệm phục vụ xã hội : người giáo dân được kêu mời chu toàn sứ mạng đem đạo vào đời, nghĩa là lấy tinh thần kitô giáo làm sinh động các thực tại trần thế, theo những thể thức riêng biệt của mình.

7. Gia đình, môi trường đầu tiên trong việc dấn thân xã hội

Con người, tự bản tính, có một chiều kích xã hội và được kêu gọi sống hiệp thông với tha nhân và hiến thân cho tha nhân. Con người và xã hội phụ thuộc lẫn nhau : mọi việc giúp ích cho con người đều là phục vụ xã hội và tất cả những gì làm cho xã hội cũng giúp ích con người. Vì thế việc người giáo dân dấn thân làm việc tông đồ trong lãnh vực trần thế luôn luôn mang ý nghĩa phục vụ cá nhân và phục vụ hết mọi người.

Chiều kích xã hội của con người được diễn đạt trước hết và cơ bản qua đời sống vợ chồng và gia đình. Ðó là "không gian" đầu tiên để giáo dân dấn thân hoạt động xã hội với niềm xác tín về giá trị độc nhất và không thể thay thế của gia đình để phát triển xã hội và chính Giáo hội. Gia đình là tế bào nền tảng của xã hội trong đó con người sinh ra và lớn lên trong tình yêu. Trong một nền văn hóa và kinh tế chống lại sự sống, sự ổn định và phát triển của gia đình, cộng với não trạng ích kỷ tìm kiếm lạc thú và chạy đua tiêu thụ, cần phát động một chiến dịch đại qui mô để bảo đảm cho gia đình chỗ đứng của nó như là nơi đầu tiên "nhân bản hóa" con người và xã hội.

Những gì Tông huấn về Gia đình (Familiaris Consortio) đã nói về việc gia đình tham gia vào sự phát triển của xã hội (42-48) và Tòa Thánh đã xác định trong "Hiến chương về các Quyền của Gia đình" làm thành một chương trình hành động khẩn trương, đầy đủ và có hệ thống cho mọi giáo dân quan tâm đến việc thăng tiến các giá trị và đòi hỏi của gia đình. Giáo hội xác tín sâu xa rằng sự dấn thân làm việc tông đồ phục vụ gia đình có một giá trị xã hội vô song, bởi lẽ "tương lai của xã hội đi ngang qua gia đình"


[Ngày gia đình tại Ý

Hơn 40,000 người Ý đã tham gia ngày gia đình tại quảng trường Thánh Phêrô tối hôm thứ bảy 20/10/2001.

Biến cố này đã được đài truyền hình quốc gia Ý truyền đi cả nước. Ngày gia đình tại Ý là sáng kiến do Hội Ðồng Giám Mục nước này tổ chức tại tất cả các giáo phận trong hai ngày 20 và 21/10/2001.

Trong buổi lễ tại quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha nhận định rằng các gia đình cần phải được luật pháp bảo vệ và vai trò độc đáo, và là trung tâm của xã hội cần phải được đề cao. Khi gia đình xây dựng trên cơ sở hôn nhân một vợ một chồng bị đặt ngang hàng như các hình thức sống chung khác chẳng hạn như đồng tính luyến ái thì "cấu trúc xã hội tự nó cũng như căn bản luật pháp đã bị đe dọa.]


8. Ðức Ái, linh hồn và sự nâng đỡ của tình liên đới

Việc phục vụ xã hội được diễn đạt và thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Toàn thể Giáo hội được trực tiếp kêu gọi phục vụ đức ái. Ðức ái đối với người lân cận, dưới những hình thức của các công việc từ thiện thể xac hay tinh thần, là nội dung cấp thời, thông thường và thường xuyên nhất của hoạt động đem đạo vào đời, làm nên sự dấn thân chuyên biệt của người giáo dân.

Khi thi hành đức bác ái đối với tha nhân, người giáo dân biểu lộ sự tham gia một cách đơn giản nhất nhưng cũng cao cả nhất, vào vương quyền của Ðức Giêsu Kitô, nghĩa là quyền năng của Con Người, Ðấng "đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ". Ðức bác ái làm sinh động và nâng đỡ một tình liên đới tích cực, chú tâm đến mọi nhu cầu của con người, có khả năng xây dựng Giáo hội và đem lại thiện ích cho nhân loại. Ðức ái này ngày nay càng cần thiết hơn bao giờ hết, vì các cơ chế xã hội phức tạp trong tổ chức, cuối cùng trở nên vô hiệu bởi óc làm việc "công chức" phi nhân cách (= không quan tâm đến từng người), chế độ bàn giấy quan liêu thái quá, ai nấy chỉ lo tìm tư lợi, thờ ơ với việc chung.

Giáo hội cổ võ những hình thức phục vụ thiện nguyện mà phải được xem như một cách diễn đạt quan trọng của việc tông đồ giáo dân.

9. Những người tham gia vào đời sống chính trị và được hưởng lợi ích của đời sống đó

Bác ái không thể tách rời khỏi công bình : cả hai đòi hỏi phải nhìn nhận tất cả các quyền con người cách thiết thực. Ðể đem đạo vào đời, người giáo dân tuyệt đối không được từ chối tham gia vào sinh hoạt chính trị, nghĩa là hành động đa dạng trong lãnh vực kinh tế, xã hội, luật pháp, hành chánh, văn hóa, có mục đích cổ võ công ích qua các cơ chế. "Công ích bao gồm toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội, nhờ đó, cá nhân, gia đình và đoàn thể có cơ may triển nở trọn vẹn và dễ dàng hơn" (GS 74).

Một nền chính trị vì con người và vì xã hội phải có định hướng bền vững là bảo vệ và cổ võ công lý, hiểu như một đức tính hay một "sức mạnh tinh thần" nâng đỡ những ai nỗ lực hỗ trợ các quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người và mỗi người, đặt nền tảng trên phẩm giá của con người.

Việc hành xử quyền bính chính trị phải đặt nền trên tinh thần phục vụ, kết hợp với khả năng chuyên môn và hiệu năng cần thiết, chống lại những cám dỗ như sử dụng những thủ đoạn bất lương, dối trá, biển thủ công quĩ, sử dụng những phương sách mờ ám và bất chính để chiếm đoạt, duy trì và nới rộng quyền hành bằng mọi giá.

Người giáo dân dấn thân vào chính trị phải tôn trọng sự độc lập chính đáng của các thực tại trần thế đối với quyền bính trong Giáo hội, theo như công đồng Vatican II đã xác định (GS 76). Giáo hội không liên kết với một thể chế chính trị nào. Ðồng thời, giáo dân có nghĩa vụ làm chứng cho những giá trị nhân bản và Tin Mừng gắn liền với hoạt động chính trị, như tự do và công lý, tình liên đới, tận tụy trung thành và vô vị lợi đối với lợi ích của mọi người, nếp sống giản dị, lòng ưu ái đối với người nghèo và những kẻ bé mọn. Ðiều này đòi hỏi người giáo dân luôn tìm được hứng khởi tâm linh dồi dào hơn nhờ tham gia vào đời sống của Giáo hội và được học thuyết xã hội của Giáo hội soi sáng. Các cộng đoàn kitô giáo và các chủ chăn cần quan tâm giúp đỡ họ về mặt này.

Tình liên đới là phương thức để thực hiện một nền chính trị nhắm tới một sự phát triển đích thực của con người : nó đòi hỏi sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của mọi người vào sinh hoạt chính trị, của từng công dân và các đoàn thể khác nhau : tất cả mọi người vừa được hưởng vừa chủ động tham gia vào sinh hoạt chính trị.

Sự liên đới chính trị ngày nay còn phải vượt ranh giới quốc gia hay khối quốc gia và mở rộng đến toàn lục địa, thậm chí toàn thế giới.

Hoa trái của hoạt động chính trị liên đới mà mọi người hằng mong ước nhưng vẫn còn xa vời, đó là hòa bình. Người giáo dân không thể thờ ơ trước tất cả những gì phủ nhận hay gây phương hại đến hòa bình : như bạo lực và chiến tranh, tra tấn và khủng bố, trại tập trun, quân sự hóa chính trị, chạy đua vũ trang, hiểm họa hạt nhân. Trái lại, là môn đệ Ðức Kitô ,"Hoàng tử bình an", người giáo dân phải xây dựng hòa bình.

Hợp tác với hết mọi người thực sự tìm kiếm hòa bình và sử dụng những tổ chức chuyên biệt và các cơ chế quốc gia hay quốc tế, người giáo dân phải cổ võ một công cuộc giáo dục sâu xa nhằm chế ngự nền văn hóa thống trị, văn hóa ích kỷ, hận thù , trả thù và thù nghịch và phát triển nền văn hóa liên đới ở mọi cấp. Sự liên đới này "là con đường đưa tới hoà bình và phát triển" (Sollicitudo Rei Socialis 39).

10. Ðặt con người ở trung tâm đời sống kinh tế -xã hội

Ðiểm hành động chủ yếu của người giáo dân phục vụ xã hội ở tại vấn đề kinh tế-xã hội, mà chìa khóa giải quyết là việc tổ chức lao động.

Trong số những điểm chính của học thuyết xã hội của Giáo hội có nguyên tắc của cải là cho mọi người được hưởng dùng, để phát triển một đời sống thực sự nhân bản. Quyền tư hữu nhằm phục vụ mục đích đó nên tự bản chất quyền tư hữu cũng có một chức năng xã hội. Một cách cụ thể, lao động của con người là phương tiện thông thường và trực tiếp nhất để phát triển đời sống kinh tế ; phương tiện này vừa là một quyền lợi vừa là nghĩa vụ đối với mỗi người.

Trong bối cảnh những biến chuyển đang làm đảo lộn lãnh vực lao động và kinh tế, người giáo dân phải ra sức giải quyết các vấn đề thất nghiệp, ngày càng gia tăng, chống lại nhiều tình trạng bất công do việc tổ chức tồi về lao động gây ra, phấn đấu để những người lao động được kính trọng trong tính đặc thù của họ và có quyền tham gia, phát triển tình liên đới giữa những người làm việc chung với nhau, tạo nên những hình thức doanh nghiệp mới và xét lại những hệ thống mậu dịch, tài chánh và trao đổi công nghệ. Ðể đạt mục đích này, người giáo dân phải chu toàn nhiệm vụ với khả năng nghề nghiệp chuyên môn, với tính liêm khiết của con người, với tinh thần kitô giáo, như phương thế thánh hóa bản thân.

Liên hệ với đời sống kinh tế-xã hội và lao động, ngày nay nảy sinh thêm vấn đề "môi trường" ngày càng nghiêm trọng. Con người nhận được từ Thiên Chúa nhiệm vụ "thống trị" các loài thọ tạo và "chăm sóc thửa vườn" thế giới, nhưng phải chu toàn nhiệm vụ với lòng tôn trọng hình ảnh Thiên Chúa nơi mình, và do đó, với trí tuệ và tình yêu. Con người nhận được một ân huệ và phải chuyển giao lại ân huệ đó, tốt đẹp hơn, nếu có thể được, cho các thế hệ tương lai, vì các thế hệ này cũng được hưởng ân huệ của Chúa. Vì thế con người không có toàn quyền tự do "sử dụng và lạm dụng", định đoạt mọi sự theo ý mình.

11. Phúc âm hóa văn hóa và các nền văn hóa của con người

Việc phục vụ con người và xã hội được diễn tả và thực hiện qua việc sáng tạo và truyền đạt văn hóa; điều này, ngày nay, là một trong những nhiệm vụ nghiêm trọng nhất trong việc chung sống của con người và sự tiến hóa của xã hội. Theo ánh sáng của Công Ðồng, chúng ta hiểu "văn hóa" là "tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác ; cố gắng chế ngự vũ trụ bằng tri thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống dân sự nhân bản hơn, nhờ sự tiến bộ trong phong hóa và các định chế ; diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và thấm chí cho toàn thể nhân loại tiến bộ hơn" (GS 53).

Theo nghĩa đó, văn hóa là là tài sản chung của mỗi dân tộc. Ðức tin kitô giáo phải đi vào văn hóa (hội nhập văn hóa) và nhờ văn hóa mới mang tính lịch sử và sáng tạo lịch sử.

Ngày nay, đứng trước một nền văn hóa xa rời không những với đức tin kitô giáo mà cả với những giá trị nhân bản, thì, về phương diện mục vụ, phải khẩn thiết dành cho văn hóa một mối quan tâm rất đặc biệt. Vì thế Giáo hội yêu cầu người giáo dân có mặt trong những môi trường ưu tiên của văn hóa, như học đường và đại học, những trung tâm nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, các môi trường sáng tạo nghệ thuật và suy tư nhân bản, với mục đích không chỉ nhìn nhận hay thanh luyện những yếu tố của nền văn hóa hiện hành, mà còn làm gia tăng giá trị của chúng, nhờ sự phong phú độc đáo của Tin Mừng và đức tin kitô giáo.

Về vấn đề phúc âm hóa các nền văn hóa, Ðức Phaolô VI đã có những lời diễn tả rất sâu sắc và đầy ý nghĩa trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi 1975) : "Giáo hội phúc âm hóa khi, duy nhờ quyền năng thần linh của sứ điệp Giáo hội công bố, Giáo hội tìm cách hoán cải lương tâm cá nhân và tập thể của con người, hoạt động, đời sống và môi trường cụ thể của họ. (.) Ðối với Giáo hội, vấn đề không chỉ là rao giảng Tin Mừng cho những vùng địa lý ngày càng mở rộng hay cho những đám dân ngày càng đông đảo, nhưng còn ảnh hưởng đến và như thể đảo lộn, nhờ sức mạnh của Tin Mừng, những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị quyết định, những bận tâm chủ yếu,, những đường hướng tư tưởng, những nguồn cảm hứng, những kiểu sống của nhân loại, khi chúng trái ngược với Lời Chúa và ý định cứu độ.(.) Sự phân ly giữa Tin Mừng và văn hoá là thảm kịch của thời đại chúng ta. Vì thế phải hết sức nỗ lực để phúc âm hóa văn hóa, hay nói đúng hơn các nền văn hóa.

Con đường thuận lợi nhất hiện nay cho việc sáng tạo và truyền đạt văn hóa là các phương tiện truyền thông xã hội. Ðó là một biên cương mới cho sứ vụ của Giáo hội. Trách nhiệm chuyên nghiệp của người giáo dân trong lãnh vực này cần phải được nhìn nhận, nâng đỡ bằng những nguồn lực vật chất, tinh thần và mục vụ thích hợp, cho dù họ hành động với tư cá nhân hay ngang qua những sáng kiến và cơ chế cộng đồng.

Sau hết, về việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, cần phải giáo dục óc phê bình, được thúc đẩy bởi niềm đam mê sự thật, và một hành động nhằm bảo vệ tự do và sự tôn trọng phẩm giá con người, cổ võ nền văn hóa đích thật của các dân tộc, cương quyết và can đảm chống lại mọi hình thức độc quyền và thao túng. Ngoài ra, người giáo dân còn có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cứu rỗi trên mọi nẻo đường của thế giới, qua báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, kịch nghệ .

Lm. Giêradô Trần Công Dụ


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà