VII. TRUYỀN GIÁO Ở
ĐÀLẠT
“Đẹp thay bước chân
người loan báo Tin Mừng”
Lm. Giuse Võ Đức
Minh
I.
NHỮNG BƯỚC CHÂN TRUYỀN GIÁO ĐẾN ĐÀLẠT.
A. ĐỨC CHA LUCIEN MOSSARD
Theo lệnh truyền của Chúa : “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng
cho mọi loài thụ tạo” (Mc.16.15) ; “Hãy đi thâu nạp môn đệ khắp muôn dân, thanh
tẩy chúng nhân danh Cha và Con và Thánh thần” (Mt. 28,19-20) ; vậy điều đầu
tiên khi nói tới việc truyền giáo ở Đàlạt, một vùng đất cao nguyên ở độ cao
1500 mét, đã từng được người xưa dùng mộât danh xưng thật tuyệt vời : “DALAT =
Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem ; nơi đem đến cho người này niềm vui, đem
lại cho người kia khí hậu tốt lành” ; chúng ta hãy nhìn vào Sổ Rửa tội và Sổ
Hôn phối của giáo xứ Đàlạt, được lưu giữ toàn vẹn từ Quyển thứ I năm
1919 cho đến ngày nay. Trong Sổ Rửa tội, tại quyển thứ nhất, số 1, còn ghi lại
nét chữ của người đã cử hành bí tích Rửa Tội đầu tiên ở Đàlạt là Đức Cha Lucien
Mossard, Đại diện tông toà ở Saigon ; ngài đã cử hành vào ngày … tháng Giêng
năm 1919 ; Ngài ban Bí tích Rửa tội, trong trường hợp nguy tử, cho một em bé người Việt mà Ngài đặt tên là
Petrus, do người bố là lương dân và người mẹ là Lucia Lãng, Công giáo. Cũng ở
quyển thứ nhất, số 2 trong sổ Rửa tội, ngày 12-06-1919, có nghĩa là 5 tháng
sau, cũng lại Đức Cha Mossard cử hành bí tích rửa tội cho một người Việt tên là
Martinus ; người này là một tân tòng, sinh năm 1881, lúc bấy giờ đã 38 tuổi,
cha mẹ là lương dân. Rồi ở số thứ 3, Đức Cha Mossard đã cử hành Bí tích Rửa tội vào ngày 13.6.1919 cho
một em bé bị bỏ rơi, Ngài đặt tên là Paulus, do cha mẹ bên lương ; Tại số thứ 4
và số thứ 5, ngày 25.6.1919, người ban bí tích Rửa tội cũng là Đức Cha Mossard
; điều đặc biệt là người Rửa tội cho hai em bé người Pháp, con của gia đình ông
bà Leroy d’Estiolles, đặt tên chị là
Renée và em là René ; tại trang giấy ghi hai nố rửa tội nầy, có chữ ký của trên
10 người tham dự nghi lễ hôm đó ; như vậy có nghĩa là đã bắt đầu thấy thêm cư
dân có đạo ở vùng đất cao nguyên lúc bấy giờ. Và một điều khá lý thú là trong
Sổ Rửa tội ở số 12, ngày 28.05.1920, người ban bí tích Rửa tội là Linh mục
Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, (sau này là Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, vị Giám mục
người Việt Nam đầu tiên). Như vậy, trong sổ rửa tội, những nố trước khi hình thành
họ đạo Đàlạt, hầu hết đều do Đức Cha Mossard thực hiện. Ngoài ra, nhìn vào
quyển thứ I sổ Hôn Phối của giáo xứ Đàlạt, chúng ta thấy từ năm 1919, vào ngày
13.6, lễ hôn phối giữa ông Martinus Trí và Anna Kéc do Cha Demareq cử hành ;
trong lễ có hai người làm chứng : người chứng thứ nhất Lucien Mossard, Giám mục
; người chứng thứ hai : Joseph Thuận ; có nghĩa là lúc đó tìm không ra người
chứng ! Cũng trong Sổ hôn phối, quyển I, số thứ 2, ngày 29.12.1919, giữa
Phanxicô Xaviê Kỷ và Maria Lý, người cử hành bí tích là cha Isidore Dumortier
(sau này là Đức Cha Dumortier). Số thứ 3, năm 1920, ngày 17 tháng 12, người cử
hành lễ hôn phối là Cha Frédéric Sidot,
cha sở đầu tiên của Đàlạt.
B. CHA LÉON ROBERT, MEP. TRONG ĐOÀN THÁM CỦA
BÁC SĨ ALEXANDRE YERSIN NĂM 1893.
Năm nay, Đàlạt mừng kỷ niệm 110 năm Bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra
Đàlạt. Trong tập hồi ký “Bảy tháng nơi xứ Thượng”, Bác sĩ Yersin cho biết, ngay
từ năm 1891, ông đã dùng ngựa đi tới Phan Rang, tìm gặp một vị linh mục người
Pháp là Gonzague Villaume, người đã từng lánh nạn ở vùng núi phía tây Phan Rang
trong thời gian có cuộc tàn sát đạo Công giáo do một nhóm người quá khích, mục
đích để hỏi đường chuẩn bị cuộc thám hiểm vùng Cao nguyên. Cuộc thám hiểm năm
1891 bất thành, nhưng lại càng kích thích óc phiêu lưu mạo hiểm của Yersin ;
nên vào năm 1893, ông quyết định làm một cuộc thám hiểm lên vùng núi Langbiang.
Vào lúc 15 giờ 30, ngày 21 tháng 6 năm 1893, Yersin cùng những người bạn đồng
hành đặt chân đến cao nguyên Langbiang. Ấn tượng đầu tiên để lại trong ký ức
của ông là “một cao nguyên lớn, nhấp nhô những ngọn đồi”. Trong tập Hồi ký,
chính Yersin mô tả cao nguyên Langbiang như sau : “Vùng đất này cư dân thưa
thớt ; một vài làng của người Lat … tập trung ở chân núi. Nơi đó, họ làm những
ruộng lúa nước rất đẹp ...”. Như vậy, theo những tài liệu lịch sử hiện có,
Yersin là người có công thám hiểm Cao nguyên Langbiang và giới thiệu công khai
vùng đất đã có cư dân bản địa là người Lat (ĐALAT = Đa : nước, sông ; Lat :
người Dân tộc Lat). Họ sinh sống ở quanh chân núi Langbiang. (Ngày nay, dưới
chân núi Langbiang, có Xã Lat, nơi có Nhà thờ Giáo xứ Langbiang gồm đa số giáo
dân là người Dân tộc Lat). Sau đó, chính Yersin cũng đã tích cực đề nghị với vị
toàn quyền lúc bấy giờ là Paul Doumer chọn nơi này làm địa điểm xây dựng nơi
nghỉ dưỡng (sanatorium) do khí hậu thoáng mát, lại ở độ cao lý tưởng 1500 mét.
Đầu năm 1894, Yersin trở lại Cao nguyên Langbiang một lần nữa. Lần này, sau khi
vượt qua một ngọn đèo cao, Yersin đến Diom, một làng ở cao nguyên Dran. Từ
Diom, ông theo đường mòn Prenn, đi tới Dankia. Rồi, từ Dankia, ông làm cuộc
thám hiểm băng qua Daklak, Kontum, tới tận Hạ Lào và kết thúc tại Tourane (Đà
Nẵng). Vào hạ tuần tháng ba năm 1899, chính Yersin đã có dịp đồng hành với Toàn
quyền Paul Doumer lên Cao nguyên Langbiang.
Một điều đáng lưu ý, là trong tập Hồi ký của mình, Yersin có ghi lại
tên một vài người cùng đồng hành trong cuộc thám hiểm lịch sử vào năm 1893 ; nhưng không nhắc tới sự hiện
diện của vị linh mục nào. Tuy nhiên, theo một tài liệu rất quý của Đức Cha Jean
Cassaigne, lúc Ngài đang ở cương vị là Giám Mục, Đại diện Tông tòa ở Saigon,
công bố trong khuôn khổ một bài thuyết trình vào ngày 3 tháng 1 năm 1943, trước
một cử tọa tên tuổi ở Saigon, trong đó có sự hiện diện của vị toàn quyền lúc đó
là Đô đốc J. Decoux. Bài thuyết trình nầy được đăng trong Tạp chí Revue
Indochine, số 131, ngày 4 tháng 3 năm 1943, tựa đề : “Les Mois de la région de
Djiring” (“Người Thượng ở vùng Di Linh”) ; ở trang 11-13 có ghi rằng : “Người
Âu châu đầu tiên đã đi ngang qua cao nguyên Djiring là linh mục Gonzague
Villaume, vị thừa sai ở Phan Rang ; người đã thoát thân vào vùng rừng núi, để
trốn tránh cuộc bách hại đạo tại miền Trung (Annam) vào năm 1885. Đến năm 1890,
Bác sĩ Yersin làm một cuộc thám hiểm ở xứ Thượng ; chính ông đã trở lại vài năm
sau đó, có Cha Léon Robert, hiện nay là Bề trên Hội Thừa Sai Paris, tháp tùng.
(Lúc bấy giờ Cha Robert là vị Quản lý Hội Thừa Sai cho vùng Viễn Đông, cư trú ở Singapore). Hai con người thám hiểm
gan dạ nầy tìm kiếm vùng đất cao nguyên để xây dựng một trạm nghĩ dưỡng ; chính
nhờ các ngài mà chúng ta có Đàlạt ngày nay”.
C. BƯỚC CHÂN CỦA VỊ THỪA SAI-CHỨNG NHÂN ĐỨC
TIN : GONZAGUE VILLAUME (CỐ ĐỀ).
Nhưng dầu sao, con đường của Chúa trong việc loan báo Tin Mừng vẫn có
những điều hết sức là kỳ diệu. Và phải chăng Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị trước
cho công cuộc loan báo Tin mừng tại Cao nguyên Đàlạt - Di Linh này, không phải
bằng máu của các vị Thánh Tử đạo, như nhiều vùng đất khác trên Quê Hương Việt
Nam, nhưng bằng những bước chân của vị
Thừa sai – Chứng nhân đức tin : Gonzague Villaume vào năm 1885 ? Bác sĩ Yersin
trong bài “Cuộc tiếp xúc đầu tiên với các xứ Mọi ở Annam”, đăng trong Tạp chí
Revue Indochine, số 99, ngày 23 tháng 7 năm 1942, ở trang 2-3, viết rằng :
“Giáo sĩ đầu tiên thoáng qua vùng đất này có lẽ là Cha Gonzague Villaume”. Thật
vậy, Cha Villaume, thường gọi là Cố Đề, một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris,
được sai đến Việt Nam lúc còn rất trẻ, mới 24 tuổi. Cha được phái đến Phan Rang
vào năm 1882, để coi sóc một họ đạo tới 2000 giáo dân, sống rải rác trên một
địa bàn rộng lớn, bao gồm cả tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay. Còn vùng
Phan Rí và Phan thiết ở trong tỉnh Bình
Thuận có độ 700 bổn đạo thì do Cha phó của Ngài là Cha An, linh mục bản xứ, coi
sóc. Vào tháng 8 năm 1885, bỗng một tai biến bất ngờ xảy đến cho Giáo xứ của
Ngài một số người quá khích trong nhóm
Văn Thân nổi lên đốt phá các làng Công giáo. Những vật liệu Cha chuẩn bị để xây
cất Nhà thờ Xóm Gò bị đốt hết. Gần hai phần ba số giáo dân của Cha tại các Họ
đạo Xóm Gò, Dinh Thủy, Mai Nương, Rừng Lai, … đều bị họ thiêu sống. Riêng tại
Giáo sở chính của Cha là Láng Mum (nay là Giáo xứ Tân Hội) thì có trên 200 giáo
dân bị giết. Cha Villaume chạy thoát được, cùng với một thầy Phó tế và hai chú
giúp lễ, trốn lên dãy núi về phía Đơn Dương bây giờ ; rồi từ đó, dò dẫm đi qua
vùng Cao nguyên, hướng về phía Di Linh, băng rừng, vượt núi trong suốt thời
gian 24 ngày, rảo qua hơn 500 cây số, về tới Saigon. Đến năm 1887, khi bình yên
trở lại, Cha trở về Giáo xứ cũ giữa những đổ nát, điêu tàn : Láng Mum, Xóm Gò
cháy rụi, không còn gì ! Giáo dân trước biến cố 1885 có trên 2000, nay chỉ còn sót lại khoảng chưa tới 1/5 ! Cha
hy sinh tất cả cho đoàn chiên bé nhỏ, sống sót này cho đến khi qua đời vào năm
1900, khi mới 42 tuổi. Bước chân của vị Thừa sai - Chứng nhân đức tin này đã để lại dấu vết trên vùng cao nguyên
Đàlạt, phải chăng đó là bước chân của người tín hữu Chúa Kitô đầu tiên tại nơi
đây ?
D. NHÌN LẠI DỰ TÍNH TRUYỀN GIÁO CHO ĐỒNG BÀO
SẮC TỘC TÂY NGUYÊN VÀO THẾ KỶ 17.
Rồi nếu trở lại với quá khứ xa
hơn nữa, có lẽ chúng ta cũng sẽ mạnh dạn ghi vào đây sự kiện này, là ngay từ
thế kỷ thứ 17, thời Đức Cha
Pierre Lambert De La Motte Giám mục Đại diện Tông tòa ở Đàng Trong và Giám Quản
Đàng Ngoài, thì trong một bức thư của Cha De Courtaulin, vị Tổng đại diện của
ngài, gửi trình Đức Cha khi đang còn ở Juthia (Thái Lan), do cơn cấm đạo khắc
nghiệt lúc bấy giờ ngăn cản Ngài đến Việt Nam ; trong bức thư đó, Cha Tổng đại
diện đã gợi ra ý hướng truyền giáo cho người sắc tộc ở vùng Tây Nguyên. Cha De
Courtaulin viết rằng : “… Tới nơi, con trú ngụ tại nhà ông Thom-mê Kép, thuộc
tỉnh Quảng Nam. Con đã nhờ những người buôn bán ở đấy hỏi thăm tin tức cho biết
về cư dân ở trên miền núi. Đây là điều con khám phá được, con gửi hầu Đức Cha,
để Đức Cha xem xét có nên sai vài vị thừa sai đến giảng đạo nơi nầy không … Sau
khi đã đi được một ngày đàng từ đây lên miền núi, thì ra khỏi miền đất Nam Bộ
... Không nên tới đây với tư thế thừa sai, vì đã có những Cha Dòng Tên đã đi
tới đấy rồi, mà các ngài đã không được việc chi, nên phải bỏ về. Một điều rõ
ràng là muốn sống tại đấy, thì phải có tinh thần khắc khổ và phó thác cho Chúa
quan phòng ; muốn lên đó phải đi với tư cách là ông thầy lang hay phải biết
nghề thuốc ít nhiều. Con đã nhận thấy rằng một phương cách rất kỳ diệu để được
thổ dân này đón tiếp là biết chữa thuốc cho những người đau ốm của họ ; không
nên đột ngột đi vào sâu quá ; phải nên
dừng chân lại một nơi và tránh xa con đường cái … Không nên nghĩ tới việc thêm
5.000 người trở lại như Thánh Phêrô đã làm trong bài giảng thứ nhất của Ngài
xưa. Phải chờ đợi kết quả của hạt giống mình đã gieo vãi trong hai năm năm mới
được. Điều đó trước mặt Thiên Chúa không có mất công đâu. Con tưởng rằng sai
hai, ba vị thừa sai rải rác trên miền núi này để các ngài có thể ẩn náu khỏi
cảnh bắt bớ của vua chúa Nam Bộ là một điều rất hay ; vì chúng ta lúc nào cũng
sống trong cảnh đe doạ bị trục xuất về bên Thái Lan, như thế sẽ luôn luôn có
những vị thừa sai sẵn sàng giúp đỡ người giáo dân Nam Bộ, khi lệnh trục xuất
ban ra. Một điều khó khăn duy nhất mà con gặp hiện nay là làm sao tìm cho được
vài người Nam Bộ vui lòng đi theo một vị thừa sai. Con hiện nay chỉ có mỗi mình
anh Antôn có thể đảm nhận công tác này ; con không biết có thể trao cho một
người nào hiện đang ở bên Thái Lan chăng !”.
Qua tài liệu hết sức quý này, chúng ta có thể nhận ra ý hướng của các
nhà truyền giáo năm xưa đã muốn lên tận vùng núi, vùng cao nguyên, đến với những
người sắc tộc để loan báo Tin mừng cứu
độ.
II. TỪ DƯỠNG VIỆN - GIÁO SĨ (SANATORIUM -
PRESBYTÈRE) ĐẾN GIÁO XỨ THÁNH NICOLAS ĐÀLẠT (PAROISSE DE DALAT).
A.
ĐỨC CHA VICTOR QUINTON (ĐỨC CHA TÔN) THÀNH LẬP HỌ ĐẠO ĐÀLẠT.
Đức Cha Lucien Mossard, Đại diện Tông tòa ở Saigon đặt chân lên vùng
Cao nguyên Đàlạt vào năm 1918. Nhận thấy nơi đây có điều kiện khí hậu mát mẻ,
ngài đã quyết định làm một dưỡng viện (Sanatorium) cho các giáo sĩ và đã nại
tới tài khéo cũng như lòng quảng đại của Cha Nicolas Couvreur, Quản lý Hội Thừa
sai Paris, cư ngụ tại Singapore. Cha Nicolas Couvreur đã giao phó công việc xây
dưỡng viện – giáo sĩ cho ông De Santi (người mà ngay từ năm 1907 đã mạnh dạn mở
một lữ quán ở Đàlạt, lúc đầu đặt tên là Grand Hôtel de Santi, sau đổi tên là
Hôtel du Lac : một trong những cơ ngơi đầu tiên ở Đàlạt). Dưỡng viện nầy là nơi
đón tiếp các giám mục, linh mục đến nghĩ dưỡng, phục hồi sức khỏe, nhờ độ cao
lý tưởng và khí hậu trong lành, mát mẻ ; chắc chắn vì là dưỡng viện cho các
giáo sĩ, nên bên cạnh ngôi nhà, cha Nicolas đã cho xây một Nhà nguyện đặt tên
là “Châlet de Saint Nicolas” (Ngôi nhà gỗ của Thánh Nicolas). Ngôi Nhà nguyện
này có kích thước dài 12 mét, rộng 7
mét và cao 5 mét. Cửa chính Nhà nguyện được cấu trúc theo hình vòng cung nhọn
(ogival) ; trên vòng cung cửa chính có dòng chữ bằng tiếng Latin chạm trên gỗ :
“HIC DOMUS EST DEI” (Đây là Nhà của Thiên Chúa). Nhận thấy có một số tín hữu
rải rác ở vùng Cao nguyên này tìm đến các Đức Cha và các Cha tại ngôi Nhà
nguyện này, nên Đức Cha Lucien Mossard còn ưu ái ban cho nơi đây một chiếc
chuông nam rất nghệ thuật ; hình như đã được tìm thấy trong một cái giếng ở
vùng Hóc Môn hay Gò Vấp mà giáo dân năm xưa đã cất giấu trong thời bị bách hại
vào thế kỷ thứ 19. Chiếc chuông này gióng lên mỗi ngày Chúa nhật để mời gọi
giáo dân đến Nhà nguyện tham dự thánh lễ.
Vào ngày 11 tháng 2 năm 1920, Đức Cha Lucien Mossard an nghỉ trong Chúa
tại Dijon (Nước Pháp), hưởng thọ 69 tuổi. Đức Cha Victor Quinton lên kế nhiệm.
Khi thấy số giáo dân ở vùng Cao nguyên Langbiang được khoảng 150 người, bao gồm
một số người Âu châu, một số người Việt mà phần lớn là nhân công, lao công
trong các công trình đường sá (lục lộ) cũng như giúp việc trong các gia đình
người Âu, Đức Cha nghĩ rằng sự hiện diện thường xuyên của một linh mục sẽ an ủi
và nâng đỡ đời sống tôn giáo của họ, nên vào khoảng tháng 4 năm 1920 Ngài đã
quyết định thành lập Họ đạo ĐÀLẠT. Ngài bổ nhiệm Linh mục FRÉDÉRIC SIDOT làm
Cha sở đầu tiên của Họ đạo. Cha SIDOT đến nhận Giáo xứ vào ngày 10 tháng 5 năm
1920. Có thể xem ngày này như ngày khai sinh Giáo xứ ĐÀLẠT.
B.
CHA FRÉDÉRIC SIDOT, CHA SỞ ĐẦU
TIÊN GIÁO XỨ ĐÀLẠT.
Cha Sidot, sinh năm 1854 tại Paris, chịu chức linh mục năm 1877, lúc
mới 23 tuổi, được Bề trên ban bài sai đến phục vụ ở Địa phận Tây Đàng Trong
(Saigon) ; ngài lên đường vào ngày 27 tháng 12 năm 1877 đến vùng Viễn Đông. Đến
Saigon vào đầu tháng 2 năm 1878, Ngài được đưa đến Cái Mơn để học tiếng Việt.
Một năm sau, được bổ niệm làm phó xứ Mặc Bắc, rồi mấy tháng sau, làm phó xứ Cái
Bông. Ngài phục vụ tai đây trong thời gian 10 năm ; tháng 8 năm 1889, ngài được
bổ nhiệm làm Cha sở Giáo xứ Biên Hòa ; sau
đó, làm tuyên úy Bệnh viện Quân đội ở
Saigon. Cha Sidot là một trong những người giỏi về vấn đề xây cất ; nên
vào năm 1902, cha sở nhà thờ Đức Bà Saigon là cha Boutier tiến hành việc xây
dựng nhà thờ Chợ Đũi, thì ngài đã mời cha Sidot giám sát việc thi công. Nhà thờ
Chợ Đũi hoàn tất năm 1905, thì cha Sidot lại trở về làm cha xứ Biên Hoà trong
thời gian 15 năm. Đến đầu năm 1920, cha
Sidot kiệt sức, đau yếu, hầu như không thể tiếp tục công việc quản xứ của mình
ở Biên Hoà, Ngài được đi nghỉ một thời gian ở Phan Thiết. Có lẽ để giảm bớt
công việc cho ngài, đồng thời cũng tạo điều kiện cho ngài được có thời gian
hưởng khí hậu mát mẻ ở “Sanatorium – Presbytère”, Đức Cha Quinton nghĩ tới việc
đặt ngài làm cha sở Họ đạo Đàlạt. Đàlạt vào năm 1920 mới ở giai đoạn hình thành
điểm nghỉ dưỡng và mới hình thành bước khởi đầu của một giáo xư ù; số giáo dân
vừa ít ỏi vừa cư ngụ rải rác trên cả vùng Cao nguyên rộng lớn này. Chỉ sau một
năm phục vụ tại Đàlạt, cha Sidot được thuyên chuyển về làm cha sởù Giáo xứ Vũng
Tàu ; và ngài phục vụ tại đây cho đến khi qua đời vào năm 1936, thọ 82 tuổi.
Cha Sidot suốt cuộc đời là một mẫu gương về lòng đạo đức, dầu sức khoẻ không
được khả quan và có khi kiệt sức, nhưng thực sự luôn nêu gương sáng, cách riêng
trong việc cầu nguyện, trung thành với giờ kinh thần vụ và đặc biệt về lòng
kính trọng, vâng phục các đấng bề trên trong Hội thánh một cách khiêm tốn và
bình an. Khởi thuỷ vị mục tử vùng đất Đàlạt là như thế !
C. CHA CÉLESTE NICOLAS, CHA SỞ XÂY DỰNG GIÁO
XỨ, TỪ NĂM 1921 ĐẾN 1946.
Vị linh mục thứ hai được bổ nhiệm làm Cha sở Họ đạo Đàlạt là cha
Céleste Nicolas. Nhận định về Ngài
trong tập “In Memoriam” của MEP tháng 9 năm 1962 đã ghi lại như sau : “Trong ơn
gọi của một số người mà dấu ấn và hoạt động của họ ảnh hưởng đến đời sống của
cả một thời đại, thậm chí ảnh hưởng đến
cả một thành phố, khiến sau này chỉ cần gợi lại tên tuổi của họ, người ta sẽ
nhớ lại thời đại và thành phố đó. Và trong số những nhân vật lịch sử đó, đối
với Đàlạt phải kể đến Cha Céleste Nicolas”. Đương nhiên chúng ta không dùng
luận cứ này để tranh luận hay phổ biến đối với xã hội, nhưng mà nếu nhìn thật
kỹ, ông Yersin có công lớn trong tư cách là người đầu tiên đặt chân lên Cao
nguyên Langbiang, nhưng mà con người mà
từ đó gần như mọi thành phần được qui tụ, hình thành để rồi phát triển,
chính là Cha Céleste Nicolas. Người xây dựng giáo xứ Đàlạt, người phát triển
giáo xứ trong 25 năm và đặc biệt dùng đời sống âm thầm của mình trong những năm
cuối đời để cầu nguyện trong khiêm tốn, trong nhẫn nhục, trong khổ chế củng cố
cho những gì ngài đã xây dựng. Ngài sinh năm 1880 ở Lorraine trong một giáo xứ
nhỏ. Lúc vào tiểu chủng viện là một chủng sinh gương mẫu, nghiêm túc, đạo đức
và một đặc điểm của ngài là kết thân với rất nhiều người bạn chủng sinh, linh
mục ; với các bạn, sống hoà đồng với nhau ;
điều này sẽ góp phần rất lớn khi ngài xây dựng cơ ngơi mà tưởng chừng
như không thể thực hiện được ở vùng cao nguyên ; bởi vì nhờ những người bạn
linh mục, nhiều anh em linh mục rải rác khắp nơi đã góp phần giúp cho công
trình xây dựng Nước Chúa tại Đàlạt này. Chung phòng với ngài lúc còn là chủng
sinh có một người bạn mà sau này chính làø Đức Hồng Y Tisserant. Ngài chịu chức
linh mục năm 1904, rồi được sai đi truyền giáo ở Giáo phận Tây Đàng Trong.
Không đầy 3 tháng sau khi chịu chức, ngài lên đường đến Saigon. Ngài được gửi
đi học tiếng Việt ở Chợ Quán, rồi ở Tha La. Năm 1907, được bổ nhiệm làm phó xứ nhà thờ Đức Bà Saigon ; tại đó ngài gặp cha
phó nhất là cha De Coopman, người bạn chí thân của ngài, người sẽ góp phần với
Đức Cha Dumortier hình thành ra vùng truyền giáo Di Linh sau này và cũng là
người sẽ nâng đỡ và góp phần với cha Nicolas trong việc xây dựng Ngôi Nhà thờ
Đàlạt còn tồn tại đến ngày nay. (Chúng ta vào nhà thờ Chánh Toà bây giờ thấy có
bức kính mầu cha Nicolas và cha De Coopman dâng ngôi nhà thờ lên cho thánh
Nicolas). Năm 1907, ngài mắc bệnh nặng, phải về Pháp điều trị. Trở lại Saigon
năm 1910, ngài tiếp tục phục vụ ở Nhà thờ Đức Bà Saigon. Năm 1915, được bổ
nhiệm làm cha sở Chợ Đũi. Đến năm 1916, lại ngã bệnh, phải trở về Pháp. Chiến
tranh kéo dài khiến ngài mắc kẹt bên Pháp. Mãi đến năm 1920, ngài mới trở lại
Saigon. Thế nhưng, một thời gian ngắn sau đó, ngài lại ngã bệnh nặng hơn. Trong
bối cảnh đó bác sĩ nói rõ ý kiến của mình rằng cha Nicolas không thể thích hợp
với khí hậu nhiệt đới này, phải tìm một nơi khí hậu ôn đới ; như vậy có nghĩa là phải quay trở về Pháp,
chứ không có làm việc được nữa. Do đó Đức cha Quinton nảy ra ý nghĩ gửi ngài
lên Đàlạt nghỉ dưỡng một thời gian. Ngài lên Đàlạt, không phải làm phó xứ, bởi
vì lúc đó đã có cha sở Sidot. Trong ý
hướng của Đức Cha Quinton : may ra cha Céleste Nicolas có thể làm một chút gì
cho người sắc tộc nghèo khổ ở Đàlạt chăng ! Ý tưởng truyền giáo cho người Dân
tộc bắt đầu nhen nhóm cho cha Nicolas và ngài sung sướng vạch ra nhiều dự tính,
thử làm một nhà nguyện nho nhỏ, làm một trường học có vài lớp, … thông báo cho
một số cha mẹ người Dân tộc, qui tụ các em thiếu nhi Dân tộc tới lớp học, …
nhưng chỉ được vài tuần sau đó, trường trống rỗng ; có nghĩa là các em Dân tộc thích về rừng hơn, chúng không thích
nếp sống phải có kỷ cương như thế. Cha Nicolas rất buồn, ngài thấy công cuộc
truyền giáo cho người Dân tộc hình như không nằm trong ơn gọi của mình, mặc dầu
ngài rất yêu mến và hết sức quan tâm. Ngài vẫn thường nói : không phải là tôi
không làm được đâu, chỉ vì chưa đến giờ của Chúa mà thôi. Lúc này Chúa bảo tôi
phải cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Nhìn lại sự kiện này, chúng ta thấy
con đường của Chúa dành để cho cha Nicolas là để làm công việc khác, chứ không
phải làm trực tiếp công việc truyền giáo cho anh chị em Dân tộc.
D. NHÀ THỜ GIÁO XỨ THÁNH NICOLAS NĂM 1924.
Ơn Chúa tác động đặc biệt kể từ khi Đàlạt có vị mục tử chăm sóc đoàn
chiên. Thật vậy, ngoài số người công giáo Việt cũng như Pháp ở một số nơi bắt đầu kéo tới Đàlạt như vùng đất mới để
nghỉ dưỡng và tìm kế sinh nhai ; số người
công nhân, lao công bắt đầu xin học đạo và được gia nhập vào gia đình Họ đạo
(Cf. Căn cứ trên Sổ Rửa tội và Hôn phối trong những năm 1920-1922). Ngôi Nhà
thờ đầu tiên trở nên quá bé nhỏ với số đông tín hữu. Cha sở Céleste Nicolas
trình bày lên Đấng Bản quyền nguyện vọng xây một ngôi Nhà thờ mới, lớn hơn
trong phần đất của Giáo xứ. Ngày 25 tháng 6 năm 1922, Đức Cha Quinton chấp
thuận nguyện vọng chính đáng nầy và ban quyết định cho phép Họ đạo Đàlạt được
xây ngôi Nhà thờ mới. Tổng Công Ty Đàlạt do ông Francis Bréo được giao phó công
trình xây dựng theo dự án của kiến trúc sư Thành phố là Léo Craste. Nhà thờ xây
bằng gạch địa phương : dài 27 mét, rộng 8 mét, tháp chuông đúc bê tông cao 16m.
Ngày 5 tháng 7 năm 1922 khởi công. Non 7 tháng sau, ngày 21 tháng 1 năm 1923,
Nhà thờ cơ bản hoàn tất và được đưa vào sử dụng. Nhưng mãi đến ngày 15 tháng 8
năm 1923, tháp chuông mới hoàn thành, trên đó treo 4 quả chuông do hãng Paccard
(Savoie) chế tạo. Quả chuông lớn nhất đánh dấu ĐÔ, cân nặng 415 kg, đường kính
0m75, cao 1m ; quả thứ hai đánh dấu MI, cân nặng 185 kg ; quả thứ ba đánh dấu
FA, cân nặng 177 kg và quả thứ tư đánh dấu SOL, cân nặng 120 kg. Đến ngày 17
tháng 2 năm 1924, Đức Cha Victor Quinton dâng Thánh lễ khánh thành Ngôi Nhà thờ
mới, mặt tiền hướng về đường Nhà Chung và công bố Thánh Giám Mục NICOLAS là Bổn
mạng Giáo xứ. Về sau, khi có người hỏi Cha sở Đàlạt tại sao lại chọn Thánh
NICOLAS làm Bổn mạng Giáo xứ. Ngài nói : câu trả lời không có gì khó và thật
đơn sơ : Vì để nhớ ơn Thánh NICOLAS, vị Thánh mà vào năm 1918 đã thúc đẩy một
trong những người con cái của Ngài thực hiện một công trình vừa có lợi cho phần
xác (nghỉ dưỡng), vừa có lợi cho phần hồn (phụng tự) ; người con ấy là Cha
NICOLAS COUVREUR, Quản lý Hội Thừa sai Paris tại Viễn Đông, có trụ sở ở
Singapore ; người đã tháp tùng Đức Cha Lucien Mossard trong chuyến kinh lý đến Đàlạt
và đã làm nên Dưỡng viện – Giáo sĩ
(Sanatorium – Presbytère).
E. NHÌN LẠI ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ
PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO XỨ NICOLAS-ĐÀLẠT.
Dựa vào bản tin của Giáo xứ Đàlạt, do chính cha sở Céleste Nicolas ghi lại năm 1930. chúng
ta có thể hiểu như sau : từ năm 1917 -1920, thời gian xây cất dưỡng viện giáo
sĩ, việc phụng tự không thường xuyên, được chính Đức Cha Mossard chủ sự khi
ngài có dịp từ Saigon lên thăm Đàlạt ;
thỉnh thoảng có cha Nicolas Couvreur quản lý Hội Thừa Sai Paris tại Viễn Đông tháp
tùng ngài. Việc phụng tự lúc ấy diễn ra nơi cánh trái của dưỡng viện. Đến năm
1920, Đức Cha Victor Quinton thiết lập Họ đạo Đàlạt, đặt Cha Frédéric Sidot làm
Cha sở tiên khởi của Họ đạo. Khi cha Sidot rời Đàlạt theo quyết định của cha
Quinton về làm cha sởù Vũng Tàu, thì cha Céleste Nicolas đang nghĩ dưỡng bệnh
tại đây, được đặt làm cha sở thay thế cha Sidot. Và chẳng bao lâu số dân ít ỏi
ban đầu tăng dần, ngôi nhà nguyện trở nên chật hẹp trong những ngày Chúa nhật.
Do đó, Đức Cha Quinton quyết định cho xây một ngôi nhà thờ mới, ngôi nhà thờ
này có chiều dài 27m, chiều ngang 8m, tháp chuông Bê tông cốt thép cao 16m.
Ngôi nhà này được Đức Cha Quinton làm phép khánh thành, có sự tham dự
của Đức cha Bouchut, Giám mục đại diện Tông tòa ở Nam Vang và cha De
Coopman, quản lý Toà Giám Mục. Ngài đã chủ sự long trọng lễ khánh thành ngôi
nhà thờ mới, đặt dưới sự bảo trợ của thánh Nicolas. Như vậy dòng lịch sử hình
thành và phát triển của giáo xứ Đàlạt, từ một dưỡng viện - giáo sĩ trở nên một giáo xứ, Giáo xứ Thánh
Nicolas, ở Đàlạt, thuộc Giáo Phận Saigon.
III. TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI SẮC TỘC Ở ĐÀLẠT-DI
LINH.
A. ĐỨC CHA VICTOR QUINTON : Ý ĐỊNH LOAN BÁO
TIN MỪNG CHO CÁC BỘ LẠC THƯỢNG Ở CAO NGUYÊN LANGBIANG. (BẢN PHÚC TRÌNH NĂM
1920).
Trong Bản tường trình năm 1920, Đức Cha Victor Quinton để lại cho chúng
ta một cơ sở hết sức quý giá trong sứ mạng của Hội thánh là Loan báo Tin mừng
cho những người nghèo khổ ở Cao nguyên Langbiang này. Ngài viết : “Khoảng một
tháng sau khi từ Pháp trở lại Saigon, Cha Céleste Nicolas lại đau gan, căn bệnh
đã khiến người trở về Pháp hai lần để điều trị. Bác sĩ đã nói rõ người không
thể làm việc ở Nam Bộ do điều kiện khí hậu nóng bức ; cần phải tìm cho người
một nơi khí hậu ôn hòa mát mẻ. Do đó, tôi nghĩ là phải lẽ khi quyết định gửi Cha
Nicolas lên Đàlạt để sống cho có bạn với Cha Sidot mà tôi mới đặt làm Cha sở ở
đó từ tháng 5 vừa qua. Như vậy, may ra người có thể thử đem Tin Mừng của Chúa
đến cho các Bộ lạc Thượng ở vùng Cao nguyên Langbiang. Cuộc thử nghiệm này có
đem lại kết quả gì không ? Tôi chưa biết. Nhưng dầu sao, chúng ta sẽ hết sức
mãn nguyện khi có thể cống hiến cho những người Thượng nghèo khổ này một phương
thế đón nhận ơn cứu rỗi. Cuộc thử nghiệm này đến đúng lúc vì ở ngay giữa những
bộ lạc nầy đã hình thành trạm nghĩ dưỡng (installation sanitaire) chúng ta
không có gì phải lo lắng cho vấn đề sức khỏe của các Thừa sai dấn thân vào công
cuộc truyền bá Phúc Âm”.
Đó là quyết định, ý hướng của Đức Cha Quinton vào năm 1920.
B. ĐỨC CHA ISIDORE DUMORTIER : “CƠ HỘI CHÚA
QUAN PHÒNG ĐỂ KHỞI SỰ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NGƯỜI THƯỢNG Ở CAO
NGUYÊN”. (BẢN PHÚC TRÌNH 1927).
Trong bản Phúc trình năm 1927, Đức Cha Isidore Dumortier, Đại diện Tông
Tòa ở Saigon, đã viết như sau : “Năm nay, tôi có một niềm vui hết sức to lớn là
có thể đặt một Thừa sai ở ngay trung tâm vùng người Thượng trên Cao nguyên. Tôi
vừa nhận trách nhiệm đại diện Tông Tòa, nên chưa dám nghĩ tới việc thực hiện
ước nguyện đã ấp ủ từ lâu trong tâm hồn tôi đối với những người Thượng trong
cánh đồng truyền giáo của chúng ta. Nhưng Chúa quan phòng đã lo liệu tất cả và
tôi chỉ có việc làm theo những chỉ dẫn của Ngài. Vào ngày 2 tháng 6 năm 1926,
Cha Bề trên cả của Hội Dòng chuyển cho tôi lá thư của một số người Pháp đang
sống ở Paris cho biết họ được phép khai thác đồn điền ở Cao nguyên Djiring và
ước mong Hội Dòng mở diểm truyền giáo ở đó, để chăm sóc cho những lao công
người Việt, đồng thời cũng lo cho những người Thượng ở đây. Cha Bề trên cả thấy
đề nghị của họ thật hấp dẫn, đáng được lưu tâm. Phần tôi, tôi trả lời cho ngài
là tôi thấy cơ hội Chúa quan phòng để khởi sự công cuộc loan báo Tin mừng cho
người Thượng ở Cao nguyên. Tháng 9 vừa qua, sau khi tôi được diễm phúc truyền
chức Linh mục cho 3 Phó tế và truyền chức Phụ Phó tế cho 4 Thầy Giúp lễ, tôi đã
cùng với Cha De Coopman đi đến Djiring. Cha De Coopman đã có dịp lên Djiring và
để ý nơi đó có sẳn một căn nhà người ta
muốn bán, có thể thích hợp cho một Thừa sai. Cao nguyên Djiring ở độ cao 1.000
mét, là trung tâm của Tỉnh Đồng Nai Thượng, hiện có khoảng 40.000 người Thượng
sống rải rác trên các sườn núi … Chúa Quan phòng đã sắp đặt cho tôi một vị tông
đồ như ý để khởi sự công cuộc truyền giáo này : Đó là một Thừa sai trẻ, Cha
JEAN BAPTISTE CASSAIGNE người vừa tới Saigon, ngày mồng 5 tháng 5 ... Tôi thấy
Cha Cassaigne được chuẩn bị tốt để chịu được gian khổ, thiếu thốn. Vừa khi biết
chương trình truyền giáo của tôi, Cha Cassaigne đã tình nguyện và bày tỏ niềm
vui khôn tả khi nghe tôi công bố việc bổ nhiệm Ngài vào công cuộc này.
C. CHA JEAN BAPTISTE CASSAIGNE : “ÔNG TỔ CÁC
VỊ THỪA SAI TRUYỀN GIÁO THƯỢNG ĐẦU TIÊN Ở ĐÀLẠT”
Sau khi Đức Cha Mossard đặt chân lên vùng Cao nguyên Đàlạt mở ra công
cuộc truyền giáo, chúng ta đã thấy rõ ý hướng và những nổ lực thực hiện của hai
Đấng kế nhiệm Ngài là Đức Cha Quinton và Đức Cha Dumortier : đem Tin Mừng của
Chúa đến cho người Thượng ở vùng đất Cao nguyên này. Sự Quan phòng của Chúa đã
cho xuất hiện khuôn mặt Tông đồ : Linh mục JEAN BAPTISTE CASSAIGNE, người mà
chính Đức Cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền kính yêu của chúng ta đã tuyên bố là
“Ông Tổ các vị Thừa sai truyền giáo Thượng đầu tiên Đàlạt”.
Cha Cassaigne lên đường từ Saigon qua ngả Phan Thiết để hướng tới Di
Linh ngày thứ tư 20 tháng 10 năm 1926. Tới ga Ma Lâm, gặp trời mưa giông dữ dội
do cơn bão to đang càn quét cùng Cao nguyên, những cơn lũ cuốn sập cầu sông
Quao trên đường lên đèo Gia Bắc, nên phải
quay trở về Sài Gòn chờ đợi. Thời gian này, ngài trở về Cái Mơn học
tiếng Việt cho đến đầu năm 1927. Sau đó, ngài lên Đàlạt với cha Nicolas. Ngày
24 tháng 1 năm 1927, phái đoàn đưa Cha Cassaigne đến Di Linh gồm có : cha
Nicolas, cha sở Đàlạt, Cha Barré và Cha Thomaret cha sở Phan Thiết và Cha De
Coopman, quản lý Giáo phận, thay mặt Đức Cha Isidore Dumortier. Cha Nicolas
cũng không quên tìm cho ngài một người bếp tên là ông Mười điếc, ngài dẫn theo
chú giúp lễ 12 tuổi tên là Nhân đã theo
ngài từ Cái Mơn. Cha Cassaigne với người bếp và chú giúp lễ cùng 2 giáo dân ở
trước tại Di Linh làm thành “cộng đoàn”
5 người tín hữu của Chúa Kitô ở giữa vùng đồi núi hoang vu và ở giữa những cư
dân chưa biết Chúa. Sứ mạng của Cha Cassaigne rõ ràng là rao giảng Tin Mừng Đức
Giêsu Kitô cho những người Thượng nghèo khổ ở vùng Cao nguyên. Các sách viết về
Cha Cassaigne rất nhiều. Đặc biệt trong cuốn “Lạc quan trên miền Thượng”, cha
Giuse Phùng Thanh Quang Quang, Cha sở kiêm Quản Hạt Di Linh (người đã được Đức
Cha truyền chức Linh mục tại Nhà thờ Đức Bà Saigon vào năm 1954, người đã phục
vụ nhiều năm tại Đàlạt, trong tư cách là thầy giúp xứ ở Fyan, là Phó xứ Đalat,
Chánh xứ Chánh tòa Đalat ; đặc biệt
trong thời gian làm Cha sở Di Linh từ năm 1962 đến khi người an nghỉ trong Chúa
vào ngày chúa nhật 26 tháng 10 năm 2003, người đã có nhiều thời gian ở bên Đức
Cha, khi Người sống giữa anh chị em ở
Trại Phong Di Linh từ năm 1955 đến khi an nghỉ trong Chúa ngày 31 tháng 10 năm
1973 ; do đó Cha Giuse Quang đã ghi lại cho chúng ta rất nhiều điều để biết về
Đức Cha Cassaigne.) Bước đường truyền giáo của Cha Cassaigne thật lạ lùng.
Chính trong bối cảnh, thời gian đó, sức khoẻ của ngài bị thử thách nghiêm trọng
; thời gian đầu, hầu như sốt rét kinh niên, hầu như không làm gì được ; nhưng
mà lời cầu nguyện, sự thánh thiện, lòng bác ái đã khiến cho người ta nhận ra
nơi ngài là hình ảnh của Chúa Kitô. Đương nhiên chúng ta không thể nào nói tới
Cha Cassaigne mà không nhắc tới cuộc gặp gỡ hết sức cảm động và đầy tinh thần Phúc
âm của Ngài với những người phong cùi ; để qua đó, sau này khi được đặt làm
Giám mục, Đại diện Tông Tòa ở Saigon, trái tim nhân hậu của Ngài vẫn không rời
xa những người con cùng khổ về tinh thần cũng như vật chất. Ngài sống trọn vẹn
khẩu hiệu Giám mục của mình : “Caritas et Amor” (Bác ái và Yêu thương). Ngay
trong ngày được tấn phong Giám mục ở Saigon, giữa biết bao nhân vật vị vọng về
đạo cũng như về đời, khi trông thấy những người Thượng từ Di Linh - Đàlạt về dự
lễ, Ngài đã rẽ đám đông, tiến đến với họ trong sự xúc động hòa lẫn nước mắt.
Đáp lại câu hỏi : “Cha chỉ thương người Thượng thôi à ?” Đức Cha Cassaigne đáp
: “Người con nào mình cũng thương. Nhưng những người con khổ cực, thiệt thòi,
thì mình thương nhiều hơn !”. Ngài vẫn sung sướng nhắc lại lần mà ngài rửa tội
cho một người Thượng đầu tiên tại vùng truyền giáo Cao nguyên, vào ngày 7 tháng
12 năm 1927, đó là một người mẹ cùi ; chính ngài đã xác tín đây là một ơn mà
Chúa ban cho công cuộc truyền giáo ; người đó đã nói với tôi : “khi con về Thiên
Đàng, con sẽ nhớ tới Cha”, và người đó đã giữ lời hứa, đã nhớ đến tôi trên con đường truyền giáo !
IV. BƯỚC
ĐI THEO SỰ HƯỚNG DẪN CỦA THÁNH THẦN.
A. CHA CÉLESTE NICOLAS, VỊ THỪA SAI ĐÓN TIẾP,
CHĂM SÓC ĐOÀN DÂN CHÚA TỪ KHẮP NƠI HƯỚNG VỀ ĐÀLẠT VÀ XÂY DỰNG NHÀ CHÚA.
Xin dừng lại ở hai khuôn mặt tiêu biểu trên cánh đồng truyền giáo ở
vùng đất Cao nguyên mà nay là Giáo Phận Đàlạt : Cha CÉLESTE NICOLAS và Cha JEAN
CASSAIGNE.
Trong suy nghĩ chủ quan của người trình bày : hình như hai vị Thừa sai
này làm sống lại khuôn mặt và hoạt động truyền giáo của hai Tông đồ năm xưa :
PHÊRÔ và PHAOLÔ.
Chúng ta đã thấy Cha Céleste Nicolas trong sự quan phòng của Chúa : lúc
đầu ngài nhắm tới việc truyền giáo, nhưng cuối cùng lại là người xây dựng giáo
đoàn ; ngài hiện diện ở Đàlạt để đón tiếp, chăm sóc đoàn dân Chúa từ khắp nơi
hướng về Đàlạt. Họ không những là người Thượng, người Kinh, người Âu châu, mà
có thể nói mọi hạng người ; ngài là vị thừa sai đã đón tiếp các Đức Cha, các
Cha, các tu sĩ nam nữ, không những ở trong Giáo phận, mà ngay cả nhiều nơi từ
khắp Đông Dương và rất rất nhiều vùng khác nữa. Ngài có dịp tiếp xúc với không
biết bao nhiêu bậc vị vọng về đạo cũng như về đời. Tất cả là chỉ nhằm phục vụ
công cuộc loan báo Tin mừng. Đặc biệt, ngài là người khởi công xây dựng Ngôi
Nhà thờ để sau này trở nên NHÀ THỜ CHÁNH TÒA của GIÁO PHẬN ĐÀLẠT ngày nay.
Được sự chấp thuận của Đức Cha Dumortier, Cha Céleste Nicolas ký hợp
đồng với hãng SIDEC ngày 10 tháng 7 năm 1931. Ngày 19 tháng 7 năm 1931, Đức
Khâm Mạng Tòa Thánh ở Việt Nam là Đức Cha COLOMBAN DREYER làm phép và đặt viên
đá đầu tiên. Nhà thờ được xây dựng trong 3 giai đoạn :
- Giai đoạn thứ nhất gồm gian cung thánh, hậu tẩm, hai gian cánh … hoàn
tất ngày 20 tháng 3 năm 1932 và đã được Cha DEZAVELLE, vị thừa sai truyền giáo
bên Lào về làm phép vào ngày lễ Phục sinh 27 tháng 3 năm 1932.
- Giai đoạn thứ hai gồm việc xây dựng 5 gian lòng Nhà thờ và đặt chân
móng cho các tháp chuông.
- Giai đoạn thứ ba gồm việc xây dựng hai tháp chuông phụ và tháp chuông
chính.
Ngày Chúa nhật 25 tháng 1 năm 1942, lễ Tạ ơn và khánh thành Nhà thờ mới
được cử hành hết sức trọng thể, quy tụ hầu hết mọi thành phần cư dân Công giáo
Đàlạt lúc bấy giờ. Bắt đầu là cuộc rước từ Biệt Thự Thánh Tâm về Nhà thờ, do
Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương ANTONIN DRAPIER chủ sự ; sau đó là Thánh
lễ đại triều làm phép Nhà thờ do Đức Cha JEAN CASSAIGNE chủ sự.
B.
CHA JEAN CASSAIGNE, VỊ THỪA SAI MỞ RA CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO TẠI CAO
NGUYÊN.
Còn Cha Jean Cassaigne đã mở ra cánh đồng truyền giáo trên vùng cao
nguyên Đàlạt, Di Linh, Bảo Lộc. Chúng ta thật ngỡ ngàng khi thấy một con người
như thế được sai đến vùng đất mà hầu
như chưa ai biết Tin mừng của Chúa ; để
rồi sau đó, mở mang đạo thánh Chúa không những ở vùng Di Linh, Ka la, mà còn
lan rộng đến Bắc Hội ở vùng Fimnom, lên tới Xuân Trường, nay là Giáo xứ Cầu Đất
(Đàlạt), trải dài đến Công Hinh, tức Giáo xứ Bảo Lộc ngày nay. Ngài đúng là
“Ông Tổ các vị Thừa sai truyền giáo Thượng đầu tiên Đàlạt”, như lời của Đức Cha
Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền.
V. CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO Ở ĐÀLẠT ĐƯỢC TRẢI
RỘNG.
A. DỰA TRÊN BẢN ĐÚC KẾT ĐẠI HỘI MEP 1974.
Một trong những nhận định thật tích cực của Đại Hội MEP 1974 khi nhìn
lại công cuộc truyền giáo ở Cao nguyên Langbiang – Di Linh, đó là “kỷ nguyên
truyền giáo không chấm dứt” đối với MEP. Sau khi nhắc lại thời điểm 1927, khi
Cha Jean Cassaigne được sai đến với người Thượng ở vùng Di Linh, công cuộc
truyền giáo được tiếp nối đều đặn bởi biết bao thế hệ Thừa sai : Cha Chauvel, Cha Grelier, Cha Gabillard, Cha
Dournes, Cha Octave Lefebvre, Cha Perrin, Cha Parrel, Cha Boutary, Cha Rubat du
Merac, Cha Moriceau, Cha Darricau, Cha Desplanque, Cha Kermarrec, Cha Grison,
và biết bao Thừa sai khác trong sự hiệp thông sâu xa với nhịp sống của Dân Chúa
tại địa phương này. Để đúc kết kinh nghiệm và mở rộng hướng truyền giáo, Đại
Hội gợi ra 5 điểm sau đây :
- Công cuộc cứu trợ bác ái (Action caritative) thật cần thiết và quan
trọng ;
- Hoạt động thừa sai là một công trình phúc âm hóa ;
- Hoạt động thừa sai là nổ lực liên tục trong việc phiên dịch các bản
văn Kinh Thánh ra tiếng bản xứ ;
- Hoạt động thừa sai thể hiện trong việc học hỏi môi trường Thượng,
lịch sử, phong tục, tập quán, cách sốâng của người Thượng, …
- Hoạt động thừa sai còn là một chứng từ sống động thúc đẩy hàng giáo
sĩ bản xứ trong công cuộc truyền giáo.
Đại Hội còn gợi lên nét thiện cảm đối với hàng giáo sĩ Đàlạt, thể hiện
đặc biệt trong tâm tình trân trọng, tri ân đối với Đức Cha Cassaigne ; Đại Hội
cũng không quên nhấn mạnh đến vai trò của Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền với
lòng quý mến và xác nhận Ngài như “người con thiêng liêng” của Vị Thừa sai lỗi
lạc Léopold CADIERE.
B. SỰ CỘNG TÁC TÍCH CỰC CỦA CÁC HỘI DÒNG NAM
NỮ CŨNG NHƯ GIÁO DÂN.
Trên cánh đồng truyền giáo, những Thừa sai MEP đã khai mở con đường và
đón nhận biết bao sự cộng tác tích cực của các Hội Dòng nam nữ và giáo dân của
nhiều thế hệ khác nhau. Chỉ gợi ra một số Hội Dòng dấn thân vào lãnh vực truyền
giáo trong thời ban đầu :
- Các Cha Dòng Chúa Cứu Thế Canada mở điểm truyền giáo ở Fyan vào năm
1956 sau đó tiếp tục ở Đa Mpau, Đa Nung, Rơlơm, … ;
- Cha cố Laurensô Phạm Giáo Hóa được Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền
sai đi lo việc truyền giáo Thượng ở
vùng Bảo Lộc từ năm 1958 ;
- Các Cha Lazaristes lưu tâm đến đồng bào Chu Ru ở thung lũng Dran năm
1961;
- Các Hội Dòng Nữ tu cũng hết sức nhiệt thành trong công cuộc truyền bá
Phúc âm, như các Nữ Tử Bác ái Thánh Vinh sơn phục vụ ở vùng Dran, vùng Fyan,
Trại Phong Di Linh , … Các Nữ Tu Mến Thánh Giá thuộc nhiều Hội Dòng phục vụ tại
Trung tâm Cam Ly, ở Đàlạt, ở Da Nung, ở Di linh, ... Các Phan sinh Thừa sai Đức
Mẹ ở Trung tâm M’Lon … ; các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres cộng tác
với các Thừa sai từ những bước truyền giáo đầu tiên vào năm 1919, phục vụ tại Trung tâm Đa Mpau, tại Trung tâm
Gia Nghĩa, … Các Nữ tu Dòng Đức Bà mở trường “Couvent des Oiseaux”, góp phần
xây dựng Giáo Họ Cầu Đất, Giáo Họ Công Hinh, … phục vụ tại Trung tâm Cam ly, …
- Các Sư Huynh Lasan, ngoài việc dạy học ở Trường Adran, còn dấn thân
vào Trung tâm Thượng, … và biết bao Hội Dòng, biết bao tín hữu giáo dân dấn
thân và cộng tác trên cánh đồng truyền giáo.
C. CÁC BIẾN CỐ LỊCH SỬ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁNH
ĐỒNG TRUYỀN GIÁO.
Thêm vào đó các biến cố lịch sử của đất nước cũng ảnh hưởng đến cách
đồng truyền giáo ở Đàlạt. Đương nhiên thế chiến 1914-1918 khiến cho một số
người không thể về Pháp được thì họ đã kéo lên Đàlạt, một số ngườiõ đầu tư xây
dựng Đàlạt. Rồi các biến cố của đệ nhị thế chiến năm 1939-1945 càng khiến người
ta hướng về Đàlạt, muốn biến Đàlạt
thành “thủ đô mùa hè”.
Sau các năm đầy khủng hoảng 1945-1946, có lúc cư dân Đàlạt chỉ còn lại
khoảng 5.000 người, Đàlạt tiếp tục phát triển ; để rồi phát triển nhiều hơn nữa
sau các biến cố 1954-1955 ; và như chúng ta đã biết biến cố 1975 cũng sẽ góp
phần làm cho Đàlạt chuyển mình một cách mạnh mẽ hơn nữa.
VI. GIÁO PHẬN ĐÀLẠT TIẾP NỐI CON ĐƯỜNG TRUYỀN
GIÁO.
A. THÀNH LẬP GIÁO PHẬN ĐÀLẠT (24.11.1960)
Ngày 24 tháng 11 năm 1960, với Tông sắc “Venerabilium Nostrorum”, Đức
Thánh Cha GIOAN XXIII thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam và thiết lập ba giáo
phận mới, trong đó có GIÁO PHẬN ĐÀLẠT. Người bổ nhiệm Đức Cha SIMON HÒA NGUYỄN
VĂN HIỀN làm Giám Mục tiên khởi Giáo Phận Đàlạt ; Người cũng đặt Nhà thờ Thánh
NICOLAS làm Nhà Thờ Chánh tòa.
Ngày 27 tháng 11 năm 1960, với Tông sắc “Quod Venerabiles Frates” về
việc chia Giáo phận Saigon và Kontum, Đức Thánh Cha GIOAN XXIII thiết lập ranh
giới cho Giáo phận mới ĐÀLẠT gồm Thị xã Đàlạt và các Tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng,
Phước Long và Quảng Đức.
Ngày 22 tháng 6 năm 1967, Đức Thánh Cha PHAOLÔ VI ký Tông sắc “Qui Dei
Benignitate” thiết lập Giáo Phận BAN MÊ THUỘT. Hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức
thuộc về Giáo phận mới. Giáo Phận Đàlạt chỉ còn lại Thị xã Đàlạt, hai Tỉnh
Tuyên Đức và Lâm Đồng.
Giáo Phận Đàlạt chia thành 4 Giáo Hạt, với 62 linh mục triều, 25 linh
mục Dòng đang phục vụ tại Giáo Phận và 20 Hội Dòng và Tu hội (9 nam, 11 nữ). Số
giáo dân trong Giáo phận được 58.900, chia ra Giáo Hạt Đàlạt 27 .000 ; Giáo Hạt
Lâm Đồng 20.500 ; Giáo Hạt Phước Long 7.100 và Giáo Hạt Quảng Đức 4.200.
B.
ĐỨC CHA SIMON HÒA NGUYỄN VĂN HIỀN, GIÁM MỤC TIÊN KHỞI.
Người sinh ở Nhu Lý, Quảng Trị, ngày 23 tháng 3 năm 1906. Năm 11 tuổi,
được Cố Cadière gửi vào Tiểu Chủng Viện An Ninh, Huế. Du học ở Roma. Chịu chức
Linh mục ở Roma ngày 21 tháng 12 năm 1935, đỗ Tiến sĩ Thần học ở Roma và Cử
nhân Văn chương ở Pháp. Ngày 20 tháng 9 năm 1955, Đức Thánh Cha PIÔ XII đặt làm
Giám quản Tông Tòa cai quản Giáo phận Saigon, thay thế Đức Cha Jean Cassaigne
xin nghỉ hưu. Ngày 30 tháng 11 năm 1955, được tấn phong Giám mục tại Nhà thờ
Đức Bà Saigon, cùng lúc với Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình. Ngày 24 tháng 11
năm 1960, được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Đàlạt.
Trong thời gian cai quản Giáo phận, Đức Cha luôn nổ lực diển tả khẩu
hiệu đã chọn “Chúng tôi rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh” bằng cách tỏ ra tình
thương của người Cha, sự dịu hiền của người Mẹ và sự thông thái của người Thầy.
Đức Cha quan tâm đặc biệt đến công cuộc truyền giáo, cách riêng cho những người
nghèo và anh em Dân tộc thiểu số. Cứ nhìn hình ảnh của Đức Cha thường dùng
chuỗi cườm của người Dân tộc làm giây đeo Thánh giá Giám mục thì hiểu Người gắn
bó với người Dân tộc tới mức nào ; và trong đám tang của Người, các làng Dân
tộc đều tuốn ra để khóc thương “người Cha hiền” ; ngoài ra, nhờ tinh thần
truyền giáo và sự tế nhị của Người, mà các Hội Dòng truyền giáo khác nhau trong
Giáo phận có thể dễ dàng cộng tác với nhau. Ngày 5 tháng 9 năm 1973, Đức Cha an
nghỉ trong Chúa và được mai táng tại Cung thánh Nhà thờ Chánh tòa Đàlạt.
C. ĐỨC CHA BARTÔLÔMÊÔ NGUYỄN SƠN LÂM.
Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám đốc Đại chủng viện Huế được tấn
phong Giám mục ở Nhà thờ Đức Bà Saigon, ngày 17 tháng 3 năm 1975. Ngài đến nhận
Giáo Phận Đàlạt ngày lễ Thánh Cả Giuse, 19 tháng 3 năm 1975 trong một bối cảnh lịch sử rất là tang thương … Theo
số thống kê của Giáo phận năm 1975 thì giáo dân Đàlạt lúc đó là 80.000 người.
Đức Cha đã chia Giáo Phận Đàlạt thành 5 giáo hạt : Đàlạt, Đức Trọng, Đơn Dương,
Di Linh và Bảo Lộc. Trải qua biết bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu thử thách, Đức
Cha vẫn kiên trì và nhẫn nại sống đúng khẩu hiệu đã chọn là “Veritas in
caritate” (chân lý trong đức ái). Dầu
bao nhiêu phong ba bão táp, Ngài vẫn một niềm tin tưởng vào sự trợ giúp của
Thánh Cả Giuse. Chính Ngài dâng Giáo Phận cho Thánh Cả, để xin Người phù hộ và
che chở. Khi Giáo phận đã tương đối ổn định, Ngài vâng lời Tòa Thánh để làm
Giám Mục Giáo Phận Thanh Hóa. Lúc ngài rời Giáo phận vào năm 1994, thì lúc đó số giáo dân lên tới 185.580, đó là
lúc Đức Cha Bartôlômêô trao Giáo phận lại cho Đức Cha Phêrô. Ngài an nghỉ trong
Chúa tại Thanh Hóa ngày 9 tháng 6 năm 2003 và được mai táng ở Cung thánh Nhà
thờ Chánh Tòa Thanh Hóa, ngày 13 tháng 6 năm 2003.
D. ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN NHƠN.
Được tấn phong Giám mục ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng các xứ
truyền giáo, mồng 3 tháng 12 năm 1991, tại Nhà thờ Chánh Tòa Đàlạt. Bản thân là
người con của Đàlạt, ngay từ buổi lễ tấn phong, Đức Cha Phêrô đã bộc lộ nguyện
ước đem Tin mừng đến cho anh em Dân tộc thiểu số, theo đúng đường hường từ ban
đầu của các Thừa sai khi đặt chân lên vùng Cao nguyên này. Với khẩu hiệu “Illum
oportet crescere” (Người phải lớn lên), Đức Cha Phêrô nỗ lực không ngừng và
khuyến khích toàn thể Giáo phận đi vào con đường truyền giáo, mục đích để Chúa
Kitô và Tin mừng cứu rỗi của Người được lớn lên trong tâm hồn mọi người. Theo
gương các nhà thừa sai, Đức Cha đã đi đến mọi vùng đất, gặp mọi hạng người,
cách riêng những người nghèo khổ, những anh em Dân tộc trên Cao nguyên này.
Điểm lại các cuộc viếng thăm của Người tại các buôn làng Dân tộc, chúng ta sẽ
hết sức ngỡ ngàng. Chắc hẳn Người đã đến thăm hơn một trăm làng Dân tộc. Hiện
nay, theo sổ thống kê, thì Giáo phận Đàlạt có 281.593 giáo dân. Và nếu được
phép chúng ta so sánh thêm là thời Đức Cha Simon Hoà với số trên 80.000 giáo
dân, thì số người Dân tộc là 15.000, còn số người Kinh là 65.000. Khi Đức Cha
Bartôlômêô rời Giáo phận, số giáo dân là 185.000 trong đó người Dân tộc là
41.000, người Kinh 144.000 và nay 281.593 tín hữu Công giáo, trong đó người
Kinh 199.538 và người Dân tộc 82.550.
Chúng ta có cái nhìn tổng quát về việc truyền giáo ở Đàlạt và nếu được,
xin phép dùng lại một câu thôi : “Đúng là Chúa dẫn dắt công cuộc truyền giáo ở
Cao nguyên Đàlạt này trên những con đường không ai nghĩ tới”