MỤC VỤ THÁNH THỂ

 Lm Phêrô Trần Đình, Đàlạt

 

NHẬP ĐỀ

Nếu thánh lễ là “trung tâm của toàn thể đời sống Kitô giáo” (QC 16), là “nguồn mạch tột đỉnh của đời sống kitô hữu” (LG 11), thì đương nhiên nó cũng phải là “trung tâm đời sống và tác vụ của Linh Mục (EE 31), bởi vì Linh Mục phát xuất từ Thánh Thể và “sống nhờ Thánh Thể”. Đời sống của người Linh Mục sẽ èo uột nếu rời xa nguồn sự sống thần linh này.

Bài này chủ yếu trình bày về mục vụ Thánh Thể, hiểu là thánh lễ. Mục vụ luôn gắn liền với đời sống Linh Mục, như Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã nói : “đặc tính mục vụ của thừa tác vụ Linh Mục lúc nào cũng theo sát đời sống của mỗi Linh Mục, cho dù trách nhiệm hằng ngày của một số Linh Mục không rõ ràng hướng về bí tích” (DC 1).

Trong mục vụ Thánh Thể, thiết tưởng các Linh Mục cần quan tâm hơn đến việc cử hành thánh lễ, sao cho đúng với những chỉ dẫn của Giáo Hội (Qui chế tổng quát), đồng thời tránh những cử hành đi ngược lại ý muốn của Huấn Quyền (Huấn thị Redemptionis sacramentum).

Tuy nhiên, một ý thức mà ngài cần có trong khi cử hành thánh lễ, đó là Thánh Thể sẽ xây dựng Giáo Hội (DC 4 ; x. RH 20 ; LG 11), xây dựng cá nhân ngài và giáo xứ của ngài. Chính ý thức này sẽ chỉ đạo ngài khi cử hành thánh lễ.

Chúng ta suy nghĩ hai điểm này.

I.  THÁNH THỂ XÂY DỰNG CON NGƯỜI LINH MỤC

       CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ

          “Việc cử hành Thánh Thể nằm ở trung tâm tiến trình tăng trưởng của Giáo Hội“ (EE 21). “Giáo Hội và Thánh Thể làm thành một cặp song đôi không thể tách rời” (nt. 57), bởi vì Thánh Thể làm nên Giáo Hội và Giáo Hội cũng làm nên Thánh Thể.

Giáo Hội là một lãnh vực bao la, nên ta tạm giới hạn chủ đề : Thánh Thể xây dựng chính con người Linh Mục và xây dựng giáo xứ của ngài.

A. Thánh Thể xây dựng con người Linh Mục

          Thánh Thể là trung tâm đời sống và tác vụ Linh Mục như đã nói trên. Thế nên, tiếp xúc gần kề với Thánh Thể mỗi ngày, Thánh Thể sẽ có “năng lực biến đổi” (TT 5) con người Linh Mục của ngài và tạo nơi ngài nhiều ý thức mãnh liệt.

          1. Đời Linh Mục là một hiến tế, bởi vì khi cử hành thánh lễ là ngài cử hành hi tế thập giá Chúa Giêsu.

          “Cả cuộc đời Chúa Giêsu là Hi tế. Nơi Chúa Giêsu, mọi sự đều là của lễ, từ lời giảng dạy đến các phép lạ, từ những cử chỉ và lời nói thông thường cho đến sự hi sinh lớn lao nhất là hi sinh mạng sống. Mọi sự đều biểu lộ tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Sự dâng hiến của Chúa Giêsu được hoàn tất bằng cái chết và trong cái chết tự nguyện trên thập giá” (TC 3).

          Của lễ Chúa Giêsu dâng cho Chúa Cha không  gì khác hơn là chính bản thân. Và đây là của lễ Chúa Cha vui lòng hơn cả, vì nó là tình yêu :

          “Giáo Hội coi cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một hi tế. Hi tế ấy khác với hi tế Cựu ước, vì hoàn toàn là hi tế tình yêu, là sự dâng hiến bản thân. Chúa Giêsu không dâng hiến cho Chúa Cha điều gì bên ngoài, mà là chính bản thân mình” (nt. 3).

Nói khác đi, Chúa Giêsu là “sacerdos-victima”, là “Linh Mục, của lễ và bàn thờ” (x. Kinh tiền tụng phục sinh Vø), “vừa là chủ tế vừa là lễ vật, vừa dâng vừa được dâng lên” (GLC 1137).

          Trong đêm bị trao nộp, Chúa Giêsu đã cầm bánh, bẻ ra. Và máu Người cũng được “đổ ra” để nên lương thực thần linh cho các môn đệ.

          Mỗi lần Linh Mục cử hành thánh lễ và đọc lại những lời của Chúa Giêsu khi truyền phép, lẽ nào không mời gọi ngài ý thức thức hơn : đời người Linh Mục là lễ hiến tế, dâng mình cho Chúa Chúa trên bàn thờ mỗi ngày ?

          Nếu nơi Đức Giêsu, mọi sự đều là của lễ, từ lời nói cho đến cử chỉ…, thì đời Linh Mục cũng thế. Còn phải kể thêm những lo toan khổ tứ, bệnh tật, những hiểu lầm không biết tỏ cùng ai, những phấn đấu để giữ được lòng trung thành với Chúa và cả sự vâng phục đối với bề trên của mình nữa.

Những của lễ ấy của ngài sẽ được kết kợp với những “công lao của con người”, để cùng với Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha.

          2. Đời Linh Mục là một cuộc vượt qua, bởi lẽ khi cử hành thánh lễ là ngài cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu.

          Cử hành thánh lễ là cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua, là “loan truyền việc Chúa chịu chết (…) cho tới khi Người lại đến” (Nghi thức thánh lễ). Thánh lễ đưa ta về với đêm Chúa “bị nộp” (x. 1Cr 11, 23).

          Chúa Giêsu Kitô vượt qua có nghĩa là “đi về cùng Chúa Cha” (x. Ga 16, 17), nhưng đồng thời cũng có nghĩa là đến với chúng ta : “Thầy ra đi và đến cùng anh em” (Ga 14, 28).

Có thể gọi Linh Mục là con người vượt qua (homo paschalis), đại diện và dấu chỉ của Đức Kitô Vượt Qua (Christus paschalis), đang cử hành mầu nhiệm Vượt Qua (Mysterium paschale).

          Hiện hữu của Linh Mục cũng là một “hiện hữu Vượt qua”, hay “hiện hữu Thánh Thể” (une existence eucharistique), chẳng những là tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nhưng còn là không bao giờ dừng lại, không bám víu vào bất cứ điều gì, như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Người trước khi lên đường truyền giáo (x. Mt 10, 9-15). Và cũng còn nhiều thứ khác phải vượt qua nữa !

          Linh Mục không những vượt qua chính mình, nhưng còn dẫn đầu “Dân Vượt qua” (populus paschalis) trong cuộc sống đời thường. Giáo dân sẽ sẵn sàng tin ngài và sống theo sự hướng dẫn của ngài, bởi vì ngài đã bước theo Chúa Giêsu trong cuộc Vượt Qua. Chưa vượt qua, thánh lễ chưa làm nên con người Linh Mục của ngài đúng nghĩa.

Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống Linh Mục mời gọi ngài sống điều ấy : “Khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài phải lo khắc chế chi thể mình khỏi tật xấu và dục vọng” (PO 13).

Linh Mục, “người anh hùng dẹp loạn trong chính mình” (N.V. Tuyên, Linh Mục người rất nhỏ và rất lớn).

Mầu nhiệm phục sinh phải được “tuyên xưng” nơi cuộc sống của ngài. Thật vậy, Linh Mục không những “loan truyền việc Chúa chịu chết”, nhưng còn “tuyên xưng việc Chúa sống lại”. Không phải chỉ cho hôm nay, nhưng “cho tới khi Chúa lại đến”.

“Chính Chúa Kitô sống và phục sinh, mới có thể trở nên “bánh sự sống” (Ga 6, 35.48), “bánh trường sinh (Ga 6, 51)” (EE 14) cho nhân loại.

Tóm lại, “Hi tế Thánh Thể là trung tâm và là cội nguồn của toàn thể đời sống Linh Mục, cho nên ngài phải cố gắng sống thực trong tâm hồn điều ngài đã làm trên bàn thờ” (PO 14).

3. Đời Linh Mục và “thần học bàn quì”

“Adoro Te devote, latens Deitas”. Con thờ lạy Chúa hết lòng, ôi Chúa ẩn thân.

Người ta có thể khám phá Chúa trong suy tư. Và người ta cũng có thể khám phá Người trên hai đầu gối, trong chiêm ngưỡng và tôn thờ. Một “thần học bàn quì” (U.V.Balthasar).

“Để sống phép Thánh Thể, cần phải dành nhiều thời gian thờ phượng trước bí tích cực thánh, đó là kinh nghiệm hằng ngày của bản thân tôi, nhờ đó tôi kín múc được sức mạnh, nguồn an ủi và nâng đỡ” (EE 25 ; TT  3; TC 10). Chia sẻ của ĐGH đương kim.

Một “thần học bàn quì” trước “Chúa ẩn mình” là điều cần thiết, bởi vì Thánh Thể là một “mầu nhiệm”, đồng thời là một “hồng ân” cho chúng ta (Gioan-Phaolô II, donum et mysterium).

“Thánh Thể là “bánh ban sự sống” sẽ nâng đỡ những ai, đến lượt mình, lại trở thành “tấm bánh được bẻ ra” cho anh em mình” (TT 4).

A. Thánh Thể xây dựng cộng đoàn giáo xứ

“Mặc dù việc chính yếu của Phụng Vụ Thánh là phụng thờ Thiên Chúa uy quyền, nhưng lại có giá trị lớn lao trong việc giáo dục tín hữu” (PV 33).

1. Xây dựng sự hiệp nhất

“Hiệp nhất là vấn đề sinh tử” (Thánh Irênê), nhưng cũng là chuyện nan giải, bởi vì mỗi người mang nơi mình những khác biệt, đến nỗi hai người sống bên nhau có khi đã là “hai thế giới” rồi !. “Con người, kẻ xa lạ ấy” (Alexis Carrel, l’homme cet inconnu).

          Một giáo xứ lý tưởng là một giáo xứ hiệp nhất. Dĩ nhiên, sự hiệp nhất nào cũng nên được hiểu là “hiệp nhất trong khác biệt” (l’unité dans la diversité), nếu không, đó chỉ là một sự rập khuôn (uniformité) không hơn không kém và cũng không đáng mong ước.

Thế mà, “Hiệp nhất” là một trong những danh từ chuyên biệt để gọi bí tích Thánh Thể (x. EE 34) : “không một cộng đoàn Kitô hữu nào xây dựng được, nếu không đặt nền tảng và trọng tâm nơi việc cử hành phép Thánh Thể chí thánh : cho nên mọi nền giáo dục về tinh thần cộng đoàn phải được bắt đầu từ đó” (nt. 3 ; x. PO 6).

Trước hết, việc tham dự Bàn Tiệc Thánh tự nó đã là một biểu tượng huynh đệ và hiệp thông tâm tình : dấu chỉ bên ngoài của thức ăn mà ta hưởng dùng, như sách Didaché nhắc đến (x. 9, 4), là lúa miến rải rác trên các cánh đồng, được thu lại và biến thành một tấm bánh duy nhất, tượng trưng cho sự hiệp nhất của Hội Thánh, được tập họp từ mọi miền xa xôi trên trái đất.

Thứ đến, Thánh Thể gây ý thức về sự hiệp nhất: “Chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10, 17), “một thân thể và một tinh thần” trong Đức Kitô (Kinh nguyện Thánh Thể III).

Đó là hiệp nhất bên trong.

Ngoài ra, thánh lễ cũng tạo thành sự hiệp nhất bên ngoài : khi tham dự thánh lễ, các tín hữu “họp thành một thân thể, nhờ việc lắng nghe Lời Chúa, hoặc tham dự việc cầu nguyện và ca hát, nhất là nhờ việc cùng nhau dâng hi lễ và cùng tham dự bàn tiệc của Chúa. Sự hiệp nhất này được biểu lộ trong những cử chỉ và điệu bộ mà mọi tín hữu cùng có như nhau” (QC 96).

Qui Chế khuyên các tín hữu “tránh mọi hình thức sống cá nhân riêng rẽ ; phải nhớ rằng họ chỉ có một Cha trên trời và như vậy mọi người đều là anh chị em với nhau” (nt. 95)

Tóm lại, Thánh Thể “tạo sự hiệp thông và giáo dục sự hiệp thông” (EE 40).

Bởi thế, ĐGH Gioan-Phaolô II ước mong có được “một nỗi khát khao đích thực phép Thánh Thể, được duy trì sống động trong mỗi cộng đoàn” (TT 5).

2. Xây dựng nếp sống chia sẻ

Bí tích Thánh Thể còn được gọi là “Lễ Bánh bẻ” (x. Cv 2, 42.46 ; 20, 7.11) ; GLC 1329). Cách nói này diễn tả một khía cạnh quan trọng của mầu nhiệm Thánh Thể là chia sẻ.

“Một dấu chỉ sống động mà Giáo Hội không ngừng thực hành ngay từ buổi sơ khai và mãi cho tới khi Chúa trở lại, đó là nghi lễ Bẻ Bánh. Các môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra Chúa Phục sinh khi Người bẻ bánh với họ. Mọi người trong bàn tiệc chia nhau cùng một tấm bánh, tấm bánh ấy là Thân Mình Đức Kitô được bẻ ra cho mọi người thông phần. Cử chỉ bẻ bánh nói lên nếp sống chia sẻ của Giáo Hội” (TC 9).

Người Do thái bắt đầu bữa ăn cổ truyền bằng việc bẻ bánh. Nhưng nơi các Kitô hữu thời các Tông Đồ, bẻ bánh là một trong những đặc điểm của cộng đoàn tín hữu, được đặt ngang hàng với việc nghe giáo huấn các Tông Đồ và cầu nguyện (chú giải của CGKPV).

“Công đồng Vatican II nhấn mạnh đến nếp sống chia sẻ của Giáo Hội. Hình ảnh của sự hưởng thụ, ích kỷ là cách đối xử của nhà phú hộ với ông Lazarô nghèo khổ trong Tin Mừng Luca (x. Lc 16, 19-31). Còn hình ảnh của sự chia sẻ là năm chiếc bánh và hai con cá nuôi hơn năm ngàn người ăn (x. Ga 6, 1-15), rõ ràng đây cũng là hình ảnh của Mầu nhiệm Thánh Thể“ (TC 9)

3. Xây dựng ý thức truyền giáo

 Các hoạt động truyền giáo luôn gắn liền với Bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó” (PO 5).

Chung quanh Chúa Kitô Thánh Thể, Giáo Hội tăng trưởng như dân tộc, đền thờ và gia đình của Thiên Chúa : duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Đồng thời, Giáo Hội hiểu rõ hơn đặc tính của mình là “bí tích cứu độ phổ quát” (AG 1).

“Ite, missa est”. “Cử hành Bí tích Thánh Thể được gọi là Thánh lễ, Lễ Misa, do từ latinh missio nghĩa là sai đi. Thánh lễ kết thúc với lời Hội Thánh sai các tín hữu đi vào đời, để họ thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày” (GLC 1332).

Thánh lễ không phải là một hành vi tách rời và đóng kín, đến nỗi người  tham dự thánh lễ chỉ biết có Phúc Âm, cầu nguyện và tương trợ nhau.

“Ite” nghĩa là mỗi người sẽ trở lại với công việc của mình, trở lại vị thế của mình trong xã hội, mang Thánh Thể của Chúa Kitô đi với mình. Như Chúa đã ban Mình Máu Người cho ta, thì ta có bổn phận chia sẻ những phúc lộc đã lãnh nhận.

“Ite” cũng có nghĩa là : bánh và rượu đã được ăn và uống tăng thêm sức mạnh Chúa Thánh Thần cho các  tín hữu của Chúa, thì nay đã đến lúc giải tán buổi hội họp, các tín hữu sẽ mang đức ái của Chúa Kitô đến cho những người còn ở bên ngoài (x. Ga 20, 17 ; Cv 1, 9-11), để Nước Chúa được rộng mở ra trên thế giới.

(x. J.GÉLINEAU, Họp nhau cử hành phụng vụ, t. 2, tr. 403-404)

Tóm lại, cuối mỗi thánh lễ, khi chủ tế giải tán cộng đoàn bằng những lời “Thánh lễ đã xong, anh chị em hãy ra đi”, hết mọi người đều phải cảm thấy mình được sai đi như là “người thừa sai của Thánh Thể”, loan truyền ở khắp mọi môi trường sống hồng ân vĩ đại đã lãnh nhận. Thực vậy, người nào gặp gỡ Chúa Kitô trong phép Thánh Thể, không thể nào không công bố bằng cuộc sống mình tình yêu hay thương xót của Đấng Cứu Chuộc” (TT 2).

 

II. LINH MỤC CỬ HÀNH MẦU NHIỆM THÁNH THỂ

Linh Mục “sống Thánh Thể” sẽ muốn “cử hành thánh lễ” sao cho đúng với kỷ luật của Hội Thánh. Qui chế tổng quát sách lễ Rôma 2000, cũng như Huấn thị Redemptionis Sacramentum của Bộ Phượng Tự cho chúng ta những hướng dẫn có tính qui phạm trong việc cử hành. Ở đây, chúng ta chỉ rút ra một vài điểm cụ thể liên quan đến việc thực hành mà thôi.

A. Duyệt lại cung cách cử hành thánh lễ

Thư chung năm 2004 của Hội Đồng Giám Mục nhắc nhở : “Các cộng đoàn dòng tu, các chủng viện, cũng như mọi giáo xứ (trong năm nay) có dịp duyệt lại cách cử hành Phụng vụ của mình, và nỗ lực cử hành thánh lễ cho thật trang nghiêm, sốt sắng, đúng theo nghi thức phụng vụ, lưu tâm đến Văn kiện Bí tích Cứu chuộc (Redemptionis sacramentum) do Bộ Phượng Tự của Toà Thánh ban hành” (s. 12).

 “Cử hành lễ tạ ơn là hành động của Chúa Kitô và Hội Thánh” (QC 91). Vì thế, Linh Mục dâng lễ với tư cách là người của Hội Thánh và người của Chúa Kitô.

Một nguyên tắc có thể gọi là chủ đạo đối với Linh Mục khi cử hành thánh lễ đã được Thánh Bộ Phượng Tự đặt lên hàng đầu, đó là cung cách cử hành :

“Là người trong Hội Thánh có quyền thánh chức để dâng hi lễ nhân danh Đức Kitô (…) liên kết giáo dân với ngài để dâng hi lễ lên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần (…). Vậy khi cử hành thánh lễ, ngài phải phục vụ Thiên Chúa và giáo dân cách trang nghiêm và khiêm tốn ; trong cách cử hành và đọc Lời Chúa, ngài còn phải cho giáo dân cảm thấy sự hiện diện sống động của Đức Kitô” (QC 93).

Bốn điều Qui Chế đề nghị các Linh Mục “duyệt lại” khi cử hành thánh lễ :

1. Trước tiên, Linh Mục là người cử hành thánh lễ “nhân danh Đức Kitô” (in persona Christi). Dịch sát chữ là “trong ngôi vị của Đức Kitô”, bao hàm cả nhân tính và thần tính. Cho nên, khi dâng thánh lễ, Linh Mục lẽ nào lại bày tỏ cho kẻ khác thấy một con người bằng xương bằng thịt, vốn có nhiều khuyết điểm, được bộc lộ qua vẻ bên ngoài, đôi khi chẳng đem lại một sự sốt sắng cần thiết. Linh Mục “nhân danh Đức Kitô”ø cử hành hi lễ phải làm cho kẻ khác thấy được, ít nữa là một cách mờ nhạt như thể thấy “trong gương” hình ảnh của Đức Kitô “hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29).

“Vị chủ tế, trong tư cách là thừa tác viên của hi lễ, là tư tế đích thực – và nhờ quyền thánh chức đặc biệt – thực hiện hành động hiến tế đưa muôn loài về với Thiên Chúa” (DC 9)

2. Thứ đến, dầu là chủ toạ của cộng đoàn dâng lễ nhân danh Đức Kitô, Linh Mục cần ý thức mình được Thánh Thể sinh ra để “phục vụ” như Đức Kitô, Đấng đến “không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ” (Mc 10, 45). Chữ “phục vụ” ở đây sẽ còn mạnh nghĩa hơn khi đó là việc phục vụ mầu nhiệm thánh, mầu nhiệm đức tin.

3. Thứ ba, khi cử hành thánh lễ, Linh Mục sẽ phục vụ giáo dân “cách trang nghiêm và khiêm tốn”. Tất nhiên Qui Chế nhấn mạnh đến “cử chỉ và điệu bộ” bên ngoài của ngài (x. 96).

4. Cuối cùng, “trong cách cử hành và đọc Lời Chúa, ngài còn phải cho họ thấy được “sự hiện diện sống động của Đức Kitô”.

Là bởi vì “chính Đức Kitô đứng đầu cộng đoàn ; Người chủ sự buổi lễ. Người là Thượng Tế của Giao ước mới. Thay mặt Người, vị Giám Mục hay Linh Mục nhân danh Đức Kitô Thủ lãnh, sẽ chủ sự cộng đoàn” (GLC 1348).

 Vì thế, “trong việc cử hành bí tích Thánh Thể, các Linh Mục có trách nhiệm lớn, vì các ngài chủ toạ nhân danh Đức Kitô” (RS 30).

Trong Tông thư Dominicae Cenae, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói : việc cử hành Thánh Thể “đòi hỏi chúng ta phải có một ý thức và một sự chín chắn thiêng liêng mới (…) nhất là khi ngài cử hành “đối diện với cộng đoàn” (DC 9).

Ngoài ra, ngài còn nhắc nhở các Linh Mục, khi dâng thánh lễ, phải lưu ý đến sự “thánh thiêng” (sacrum) của Thánh Thể : “phải luôn nhớ điều này, nhất là trong thời đại hôm nay, người ta có khuynh hướng muốn xoá bỏ khoảng cách giữa “thiêng thánh” (sacrum) và “phàm tục”, dựa vào khuynh hướng tổng quát hoá nhằm giải thiêng mọi sự” (DC 8).

QCTQ & Huấn thị RS nhắc nhở các Linh Mục “phải luôn nhớ mình là người phục vụ Phụng vụ thánh” (QC 24; RS 186), phục vụ “Sự Thánh” (GLC 1331).

Tóm lại, Linh Mục phải “cử hành (thánh lễ) thế nào, để giúp các tín hữu tham dự với cả xác hồn, một cách ý thức, tích cực, đầy đủ, và với lòng tin, cậy, mến nồng nàn. Đó là việc tham dự mà Giáo Hội mong muốn, và bản chất việc cử hành đòi hỏi, lại cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của giáo dân, phát xuất từ bí tích Thánh Tẩy” (QC 18).

B. Duyệt lại cách xếp đặt và trang trí nhà thờ

1. Ý nghĩa hay chức năng của nhà thờ

Nhà thờ là “nhà cầu nguyện, nơi cử hành và cất giữ Thánh Thể, cũng như để tín hữu hội họp, nơi có sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Đấng đã hiến dâng vì chúng ta trên bàn thờ tế lễ. Nhà này cần phải được bảo quản sạch sẽ, xứng hợp với việc cầu nguyện và những buổi cử hành thánh lễ” (GLC 1181 ; x. PO 5 ; PV 122-127) ; Nhà thờ là nơi cất giữ Dầu thánh, Dầu Dự tòng và Dầu bệnh nhân (s. 1183), nơi có Giếng Rửa tội và những bình nước thánh. Ở đó, còn có ghế của Giám Mục và giảng đài.

Nhà thờ còn là nơi giúp tín hữu hồi tâm và thinh lặng cầu nguyện để nối dài và nội tâm hoá thánh lễ (GLC 1186).

Và Nhà thờ cũng là nơi để đón tiếp hối nhân đến bày tỏ lòng thống hối và lãnh nhận ơn tha thứ (s. 1185).

 

 

2. Xếp đặt và trang trí nhà thờ   

Nhà thờ có những chức năng linh thiêng như thế, nên ta dễ hiểu tại sao Qui Chế Tổng quát (chương V) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc trang trí và xếp đặt.

          a/ Những nguyên tắc tổng quát

* Các nơi thánh và đồ vật trong Phụng vụ phải đẹp, xứng đáng, đồng thời biểu thị và tượng trưng cho những thực tại siêu phàm (s. 288),

và một cách nào đó, các đồ vật ấy diễn tả “vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa”, làm cho Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn (x. PV 122),

đồng thời cảm hoá các tín hữu, cho họ thêm lòng đạo đức (s. 127).

* “Việc trang trí thánh đường nên chuộng vẻ đơn sơ cao quí hơn là hào nhoáng. Khi chọn lựa các vật dụng để trang trí, nên dùng đồ thật và theo hướng góp phần giáo huấn các tín hữu và phù hợp với sự trang nghiêm của nơi thánh” (s. 292).

          b/ Trang hoàng bàn thờ

* “Trong mọi thánh đường, phải có bàn thờ cố định tượng trưng cách rõ ràng và thường xuyên cho Chúa Giêsu Kitô, Tảng đá sống động (1 Pr 2, 4 ; x. Ep 2, 20)” (s. 298).

* “Vì lòng tôn kính đối với việc cử hành tưởng niệm Chúa và đối với bữa tiệc Mình và Máu Chúa, nên phủ bàn thờ nơi cử hành một khăn màu trắng…” (s. 304).

* “Nên giữ chừng mực khi trang hoàng bàn thờ”. Trong Mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải, thích hợp với đặc tính của Mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày Giáng Sinh. Mùa Chay không được chưng hoa trên bàn thờ, trừ Chúa Nhật Laetare (Chúa Nhật IV), các lễ trọng và lễ kính. Việc chưng hoa phải luôn chừng mực, và nên đặt hoa chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ” (s. 305)

c/ Giảng đài

* Phẩm giá Lời Chúa đòi phải có nơi thích hợp trong nhà thờ, để Lời Chúa được loan báo và cộng đoàn tự nhiên hướng về đó trong phần Phụng vụ Lời Chúa.

* Giảng đài phải cố định, chứ không phải là một cái giá sách di chuyển được.

* Tại giảng đài sẽ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin Mừng phục sinh. Cũng tại đó, có thể giảng và đọc các lời nguyện cho mọi người, tức là lời nguyện tín hữu. Phẩm giá của giảng đài đòi hỏi chỉ có thừa tác viên Lời đi lên đó (s. 309). Như vậy, chỉ có một giảng đài mà thôi.

                   d/ Ghế của chủ tế và các ghế khác

          * Ghế của vị chủ tế phải nói lên vai trò chủ toạ cộng đoàn và điều khiển kinh nguyện. Do đó, chỗ thích hợp nhất là phía đầu cung thánh, hướng về giáo dân. Tránh khoảng cách quá xa làm cho việc hiệp thông giữa chủ tế và giáo dân trở nên khó khăn. Phải tránh mọi thứ ngai toà.

          * Cũng đặt ghế trong cung thánh cho các vị đồng tế và các Linh Mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế, các vị sau này phải mặc áo các phép.

          * Ghế của thầy phó tế được đặt gần ghế chủ tế (s. 310).

C. Duyệt lại các vật dụng phụng vụ và phẩm phục

          1. Các bình thánh

          Trong các vật dụng cần có để cử hành thánh lễ, các bình thánh phải được đặc biệt tôn trọng, và trong số đó, có chén thánh và đĩa thánh, dùng để dâng, truyền phép và rước bánh rượu (s. 327).

          Các bình thánh phải được làm bằng kim loại quí. Nếu được chế từ kim loại có thể bị rỉ sét hay kém hơn vàng, thì phía trong các bình phải được mạ vàng (s. 328).

          2. Phẩm phục thánh

          Trong Hội Thánh là Thân Thể Chúa Kitô, các chi thể không thi hành cùng một phận vụ như nhau. Khi cử hành thánh lễ, sự khác biệt giữa các phận vụ được tỏ lộ ra bên ngoài bằng sự khác biệt các phẩm phục thánh, chúng là dấu chỉ cho biết phần vụ riêng của thừa tác viên. Tuy nhiên, các phẩm phục thánh cũng góp phần tăng vẻ đẹp của hành vi thánh (s. 335).

          Không được thay thế áo alba bằng áo các phép, cũng không được mặc một áo dài tới gót thay cho áo alba, khi phải mặc áo lễ hay áo phó tế (s. 336).

          Nên biết là vẻ đẹp và sự trang nhã của phẩm phục không hệ tại nhiều trang trí đính thêm vào, nhưng ở tại chất liệu và hình dáng. Các trang trí phải mang những hình dung hay biểu tượng chỉ về ý nghĩa của cử hành phụng vụ, phải loại bỏ mọi trang trí bất xứng với ý nghĩa này (s. 344).

         

KẾT LUẬN

“Thánh Thể là trung tâm của toàn thể đời sống Kitô giáo” (QC 16 ), là “nguồn mạch tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (LG 11 ), là “trung tâm của đời sống và tác vụ của Linh Mục” (EE 31).

Vì thế, “chúng ta hãy làm tất cả để Thánh Thể ngày càng trở nên suối nguồn sự sống và ánh sáng cho lương tâm của mọi anh em chị em chúng ta trong tất cả các cộng đoàn, trong sự hiệp nhất phổ quát của Hội Thánh Chúa Kitô trên trái đất này” (DC 13).

         


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà