Bí tích Thánh thể,

CuỘc tưỞng niỆm mẦu nhiỆm VưỢt Qua

Lm. PX. Vũ Phan Long, OFM

 

       

        Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo gọi Bí tích Thánh Thể bằng nhiều tên : “Lễ Tạ Ơn” (số 1328), “Bữa Ăn của Chúa” (s. 1329a), “Lễ Bẻ Bánh” (s. 1329b), “Đồng Bàn” (s. 1329c), “Hy Lễ Thánh” (s. 1330b), “Phụng vụ thánh thiện và thần linh” (s. 1330c), Bí Tích Hiệp thông – Sự Thánh” (s. 1331).

Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã nói : “Hãy làm sự này mà nhớ đến Ta” (Lc 22,19). Đức Giêsu không chỉ muốn loài người tưởng nhớ đến Ngài ; Ngài còn muốn làm cho Bí Tích Thánh Thể thành một việc tưởng niệm. Do đó, GLHTCG cũng gọi Bí Tích Thánh Thể Cuộc Tưởng Niệm (s. 1330a)

Về “Tưởng niệm”, Sách GLHTCG cũng đề cập đến rộng rãi cả về mặt Thần học Kinh Thánh lẫn lịch sử trong các số 1341-1343 và 1354-1357. “Chúng ta chỉ chu toàn mệnh lệnh của Chúa, khi cử hành lễ tưởng niệm hy tế của Người. Chúng ta dâng lên Chúa Cha những gì mà chính Người đã ban cho chúng ta ; nhờ lời của Đức Kitô và quyền năng của Thánh Thần, những tặng phẩm của thiên nhiên là bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Kitô. Như thế, Đức Kitô thực sự hiện diện và hiện diện một cách huyền nhiệm” (s. 1357).

Thông điệp Giáo Hội từ Bí tích Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia) đã dùng nhiều lần các từ “tưởng niệm/nhớ đến” (tại các số 2a ; 11c ; 12 ; [21]) và “hiện tại hóa / tái hiện / nên hiện tại” (tại các số 5b ; 11a.c ; 12 ; 14 ; 15 ; 21 ; 25). Có thể nói hai từ này là hai mặt của cùng một thực tại.

Việc “tưởng nhớ / tưởng niệm” được định nghĩa khởi đi từ thực tại khách quan của nó. Đây không chỉ là việc nhớ lại mang tính chủ quan, với một thực tại chỉ có trong tâm tưởng. “Tưởng niệm” là sự biểu lộ điều mình ghi nhớ trong ký ức ra bên ngoài nhờ những định chế. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dạy : “Bí Tích Thánh Thể không chỉ là việc khơi gợi biến cố đó (= khổ nạn và cái chết của Chúa), nhưng còn là tái hiện mang tính bí tích của biến cố ấy. Đó là hy tế Thập giá được tiếp tục trong thời gian. Người ta thấy trong nghi lễ la-tinh một cách diễn tả rất thích hợp về chân lý nầy trong những lời tung hô mà dân chúng đáp lại lời công bố “mầu nhiệm đức tin” của linh mục : “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết” (…).

“Khi Giáo Hội cử hành Bí Tích Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa mình, biến cố trung tâm này của ơn cứu độ thực sự trở nên hiện tại và như vậy, công trình cứu độ chúng ta được thực hiện”. [1]

I. Liên hỆ vỚi LỄ VưỢt Qua Do Thái

Đức Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể trong khuôn khổ Bữa Tiệc Vượt Qua Do Thái. Bữa tiệc này là một sự tưởng niệm (x. Xh 12,14), một định chế mỗi năm nhắc nhớ cuộc giải phóng đã được Thiên Chúa ban cho dân Ngài. Chính lễ tưởng niệm này đảm bảo cho Xuất hành, là một biến cố thuộc quá khứ, quay trở lại với ký ức người Do Thái và tăng cường sự gắn bó của họ với Thiên Chúa, Đấng giải phóng. “Theo Thánh Kinh, tưởng niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố đã qua, mà còn loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho nhân trần. Khi cử hành phụng vụ, những biến cố này hiện diện sống động giữa cộng đoàn. Dân Ít-ra-en hiểu cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai-cập như sau : khi Dân Chúa cử hành lễ Vượt Qua, các biến cố thời Xuất Hành lại hiện diện sống động trong ký ức, để họ căn cứ vào đó mà điều chỉnh cuộc sống của mình”.[2] “Tưởng niệm” là từ chính xác giúp thiết lập một tương quan giữa Bí Tích Thánh Thể và Lễ Vượt Qua Do Thái, nhất là khi
Đức Giêsu đã coi cuộc Khổ Nạn của Ngài là một cuộc Vượt Qua.

Ý nghĩa kitô hỌc cỦa viỆc tưỞng niỆm Thánh ThỂ (liên hỆ đẾn ĐỨc Kitô)

Khi lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã muốn có một lễ tưởng niệm mới. Khi biến bữa tiệc Vượt Qua thành bữa tiệc Thánh Thể, Ngài đã thiết lập một lễ tưởng niệm có khả năng tái hiện liên tục cho đến muôn đời những gì đã xảy ra trong Bữa tối cuối cùng. Ở đây không phải chỉ có việc nhân loại nhớ lại tình yêu cao vời đã gợi hứng cho Đức Giêsu đi vào cuộc Thương Khó để cứu chuộc loài người mà thôi. Tình yêu này đã muốn hiến tặng chính mình qua một bữa tiệc là nhằm được sống trong cuộc sống của Giáo Hội và bữa tiệc này liên tục tái diễn lễ hy sinh có sức cứu chuộc : “Sang thời Tân Ước, Tưởng Niệm mang một ý nghĩa mới. Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Họâi Thánh tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô ; lúc đó, cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Đức Kitô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn sống động để đem lại ơn cứu độ. ‘Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, lúc đó Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện’ (GH 3)”. [3]

Điều này quan trọng đến nỗi thánh Phaolô, ít ra hai lần, khi tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, đã nhắc lại lệnh truyền này của Đức Giêsu ; ngài cũng nói rõ đâu là nội dung của việc chúng ta tưởng niệm Đức Giêsu, khi ngài nói : “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa” (1Cr 11,26). Nội dung, chính là cái chết của Đức Giêsu. Đức Giêsu có quyền ban cho việc tưởng niệm này một giá trị tối cao bởi vì chính Ngài là Thiên Chúa và trong tư cách là Ngôi Vị thần linh vĩnh cửu, Ngài có một quyền chủ tể trọn vẹn trên dòng thời gian. Ngài có thể làm cho một biến cố thuộc quá khứ nên hiện diện và hiện thực ; và như thế, Ngài có thể lặp lại đến muôn đời, theo mức tăng trưởng trong thời gian của Giáo Hội, hành vi Ngài đã thực hiện vào lúc thiết lập Bí tích Thánh Thể. [4] Ngoài ra chúng ta cần phải ghi nhận rằng lời mời : “Hãy làm sự này” không thể che giấu chân lý căn bản nhất, đó là sáng kiến và hành động của Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể : qua trung gian của Đấng “đã làm sự này”, là Đức Kitô đang hành động ; chính Ngài hiến dâng và trao ban.

Việc tưởng niệm Thánh Thể là chuyện có một không hai do thần tính của Đức Kitô : ký ức và hiện diện trong hiện tại trùng với nhau. Chỉ có một kỷ niệm duy nhất về hy lễ đã được thực hiện một lần cho muôn đời nhằm cứu độ nhân loại ; hy lễ này, khi được tưởng niệm, lại trở thành hiện thực như là thực tại bí tích. Cũng thế, có chuyện gì hơn là một kỷ niệm đơn giản về bữa ăn Đức Giêsu và các môn đệ đã cùng dùng với nhau trước hôm Ngài chịu chết ; trong giá trị Thánh Thể, bữa ăn này được tái diễn cùng với sự hiện diện của Mình và Máu Đấng Cứu độ.

Ý nghĩa thẦn hỌc cỦa viỆc tưỞng niỆm Thánh ThỂ (liên hỆ đẾn Thiên Chúa)

Việc tưởng niệm cũng còn là nhắc Chúa Cha nhớ đến Đức Giêsu ; đây là hành vi mời Chúa Cha nhớ lại những gì Đức Giêsu đã làm cho chúng ta và, vì yêu thương Con của Ngài, Ngài tha thứ cho chúng ta và ban cho chúng ta được hạnh phúc ; nói cách khác, chúng ta nhắc về Đức Giêsu lại cho Chúa Cha, để Chúa Cha nhớ đến chúng ta. J. Jeremias đã giải thích lời Đức Giêsu nói đó như sau : “Hãy làm sự này, để Chúa Cha nhớ đến Thầy”. Trong Cựu Ước, vào những giờ thử thách, người ta quay về với Thiên Chúa mà kêu rằng : “Xin Ngài nhớ đến Abraham, tổ phụ chúng con, xin Ngài nhớ đến Isaác và Giacóp” ; và Tv 132 tiếp tục : “Xin hãy nhớ đến Đa-vít, lạy Yavê, đến nỗi vất vả của ông” (c. 1). [5] Nhưng chúng ta, kể từ nay là dân Giao ước mới, chúng ta có thể kêu lên Thiên Chúa một cách còn hiệu lực hơn bội phần, bởi vì chúng ta có thể thưa với Ngài : xin Ngài nhớ đến Con của Ngài, là Đức Giêsu, và hy lễ của Người! Phụng vụ Giáo Hội cho chúng ta một ví dụ đẹp. Các Kinh Nguyện Thánh Thể của Thánh Lễ – và đặc biệt KNTT IV – chỉ là một anamnesis, một việc tưởng niệm / nhắc nhớ về Đức Giêsu trước nhan Chúa Cha ; đây là một bài (thật ra có phần ngây thơ, y như thể Chúa Cha không biết gì, nhưng như thế chỉ càng đẹp hơn) người ta tường thuật cho Thiên Chúa Cha những gì Con của Ngài đã làm và đã nói cho chúng ta khi Người còn ở dưới thế : “Người đã sống trọn thân phận con người … Người đã hiến thân chịu tử hình … Từ nơi Cha, Người sai Chúa Thánh Thần đến với các tín hữu như ân huệ mở đầu … Lạy Cha chí thánh, khi đến giờ Người được Cha tôn vinh, và vì yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, Người đã yêu thương họ đến cùng”. Đặc tính tường thuật lại trở lại trong chính các lời truyền phép, mà khi đọc là ta thấy đây không là gì khác ngoài một bài tường thuật dâng lên Chúa Cha để nói về những gì Đức Giêsu đã nói khi Ngài cầm lấy bánh và bẻ ra cho chúng ta. Chỉ sau khi đã kể lâu dài nhằm nhắc về Đức Giêsu cho Cha của Ngài, chúng ta mới cầu xin Chúa Cha nhớ đến chúng ta : “Lạy Cha, giờ đây khi dâng lễ tế này, chúng con xin Cha nhớ đến mọi người” ; “Xin Cha nhớ đến toàn thể dân thánh”.

Ý nghĩa nhân hỌc cỦa viỆc tưỞng niỆm Thánh ThỂ (liên hỆ đẾn con ngưỜi)

Theo nghĩa nhân học, hoặc hiện sinh, việc tưởng niệm Thánh Thể hệ tại việc nhắc về Đức Giêsu, không phải cho Cha của Ngài nữa, mà là cho chúng ta ; chúng ta phải nhớ đến Ngài. Trong nhiều thế kỷ, các tiếng đầu tiên vị linh mục đọc sau khi truyền phép là : “Unde et memores”, “Vì vậy, lạy Cha, toàn thể dân thánh cùng với chúng con là tôi tớ Cha, giờ đây tưởng nhớ Đức Kitô”. [6] Chúng ta phải đánh giá cao trở lại tiềm lực thiêng liêng bao la hàm chứa trong việc tưởng nhớ Đức Giêsu. Việc tưởng nhớ Đức Giêsu phải đưa lại niềm vui và sức mạnh cho chúng ta trong cuộc lữ hành trên trần gian. Phụng vụ xưa kia hát theo thánh Bênađô : “Jesu dulcis memoria” (Thánh Bênađô). Chúng ta phải có thể ngỏ lời với Đức Giêsu bằng chính ngôn ngữ của Isaia đối với Thiên Chúa, trong Cựu Ước : “Lạy Yavê, nơi Danh Người, ký ức về Người, sự khát vọng của sinh mạng” (Is 26,8).[7] Trong thực tế, khi nó trở lại trong tâm trí chúng ta, hồi niệm có khả năng xúc tác tất cả thế giới bên trong của chúng ta và đưa nó về đối tượng của hồi niệm, nhất là nếu hồi niệm này, thay vì là một sự vật, lại là một con người và một con người mà ta yêu thương. Khi một bà mẹ nhớ đến đứa con sơ sinh mà bà đã để lại ở nhà, thì tất cả mọi sự, từ đáy lòng bà, đều hướng về đứa bé, một đà lao đầy tình âu yếm từ mẫu làm cho bà chao đảo, và cặp mắt bà nhuốm lệ. Đối với các thánh cũng thế, nhưng theo cách thiêng liêng hơn, mỗi lần con tim các ngài quay hướng về Thiên Chúa : “Tôi nhớ đến Người, khi nằm giường, tôi gẫm suy về Người, lúc canh khuya, vì Người là sức phù trì cho tôi, dưới bóng cánh Người, tôi hò reo sung sướng” (Tv 63,7-8).[8] Trong số những khả năng của tinh thần con người, ký ức là một trong những khả năng nhiệm mầu nhất và lạ lùng nhất. Cứ nghĩ mà xem : tất cả những gì chúng ta đã thấy, đã nghe, đã nghĩ tưởng, đã làm từ khi còn thơ bé, đều được giữ trong cái “lòng dạ” bao la mà không có chỗ ấy, lại sẵn sàng thức dậy và nổi lên bề mặt tùy theo ý chí. Thánh Âutinh đã viết những trang rất đẹp về ký ức, mà ngài coi như là dấu chỉ và vết tích cũa Thiên Chúa Ba Ngôi : “To lớn thay năng khiếu ký ức, to lớn lắm, lạy Thiên Chúa của con ; đây là một thánh điện bí mật có một sự bao la không cùng … Ai có thể đi tới cùng khả năng này ? Có thể nói nó gây ra những cơn chóng mặt … Kể từ khi con biết Ngài, Ngài ở trong ký ức con và chính tại đó mà con gặp Ngài khi con nhớ lại mà vui hưởng Ngài”. [9] Thiên Chúa, Đấng mà các tầng trời cao thẳm không thể chứa nổi, lại chịu giam hãm trong đền thờ ký ức của con người! Động từ “nhớ lại” do tiếng la-tinh recordari, theo nguyên nghĩa là làm dâng lên trở lại (re) trong trái tim (cor). Chính vì thế, đây không chỉ là một hoạt động của trí thông minh, mà còn là một hoạt động của ý chí và con tim ; “nhớ lại”, chính là nghĩ tưởng đến với lòng yêu mến. Đức Giêsu minh nhiên gán cho Chúa Thánh Thần sự kiện chúng ta có thể nhớ đến Ngài (x. Ga 14,26).

Hoa trái thiêng liêng cỦa viỆc tưỞng niỆm Thánh Th

Việc tưởng niệm làm sống lại cụ thể kỷ niệm về Bữa Tối cuối cùng, và đưa chúng ta đến chỗ thán phục sáng kiến của Thiên Chúa nhằm đưa nhân loại đi vào sâu trong mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc. Việc tưởng niệm cũng tạo nên một sự gắn bó mạnh mẽ hơn với bản thân Đức Giêsu. Theo thánh Basiliô, khi Đức Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Ngài chỉ nhắm điều này : “Nhờ ăn thịt và uống máu Ngài, chúng ta luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài là Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta”. [10]

Đức Giêsu đã loan báo sức mạnh thu hút này trên mọi người : “Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (Ga 12,32). Trong buổi cử hành Thánh Thể, khi vang lên các lời : “Hãy làm sự này mà nhớ đến Ta”, thì sức thu hút ấy, phát xuất từ cái “tôi” của Đức Kitô, lại được bung ra trên toàn thế giới. Đấng Cứu thế đã được giương cao khỏi đất, lúc đầu đau đớn trên thập giá và sau thì trong vinh quang, qua cuộc Thăng Thiên, hai điều này đều được tưởng niệm trong Lễ Tế Tạ Ơn với mục tiêu là đảm bảo cho có sự lan tỏa rộng rãi hơn quyền lực của Đấng Cứu thế, Đấng đã đến để qui tụ nhân loại quanh Ngài.

Đến đây chúng ta lại trở về hiệp thông với Đức giáo hoàng trong tâm tình cảm mến Bí Tích Thánh Thể : “Đó là đức tin mà các thế hệ kitô hữu đã sống trải qua các thời đại. Niềm tin ấy, Huấn Quyền của Giáo Hội đã không ngừng nhắc đi nhắc lại với lòng tri ân hoan hỉ vì hồng ân vô giá này. Một lần nữa, tôi ước mong nêu lên lại chân lý ấy, bằng cách phục lạy tôn thờ Mầu Nhiệm này (…), Mầu Nhiệm vô biên, Mầu Nhiệm của lòng thương xót”. [11]

Hai tác phẩm tham khảo căn bản :

Cantalamessa, R., L’Eucaristia, nostra santificazione, Ancora, Milano 1987.

Commissione Teologico - Storica del Grande Giubileo dell’anno Duemila, Eucaristia sacramento di vita nuova, San Paolo, Milano 1999.


 



[1] GHTT số 11.

[2] GL 1363.

[3] GL 1364.

[4] Xem GHTT, 11.

[5] “Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ đến vua Đavít, và mọi công lao vất vả của người” (Bd CGKPV).

[6] “BT Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, hiện tại hóa và dâng tiến cách bí tích hy tế duy nhất của Người trong PV của Họâi Thánh là Thân Thể Người. Trong các KNTT, sau phần tường thuật lập bí tích Thánh Thể và phần hiến thánh, bao giờ cũng có một kinh Tưởng Niệm” (GL 1362).

[7] “Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài” (Bd CGKPV).

[8] “Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ, suốt năm canh thầm thĩ với Ngài. Quả thật Ngài đã thương trợ giúp, nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui” (Bd CGKPV).

[9] Confessioni X, 8.17.24.

[10] De bapt. I, 3.

[11] GHTT 11.


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà