CÔNG ĐỒNG VATICANÔ
VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Lm. Antôn Nguyễn Đức Khiết
NHẬP ĐỀ :
Công đồng Triđentinô (13.12.1545 - 4.12.1563) đã dành ba
khoá họp XIII, XXI và XXII để trình bày giáo lý đức tin về Bí tích Thánh Thể
trong bối cảnh chống lại Phong trào Cải cách.
Trong khóa họp XIII (11.10.1551), với “Sắc lệnh về
Bí tích Thánh Thể”, gồm 8 khoản, 11 điều luật, Công Đồng bàn về sự
hiện diện đích thực của Chúa Giêsu, [1]
về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích cực thánh [2]
như dấu chỉ tình yêu của Ngài và về Bí tích Thánh Thể với ba chiều kích : tưởng
niệm công trình cứu độ đã đuợc thực hiện trong quá khứ, thông ban ơn cứu độ
trong hiện tại (= nuôi dưỡng và thanh luyện linh hồn) và loan báo sự viên mãn
cánh chung (tương lai), về biến thể (Transsubstantiatio). [3]
Trong khóa họp XXII (17.9.1562), với “Sắc lệnh về Thánh Lễ”, gồm 9
khoản và 9 điều luật. Công Đồng bàn về việc thiết lập Hy tế Thánh Lễ [4]
và minh chứng Thánh Lễ là hy tế đích thực, dựa vào việc thiết lập Bí tích Thánh
Thể trong bữa Tiệc Ly. Hy tế Thánh Thể đã được thiết lập để “hiện tại hóa” hy
tế thập giá.
Cuối cùng, vì phong trào Cải Cách đề cao chức tư tế cộng
đồng đối chọi với chức tư tế thừa tác, cho nên trong khóa họp XXIII, Công đồng
buộc phải bênh vực chức tư tế thừa tác do Đức Kitô thiết lập. Tuy nhiên, phản
ứng này của Công đồng đã làm giảm nhẹ vai trò tham dự tích cực của các tín hữu
: họ chỉ được coi như là những người hưởng nhờ bí tích và trong Thánh Lễ, họ
chỉ tham dự với tư cách là những người “nghe Lễ”.
Công đồng Vaticanô II là một Công đồng mục vụ, khai mạc
ngày 11.10.1962 và bế mạc ngày 8.12.1965 với 4 khoá họp :
- Khoá
họp thứ nhất (11.10.1962 – 8.12.1962)
- Khoá
họp thứ hai (29.9.1963 – 4.12.1963)
- Khoá
họp thứ ba (14.9.1964 – 21.11-1964)
- Khoá
họp thứ tư (14.9.1965 – 8.12.1965)
Ngày 4.12.1963, ngày bế mạc long trọng khoá họp thứ hai,
Đức Giáo hoàng Phaolô VI công bố Hiến chế Phụng vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium). Ngày 25.1.1964,
Đức Phaolô VI ban Tự sắc Sacram Liturgiam công bố Hiến chế Phụng vụ
Thánh bắt đầu có hiệu lực và thành lập một Hội Đồng để thực thi Hiến
chế này.
Hiến chế về Phụng Vụ Thánh đã thổi một luồng gió
canh tân vào Giáo Hội. Công cuộc canh tân được đón nhận cách mau lẹ, nhất là
trên bình diện Phụng vụ. Hoa quả dễ thấy nhất của cuộc canh tân do Công đồng
Vaticanô II thực hiện là việc Đức giáo hoàng Phaolô VI công bố Sách Lễ Rôma năm
1970 và tiếp theo là các sách Nghi thức của từng Bí tích. Hiến chế về Phụng vụ
thánh đã đưa ra nguyên tắc cho việc canh tân này như sau :
“Mẹ Hội Thánh tha thiết mong ước toàn thể tín hữu được
hướng dẫn tham
dự các cuộc cử hành Phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và linh động. Do
chính bản tính Phụng vụ đòi hỏi việc tham dự như thế, lại nữa, nhờ Phép Rửa
Tội, việc tham dự Phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo,
là dòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là chủng tộc thánh thiện, là
dân được tuyển chọn” (1P 2,9). [5]
Từ nguyên tắc trên, Công Đồng đã đưa ra những chỉ
thị về canh tân Phụng vụ như sau :
“Trong việc canh tân này, phải tu chính các bản văn và các nghi lễ, làm
sao cho chúng diễn tả rõ ràng hơn những thực tại thánh mà chúng biểu thị, và để
các tin hữu có thể dễ dàng thấu triệt các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, cũng
như có thể tham dự bằng việc cử hành những nghi lễ ấy cách trọn vẹn, linh động
và cộng đồng”. [6]
Như vậy, trong việc canh tân Phụng vụ, hai việc làm cụ thể
mà Công đồng đòi hỏi là :
- Tu
chính các bản văn ;
- và tu
chính nghi lễ.
Để tu chính các bản văn, trước hết, Công đồng nói đến vai
trò của Thánh Kinh trong Phụng vụ :
“Để xúc tiến việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng
vụ, cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động, đã được
truyền thống khả kính của các nghi lễ Đông phương và Tây phương minh chứng”. [7]
“Trong các việc cử hành thánh, cần phải tu chính việc đọc
Thánh Kinh cho dồi dào hơn, thay đổi hơn và thích hợp hơn”. [8]
Mục đích của việc canh tân Phụng vụ là giúp tín hữu “tham dự
Phụng vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu”, [9]
do đó, Công đồng đã chấp thuận việc dùng tiếng bản quốc trong Phụng vụ. [10]
Còn đối với việc tu chính các nghi lễ, Công đồng đưa ra
những tiêu chuẩn :
“Các nghi lễ phải chiếu toả nét đơn sơ cao quý, trong
sáng, vắn gọn ; phải tránh những lập đi lập lại vô ích ; phải thích ứng với tầm
lãnh hội của các tín hữu, cách chung không cần nhiều lời giải thích”.[11]
Trên đây là những nét căn bản để canh tân Phụng vụ nói
chung. Riêng đối với Thánh Lễ, Công đồng đưa ra những chỉ thị cho việc canh tân
từ số 47-58 trong Hiến chế về Phụng vụ thánh, Chúng ta sẽ trình bày ở
phần II.
Công đồng Vaticanô
II không đưa ra một văn kiện riêng biệt nào về Bí tích Thánh Thể như Công Đồng
Triđentinô. Tuy nhiên, Công Đồng đã đặc biệt nói về bí tích Thánh Thể trong
Hiến chế về
Phụng vụ Thánh và rất nhiều nơi trong các văn kiện khác.
Công đồng Vaticanô II bàn về Thánh Thể dưới nhiều góc cạnh
khác nhau : thần học, phụng vụ, mục vụ và linh đạo.
Công Đồng Triđentinô đã tóm tắt nội dung của thần học về
bí tích Thánh Thể vào 3 đề tài : Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, Thánh Thể
được xét như là bí tích và Thánh Lễ là Hy tế. Về phương diện giáo lý, Công Đồng
Vaticanô II cũng không đi ra ngoài lược đồ “kinh viện” này. Tuy nhiên, Vaticanô
II đã ưu tiên suy nghĩ về mầu nhiệm Thánh Thể trong tương quan với Giáo Hội.
Bản chất hy tế của Thánh Lễ được Công Đồng Triđentinô long
trọng xác quyết, một lần nữa được tuyên xưng trong Công Đồng Vaticanô II, với
những lời rất có ý nghĩa sau đây :
"Trong bữa tiệc sau hết, vào đêm
bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu
Người, để nhờ đó, Hy Tế Thập Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại
đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh tưởng nhớ
sự chết và phục sinh của Người : đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây
bác ái, bữa tiệc Vượt Qua. Trong tiệc này, chúng ta nhận được Chúa Kitô làm của
ăn, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai".[12]
Đây là đoạn văn quan trọng tóm tắt thần học của Vaticanô
II về Thánh Thể. Hy tế Thánh Lễ do chính Chúa Giêsu thiết lập, để nhờ đó Hy tế
thập giá được hiện tại hoá qua các thời đại cho đến ngày tận thế. Bí tích Thánh
Thể được Chúa trao lại cho Giáo Hội để tưởng nhớ mầu nhiệm Vượt qua của Người.
Bí tích Thánh Thể là hồng ân tuyệt hảo nhất cho Giáo Hội, là bí tích tình yêu,
dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua. Công đồng nhấn mạnh nhiều
đến hiệu quả của việc lãnh nhận Mình Chúa như lương thực thiêng liêng, đem lại
cho những ai lãnh nhận tràn đầy ân sủng và niềm hy vọng vinh quang. Chiều kích
cánh chung của Thánh Thể cũng được đề cập đến trong đoạn văn này.
Như vậy, theo Vaticanô II, mỗi khi cử hành bí tích Thánh
Thể, Giáo Hội tưởng nhớ (Anamnèse) cuộc Vượt Qua của Đức Kitô ; lúc đó, cuộc Vượt
Qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Đức Kitô trên thập giá
chỉ dâng một lần là đủ và luôn sống động để đem lại ơn cứu độ. "Mỗi lần hy
tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, lúc đó Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của
chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện". [13]
Hy tế (Sacrifice) của Chúa Kitô và hy tế Thánh Lễ chỉ là một.
Lễ vật duy nhất là Đức Kitô, xưa chính Người dâng trên thập giá, nay được dâng
lên nhờ thừa tác vụ linh mục. Chỉ khác biệt ở cách dâng.[14]
Công đồng đã nói đến sự duy nhất và sự khác biệt này trong Sắc lệnh về chức vụ
và đời sống linh mục :
"Nhờ
thừa tác vụ của các linh mục, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được hoàn tất
vì kết hợp với hy tế của Đức Kitô, Đấng Trung Gian Duy Nhất. Nhân danh Hội
Thánh, hy tế này nhờ tay các linh mục được hiến dâng một cách bí tích và không
đổ máu, cho tới khi Chúa lại đến". [15]
Mầu nhiệm về sự hiện diện thực sự của Chúa dưới hình bánh
và hình rượu, đã được xác nhận trong Công Đồng Vaticanô II với cùng một ý nghĩa
và tư tưởng như đã được Công Đồng Triđentinô đặt thành tín điều.
Công đồng Vaticanô II đã nói đến các hình thức hiện diện
của Chúa trong Giáo Hội : “Người hiện diện trong các Bí tích nhờ quyền năng của
Người, vì thế ai rửa tội thì chính là Chúa Kitô rửa. Người hiện diện trong Lời
của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Hội Thánh.
Người hiện diện trong khi Hội Thánh cầu khẩn và hát Thánh vịnh, như chính Người
đã hứa : “Ở đâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa ho”
(Mt
18,2)”,[16]
nhưng cách hiện diện siêu vượt hơn hết là hiện diện trong Bí tích Thánh Thể :
“Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong
các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy Lễ, không những trong con
người thừa tác viên, vì “như xưa Người đã tự dâng mình trên thập giá, thì nay
chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục”,[17]
mà nhất
là hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể”. [18]
Công
đồng Triđentinô, vì phải chống lại Cải Cách, nên đã dồn mọi nỗ lực vào việc
chứng minh Thánh Lễ là một hy tế và mối liên hệ giữa hy tế thập giá và hy tế
Thánh Lễ. Công đồng Vaticanô II
ưu tiên nhấn mạnh đến chiều kích giáo hội của Thánh Thể. Thánh
Thể là lương thực cho Giáo Hội lữ hành. Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể. Thánh Thể
là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội. Thực vậy, Thánh Thể là “chóp
đỉnh” của hành trình gia nhập Kitô giáo (initiation chrétienne) nhưng cũng là chóp
đỉnh của hoạt động tông đồ, bởi vì hoạt động tông đồ giả thiết sự thuộc về Giáo
Hội. Thánh Thể cũng là “nguồn mạch” của mọi sinh hoạt trong đời sống Giáo Hội,
bởi vì Thánh Thể là lương thực cần thiết cho sự sống và sứ mạng của Giáo Hội. [19]
Theo Vaticanô II, Thánh Thể cũng biểu lộ bản chất của Giáo
Hội, một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, cả trên bình
diện Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương
“Trong phần đất mình, mỗi đoàn thể là dân tộc mới được
Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự viên mãn hoàn toàn (x. Tx
1,5). Nơi các đoàn thể đó, tín hữu được tụ họp lại nhờ sự rao giảng Phúc âm
Chúa Kitô và mầu nhiệm Tiệc thánh Chúa được cử hành, để “nhờ Thịt và Máu Chúa,
tất cả kết thành huynh đệ và thành một thân thể. Chúa Kitô vẫn hiện diện trong
các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ Thần lực
Người, Giáo Hội hiệp thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Bởi
vì “việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác hơn là
biến đổi chúng ta thành Đấng mà chúng ta nhận lãnh” (Thánh Inhaxiô thành Antiokia, Smyrna 8, 1)”. [20]
Trong số này, Công Đồng trích dẫn lời của thánh Inhaxiô
thành Antiokia về hiệu quả của việc lãnh nhận Thánh Thể là làm cho chúng ta
được biến đổi theo hình ảnh của Đức Kitô.
Qua việc tham dự vào cùng một tấm bánh và cùng một chén,
Bí tích Thánh Thể biểu lộ sự hiệp nhất trong Giáo Hội :
“Khi tham dự Thánh Lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả
đời sống Kitô giáo, các tín hữu dâng lên Thiên Chúa Lễ vật thần linh và cùng
với Lễ vật ấy, họ tự dâng chính mình họ. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ,
không phải cách hỗn độn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành
Phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong Thánh Lễ, họ
biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân
Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện
cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này”. [21]
Hiệu quả đầu tiên của việc hiệp lễ là
cho chúng ta được thông hiệp với Chúa Kitô, Đầu của Thân Thể Người là Giáo Hội.
Như thế, thuộc về Chúa Kitô để thuộc về Giáo Hội. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa
Kitô thúc đẩy chúng ta thực hành đức ái. Công đồng nói đến trách nhiệm hàng đầu
của giám mục giáo phận là giúp cho các tin hữu của mình hiểu, sống và diễn tả
mầu nhiệm Thánh Thể trong tình liên đới yêu thương :
“Vậy các ngài (giám mục) phải luôn luôn lo lắng cho các
Kitô hữu thấu hiểu và sống sâu xa hơn mầu nhiệm phục sinh thế nào, để nhờ Bí
tích Thánh Thể, họ tạo thành một thân thể liên kết rất chặt chẽ trong tình bác ái duy nhất của Chúa Kitô”.
[22]
Giám mục giáo phận là dấu chỉ hiệp
nhất của Giáo Hội địa phương, vì thế, việc ngài cử hành Thánh Thể cùng với cộng
đoàn giáo hội địa phương biểu hiệu rõ nét đức ái và sự hiệp nhất của Giáo Hội :
“Mỗi lần giám mục cử hành tác vụ thánh với cộng đoàn tụ
họp quanh bàn thờ, đó là biểu hiệu đức ái và sự hiệp nhất của nhiệm thể, và nếu
thiếu sự hiệp nhất đó, không thể có ơn cứu rỗi”. [23]
“Các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, thông ban và nuôi
dưỡng trong họ đức ái
đối với Thiên Chúa và đối với loài người ; nhân đức này là linh hồn của mọi
hoạt động tông đồ”. [24]
Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta vào trong tương quan hiệp
thông với Đức Kitô, nhưng dấu chỉ hữu hình của mối tương quan này được biểu lộ
qua sự hiệp thông giáo hội. Lãnh nhận Thân Mình Chúa Kitô (Corps sacramentel du Christ)
để trở nên chi thể của thân mình giáo hội của Người (Corps ecclesial du Christ) :
“Khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân thể
của Chúa, nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Người và với nhau. “Chúng
ta tuy nhiều, nhưng là một tấm bánh, một thân thể, vì hết thảy chúng ta cùng
thông phần vào một tấm bánh” (1Cr 10,17). Thế nên, tất cả chúng ta trở
thành chi thể của Thân thể ấy (x. 1Cr 12,27), “vì mỗi người là chi thể của
nhau” (Rm
12,5)”. [25]
“Phụng vụ, nhất là Lễ Tạ ơn, như là nguồn mạch từ đó ân
sủng tuôn tràn trong chúng ta và làm cho con người được thánh hoá trong Chúa
Kitô một cách vô cùng hữu hiệu, đồng thời Thiên Chúa được tôn vinh : đây cũng
là cứu cánh của mọi công việc khác của Giáo Hội”. [26]
Công Đồng xác tín rằng Bí tích Thánh Thể và lòng yêu mến
Lời Chúa chính là sự sống của Giáo Hội và cho Giáo Hội. Giáo Hội được tăng
triển là nhờ vào việc lãnh nhận Thánh Thể và đời sống thiêng liêng được đổi mới
là nhờ vào lòng yêu mến Lời Chúa :
“Nếu đời sống Giáo Hội được tăng triển nhờ năng lãnh nhận
Bí tích Thánh Thể thế nào, thì đời sống thiêng liêng cũng hy vọng có thể được
đổi mới như vậy nhờ thêm lòng sùng kính Lời Chúa, là “Lời hằng tồn tại muôn
đời” (Is
40,8 ; 1P
1,23-25)”. [27]
Trong số 17 của Hiến chế tín lý về Giáo Hội, Công Đồng nhấn
mạnh đến trách nhiệm của toàn thể Dân Chúa là góp phần loan báo Tin Mừng, nhưng
chỉ các tư tế mới hoàn tất việc xây dựng Nhiệm Thể Giáo Hội nhờ Thánh Thể, bởi
vì Thánh Thể hoàn tất hành trình gia nhập Kitô giáo
“Tuy bất cứ ai cũng có thể ban Phép Rửa cho những kẻ tin,
nhưng chỉ có linh mục mới hoàn tất xây dựng Nhiệm Thể bằng Hy lễ tạ ơn, làm
trọn lời Thiên Chúa đã phán qua miêng tiên tri : “Từ đông sang tây, Danh Ta sẽ
được lừng lẫy khắp muôn dân ; khắp nơi đều sát tế và dâng lễ vật thanh sạch
kính Danh Ta” (Ml 1,11)”. [28]
“Các công lao khó nhọc trong việc tông đồ, đều nhằm làm
cho mọi người trở nên con cái Thiên Chúa nhờ đức tin và Phép Rửa, cùng nhau quy
tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần hiến tế và ăn tiệc của Chúa”. [29]
"Tất cả những bí tích khác cũng như các thừa tác vụ
trong Giáo Hội và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và
qui hướng về đó. Thật vậy, Phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả của cải
thiêng liêng của Giáo Hội, đó là chính Chúa Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh
của chúng ta, Người là Bánh hằng sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính
Thịt của Người, thịt đã được sống động nhờ Thánh Thần và làm cho người ta được
sống. Như thế, Người mời gọi và dẫn đưa con người hiến dâng chính mình, dâng
những vất vả của mình và mọi tạo vật làm một với Người. Bởi vậy, bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và
tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Tin Mừng : trong khi
các người dự tòng được dẫn đưa dần dần đến việc tham dự bí tích Thánh Thể, thì
các tin hữu, những người đã mang ấn tích Rửa tội và Thêm sức, sẽ được kết hiệp
trọn vẹn với Thân thể Chúa Kitô, nhờ bí tích Thánh Thể". [30]
“Nhờ lời rao giảng và cử hành các bí tích, mà trung tâm và
tuyệt đỉnh là Bí tích Thánh Thể, hoạt động truyền giáo làm cho Chúa Kitô, Đấng
tác thành công trình cứu rỗi được hiện diện”. [31]
“Chính vì vậy mà Chúa đã sai các môn đệ đi khắp thế gian
rao giảng Phúc âm, để khi con người đã được tái sinh do Lời Thiên Chúa, được
gia nhập Giáo Hội nhờ Phép Rửa, một Giáo Hội với tư cách là thân thể của Ngôi
Lời nhập thể được nuôi dưỡng và sống động bằng Lời Chúa và bánh Thánh Thể”. [32]
Công đồng Vaticanô II mời gọi các tín hữu công giáo hãy
nhìn vào truyền thống Đông phương, một truyền thống rất mộ mến Thánh Thể :
“Mọi người đều thấy hiển nhiên là các tín hữu Đông phương
rất mộ mến cử hành Phụng vụ thánh, nhất là việc cử hành Bí tích Thánh Thể,
nguồn sống của Giáo Hội và đảm bảo vinh quang đời sau, nhờ đó, các tín hữu hiệp
nhất với giám mục được đến gần Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con Ngôi Lời nhập thể
đã chịu đau khổ và được hiển vinh, trong ân sủng tràn đầy của Chúa Thánh Thần,
họ được cùng thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh và ‘thông phần bản
tính Thiên Chúa’ (2P 1,4). Vì vậy, nhờ việc cử hành Thánh Thể trong từng Giáo
Hội ấy, Giáo Hội Thiên Chúa được xây dựng và phát triển, và sự hiệp thông giữa
các Giáo Hội ấy tỏ rõ qua việc đồng tế”. [33]
Đối với các cộng đoàn giáo hội thuộc
phong trào Cải Cách, Vaticanô II vẫn có cái nhìn tích cực về việc các cộng đoàn
này tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa trong Tiệc thánh và ước mong
Thánh Thể sẽ là đối tượng cho cuộc đối thoại đại kết :
“Những cộng đoàn Giáo Hội ly khai với chúng ta, mặc dù
không hiệp nhất đầy đủ với chúng ta như Phép Rửa tội đòi hỏi, và mặc dù chúng
ta tin họ không còn giữ được bản chất đích thực và nguyên vẹn của Mầu nhiệm
Thánh Thể, chủ yếu là vì thiếu Bí tích Truyền chức thánh, nhưng khi tưởng niệm
sự chết và sự sống lại của Chúa trong Tiệc Thánh, họ đã tuyên xưng rằng sự sống
chỉ có nghĩa nhờ hiệp thông với Chúa Kitô và họ mong đợi ngày trở lại vinh
quang của Người. Do đó, phải dùng giáo lý về Tiệc thánh của Chúa, về các Bí
tích khác, về việc phượng tự cũng như về các chức vụ của Giáo Hội làm đối tượng
cho cuộc đối thoại”. [34]
Trong
một kinh nguyện cổ, Giáo Hội ca tụng mầu nhiệm Thánh Thể như sau : "Ôi
Tiệc Thánh, Đức Kitô đã trở thành lương thực cho chúng ta ; tiệc tưởng niệm
cuộc khổ nạn của Người, ban cho ta hồng ân viên mãn và bảo chứng cho vinh quang
mai sau".
Trong
bữa Tiệc ly, Chúa hướng các môn đệ đến tiệc Vượt Qua viên mãn trong Nước Trời :
"Thầy bảo cho anh em biết : từ nay, Thầy sẽ không còn uống rượu nho này
nữa, cho đến ngày được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha
Thầy"(x. Mt 26,29 ; Lc 22,18 ; Mc 14,25). Mỗi lần cử hành
bí tích Thánh Thể, Giáo Hội nhớ lại lời hứa này và hướng về Đấng đang đến.
Trong kinh nguyện, Giáo Hội kêu cầu Người mau đến : "Maranatha" (1Cr
16,22), "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến" (Kh 22,20), "Ước gì trần
gian này mau qua đi và ân sủng Ngài đến" (x. Didaché 10,6).
Bí tích
Thánh Thể là bảo chứng chắc chắn và là dấu chỉ tỏ tường về niềm hy vọng một
Trời Mới Đất Mới, nơi đó công lý ngự trị (x. 2Pr 3,13). Mỗi khi cử hành
mầu nhiệm này, "công trình cứu độ chúng ta sẽ được thực hiện". [35]
Trong
Hiến chế mục vụ Vui mừng và Hy vọng, Công đồng đã nói đến chiều kích cánh
chung của Bí tích Thánh Thể : bảo chứng cho niềm hy vọng, lương thực đi đường,
bữa tiệc tiền dự vào Nước Trời :
“Chúa đã để lại cho những kẻ thuộc về
Người bảo chứng niềm hy vọng và lương thực đi đường trong bí tích đức tin ;
trong bí tích ấy, những yếu tố thế trần, kết quả của lao công con người được
biến thành Mình và Máu vinh hiển, nên bữa ăn hiệp thông huynh đệ và nếm hưởng
trước bữa tiệc trên trời”. [36]
Bí tích Thánh Thể vừa là lương thực cho đời sống đức tin
và đức ái của người tín hữu, vừa là bảo chứng cho niềm hy vọng được thông phần
vào sự phục sinh vinh hiển của Chúa Kitô :
“Người còn lấy chính Mình Máu Người
nuôi họ, cho họ tham dự vào cuộc sống vinh hiển của Người”. [37]
Bí tích Thánh Thể còn đưa ta vào hiệp thông với Giáo Hội
các thánh trên trời :
“Khi cử hành Hy tế tạ ơn, chúng ta kết hợp rất mật thiết
với việc thờ phượng của Giáo Hội trên trời, vì hiệp cùng Giáo Hội, chúng ta
kính nhớ trước hết Đức Maria vinh hiển, trọn đời đồng trinh, sau là thánh
Giuse, các thánh tông đồ và tử đạo cùng toàn thể các thánh” (x. Sách Lễ Rôma,
Lễ Quy)”. [38]
Phong trào canh tân Phụng vụ ao ước người tín hữu tham dự
tích cực vào đời sống phượng tự của Giáo Hội. Phong trào này là nguồn cảm hứng
cho công cuộc canh tân Phụng vụ của Vaticanô II. Cử hành Thánh Thể như thế nào
để sinh ích lợi cho tín hữu đó là mối bận tâm căn bản của Vaticanô II. Cụ thể
là phải duyệt lại Nghi thức Thánh Lễ :
“Vì vậy, để Hy tế Thánh Lễ, ngay cả nghi thức bên ngoài
thu đạt được hiệu năng mục vụ trọn vẹn, Thánh Công Đồng quyết định những điều
sau đây về Thánh Lễ cử hành có dân chúng tham dự, nhất là vào những ngày Chúa
Nhật và các ngày lễ buộc” : [39]
1. Phải canh tân Nghi thức Thánh Lễ để biểu lộ rõ ràng hơn
ý nghĩa riêng biệt của các phần cũng như mối tương quan của chúng, đồng thời để
việc tham dự của tín hữu tích cực hơn ; [40]
2. Để bàn tiệc Lời Chúa được phong phú hơn cho các tín
hữu, phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn, để trong một số năm ấn định đọc cho
dân chúng nghe phần quan trọng của Thánh Kinh ; [41]
3. Bài giảng được coi như thành phần của chính Phụng vụ.
Phải giảng trong các ngày Chúa nhật và lễ buộc có dân chúng tham dự ; [42]
4. Phải tái lập “Lời nguyện chung” hay “Lời nguyện tín
hữu” nhất là vào những ngày Chúa nhật và lễ buộc ; [43]
5. Tiếng bản xứ được phép dùng trong những Thánh Lễ cử
hành có đông giáo dân tham dự ; [44]
6. Rất đáng khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh Lễ hoàn
hảo hơn, bằng cách, sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Chúa trong
cùng một Hy lễ đó
Dù vẫn duy trì các nguyên tắc tin lý do Công đồng
Triđentinô quy định, nhưng có thể cho rước lễ dưới hai hình ; [45]
7. Thánh lễ gồm hai phần : Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ
Thánh thể, được liên kết chặt chẽ đến nỗi chỉ tạo thành "một hành vi phụng
thờ duy nhất". Do đó, Công đồng khuyến dụ các chủ chăn, trong khi dậy giáo
lý, phải nhiệt thành dậy dỗ các tín hữu biết tham dự trọn vẹn Thánh Lễ, nhất là
vào những ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc. [46]
Để hiểu được
tầm quan trọng lớn lao của những quyết định trên đây liên quan đến việc cử hành
Thánh Lễ, chúng ta nên đối chiếu những quyết định của Công đồng Vaticanô II với
những quyết định của Công đồng Triđentinô.
Vào thời buổi khó khăn, khi đức tin công giáo về bản chất
hy lễ của Thánh Lễ, về chức tư tế thừa tác, về sự hiện diện thực sự và liên tục
của Đức Kitô dưới hình bánh và hình rượu gặp nguy hiểm, thì mối bận tâm đầu
tiên của thánh Piô V, vị giáo hoàng công bố Sách Lễ Rôma năm 1570 là lo bảo tồn
truyền thống còn mới, đang bị tấn công nhiều mặt, bằng cách thay đổi rất ít
trong nghi thức thánh.
Công Đồng
Triđentinôâ đã nhận thấy ích lợi huấn giáo lớn lao trong việc cử hành Thánh Lễ,
nhưng chưa rút ra được từ đó tất cả các hiệu quả thực tiễn. Thật vậy, có nhiều
người đã xin Công Đồng cho phép dùng tiếng bản xứ khi cử hành Thánh Lễ. Nhưng
trước lời thỉnh cầu này, Công Đồng đã xét tới hoàn cảnh đáng lưu tâm lúc đó, mà
nghĩ rằng : nhiệm vụ của Công Đồng là nhấn mạnh một lần nữa đến giáo lý truyền
thống của Hội Thánh : hy lễ Thánh Thể, trước hết, là hành động của chính Chúa
Kitô, cho nên hiệu năng riêng của Thánh Lễ không bị ảnh hưởng do cung cách tham
dự của tín hữu. Bởi đó, Công Đồng đã dùng những lời vừa mạnh mẽ vừa đắn đo như
sau : “Mặc dầu Thánh Lễ có hàm chứa một nền giáo huấn phong phú cho giáo dân,
nhưng các nghị phụ nhận thấy là cử hành Thánh Lễ khắp nơi bằng tiếng bản xứ,
thì không có lợi”. [47]
Công Đồng đã lên án kẻ nào chủ trương rằng : “Phải lên án
nghi lễ Hội Thánh Rôma dạy đọc nhỏ tiếng phần Lễ Quy và lời truyền phép ; hoặc,
phải cử hành Thánh Lễ bằng tiếng bản xứ mà thôi”. [48]
Tuy
nhiên, một đàng Công Đồng cấm dùng tiếng bản xứ trong Thánh Lễ, một đàng lại
truyền cho các mục tử phải dùng lời giáo huấn thích hợp để thay thế : “Để đoàn
chiên Đức Kitô khỏi phải đói khát”. Công đồng truyền cho các mục tử và hết mọi
người có trách nhiệm coi sóc các linh hồn phải hoặc tự mình, hoặc nhờ người
khác, năng trình bày khi cử hành Thánh Lễ một vài điều trong những điều đọc trong Thánh Lễ, và trong số các mầu nhiệm, phải diễn
giảng một vài điều về mầu nhiệm hy lễ rất thánh này, nhất là trong các Chúa
Nhật và lễ trọng”. [49]
Trong khi đó, Công Đồng Vaticanô II được triệu tập để làm
cho Giáo Hội thích nghi với các nhu cầu của nhiệm vụ tông đồ trong thời đại
này, do đó Công Đồng nhìn nhận rằng : “Nhiều khi việc dùng tiếng bản xứ có thể
rất hữu ích cho dân chúng”, và đã cho phép dùng tiếng bản xứ. [50]
Quyết định trên đây đã được khắp nơi nồng nhiệt đón nhận,
vì nhờ đó, mầu nhiệm Thánh Lễ được am hiểu đầy đủ hơn.
Công Đồng Vaticanô II còn nhắn nhủ các chủ chăn phải diễn
giảng trong các ngày Chúa Nhật và lễ trọng, và
được phép xen ít lời nhắc bảo vào giữa các nghi lễ thánh.
Cũng với một tinh thần và nhiệt tâm mục vụ đó, Công Đồng
Vaticanô II đã có một lý do mới, để có thể cân nhắc quyết định của Công Đồng
Triđentinôâ về việc rước lễ dưới hai hình. Thật vậy, ngày nay, không còn ai
nghi ngờ những nguyên tắc giáo lý về hiệu lực rất đầy đủ của việc rước lễ dưới
một hình bánh, nên Công Đồng đã đôi khi cho phép được rước lễ dưới hai hình,
nghĩa là nhờ một hình thức biểu lộ dấu bí tích rõ ràng hơn, giáo dân có cơ hội
đặc biệt để hiểu sâu hơn mầu nhiệm họ tham dự.
Vì là một Công đồng mục vụ, cho nên khi bàn về Bí tích
Thánh Thể, Vaticanô II không dừng lại ở bình diện giáo lý, nhưng nhấn mạnh đến
chiều kích hiện sinh nghĩa là cần thiết phải có một sự găp gỡ giữa người lãnh
nhận với Đấng được lãnh nhận. Từ đó, ta thấy các Bí tích không chỉ là những
phương tiện khách quan để múc lấy ân sủng, nhưng là hành động cứu độ của Đức
Kitô trong từng cá nhân và trong Hội Thánh.
Cùng với chức tư tế thừa tác, Công đồng cũng đưa ra ánh
sáng một thực tại quan trọng khác, đó là chức tư tế vương giả của giáo dân.
Chức tư tế cộng đồng này đã bị lu mờ vào thời Công đồng Triđentinô, vì lý do
“chống Cải cách”.
Quan điểm giáo hội học của Công đồng Vaticanô II khởi đi
từ dân Thiên Chúa. Giáo Hội là dân Thiên Chúa, dân được chuộc về bằng giá máu
Đức Kitô, được Chúa quy tụ, được Lời Người nuôi dưỡng ; là dân được kêu gọi để
dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của toàn thể gia đình nhân loại, là dân hiến
dâng hy lễ của Đức Kitô, để trong Người mà tạ ơn về mầu nhiệm cứu độ ; và sau
hết, là dân liên kết với nhau nên một, nhờ thông phần Mình và Máu Đức Kitô. Dân
này, mặc dầu từ nguồn gốc đã là thánh, nhưng nhờ sự thông phần một cách có ý
thức, linh động và hữu hiệu vào mầu nhiệm Thánh Thể, sẽ không ngừng tiến triển
trên con đường thánh thiện.
Vaticanô
II khẳng định rõ ràng chỉ có một chức tư tế duy nhất, chức tư tế của Đức Kitô.
Tất cả dân Thiên Chúa đều tham dự vào chức
tư tế này nhờ việc xức dầu trong Bí tích Thánh Tẩy. Một đàng, Công đồng Vaticanô
II phân biệt rõ ràng “chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác
hay phẩm trật” vốn “khác nhau không chỉ về cấp bậc, mà còn về bản chất, đàng
khác nói lên sự bổ túc cho nhau, bởi vì cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy
nhất của Đức Kitô, theo cách thức riêng của mình”. [51]
Từ cái nhìn giáo hội học này, Công đồng Vaticanô II nói
rằng việc cử hành Thánh Lễ là việc của toàn thể Hội Thánh, trong đó mỗi người
chỉ làm và làm trọn công việc thuộc về mình, tùy theo cấp bậc của mình trong
dân Thiên Chúa.
Hiến chế Phụng vụ đã nói lên thao thức của Giáo Hội là
mong ước các tín hữu đến với Bí tích Thánh Thể bằng một đức tin sâu xa, một tấm
lòng yêu mến, biết ơn và dâng hiến :
“Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các kitô hữu đừng tham dự
vào mầu nhiệm đức tin ấy (Thánh Lễ) như những khách bàng quang, câm lặng, nhưng
nhờ hiểu thấu đáo mầu nhiệm ấy qua nghi lễ và kinh nguyện sao cho họ tham dự
hoạt động thánh cách ý thức, thành kính và linh động, cho họ được đào luyện bởi
Lời Chúa, được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa, biết tạ ơn Chúa ; trong khi dâng
lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập
dâng chính mình ; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô, Đấng Trung gian, họ được
tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên
Chúa trở nên mọi sự trong mọi người” [52].
Khi nhấn mạnh tới điều này, Công đồng Vaticanô đã trở về
với truyền thống của các giáo phụ, đặc biệt là với một số bản văn của thánh
Augustinô, luôn coi Bí tích Thánh Thể là Hy tế của “Đức Kitô toàn thể” (Le
Christ total) gồm Chúa Kitô là Đầu và Giáo Hội là Thân Thể của Người :
“Nhờ thừa tác vụ của các linh mục, hy tế thiêng liêng của
các tín hữu được hoàn tất vì kết hiệp với Hy tế của Chúa Kitô, Đấng Trung gian
duy nhất ; hy tế này nhờ tay các linh mục, nhân danh Giáo Hội, hiến dâng một
cách bí tích và không đổ máu trong bí tích Thánh Thể, cho tới khi Chúa lại đến.
Chính việc tế lễ này là điểm nhắm tới và hoàn tất của tác vụ linh mục. Thật
vậy, việc thi hành tác vụ của các ngài bắt đầu bằng việc rao giảng Phúc âm, múc
lấy sức mạnh và năng lực từ Hy tế của Đức Kitô và kết thúc bằng việc “hiến dâng
lên Thiên Chúa toàn thể thành đô được cứu rỗi, đó là cộng đoàn và xã hội các
Thánh, như một lễ vật của toàn dân, nhờ vị Linh mục thượng phẩm, cũng là Đấng
tự hiến trong cuộc Tử nạn vì chúng ta, để chúng ta trở nên Thân Thể của Người
là Đầu vô cùng cao cả” (x. thánh Augustinô, Thành đô Thiên Chúa 10, 6 : PL 41,284). [53]
Nét đặc sắc
của Công đồng Vaticanô II khi bàn về Thánh Thể là muốn gửi đến mọi thành phần
dân Chúa “một linh đạo thánh thể” phù hợp với từng cách sống.
“Không một cộng đoàn kitô hữu nào được thiết lập mà không
đặt nền tảng và trọng tâm vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể ; cho nên mọi nền
giáo dục về tinh thần cộng đoàn phải được bắt đầu từ đó”. [54]
“Trong khi hoàn thành công việc thánh hoá, các linh mục
quản xứ hãy lo lắng để việc cử hành Hy Tế Thánh Thể phải là trọng tâm và tuyệt
đỉnh của toàn thể đời sống cộng đoàn Kitô giáo”. [55]
“Nhờ Hiến Tế Thánh Thể, các cộng đoàn
tín hữu luôn được cùng Chúa Kitô hướng tới Chúa Cha”. [56]
“Việc lập lại giao ước của Chúa với con người trong Lễ Tạ
ơn nung nấu và lôi cuốn các tín hữu vào trong tình yêu nồng nàn của Chúa Kitô”.
[57]
“Vì thế, tiệc Thánh Thể là trung tâm tụ họp các tín hữu mà
linh mục là người chủ sự”. [58]
“Các chủng
sinh phải được chuẩn bị chu toàn tác vụ phụng vụ và thánh hoá, để thi hành công
cuộc cứu rỗi qua Hy tế Thánh Thể và các Bí tích, bằng lời cầu nguyện và nghiêm
chỉnh cử hành các nghi lễ phụng vụ”. [59]
“Phải dậy các chủng sinh biết tìm gặp Chúa Kitô trong việc
trung thành suy gẫm Lời Chúa, trong việc thông hiệp tích cực các Mầu nhiệm chí
thánh của Giáo Hội, nhất là Bí tích Thánh Thể và kinh nguyện thần vụ” (ĐT
8)
“Phải theo tinh thần của Giáo Hội, để đem hết tâm hồn,
miệng lưỡi chu toàn các lễ nghi Phụng vụ, nhất là mầu nhiệm Thánh Thể, lại phải
nuôi dưỡng đời sống tu đức bằng nguồn mạch phong phú ấy”. [60]
Nét đặc biệt làm nên đời sống tu trì,
đó là đời sống cộng đoàn. Vaticanô II xác tín rằng chính Thánh Thể nuôi dưỡng
đời sống huynh đệ cộng đoàn :
“Đời sống chung được nuôi dưỡng bằng giáo lý Phúc âm,
Phụng vụ thánh và nhất là bí tích Thánh Thể phải được duy trì trong lời cầu
nguyện, trong sự hiệp thông cùng một tinh thần (x. Cv 2, 42) theo gương Giáo
Hội sơ khai”. [61]
“Thật vậy, đức bác ái mục tử trước
hết phát xuất từ Hy Tế Thánh Thể ; do đó, Hy tế Thánh Thể là trung tâm và là
cội rễ của toàn thể đời sống linh mục ; cho nên linh mục phải cố
gắng sống thực trong tâm hồn điều mình đã làm trên bàn tế lễ”. [62]
Công đồng khuyến khích các linh mục dâng Thánh Lễ hàng
ngày, bởi vì các linh mục là cộng sự viên của ơn cứu độ :
“Công việc cứu chuộc chúng ta được liên tục thực hiện
trong mầu nhiệm Hy tế Thánh Thể, trong đó các linh mục chu toàn chức vụ trọng
yếu nhất của mình ; do đó, hết sức khuyến khích việc cử hành Thánh Lễ hằng
ngày, dù các tín hữu không thể tới dự, vì đó là hành động của Chúa Kitô và của
Giáo Hội”. [63]
Khi nói đến nhiệm vụ truyền giáo của các linh mục, Công
Đồng cho thấy nguồn gốc của chức linh mục có liên hệ mật thiết với Bí tích
Thánh Thể :
“Vì nhờ thừa tác vụ riêng của mình,
thừa tác vụ này cốt yếu hệ tại Bí tích Thánh Thể, bí tích kiện toàn Giáo Hội,
các linh mục thông hiệp với Đức Kitô là Đầu và dẫn đưa kẻ khác đến sự thông
hiệp này”. [64]
KẾT LUẬN
Công đồng Vaticanô II với bận tâm mục vụ đã đề cập đến Bí
tích Thánh Thể trong tương quan với mọi hoạt động của Giáo Hội. Từ đó, Công
đồng đưa ra những áp dụng mục vụ và linh đạo Thánh Thể trong cử hành phụng vụ,
đặc biệt là cử hành Thánh Lễ, trong tôn thờ chiêm niệm, trong lời rao giảng,
trong hoạt đông bác ái và loan báo Tin Mừng.
Mầu nhiệm Thánh Thể dường như thấm nhập vào trong tất cả
các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II. Nhưng có lẽ điều mà Công Đồng ước mong
hơn cả đó là mầu nhiệm Thánh Thể thấm nhập và toả chiếu trong đời sống và sứ
mạng của Giáo Hội cũng như của mọi thành phần Dân Chúa.
[1] DS 1636-1637
[2] DS 1638
[3] DS 1642
[4] DS 1739-1742
[5] PV 24
[6] PV 21
[7] PV 24
[8] PV 35
[9] PV 11
[10] PV 36
[11] PV 34
[12] PV 47
[13] GH 3
[14] Công đồng Triđentinô, khoá XXII, Giáo thuyết
về Hy Tế Thánh Lễ, ch. 2 : DS 1743
[15] LM 2
[16] PV 7
[17] Công Đồng Triđentinô, khoá XXII, Giáo thuyết
về Hy tế Thánh Lễ, ch. 8
[18] PV 7
[19] PV 10
[20] GH 26, đ. 1
[21] GH 11, đ. 1
[22] GM 15, đ. 2
[23] GH 26
[24] GH 33, đ. 2
[25] GH 7, đ. 2
[26] PV 10, đ. 2
[27] MK 26
[28] GH 17
[29] PV 10, đ. 1
[30] LM 5, đ. 2
[31] TG 9, đ. 2
[32] TG 6, đ. 3
[33] HN 15, đ. 1
[34] HN 22
[35] GH 3
[36] MV 38, đ. 2
[37] GH 48
[38] GH 50, đ. 4
[39] PV 49
[40] PV 50
[41] PV 51
[42] PV 52
[43] PV 53
[44] PV 54
[45] PV 55
[46] PV 56
[47] Công đồng Triđentinô, khoá XXII, Giáo thuyết
về Hy tế Thánh Lễ, ch. 8 : DS 1749.
[48] Ibidem, ch. 9 : DS 1759
[49] Ibidem, ch. 8 : DS 1749
[50] PV 36
[51] GH 10
[52] PV 48
[53] LM 2, đ. 4
[54] LM 6, đ. 5
[55] GM 30, đ. 6
[56] TG 15, đ. 2
[57] PV 10, đ. 2
[58] LM 5, đ. 3
[59] ĐT 4
[60] DT 6, đ. 2
[61] DT 15
[62] LM 14, đ. 2
[63] LM 13, đ. 3
[64] TG 39