PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

 

Lm. Micae Trần Đình Quảng

 

(L’Eucharistie : source et sommet de la vie et de la Mission de l’Eglise – Lineamenta, ch.IV)

 

Trọng tâm của Phụng Vụ vũ trụ (s. 29)

- “Phụng Vụ có tính chất phổ quát và có thể nói là tính chất vũ trụ, vì là mối dây nối kết trời đất, bao gồm và thấm nhập toàn thể thụ tạo” (GHTT 8)

- Trọng tâm của Phụng Vụ này là Đức Kitô. Việc Ngài Nhập Thể và Thăng Thiên làm cho trời và đất có thể liên lạc với nhau. Ngài là catholicus Patris sacerdos (Tertullianô) là Chủ Tế vĩ đại, là Tư Tế tối cao, đưa sự sống và ơn cứu độ từ trời cho tạo vật dưới đất. Sự hiện diện của Ngài giữa các tín hữu tụ họp lại bất cứ ở đâu, để cử hành Thánh Thể, làm cho đất trở thành trời.

Những yếu tố chính của cử hành Thánh Thể (ss. 30-31)

- Những yếu tố chủ chốt là thừa tác viên, người lãnh nhận và cử chỉ hữu hình. Thừa tác viên là linh mục. Người lãnh nhận là người đã được rửa tội, có lòng ngay và tâm hồn xứng đáng. Về cử chỉ hữu hình : cần có bánh và rượu (nước không cần thiết để cử chỉ thành sự), với lời đọc chủ yếu và cần thiết là lời truyền phép.

- Thánh lễ đồng tế biểu lộ sâu sắc sự duy nhất của chức tư tế, của lễ vật và của dân Chúa, phải được quy định bằng những quy tắc rõ ràng và chính xác.

- Không chấp nhận các sáng tạo cá nhân tuỳ hứng, các giải thích sai lạc, các chỉ trích về những gì hợp pháp.

Hành vi thống hối (s. 32)

- Đây là hành vi riêng cho Nghi Lễ Rôma : thừa nhận mình là tội nhân, thống hối nội tâm, muốn được Thiên Chúa và các anh chị em tha thứ. Đây không phải là xét mình.

- Hành vi này kết thúc bằng việc kêu cầu Chúa thương xót.

Lời Chúa và kinh Tin Kính (s. 33)

- Cùng với lương thực Thánh Thể là lương thực lời Chúa được ban cho ta. Nội dung chủ yếu của lời Chúa là chính Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã đến thế gian để mạc khải cho ta biết Thiên Chúa và để ban cho ta lương thực không hư nát.

- Dân Chúa đáp lại lời mạc khải này bằng việc tuyên xưng đức tin qua kinh Tin Kính. Kinh này không thể thêm thắt hay thay đổi, là một trong những dây liên kết cần thiết cho phép đến gần Thánh Thể.

Chuẩn bị lễ phẩm (s. 34)

- Trong Nghi Lễ Rôma, việc chuẩn bị lễ phẩm khởi đầu cho Phụng Vụ Thánh Thể. Ngoài bánh và rượu, có thể dâng những lễ phẩm khác dành cho công việc bác ái, từ thiện. Việc dâng những lễ phẩm này nhấn mạnh dây liên kết vững chắc giữ Thánh Thể và lệnh truyền yêu thương.

- Chỉ có bánh và rượu được đặt trên bàn thờ, để tỏ lòng tôn kính đối với những yếu tố sẽ trở thành Mình Máu Chúa.

Kinh Nguyện Thánh Thể (ss. 35-36)

- Kinh Nguyện Thánh Thể khởi đầu bằng lời kêu gọi: “Hãy nâng tâm hồn lên”, “hướng về Chúa với lòng kính sợ và xúc cảm” (Constitutions apostoliques). Theo thánh Gioan Kim Khẩu, “mỗi người, khi gạt khỏi tâm trí mọi ý tưởng trần tục, và đưa mình hoàn toàn lên trời như thể đang cùng với các thiên thần Sêraphim bay đến cạnh ngai toà vinh quang, hãy xướng lên thánh thi chúc tụng Thiên Chúa vinh quang cao vời”. Hành vi trên đây được biểu thị bằng từ anafora (kinh thượng tiến, nghĩa đen là hành vi của các tín hữu nâng tâm hồn lên), một từ được Phụng vụ Đông Phương sử dụng để chỉ Kinh Nguyện Thánh Thể.

- Đáp lại lời mời gọi của chủ sự, các tín hữu cùng nhau thưa : “Thật là chính đáng”. Thánh Gioan Kim Khẩu nhận xét : “Tạ ơn là việc làm của cộng đồng. Không chỉ có linh mục tạ ơn, nhưng là toàn thể dân chúng. Linh mục mở đầu và tiếp ngay sau là các tín hữu nói lên sự tán thành của họ : ‘Thật là chính đáng’. Chỉ khi đó linh mục mới bắt đầu tạ ơn”. Điều này cho thấy cả dân Chúa đang tham dự và cùng tiến về Giáo Hội thiên quốc, mà tột đỉnh là bài ca Thánh, Thánh Thánh.

- Bằng lời tung hô Amen sau vinh tụng ca kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể, các tín hữu làm cho mọi lời linh mục nói thành của mình.

Việc lập phép Thánh Thể (s. 37)

- Hôm trước ngày khổ nạn, Chúa cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra… và nói với các Tông Đồ. Trong Bữa Tiệc Ly, các ông biểu thị cho cả Giáo Hội. Lời Chúa ra lệnh cho các ông “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” qui về toàn bộ hành vi tạ ơn. Đỉnh điểm của hành vi này là việc bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa, và tin vào lời Ngài.

- Ngay từ đầu, Giáo Hội đã làm như Chúa truyền, nhưng thực hiện các hành vi (chuẩn bị lễ phẩm, truyền phép, bẻ bánh, cho rước lễ) tách rời nhau và liên tiếp nhau, để suy niệm và đào sâu ý nghĩa của từng hành vi. Vì vậy, chẳng hạn sau lời đọc : “Tất cả các con cầm lấy mà ăn”, không có chuyện bẻ bánh và rước lễ ngay. Ngược lại, vào lúc này mà Hy Tế bí tích được thực hiện, linh mục cúi đầu, đọc chậm rãi và rõ ràng lời của Chúa, tạo thuận lợi cho việc chiêm niệm, giúp “cho các tín hữu cảm thấy sự hiện diện sống động của Đức Kitô” (QC 93).

Lời cầu xin Chúa Thánh Thần (Epiclesis) (s. 38)

- Trong những thế kỷ đầu, Giáo Hội đã đọc lời kinh này trước lúc truyền phép, khẩn cầu Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống thánh hoá lễ vật, biến bánh rượu thành Mình Máu Chúa Kitô. Nền tảng của kinh này là chính lời Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần, sau khi đã lập phép Thánh Thể (x. Ga 14,26 ; 15,26 ; 16,14). Khoảng giữa thế kỷ IV và V, kinh này được đề nghị đọc khi có những cuộc tranh luận về thần tính của Chúa Thánh Thần.

- Các Giáo Phụ đã khẳng định tầm quan trọng của kinh này, muốn liên kết nó với những lời truyền phép, để dấu chỉ bí tích có thể được thực hiện. Tuy nhiên, theo Công Đồng Trentô, kinh này không cần thiết để bí tích Thánh Thể thành sự. Là vì, như thánh Giêronimô lưu ý, “bí tích mà bạn lãnh nhận được thực hiện qua những lời của Đức Kitô… Thế mà, lời của Đức Kitô đã tác tạo từ hư vô cái đã chưa có, lại không thể biến đổi những sự vật đang có thành những cái đã không có sao ? Quả thực, ban sự sống cho các sự vật thì cũng khó như biến đổi chúng thành những sự vật khác”

Giáo Hội của các thánh trong Thánh Thể (s. 39)

- Trong Phụng vụ, Giáo Hội nhớ đến các thánh trên trời, những người, khi còn sống, đã cố gắng làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa, và giờ đây “được liên kết với Chúa Kitô trong một sự kết hợp thánh và ở bên ngoài thế gian” (Denys l’Aréopagite). Trong số các thánh, Giáo Hội tiên vàn nhớ đến Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Trong Thánh Lễ, chúng ta không những tôn kính các thánh – điều này không xúc phạm đến việc phụng thờ dâng lên Chúa - mà còn nhờ các ngài cầu bầu và can thiệp cho ta. “Những lời cầu bầu cho thấy Hy Lễ Tạ Ơn được cử hành trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, cả trần gian lẫn thiên quốc” (QC 79g)

- Giáo Hội cũng nhớ đến những người đã qua đời, vì Chúa Kitô ban mình cho họ “bằng một cách thức chỉ có mình Ngài biết” (Cabasilas). Theo thánh Gioan Kim Khẩu, nếu tình trạng của những người này là tình trạng thanh luyện, thì họ nhận được một ơn không kém ơn của những người còn sống, là những người giúp họ có được ơn tha thứ những tội lỗi của họ.

Chuẩn bị rước lễ (ss. 40-42)

- Chúa muốn biến đổi mình thành lương thực nuôi sống con người. Một trong những biểu tượng truyền thống về lương thực này, được thấy trong một tài liệu cổ có từ thế kỷ II, là con cá. Một biểu tượng khác là chim bồ nông. “Pie pellicane Iesu Domine”, thánh Tôma đã xướng lên như vậy trong Thánh thi Adoro Te devote. Chúa là “bánh từ trời xuống” (Ga 6,41). Thịt Ngài là của ăn thật, Máu Ngài là của uống thật (Ga 6,55). Sự hiệp thông Thánh Thể nuôi dưỡng sự hiệp thông Giáo Hội, sự hiệp thông các thánh. Quả thực, “vì chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều người cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17).

- Thánh Thể là bữa tiệc vượt qua của Con Chiên bị sát tế. Thế nên, các tín hữu đã được chuẩn bị như nghi thức ấn định, nên rước lễ để tham dự đầy đủ vào Thánh Lễ. Không cho những người có tội nặng rước lễ. Điều này được chứng thực bằng chính những lời lúc lập phép Thánh Thể cũng như bằng những anaphore cổ xưa. Việc rước lễ là thành phần của diễn tiến hy tế, nhưng không phải là thành phần chủ yếu (CĐ Trentô). Bởi vậy, có thể tham dự Thánh lễ cách thành sự dù không rước lễ. Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh rằng không thể có tham dự đầy đủ nếu không có sự chuẩn bị đúng đắn.

- Có những nghi thức giúp cho sự chuẩn bị này :

a.       Kinh Lạy Cha

Khi đọc kinh này, “chúng ta xin Chúa ban bánh hằng ngày, bánh này đối với kitô hữu còn ám chỉ bánh Thánh Thể ; lại xin Chúa thanh tẩy tâm hồn cho khỏi mọi tội lỗi, hầu của thánh được thực sự ban cho những người thánh” (QC 81). Khi xin Chúa tha thứ, ta cũng xin cho mình biết tha thứ, để ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện nơi ta, và ta được trở nên xứng đáng lãnh nhận Bí Tích.

Nghi thức chúc bình an

Thánh Thể ban bình an và ơn cứu độ là chính Đức Kitô (Ep 2,13-17). Thánh Thể là dây liên kết bình an (Ep 4,3). Sự bình an là danh xưng mà các kitô hữu tiên khởi đã gán cho Thánh Thể, vì nó có nghĩa là quy tụ, vượt qua những rào cản, giúp con người lại hiệp nhất với nhau.

Các tín hữu trước hết cầu xin Chúa ban bình an. Cầu xin như vậy cũng là cầu xin Đức Kitô đến, vì Ngài là sự bình an. “Người nào tìm kiếm sự bình an thì tìm kiếm Đức Kitô, vì Ngài là sự bình an” (Basiliô). Lời cầu xin trên đây cũng là lời cầu xin cho sự hiệp nhất Giáo Hội, cho gia đình nhân loại.

Cử chỉ chúc bình an được sách Constitutions apostoliques mô tả như sau : “Các thành viên thuộc hàng giáo sĩ hãy chào chúc giám mục, còn trong giáo dân thì đàn ông chào chúc đàn ông, đàn bà chào chúc đàn bà”. Nghi thức không buộc phải làm cử chỉ. Khi làm thì, theo Phụng Vụ Rôma, làm với những người gần nhất, tránh rời chỗ và gây chia trí.

Bẻ bánh và hoà bánh vào rượu

Việc bẻ bánh muốn nói lên rằng chúng ta tuy nhiều, nhưng khi hiệp thông vào tấm bánh bẻ ra, chúng ta làm nên một thân thể. Thánh Gioan Kim Khẩu nói : “Điều mà Đức Kitô đã không phải chịu trên thập giá, thì Ngài lại chịu trong hy lễ vì bạn, và Ngài chấp nhận bị bẻ ra để có thể làm cho mọi người được no thoả”. Nhưng, dù bị bẻ ra, Đức Kitô vẫn không bị chia xẻ. Mỗi mẩu bánh thánh đều là tất cả Đức Kitô.

Việc bỏ mẩu bánh nhỏ vào rượu, tuy là một cử chỉ đơn giản, nhưng có ý nghĩa lớn lao, ca ngợi công trình của Thần Khí, từ lúc Chúa nhập thể cho tới lúc Ngài phục sinh. Phụng vụ byzantin cắt nghĩa cử chỉ này như một sự “viên mãn của Chúa Thánh Thần”.

Chuẩn bị cá nhân 

Do linh mục làm riêng, bằng một lời kinh đọc thầm và một giây lát thinh lặng. Các tín hữu cũng theo gương đó mà chuẩn bị.

Rước lễ (ss. 43-44)

- Linh mục giơ cao Mình Thánh như Thân xác Đức Kitô được đưa lên cao trên thập giá (Jean Damascène) và, theo phụng vụ la tinh, ngài đọc : “Đây Chiên Thiên Chúa…”, còn theo phụng vụ byzantin, ngài đọc : “của thánh dành cho những người thánh”. Ngài không mời gọi mọi người, nhưng chỉ mời gọi những ai xứng đáng, kể cả những người đang cố gắng vươn tới sự hoàn hảo (Cabasilas). Theo phụng vụ Roma, sau lời đọc trên đây, linh mục cùng với các tín hữu đọc chung câu : “Lạy Chúa, con chẳng đáng…” “để bày tỏ lòng khiêm nhường” (QC 84).

- Theo các nguồn tài liệu cổ, người ta coi hiệp lễ là lãnh nhận Hồng ân, với thái độ tôn thờ. Bởi vậy, trước khi lên rước lễ, khuyên các tín hữu có lòng tôn sùng thật sự.

- Cuối cùng, qua lời nguyện hiệp lễ, linh mục cầu xin cho mầu nhiệm đã cử hành được sinh hoa kết quả, vì đây là mục tiêu mà Thánh Lễ nhằm tới (QC 17.89)

 


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà