HiẾn chẾ “Dei Verbum”,
40 năm nhìn lẠi

 

Lm. Giuse Võ Đức Minh

 

Đối với Dân Chúa và đối với lịch sử hình thành của Thánh Kinh, 40 năm chỉ là một khoảnh khắc ; nhưng là một khoảnh khắc có tính lịch sử rất quan trọng. Con số 40 trong Thánh Kinh và trong lịch sử Dân Chúa có một trùng hợp thật thú vị : 40 năm Dân Chúa thực hiện cuộc hành trình sa mạc, cuộc hành trình khiến họ gặp gỡ Thiên Chúa tại núi Sinai để trở nên Dân riêng của Thiên Chúa, cuộc hành trình mà sau này các Tiên tri luôn nhắc tới và mời gọi Dân Chúa đừng bao giờ quên như là thời gian của “mối tình đầu” ; con số 40 còn gợi lên cho chúng ta thời gian 40 ngày Chúa Giêsu ở trong hoang địa để cầu nguyện và chịu thử thách trước khi công khai thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng ; ngoài ra, Thánh Kinh cũng ghi lại thời gian 40 ngày Chúa Kitô phục sinh khai mở tâm trí các Tông đồ, chuẩn bị cho họ lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần, trước khi Ngài lên trời vinh hiển.

Do đó, thật là ý nghĩa, khi chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường 40 năm sau khi Công đồng Vatican II công bố Hiến chế tín lý về Mặc khải “Dei Verbum”.

40 năm trôi qua, nhìn lại thành quả của Dei Verbum trong mối tương quan với Công đồng Vatican II, chúng ta có thể nói Công đồng Vatican II là “Công đồng của Thánh Kinh”. Đây là nhận định của Đức Cha John Onaiyekan, Tổng Giám Mục Abuja, Nigeria, trình bày tại Hội nghị Thánh Kinh Quốc tế vừa qua tại Roma, từ ngày 14.9.2005 đến 18.9.2005, do Hội Đồng Giáo Hoàng cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô hữu và Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh tổ chức, để đánh dấu 40 năm Công đồng Vatican II công bố Hiến chế tín lý về Mặc Khải “Dei Verbum”. Chúng ta nhớ lại : Đức Thánh Cha Gioan XXIII triệu tập và khai mạc Công đồng Vatican II. Ngài dùng một hình ảnh thật sống động để nói về Công đồng : “Cha muốn mở rộng cánh cửa sổ của tòa nhà Hội Thánh cho làn gió mát thổi vào” ; và ngay từ khóa họp đầu tiên cũng chính Ngài muốn các Nghị phụ bàn về Thánh Kinh, để có thể dùng Lời Chúa soi dẫn cho các khóa họp Công đồng ; Ngài còn cho đặt cuốn Thánh Kinh ngay tại trung tâm Đền thờ Thánh Phêrô, nơi các Nghị phụ hội họp và cử hành các Nghi lễ trong suốt thời gian các khóa họp Công đồng. Rồi, như Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô hữu, trong Hội nghị vừa qua tại Roma, đã nói : “Sấm sét đã nổ ra ngay từ buổi đầu tại Hội trường, khi các Nghị phụ trao đổi ý kiến về bản Dự thảo Văn kiện về Thánh Kinh”. Bản Dự thảo đó đã bị đa số Nghị phụ phủ quyết ; nhưng lại không hội đủ hai phần ba số phiếu phủ quyết, như luật định ; do đó, chính Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã phải trực tiếp can thiệp, bằng cách lập ra một Ủy Ban hỗn hợp do hai Đức Hồng Y đại diện cho hai lập trường đối nghịch nhau là Đức Ottaviani và Đức Bea làm đồng trưởng ban ; Ủy Ban này có nhiệm vụ bổ sung, soạn thảo lại Dự thảo Văn kiện về Thánh Kinh để trình các Nghị phụ. Các Ngài tiếp tục cầu nguyện, suy nghĩ, thảo luận, trao đổi với nhau, trong Khóa họp thứ nhất, rồi Khóa họp thứ hai, sang Khóa họp thứ ba, mãi đến Khóa họp thứ tư, trước khi kết thúc Công đồng ; chính Đức Thánh Cha Phaolô VI, Đấng kế vị Đức Gioan XXIII, góp thêm một số ý kiến bổ sung, để các Nghị phụ bỏ phiếu với kết quả thật lạ lùng : 2344 phiếu thuận và 6 phiếu chống. Đức Phaolô VI cùng các Nghị phụ Công đồng đã long trọng công bố Hiến chế tín lý về Mặc khải “Dei Verbum” ngày 18.11.1965. Đức Hồng Y Walter Kasper nhận định : “Tiếng sấm sét buổi ban đầu” nhường chỗ cho bầu khí hân hoan, an bình, vui mừng và hy vọng, khi Công đồng lên tiếng khai mở Hiến chế Dei Verbum : “Trong niềm thành kính lắng nghe và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa, Thánh Công đồng lặp lại lời Thánh Gioan : “Chúng tôi loan truyền cho anh em sự sống đời đời, đã có nơi Chúa Cha và đã hiện đến với chúng tôi : điều chúng tôi đã thấy, đã nghe, chúng tôi loan truyền cho anh em, để anh em cũng được hiệp nhất với chúng tôi và chúng tôi hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con Ngài” (1Ga 1,2-3) (Dei Verbum religiose audiens et fidenter proclamans, Sacrosancta Synodus…). Lắng nghe với thái độ thành kính, vì Lời Thiên Chúa là Lời hằng sống ; tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa, vì đây là sứ điệp cứu độ.

Những lời đầu tiên khai mở Hiến chế tín lý về Mặc Khải của Công đồng đã thể hiện ý tưởng nòng cốt của tòan thể văn kiện, giúp chúng ta đi sâu vào việc tìm hiểu những gì Công đồng muốn nói về mối tương quan của Lời Chúa trong đời sống của Hội Thánh.

Thêm vào đó, nhờ lời tuyên xưng này, Công đồng cho chúng ta hiểu ơn gọi và sứ mạng của Hội Thánh là “lắng nghe Lời Thiên Chúa trong niềm thành kính” “tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa”. Đây chính là khẳng định của Công đồng về vai trò ưu việt của Lời Thiên Chúa trên mọi lời nói và hành động của Hội Thánh, trong tư cách là Dân Thiên Chúa. Hội Thánh thể hiện đúng ơn gọi của mình, khi Hội Thánh “thành kính lắng nghe Lời Thiên Chúa” ; và càng thành kính lắng nghe, thì Hội Thánh mới “tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa”.

Trong dịp tiếp các thành viên tham dự Hội nghị về Thánh Kinh, kỷ niệm 40 năm “Dei Verbum”, tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã nói : “Chỉ người nào biết đặt mình trước hết vào thái độ lắng nghe lời Thiên Chúa, thì mới có thể loan báo Lời Thiên Chúa ; vì người ta không dạy bảo sự khôn ngoan của mình, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

I.  MỘt thoáng nhìn lẠi bỐi cẢnh
cỦa Giáo HÔi trưỚc Công ĐỒng.

Thật vậy, đại đa số linh mục, tu sĩ và giáo dân chúng ta đều thuộc thế hệ sau Công đồng Vatican II. Do đó, cần nhìn lại bối cảnh của Hội Thánh trước Công đồng Vatican II, chúng ta mới thấy rõ hơn ảnh hưởng của Dei Verbum đối với Hội Thánh ; để rồi càng xác tín hơn Công đồng Vatican II quả thật là Công đồng của Thánh Kinh. Đức Hồng Y Carlo Maria Martini SJ., nguyên Tổng Giám Mục Milanô, nguyên Viện trưởng, Giáo sư tại Học Viện Giáo Hoàng Thánh Kinh ở Rôma, và là bậc thầy nổi tiếng về Thánh Kinh trên thế giới, đã trích một nhận xét của Paul Claudel nói về người tín hữu trong Hội Thánh cho đến đầu thế kỷ thứ
XX : “họ đã có một sự tôn kính Thánh Kinh cho đến độ họ sống xa cách Lời Chúa”. Người Việt Nam chúng ta thường gọi là thái độ “Kính nhi viễn chi”.[1] Lời nhận định này có vẻ thái quá, nhưng thể hiện khá đúng thực trạng của người tín hữu Kitô, cách riêng là hàng ngũ giáo dân. Ngay bên xã hội Tây Phương, một xã hội có gốc rễ là Kitô giáo, thì phải nhìn nhận rằng, một trong những rào cản là tình trạng mù chữ của đại đa số dân chúng, mãi cho đến thế kỷ XVIII ; thêm vào đó, thái độ của thẩm quyền trong Giáo Hội không muốn cho người giáo dân đọc Thánh Kinh ! Thái độ này hình như phát xuất từ phản ứng chống lại Phong trào cải cách của Thệ phản, cũng như chống lại một số trào lưu từ thời Trung Cổ khuyến khích giáo dân tiếp xúc nhiều hơn với Thánh Kinh để nhằm mục đích đẩy người giáo dân thoát ly ra khỏi khung cảnh đời sống nền nếp của Giáo Hội ! Thêm vào đó, một số quyết định của Giáo quyền hạn chế giáo dân tiếp cận với Thánh Kinh, như Công đồng miền Tôlêđô năm 1229, trong thời gian Giáo Hội phải chiến đấu chống lại bè rối Albigeois ; hay như một số hạn chế khác tại các Giáo Hội ở Anh, ở Pháp, và một số nơi khác.Vào năm 1559, Đức Thánh Cha Phaolô IV và vào năm 1564, Đức Thánh Cha Piô IV đã công bố danh sách liệt kê một số sách bị cấm lưu hành (Index), thì các Ngài cũng cấm in ấn và lưu giữ những sách Thánh Kinh được dịch ra tiếng bản xứ, ngọai trừ có phép đặc biệt. Như vậy, hàng ngũ giáo dân thời bấy giờ chắc chắn không thể tiếp xúc với sách Thánh Kinh trong ngôn ngữ địa phương. Thời gian ấy, chỉ có bản văn Thánh Kinh bằng tiếng latin (Bản Vulgata = Bản Phổ thông) được phép lưu hành mà thôi. Ngay tại nước Italia, phải chờ đến năm 1700 mới có bản dịch Thánh Kinh ra tiếng Ý của Antonio Martini để phổ biến cho người Công Giáo. Đến năm 1757, tại Italia, mới có phép của Giáo quyền để dịch bản Latin Vulgata ra tiếng bản xứ ; và phải được Giáo quyền chuẩn ấn (Imprimatur), cùng phải kèm theo những ghi chú, giải thích cụ thể. Mãi đến đầu thế kỷ XX, tại nước Italia, mới xuất hiện những bản dịch Thánh Kinh từ nguyên bản Do Thái, Hy Lạp, do những người Công Giáo thực hiện.

Tại Việt Nam chúng ta, trước khi Dei Verbum ra đời, đã có 2 bản dịch Thánh Kinh trọn bộ do các tác giả Công Giáo thực hiện ; đó là bản dịch Thánh Kinh của Cố Chính Linh, xuất bản năm 1913 và bản phỏng dịch Thánh Kinh của Cha Gérard Gagnon CSSR vào năm 1963.

Ở đây, chúng ta còn phải gợi lên một sự kiện này – dầu không nói ra, nhưng vẫn ảnh hưởng đến những sinh hoạt trong Giáo Hội cách chung trước Công đồng Vatican II – đó là bầu khí và tâm lý lo sợ, dè dặt đối với các Phong trào cổ võ học Thánh Kinh. Biết bao nhiêu học giả tiên phong trong lãnh vực này, đặc biệt từ khoảng thời gian sau đệ nhất thế chiến 1914-1918 ; họ ước mong Thánh Kinh không phải chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ hay những hạng ưu tú, mà phải được phổ biến rộng rải cho tất cả mọi thành phần Dân Chúa : “Lời Chúa phải được loan báo cho những người nghèo hèn”. Họ muốn tạo điều kiện cho người tín hữu trực tiếp đọc Lời Thiên Chúa được dịch ra từ các nguyên bản ; họ ước mong người tín hữu có thể cầu nguyện với cuốn sách Thánh Kinh ; họ muốn người tín hữu trở về nguồn, như thời Giáo Hội sơ khai… Một trong những câu nói rất thời danh của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu như thúc đẩy và gợi nguồn cảm hứng cho nhiều học giả trong lãnh vực này. Ngài nói : “Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ học tiếng Do Thái và tiếng Hy lạp, để có thể đọc được Lời Thiên Chúa trong chính nguyên bản”.

Gợi lên một số nét như thế trong Giáo Hội, để chúng ta hiểu sâu hơn vai trò to lớn mà Dei Verbum đem lại cho Giáo Hội và đã ảnh hưởng đến các sinh hoạt trong Giáo Hội chúng ta như thế nào từ 40 năm qua.

II.  Ảnh hưỞng cỦa LỜi Chúa đỐi vỚi Công ĐỒng Vatican II.

Lời Chúa chiếm vị trí quan trọng trong phụng tự Kitô giáo. Việc Đức Thánh Cha tôn vinh và cho đặt cuốn sách Thánh Kinh ở trung tâm Đền thờ Thánh Phêrô, nơi diển ra các Khóa họp Công đồng Vatican II, có ý nghĩa thật đặc biệt. Sự kiện này như muốn nói rằng, Lời Chúa hiện diện, đồng hành và soi sáng cho các Nghị phụ những lúc cầu nguyện, trao đổi ý kiến và đưa ra những quyết định quan trọng trong Giáo Hội. Rất có thể ý định của Đức Thánh Cha Gioan XXIII là Lời Chúa phải có vị trí trung tâm trong suy nghĩ và quyết định của Công đồng. Điều này, chúng ta nhận ra nơi tất cả 16 Văn kiện của Công đồng Vatican II :

4 Hiến Chế :

-                   về Hội Thánh “Lumen Gentium”,

-                   về Phụng vụ “Sacrosantum Concilium”,

-                   về Mặc khải “Dei Verbum”,

-                   về Hội Thánh trong thế giới hôm nay “Gaudium et Spes”

9 Sắc lệnh :

-                   về nhiệm vụ của Giám mục “Christus Dominus”,

-                   về Chức vụ và đời sống Linh mục “Presbyterorum Ordinis”,

-                   về Đào tạo Linh mục “Optatam Totius”,

-                   về Dòng Tu “Perfectae Caritatis”,

-                   về Tông đồ Giáo dân “Apostolicam actuositatem”,

-                   về Truyền giáo “Ad Gentes”,

-                   về Hiệp nhất “Unitatis redintegratio”,

-                   về Giáo hội Đông phương công giáo “Orientalium ecclesiarum”,

-                   về Truyền thông xã hội “Iter mirifica”

3 Tuyên ngôn :

-                   về Tự do tôn giáo “Dignitatis humanae”,

-                   về Hội Thánh liên lạc với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo “Nostra Aetate”,

-                   về Giáo dục Kitô giáo “Gravissimum educationis momentum”.

Trong tất cả các văn kiện này, và đương nhiên là trong Hiến chế tín lý Dei Verbum, các Nghị phụ Công đồng đã trích dẫn dồi dào các bản văn Thánh Kinh. Đúng như lời khai mở của Dei Verbum : “trong niềm thành kính lắng nghe và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa, Thánh Công đồng…”. Cho nên, Vatican II để lại trong lịch sử như là là Công đồng chung làm cho Giáo Hội Công Giáo được Aggiornamento” (cập nhật) để hiện diện và phục vụ con người thời đại hôm nay, như giáo huấn của Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gợi ý trong Thông điệp “Giáo Hội Chúa Kitô” (Ecclesiam suam) mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã cảm hứng và bắt gặp ánh sáng khi soạn thảo ra Bức Thư Chung lịch sử năm 1980 : “Mối bận tâm chính của Người xoay quanh ba tư tưởng lớn. Tư tưởng thứ nhất là đã đến lúc Giáo Hội phải có một nhận định sâu xa về chính mình, phải suy gẫm về mầu nhiệm của chính mình. Tư tưởng thứ hai là đem bộ mặt thực của Giáo Hội ngày nay đối chiếu với hình ảnh lý tưởng của Giáo Hội như Chúa Kitô đã thấy, đã muốn và đã yêu như Bạn thánh thiện và tinh tuyền của mình (Ep 5,27) ; từ đó sinh ra một ước muốn quảng đại và bức thiết là phải canh tân. Còn tư tưởng thứ ba là như kết luận của hai tư tưởng trên, nói về những quan hệ phải có giữa Giáo Hội và thế giới”.[2]

Vatican II còn được gọi là Công đồng mở rộng con đường cho sự sự hiệp nhất. Tinh thần cũng như các Văn kiện của Công đồng tỏa ra hướng đi hiệp nhất, lắng nghe và đối thọai, nổ lực xóa dần những khoảng cách, những căng thẳng, những phân rẽ, không những trong nội bộ Giáo Hội của Chúa Kitô, mà còn giữa Giáo Hội với các tôn giáo khác và ngay cả với mọi thành phần nhân loại trên địa cầu. Phát xuất từ ý hướng cao cả trên, một số tổ chức cao cấp của Giáo Hội đã được thiết lập, như Hội Đồng Giáo Hoàng cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô hữu, Hội Đồng Giáo Hoàng về đối thoại liên Tôn, Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn hóa, Hội Đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục vụ cho người Di dân và Du mục, Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm, Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền thông xã hội, …

Vatican II là Công đồng đổi mới, canh tân nhiều mặt, trong sự kế thừa với truyền thống. Đây phải chăng là hoa quả hết sức cụ thể của Thánh Thần, Đấng ban sự sống, Đấng luôn canh tân, đổi mới, nhưng không bao giờ phá bỏ đi những tinh hoa của quá khứ. Từ các phong trào canh tân đã có trong lòng Giáo Hội, như phong trào cổ vũ sự hiệp nhất giữa các tín hữu của Chúa Kitô, phong trào canh tân các đoàn sủng trong đời sống tu trì, phong trào canh tân lòng yêu mến, hăng say học hỏi, cầu nguyện và đào sâu Lời Chúa trong Thánh Kinh, phong trào đọc các bản văn Lời Chúa trước các Thánh lễ, mục đích cho tín hữu có thể hiệp thông dễ dàng hơn khi tham dự Thánh lễ (vì trước Công đồng Vatican II, mọi Thánh lễ, cũng như các cử hành Bí tích đều sử dụng tiếng La tinh, ngay cả việc đọc Thánh thư và Phúc âm).

Như vậy, Dei Verbum đúng ra theo dự kiến là văn kiện được thảo luận và công bố đầu tiên, lại trải qua chặng đường dài xuyên suốt thời gian tất cả bốn Khóa họp Công đồng (1962, 1963, 1964, 1965), như thể là Chúa Thánh Thần tác động, khiến các Nghị Phụ, trong khi cầu nguyện, thảo luận, quyết định về biết bao vấn đề trong Giáo Hội, thì luôn luôn phải suy nghĩ, trao đổi, bàn bạc với nhau về Văn kiện quan trọng là Lời Thiên Chúa.

III.  Công ĐỒng chỈ rõ phương hưỚng
HỌc hỎi và yêu mẾn Thánh Kinh.

Sau lời khai mở thật tuyệt vời : “Trong niềm thành kính lắng nghe và tin tưởng công bố Lời Thiên Chúa”, Công đồng Vatican II đã chỉ ra phương hướng rất cụ thể và chính xác về việc học hỏi, đào sâu Thánh Kinh ; đó là quy hướng về Mầu nhiệm Chúa Kitô và trải dài trong lịch sử cứu độ, trong sự kết hợp hài hòa giữa Thánh Kinh – Thánh truyền và Huấn quyền trong Giáo Hội. Bằng cách lập lại lời tuyên xưng của Thánh Gioan Tông Đồ : “Chúng tôi loan truyền cho anh em sự sống đời đời, đã có nơi Chúa Cha và đã hiện đến với chúng tôi : điều chúng tôi đã thấy, đã nghe, chúng tôi loan truyền cho anh em, để anh em cũng được hiệp nhất với chúng tôi và chúng tôi hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con Ngài” (1Ga 1,2-3), Công đồng Vatican II mời gọi chúng ta năng đọc Thánh Kinh, để không những học biết “khoa học siêu việt của Chúa Kitô” (Pl 3,8) ; mà còn để biết ngày càng rõ hơn mầu nhiệm Chúa Kitô, như lời Thánh Hiêrônimô đã từng nói và được lưu truyền như kinh nghiệm sống cho cả Hội Thánh chúng ta trải qua hằng ngàn năm nay ; và chính Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, trong lần gặp gỡ các vị đại biểu tham dự Hội nghị về Thánh Kinh ở Rôma, cũng lập lại lời nói lừng danh đó : “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Thật vậy, các Nghị Phụ trong suốt quá trình 4 Khóa Họp Công đồng, đã cầu nguyện, cân nhắc, lắng nghe biết bao ý kiến, đặc biệt đã nhờ các chuyên viên về Thánh Kinh, để thẩm định các phương pháp, các trào lưu nghiên cứu và học hỏi Thánh Kinh, từ thời các Thánh Tông Đồ, thời các Thánh Giáo Phụ và xuyên qua dòng thời gian ; tiếp thu các phong trào tìm hiểu và giảng dạy về Thánh Kinh trong những khoảng thời gian cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các Ngài đã đề ra phương hướng học hỏi, nghiên cứu Thánh Kinh trong Dei Verbum : đó là, tiếp xúc với Thánh Kinh như tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu ; học hỏi Thánh Kinh như học hỏi trực tiếp với Chúa Giêsu ; yêu mến Thánh Kinh như yêu mến chính con người Chúa Giêsu Kitô ; vì như chính Chúa đã nói năm xưa với những bậc thầy Do Thái đã từng được huấn luyện, đào sâu và có trách nhiệm giảng dạy Thánh Kinh cho Dân Chúa : “các ngươi truy tìm Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó, các ngươi có sự sống đời đời ; ấy mà chính Kinh Thánh lại làm chứng cho Ta” (Ga 5,39) ; như vậy, Thánh Kinh là phương thế rất hữu hiệu để giúp con người chúng ta trực tiếp với Chúa Giêsu, khác nào như kinh nghiệm của Thánh Gioan Tông đồ : chạm tới Chúa Giêsu : “Điều từ thuở ban đầu đã có, điều chúng tôi đã từng nghe, điều chúng tôi đã từng thấy tận mắt, điều chúng tôi đã cung chiêm và tay chúng tôi đã rờ đến, về Lời Sự Sống ; Sự Sống ấy ở nơi Cha và đã tỏ hiện cho chúng tôi, chúng tôi đã từng thấy và chúng tôi làm chứng cùng loan báo cho anh em sự sống đời đời” (1Ga 1,1-2). Thấy, Nghe, Chạm tới, Cung chiêm… là những sinh hoạt liên hệ tới sự sống thường nhật của con người ; và bất cứ ai thấy, nghe, chạm tới, cung chiêm, … đều có những kinh nghiệm sống cho cuộc đời mình. Thánh Kinh giúp chúng ta có kinh nghiệm như thế đối với Chúa Giêsu. Mà vì Chúa Giêsu là nhân vật lịch sử đã xuất hiện và sinh sống trong một khoảng thời gian và không gian rất cụ thể ; nên việc nghe, thấy, chạm tới, cung chiêm Chúa Giêsu nhờ Thánh Kinh, là những hành vi mang đầy tính lịch sử. Điều dó, khiến niềm tin mà chúng ta đặt để nơi Chúa Giêsu là niềm tin có tính lịch sử vô cùng cao quý. Rồi, từ niềm tin đó, Thánh Kinh giúp chúng ta chia sẻ với niềm tin của các Tông đồ vào biến cố lịch sử, đồng thời cũng là đỉnh cao trong cuộc đời của Đức Giêsu, đó là việc Người, trước khi chịu chết, sống lại và lên trời, đã thiết lập phép Thánh thể, hầu có thể vượt ra khỏi thời gian và không gian mà hiện diện một cách hết sức cụ thể với loài người ; nên, cũng nhờ Thánh Kinh soi sáng mà chúng ta có thể nói : “Đức Giêsu hôm qua và hôm nay vẫn là một và cho đến muôn đời” (Dt 13,8).

Ngoài ra, Dei Verbum còn đặt để Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong dòng lịch sử cứu độ. Đây là nét mới của Công đồng Vatican II trong việc tìm hiểu và học hỏi Thánh Kinh ; nói cho đúng hơn, Công đồng nhấn mạnh đến lịch sử cứu độ, vì Công đồng muốn trở về nguồn. Ngay trong Tân Ước, trong những lời rao giảng của Thánh Phêrô, Thánh Phaolô và Giáo Hội sơ khai, phương hướng tìm hiểu mầu nhiệm Chúa Kitô trên nền tảng lịch sử cứu độ đã gắn kết những gì Thánh Kinh trong Cựu Ước đã nói với chính mầu nhiệm Chúa Kitô : “Đã lắm phen cùng nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta nơi các tiên tri : vào thời sau hết, tức là những ngày này, Người đã nói với ta nơi một Người Con, mà Người đã đặt làm Đấng Thừa tự tất cả mọi sự và cũng nhờ Ngài mà Người đã làm ra các thế giới : Ngài là phản ánh của vinh quang, là ấn tượng của bản lĩnh Người và cầm giữ cả vạn vật bằng lời quyền năng của Ngài ; sau khi đã thi hành việc thanh tẩy tội lỗi, Ngài đã lên ngự bên hữu Đấng oai nghi chốn cửu trùng, trổi hơn Thiên thần vạn bội, bởi khác với họ, Ngài đã thừa hưởng một Danh khôn ví” (Dt 1,1-4 ; xem thêm : Lời rao giảng tiên khởi : Cv 2,14-39 ; 3,12-36 ; 4,9-12 ; 5,29-32 ; 10,34-43 ; 13,16-41). Mầu nhiệm Chúa Kitô trên nền tảng lịch sử cứu độ, chính là Mặc Khải của Thiên Chúa tỏ bày trong Thánh Kinh, được lưu truyền từ đời nọ sang đời kia trong Thánh Truyền và được bảo đảm tính chân thực và chính thống bởi Huấn Quyền.

 Thật vậy, Giáo Hội đón nhận Mặc Khải của Thiên Chúa trong dòng lịch sử cứu độ và lưu giữ một cách toàn vẹn trong kho tàng của Truyền thống ; trong đó, Thánh Kinh được xem như viên ngọc quý báu nhất của Truyền thống, như bản tóm lược tuyệt vời của Truyền thống ; bởi vì, Thánh Kinh được ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần. Và ai là người thẩm định và đặt đúng địa vị của Thánh Kinh trong kho tàng của Truyền Thống, nếu không phải là Huấn Quyền trong Hội Thánh. Chính Huấn Quyền đã công bố cuốn sách nào được xem là có ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần và cần được lưu giữ lại trong kho tàng của Thánh Kinh : Cựu Ước cũng như Tân Ước ; và chính vì thế, Huấn Quyền là Thẩm quyền bảo đảm cho việc giải thích Lời Thiên Chúa mặc khải trong Thánh Kinh. Công đồng Vatican II chỉ rõ chỗ đứng của Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn Quyền của Giáo Hội trước kho tàng Mặc Khải của Thiên Chúa. Đó là lý do sâu xa mà Giáo Hội của Công đồng Vatican II luôn cử hành Lời Chúa trong Thánh Kinh với lòng thành kính, mến yêu như việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Đây chính là điểm son của Công đồng Vatican II khi tái khám phá kho tàng Lời Chúa và Thánh Thể để nuôi dưỡng và đồng hành với Dân Chúa trong dòng Lịch sử cứu độ.

IV.  NhỜ Dei Verbum, Thánh Kinh
trỞ nên “Sách Thánh” cỦa Giáo HỘi.

Nói như thế, phải chăng trước Công đồng Vatican II, Thánh Kinh không được Giáo Hội xem là “Sách Thánh” ? Thật ra, Thánh Kinh luôn được Giáo Hội tôn kính là Sách Thánh” ; nhưng, như đã trình bày ở phần trên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, Thánh Kinh chỉ thực sự là “Sách Thánh” đối với một số rất ít thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội ; còn hầu hết, chỉ được biết là có “Sách Thánh”, nhưng nhận được một cách gián tiếp qua các bài học giáo lý, các lời kinh, các bài giảng trong Thánh lễ, … Một hình ảnh khá tiêu biểu, đó là người Công giáo trước kia thường đến nhà thờ đem theo tràng hạt Mân côi cùng với cuốn sách kinh và cuốn sách giáo lý (sách bổn) ; trong khi người tin lành đến nhà thờ đem theo cuốn sách Thánh Kinh và sách thánh ca.

 Đương nhiên, chúng ta không trở lại bàn luận lý do tại sao. Huấn quyền trong Giáo Hội vẫn có những sự khôn ngoan trong việc hướng dẫn và nuôi dưỡng con cái của mình. Và một trong những thành quả rõ rệt nhất, là trong những thế kỷ qua, biết bao người con của Giáo Hội đã không những sống trung thành với đức tin tông truyền, mà còn trở nên những vị thánh hết sức gương mẫu cho mọi thời đại.

 Cùng với “làn gió mát của Chúa Thánh Thần”, Công đồng Vatican II đưa Giáo Hội tiến một bước xa hơn nữa trong dòng lịch sử cứu độ. Chắc hẳn đến lúc Thánh Thần khai mở rộng rãi hơn nữa kho tàng Lời Chúa, không phải chỉ cho một số ưu tuyển trong Giáo Hội, mà cho mọi thành phần Dân Chúa. Chính vì thế, mà Dei Verbum ra đời, để biến Thánh Kinh thật sự là “Sách Thánh” cho Giáo Hội vào những năm cuối cùng của Thiên niên kỷ thứ hai, bước sang Thiên niên kỷ thứ ba.

Công đồng truyền dạy phải “mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu trong Hội Thánh” (DV, 22). Nhờ vậy, trong Giáo Hội, khoa học về Thánh Kinh nở rộ, không phải chỉ để đào tạo những nhà chuyên môn mà thôi, mà còn trải rộng và phổ biến rộng khắp, nhằm mục đích “cho người nghèo khó được nghe rao giảng Tin Mừng”.

Biết bao nỗ lực đáng trân trọng xuất hiện khắp nơi, trong việc dịch Thánh Kinh từ nguyên bản Do Thái, Hy Lạp ra tiếng bản xứ ; ngay cả có không ít những người con của Giáo Hội, dầu không được tiếp cận với các nguyên bản Thánh Kinh, thì cũng với lòng yêu mến Lời Chúa, nỗ lực cùng nhau dịch các bản dịch Thánh Kinh từ tiếng La tinh, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, … ra ngôn ngữ bản xứ của mình. Có thể nói, Thánh Thần tác động mạnh mẽ cho đến độ, ngay tại nhiều nơi trong các Giáo hội địa phương, dầu đã có những bản dịch Thánh Kinh, thì vẫn có nhiều người muốn đóng góp công sức của mình làm thêm những bản dịch mới, cốt để làm phong phú kho tàng Lời Chúa, hầu có thể phổ cập Lời Chúa ngần nào có thể trong mọi hàng ngũ Dân Chúa. Rồi, cũng xuất hiện biết bao tác phẩm đào sâu Lời Chúa phù hợp với các trình độ trong Giáo Hội. Các phong trào học hỏi, chia sẻ Lời Chúa xuất hiện. Các phong trào đọc Lời Chúa, cầu nguyện bằng Lời Chúa nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của biết bao tín hữu trong Giáo Hội. Đương nhiên, không ai có thể phủ nhận nét phong phú của Lời Chúa trong các cử hành Phụng vụ, từ cử hành Bí tích Thánh Thể, đến các cử hành các Bí tích khác, … Lời Chúa được công bố, được cử hành, được tôn vinh, được rao giảng, được trở nên thực sự là lương thực nuôi dưỡng Dân Chúa. Từ ngữ “bàn tiệc Lời Chúa” bên cạnh “bàn tiệc Thánh Thể” thực sự thấm vào đời sống tín hữu.

 Thêm vào đó, Vatican II, trong thao thức và quyết định trở về nguồn, đã khơi dậy điều mà Đức Thánh Cha Lêô XIII từng nói năm xưa : “Thánh Kinh chính là hồn của Thần học”. Trong giảng trình của Khoa Thần học, Thánh Kinh không còn là một môn phụ nữa, mà ngược lại, trở nên, không những môn học chính yếu, còn là môn học cội nguồn của các môn học về tín lý, luân lý, mục vụ, phụng vụ, v.v. Thánh Kinh còn là môn học mở đường hết sức thuận lợi cho phong trào đại kết giữa các Giáo Hội của Chúa Kitô : Đông phương và Tây phương, Công Giáo – Tin Lành – Chính Thống ; nhờ phương hướng của Công đồng Vatican II, Thánh Kinh còn là nhịp cầu giữa người tín hữu Kitô với những người thuộc đoàn dân gắn bó ngàn đới với Giao Ước Sinai. Nhờ sự liên hệ mật thiết giữa Cựu Ước và Tân Ước, mà tâm tình của người tín hữu Kitô ham thích học hỏi và yêu mến Thánh Kinh, sẽ luôn coi trọng, biết ơn, nỗ lực đào sâu, để đón nhận những nét phong phú từ thuộc miêu duệ của Tổ phụ Abraham theo nghĩa xác phàm (trong khi người tín hữu Kitô chúng ta được gọi là thuộc miêu duệ của Tổ phụ Abraham theo nghĩa thiêng liêng).

V.  Dei Verbum vỚi Giáo HỘi ViỆt Nam.

Trong Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2005 với tựa đề “Sống Lời Chúa”, tại số 8, nói về việc tăng cường vai trò ưu tiên của Thánh Kinh, các Đức Giám Mục của chúng ta đã nhận định : “Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời. Nhìn chung, Kitô hữu Viêt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh họat đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình”. Với nhận định trên, các vị Chủ chăn cho thấy lòng “yêu mến Thánh Kinh” là điểm son của người tín hữu chúng ta. Chính phát xuất từ lòng yêu mến này, mà đã có những nỗ lực không nhỏ trong Giáo Hội Việt Nam đối với Thánh Kinh, trong đó có nỗ lực phiên dịch và phổ biến Thánh Kinh. Ngay từ trước khi có Dei Verbum, đã có những bản dịch toàn bộ Thánh Kinh của Cố Chính Linh, vào năm 1913, bản phỏng dịch của linh mục Gérard Gagnon CSSR vào năm 1963 ; hoặc bản dịch một vài phần trong bộ Thánh Kinh của ông Mai Lâm Đoàn Văn Thăng, của Linh mục An Sơn Vị, linh mục Trần Văn Kiệm ; chưa kể bản dịch của anh em Tin Lành. Rồi trong vòng 40 năm nay, sau khi Dei Verbum ra đời, có bốn bản dịch toàn bộ Thánh Kinh : của Linh mục Đaminh Trần Đức Huân, dịch từ bản tiếng La tinh, xuất bản năm 1970 ; của Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn CSSR, dịch từ nguyên bản Do Thái, Hy Lạp, Aram, xuất bản năm l976 ; của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, xuất bản năm 1985 ; của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, dịch từ nguyên bản tiếng Do Thái, Hy lạp, Aram, xuất bản năm 1998. Nỗ lực của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng vụ trong việc phiên dịch và xuất bản, phổ biến Thánh Kinh rất đáng được trân trọng. Nhóm đã bắt đầu hình thành vào năm 1971, nghĩa là 6 năm sau khi Dei Verbum ra đời ; và đã kiên trì làm việc trong lãnh vực phiên dịch và chú thích toàn bộ Thánh Kinh cho tới nay, nghĩa là liên tục 34 năm miệt mài với công trình phiên dịch.

Ngoài ra, Thánh Kinh cũng được các Vị Mục tử, các Dòng Tu nam nữ và Đại Chủng viện quan tâm rất nhiều, không những trong việc cử hành Phụng vụ, giảng dạy, mà còn trong việc tổ chức nhiều lớp học, khóa học về Thánh Kinh.

Ngay trong thời gian họp Công đồng và nhất là sau khi Công đồng bế mạc, có nơi các Đức Giám Mục đã bắt đầu việc cử hành Nghi thức phụng vụ suy tôn Lời Chúa tại các nhà thờ chánh tòa. Cuốn sách Lời Chúa thường được đặt trang trọng trên cung thánh tại hầu hết các nhà thờ, nhà nguyện, để làm nổi bật giá trị của Lời Chúa bên cạnh Nhà Tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa. Thêm vào đó, phong trào đọc Lời Chúa, học hỏi Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa cũng được rất nhiều nơi, nhiều giáo xứ, nhiều nhóm sinh hoạt, ca đoàn, giảng viên giáo lý hưởng ứng. Cũng có một số giáo sư cố gắng nghiên cứu, soạn thảo một số sách, đề tài về Thánh Kinh…

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận như điều các Đức Giám Mục đã nói trong lá Thư Mục vụ 2005 : “Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh họat đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình”. Chúng ta chân thành cám ơn các Đức Cha đã chỉ rõ cho thấy những gì chúng ta cần phải chú tâm hơn trong việc tăng cường vai trò ưu tiên của Thánh Kinh trong các sinh họat đạo đức và nhất là trong đời sống gia đình của người tín hữu Việt Nam. Chúng ta không biện minh cho những giới hạn và thiếu sót của mình trong quá khứ, đối với thao thức và lời dạy của Công đồng trong Hiến chế Dei Verbum. Nhưng dầu sao, hoàn cảnh lịch sử của Giáo Hội Việt Nam 40 năm qua quả có nhiều điều để nói. Phân nữa Giáo Hội chúng ta trong suốt thời gian diển ra Công đồng, đã không có điều kiện khách quan để đón nhận những chỉ dẫn và soi sáng của Công đồng, nói chi đến việc tiếp cận với Dei Verbum ! Do hoàn cảnh, có thể nói, mọi nỗ lực chủ yếu là để giữ đạo và tồn tại. Rồi, từ khi hai miền Giáo Hội hiệp nhất với nhau, cũng lại những nỗ lực chủ yếu là để giữ đạo và tồn tại, kéo dài một thời gian khá lâu. Có chăng một số thao thức, cố gắng và thực hiện trong những khả năng rất giới hạn của mình, để có thể làm một cái gì đó trong việc phiên dịch, phổ biến Thánh Kinh, tìm đọc và học hỏi, chia sẻ Lời Chúa, v.v. như vừa nêu ở trên. Do đó, trong vòng 40 năm qua, không biết có nơi nào đã triển khai, chứ chưa dám nói tới việc đào sâu Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum ! Cũng chưa có những tổ chức cụ thể và có thẩm quyền trong việc “aggiornamento” (cập nhật) các kiến thức từ các Hội nghị, phong trào quốc tế rất phong phú của Giáo Hội toàn cầu, cũng như của các Học viện Thánh Kinh, nhằm thúc đẩy việc học hỏi, đào sâu Lời Chúa. Chúng ta còn rất giới hạn và chịu nhiều thiệt thòi trong lãnh vực này, chưa có tiếng nói đóng góp đúng mức với Giáo hội trong Nước, nói chi đến Giáo Hội toàn cầu, như các Giáo Hội trong khu vực, cũng như hầu hết các nơi trong Giáo Hội toàn cầu.

VI.  Dei Verbum khai mỞ nguỒn LỜi Chúa
cho mỌi sinh hOẠt cỦa HỘi Thánh
.

Trong chương VI của Hiến chế tín lý về Mặc khải “Dei Verbum”, Công đồng Vatican II mở rộng kho tàng Lời Chúa cho mọi sinh họat của Hội Thánh, cũng như cho mọi thành phần Dân Chúa trong Hội Thánh. Với tựa đề “Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội”, ở số 21 của Dei Verbum, các Nghị phụ đã viết như sau : “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân thể Chúa, nhất là trong Phụng vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời, Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Ngôn Sứ cùng các Tông Đồ. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính Đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực thế, trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội. Bởi thế, lời nói sau đây thật xứng hợp cho Thánh Kinh : “Thực vậy, Lời Thiên Chúa sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12), “có khả năng gây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được thánh hóa” (Cv 20,32 ; 1Tx 2,13). Thật là kỳ diệu, khi Công đồng quả quyết : “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể của Chúa”. Tưởng không có lời tuyên xưng nào long trọng và cao quý hơn lời này mà Công đồng dành cho Thánh Kinh. Từ lời tuyên xưng này mà nẩy sinh ra trong lòng Giáo Hội từ ngữ “bàn tiệc Lời Chúa” bên cạnh “bàn tiệc Thánh Thể”.

Nhà thần học Lawrence Cunningham, giáo sư Thần học tại Đại học Notre Dame, USA, trong hội nghị với các Đức Giám Mục Hoa Kỳ, được tổ chức tháng 6 năm 2005, tại Đại học Notre Dame, nhằm đánh dấu kỷ niệm 40 năm Hiến chế Dei Verbum, đã có một bài thuyết trình thật đặc sắc. Ông nói : “Điều gây ấn tượng chớ không làm ngạc nhiên, là chương VI của Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum, thường sử dụng những hình ảnh của ăn và dinh dưỡng khi nói về Thánh Kinh”.

Từ xưa, trong Giáo Hội, chúng ta đã quen với Mình Thánh Chúa Giêsu như là lương thực nuôi dưỡng người tín hữu. Nay, Công đồng lại viết : “Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (ex mensa tam verbi Dei quam Corporis Christi panem vitae). Làm sao Lời Chúa trở nên “bánh ban sự sống”, trở nên lương thực để nuôi dưỡng Dân Chúa ? Công đồng chỉ rõ cho các tín hữu biết, qua kinh nghiệm ngàn đời trong Hội Thánh, khi chuyên cần lắng nghe lời rao giảng trong Hội Thánh đã được Thánh Kinh soi sáng và nuôi dưỡng (nutriatur), thì Lời Chúa trở nên lương thực cho chính bản thân của mình ; khi đó, Lời Chúa không những là của ăn nuôi dưỡng linh hồn (animae cibus), mà còn là nguồn nước tinh sạch cho đời sống thiêng liêng (vitae spriritualis fons purus). Hội Thánh, trong tư cách là Hiền Thê của Ngôi Lời nhập thể, luôn thụ giáo với Chúa Thánh Thần, để hiểu biết ngày càng sâu rộng hơn về Thánh Kinh, mà không ngừng thi hành sứ mạng của người Mẹ hiền “lấy Lời Chúa nuôi dưỡng (pascat) con cái mình”.

Thật vậy, Công đồng đã nêu ra một nguyên lý vững vàng : “mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính Đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (DV 21). Chính vì thế, Công đồng long trọng tuyên bố : “Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu” (DV 22). Do đó, cần tạo điều kiện cho các tín hữu tiếp cận với Lời Chúa trong Thánh Kinh, lý tưởng nhất là trong chính nguyên bản, được viết bằng tiếng Do Thái và Aram (bộ sách Cựu Ước) và bằng tiếng Hy lạp (bộ sách Tân Ước) ; trên thực tế, cần tạo điều kiện để có những bản phiên dịch tốt, có chất lượng ra tiếng bản xứ, đặc biệt dịch từ nguyên bản. Giải thích điều này, chính Công đồng đã nói rõ : “Chính vì thế mà từ buổi đầu, Giáo Hội đã công nhận như của riêng mình bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy lạp, một bản văn rất cổ và được gọi là bản Bảy mươi. Ngòai ra Giáo Hội luôn coi trọng các bản dịch của Đông Phương hay các bản dịch La tinh, nhất là bản thường gọi là bản “Phổ thông”. Vì phải đem Lời Chúa đến cho mọi thời đại, Giáo Hội như một người mẹ ân cần lo liệu cho các Sách Thánh được dịch ra các thứ tiếng cách thích hợp và đúng đắn, đặc biệt dịch từ nguyên bản. Mọi Kitô hữu có thể sử dụng những bản dịch được thực hiện chung với cả những anh em ly khai trong trường hợp thuận tiện và được Giáo quyền chấp thuận” (DV 22). Dịch Thánh Kinh ra tiếng bản xứ, mới chỉ là bước khởi đầu, lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu còn cần phải có các môn học chuyên về Thánh Kinh, thường được gọi là dẫn nhập vào Thánh Kinh, chú giải Thánh Kinh, v.v. Học Viện Giáo Hoàng Thánh Kinh ở Rôma đã được Đức Thánh Cha Piô X thiết lập nhằm vào năm 1909, mục đích đào tạo những chuyên viên về Thánh Kinh trong Hội Thánh ; rồi nhiều Phân Khoa, Học viện về Thánh Kinh cũng được thiết lập tại Giêrusalem cũng như tại một số nơi khác… Tất cả những Học viện và Phân Khoa này thực hiện quyết tâm của Giáo Hội trong tư cách là “Hiền Thê của Ngôi Lời nhập thể, được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, hằng cố gắng hiểu biết Thánh Kinh ngày càng sâu rộng hơn, hầu không ngừng lấy Lời Chúa nuôi dưỡng con cái mình. Do đó, Giáo Hội có lý khi khuyến khích việc học hỏi các Thánh Giáo Phụ Đông Phương và Tây Phương cũng như các Phụng vụ thánh…. Thánh Công đồng khuyến khích con cái Giáo Hội đang chuyên cần học hỏi những khoa học Thánh Kinh, hãy tiếp tục theo đuổi công trình đã khởi sự cách tốt đẹp với những năng lực ngày được đổi mới, và bằng tất cả hăng say hợp với cảm thức của Giáo Hội” (DV 23). Ngoài ra, Công đồng cũng lập lại điều mà Đức Thánh Cha Lêô XIII, trong Thông điệp Providentissimus Deus đã nói “Thánh Kinh là Linh hồn của Khoa Thần học thánh” ; vì Thánh Kinh chứa đựng Lời Chúa và vì được linh ứng, nên thực sự là Lời Chúa. Do đó, “Khoa Thần học thánh dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền như dựa vào một nền tảng vĩnh cửu. Trên nền tảng này, thần học được củng cố, trở nên vững chắc và được trẻ trung mãi, trong khi tìm kiếm, dưới ánh sáng đức tin, tất cả chân lý tiềm ẩn trong Mầu nhiệm Chúa Kitô” (DV 24). Chính trong buổi tiếp kiến các đại biểu tham dự Khóa hội nghị về Thánh Kinh vừa qua ở Rôma, Đức Thánh Cha cũng có một nhận định tương tự : “Lời Chúa không già cỗi bao giờ ; vì thế, Giáo Hội cần được đổi mới không ngừng”. Công đồng cũng không quên nhắc nhỡ những ai thi hành “thừa tác vụ Lời Chúa – nghĩa là việc rao giảng mục vụ, dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó bài giảng phục vụ phải chiếm một chỗ quan trọng – phải được nuôi dưỡng lành mạnh và gia tăng sinh lực cách thánh thiện nhờ lời Thánh Kinh” (DV 24).

 Sau cùng, để “Lời Chúa trở nên đèn rọi bước chân, ánh sáng cho nẻo đường đi” (Tv 119, 105) của người tín hữu, Công đồng khuyên nhủ mọi tín hữu chuyên cần và siêng năng đọc Lời Chúa : “Vì thế, tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa, như các Phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, nhất là trong Phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành “kẻ huyênh hoang rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe Lời Thiên Chúa trong lòng”. Thánh Công đồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ, hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Kitô” (Pl 3,8). Vì “không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Việc năng đọc Thánh Kinh, trong truyền thống ngàn đời của Giáo Hội – trước kia đặc biệt dành riêng cho các Đan viện – được gọi là Lectio divina (việc đọc sách Thánh Kinh). Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, qua kinh nghiệm bản thân là nhà nghiên cứu,là bậc thầy nổi tiếng về Thánh Kinh và là mục tử sáng chói ở Giáo phận Milanô trong nhiều thập kỷ vừa qua, chia sẻ cho chúng ta phương đáp của ngài về việc đọc Sách Thánh cho hữu ích qua 3 quá trình : lectio, meditatio, contemplatio (đọc, suy gẫm, chiêm niệm).

KẾT LUẬN

Nhìn lại biết bao điều kỳ diệu trong Hội Thánh kể từ ngày Thánh Công đồng công bố Hiến chế tín lý về Mặc Khải Dei Verbum thời gian 40 năm qua, chúng ta chỉ biết dâng lời chúc tụng, tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi đã đoái thương ban cho Hội Thánh kho tàng mặc khải vô cùng quý báu ẩn chứa nơi bộ Thánh Kinh ; để nhờ đó, chúng ta khám phá ra điều mà Mẹ Maria đã tuyên bố trong lời kinh Magnificat : “Lòng nhân nghĩa Chúa trải qua đời nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Chúa” ; và trong tư cách là con cái của Hội Thánh, chúng ta sẽ mãi mãi hiệp thông với mọi thành phần Dân Thiên Chúa thuộc mọi thời đại để “thành kính lắng nghe Lời Thiên Chúa mà có thể tin tưởng công bố Lời của Ngài”.



[1] Paul Claudel trong tác phẩm “L’Ecriture Sainte dans La Vie intellectuelle” 16

[2] x. Ecclesiam suam, số 9-14


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà