TÌNH YÊU

THEO THÔNG ĐIỆP “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU”
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

 

 

Ông John Allen, Jr. của tờ National Reporter, một nhà báo và bình luận gia chuyên về Vatican được rất nhiều người biết đến, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Đức Giáo Hoàng Bênêđictô được chọn làm Giáo Hoàng, đã có nhận định sau đây : “Nếu một ai đó phải chọn ra một từ và chỉ một từ ngữ thôi để tóm tắt về giáo huấn của Đức Bênêđictô mãi cho đến nay, thì từ ngữ đó phải là “tình yêu.” Joseph Ratzinger xưa kia là người canh giữ cho đức tin, thì nay đã được biến hóa thành một vị Tông đồ của Tình yêu trung kiên nhất của thế giới”. Trong sáu bài giảng và những thông điệp của Ngài (bằng tiếng Ý) trong suốt Tuần Thánh tổng cộng khoảng 6.958 từ, Đức Bênêđictô đã sử dụng danh từ “tình yêu” 29 lần, cộng với động từ “yêu thương” 10 lần. Nghĩa là cứ mỗi 178 từ, thì có 1 từ có liên hệ đến “tình yêu,” nghĩa là hiếm khi một đoạn văn trôi qua mà Ngài không liên hệ trở về với chủ đề chính… Vào Lễ Vọng Phục Sinh trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Bênêđictô đã mô tả việc sống lại như là “một sự bùng nổ của tình yêu, vốn bẻ gãy sự liên kết tưởng như không thể nào phân rẽ được giữa sự chết và sống lại.” Có lẽ, điều đáng nói nhất, chính là việc Đức Bênêđictô kết thúc thông điệp của Ngài qua việc ban phép lành “Urbi et Orbi” vào ngày Chúa nhật Phục Sinh theo ngôn ngữ của tiếng La tinh là “Christus resurrexit, quia Deus caritas est” (Chúa Kitô sống lại, bởi vì Thiên Chúa chính là tình yêu !)”

Đức Bênêđictô quả là vị Giáo Hoàng của Tình yêu. Thông điệp đầu tiên của triều giáo hoàng của ngài mà mọi người trên thế giới chờ đợi, lại có tên “Thiên Chúa là tình yêu”. Ngài đã xác nhận mục tiêu ngài nhắm tới : “Trong thông điệp đầu tiên của tôi, tôi muốn nói về tình yêu mà Thiên Chúa đổ tràn đầy chúng ta và chúng ta phải thông truyền tình yêu đó cho những kẻ khác” (s.1).

Trong bài này, chúng ta cố gắng mô tả những nét chính của tình yêu dựa vào Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu” của Đức Bênêđictô XVI.

Chiều kích thiên linh của tình yêu

Đức Bênêđictô đã khởi đi từ một nhận xét : “Ngày nay, thuật ngữ “tình yêu” là những từ được sử dụng nhiều nhất và cũng bị lạm dụng nhiều nhất ; với thuật ngữ này, chúng ta có thể gán cho rất nhiều ý nghĩa khác nhau” (s.2). Chúng ta nói đến tình yêu tổ quốc, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu bạn bè, yêu thích việc làm, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em và thân bằng quyến thuộc, tình yêu tha nhân và tình yêu đối với Thiên Chúa. Chúng ta thường sử dụng từ này khá dễ dàng và rộng rãi. Chẳng hạn một người có thể nói rằng anh yêu gia đình, yêu chiếc xe mới sắm, yêu cả “mắm tôm”. Báo chí có những tựa đề dựt gân : “yêu những kẻ khủng bố” hay “thích tự tử”. Rõ ràng từ “tình yêu” có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Từ nhận xét đó ngài nêu lên một vấn nạn : “Có phải mọi hình thức của tình yêu cuối cùng cũng kết hợp lại với nhau, và tình yêu – dù có khác biệt trong mọi hình thức – vẫn là một, hay là chúng ta sử dụng một từ để chỉ nhiều thực tại khác biệt nhau ?” (s.2)

Để trả lời câu hỏi, Đức Bênêđíctô đã phân tích quan niệm về tình yêu của các nền văn hoá, đặc biệt nền văn hoá hi lạp, và của các tôn giáo, và minh chứng rằng, trên căn bản, tình yêu là một thực tại duy nhất vì chiều kích thiên linh của nó.

Người Hy lạp gọi tình yêu là eros. Cũng tương tự như ở các nền văn hóa khác, người Hy Lạp trước tiên nhìn trong eros “một sự say đắm, lý trí bị một sự “điên dại thần bí” thống trị, bứt con người ra khỏi hiện thực hạn hẹp của mình và, trong tình trạng bị quyền lực thần linh này thống trị, sẽ đưa họ đến cảm nghiệm sự diễm phúc cao độ nhất.” (s.4) Thi sĩ Virgile trong tập Bucolica đã nói : “Omnia vincit Amor” (Tình yêu vượt thắng tất cả). Và ông còn thêm : “Et nos cedamus amori” (và cả chúng ta hãy khuất phục trước tình yêu). Tất cả các quyền lực khác giữa trời và đất đều trở thành thứ yếu. Còn trong các tôn giáo, các hình thức phụng thờ sự sung mãn, việc mãi dâm thánh, muốn diễn tả chiều kích thần linh của tình yêu. Eros được cử hành như một quyền lực thần linh, như một sự kết hợp với thần linh. Người ta nói tới những trạng thái “xuất thần”. Những từ “điên dại thần bí”, “quyền lực thần linh” ám chỉ đến chiều kích thần linh của tình yêu.

Vâng, tình yêu có liên hệ với Thiên linh : tình yêu hứa ban sự vô hạn, vĩnh cửu – sự vĩ đại và hoàn toàn khác với thực trạng hàng ngày của chúng ta.

Thiên Chúa là tình yêu : ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Đức Bênêđictô đã dùng câu trích dẫn thư thánh Gioan này để mở đầu thông điệp và xác định nguồn gốc của tình yêu. Thánh Kinh cho chúng ta biết hình ảnh mới mẻ về Thiên Chúa. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Người là Đấng Sáng tạo trời đất và là Thiên Chúa của mọi người. Các thụ tạo rất thân thiết với Người, chỉ vì Người đã muốn chúng và đã sáng tạo chúng như thế. Vị Thiên Chúa ấy yêu thương con người. Thiên Chúa có một tên, đó là Tình yêu.

Niềm tin Thánh Kinh đó cho chúng ta xác quyết rằng : tình yêu mang tính thiên linh. “Chúng ta cũng có khả năng để thực hiện tình yêu vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa” (s.39).

Tình yêu mang tính “thiên linh”, vì từ Thiên Chúa mà đến và giúp chúng ta kết hợp với Thiên Chúa, giúp chúng ta trở thành một “chúng ta”. Tình yêu là “xuất thần”, nhưng xuất thần không theo nghĩa một thoáng đam mê, “xuất thần như là con đường vững chắc bước ra khỏi cái tôi đóng kín để tự do dâng hiến cái tôi của mình, để cho đi và qua đó để tìm được chính mình, vâng, để tìm được Thiên Chúa” (s.7). “Vâng, có một sự kết hiệp của con người với Thiên Chúa – đó là giấc mơ nguyên thủy của con người – nhưng sự kết hiệp này không phải là sự tan biến, chìm sâu vào một đại dương vô danh của thần tính, nhưng là sự hiệp nhất tạo nên tình yêu, trong đó cả hai – Thiên Chúa và con người – ở lại trong tình yêu và hoàn toàn trở thành một. Thánh Phaolô nói : “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (1Cr 6,17) (s.10).

Chiều kích thiên linh cũng thể hiện rõ nét trong tình yêu nam nữ bởi vì ngay từ lúc sáng tạo eros hướng con người đến hôn nhân, đến sự ràng buộc, đến sự duy nhất và dứt khoát, vốn là những phẩm tính của tình yêu Thiên Chúa : “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”
(St 2,24).
Hôn nhân một vợ một chồng đáp ứng với hình ảnh Thiên Chúa độc thần. Hôn nhân căn cứ trên một tình yêu đơn nhất và dứt khoát, trở thành cách trình bày sự liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Người : cách thức Thiên Chúa yêu trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu của con người.” (s.11)

Tình yêu là eros và agape

Một vấn nạn khác đã được Đức Bênêđíctô nêu lên như khởi điểm của suy tư : Với những mệnh lệnh và những ngăn cấm của mình, phải chăng Giáo Hội đã làm cho niềm vui của tình yêu nam nữ, - tình yêu theo nghĩa eros - tình yêu đẩy ta đến với kẻ khác, và tìm được sự biến đổi qua sự kết hợp, - trở nên điều cay đắng hay không ? Hay nói như triết gia Friedrich Nietzsche, phải chăng Kitô giáo đã đầu độc eros ?

Đức Bênêđictô không phủ nhận rằng Kitô giáo trong quá khứ bị kết án là thù ghét thân xác, và nhìn nhận rằng ngày nay xu hướng này vẫn còn (x. s.5). Đã có những trường phái tu đức cho rằng những biểu lộ của trái tim đều bị coi như một mối nguy cơ, như một cái gì “nhân loại” và “tự nhiên”, do đó không hoàn hảo. Người ta cho mọi niềm vui phát xuất từ con tim sẽ làm mất đi công phúc của một tình yêu siêu nhiên, và vì thế sẽ tìm cách “vô hiệu hoá” tình cảm của mình và làm cho nó như bạc nhược đi. Theo những trường phái này, tình yêu siêu nhiên được quan niệm như một thực thể khác biệt một cách căn bản với tình yêu tự nhiên, và nó cũng không cần nhờ đến những phương tiện tự nhiên thông thường để diễn tả ra bên ngoài.

Thế nhưng cách tôn vinh thân xác mà chúng ta thấy ngày hôm nay cũng chỉ là dối trá vì trong thực chất nó hạ giá thân xác con người : “Eros (tình ái) bị hạ giá xuống thành sex (tình dục), trở thành hàng hóa, thành “vật phẩm” ; người ta có thể mua hay bán nó, thật vậy, chính con người cũng trở thành hàng hóa. Trong thực tế, điều này không phải là tiếng đồng ý cao cả của con người đối với thân xác mình” (s.5). Tuổi Trẻ Chủ nhật 16.04.2006 có bài viết đặt vấn đề “yêu ‘phần xác’ : sướng hay khổ ?” và ghi lại tâm sự của một bạn trẻ : “Bây giờ tôi như một gái bao” – cô bạn Thanh P. tâm sự trong nước mắt. P. “lún” ngay khi đậu đại học, thoát khỏi sự kềm cặp của gia đình. Những cuộc vui thâu đêm suốt sáng liên tục cho tới năm hai thì phải nghỉ ngang vì nợ môn. “Ban đầu nghĩ đơn giản là quan hệ với người yêu thôi. Sau “phóng lao phải theo lao”, đã một lần lên giường là có lần sau, càng ngày càng dễ vì còn gì để mất đâu. Sống chung thì chuyện ban trai chu cấp tiền, mua sắm, tặng quà là chuyện thường. Dần dà tôi thành gái bao chuyên nghiệp lúc nào cũng không hay”. P. cho biết cũng có vài lần quyết tâm làm lại từ đầu nhưng “danh tiếng” đồn xa quá nên P. dù có muốn “yêu một cách bình thường” trở lại cũng khó” (trang 8).

Niềm tin Kitô giáo luôn nhìn con người như là một hữu thể gồm cả hồn lẫn xác, nơi họ, tinh thần và vật chất nối kết chặt chẽ với nhau và cả hai cảm nghiệm được sự cao quí mới. “Con người thực sự là chính mình, khi hồn xác tìm được sự hiệp nhất nội tại ; thách đố của eros chỉ có thể vượt thắng, khi sự hiệp nhất này được thành tựu. Nếu con người chỉ muốn mình là tinh thần và hạ giá thân xác như gia sản động vật, thì hồn xác sẽ mất đi phẩm giá của mình. Và nếu như họ phủ nhận tinh thần và nhìn vật chất, thân thể của họ, mới là thực tại duy nhất, họ cũng lại đánh mất sự vĩ đại của mình” (s.5). Không phải chỉ có hồn hay chỉ có xác mới yêu. Con người, nhân vị, yêu như một thụ tạo duy nhất và đơn nhất, bao gồm cả hồn lẫn xác.

Theo ngôn ngữ thông thường eros là tình yêu hoàn toàn nhân linh. Nó thường được qui về tình yêu theo dục tính. Một tình yêu “đi xuống”, tình yêu “ham muốn”. Ý tưởng căn bản trong eros là có được điều gì đó cho bản thân. Ta có thể có tình cảm đích thực với người khác, thứ tình cảm được nhen nhúm lên nhờ sự hấp dẫn của người khác, nhờ sự phấn khích, hài lòng, thoả mãn mà ta tin rằng người khác sẽ ban cho ta. Eros có vẻ như là tình yêu đối với người khác, nhưng thực ra là tình yêu đối với bản thân. Nó thường nói : “Anh yêu em vì em làm cho anh hạnh phúc”. Nền tảng của nó là một vài đặc điểm nơi người khác mà làm cho ta hài lòng, chẳng hạn như vẻ đẹp, duyên dáng, nồng ấm, dễ thương hay tài năng. Loại tình yêu này trước tiên tìm kiếm điều ta có thể đạt được. Ta có thể cho đi một ít, nhưng mục tiêu thường là đạt được điều gì đổi lại cái ta trao ban. Nếu ta không đạt được cái ta muốn, nó có thể trở thành oán giận, cay đắng hay hận thù.

Agape là tình yêu của một con người không tìm vui thú cho chính mình, nhưng vui sướng khi trao ban. Nó không được cháy bùng lên do công trạng hay giá trị của đối tượng, nhưng phát sinh từ bản tính do Thiên Chúa trao ban. Agape vẫn tiếp tục yêu thương khi đối tượng không đáp trả, không tử tế, không dễ thương hay hoàn toàn không xứng đáng. Nó chỉ ao ước điều thiện cho người mình yêu. Mục đích cuộc đời người ấy là làm cho người yêu được hạnh phúc, dầu phải trả giá hay hi sinh. Không theo kiểu “bánh ú đi, bánh dì lại”. Nó không trao ban 50% và chờ đợi được đáp trả 50%. Nó trao ban 100% và không mong chờ đền đáp lại. “Ngược lại với tình yêu còn đang tìm hiểu và chưa xác định, từ này diễn tả cảm nghiệm tình yêu, trở thành một khám phá đích thực người khác, qua đó vượt thắng được cái tôi ích kỷ mà trước đó vẫn luôn chế ngự. Tình yêu bấy giờ trở thành sự chăm sóc người khác và cho người khác. Tình yêu không còn tìm cho chính bản thân mình – sự chìm đắm trong say mê hạnh phúc – nhưng chỉ muốn điều tốt lành cho người mình yêu : tình yêu trở thành sự từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật, vâng, tình yêu muốn như thế” (s.6)

Trong cuộc trao đổi triết học và thần học, những phân biệt này được đưa lên thành những đối kháng : tình yêu theo quan niệm Kitô giáo là agape là tình yêu bước xuống và dâng hiến ; tình yêu eros không thuộc về Kitô giáo, đặc biệt thuộc văn hóa Hy Lạp, ngược lại, là tình yêu vươn lên và ham muốn”. “Trong thực tế, erosagape – tình yêu vươn lên và hạ xuống – không bao giờ tách biệt nhau. Cả hai càng xuất hiện với sự hiệp nhất đúng đắn dưới mọi chiều kích khác biệt trong một thực tại tình yêu duy nhất, thì bản chất chân thật của tình yêu càng tỏ hiện rõ ràng. Cho dù khởi đầu eros còn mang tính chất khả giác và vươn lên – hấp dẫn vì hứa hẹn hạnh phúc – nhưng khi đến với người khác, con người sẽ không luôn hướng về mình, nhưng luôn ước muốn đem lại hạnh phúc của kẻ khác, luôn chăm sóc đến họ, tự hiến chính mình và muốn hiện diện cho họ. đó là lúc agape xen vào trong họ, nếu không như thế, con người sẽ bị hụt hẫng và đánh mất chính bản chất của mình. Ngược lại, con người không còn khả năng sống đơn thuần trong tình yêu ban tặng và đi xuống. Con người không thể cho mãi, họ cũng phải đón nhận. Ai muốn ban tặng tình yêu, thì chính họ cũng được lãnh nhận tình yêu” (s.7).

Thiên Chúa yêu thương con người “và người ta có thể xem tình yêu của Người là eros, nhưng cũng đồng thời là agape (s.9). Hai vị ngôn sứ Hôsê và Edêkien đã đặc biệt diễn tả đam mê của Thiên Chúa đối với dân của mình bằng những hình ảnh tình ái táo bạo : hình ảnh hôn ước và hôn nhân. Thiên Chúa yêu thương con người đến độ trở thành con người, chạy theo họ cho đến độ đi vào cõi chết. Eros của Thiên Chúa đối với con người cũng hoàn toàn là agape. Không phải chỉ vì eros này được ban tặng cách hoàn toàn nhưng không, không do một công trạng nào trước đó, mà còn vì đó là tình yêu tha thứ. Tình yêu này cao cả đến độ Thiên Chúa chống lại chính mình, tình yêu của Người chống lại công lý của Người.

Nhờ chiêm ngưỡng tình yêu của Thiên Chúa, Hội Thánh “không phủ nhận, cũng không “đầu độc” eros, nhưng là chữa lành để đạt được sự cao cả thực sự của nó.

Tình yêu không chỉ là cảm xúc
nhưng còn là sự hiểu biết và ý chí

Cũng trong bài báo Tuổi Trẻ Chủ nhật nêu trên, tác giả cho thấy một quan niệm về tình yêu của không ít các bạn trẻ thời nay : “Lấy chồng lấy vợ thì còn lâu nên bây giờ phải vui vẻ cái đã, thích thì chiều”… Một phong cách “yêu” trong quan hệ tình dục đang trở thành hiện tượng của không ít bạn trẻ”. Và tác giả kể tiếp : “Thanh L. đang học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh, thú nhận đã có quan hệ tình dục với bạn trai từ hơn một năm. Tuấn K. – bạn trai L – thẳng thắn : “Chúng tôi phân biệt rạch ròi, vui vẻ thì sống chung với nhau, còn thấy hết tình, hết cảm xúc về nhau nữa thì vui vẻ chia tay, tìm nguồn cảm hứng mới”.

Ngày nay nhiều bạn trẻ quan niệm tình yêu chỉ là cảm xúc. Họ chọn bạn đời trên nền tảng của eros. Họ có thể biết rất ít về nhau, nhưng họ nhấn mạnh rằng tình yêu sẽ giúp họ vượt qua được những khó khăn. Đáng tiếc thay, thường không phải như vậy, bởi vì đó không bao giờ là tình yêu đích thực. Cái bong bóng lãng mạn nổ tung khi con người “lý tưởng” xuất hiện xa vời với lý tưởng – nhẹ dạ, thô lỗ, không lãng mạn, lơ đễnh… Bởi vì không người bạn đời nào có được điều người ấy mong chờ nên chẳng mấy chốc anh đi đường anh, tôi đi đường tôi.

Tình yêu không phải chỉ là cảm xúc. Cảm xúc đến rồi đi. Cảm xúc có thể là một tia sáng khai mở diệu kỳ, nhưng tổng thể của tình yêu không phải như thế. Tình cảm chỉ là một nguồn phong phú và là một nguồn sức mạnh khi có được sự hướng dẫn bởi lý trí. Để đạt được mức độ trưởng thành của tình yêu, cần có sự tham gia mọi sức lực của con người, có nghĩa là con người trong tổng thể của mình. Tình yêu không chỉ là một tình cảm, nhưng còn có trí khôn và ý chí trong đó. Sự kết hợp của hiểu biết, ý chí và tình cảm trở thành một hành động trọn vẹn của tình yêu.

St. Exupery định nghĩa yêu nhau là nhìn về một hướng. Đức Bênêđictô trích dẫn câu nói thời danh của Sallust : Idem velle atque idem nolle” (cùng muốn và cùng không muốn một điều như nhau). Người này trở nên giống người kia, điều này đưa đến một sự hợp nhất của ý chí và tư tưởng. Với lời Ngài, Thiên Chúa ngỏ lời với trí khôn chúng ta, với ý chí chúng ta và với tình cảm chúng ta sao cho chúng ta có thể học cách yêu mến Ngài “với hết con tim, với trọn cả linh hồn”. Và như thế, tình yêu không còn là một “giới luật”, áp đặt trên chúng ta từ bên ngoài, nhưng là một cảm nghiệm tình yêu được ban tặng từ bên trong, là lời đáp trả cho hồng ân “tình yêu”, một tình yêu mà tự bản chất phải được tiếp tục chia sẻ.

Bài thơ sau đây là một nỗ lực diễn tả tình yêu không chỉ là cảm xúc :

Phải chăng là khi tim bạn đập nhanh, lòng bạn tay bạn ướt đẫm mồ hôi, giọng nói bạn phải chạy theo mới có thể bắt kịp với nhịp đập trái tim nơi lồng ngực ?

Đó chưa phải là yêu… Chỉ là THÍCH.

Phải chăng là bạn không thể giữ cho mắt và tay bạn rời khỏi họ ?

Đó chưa phải là yêu… Chỉ là SỰ THÈM MUỐN.

Phải chăng là bạn luôn hãnh diện và háo hức muốn khoe họ với mọi người vì họ rất tuyệt ?

Đó chưa phải là yêu… Chỉ là MAY MẮN.

Phải chăng là bạn cần họ vì bạn biết họ đang có mặt bên cạnh bạn ?

Đó chưa phải là yêu… Bạn cảm thấy như thế, bởi vì bạn đang CÔ ĐƠN.

Phải chăng là bạn ở bên cạnh họ vì đó là điều họ muốn ?

Đó chưa phải là tình yêu… Chỉ là LÒNG TRUNG THÀNH.

Phải chăng là bạn ở bên họ vì vẻ bề ngoài của họ làm cho tim bạn đập nhanh hơn một nhịp ?

Đó chưa phải là yêu… Chỉ là SỰ MÊ MUỘI.

Thế nhưng…

Khi tim bạn vỡ vụn và đau nhói những lúc họ buồn...

Đó mới là YÊU.

Khi những người khác dù có thu hút bạn, nhưng bạn vẫn ở lại bên cạnh họ một cách không hối hận…

Đó mới là YÊU.

Bạn chấp nhận lỗi lầm của họ vì bạn biết đó là một phần tính cách của họ…

Đó mới là YÊU.

Khi bạn khóc vì những nỗi đau của họ, dù là nhiều lúc đối với những nỗi đau đó, họ còn cứng cỏi hơn cả bạn nữa…

Đó mới là YÊU.

Khi bạn cảm thấy như ánh mắt của họ nhìn thấu tim bạn, chạm vào tâm hồn bạn một cách sâu sắc đến đau lòng…

Đó mới là YÊU.

Phải chăng bạn bằng lòng dâng hiến trái tim, cuộc đời, sự sống cho họ chứ ?

Nếu có thì đó là YÊU.

Tình yêu có muôn vàn điều kỳ diệu và trong muôn vàn điều kỳ diệu có tình yêu !”

Hướng mắt nhìn “Đấng họ đã đâm thâu”

Con người được mời gọi hướng mắt nhìn “Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37 ; Dcr 12,10) bởi vì “cách thức Thiên Chúa yêu trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu của con người” (s.11)

Tình yêu Eros-Agape luôn là hành động.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người …có cuộc sống đời đời” (Ga 3,16). Tình yêu Eros-Agape đạt tới hình thức triệt để nhất trong Đức Giêsu Kitô, “Tình yêu trở thành xác thể của Thiên Chúa”. Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô chạy theo “con chiên bị thất lạc”, chạy theo nhân loại đau khổ và bị tiêu vong. Tình yêu Đức Giêsu đã tỏ lộ cụ thể khi Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,1-13). Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, Đấng đã tự trao ban chính mình để nâng con người lên và cứu độ họ, diễn tả tình yêu trong hình thức cao cả nhất.

Tình yêu Eros-Agape không bao giờ kết thúc, nó phải tăng trưởng luôn mãi.

Đức Giêsu trao ban cho hành động tận hiến này sự tồn tại lâu dài qua việc thiết lập Bí tích Thánh Thể ; dưới hình bánh và rượu, Ngài ban tặng chính mình cho chúng ta như một thứ manna mới liên kết chúng ta với Ngài. Khi tham dự vào Bí tích Thánh Thể, chúng ta được lôi kéo vào hành động tận hiến của Đức Giêsu. Đây không chỉ là một sự “kết hiệp” với Thiên Chúa, nhờ sự thông hiệp vào Mình và Máu Đức Kitô, nhưng còn có đặc tính “xã hội” vì “việc kết hiệp với Đức Kitô cũng đồng thời là một sự kết hiệp với những kẻ khác, với những người mà Chúa tặng ban mình cho họ”. Sự hiệp lễ kéo tôi ra khỏi bản thân để đến với Người và đồng thời đi vào sự hiệp nhất với tất cả mọi người Kitô hữu. Chúng ta trở thành “một thân thể”, một sự hiện hữu tan biến vào trong nhau.

“Tình yêu đó cốt tại chính điều này là, trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, tôi yêu người thân cận cả khi tôi không thích hoặc không biết người đó. Điều này chỉ trở nên khả thể từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập vào trong tình cảm. Bấy giờ tôi học hỏi cách nhìn người khác không phải chỉ bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Giêsu Kitô. Bạn của Người là bạn của tôi. Qua dáng vẻ bên ngoài, tôi nhìn thấy được nơi tha nhân sự chờ đợi một cử chỉ yêu thương, một cử chỉ quan tâm (…) Tôi nhìn với đôi mắt của Đức Kitô và có thể trao ban cho người khác nhiều hơn là những vật cần thiết bên ngoài : đó là cái nhìn của tình yêu mà họ cần” (s.18).

“Chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và chúng ta đã tin vào tình yêu đó” (Ga 4,16).

Chỉ nhờ cái nhìn về “Đấng họ đã đâm thâu”, người Kitô hữu có thể trở thành nguồn mạch, từ đó tuôn trào nước hằng sống (x. Ga 7,37-38).

Chỉ nhờ cái nhìn về “Đấng họ đã đâm thâu”, người Kitô hữu có khả năng làm cho thế giới đen tối được sáng trở lại.

 

Lm. Gioan TC. Nguyễn Phước, ofm.


Mục Lục