DEUS CARITAS EST :

LỜI GIẢI ĐÁP CHO CÁC VẤN NẠN

CỦA CON NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI

 

 

DẪN NHẬP

Kể từ cuối thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, thông điệp của Đức Giáo Hoàng luôn là một trong những nguồn giáo huấn quan trọng của Kitô giáo. Cách riêng, với Đức Bênêđictô, thông điệp đầu tiên của Ngài đã được mong đợi với một sự háo hức lạ kỳ. Người ta trông đợi giáo huấn của ngài trong tư cách vị mục tử Giáo Hội Công Giáo toàn cầu để xem Ngài sẽ vạch địch kế hoạch hay chương trình hành động nào hầu đáp ứng những thách đố mà thời đại đặt ra cho Giáo Hội. Trong bài giảng đầu tiên trong ngày lễ lên ngôi Giáo hoàng của Ngài, Đức Bênêđictô đã tuyên bố không đưa ra chương trình hành động nào trong triều đại của Ngài, nhưng như là mục tử, Ngài sẽ thực hiện chương trình của Thiên Chúa chứ không phải của Ngài. Chính vì thế, người ta lại càng trông đợi bức thông điệp đầu tiên này, nhất là khi đọc lại những giáo huấn rất phong phú trước đó của Ngài. Thực vậy, trước khi được bầu làm Giáo Hoàng kế vị Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI đã là một giáo sư thần học nổi danh (1959-1977), và đã là vị Tổng Giám Mục của Giáo phận Munich, một tổng giáo phận miền nam nước Đức, vùng Bavaria đông đảo và sùng đạo với hơn hai triệu giáo dân, 1000 linh mục địa phận và 500 linh mục dòng, 500 tu sĩ nam và gần 6000 nữ tu (1977-1981) ; và sau cùng, theo lời triệu mời của Đức Gioan Phaolô II, ngài đã là vị lãnh đạo một Bộ quan trọng trong giáo triều Rôma là Thánh Bộ Giáo Lý và Đức Tin với nhiệm vụ là gìn giữ sự tinh tuyền của Đức Tin Kitô giáo (11.1981-5.2005). Qua quãng đời khá dài trong những vị trí quan trọng và nổi bật như thế, thế giới Kitô giáo nói chung đã nhận biết những tư tưởng chính yếu của Ngài về phương diện thần học tín lý, luân lý và phụng vụ, cách riêng, những nhận định của ngài về nhiều vấn đề nóng bỏng của thế giới, của Giáo Hội vào triều đại Đức Gioan Phaolô II. Các tác phẩm đã được xuất bản của ngài bao gồm khoảng 80 cuốn sách, hơn 300 bài viết và 25 bài trả lời phỏng vấn,[1] qua đó Ngài đã có những nhận định rất sâu sắc về tình hình Giáo Hội, về những bước đi của Công Đồng, về việc áp dụng giáo huấn Công Đồng Vaticanô II, về những trào lưu tư tưởng của thế giới ngày nay, bao gồm những trào lưu thuận lợi hay không thuận lợi cho sứ điệp Tin Mừng.

Quả vậy, qua suốt 46 năm trong cương vị là một giáo sư, một nhà thần học và một vị chủ chăn, Đức Ratzinger đã sống sâu đậm cuộc sống Giáo Hội đầy biến chuyển trong hậu bán thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21. Đây cũng là quãng thời gian Giáo Hội sống biến cố Công Đồng Vaticanô II với đầy những hy vọng vì những canh tân đổi mới, song cũng là thời gian đầy sóng gió cho Giáo Hội, cách riêng Giáo Hội phương Tây[2] mà Đức Ratzinger đã phục vụ dưới thời giáo triều Đức Gioan Phaolô II.

Theo Đức Ratzinger, Đức Tin Kitô giáo là kho tàng được trao phó cho Giáo Hội và được sống trong lòng Giáo Hội Công Giáo duy nhất. Và Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô này hiện diện qua dòng lịch sử, xuyên vượt qua những trào lưu tư tưởng và văn hoá của thời đại mà Mạc Khải được đón nhận trong Đức Tin là nguồn ánh sáng soi dẫn, chỉ đạo cũng như sửa chữa.[3] Cũng theo Đức Ratzinger Giáo Hội này phải luôn đối thoại với thế giới văn hoá để tìm ra sự thật,[4] một sự thật đem lại niềm vui sống cho con người,[5] vạch ra con đường phục vụ con người trọn vẹn hơn trong ơn gọi làm người của họ ; nhưng đồng thời, Giáo Hội cũng sẵn sàng đương đầu và sửa sai những nền văn hoá hàm chứa hoặc quảng bá những giá trị đối chọi Tin Mừng. Với sự đóng góp mang đậm dấu vết riêng của ngài, Đức Joseph Ratzinger quả là một vị chủ chăn cũng như là một nhà tư tưởng lỗi lạc đến nỗi các học giả đã đặt tên cho ngài là nhà thần học của nền văn hoá đương thời.[6]

Dưạ trên bối cảnh tư tưởng của Đức Ratzinger được trình bày qua các bút tích của ngài, bài viết muốn đào sâu thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI trong góc cạnh thông điệp này là lời giải đáp cho một số vấn nạn quan trọng của con người đương thời. Bài viết sẽ khởi đầu trong Phần Một với lối sống và suy nghĩ và những vấn nạn mà con nguời đặt ra cho Giáo Hội ngày hôm nay (I). Phần Hai của bài viết này sẽ trình bày câu trả lời cho các vấn nạn ấy dựa vào thông điệp Deus Caritas Est (II). Chắc chắn bài viết không có tham vọng trình bày tất cả mọi vấn nạn của con người cũng như mọi giải đáp mà thông điệp đã đưa ra. Bài viết chỉ nêu ra một số những vấn nạn mà Đức Ratzinger trước khi làm giáo hoàng đã ưu tư và thường xuyên đề cập đến, để rồi trong năm thứ nhất của triều đại ngài, ngài đã muốn soi sáng bằng ánh sáng Tin Mừng và đưa ra câu trả lời đáp ứng những vấn nạn ấy.


I. CÁC VẤN NẠN :

Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu đôi chút về bối cảnh tư duy của con người hiện đại. Chúng ta phải nói ngay rằng trong cương vị là chủ chăn của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, bối cảnh mà Đức Bênêđictô nhắm đến hẳn phải là bối cảnh của thế giới toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khởi đầu với trào lưu tư tưởng đã khởi sự từ phương Tây gọi là thời Tân Đại (Modernism) kéo dài từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20 (1) và trong thời đại đó, một nhà tư tưởng mà Đức Bênêđictô nêu đích danh là Friedrich Nietszche (2). Những lối suy nghĩ như thế đã tiếp tục trong thời hiện đại của chúng ta và đưọc mệnh danh là thời Hậu Tân Đại [Post-modernism] (3).

 

1. Những vấn nạn của Tân Thời Đại.

     [Modernism]

Trào lưu thời đại mới đã khởi sự từ thế kỷ 16 tại Phương Tây với những nhà tư tưởng như Descartes và Kant. Họ cho rằng chân lý phải được xem xét theo tiêu chuẩn của lý trí con người mà thôi, chứ không thể theo tiêu chuẩn của một mạc khải nào hết, nhất là mạc khải được coi là nằm trong thẩm quyền giải thích của Giáo Hội. Nhằm thoát khỏi sự bảo hộ của Giáo Hội trong suốt thời kỳ trước đó là thời Trung Cổ, các nhà tư tưởng lúc bấy giờ tự gọi mình là nhóm Tân Thời (Modern), và cổ võ một lối tư duy và hành động khác với những gì mà các nhà tư tưởng Trung Cổ. Họ quả quyết rất mạnh mẽ rằng trong mọi con người đều có một lý trí phổ quát và lý trí này là quan toà để xem xét và đánh giá mọi sự, nhất là xem xét những quả quyết về chân lý. Nguyên lý đệ nhất của họ chính là : hãy can đảm sử dụng lý trí của bạn [và được hiểu là ‘hãy chỉ dùng lý trí’ mà thôi].

Phương pháp suy nghĩ và hành động theo phán quyết của lý trí đó độc lập với phương pháp suy nghĩ và hành động khởi sự từ cái nhìn đức tin sống động của thời Trung Cổ, thường quy hết mọi sự về Thiên Chúa. Phương pháp suy nghĩ và hành động tân thời đó đã làm nảy sinh ra phương pháp làm việc khoa học kỹ thuật dựa trên việc tìm kiếm, khám phá ra những năng lực thiên nhiên và năng lực nơi con người độc lập với những quả quyết của Thánh Kinh được hiểu theo não trạng Trung Cổ thời bấy giờ. Từ đấy, các khoa học kỹ thuật tại Phương Tây được phát triển một cách nhanh chóng và não trạng khoa học kỹ thuật này sớm thống trị toàn thể nhân loại khi nhân loại bước sang thế kỷ thứ XX.

Phải nói rằng trào lưu Tân thời như thế [đối lại với thời Trung Cổ] đã đem lại rất nhiều ích lợi không thể chối cãi được cho con người. Số sinh tăng nhanh và số tử giảm đi rất nhiều. Nhiều căn bệnh chết người dần dần có thể được kiểm soát và khai trừ. Trên nguyên tắc, con người đòi hỏi được đối xử bình đẳng và công bình. Nói chung, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp gia tăng của cải vật chất và xã hội được phát triển về nhiều mặt, và cách riêng, giáo dục là phương thế tối cần thiết và không chỉ dành cho một số giới quý tộc giầu có mà là quyền lợi của mọi con người.

Nhưng cùng lúc đó, sự phát triển của thời đại gọi là Khoa học kỹ thuật như thế lại đưa đến rất nhiều hậu quả tai hại. Nông nghiệp và y tế được phát triển nhưng kỹ thuật quân sự cũng phát triển theo. Khả năng hủy diệt của con người được gia tăng một cách khủng khiếp và hai trận thế chiến là kết quả hiển nhiên cho lối nhìn thống trị bởi lý trí duy khoa học thực nghiệm như thế, bởi đó là một thứ lý trí không được đi kèm theo bởi một tiêu chuẩn đạo đức, hay tôn giáo, và là một thứ lý trí què quặt bởi đã nhìn rất phiến diện về thực thể nhân linh. Cũng thế, trại tập trung thảm sát người Do Thái và các cuộc thảm sát diệt chủng, hoặc những án quyết loại trù những người không đồng lòng bước vào kế hoạch chung của một nhóm cầm quyền cũng là những dấu chứng cho thấy mặt trái của lối suy tư duy lý trí và duy tổ chức đó. Bên cạnh đó, những vấn đề của môi trường cũng là mặt tối của thời khoa học kỹ thuật hiện nay và đã lên tới mức báo động báo động. Tiếp nữa là sự can thiệp vào ADN, các kỹ thuật sinh học kéo theo những hậu quả mà cho đến chưa ai lường trước được. Cách nhìn của con người bị giản lược vào lối nhìn duy thực nghiệm, coi con người chỉ là một kết quả của tự nhiên mà khoa học kỹ thuật có thể can thiệp và lèo lái.

Ngày nay, hiện cũng còn rất nhiều con người còn đang sùng bái lối tư duy kỹ thuật khoa học như thế, cách riêng các dân tộc ở thế giới đang phát triển. Song đã có rất nhiều nhà văn hoá đã vạch ra các mặt trái của lối suy nghĩ và hành động theo thực nghiệm như thế.[7] Trong một bài viết, Đức Ratzinger đã lưu ý tới loại hiện tượng toàn cầu hoá theo nghĩa lối nhìn duy khoa học kỹ thuật này hầu như thống trị tâm tưởng của con người thời đại và đả làm nghèo nàn đi đời sống nhân văn và tâm linh của con người.

Từ tư duy và hành động theo lối khoa học kỹ thuật rất giản lược đó mà hiện tượng bài tôn giáo nói chung và bài Kitô giáo nói riêng ở Phương Tây đã lan tràn nhanh chóng để rồi trở thành hiện tượng vô thần phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau. Người viết tin rằng thông điệp Deus Caritas Est đã được đưa ra trong bối cảnh con người xa lạc tôn giáo vốn là môi sinh để con người tiếp cận và hưởng nhận Tình Yêu Thiên Chúa. Nhiều người công khai gạt bỏ tôn giáo khỏi cuộc sống, và như thế, đã từ bỏ Tình yêu của Thiên Chúa, kéo theo hậu quả là con người đã khước từ chính con người mình và khước từ tha nhân qua những hình thái khác nhau.

2. Friedrich Nietszche (1844-1900)

Nếu như các nhà tư tưởng duy lý, duy khoa học và duy thực nghiệm phát xuất từ thế kỷ thứ XVI ở phương Tây nói trên đã gạt bỏ đời sống tôn giáo con người
nhân danh phán quyết của tư duy lý trí, thì Friedrich Nietszche, một triết gia cũng được coi là ông tổ của chủ nghĩa vô thần trong thời hiện đại, nhà tư tưởng mà thông điệp đã đích danh nêu tên, lại phê phán tôn giáo từ một góc cạnh khác. Một bên, Nietszche cũng phê phán lối tư duy trừu tượng của khoa học kỹ thuật, và chê trách đó là lối tư duy duy niệm. Ông chủ trương một lối tư duy nhấn mạnh sức năng động của sự sống, mà theo ông, đó là một sự sống có sức sáng tạo liên tục và vô giới hạn. Ông cho rằng chính sức mạnh sáng tạo này nội tại nơi con người và chính con người mới là nguồn gốc sinh ra các giá trị. Năng lực phát sinh ra các giá trị liên tục siêu vượt chính mình qua việc phá hủy các hình thức và các giá trị mà nó đã được diễn tả trong quá khứ và liên tục tạo nên những hình thức và những giá trị mới. Trong suy nghĩ của ông, con người được nhìn nhận là môi trường của sự sống cao trổi nhất và đầy sáng tạo nhất. [8]

Chính trong cái nhìn đề cao con người lên đến tột đỉnh đó mà Nietszche đã đánh giá lại truyền thống các giá trị mà Kitô giáo đã từng truyền bá. Hơn thế nữa, ông còn đảo ngược lại những quả quyết về các giá trị mà Kitô giáo thường cổ võ. Theo ông, các giá trị luân lý không phải do Đấng Tạo Hoá nào khắc ghi nơi bản tính con người mà con người phải làm triển nở khi sinh hoạt trong kiếp nhân sinh này. Dựa vào chủ trương con người nguồn gốc giá trị luân lý, ông chia nhân loại ra làm hai loại người : loại người chủ nhân và loại người nô lệ. Luân lý cũng được chia làm hai tùy theo loại người : luân lý của loại người chủ nhân nhấn mạnh tới những gì là hùng cường, mạnh mẽ, tự tin, còn luân lý của đám dân nô lệ, thường dân là loại luân lý của những kẻ nhu nhược, chỉ luôn muốn nhấn mạnh tới những nhân đức của kẻ nô lệ như là đức nhẫn nại, khiêm tốn, hiền từ, thương yêu, tha thứ, … Và tùy theo việc mình thuộc về loại nào mà con người sẽ đánh giá các giá trị theo đó. Trong khi những kẻ tiện dân coi những giá trị, đức tính của loại chủ nhân là đáng ghê sợ, đáng kinh khiếp, thì loại người chủ nhân lại coi những đức tính của hàng tiện dân thật đáng khinh bỉ, là xấu xa.

Chính trong cái nhìn khinh khi nền luân lý nô lệ như Nietszche hiểu mà Nietszche miệt thị các giá trị tôn giáo. Ông chế diễu những Kitô hữu thời đại ông đã là những kẻ thụ động, những người mà ông gọi là “bệnh hoạn, những người bất toại” với một lối sống thiếu máu, thiếu sinh khí, bi quan.[9] Theo ông, đời sống này chứa đựng tất cả những gì là giá trị nhất, những giá trị khác chỉ có được tùy theo việc chúng có cổ võ đời sống này mà thôi. Tuy nhiên, chính bản thân mỗi người là cội nguồn các giá trị ; các giá trị là do chính bản thân ta đặt ra chứ không phải do một thần thánh nào hình thành nên. Hẳn nhiên, tôn giáo mà ông tấn công nhiều hơn hết chính là Kitô giáo mà ông coi là điển hình của nền luân lý của những kẻ nô lệ. Những nhân đức như từ bi, nhân nhượng, khiêm tốn chẳng qua chỉ là những thái độ của kẻ nhu nhược và bất lực nhưng lại tự kiêu, muốn kẻ khác coi trọng cái mà có lẽ không bao giờ người đời coi trọng được. Chính trong lối suy nghĩ đó mà ta hiểu được Đức Bênêđictô XVI đã nêu đích danh Friedrich Nietzsche như là kẻ đặt lên vấn nạn mà thông điệp Tình Yêu Kitô giáo muốn trả lời. Vấn nạn đó được diễn tả như sau : “Kitô giáo đã làm hư hỏng tình yêu, đã đầu độc tình yêu vốn dĩ thuộc con người” (n.5)

Ở đây, từng luận điểm Nietzsche đã đưa ra đều có thể trở thành đề tài cho chúng ta tìm hiểu và tranh luận. Nhưng thông điệp đã không đi vào từng điểm, nhưng thông điệp chỉ nhắc đến như là bối cảnh để tiếp tục khai phá triền tư tưởng riêng của thông điệp. Ở đây, chúng ta cũng không tranh luận về từng điểm này, nhưng chúng ta cũng phải lưu ý đến đến ảnh hưởng rất lâu dài mà tư tưởng Nietzsche đã để lại, không những cho thế giới Kitô giáo phương Tây mà còn cho cả các vùng văn hoá khác của thế giới, trong đó có cả những người trẻ đang tiếp xúc với ảnh hưởng của phương Tây. Vấn đề then chốt ở đây không phải là Nietszche đã nhìn đúng hay sai về từng một luận điểm nào. Trong lịch sử loan báo Tin Mừng, Kitô giáo thường xuyên bị tấn công nhiều mặt. Các vị anh hùng tử đạo cũng như tác phẩm của các vị hộ giáo là những bằng chứng rõ rệt cho điều đó. Vấn đề mà Nietzsche nêu ra ở đây mà chúng ta cần lưu ý là ông đã đem vào một lăng kính mới mẻ rất tinh quái. Đó là tinh thần hoài nghi về những gì căn bản nhất. Và đó chính là đầu mối của nền văn hoá, nếu không dám nói là của toàn cầu hiện nay, thì ít ra cũng rất mạnh mẽ trong những nền văn hoá đang chịu ảnh hưởng của phương Tây. Cách nhìn đó có thể được coi như là một loài vi khuẩn đã xâm nhập vào trong cơ thể và nằm tại chỗ để từ đó dần dần tàn phá toàn bộ hoạt động cơ thể. Thực vậy, giờ đây, tất cả những gì được gọi là “giá trị” đều có thể bị hoài nghi. Tất cả những gì mà con người coi là chắc chắn, là nền tảng, là truyền thống đều bị giải thích theo lăng kính hoài nghi này : hoặc anh thuộc vào tầng lớp chủ nhân ông, hoặc anh thuộc về tầng lớp người nô lệ. Chính vì thế, cùng với các nhà tư tưởng khác như Freud trong lãnh vực tâm lý, Friedrich Nietszche còn được coi là một trong những bậc thầy về hoài nghi thuyết, mở đường cho cả một tư duy hiện nay khá thấm nhập vào trong giới trẻ của thời đại mà người ta gọi là lối tư duy hậu tân thời mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.

 

3. Trào lưu Hậu Tân Thời

     (Post-Modernism)[10]

Trào lưu hậu tân thời là cả một phong trào tư duy thời mới với một lực lượng các nhà tư tưởng cổ võ trong các lãnh vực khác nhau, từ lãnh vực khoa học nhân văn đến nghệ thuật, văn hoá và triết lý. Chúng ta không đi sâu và nhưng chỉ tóm tắt một số lập trường của trào lưu này như sau :

* Trào lưu này phản đối lại lối tư duy quá thiên về lý trí với những định luật cứng nhắc. Ngược lại với chủ trương của những người tôn sùng khoa học, chủ nghĩa hậu tân thời vạch rõ tính chất “tin tưởng”, một thứ “niềm tin” vào những quả quyết khá võ đoán của các nhà duy thực nghiệm về chân lý. Họ cho rằng không thể có cái gọi là lý trí phổ quát, một lý trí có khả năng xác nhận cái tuyệt đối và phổ quát ;

* Trào lưu này cũng phủ nhận việc cá nhân là một hữu thể nhân linh có khả năng đứng tách mình ra khỏi môi trường điều kiện hoá mình, theo đó, con người không có khả năng siêu vượt vị thế của mình trong lịch sử, giai cấp và nền văn hoá của mình.

* Trào lưu cũng quả quyết rằng không hề có bất kỳ một nguyên lý phổ quát hay đường lối hành động phổ quát nào thích hợp cho hết mọi người ; tất cả chỉ là những ưa chuộng mang tính cách chủ quan, chỉ phù hợp cho lợi ích của một số người ở một số nơi mà thôi.

Với 3 phủ nhận thiết yếu trên, chúng ta không khó lắm để nhận ra những ảnh hưởng của trào lưu này trên nhiều lãnh vực khác nhau :

a. Trào lưu hậu hiện đại không còn tin tưởng vào những trình thuật, những câu truyện, những lối lý giải siêu thời gian, không gian, những lý thuyết mang tính cách phổ quát nữa vì con người không có khả năng siêu vượt không gian và thời gian để có thể có cái nhìn và trình bày cái nhìn phổ quát được. Con người không có vị thế bất định nào đứng ngoài thời gian và không gian để xác nhận một chân lý có giá trị cho mọi nơi mọi thời. Bất kỳ câu truyện gì, lý thuyết gì đều mang dấu vết của cá nhân của người đề xướng. Người ta sẽ luôn vặn hỏi rằng : câu truyện đó là của ai, ai có thẩm quyền kể câu truyện ấy ? Câu truyện ấy có giá trị hay không ? Giá trị đó dựa vào tiêu chuẩn của ai ? Và tại sao người đó lại kể câu truyện ấy, và với “ý đồ” gì ? Họ nhắm lợi lộc gì cho họ ? Rồi người ta sẽ xét tỉ mỉ môi trường thể lý, văn hoá đã điều kiện hoá người trình bày học thuyết hay câu truyện lớn lao đó như thế nào.

b. Nếu như không còn có câu truyện lớn lao vượt không gian thời gian thì cũng chẳng còn cái gọi là lý trí phổ quát nữa. Toàn bộ lý trí hay tư duy và hành động gọi là đúng đắn của con người đều được hình thành trong một bối cảnh, một hoàn cảnh đặc thù nhất định. Các định chế, các nghi thức, các truyền thống cũng thế, chỉ là định chế của một số nhóm người nào đó, của một thời đại nào đó, của xã hội nào đó và không nhất thiết là có giá trị cho những thời đại khác, xã hội khác. Cái gọi là đúng, là hợp lý, chỉ là đúng trong giai đoạn này, phù hợp với hoàn cảnh xã hội này mà thôi, chứ chưa chắc là đã đúng, đã hợp hay sẽ đúng, sẽ hợp trong các giai đoạn khác.

c. Trào lưu này cũng bài bác thẳng thừng lối tư duy duy khoa học kỹ thuật. Cái gọi là khoa học kỹ thuật cũng chỉ là một giai đoạn tư duy của con người, cụ thể con người của phương Tây thiên về việc tác động, ảnh hưởng trên môi trường. Lối tư duy và hành động ấy chưa chắc là phù hợp cho mọi người trên hành tinh này. Cái gọi là chân lý không phải là chân lý về thực tại như các nhà khoa học quả quyết : “Sự việc là như thế đấy !” Không, sự việc chỉ là như thế “theo cái nhìn của tôi” mà thôi! Các quả quyết tôn giáo cũng bị sắp vào lãnh vực chủ quan và riêng tư cá nhân như thế. Những chân lý tôn giáo quả quyết đều bị coi là chân lý cho người có niềm tin ấy mà thôi.

d. Hơn thế nữa, dưới ảnh hưởng của Nietzsche, người ta còn coi các quả quyết về chân lý phổ quát chỉ là mặt nạ che dấu những ý thức hệ của người quả quyết chúng. Ý thức hệ nằm thâm sâu trong lòng con người, như Nietszche trình bày, là một lối ý thức hệ chạy theo quyền lực. Ai nấy đều theo đuổi những ý thức hệ khác nhau để mưu chiếm lấy quyền lực hòng thống trị người khác.

e. Mất niềm tin vào cái phổ quát, lối tư duy hậu tân thời chủ trương không hề có một thứ lịch sử phổ quát nào. Họ trưng dẫn những cái nhìn lịch sử vĩ đại của Kant, của Hegel, của các nhà duy xã hội thế kỷ 19 đều chỉ là những tưởng tượng nực cười. Các lý thuyết về phát triển xã hội cũng chỉ là một phiên bản mới của“huyền thoại”, túc là sản phẩm do con người tưởng tượng ra mà thôi. Lịch sử cho thấy rằng nhân loại đã không hề đi theo một đường thẳng tiến bộ và đồng nhất như thế. Cái gọi là lịch sử chỉ là câu truyện được kể lại bởi những con người cụ thể, bị giới hạn và bị ảnh hưởng cụ thể của môi trường, của giai cấp và lợi ích cục bộ riêng của mình. Họ bộc lộ chính bản thân hơn là diễn tiến của thực tại.

f. Trong cái nhìn này, con người hoàn toàn bị phân hoá và không còn là một trung tâm phát xuất hành động có ý thức và tự do. Con người là một cá nhân bị cố định trong lịch sử văn hoá, ngôn ngữ đặc thù của mình với một thân xác đầy giới hạn. Tất cả những nhận thức của cá nhân đều đậm nét giới hạn trong ngôn ngữ người ấy sử dụng. Mà ngôn ngữ là cái gì hoàn toàn do con người tùy nghi ân định, không có giá trị muôn đời muôn thưở. Ngoài ra, ngôn ngữ còn là công cụ của các quyền lực tranh giành ảnh hưởng nhau. Chúng ta không thể nào xác định được chân lý qua ngôn ngữ của con người. Kinh điển của các tôn giáo đều chỉ là những kinh nghiệm nhân bản được diễn tả ra mà thôi, chứ không hề có điều gọi là Lời Mạc khải của thần linh. Quyền giáo huấn chỉ là một thứ “ưu tiên” trong giải thích mà thôi.

Về điểm này, chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn qua lối trình bày của một triết gia của thời đại là Georg Hans Gadamer được coi là người đã diễn tả rõ rệt nhất tính giới hạn, đặc thù của ngôn ngữ con người sử dụng. Ông đã xây dựng những phân tích về ngôn ngữ như thế thành một triết lý về con người và tri thức của con người như sau :[11]

Con người là một hữu thể sống trong xã hội. Xã hội là tập họp của những con người và mỗi xã hội thừa hưởng một nền văn hoá được lưu chuyển qua ngôn ngữ, phong tục, tập quán. Khi một người nhận thức bất kỳ điều gì, thì nhận thức của người ấy đều được “lọc” qua lăng kính của nền văn hoá người ấy, trong đó những giá trị họ ao ước, trân trọng là lăng kính để người ấy tiếp thu những kinh nghiệm và nhận thức mới. Nói khác đi, con người sống trong những “truyền thống” mà mình thừa hưởng từ cha ông, từ dân tộc, từ đất nước. Không ai lại “thoát” ra khỏi những điều kiện mà môi trường văn hoá mình thừa hưởng và vì thế Không có một “nhận thức” (bao gồm cả những nhận định, những đánh giá) nào được coi là “trung lập”. Cái gọi là nhận định khách quan, chân lý khách quan, giá trị khách quan, tuyệt đối, chỉ là những quả quyết võ đoán ; trong khi chính người quả quyết lại không nhận thấy là mình đang “chìm ngập” trong dòng “truyền thống” văn hoá ấy. Nếu nói một cách tiêu cực, thì không ai lại không có “tiên kiến” hay “thành kiến” về một đối tượng nào đó. Nói một cách tích cực, không ai lại không thừa hưởng, hoặc lại không sống trong một “truyền thống” sống động.

Truyền thống này, hoặc những truyền thống này sẽ “sống” hay “lụi tàn” bao lâu còn có những con người tiếp tục hay không tiếp tục chúng. Việc một truyền thống còn tiếp tục sống động là khi truyền thống đó – được Gadamer gọi là “chân trời” nhận thức – có được tiếp tục hội nhập vào cuộc sống hiện tại hay không. Và mỗi con người trong thời hiện tại của mình lại đem những vấn đề mới mẻ mà mình bắt gặp để hội nhập vào trong chân trời nhận thức của truyền thống. Nói tắt, ở đây, khi một con người với những vấn đề mới mẻ của cuộc sống đầy thúc bách, sẽ tìm cách có câu trả lời khi đem chân trời ấy “hoà trộn” với chân trời nhận thức của truyền thống và rất có thể sẽ làm xuất hiện những “chân trời” nhận thức mới.

Cách giải thích của Gadamer chứa đựng những điểm tích cực cũng như có những điều đáng phải lưu ý xét về mặt tôn giáo, cách riêng với Kitô giáo của chúng ta. Xét theo một mặt, Gadamer đã nói rõ tầm quan trọng của “truyền thống”, đánh tan huyền thoại chân lý thực nghiệm khách quan mà trào lưu duy khoa học quả quyết hàng bốn thế kỷ vừa qua. Ông đã phục hồi vị trí của “truyền thống” trong đời sống cộng đồng văn hoá. Và nếu Giáo Hội là một cộng đồng của những người Kitô hữu, thì việc Giáo Hội có “truyền thống” riêng của mình cũng là một điều dễ hiểu. Thứ đến, để truyền thống “được sống động” thì buộc phải có việc liên tục thích ứng với bối cảnh của hiện tại. Nói cách khác, cần phải có việc “giải thích” những truyền thống trong một bối cảnh khác, như thể các truyền thống của Giáo Hội đã hội nhập được vào trong những nền văn hoá Hy-La, Ái Nhĩ Lan hay Đức, các dân tộc Slave, và ngày nay, đang tìm cách hội nhập vào các nền văn hoá Á Châu, ...

Tuy nhiên, mặt khác, lối suy nghĩ của Gadamer khi nhấn mạnh tới việc “hoà trộn chân trời nhận thức” đã biến tất cả những nhận định của con người trở thành tương đối. Không có gì là tuyệt đối, mọi sự chỉ là “giải thích” của con người mà thôi. Một chủ trương như thế dễ đưa tới lập trường cho rằng không có tiêu chuẩn hay giá trị nào ở bên ngoài hay vượt lên trên con người hoặc cộng đồng con người, và tất cả chỉ là sự thích hợp hay thuận tiện mà cộng đoàn kinh nghiệm mà thôi. Song thích hợp chỉ là thích hợp với nhóm người này và chưa chắc là đã thích hợp hay thuận tiện cho nhóm người khác.

II. DEUS CARITAS EST

Các chiều hướng suy nghĩ của trào lưu tân thời với chủ trương duy thực nghiệm, duy vật chất, chỉ nhấn mạnh tới lý trí con người hiểu theo nghĩa lý trí giới hạn trong lãnh vực thực nghiệm và chủ trương của Nietszche nhấn mạnh tới ý chí cá nhân tự tạo nên giá trị cho mình mà không đếm xỉa gì đến tha nhân và chủ trương xuất phát từ đó là chủ trương hậu tân thời vừa đối nghịch vừa tiếp tục hai trào lưu trên đều đặt Giáo Hội đứng trước những thách đố thật lớn lao cho Tin Mừng, và đòi hỏi phải có những giải đáp cho con người thời đại. Chúng ta trong bài viết này không có tham vọng lớn để đưa ra những câu giải đáp, nhưng dựa vào thông điệp Deus Caritas Est, chúng ta muốn đối thoại với những trào lưu đó như sau :

 

1. Con người toàn vẹn :

     Tâm điểm phục vụ của Giáo Hội

Vấn nạn đặt ra từ thế kỷ 16 cho đến nay là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã tạo nên một nền văn hoá toàn cầu kỹ thuật và mê hoặc con người vào huyền thoại tiến bộ ấy. Thế nhưng tại sao những tiến bộ đem lại nhiều tiện nghi cho con người như thế lại không hề làm tăng thêm hạnh phúc cho con người ? Giáo Hội chỉ ra rằng bởi vì nền văn hoá đó đã phiến diện khi chỉ nhấn mạnh đến một khía cạnh của lý trí là lý tính thực dụng của con người chứ không phải nhìn đến con người trong toàn diện tính của nhân tính. Con người được cấu thành không chỉ với thân xác mà còn với tâm, với hồn. Và mỗi chiều kích của con người đều cần được phát triển một cách toàn diện. Các kiến thức khoa học kỹ thuật là cần thiết, song những kiến thức đó chỉ gia tăng kỹ năng của con người để biết đến cách thức giải quyết chứ không làm cho con người hiểu thấu hơn lý do tại sao, cũng như mục đích của những hoạt động khoa học kỹ thuật của con người. (Nền văn hoá hiện nay được tiếp thu trong học đường hầu hết mang tính cách “giải quyết vấn đề” [problem solving] hơn là hiểu thấu nguyên nguồn và cùng đích của chúng.

Tri thức khoa học kỹ thuật đó buộc phải bổ sung một chiều kích thiết yếu khác, tức là chiều kích của cái tâm con người mà thông điệp Deus Caritas Est muốn lấy làm chủ đề để tìm hiểu sâu xa : con người còn cần được yêu và được trao ban tình yêu. Và hẳn đó là lý do tại sao thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô lại muốn đào sâu đề tài rất căn bản, được biết đến rất nhiều song cũng lại bị lãng quên hoặc hiểu một cách rất sai lạc trong đời sống thực hành. Một lý tính khoa học chỉ biết tính toán hơn thiệt sẽ làm cho con người thành một hữu thể máy móc. Nó đưa ra những giải pháp thuận tiện tức thời mà bỏ quên cái cốt tủy làm cho con người hạnh phúc là tình yêu. Cái lý tính duy niệm phổ quát mà trào lưu tư tưởng từ thế kỷ 16 cổ võ là cái lý tính khiến con người phân biệt những gì thật phức tạp nhưng lại không làm cho con người biết nối kết những gì rất là đơn giản. Người này phân ra người kia, dân tộc này phân ra dân tộc nọ, và thế là chiến tranh đã diễn ra mà ai cũng quả quyết là mình có chính nghĩa, khi chính nghĩa đó được hiểu là quyền lợi riêng biệt của từng người và của từng quốc gia. Một lý tính như thế không có mục tiêu tối hậu và khi con người nghĩ rằnh mình đang thống trị thiên nhiên thì chính lúc đó lại đang bị nô lệ cho những thành phẩm mà con người đã tạo ra. Một thứ thờ lạy ngẫu thần của thời đại mới đã xâm nhập vào lôi suy nghĩ và lối sống của con người.

Một lý tính như thế cũng khiến con người hướng tới những thành quả tức thời, một chủ nghĩa thực dụng đang xâm chiếm con người trên cả hành tinh này. Lý tính đáng lẽ ra phải hướng tới chân lý thì lại chỉ hướng tới thành quả, thành công được lượng hoá qua số lợi nhuận mà con người đắc thủ được. Tiêu chuẩn của tri thức con người không còn là chân lý mà là sự hữu hiệu. Các chương trình, các kế hoạch cũng đều được vạch ra để đạt tới những hiệu quả sờ mó thấy được trong khi những chiều kích khác của tâm hồn con người bị quên lãng. Chính Đức Bênêđictô khi còn là Bộ trưởng thánh bộ Đức Tin đã viết :

Có thể nói được rằng lối suy nghĩ thuần túy duy công dụng này đã kéo theo một tình trạng bất trật tự về ý thức luân lý rất khác với những nền luân lý từ trước tới nay đã hiện diện, vì lẽ lối suy nghĩ này chỉ coi là hợp với lý trí những gì có thể minh chứng bằng thí nghiệm. Trong khi luân lý laị thuộc về một bình diện hoàn toàn khác, luân lý không còn là một phạm trù riêng của chính nó và vì thế, cần phải xác định lại một cách khác, bởi lẽ luân lý là cái gì luôn luôn rất thiết yếu cho cuộc sống con người.

Trong một thế giới dựa trên tính toán như thế, thì chính việc tính toán những hậu quả mới quyết định điều gì được hay không được coi là đạo đức. Phạm trù sự thiện đã biết mất. Không có gì là xấu hay tốt tự nó, mọi sự đều lệ thuộc vào những hậu quả mà một hành động cho phép con người tiên liệu.[12]

Trong một thế giới cổ võ nhân sinh quan như thế, thì con người trở thành sản phẩm của chính con người. Nhân danh sự tìm tòi của lý trí, người ta đã đi sâu những cấu tố hình thành nên thân xác con người và tìm cách can thiệp vào những cấu tố ấy, như những thí nghiệm về ưu sinh để tìm ra con người thể lý hoàn hảo nhất. Con người không còn là hình ảnh của Thiên Chúa nữa nhưng là hình ảnh của chính mình.[13] Thê nhưng, Kitô giáo luôn nhấn mạnh con người là một tổng thể duy nhất xác hồn, có khả năng hiểu biết chân lý khách quan cũng như có năng lực tiếp nhận và cống hiến tình yêu bởi vì con người được tạo dựng nên theo như hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài là Đấng Logos và cũng là Đấng đã thông ban tình yêu của ngài cho con người : “Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối và là nguồn mạch của mọi loài ; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này Logos, Đấng Thượng Trí lại đồng thời là một đấng biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thực sự.” (s.10).

Con người mà Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh người là một thể thống nhất cả xác - hồn, lý trí - ý chí - cảm tính. Chính vì thế, sứ điệp Thiên Chúa là Tình Yêu chính là lời mời gọi con người hãy suy tư lại về bản chất của mình. Kitô giáo không tách rời con người ra từng mảng, hoặc giản lược con người vào một chiều kích duy nhất nào, kể cả những chủ trương giản lược con người vào lý trí thuần túy hay vào thân xác thuần túy :

“... Con người được dựng nên cả xác lẫn hồn. Con người thật sự là chính mình khi xác hồn được kết hiệp mật thiết... Nếu một người chỉ mong được thanh thoát tinh thần và khước từ thể xác, coi thân xác mình chỉ là của loài động vật mà thôi, thì khi đó cả hồn lẫn xác đều đánh mất đi vị thế của mình. Ngược lại, nếu người ấy khước từ tinh thần và coi phần xác như là thực tại duy nhất, người ấy cũng đánh mất đi sự cao cả của mình.” (s.5)

Đức Bênêđictô XVI hiểu rất rõ hiện trạng của thế giới ngày nay, nhất là một thế giới phương Tây đang bị thống trị bởi trào lưu tục hoá, đề cao sự hưởng thụ khoái lạc của thân xác (văn hoá dục tính tràn ngập khắp phim ảnh, truyền hình, sách báo…).[14] Trong Thông Điệp ngài không bàn luận sâu xa về lãnh vực này nhưng chỉ ra cội rễ của tình trạng đó và đưa ra phương thế để cứu chữa : tìm lại ý nghĩa đích thực của tình yêu, kể cả tình yêu trong chiều kích xác thể của nó (eros). Khi con người chỉ nhắm đến khoái lạc xác thịt, con người đã tách niềm vui thú mà Thiên Chúa đã ban cho ra khỏi mục đích của nó là hướng tới sự thành toàn của tình yêu trong hôn nhân và sự thành tựu của tình yêu nơi con cái. Và từ đó, tất cả những thảm cảnh ly dị, ngừa thai, phá thai và kéo theo, từ hậu quả này sang hậu quả khác. Và ngày nay, dường như nhân loại khó có thể dừng lại được sự trượt dốc của mình về mặt luân lý này.[15]

2. Con người và luân lý tính

Thách đố của con người, xét về mặt tôn giáo, đó chính là những thách đố đến từ lãnh vực luân lý đạo đức. Nếu như trên kia, trào lưu khoa học kỹ thuật đặt ra thách đố về nỗ lực con người đi tìm chân lý và nỗ lực đó bị giản lược (một cách thật phiến diện) vào chân lý thực nghiệm của khoa học kỹ thuật, và từ đó ảnh hưởng đến đời sống tâm hồn tôn giáo thâm sâu của con người, thì Nietzsche đã nói thật minh bạch điều mà nhiều người ngày nay đang muốn khẳng định : chính con người là nguồn phát sinh ra các giá trị, kể cả các giá trị đạo đức : công bằng, chính trực, khiêm tốn… Như vậy, trong nền luân lý, không còn có giá trị đạo đức nào gọi là khách quan, có tính bó buộc tuyệt đối nữa. Mỗi người có tiêu chuẩn đạo đức riêng của mình, coi như phù hợp riêng với mình, và mọi sự chỉ còn là “hơn kém” mà thôi. Cái tốt cho anh chưa chắc đã tốt cho tôi. Các đức hạnh cần cổ võ chỉ là công bằng và bác ái nói một cách chung chung. Và đó là trào lưu sống mà rất nhiều lần Đức Ratzinger đã ưu tư và trình bày :

Quả đúng là ngày nay một nền luân lý mới đã hiện diện nhấn mạnh đến những khái niệm như là công bằng, hoà bình, bảo tồn thiên nhiên, những khái niệm gợi laị các giá trị luân lý rất thiết yếu và con người rất cần đến. Nhưng nền luân lý này lại là mơ hồ và hầu như là không thể tránh được là rất dễ dàng kết thúc trong lãnh vực chính trị theo đảng phái. Phải chăng đó chỉ là những giá trị mà tôi đòi hỏi những người khác phải làm cho tôi và rất ít khi là bổn phận của bản thân ? Quả thế, chúng ta buộc phải hỏi công bằng thực sự nghĩa là gì ? Ai xác định điều đó, và cái gì phục vụ cho hoà bình thực sự ?

Vào những thập niên 1970, nền luân lý chính trị chỉ chứa đựng những cội rễ đã hư thối, song lại là một nền luân lý hấp dẫn giới trẻ đầy hăng say với lý tưởng. Song đó là một nền luân lý đã đi lệch hướng do bởi nó đã bị tước đi những suy tư chín chắn của lý trí con người, và xét cho cùng, nền luân lý đó đã đặt một mục đích thật duy tưởng chiếm ưu thế trên cả phẩm giá của con người, và ngay cả có thể đi đến chổ miệt thị con người nhân danh những mục tiêu lớn ở bên ngoài con người… Ngay cả đến cốt lõi lời rao giảng của Đức Giêsu là “Nước Thiên Chúa,” đã bị chuyển thành những “giá trị của Nước Trời,” đồng hoá những giá trị này với những giá trị mà giới chính trị trần thế theo đuổi, coi tôn giáo cũng có những mục tiêu như thế. [16]

Não trạng duy tương đôí theo nghĩa là mơ hồ về các giá trị đạo đức đó lại được bênh vực như là những quyền thuộc về phẩm giá con người, tức là nhân quyền. Nếu có ai đó lên tiếng bênh vực chủ trương có những giá trị khách quan mà mọi người buộc phải tôn trọng (vd : quyền sống của các thai nhi), thì người ta ồn ào dùng số đông để uy hiếp. Như thế, não trạng đó sớm trở thành một thứ độc tài về cảm thức luân lý.

Đáp lại những thách đố duy tương đối về luân lý như thế, giáo huấn của Giáo Hội nhấn mạnh đến giá trị khách quan của những giá trị luân lý, tuy rằng trách nhiệm chủ thể có thể thay đổi tùy theo trạng huống tâm linh họ thủ đắc hay khước từ những giá trị này. Quả vậy, ngay trong mức độ vui thú xác thịt (eros) của tình yêu, thì con người cũng đã khám phá ra chiều kích vươn lên của tinh thần để đi đến sự kết hợp với tha thể, với cái gì bên ngoài của con người : “Eros chân chính có khuynh hướng “xuất thần” để đi tới Thiên Chúa, dẫn đưa chúng ta vượt qua chính mình” (s.5). Giá trị luân lý cao cả nhất chính là tình yêu, và đó là thứ tình yêu đòi hỏi mình phải ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình và chấp nhận hy sinh nếu cần. Đó chính là biểu hiện của năng động lực của ý chí vươn khỏi con người ích kỷ để đi đến tha thể trong chính những nhu cầu của họ cần ta đáp ứng.

Đây không phải là thứ tình yêu đại đồng trừu tượng, một học thuyết chỉ để nói về nhưng là một thực tại đã diễn ra trong dòng lịch sử : Lịch Sử Thiên Chúa yêu thương và cứu độ con người.

3. Tình yêu trong lịch sử nhân loại

Nếu như trào lưu văn hoá hậu tân thời không muốn chấp nhận bất kỳ một giáo thuyết, một lối lý giải nào mang tầm vóc toàn cầu hay siêu thời gian, Deus Caritas est quả là một lời giải đáp cho thách đố của nền văn hoá như thế. Thực vậy, Deus Caritas est không phải là một bản văn trình bày một luận thuyết, nhưng là trình bày một câu truyện dài đã diễn ra trong quá khứ và vẫn còn đang tiếp tục diễn ra trong hiện tại. Lịch sử này không phải là kết luận của những suy diễn trừu tượng mà hậu tân thời thuyết rất dị ứng cho bằng đó là những biến cố đã từng xẩy ra mà con người làm chứng, chứ không phải suy diễn. Mọi biến cố đều diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định nào đó (như thế mới là lịch sử, thế nhưng, câu truyện tình yêu này, đúng hơn, tiến trình tình yêu thể hiện này là diễn ra cho những con người cụ thể với tất cả những thăng trầm trong cuộc sống của họ. Con người phải đối diện với những câu hỏi đích đáng về cuộc sống của mình : Đâu là cội nguồn cuộc sống, và đâu là hướng đích cuộc đời của mình ? Và những vấn nạn gay gắt về sự dữ qua muôn hình trạng của nó. Tất cả những điều này không phải là những câu hỏi lý thuyết mà là những huyền nhiệm va chạm tới từng người và muôn người. Chính vì thế, câu trả lời mà một người tìm ra không chỉ dành cho cá nhân người đó mà còn vang vọng tới cả những người chung quanh, cho tới cả cộng đồng xuyên qua bao thế hệ.

Như thế, trào lưu hậu tân thời có điểm đúng khi lưu ý đến “ý đồ” của những giải đáp cho các vấn đề nhân sinh và những ý thức hệ ẩn tàng đàng sau những câu trả lời đó. Tuy nhiên, cách tiếp cận mà thông điệp Deus Caritas Est mang đến cho những vấn nạn của trào lưu hậu tân thời đó quả là tài tình khi chỉ ra được tính chất thực tại trong lịch sử của câu truyện tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người ; và câu chuyện ấy được con người tiếp tục nối dài trong lịch sử của các thành viên trong Giáo Hội là Dân của Thiên Chúa.

Trào lưu hậu tân thời cũng khá hoài nghi những lời lý giải mang tính cách siêu thời gian vì chúng chất chứa sức nặng của quá khứ, của truyền thống, của lý giải mà cá nhân đem vào trong khi sống các truyền thống ấy. Nhưng trào lưu này cũng nhìn nhận sự đóng góp của từng cá nhân vào trong câu truyện khi những cá nhân ấy mang vào đó cả cuộc sống quá khứ, hiện tại và những ước vọng của tương lai. Chính những đóng góp đó làm cho (câu truyện của) truyền thống mang chở được ý nghĩa vào trong hiện tại và có khi ý nghĩa còn được làm cho phong phú hơn. Đó chính là điều mà Phần thứ hai của Thông Điệp đã làm khi nêu lên những bước áp dụng cụ thể của Giáo Hội sau khi lãnh nhận dấu chứng Tình Yêu của Thiên Chúa và nỗ lực đáp lại. Sự đóng góp của Giáo Hội vào câu truyện Tình Yêu thể hiện trong lịch sử đó là biết bao nhiều hành vi bác ái yêu thương cụ thể, được tổ chức hay không tổ chức qua các tổ chức cứu trợ của các Kitô hữu xuyên qua bao thời đại. Trong mỗi một thời đại, mỗi một vị thánh, mỗi người Kitô hữu, mỗi cộng đoàn Giáo Hội địa phương hay Giáo Hội toàn cầu, khi thể hiện hành vi bác ái như là sự đáp trả Tình thương của Thiên Chúa mà mình tiếp nhận, chính là một “lời chú giải” cho câu truyện tình yêu mà phần thứ I đã nhắc lại. Như thông điệp nhắc đến, các vị thánh, các Kitô hữu trong bổn phận chuyên môn của mình ở trần thế, chính là những nhà “chú giải” của câu truyện này ngõ hầu câu truyện ấy không còn là câu truyện kể qua chứng từ của người xưa mà là những biến cố sống động của ngày hôm nay.

Cũng thế, những con người thời nay khá hoài nghi về những “ý đồ” của bất kỳ câu truyện nào trình bày cho họ. Những câu truyện trình bày cho họ bị hoài nghi là mang chở một kế hoạch được ý muốn củng cố quyền lực và quyền lợi của người trình bày. Câu truyện tình yêu diễn ra trong lịch sử Thiên Chúa yêu thương nhân loại nếu không biết thuận lại một cách đúng đắn thì cũng bị hiểu sai lạc như thế. Khi nêu đích danh Nietzsche, Đức Bênêđictô muốn qua ông lên tiếng trả lời cho tất cả những ai hiểu sai lạc về sứ điệp Kitô giáo, cũng như qua ông, cho tất cả những ai chống đối Kitô giáo và chống đối Thượng Đế, hoặc nhân danh Thượng đế chống đối con người (s.2). Trong thông điệp đầu tiên này, Ngài không trình bày Kitô giáo qua giáo thuyết cho bằng những biến cố được thuật lại trong Thánh Kinh và trong lịch sử Giáo Hội. Và những biến cố đó diễn tả trọng tâm sứ điệp Kitô giáo. Kitô giáo hiện diện không phải để mưu tìm quyền lực (s.28) nhưng là làm chứng tình yêu Thiên Chúa đã dành cho con người và mời gọi con người thông hiệp vào tình yêu ấy ngõ hầu mọi người đều được hạnh phúc ở đời này và trong cuộc sống viên mãn. Thông điệp nêu bật tính chất đặc thù của việc thi hành bác ái của người Kitô hữu, khác với công bằng vốn là mục tiêu cũng như là tiêu chuẩn đánh giá quyền bính dân sự được người dân ủy thác : “Hoạt động bác ái của Kitô giáo phải độc lập với các phe nhóm và ý thức hệ. Nó không phải là một phương thế để thay đổi trần gian về phương diện ý thức hệ, và không nhằm phục vụ các mưu kế trần gian, nhưng nó là một cách thế làm cho tình yêu hiện diện tại nơi đây và lúc này” (s.31). Hoạt động đó “không cảm hứng từ các ý thức hệ có mục tiêu là cải tiến trần gian, nhưng đúng hơn phải được hướng dẫn bởi đức tin hành động nhờ đức ái” (s.33). Những lời này hẳn vang vọng lại lời của Đức Gioan Phaolô II trong lời huấn dụ đầu tiên của ngài cho tất cả những con người thiện chí khi ngài lên nhận sứ vụ Giáo hoàng : Hỡi những con người có thiện chí, đừng sợ mở cửa cho Đức Kitô ! Hoạt động bác ái đó trở thành một “việc chia sẻ của chính bản thân cho đối tượng” (s.34) và như vậy không có ý đồ nào khác hơn là phục vụ con người trong toàn thể tính của nhân tính.

Chính tại điểm này mà Đức Bênêđictô lại một lần nữa nhắc nhở cho những ai muốn dấn thân vào đời sống chính trị không nên biến sự dấn thân đó theo một loại ý thức hệ ôm đồm và muốn giải quyết tất cả mọi sự trong tầm tay của mình. Lịch sử không đi theo một con đường thẳng tắp như thế. Cõi lòng người cần phải liên tục thanh tẩy để khỏi rơi vào cơn cám dỗ của quyền lực. Sự thanh luyện cõi lòng khỏi những cám dỗ của quyền lực chính là cách thức mà Kitô giáo đề ra cho bất kỳ những ai dấn thân vào chương trình đem công bằng đến cho cuộc sống xãhội trần thế. Những ai trong vị thế đem tình thương đến cho người khác luôn được mời gọi hãy trở nên người anh em của những ai thiếu thốn cần đến sự trợ giúp. Và Đức Bênêđictô phân tích thật chính xác : “Những ai đang ở vị thế giúp đỡ người khác sẽ nhận thức rằng khi làm thế chính họ lại nhận được sự giúp đỡ ; có khả năng giúp đỡ người khác chẳng phải là công lao hoặc thành tựu của bản thân” (s.35). Một thái độ như thế thật trái ngược với chủ trương “Người Siêu Nhân” mà Nietzsche cổ võ và các ý thức hệ khác muốn hun đúc nơi con người.

Và cũng tại điểm then chốt này mà thông điệp nhắc nhở việc nhân loại cần đến ơn sủng mạc khải của Thiên Chúa chứ không chỉ là những ao ước làm việc lành mà thôi. Lịch sử chính trị xã hội trong thế kỷ XX đã cho thấy một khi con người từ khước Thiên Chúa và ân sủng ngài thì tệ hại sẽ không thể lường được. Môi trường không chấp nhận ân sủng Thiên Chúa chính là bãi đất phì nhiêu cho những đường lối chính trị nhân danh những hoang tưởng vô căn cớ như ở Auswitch, ở Campuchia, và ở nhiều nơi khác trên thế giới bành trướng không kiểm soát, và trở thành phi nhân đạo xúc phạm tới nhân phẩm của hàng triệu con người mà không lời nào của con người có thể diễn tả hết được.

KẾT LUẬN

Đức Bênêđictô với khả năng dậy dỗ của ngài đã để lại cho chúng ta một thông điệp chạm tới cốt lõi của Kitô giáo : Thiên Chúa là Tình Yêu và con người được mời gọi hướng đến Tình Yêu và sống trong Tình Yêu. Toàn thể Giáo Hội được mời gọi đón nhận sứ điệp này và học hỏi nơi Đức Bênêđictô cách thức loan báo sứ điệp cho thế giới ngày hôm nay. Những khó khăn bên trong cũng như những thách đố đến từ bên ngoài Giáo Hội và những nhu cầu truyền giáo tìm được nơi sứ điệp những gợi hứng thật sâu xa và một chỉ dẫn thật chắc chắn để tìm ra những giải pháp thật cụ thể. Đây chính là chương trình mà Ngài đề ra cho triều đại của Ngài, và thực ra đó chính là chương trình của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều được mời gọi đóng góp của mình vào chương trình kỳ diệu, vĩ đại, nhưng cũng rất thực tiễn theo ơn gọi và sứ mệnh đã lãnh nhận.

Trong một bài viết trước khi thông điệp được ban hành, một nhà thần học đã tiên đoán rằng trong thông điệp đầu tiên của ngài, Đức Bênêđictô XVI sẽ đề cập đến mối tương quan giữa chân lý và tự do, sẽ cung cấp cho toàn thế giới nền tảng triết lý và thần học hầu chống lại “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” đang phát triển rất mạnh tại Phương Tây và đang lan tràn sang các đại lục khác. Tác giả đó cũng tiên đoán rằng thông điệp đó sẽ nhấn mạnh đến hoạt động của Thiên Chúa nơi Đức Kitô trong dòng lịch sử, hầu chống lại trào lưu tương đối thuyết về tôn giáo, chỉ coi Đức Kitô là một trong những vị cứu thế bên cạnh những vị cứu thế khác. Và điều sẽ không thể thiếu được là thông điệp sẽ phải nhắc đến vấn đề công bằng xã hội là vấn đề đang nóng bỏng trên toàn thế giới.[17] Chúng ta đã thấy rằng tác giả đó đã tiên đoán khá đúng những vấn đề mà thông điệp sẽ đưa ra, nhưng, quả thực, thật là một sự bất ngờ khi Đức Bênêđictô lại chọn chủ đề Tình Yêu như là đề tài giáo huấn đầu tiên cho toàn thế giới : một đề tài luôn cũ xưa nhưng lại luôn mới mẻ. Vị gia sư đã biết lấy cái mới từ cái cũ trong kho tàng của mình và đã làm giầu cho kho tàng ấy. Một hình ảnh tích cực của Giáo Hội đang được trình bày cho thế giới. Có thể một số rất đông con người hiện không hoàn toàn chấp nhận Giáo Hội và giáo huấn “khó nghe” của Giáo Hội,[18] nhưng, Thông Điệp cho thấy rằng từ cấp thẩm quyền cao nhất là Đức Giáo Hoàng, cho đến các thành phần khác nhau của Giáo Hội, lẽ sống của Giáo Hội không gì hơn là phục vụ cho tình yêu và hạnh phúc của nhân loại. Và cội rễ của hạnh phúc ấy chính là sống Tình yêu. Đó là một tình yêu phải luôn được thanh luyện khỏi những lệch lạc mà chủ nghĩa duy khoái lạc xác thịt tôn sùng, cũng như là một tình yêu đưa tới sự phục vụ cụ thể những con người với bao nhiêu nhu cầu thâm sâu của họ và phải được thanh luyện khỏi những tham vọng muốn xử lý tất cả mọi sự. Trên hết, đó là Tình Yêu mà Thiên Chúa đã tỏ lộ cho con người qua Đức Giêsu Kitô : “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và Ngài còn tiếp tục yêu thương chúng ta ; do đó, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có thể đáp lại với tình yêu... và tình yêu cũng có thể nở hoa như là lời đáp trả bên trong chúng ta” (s.17).

 

Lm. Giuse Nguyễn Thịnh Phước, sdb


 



[1] x. Paulo Martucelli, Origine e Natura della Chiesa : La Prospettiva storico-dommatica di Joseph Ratzinger, (Berlin : Peterlang, 2000), tr. 461-496

[2] Một vài tình trạng có thể ghi nhận như sau : số linh mục, tu sĩ giảm sút trầm trọng ; con số giáo dân thực hành đạo đã cực kỳ suy giảm (vd : 8% dân Công giáo đi lễ Chúa Nhật) ; các giáo huấn luân lý bị coi thường ; v.v.

[3] Joseph Cardinal Ratzinger, Principles of Catholic Theology, (San Francisco : Ignatius, 1987), 15-27. Trong buổi gặp gỡ với ban biên tập của tập san chuyên đề thần học Communio vào năm 1972, Đức Ratzinger đã phàn nàn rằng ban biên tập đã quá chú tâm đến những đề tài thần học suy lý mà thiếu chú ý đến những vấn đề then chốt liên quanđến đức tin và văn hoá ngày nay.

[4] Châm ngôn của Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratzinger là : “Cộng tác vào việc truyền bá sự thật” (3 Gioan).

[5] x. America, Feb 13, 2006 v. 194 i 5 tr. 4 : Khi còn là Hồng Y, Đức Joseph Ratzginger luôn mong muốn Giáo Hội phải tìm ra được cách thức đem lại cho thế giới niềm vui là tâm điểm khi đón nhận Tin Mừng.

[6] trích theo Aidan Nichols, OP, The Thought of Benedict XVI : an Introduction to the Theology of Joseph Ratzinger, (Cambridge: Blackfriars, 1987), tr. 26.

[7] x. Thông điệp Redemtor Hominis của Đức Gioan Phaolô II.

[8] Luigi Caponigri, History of Philosophy, 190

[9] Friedrich Nietzsche, Zarathrustra Đã Nói Như Thế, tr. 165.

[10] Chúng ta có thể kể ra đây những lý thuyết gia ảnh hưởng nhất của trào lưu hậu tân thời như Michel Foucault, Jean-Francois Lyotard, và Jacques Derrida. Foucault chủ trương lập trường này căn cứ vào cái nhìn duy lịch sử theo đó lịch sử là một cuộc theo đuổi của các quyền lực. Các phán định của xã hội về điều bình thường hay bất thường, xấu hay tốt đều từ đó mà ra. Lyotard, triết gia người Pháp, phê phán các triết lý Tân thời (modern) là chẳng hề xây dựng những quả quyết chân lý của mình dưạ trên cơ sở luận lý hay thực nghiệm, nhưng thực ra là trên những câu chuyện lớn lao ‘đã được chấp nhận’ không bàn cãi, tức quả quyết chân lý của họ chỉ có trong “bộ luật chơi của họ mà thôi.” Ngoài bộ luật chơi đó thì không còn có giá trị gì. Derrida còn bi quan hơn thế nữa khi ông áp dụng cái nhìn hậu tân thời này vào trong việc đọc các văn bản, và cho thấy rõ, không hề có sự xác định vững chắc nào trong các bản văn. Tất cả đều rời rạc và hàm hồ. Cái gọi là ý nghĩa chỉ là ý nghĩa của cộng đoàn hình thành nên câu truyện đó chứ còn ở ngoài cộng đoàn thì không còn ý nghĩa rõ rệt và nhất định như các thành viên quả quyết. x. Kevin J. Vanhoover, Postmodern Theology, (New York: Cambridge University Press, 2003), tr. 1-24.

[11] x. Lewis Edwin Hahn, The Philosophy of Hans-George Gadamer, (Illinois: Open Court Publishing House, 1997).

[12] Tham luận của Đức Hồng Y Ratzinger tại Tu Viện thánh Scholastica ở Subiaco, một ngày trước khi Đức Gioan Phaolô II băng hà. Nội dung về tình trạng Giáo hội tại Âu Châu hiện nay (đăng tại Zenit.org ngày 26 tháng 7 năm 2005) t- Sđd.

[13] Sđd.

[14] Sđd.

[15] x. Vittorio Messori, The Ratzinger Report, (San Francisco : Ignatius, 1985), tr. 93-112 : Trong bầu khí văn hoá tôn sùng tính dục, nhiều người trẻ thường coi giáo huấn của Giáo Hội về đời sống trinh khiết, sự độc thân và các luật lệ về trung thành trong đời sống hôn nhân là những gì áp chế con người (x. Nietzsche), Đức Ratizinger đã nhiều lần vạch ra sự tách biệt giữa mẫu tính và bản chất nữ giới là một trong những nguyên nhân đưa đến rất nhiều tình trạng phá thai, hôn nhân ngoài hôn thú, sự đỗ vỡ của gia đình. x. Hồng y Ratzinger, Le Sel de La Terre, (Paris : Le Cerf, 1997) ; bản dịch tiếng Việt, Muối Cho Đời ; (HCM : Thời Sự Công Giáo), tr. 228-240.

[16] Bài tham luận tại Subiaco.

[17] John L. Allen Jr, Bài viết : “Pope Benedict XVI takes a busman's holiday” (WORLD FROM ROME) 

[18] Hồng y Ratzinger, Muối Cho Đời ; (HCM : Thời Sự Công Giáo), tr. 223-227.


Mục Lục