PHỤ TRƯƠNG :

ĐÔI ĐIỀU VỀ BÁC ÁI MỤC VỤ

THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY,

BỔN MẠNG CÁC CHA SỞ,

MỘT MẪU GƯƠNG BÁC ÁI MỤC VỤ.

 

“Có một người được Thiên Chúa sai đến…”

Đề tựa cho một cuốn sách viết về cha sở xứ Ars, Giám mục Henri Mazerat đã trích dẫn lời Phúc Âm Gioan : “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan” (Ga 1,6). Gioan Tẩy Giả được sai đến, mở đầu một khúc quanh của lịch sử là thời kỳ cứu thế do Đức Kitô thực hiện. 18 thế kỷ sau, một Gioan khác, Gioan Maria Vianney, cũng được Thiên Chúa sai đến, không tạo ra một khúc quanh, nhưng chính là một hiện tượng nổi bật trong đời sống Giáo Hội. Ngài không chỉ làm biến đổi hoàn toàn bộ mặt của một giáo xứ nhỏ bé heo hút ở miền nam nước Pháp, mà ảnh hưởng của ngài còn lan rộng tới tầm mức Giáo Hội.

Cuộc đời và hoạt động của Gioan Maria Vianney phản chiếu tuyệt vời những khía cạnh của Vị Mục Tử tối cao là Đức Giêsu. Được như vậy một phần là vì ước vọng duy nhất của ngài là trở thành một mục tử tốt. Theo ngài, một mục tử tốt là “kho tàng lớn lao nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho một giáo xứ”, đồng thời là “một trong những hồng ân cao quý nhất của lòng thương xót Chúa”. “Sau Thiên Chúa thì linh mục là tất cả hạnh phúc của người Kitô hữu”, vì “chức linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Kitô”.

Chương trình của ngài gói gọn trong những chữ : biết, yêu, tận tụy, hạnh phúc. Ngài biết con chiên và con chiên biết ngài. Ngài yêu thương con chiên và hết lòng lo cho họ. Là người lãnh đạo giáo xứ, ngài nhiệt thành hướng dẫn và dạy dỗ họ. Là thừa tác viên của lòng thương xót, ngài luôn là bạn của các tội nhân. Là mục tử của đàn chiên, ngài trở thành lễ vật của tình yêu cho họ. Tất cả đều nhằm đem sự sống và hạnh phúc đến cho con người. Mục tiêu này đã hé mở và được xác quyết ngay trong câu nói đầu tiên của ngài vào ngày đến xứ Ars. Sau khi cám ơn một em chăn cừu đã chỉ đường cho mình, ngài nói với em : “Con đã chỉ cho cha đường về xứ Ars, cha sẽ chỉ cho con đường về quê trời”.

“Tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa”

Những hoạt động biểu lộ lòng bác ái mục vụ sâu xa của cha Gioan thì rất nhiều, nhưng chỉ cần nhìn vào một công việc thôi cũng đủ cho thấy lòng bác ái ấy như thế nào. Đó là công việc ngồi tòa, việc giải tội. Nhiều người coi đây là chương đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của cha thánh, là hoạt động sáng chói nhất trong nhiệm vụ của một mục tử. Hồi còn trẻ, lúc mà chức linh mục mới chỉ là điều mơ ước, Gioan Maria Vianney đã có một tâm nguyện : “Nếu một ngày nào đó tôi được làm linh mục, tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa”. Một khi làm linh mục, ngài đã thực hiện tâm nguyện ấy, và một trong những phương tiện ngài sử dụng là tòa giải tội. Chính tòa giải tội đã giúp ngài nhiều nhất trong việc đưa các linh hồn về cho Chúa. Chính tòa giải tội là nơi thể hiện rõ nhất lòng thương xót của Chúa cũng như của ngài đối với các chiên lạc. Chính tòa giải tội đã thu hút biết bao nhiêu người tìm đến với xứ Ars, để được ban ơn tha thứ cứu độ. Chính tòa giải tội, với hàng hàng lớp lớp tội nhân vây quanh, là phép lạ lớn nhất trong cuộc đời của
vị thánh.

Các chứng nhân cho biết có nhiều ngày người cha tinh thần của họ đã ngồi tòa 18 giờ. Trong mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 3, số khách hành hương ít hơn, ngài vẫn ngồi tòa 11-12 giờ. “Ngài chỉ rời khỏi đó khi đã làm hài lòng hầu như mọi người”. Vào thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi ngày có từ 300 đến 400 người xếp hàng xưng tội. Công việc vất vả và liên tục trong 30 năm này đã làm cho ngài kiệt lực, đến nỗi có lần ngài tự thú : “Khi tôi rời tòa giải tội, tôi phải lấy tay sờ vào đùi xem nó có còn ở đấy không. Đôi khi ra khỏi nhà thờ, tôi phải vịn vào tường mà đi cho khỏi ngã. Đầu tôi nặng trĩu. Thực sự tôi đã không biết mình chống lại như thế nào”. Cho tới cuối đời, ngài vẫn dành tất cả sức cùng lực kiệt để cứu tội nhân.

Những tội nhân này là ai ? Đủ mọi hạng người. Giám mục có, linh mục có, tu sĩ có, giáo dân có, sang hay hèn, học thức hay dốt nát, đều có tất. Họ kéo đến từ khắp nơi trong nước Pháp, kể cả từ Paris hoa lệ. Ở nhà ga Lyon, có loại vé tầu lửa riêng đi Ars, có giá trị trong 8 ngày, vì để có thể xưng tội, phải chờ đợi mấy ngày là chuyện thường. Cũng ở Lyon, mỗi ngày còn có những xe lớn chở khách hành hương đến Ars. Hầu hết đến đây vì thật lòng hoán cải, nhưng cũng có một số đến vì tò mò, hoặc miễn cưỡng đến vì một lý do nào đó, rồi cuối cùng cũng bị khuất phục. Sở dĩ thế vì họ được gặp không phải một cha sở bình thường, mà là một mục tử sẵn sàng làm mọi sự để giúp họ ăn năn trở lại mà được sống.

“Một chuyên viên thành thạo nhất về các tội nhân” (Đức Piô XII)

Đương nhiên sự thành thạo này không thể có được nơi một con người như Gioan Maria Vianney, học hành kém cỏi, trí thức còn chưa được xếp vào loại “thường thường bậc trung” nữa. Đây là ơn của Chúa Thánh Thần ban cho một mục tử thánh thiện dám sống chết với các tội nhân. Không khoan nhượng với tội lỗi, nhưng lại hết lòng yêu thương kẻ có tội. Nói như lời một bài hát : “Kẻ thù ta đâu có phải là người”, nhưng là gian ác, là mưu mô, là hờn căm, là hận thù và bao nhiêu hình thức khác nữa. Cần phải giải thoát con người khỏi những kẻ thù trên, để trả lại cho họ hình ảnh tốt đẹp của Thiên Chúa. Trung thành với mục tiêu đặt ra từ đầu, Gioan đã suốt đời tận tụy với công việc này.

Ngài đã thực hiện thế nào ?

Người ta thường nói về việc giải tội đến độ anh hùng của ngài mà có khi quên đi những việc khác cũng phát xuất từ tấm lòng của một người rất mực yêu thương kẻ có tội.

Trước hết là cầu nguyện cho họ. Xen lẫn với kinh nguyện hằng ngày, ngài thường khóc lóc mà thưa với Chúa đại khái : “Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải chết… Những người có tội thật đáng thương. Ước gì con có thể thú tội thay cho họ”. Một người thân tín nói với ngài : “Cha cầu nguyện cho họ ít đi một tí được không ? Thấy cha vất vả đau khổ quá !”, thì được trả lời : “Biết sao được. Cha đã hứa cầu nguyện cho họ, cha không thể bỏ…”. Lần khác ngài tâm sự : “Tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi cầu nguyện cho những người tội lỗi”.

Điều đáng khâm phục hơn nữa là không những cầu nguyện cho họ mà ngài còn đền tội thay cho họ. Những hy sinh hãm mình thường là để chống lại những cám dỗ của Satan, những khuynh hướng xấu, những yếu đuối của con người xác thịt, mà không ai tránh khỏi, thì đối với ngài, còn là để đền bồi tội lỗi của biết bao nhiêu người. Trong những năm cuối đời, do ảnh hưởng của một số người, nhất là quan điểm khoan hòa trong thần học luân lý của Anphong Liguori, ngài thường ra việc đền tội nhẹ cho hối nhân, vì lòng nhân từ thương xót cũng có, vì không muốn cho những đã quá vất vả phải vất vả thêm cũng có, nhưng nhất là vì như ngài nói : “Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ, phần đền tội còn lại, tôi sẽ làm thay”. Và ngài làm thay bằng chính sự khổ chế của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Đối với những lỗi nặng mà cứ tái phạm mãi, ngài bắt hối nhân phải làm những việc đền tội nặng, để họ chứng tỏ sự chân thành và quyết tâm sửa đổi, hầu đem lại lợi ích cho chính họ. Chẳng hạn ngài bắt một mệnh phụ ở Paris phải đốt hết sách bậy bạ trong tủ sách của bà thì ngài mới ban phép xá giải.

Đối với những tội nhân cứng lòng, ngài tìm hết cách giúp họ thống hối : gặp gỡ, khuyên nhủ, khi nặng khi nhẹ, và ngay cả bằng nước mắt. Nước mắt và Thánh giá, nhờ ngài, có thể làm cho một trái tim chai đá trở thành trái tim thịt mềm. Có người lúc trước đã trả lời thẳng thừng : “Tôi không muốn xưng tội”, hoặc : “Tôi không đến đây để làm cái chuyện đạo đức của mấy bà”. Mặc kệ. Cuối cùng tất cả đều quỳ xuống dưới chân ngài và xưng thú. Chúa đã ban cho ngài một trực giác lạ lùng để nhận ra giữa đám đông hoặc giữa những người đi qua, ai là kẻ cần được đưa về với Chúa nhất để giúp họ, trước sự ngạc nhiên của chính họ. Do đó mà khi có người buột miệng hỏi : “Mỗi năm cha bắt được bao nhiêu cá lớn ?”, ngài có thể trả lời ngay, không lưỡng lự : “Hơn 700”. Không nhớ con số sao được đối với những con cá như thế !

Một dù vất vả ngồi tòa và có những chuyện dễ làm người ta bực mình, nhưng ngài thì không. Ngược lại, ngài tỏ ra đặc biệt nhẫn nại. Đây là một trong những đức tính nổi bật nhất nơi ngài. Một linh mục đã nhận xét : Tôi đã từng quan sát kỹ xem ngài có tỏ ra bất nhẫn bực tức lúc nào không, mà không thấy. Đem chuyện này hỏi ngài thì được ngài trả lời : “Phải nhẫn nại mới có thể cho cái người ta cần chứ ! Bất nhẫn thì được cái gì ?” Ngài cũng nói với một cha bạn : “Hãy học tập sự nhẫn nại của Chúa”.

Cùng với sự nhẫn nại là thái độ hiền hòa, tế nhị, kính trọng đối với hối nhân, bất kể là ai. Có linh mục sa ngã nặng đến xưng tội vẫn được ngài yêu mến, kính trọng. Lời khuyên dành cho Đức Giám mục giáo phận đến xưng tội với ngài là : xin Đức Cha hãy yêu thương các linh mục của Đức Cha.

Dù có đông người xếp hàng bên tòa giải tội, ngài vẫn dành cho mỗi người một thời gian cần thiết, bởi người nào cũng có vấn đề riêng của mình. Ngài không khuyên dài, nhiều khi chỉ một lời thôi, nhưng là lời làm cho hối nhân phải động tâm suy nghĩ, một lời tác động mạnh trên họ có khi cả đời. Chính sự thánh thiện và yêu thương đem lại sức mạnh và hiệu năng cho lời đó.

***

Thái độ và hành động của cha thánh Gioan Maria Vianney đối với kẻ có tội giống như người cha trong dụ ngôn về tình phụ tử (Lc 15,11-32), hoặc như người chăn chiên tìm lại được con chiên lạc (Lc 15,4-7) thật đáng là mẫu gương cho người mục tử hôm nay. Cùng với bác ái mục vụ nói chung được ngài thể hiện, ngài trở thành le plus imitable des prêtres, như tựa đề của một cuốn sách viết về ngài.

Lm. Micae Trần Đình Quảng

 

Tài liệu sử dụng :

-     Mgr. Francis Trochu, Le curé d’Ars, éd. Emmanuel Vitte, 1925.

-     Jacques Pagnoux, Le plus imitable des prêtres, éd. Saint-Paul, 1959.

-     Daniel Pézéril, Pauvre et saint curé d’Ars, éd. Du Seuil, 1959.

-     Bernard Nodet, Le curé d’Ars, sur la foi du serment, éd. Xavier, Mappus, 1959

 

 


Mục Lục