HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI CỦA HỘI THÁNH

NHƯ LÀ CỘNG ĐOÀN TÌNH YÊU.

(Phần thứ hai, Thông Điệp DEUS CARITAS EST của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Bản dịch Việt ngữ do Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin HĐGMVN)

 

Hoạt động bác ái của Hội Thánh là một mặt trong trách nhiệm 3 mặt của Hội Thánh : rao giảng Lời Chúa, Cử hành các bí tích và phục vụ bác ái (s.25,a). Trong thời đại chúng ta, vẫn còn quá nhiều đau khổ trên thế giới do sự thiếu vật chất cũng như tinh thần nên hoạt động bác ái của Hội Thánh vẫn còn phải tiếp tục và phải mở rộng đến tất cả mọi người và bao trùm tất cả mọi nhu cầu (s.30,a).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Phần thứ hai Thông Điệp DEUS CARITAS EST đã đưa ra các hướng dẫn đúng đắn và cần thiết cho Hội Thánh và cho tất cả những ai muốn thực thi bác ái một cách trong sáng nhất.

Những tài liệu soi sáng cho phần trình bầy này quả thật là hiếm. Chỉ có một số bài trong Báo HIỆP THÔNG số 34 (tháng 3 và 4 năm 2006) của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam viết về Thông Điệp này. Do đó, điều quan trọng là đọc kỹ phần hai của Thông Điệp này để rồi may ra trình bầy được vài ba tư tưởng trong những tư tưởng thâm sâu của Đức Thánh Cha đã viết ra. Sau đó, nếu được phép, sẽ rút tỉa một vài ý cho hoạt động bác ái chung trong Giáo Phận.

ĐOẠN THỨ NHẤT :

TRÌNH BẦY NHỮNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG PHẦN HAI THÔNG ĐIỆP DEUS CARITAS EST.

I. HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI CỦA HỘI THÁNH

    BẮT NGUỒN TỪ THIÊN CHÚA.

Đó là khẳng định đầu tiên của Đức Thánh Cha : Tình yêu tha nhân bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa” (s.20). Tình yêu, bác ái mang chiều kích Ba Ngôi, có Thiên Chúa Ba Ngôi làm nền tảng : Thiên Chúa Cha giầu lòng thương xót là suối nguồn tình yêu. Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian để thực thi lòng yêu thương của Chúa Cha. Chúa Thánh Thần là sức mạnh, nhựa sống của bác ái.

Nhờ có nền tảng là Ba Ngôi Thiên Chúa, Hội Thánh, cộng đoàn của tình yêu, phục vụ mọi người như cách thể hiện tình yêu mang đặc tính Chúa Ba Ngôi (s.19). Thực vậy, Thiên Chúa của Kitô giáo là Tình Yêu (s.1) và con người đã được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (s.39,1) nên con người đi trên con đường của họ, đó là con đường phục vụ tình yêu (s.1). Sự phục vụ tình yêu được cụ thể hóa bằng những hoạt động bác ái của Hội Thánh. Các hoạt động này bắt nguồn từ Tình yêu Thiên Chúa và thể hiện Tình yêu Thiên Chúa.


II.   HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI CỦA HỘI THÁNH

      LÀ TRÁCH NHIỆM

      THUỘC VỀ BẢN CHẤT HỘI THÁNH.

Hội Thánh có trách nhiệm thực thi bác ái bằng các hoạt động từ thiện. Đó là trách nhiệm của từng người Kitô hữu xét theo cá nhân và là của tất cả Hội Thánh xét theo cộng đoàn. (s.20)

Trách nhiệm này thuộc về bản chất của Hội Thánh, là một biểu lộ bản chất không thể từ bỏ được (s.25a) do đó việc phục vụ bác ái đối với Hội Thánh không phải là một cách thức trợ giúp hay phụ thuộc có thể giao cho người khác (s.25a) hoặc thoái thác lẩn tránh, nhưng chính Hội Thánh phải đứng ra chu toàn như bổn phận chính yếu của mình trong mọi xã hội, qua mọi thời đại : Những tổ chức bác ái của Hội Thánh trình bầy công tác đặc thù của Hội Thánh, một trách nhiệm đi đúng với bản chất của mình, trong đó Hội Thánh không phải cộng tác kiểu đứng bên lề, nhưng là một chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm hoạt động và thực hiện điều thích ứng với bản chất của mình. Hội Thánh không được chuẩn chước cho mình khỏi việc thực hiện công tác bác ái… (s29,3).

Việc thực thi bác ái, công tác từ thiện được xác định như một lãnh vực căn bản của Hội Thánh cùng với việc ban phát bí tích và việc rao giảng Lời Chúa (s.22). Cả ba trách nhiệm đó lệ thuộc vào nhau và không thể tách rời nhau được (s.25).

Đó cũng là một trách vụ cơ bản của Hội Thánh mà 7 người (Phó Tế) đã được tuyển chọn để trợ giúp các Tông Đồ. Việc phục vụ xã hội mà họ lãnh nhận là một phận vụ rất cụ thể, nhưng đồng thời cũng là một việc phục vụ thiêng liêng, được thiết lập trong cơ cấu nền tảng của chính Hội Thánh. (s.21)

III. HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI CỦA HỘI THÁNH

      LÀ HOẠT ĐỘNG

      CÓ TÍNH TẬP THỂ VÀ CÓ TỔ CHỨC.

Hội Thánhcộng đoàn (s.19,2), Hội Thánh là Gia đình Thiên Chúa (s.25b). Hoạt động bác ái là trách nhiệm của toàn thể cộng đoàn Hội Thánh, là nghĩa vụ chung của mọi cấp : từ cộng đoàn địa phương đến Giáo Hội cùng miền, cho đến Hội Thánh hoàn vũ. Hội Thánh, trên phương diện là cộng đoàn, phải thực thi bác ái (s.20) phải trợ giúp lẫn nhau trong Hội Thánh và phục vụ cho cả những người cần giúp đỡ dù họ không thuộc về Hội Thánh (s.32). Do đó, hoạt động bác ái của Hội Thánh được thực hiện như sáng kiến của tập thể hơn là sự tự phát của cá nhân (s.30b).

Vì hoạt động bác ái của Hội Thánh là việc của cả Hội Thánh nên đòi hỏi phải có tổ chức như tiền đề cho một sự phục vụ chung có trật tự. (s.20).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI lại nhấn mạnh thêm trong số 29,3 như sau : “Hội Thánh không được chuẩn chước cho mình khỏi việc thực hiện công tác bác ái như là hoạt động tập thể có tổ chức của giáo dân(s.29, 3).

Lịch sử Hội Thánh vẫn còn đây :

a. Ngay từ ban đầu, Hội Thánh ý thức về trách nhiệm đó và đã thực thi một cách hiệp thông” : Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Cv 2,44-45) (s.20) và việc tuyển chọn 7 phó tế chứng tỏ Giáo Hội sơ khai đã bắt đầu tổ chức phục vụ bác ái chung với nhau và có tính cách quy củ (s.21).

b. Sau này theo dòng thời gian, Hội Thánh tăng triển không thể giữ được sự hiệp thông vật chất như thuở ban đầu nhưng tinh thần hiệp thông, bác ái, chia sẻ vần còn đó (s.20). Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 4 cho đến cuối thế kỷ thứ 6, ở Ai Cập có một hình thức gọi là diaconie” : mỗi đan viện, có một tổ chức chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động hỗ trợ chăm sóc – đó là công tác bác ái. Không những thế, từng giáo phận đều có tổ chức bác ái diakonie của mình. Ngoài ra cơ chế diakonie cũng đã bành trướng không những ở Đông Phương mà cả ở Tây Phương : ở Ai Cập, có một tổ chức với đầy đủ pháp lý, mà thẩm quyền thành phố trao cho một phần lúa thóc để phân phát công khai. Ở Thành phố Naples cũng có tổ chức bác ái mà Đức Thánh Cha Grêgôriô Cả đề cập đến, và ở Thành phố Rôma, các tài liệu cho thấy tổ chức bác ái bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 nhưng từ xa xưa công tác chăm sóc kẻ nghèo và những người đau khổ là một phần đời sống căn bản của Hội Thánh Rôma (s.23).

Những hoạt động bác ái ấy đã làm cho Hội Thánh trở nên dấu chứng về Chúa Kitô (s.24) như chính Chúa Giêsu đã nói : Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau”. Chúng ta có thể kể đến bằng chứng của 2 nhân vật nổi tiếng : Văn sĩ Tertullien và Hoàng đế Julianô.

- Đại văn sĩ Kitô giáo Tertullien (khoảng năm 20) kể lại : việc chăm sóc của các Kitô hữu đối với những người túng quẫn đủ mọi loại gây ngạc nhiên cho kẻ ngoại (s.22).

- Cũng thế, Hoàng đế Giulianô, người bội giáo (năm 363), trong một lá thư, ông đã viết : một điều gây ấn tượng cho ông là công tác bác ái của Hội Thánh. Ông tuyên bố rằng chính nhờ hệ thống bác ái này mà những người “Galilê” đã thu phục được quần chúng. Ông phải vay mượn cách tổ chức của Kitô giáo, phải làm y như họ và còn hơn họ. Qua tuyên bố đó, hoàng đế đã xác nhận việc thực thi bác ái là một dấu chứng quyết định cho cộng đoàn Kitô hữu, cho Hội Thánh (s.24).

c. Hội Thánh trong những thế kỷ gần đây, vẫn luôn soi sáng và thực hiện những công tác bác ái có tổ chức.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trích Thông Điệp UT SINT UNUM nhấn mạnh một lần nữa, cần có tiếng nói chung của các Kitô hữu và sự dấn thân của họ cho sự phát triển một thế giới tốt đẹp hơn (s.30b,2).

Các tổ chức bác ái của Hội Thánh – khởi đầu với các cơ quan CARITAS (thuộc giáo phận, quốc gia và quốc tế) – phải thực hiện tất cả khả năng của mình, để sẵn sàng có những phương tiện, những nhân sự, để có thể đảm nhận những trách nhiệm như thế (s.31a).

Và để tổ chức và điều phối một cách trong sáng và có hiệu quả các hoạt động bác ái của Hội Thánh, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã thiết lập HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG ĐỒNG TÂM (COR UNUM) như là cơ quan của Tòa Thánh chịu trách nhiệm để định hướng và phối hợp các tổ chức và hoạt động bác ái của Hội Thánh (s.32).

Do đó nơi cấp Giáo Hội hoàn vũ, Các Đức Thánh Cha đã trực tiếp đứng ra chỉ đạo cho công tác từ thiện bác ái Kitô giáo.

Nơi cấp giáo phận, các Đức Giám Mục, với tư cách là những vị kế nhiệm các Tông Đồ, phải mang lấy trách nhiệm đầu tiên. Các Ngài “vì Danh Chúa, phải tiếp đón kẻ nghèo, những người vô gia cư cũng như mọi người cần được giúp đỡ và phải luôn nhân từ đối với họ” (Xem Nghi Thức Truyền chức Giám Mục). Giáo Luật điều 394 nói chung về trách nhiệm của giám mục là phối hợp nhiều công tác tông đồ khác nhau trong sự tôn trọng đặc tính riêng của mỗi công tác. Quyển “Kim chỉ nam về Công tác Mục Vụ của Giám Mục” đã triển khai cụ thể trách nhiệm bác ái như phận vụ thuộc bản chất của giám mục trong giáo phận mình (s.32).

Mặc dầu Thông Điệp không nói đích danh, nhưng các Linh mục được âm thầm nhắc đến khi Đức Thánh Cha nói tới công tác bác ái của Hội Thánh “bắt đầu từ các giáo xứ” và khi nói về trách nhiệm của giám mụcphối hợp nhiều công tác tông đồ khác nhau mà các linh mục là cộng sự viên của Ngài (s.32)

Cũng thế về các Tu sĩ nam nữ, Thông Điệp cũng không nhắc đến trực tiếp nhưng cũng không bị lãng quên, khi Đức Thánh Cha nhận định : Để đáp lại những nhu cầu cụ thể, đã xuất hiện các nhóm, những hiệp hội, những liên hiệp, những phong trào, đặc biệt là những Dòng Tu mới, vào thế kỷ thứ 19, đã dấn thân chống lại nghèo đói, bệnh tật và tình trạng thiếu thốn trong lĩnh vực giáo dục” (s.27)

Còn Anh Chị em giáo dân Đức Thánh Cha nói rất rõ trong Thông Điệp này : Hội Thánh không được chuẩn chước cho mình khỏi việc thực hiện công tác bác ái như là hoạt động tập thể có tổ chức của giáo dân” (s.29,3). Và sự tổ chức ấy cũng phải để ý đến việc đào tạo có nghiệp vụ tinh thần phục vụ cho những ai muốn làm việc bác ái (s.31,a).

Như vậy, mọi thành phần trong Hội Thánh đều có bổn phận làm việc bác ái và cùng làm chung với nhau những hoạt động bác ái được tổ chức một cách có quy củ trong Hội Thánh.

VI.    HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI CỦA HỘI THÁNH : NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN PHẢI CÓ.

 Để những hoạt động của Hội Thánh đạt được những hiệu quả, những người hoạt động bác ái cần phải có những điều kiện sau đây :

 1. Ý thức rằng công tác bác ái vẫn luôn cần thiết ngay trong xã hội công bằng nhất. (s.28,b).

Trước hết, Hội Thánh luôn cổ võ sự công bằng xã hội :

Xây dựng một xã hội công bằng và trật tự dân sự, nơi ấy mỗi người lãnh nhận điều thuộc về họ, là một nhiệm vụ cốt yếu mà mọi thế hệ phải luôn mãi quan tâm. Vì là một nhiệm vụ chính trị, nó không thể là nhiệm vụ trực tiếp của Hội Thánh. Tuy nhiên, bởi vì đây cũng là một trách nhiệm quan trọng nhất của nhân lọai, Hội Thánh buộc lòng phải trao tặng một sự đóng góp riêng, qua việc thanh tẩy lý trí và qua việc huấn luyện đạo đức, để hiểu biết và chu toàn những đòi hỏi của công bằng trong lãnh vực chính trị.

Hội Thánh không thể và không phải gánh lấy cho mình cuộc chiến chính trị để đem lại một xã hội công bằng nhất. Hội Thánh không thể và không phải thay thế chính quyền. Tuy nhiên dồng thời Hội Thánh không thể và không phải ở bên lề trong cuộc đấu tranh cho công bằng. [1]

Tuy nhiên, khác với phong trào chống đối hoạt động bác ái của Hội Thánh cho rằng không cần đến những công tác bác ái mà chỉ đòi hỏi công bằng là đủ (s.26,1, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI xác quyết : không có một trật tự công bằng nhà nước nào có thể xem công tác bác ái là thừa thãi…Vẫn luôn luôn có khổ đau cần đến sự an ủi và trợ giúp. Vẫn luôn luôn có những trường hợp thiếu thốn vật chất, nơi mà sự trợ giúp theo nghĩa thực hiện tình yêu tha nhân là cần thiết (s.28b).

2. Hoạt động bác ái của Hội Thánh phải độc lập khỏi các đảng phải và ý thức hệ, nhưng có thể cộng tác với những tổ chức thiện chí….

Hoạt động bác ái Kitô giáo phải được độc lập hiểu theo nghĩa là các hoạt động đó không được phép rút cảm hứng từ những ý thức hệ (s.32),cũng không phải là phương tiện để thay đổi bộ mặt trần gian được định hướng theo ý thức hệ và cũng không phải để phục vụ cho các chiến lược trần thế, nhưng để thực hiện tình yêu tại đây và bây giờ mà con người luôn cần đến (s.31b), để thế giới được nhân bản hóa và tốt đẹp hơn (s.31b).

Mặc dù hoạt động bác ái của Hội Thánh mang tính cách độc lập nhưng lại không phải là biệt lập. Hội Thánh sẵn sàng đồng thuận với các tổ chức khác trong công tác bác ái dưới nhiều hình thức của nhu cầu (s.34).

Do đó, người ta thấy xuất hiện và phát triển rất nhiều hình thức cộng tác giữa Cơ quan nhà nước và Hội Thánh và đã mang lại nhiều hoa quả. Những hình thức này vượt qua những vấn đề chính trị và xã hội để có một mục đích bác ái và từ thiện. Anh hưởng của Hội Thánh là làm sinh động các cơ quan dân sự bằng tinh thần Kitô giáo : trong sáng, yêu thương, phục vụ chân tình (s.30b,1).

Hội Thánh Công Giáo cũng luôn sẵn sàng cộng tác với các tổ chức bác ái của các giáo hội khác cũng như trong các cộng đoàn Giáo Hội vì tất cả đều hoạt động từ một động lực nền tảng và có cùng một mục đích trước mắt là một chủ nghĩa nhân bản đích thực tức là công nhận hình ảnh Thiên Chúa nơi con người và muốn giúp họ có được một đời sống xứng đáng với nhân phẩm của mình (s.30b,2).

3. Hoạt động bác ái của Hội Thánh phải tránh thái độ chiệu dụ tín đồ (proselytismus).

Chiêu dụ tín đồ là cơn cám dỗ triền miên của không ít người khi tham gia các hoạt động bác ái. Phải nhớ rằng tình yêu thì nhưng không, tình yêu phải thuần khiết và vô tư. Tình yêu không được thực hiện để đạt mục đích khác (s.31c). Ai hoạt động bác ái nhân danh Hội Thánh sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt lên kẻ khác niềm tin của Hội Thánh (s.31c).

Tuy nhiên, hoạt động bác ái không phải là gạt Thiên Chúa và Đức Kitô qua một bên (s.31c) Ngược lại, qua việc tham gia vào công tác bác ái của Hội Thánh, các Kitô hữu trở thành chứng nhân của Thiên Chúa và của Đức Kitô và nhờ đó thực hiện điều thiện hảo cho tha nhân mà không có một chút ý đồ nào (s.33). Thực vậy, tình yêu trong sự thuần khiết và vô tư là chứng cứ tốt nhất về Thiên Chúa… Ngài là Tình yêu và Ngài đang hiện diện ngay lúc tình yêu được thực hiện. Do đó, cách tốt nhất bảo vệ Thiên Chúa và con người nằm ngay trong tình yêu (s.31c).

4. Hoạt động bác ái không làm hạ phẩm giá người nhận nhưng là giúp họ phát triển toàn diện bằng con tim yêu thương của ta.

Người hoạt động bác ái phải khiêm tốn, không đặt mình vào vị trí cao hơn người khác, không lên mặt kẻ cả vì hoạt động bác ái là một hồng ân. Khi giúp đỡ cho người khác là chính mình cũng đuợc giúp đỡ và khả năng giúp được kẻ khác không phải do công đức của mình.

Nguời hoạt động bác ái ý thức giới hạn của mình là công cụ trong bàn tay của Chúa, phục vụ Ngài trong khả năng và sức lực Chúa ban, thực hiện những gì có thể làm vì Thiên Chúa điều khiển thế giới chứ không phải con người. Do đó, người làm việc bác ái không bao giờ kiêu căng như thể chính mình làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. (s.35 ; 36). Sự kiêu căng coi thường con người sẽ không giúp xây dựng gì cả, nhưng chỉ đem đến phá họai và thiệt hại (s.36).

Những người nhận sự giúp đỡ tuy cần những sự hỗ trợ vật chất nhưng điều còn cần thiết hơn mà họ ước muốn là tinh thần của họ được củng cố nhờ tình yêu của mọi người nghĩa là họ không phải chỉ sống bằng cơm bánh nhưng còn sống bởi tinh thần như một con người toàn diện có nhân bản và nhân phẩm đáng được tôn trọng (s.28b). Không nhận ra tính nhân bản đặc thù của con người mà chỉ lấy của cải để chiêu dụ lòng người là hành vi chà đạp con người (s.28,b). Công đồng Vatican II đã nói : “Ngày nay, nhờ những phương tiện truyền thông hoàn thiện hơn, những khoảng cách giữa con người có thể nói là đã vượt qua…Hoạt động bác ái có thể và phải bao trùm tất cả mọi người và tất cả mọi nhu cầu.  (Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem về Tông Đồ Giáo Dân 8).

Như vậy, theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, con người luôn cần đến cái gì hơn nữa. Họ còn cần đến tình người. Họ cần đến sự quan tâm của con tim (s.31a). Họ cần được nâng đỡ để phát triển toàn diện con người họ (s.28b).

5. Hoạt động bác ái phải thực hiện bằng tinh thần đạo đức, rút ra từ sự cầu nguyện, noi gương các Thánh Nhân và tuân theo hướng dẫn của Hội Thánh.

Những người hoạt động bác ái phải có tinh thần đạo đức đúng đắn (s.37). Họ phải mang tâm tình đạo đức vì “sự đạo đức không làm suy giảm cuộc chiến đấu chống lại nghèo khổ hay sự cùng cực của tha nhân” (s.36).

- Tâm hồn đạo đức này chỉ có thể có khi con người cầu nguyện. Nó hoàn toàn ngược lại với chủ thuyết duy hoạt động và chủ thuyết tục hóa đang hăm dọa nhiều Kitô hữu tham gia công tác bác ái (s.37). Cầu nguyện ở đây trở thành một đòi hỏi khẩn cấp. Cầu nguyện là cách thế tìm được sức mạnh mới mẻ từ Đức Kitô. Ai cầu nguyện sẽ không phung phí thời gian của mình, cả khi hoàn cảnh thật khẩn cấp và thúc bách hành động (s.36). Khi cầu nguyện, người Kitô hữu tìm gặp Cha của Đức Giêsu Kitô và khẩn cầu Ngài hiện diện trong họ với sự an ủi của Chúa Thánh Thần trong chính công tác bác ái họ đang thực hiện… (s.36)

- Ngoài ra khi chiêm ngắm các Vị Thánh, người kitô hữu sẽ nhận ra ánh sáng dẫn đường qua gương mẫu đời sống bác ái của các Ngài : Thánh Laurensô chia tất cả tài sản của Hội Thánh cho người nghèo ; Thánh Martinô thành Tours chia áo choàng cho người nghèo ; Thánh Antôn chuyển đổi trọn cuộc đời mình để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân ; Thánh Phanxicô Assidi, Inhaxiô Loyola, Gioan Thiên Chúa… và nhất là Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ dấn thân phục vụ bác ái, bằng một tinh thần cao cả nhưng lại hết sức khiêm nhường, luôn luôn hy vọng, thắp sáng niềm tin và luôn hành động bằng một trái tim đang yêu (s.40 ; 41).

- Sau nữa, những Thông Điệp của Hội Thánh do các Đức Thánh Cha viết về vấn đề bác ái xã hội vẫn luôn là kim chỉ nam quý báu cho nhưng ai muốn hoạt động bác ái xã hội một cách trong sáng và hiệu quả (s.27).

ĐOẠN THỨ HAI :

MỘT SỐ GÓP Ý VỀ HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI

TRONG GIÁO PHẬN.

Từ những định hướng căn bản và hữu ích của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong phần hai của Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng ta rút tỉa được gì cho những hoạt động bác ái của chúng ta và của Giáo phận ?

Chúng ta phải chân nhận rằng những tư tưởng chỉ đạo của Đức Thánh Cha vừa có tính cách nhắc nhở khuyến khích vừa như thanh tẩy lương tâm và thánh hóa con tim chúng ta để chúng ta có khả năng thực hiện bác ái một cách trong sáng và chân thật.

1. Trên bình diện cá nhân, giáo xứ, cộng đoàn.

Nói chung, nhiều người đã ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bác ái trong Hội Thánh. Không thiếu người đã âm thầm làm việc từ thiện hoặc cùng với người khác tổ chức những công việc từ thiện bác ái tuy không lớn lao nhưng mang tính chất lâu dài. Có những người hàng tháng vẫn dành một số tiền nào đó cho việc bác ái giúp đỡ những nơi nghèo khổ khó khăn. Có những người dấn thân làm việc bác ái trong những môi trường phong cùi nhiều hy sinh. Có những người những nơi hàng năm vẫn tổ chức giúp đỡ học sinh nghèo, tuyên dương học sinh giỏi chăm ngoan. Có những người hàng ngày vẫn cùng nhau chăm lo bữa ăn cho các bệnh nhân nghèo, hàng tuần vẫn lui tới các bệnh viện thăm hỏi, an ủi, nâng đỡ các bệnh nhân đang gặp thử thách… Có những giáo xứ cũng đã có những tổ chức chuyên lo về bác ái trong giáo xứ đặc biệt quan tâm đến anh em Dân Tộc thiểu số sống kề cận mình. Chúng ta phải kể đến những cộng đoàn tu sĩ nam nữ, các hội dòng ba trong giáo phận đã từ lâu tích cực làm việc thiện một cách đáng khâm phục.

2. Trên bình diện Giáo Phận :

Tuy nhiên, trên bình diện Giáo phận, dường như chúng ta còn cần cố gắng hơn nữa trong công tác từ thiện bác ái. Thế giới ngày nay thúc đẩy con người phải biết làm việc chung với nhau. Sự cộng tác chung sẽ làm tăng sức sống trong Hội Thánh và Hội Thánh sẽ nhờ đó được phát triển mạnh mẽ.

Đó chính là điểm nhấn mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mạnh mẽ nói đến trong Thông Điệp này : công tác bác ái trong Hội Thánh phải mang tính chất chung của Hội Thánh và phải được tổ chức quy củ trật tự.

Đức giám mục Giáo phận như đã nói ở trên (s.32) là người tổ chức và điều phối các hoạt động bác ái đa dạng tại Hội Thánh địa phương. Những chương trình, những dự án từ thiện bác ái của ngài đều phải được toàn thể Giáo phận trân trọng, quan tâm và thực hiện. Đó là công tác bác ái chung của Giáo phận. “Chung” không nhất thiết là lúc nào mọi người cũng phải làm cùng một việc ở cùng một nơi, cũng không hẳn là phải làm cùng một việc ở nhiều nơi, nhưng quan trọng hơn cả là đồng tâm nhất trí với Đức Giám mục của mình, tích cực cộng tác với ngài dưới mọi hình thức và nhất là dù có thực hiện một việc từ thiện bác ái nhỏ bé ở bất cứ nơi nào thì cũng luôn luôn tâm đầu ý hợp với ngài, kết hợp trước sau với ngài nhờ đó công việc bác ái sẽ mang tính cách chung của Hội Thánh địa phương.

Do đó mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận cần đặt tất cả mọi hoạt động đạo đức cũng như bác ái dưới sự chỉ đạo của Đức Giám mục Giáo phận. Điều ấy mang lại nhiều lợi ích vì chúng ta được sự khôn ngoan của Đấng Bản Quyền soi sáng, được sự trợ giúp thiết thực của ngài nâng đỡ, và được chính ngài chia sẻ trách nhiệm, đồng hành với chúng ta trong chính việc bác ái từ thiện. Chúng ta hãy trình bầy lên Ngài những dự án, những diễn tiến, những khó khăn, những thành quả, những thao thức trong lãnh vực này, kể cả những dự án vượt quá tầm vóc và khả năng của chính Giáo Hội địa phương. Và rồi chúng ta sẽ chân tình lắng nghe được những tâm sự, những thao thức, những ước muốn, những chỉ dẫn của chính Vị Chủ Chăn. Chúng ta sẽ cảm nghiệm được ngài yêu thương và quan tâm đến chúng ta ngay chính khi chúng ta yêu thương và quan tâm đến tha nhân. Từ đó chúng ta dễ dàng đón nhận những quyết định, những tổ chức, những đề nghị của ngài và ra về thực hiện một cách hăng say, tự tin, vui vẻ và hiệu quả. Công việc bác ái sẽ mang lại nhiều kết quả hơn những gì ta mong ước.

Người Việt Nam chúng ta từ lâu cũng đánh giá cao sức mạnh của tập thể khi nói : hợp quần gây sức mạnh ; tích tiểu thành đại ; góp gió thành bão ; một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

Tờ báo THANH NIÊN số 264, phát hành thứ năm ngày 21.9.2006 vừa qua, tác giả Phương Nguyên trong bài LÀM VIỆC THEO NHÓM, BẠN SẴN SÀNG CHƯA ? trên chuyên mục “Thanh niên và cuộc sống” đã có những ý tưởng rất hợp thời giúp chúng ta thêm nhiều suy nghĩ : Ngày nay làm việc theo nhóm đang trở thành một xu hướng tất yếu, bởi không ai hoàn hảo đến mức một mình làm nên ‘nghiệp lớn’. Khi tính cạnh tranh trên mọi lãnh vực ngày càng cao, thì làm việc theo nhóm sẽ tập trung những mặt mạnh của từng người và bổ sung cho nhau rất hiệu qủa… Làm việc theo nhóm không đơn thuần là một số người cùng làm một công việc, mà cần được hiểu là một tập hợp cá nhân có cùng một mục đích, phương hướng hành động, có sự phân chia công việc
rõ ràng”

Hiện nay có một vài giáo hạt trong Giáo Phận đang có sáng kiến cùng nhau làm việc bác ái cho dân nghèo và dĩ nhiên là đang được Đức Giám Mục khuyến khích. Các anh em linh mục là những người khởi xướng dự án. Các ngài nghĩ rằng làm việc bác ái không phải chỉ là đáp ứng những nhu cầu trước mắt nhưng là giúp họ phát triển vững vàng để họ có thể sớm tự lực mưu sinh theo kiểu nói “không phải cho cá nhưng là cho cần câu”. Đây là một công tác bác ái điển hình rất đáng trân trọng. Nhưng chúng ta đã biết sự giới hạn của mình trong lãnh vực không chuyên nên chúng ta cần đến những chuyên viên, những người có nghiệp vụ, những người có tay nghề. Những người này lại cần phải có “trái tim”. Họ cần được đào luyện con tim để việc làm của họ luôn đúng đắn và thể hiện tinh thần trách nhiệm. Cần có những nhân sự đáng tin như thế để trao phó công việc. Ngoài ra chính những người nghèo trong dự án cũng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để họ có tinh thần hiểu biết và cộng tác. Sau cùng việc quản lý và điều hành cũng như sổ sách phải hết sức rõ ràng, trong sáng. Có như thế thì công tác bác ái phát sinh từ thiện chí phục vụ mới đem lại lơi ích. Nếu không thì chính chúng ta lại dẵm vào những bước chân của một số các bậc cha anh xưa kia cũng hoạt động bác ái phát triển dưới hình thức các hợp tác xã đã phải ngậm đắng nuốt cay vì tình đời đen bạc và tình người vô ơn khi chẳng may dự án thất bại thua lỗ !

KẾT LUẬN :

Để kết luận cho bài trình bầy này, không gì tốt hơn là chúng ta trích chính lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong LỜI GIỚI THIỆU của Ngài khi nói rằng Giáo Hội không thể nhường việc phục vụ bác ái cho những tổ chức nhân ái khác, đang có mặt trong nhiều hình thức khác nhau : Giáo Hội phải thực hành tình thương bác ái với người lân cận, với tư cách cộng đồng, nếu không thì Giáo Hội rao giảng về Thiên Chúa Tình Yêu một cách không trọn vẹn và không đủ”.

Chính Ngài cũng quả quyết rằng :Sự công bằng không bao giờ có thể làm cho tình thương trở nên dư thừa. Bên kia sự công bằng, con người luôn cần đến tình yêu ; chỉ tình yêu mới trao cho sự công bằng một linh hồn. Trong một thế giới bị nhiều thương tích như chúng ta cảm thấy hôm nay, không còn cần thiết để chứng minh cho điều vừa được quả quyết. Thế giới đang chờ đợi chứng tá của tình yêu Kitô, chứng tá mà đức tin gợi ra cho chúng ta. Trong thế giới chúng ta, một thế giới thường có những bóng tối, thì ánh sáng của Thiên Chúa chiếu sáng nhờ tình yêu Kitô như đã trình bầy trên đây”.

Ước gì trong NĂM SỐNG ĐẠO mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra trong THƯ MỤC VỤ 2006 vừa qua, tất cả mọi thành phần Dân Chúa sẽ nỗ lực làm việc bác ái để mọi người lương giáo có thể đồng thanh hô lớn : “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU, DEUS CARITAS EST”.

 

Lm. Phaolô Lê Đức Huân


 



[1] 28 – bản dịch của Lm. Anrê Tường, Hiệp Thông số 34, tháng 3 và 4, trang 40.


Mục Lục