“CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI CỜI THAN”

Cha Augustinô Phạm Minh Thanh

 

Kính thưa Đức Cha, Cha Tổng Đại Diện, Quý Cha và Quý Thầy rất thân mến.

Con xin dùng một hình ảnh rất bình dân và là kỷ niệm của con thời thơ ấu, để nói lên cảm nghiệm của một người được cộng tác vào việc truyền giáo cho anh em Dân tộc thiểu số : Đó là việc cời than nhóm bếp.

Hồi nhỏ con phải phụ cha mẹ nấu bánh để đem bán ngoài chợ. Hôm nào dùng cậy đũa sắt cời bếp mà gặp được hòn than hồng âm ỉ dưới lớp tro tàn, là con mừng lắm, vì biết chắc công việc nhóm bếp đó sẽ dễ dàng.

Phục vụ công tác truyền giáo nơi anh em Dân tộc, con đã gặp được những cục than hồng âm ỉ như thế và con đã vui mừng cảm tạ Chúa. Chỉ cần đặt lên vài thanh củi, dùng ống thổi lửa thổi vài hơi và thế là đã có được một bếp lửa hồng.

Con hình dung công việc truyền giáo bây giờ là như thế. Thiên Chúa đã quan phòng dọn sẵn cho chúng ta một cái bếp và những cục than ẩn dưới lớp tro. Chỉ cần gạt lớp tro đi đặt vào đó ít công sức, để Thần Khí Chúa tác động, là chúng ta đã có được một cộng đồng anh em Dân tộc đơn sơ, dễ thương và rất nhiệt thành.

Con gọi đó là những yếu tố có tính cách quan phòng và chính Chúa đã dọn sẵn cho công tác Truyền Giáo. (Les éléments providentiels de l’Évangélisation)

I.                  SỰ HIỆN DIỆN BÍ ẨN CỦA THIÊN CHÚA

          (La présence mystérieuse de Dieu)

Đây chính là từ ngữ mà Công Đồng Vatican II đã sử dụng.

Tại sao lại là “bí ẩn” ?

-         Vì nó thuộc về huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa.

-         Vì nó không rõ ràng đối với cái nhìn duy lý của con người thời nay.

Chúng ta hãy đọc lại tài liệu Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội “Ad Gentes”, Chương I, số 9 (Phần nói về các nguyên tắc) :

“Hoạt Động Truyền Giáo không có gì khác hơn cũng không có gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trấn thế và trong lịch sử thế trần, chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành Lịch Sử Cứu Rỗi một cách rõ rệt nhờ Truyền Giáo.

Nhờ lời rao giảng và việc cử hành các Bí tích mà trung tâm và tuyệt đỉnh là Phép Thánh Thể, hoạt động Truyền Giáo làm cho Chúa Kitô, Đấng tác thành công trình cứu rỗi được hiện diện.

Tất cả những gì là chân lý và ân sủng đã được tìm thấy nơi các dân tộc, như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa sẽ được hoạt động Truyền Giáo giải thoát cho khỏi bị nhiễm độc và hoàn lại cho Chúa Kitô, là Đấng tác thành chúng, Đấng đã lật đổ nước ma quỷ và chận đứng sự dữ muôn hình của tội lỗi. Bởi vậy, bất cứ điều gì tốt đẹp được nhận biết là đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những lễ chế và văn minh riêng của các dân tộc sẽ không bị hủy diệt mà còn được thanh tẩy, thánh hiến và hoàn tất, để Chúa được tôn vinh, ma quỷ bị xấu hổ và con người được hạnh phúc.”

Thật ra, Ad Gentes số 9 chỉ là tổng hợp những ý tưởng cơ bản của Giáo Hội mà trước đó chúng ta có thể bắt gặp trong :

-         Tông thư Maximum Illud (1919) của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV

-         Thông điệp Rerum Ecclesiae (1926) của Đức Giáo Hoàng Piô XI

-         Thông điệp Fidei Donum (1957) của Đức Giáo Hoàng Piô XII

Với kinh nghiệm đã được đúc kết từ thuở ban đầu đến nay, nghĩa là với bề dầy lịch sử, với không biết bao nhiêu nỗ lực dấn thân vào việc thi hành lệnh của Thầy mình : “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (Ad gentes), với bao nhiêu hy sinh, thậm chí đến mất cả mạng sống, Giáo Hội vẫn xác quyết công việc Truyền Giáo là quan trọng hơn cả (Maximum illud) trong các công việc khác của Giáo Hội (Rerum Ecclesiae) và cuối cùng đức tin chúng ta có hôm nay lại là quà tặng của Thiên Chúa (Fidei Donum).

Công Đồng Vatican II hướng chúng ta đến một cái nhìn cánh chung, khi Thiên Chúa hoàn tất Lịch Sử Cứu Độ, thì hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội (Ad gentes) chỉ là phần phụ. Tác giả chính yếu vẫn là Thiên Chúa.

Ngài vẫn hiện diện, vẫn hành động, vẫn hướng dẫn lịch sử đến bến bờ hạnh phúc bằng một tình yêu nhiệm mầu. Nhưng với đầu óc con người, thì đó vẫn là một sự hiện diện bí ẩn. Thậm chí người đời còn gán cho những người tin vào sự hiện diện bí ẩn đó là ngu dốt, là lạc hậu, là mê tín và người ta muốn loại bỏ nó ra khỏi đời sống của mình.

Công Đồng xác định là có chân lý và ân sủng nơi các dân tộc rất đáng trân trọng : “Bất cứ điều gì tốt đẹp được nhận biết là đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay những lễ chế và văn minh riêng của các dân tộc sẽ không bị hủy diệt, mà còn được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất.”

Nhưng đồng thời Công Đồng cũng rất lo sợ các điều tốt đẹp đó có thể bị nhiễm độc nên rất cần được thanh tẩy và thăng tiến. Đó là phần việc của công tác Truyền Giáo. Con xin tạm ví von đó chẳng qua chỉ là công việc của người cời than. Khi gạt lớp tro bên trên là ta sẽ gặp ngay những cục than hồng sẵn đó rồi.

II.              CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO - BÀI HỌC NHỚ ĐỜI

Công Đồng Vatican II (Ad gentes, số 11) đã dặn dò con cái trong Giáo Hội, khi Truyền Giáo : “Phải lấy làm sung sướng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ần trong họ. Đồng thời, các Kitô hữu phải chú ý đến sự biến đổi sâu xa nơi các dân tộc, và phải nỗ lực, làm cho những người thời nay còn quá chú tâm đến khoa học và kỹ thuật của thế giới hiện đại đừng bỏ quên những việc linh thiêng, mà trái lại còn nhờ đó mà khao khát mãnh liệt hơn chân lý và tình thương Chúa đã mạc khải.”

Vậy mà trước đây khi đến với người Dân tộc, có thể nói con đến với một thái độ kẻ cả của một người văn minh đến với người bán khai. Hoặc sau nhiều lần phân phát hàng tấn gạo, mì tôm, quần áo và thuốc men cho các anh em Dân tộc nghèo khổ, con lại có tâm trạng của người đi cho.

Con đã nhiều lần cầu nguyện như người Pharisiêu trong Phúc Âm : “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì đã sinh con ra là một người Kinh, chứ không phải là một người Dân tộc. Rồi con có điều kiện học hành chút đỉnh, nên con mới có thể dạy dỗ họ…, Còn nếu Chúa sinh ra con là một người Dân tộc thì làm sao con bằng được ông trùm A, ông trùm B hay như anh ca đoàn trưởng X hay chị giáo lý viên Y…

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì Chúa đã cho con có ít tiền nên con mới có thể mua đồ phân phát cho họ …”

Nhưng bây giờ con thấy mình đã lầm to, sau khi khám phá ra những hạt giống Tin Mừng mà Chúa đã gieo vào lòng anh em Dân tộc từ bao đời trước trong truyền thống văn hóa, trong nếp sống gần rừng núi, thiên nhiên ; con lại thấy mình là người đi học, người đi khai phá. Rồi có phân phát bao nhiêu tấn hàng đi nữa con nhận biết nó đâu phải do con, nhưng là do lòng quảng đại bao la và sự quan phòng siêu việt của Chúa mà có. Nó đâu phải dành cho con mà là dành cho những người nghèo mà con đang phục vụ.

Xã hội ngày nay đang hô hào, quyết liệt bài trừ bệnh thành tích trong giáo dục. Con cũng giật mình vì căn bệnh này đang âm ỉ thấm vào con ngay trong lãnh vực Truyền Giáo.

III.           SUNG SƯỚNG VÀ KÍNH CẨN

Cũng Công Đồng Vatican II công nhận có những điều tốt đẹp đã được gieo rắc trong tâm trí, trong truyền thống văn hóa, trong lễ chế văn minh của các dân tộc.

Con không phải là nhà nhân chủng học, xã hội học, ngôn ngữ học hoặc phong tục học, nên không thể trình bày cách sâu xa như một công trình nghiên cứu. Con chỉ có thể chia sẻ những gì mình cảm nghiệm, qua tiếp xúc, đối thoại theo tinh thần Công Đồng : “Như chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người để dẫn họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của Người đã thấm nhuần tình thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết người họ chung sống và phải đối thoại với họ, để nhờ chính việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các dân tộc ; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc Âm chiếu soi những ân huệ đó, giải thoát chúng và đem chúng về quy phục Chúa Cứu Thế.” (Ad gentes, số 11)

Vì là kinh nghiệm, nên không tránh khỏi tính cách chủ quan, vì qua đối thoại tản mạn trong cuộc sống, nên khó tránh khỏi tích chất lan man, và vì đề tài quá rộng lớn, nên con xin chọn hai điểm để chia sẻ : YÀNG VÀ LỄ ĐÂM TRÂU.

A.     Quan niệm về YÀNG

Từ ngữ Yàng có thể nói là một từ chung cho các dân tộc Tây Nguyên (Êđê, Bahnar, Jarai, Sêđăng, Mơnông, Mà, Srê, Cil…) được chuyển nghĩa sang tiếng Việt là Thần.

Đây là từ ngữ được sử dụng luôn nơi miệng người Dân tộc, trong rất nhiều trường hợp với một nghĩa rất rộng.

Đây là một vần đề rất dễ gây tranh cãi.

Nếu chúng ta đồng ý với Auguste Comte “Tôn giáo xuất phát từ sự sợ hãi” thì chúng ta sẽ kết luận là tôn giáo của người Dân tộc là “Đa Thần Giáo””.

Chắc chắn trong quá khứ, người Dân tộc đã trải qua các trận lũ lụt khủng khiếp, nên họ có những truyện cổ tương tự như trận Đại Hồng Thủy trong Kinh Thánh.

Họ cũng chịu những hậu quả của nạn cháy rừng và những cơn lốc, cơn bão. Họ cũng phải trải qua những kỳ hạn hán, những cơn đói kém, nên vô cùng sung sướng khi được ăn bát cơm gạo mới, khi lúa đã được đưa về đổ đầy các kho lẫm, khi thấy gắn bó với những con trâu già đã giúp gia đình qua bao mùa lúa… và nước, gió, lửa, lúa, trâu… đều được họ gọi là Yàng.

Một yếu tố khác dễ gây trở ngại là vấn đề khác biệt ngôn ngữ và cách diễn đạt tư tưởng. Nhiều lúc chúng ta sẽ cảm thấy ngỡ ngàng trước những cách nói khôn ngoan, bóng bảy đầy hình ảnh và văn thơ của các cụ già. Với vẻ bên ngoài đen đủi, lầm lũi hoặc nghèo khổ, người Dân tộc hay kêu đến Yàng, chúng ta dễ lầm tưởng họ là người mê tín, lạc hậu. Nhưng không, chỉ cần một ít thiện chí thôi, chúng ta sẽ nhận thức rằng họ là những người tôn giáo, tâm hồn luôn hướng lên cao.

Yàng của người Dân tộc là Đấng Tối Cao, thống lãnh mọi sự, thấu hiểu mọi sự, vượt lên trên tất cả mọi sự, là Đấng họ không được phép nói đến (phạm thượng) hoặc họ có nói thì cũng không nói hết về Yàng được.

Còn những cái mà họ gọi là Yàng trong những lời cầu, chỉ là cấp thừa hành, là cấp dưới mà họ có thể kêu cầu. Yàng ở đây là tinh thần linh thiêng của sự vật. Vật gì cũng có cái linh của nó. Nhưng trong các bậc cấp linh thiêng đó thì con người là linh hơn cả (linh ư vạn vật).

Vì thế, ta không thấy nơi người Dân tộc cái gọi là “bái vật giáo”. Họ gọi trâu là Yàng đó, vì họ cảm thấy sứ mạnh nơi con trâu, cái nghĩa của con trâu, ích lợi từ việc cầy bừa, kiếm ra lương thực, họ quý trâu, họ tính trâu như tài sản của gia đình, dòng họ… nhưng họ không thờ con trâu.

Họ cầu mưa thuận gió hòa để trông lúa. Họ hãnh diện vì có giống lúa mọc được ở núi cao, chịu được không khí lạnh, nuôi sống họ qua bao đời, họ cũng gọi lúa là Yàng, nhưng họ không thờ Thần Lúa.

Họ sợ con cá Sấu dữ ở một khúc sông nào đó, vì con quái vật này đã ăn nhiều người dân làng, nhưng họ không thờ Thần Cá Sấu.

Họ biết trong rừng có cây gỗ quý, nhưng họ không làm “lâm tặc”. Họ dặn dò con cái không được làm điều xấu, vì sợ thần linh giận dữ. Con người và thần linh mà không hài hòa ắt sẽ xảy ra tai họa (các thiên tai).

Nói tóm lại, người Dân tộc có một tâm hồn hướng lên cao, sống trong một môi trường linh thiêng trong đó thần linh, con người và muôn vật có được sự hòa hợp.

Ngày nay, khi thế giới phải lên tiếng báo động về ô nhiễm môi trường, vì hiện tượng khí hậu ấm lên, về thiên tai, về các bệnh tật nan y xuất hiện… có lẽ chúng ta hãy nghe lại lời nhắc nhở của Công Đồng Vatican II : “…phải nỗ lực làm cho những người thời nay còn quá chú tâm đến khoa học và kỹ thuật của thế giới hiện đại đừng bỏ quên những việc linh thiêng, mà trái lại, còn nhờ đó mà khao khát mãnh liệt hơn chân lý và tình thương Chúa đã mạc khải” (Ad gentes, số 11).

Với một quan niệm về Yàng như thế, thiết nghĩ cũng đủ để làm cho những người được gọi là thế giới văn minh đáng suy nghĩ.

Dĩ nhiên với cách diễn tả không có hệ thống, không có từ ngữ siêu hình, trừu tượng, hoặc văn hoa để nói rõ, nhưng người Dân tộc lại sống thật với những điều họ tin tưởng như thế.

Con thiết nghĩ, đó là một yếu tố rất quan trọng và rất thuận lợi, để công việc truyền giáo làm như Công Đồng Vatican II dặn : “là chân lý, là ân sủng, như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa sẽ được hoạt động Truyền Giáo giải thoát cho khỏi bị nhiễm độc…” (Ad gentes,  9).

Con sung sướng thấy rằng : Ít ra đây là một đồng cỏ đời sống tâm linh rất sâu xa, có thiện chí và sẵn sàng tiếp thu những gì mình rao giảng, sửa sai và kiện toàn (Tin Mừng cho người muốn nghe).

A.     Lễ đâm trâu.

Sống giữa cộng đồng anh em Dân tộc, con đã nhiều lần được tham dự lễ đâm trâu. Con đã vui vẻ và đôi khi quá vui vẻ ăn những bữa tiệc trâu. Rồi trong dịp lễ của con, con cũng đãi bà con dân làng bữa tiệc trâu. Trong dịp lễ mừng tân linh mục, chúng con cũng ăn trâu, dựng cây nêu, mở lễ hội…

Khi mừng lúa mới, có đâm trâu, có dựng nêu, dù không tuyên bố lý do nhưng ai cũng hiểu đó là Lễ Tạ Ơn.

Khi trong Lễ Mừng Thọ (tạm gọi như thế), con rất cảm động khi nhân vật chính lại đứng lên xin lỗi bà con dòng tộc, rồi mời bà con dùng tiệc.

Có khi con được mời ăn trâu nhưng không rõ lý do, chỉ biết gia đình đó có chuyện buồn, xui xẻo, mình cũng nên chia sẻ tâm tình với gia đình họ. Khi câu chuyện đến lúc cởi mở con mới hiểu lý do của bữa tiệc trâu này là để xả xui, là làm theo lời chỉ dẫn của một ông thầy cúng (gru) nào đó để chuộc mạng, để gia đình thoát nạn. Con có dịp thấm thía ý nghĩa của từ ngữ “Hy tế” của Đức Kitô (Sacrafice) qua những chi tiết của việc tế trâu, của lời cầu, của việc bôi máu, chia phần thịt và liên hoan… Con nghiệm thấy quả thật Thiên Chúa đã dọn sẵn cho tâm hồn người Dân tộc những ý nghĩa rất sâu xa và rất thích hợp để đón nhận Tin Mừng.

Thường người Dân tộc khi tế trâu, bao giờ cũng dựng một cây nêu khá cao, với những họa tiết là hoa văn Dân tộc, bên trên có chong chóng phát ra tiếng kêu, hai bên có những chùm tua rua, làm bằng gỗ, phát ra tiếng kêu lách cách, mỗi khi gió thổi, một giỏ tre đựng thịt cúng thần, chung quanh có những thân tre được trang trí bằng những tua rua vót từ cây tre coi rất đẹp mắt. Cây nêu là dấu chỉ cho địa điểm quy tụ để hành lễ. Dưới thân cây nêu là một giàn cọc được chôn chắc để cột lễ vật là con trâu vào đó. Sau này, vì sự phức tạp xin phép dựng cây nêu, vì vật liệu chế tác, càng ngày càng hiếm, nên người Dân tộc bỏ luôn cây nêu khi tế trâu.

Còn lễ vật là trâu thì luôn luôn phải có. Lễ hy tế này hòa nhịp vào đời sống cá nhân hay cả một cộng đồng. Lễ vật to hay nhỏ đôi khi tùy thuộc khả năng, nhưng nó luôn biểu lộ lòng đạo đức của cá nhân hay cộng đồng đó.

Con trâu sau khi bị cột chặt hai sừng vào cọc sẽ bị chặt đứt gân ở hai chân sau, lúc đó con trâu sẽ khụy hai chân sau và có tư thế phủ phục. Một thanh niên khỏe mạnh và lành nghề sẽ dùng một cây dáo, đâm một nhát trúng tim để kết thúc. Máu chảy ra theo mũi dáo sẽ được hứng và bôi lên trán cho mọi người tham dự.

Chứng kiến cảnh tượng này, con nghĩ ngay đến Con Chiên Vượt Qua chịu sát tế, Đức Giêsu trên đồi Golgotha, hoặc trong lễ của con, con chợt nghĩ cuộc đời của mình giống như một lễ vật quằn quại đau thương như thế… Các nghi thức, các lời cầu của già làng đều như toát lên một ý linh thánh. Lễ trâu đúng là Đại Lễ. Dịp tạ ơn sau mùa gặt, thì bao giờ cũng là vui tươi và hy vọng – vui vì một mùa lao động vất vả vừa chấm dứt. Lúa gạo đầy kho lẫm thì không còn sợ đói. Nhưng nếu có được ít thì hy vọng sang năm được nhiều hơn. Đây cũng là dịp cám ơn nhau vì đã hoàn tất việc vần đổi công, và ai nấy đều được lãnh phần công của mình.

Dịp mừng thọ, thì đượm tình đoàn kết, yêu thương.

Các bậc cha mẹ, sau khi đã lo cho con cái yên bề gia thất, đã phân chia tài sản hợp tình hợp lý, thì phải đem phần trâu của mình ra để đãi dòng họ gọi là Mừng Thọ.

Chúng ta cần lưu ý là trong dịp ăn trâu này, không phải chỉ là dịp chúc tụng để vì sống lâu, không phải chỉ để mừng khi đã lo xong việc cho con cái, không phải vì đã trả xong nợ đời, nhưng quan trọng hơn cả, giao hòa với nhau để trả xong cái nợ tình.

Cũng giống như tư tưởng trong lời Kinh Vực Sâu “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được”, thì người Dân tộc cũng nghĩ : Trong suốt cuộc đời, ai mà không có tội, có lỗi với người khác (Nhân vô thập toàn).

Vậy nếu anh em cứ nhớ mãi tội tôi trong đầu, thì khi chết, làm sao tôi có thể thanh thản ra đi cho được ! Thôi chúng ta hãy bỏ qua cho nhau, giao hòa lại với nhau. Khi nào tôi chết thì không biết được, nhưng khi giờ đó tới… xin anh em hãy nhớ đến tôi, đừng để tôi chết cô đơn, nhưng xin khóc tôi vài câu, để hồn tôi được an ủi nơi chín suối…

Nghi lễ và lời lẽ thật cảm động và đượm nét nhân văn.

Ngoài ra dịp đâm trâu để chuộc mạng, thì lúc đầu đầy vẻ linh thiêng, đe dọa, nhưng khi rượu đã thấm thì mọi sự lại ồn ào, vui tươi như ngày hội.

Người Dân tộc sống trong những cộng đồng tương đối nhỏ, nên quan hệ dòng họ gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Vì thế khi có biến cố gì đó xẩy ra cho dòng họ, người Dân tộc đều phải cầu cứu đến thần linh.

Thí dụ : Trong dòng họ, chỉ trong vòng một tháng, mà có đến ba người chết liên tiếp. Người thứ nhất vì ung thư gan, người thứ hai vì rắn độc cắn, người thứ ba thì chết đuối vì mưa lũ. Lý do thì đã rõ, nhưng người Dân tộc chẳng chịu tin vào những giấy chứng tử mà họ có trong tay. Họ bí mật tìm đến một thầy Mo có tiếng nào đó, để tìm hiểu nguyên do. Rồi khi được trả lời : “Nhà anh chị đang bị một vị thần rất hung dữ đe dọa. Nó đòi bắt thêm một người nữa, để làm đầy tớ cho nó. Vậy để chuộc lại mạng người này, phải về cúng cho nó một con trâu và ba con heo năm tay !” Đã không hỏi thầy thì thôi, nhưng khi hỏi mà thầy phán thế nào thì phải làm theo như vậy ! – Vì mạng con người là vô giá mà ! …

Con đã từng được ăn bữa tiệc trâu như vậy. Khi mới biết lý do, con thật sự rất giận. nhưng khi nghĩ lại thì thấy tội nghiệp cho những con người đơn sơ nghèo khổ đó. Đặt trường hợp nếu mình gặp hoàn cảnh đó, mình cũng phải sợ chứ ! Con đã phải hết sức tìm cách giải thích, an ủi, thuyết phục. Sau nhiều lần thăm viếng, động viên và an ủi con mới điều chỉnh được suy nghĩ của gia đình đó, đưa họ đến niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Kitô. Nghĩ lại cũng thấy vui vui, vì từ bữa tiệc trâu mình hiểu được nỗi khổ của con người từ đó, tìm ra một ứng xứ mới cho việc mục vụ là “đối thoại chân thành và nhẫn nại”. Từ việc lấy mạng trâu để chuộc mạng người, con có bài giảng “từ chuộc mạng đến chuộc tội”.

Nghĩ cho kỹ, con có làm được cái gì đâu, nếu trong tâm hồn hoặc truyền thống anh em Dân tộc không có sẵn những khái niệm về hy lễ, về tạ ơn, về giao hòa hay về ý nghĩa chuộc mạng. Con thật sự vui mừng và sung sướng, khi khám phá ra những cục than hồng này, dưới lớp tro thời gian, dưới vỏ bọc nghèo khổ hoặc kém văn minh của họ.

I.                   KẾT LUẬN

Con rất đồng ý với Cha Jacques Dournes, vị thừa sai đầu tiên được gửi lên miền Cheoreo đến với người Jarai năm 1955.

Trong quyển sách khá nỗi tiếng của Ngài “Thiên Chúa yêu thương Dân Ngoại” (Dieu aime les paiens). Ngài đã thừa nhận : “Càng tìm hiểu môi trường này, tôi càng cảm thấy bất lực không thay đổi được gì ; đưa họ trở lại đạo là việc của Chúa, còn việc của tôi là để cho người rộng đường hành động” (Trang 59).

“Còn phần con, con chỉ xin làm người cời than và nhóm bếp cho Thiên Chúa”.


Mục Lục