TỤC LỆ DỰNG VỢ GẢ CHỒNG

TRONG CÁC CỘNG ĐỒNG KƠHO

Cha Phanxicô Xaviê K’Brel

 

Tục lệ vốn được người Kơho gọi bằng một cụm từ đặc trưng dễ nhớ của họ là lăp klau tam bau ùr, nghĩa là dựng vợ gả chồng, là tục lệ rất nền tảng chi phối mọi sinh hoạt cưới xin trong các dòng tộc người Thượng.

Cho đến nay khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác thì tục lệ này có bị ảnh hưởng tại một số nơi, do những ý tưởng mới được gọi là nếp sống văn hóa và văn minh mới, vấn đề này nảy sinh do vấn đề hội nhập trong bối cảnh xã hội mới. Tuy nhiên có thể thấy tại những vùng Kơho – Sre thì tính truyền thống vẫn còn nguyên vẹn về mặt nội dung, chỉ thay đổi chưa đáng kể một ít hình thức bên ngoài.

Vì chuyện hôn nhân và gia đình là nghĩa vụ bảo tồn nòi giống cho cộng đồng (jơi nòi mơ bòn lơgar), nên trong cách thức tổ chức và xếp đặt việc ấy người Thượng cũng vận dụng tất cả kho tàng khôn ngoan hiểu biết trong cái thế giới riêng của họ để nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của hôn nhân, cũng như để vun đắp và bảo toàn cho cái cơ chế đầu tiên ấy của loài người (jơi kòn-bơnus).

Nói chung, đã có cả một truyền thống văn hóa, tục lệ và nghi lễ về chuyện dựng vợ gả chồng.

Một số cách nói sau đây được họ nói lên sự suy nghĩ của họ về lĩnh vực quan trọng này.

Khi đề cập chuyện dựng vợ gả chồng là chuyện tự nhiên của tạo hóa, nên cũng là lẽ đương nhiên trong đời người, thì thường họ có câu nói ví von cửa miệng rằng :

Rơpu dờng să gen jòi tơnao,

Cau kuăng gen să jòi anih.

(Con trâu tới lúc kiếm cái vũng để nằm.

Con người cũng tới lúc kiếm cái nơi để độ thân).

Khi muốn dùng hình ảnh tạo vật khác để sánh ví về hôn nhân thì họ nói :

Sềm tam trồ geh yô,

Tơ-ài lah he kòn bơnus.

(Chim trời cũng có đôi,

huống hồ chúng ta là con người)

Khi phải nại tới cội nguồn của hôn nhân thì họ nói :

Yàng bơrkuăt che sŏ,

Tơrbo che cing,

Pơnring che jền.

(Ông trời se duyên kết tóc,

làm nên tình nghĩa vợ chồng)

Khi phải nói về hôn nhân hạnh phúc, chẳng những chỉ có sự ưng thuận của đôi nam nữ mà thôi, mà còn đặt trên cả sự đồng thuận của cha mẹ và bà con dòng tộc thì họ nói :

Ring khi ring he,

ring me ring bàp.

(Thuận gái thuận trai,

thuận cha thuận mẹ)

Ngược lại, trong trường hợp hôn nhân bị sóng gió vì gặp sự phản đối của gia đình thì họ có câu :

Di tồr he tồr mè bơlhŏ,

Di tồr he tồr lo bơsàp,

Di tồr he tồr bàp bơtăng.

(Thuận gái thuận trai

mà không thuận chị,

thuận mẹ thuận cha).

Đó chỉ là một vài cách nói đặc trưng trong muôn vàn cách nói khác nhau về hôn nhân và gia đình, có thể gọi đó là văn hóa cưới xin, bởi vì nơi đây thể hiện cái bản sắc đặc thù của người Thượng bằng những kiểu nói truyền thống được rút ra từ trong kho tàng văn hoá cổ xưa của họ, nhằm mục đích răn dạy mọi người về hôn nhân.

Ca dao tục ngữ có thể được coi là thuộc bình diện văn hóa, nên trong thực tế được coi như kim chỉ nam có ý nghĩa sâu xa, có sức mạnh thuyết phục mọi người tin và sống, bởi vì đó là kinh nghiệm ngàn đời để lại.

Cũng qua đó nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của đời vợ chồng trong nghĩa vụ bảo tồn và làm cho phát sinh nòi giống.

I. NHỮNG CÁCH THỨC TIẾN TỚI HÔN NHÂN

Có những cách thức đã hình thành từ xa xưa trong việc tiến tới đời sống hôn nhân và gia đình của người Thượng, cho đến nay những hình thức này vẫn chưa bị mai một, nhất là trong những cộng đồng lớn.

Những cách thức sau đây cho đến nay vẫn còn khá thịnh hành tại nhiều nơi :

1.                                   Bao bic :

Là cách thức mà đôi nam nữ tự chọn, cách thức này hay có trong những cộng đồng lớn, nơi tập trung nhiều dòng họ sống chung trong một làng, giới trẻ có điều kiện tiếp xúc và giao du với những người không cùng họ hàng với mình, (jòi kòn jòi bau) nên có cơ hội chọn bạn đời trong khung cảnh xã hội rộng lớn hơn.

Sau một thời gian quen nhau, gặp gỡ và tự quyết định, thì đôi nam nữ mới cho gia đình biết để hai bên định liệu qua tục lệ gọi là hào hìu,  nghĩa là bên gái chính thức đến hỏi chồng, và bên trai chính thức trả lời chấp nhận hay không cuộc hôn nhân ấy, nếu chấp nhận thì bên nhà trai làm nghi thức gọi là jơrkă khà (bẻ cái thẻ tre), trong nghi thức này bên nhà trai đưa ra những điều kiện về của hồi môn họ gọi là phan kơt mà nhà gái phải trả cho nhà trai.

Trong tục lệ này, bên nhà gái có thể đư khà có nghĩa là chấp nhận tất cả mọi điều kiện được đưa ra, hoặc điều đình xin giảm xuống (tam dăn) vì hoàn cảnh bên nữ không cáng đáng nổi, trong hoàn cảnh này thì mọi sự hoàn toàn nhờ cậy vào tài khéo của người điều đình, thường là người cậu lớn trong họ mà họ gọi là cau kồn-pàng dờng, người này đòi hỏi phải là người có tài đối đáp trong cách ăn cách nói, kể cả bằng thơ ca, bằng ca dao tục ngữ, nghĩa là làm thế nào để gia đình bên trai nghe và thấy có lý mà trở nên mềm lòng với bên nhà gái.

Trong trường hợp bao bic, thì chữ bic có thể được hiểu là đã sống chung trước khi có sự thỏa thuận của gia đình hai bên, các thủ tục về sau liên hệ đến của hồi môn là sự hoàn tất và công khai hóa trước mặt gia đình, họ hàng và cộng đồng.

Bao bic là lối cưới nhau của thời kỳ đời sống còn quá tự nhiên, và chuyện quan hệ nam nữ trước khi cưới theo tục lệ được dư luận cộng đồng đánh giá là chuyện tự nhiên và không quá đặt nặng vấn đề luân lý.

Người con trai phải bồi thường thiệt hại cho người con gái, nếu không giữ lời hứa tiến tới hôn nhân.

Trong các thế hệ trước, tập tục bao bic chưa bị phê phán là một tập tục suy đồi và không trong sáng, giảm hạ phẩm giá hôn nhân.

2.                                   Bao lăp : là lối cưới xin do cha mẹ bên gái chủ động đứng ra hỏi chồng cho con gái mình.

Trong cộng đồng Kơho - Sre thì lối cưới xin này vẫn khá thịnh hành.

Thường thì người Thượng có những bước tiến hành như sau :

Bước đầu tiên gọi là srào, nghĩa là nhờ một trung gian nào đó ngỏ ý trước để xem phản ứng của đối tượng ra sao, nếu thấy có sự thuận lợi thì mới tiến hành những bước cụ thể hơn, nói chung trong rất nhiều trường hợp đây không phải là những bước quá dài phải chờ đợi trong nhiều năm.

Bước tiếp theo là lòt lăp (đi hỏi), cha mẹ bên gái nếu thấy thuận lợi ở bước thăm dò, thì đi bước tiếp theo là nhờ một người trung gian đến hỏi bên nhà trai, người này được gọi là kòn gùng, có nghĩa là người làm đường giữa đôi bên, người này phải là một con người dày dặn kinh nghiệm, biết ăn biết nói, thậm chí phải biết đối ứng bằng thơ ca, bằng ca dao tục ngữ, nghĩa là vận dụng tất cả tài khéo để nối kết đôi bên thành vợ thành chồng, do đó mà người trung gian mai mối phải là một tay lão luyện trong giao tế, cách riêng trong chuyện này.

Rất thường thấy xảy ra tại những cộng đồng Kơho–Sre cha mẹ thu xếp cách cưới hỏi này giữa con cô con cậu mà họ gọi là bao lŏ kòn kồn, kể cả con cô con cậu ruột, trong trường hợp này nếu người con trai từ chối thì phải trả một món nợ cho bên gái, dù anh ta không hề dan díu với người con gái trước đó.

Theo tập tục thì từ ngày đó họ chính thức nhận nhau làm anh làm em mà họ gọi là lơh lŏ lơh să, và sẽ không bao giờ là đối tượng cho việc dựng vợ gả chồng nữa.

Người Thượng Kơho - Sre, đặc biệt không bao giờ chấp nhận cho con chú con bác lấy nhau, họ gọi chuyện đó là còng, abă-abañ nghĩa là chuyện trời đánh và tối kỵ, nên nếu có một số trường hợp này xảy ra thì phải cúng chuộc tội  (cràs) rất nặng trước tổ tiên và bà con họ hàng để được chuẩn chước cho.

Trước đây cũng thấy hay xảy ra nhiều bậc cha mẹ ép duyên con gái mình, chúng bị buộc phải ưng thuận trước những áp lực quá nặng nề của gia đình, nhưng đổi lại thì gia đình sẽ bảo hộ toàn diện về của cải vật chất cho chúng.

Có thể nói, trừ một số ít trường hợp, còn hầu hết hôn nhân bao lăp thường khó xảy ra nạn ly dị, vì được bao bọc chung quanh bởi cả một hệ thống dòng tộc, nên nhiều thực tế cho thấy cũng có khả năng họ gắn bó sống đời vợ chồng sau khi đã chung sống trong một thời gian.

Có thể thấy một số lý do để người Thượng biện minh cho chuyện xếp đặt cách dựng vợ gả chồng theo lối này, đặc biệt có ba lý do chính như sau :

·         Cưới người trong họ để về thừa kế tài sản mà gia đình đã dày công gây dựng bao nhiêu đời qua, tốt hơn là để quyền ấy cho người xa lạ.

·         Nếu cưới người xa lạ thì sợ lây dòng quỉ (gơtờp ), trong tâm thức cũ thì người ta rất sợ và rất kỵ chuyện này, nên cưới nhau giữa người trong họ thì bảo đảm hơn.

·         Người ta cũng sợ nạn bạo hành và ly dị trong hôn nhân, khi cưới phải một người con trai không đàng hoàng, (cau ờ ngăn ngồn), thường những bậc làm cha mẹ đã quá nhiều kinh nghiệm đau khổ bản thân và về nhiều cặp hôn nhân, nên tìm cách xếp đặt cho chúng cưới nhau theo ý mình muốn.

3.                                   Bao lăp rò : lối cưới xin này trong thực tế có vẻ hiếm hơn, đây là hình thức mà cặp nam nữ đã có sự yêu thương trước, thường được dư luận cho là tự nhiên mà lành mạnh, do hai đương sự giữ mình và tránh xảy ra trường hợp của bao bic, nghĩa là xảy ra vấn đề sống chung hiểu theo nghĩa chung chạ gái trai.

Xét về bản chất thì lối cưới hỏi này tiến bộ và đạo đức, nó tránh được những khuyết điểm của lối bao bicbao lăp, nghĩa là tự do mà vẫn trong sáng, bảo toàn được ý nghĩa cao đẹp của hôn nhân.

Chính nền giáo dục là môi sinh cho hôn nhân loại này, người trẻ nào được giáo dục tốt và có hiểu biết thì họ sẽ không chấp nhận cái tiếng xấu của lối bao bic và tục hào hìu,  đồng thời cũng không chấp nhận áp lực của cha mẹ như trong bao lăp, họ ý thức quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong hôn nhân, những người khác không thay thế họ trong quyết định mà chỉ hướng dẫn và nâng đỡ họ sáng suốt trong chọn lựa và trung thành về sau mà thôi.

4.                 Bao mă bao ròng : đây là hình thức Tảo hôn trong xã hội Thượng.

Vẫn còn xảy ra những trường hợp cha mẹ bắt rể trước khi con gái mình đủ tuổi để cưới nhau theo lệ thường, ở đây hiểu là con gái dưới 14 tuổi trọn, trong khi con trai có thể nhiều tuổi hơn.

Chuyện cưới nhau trước khi đủ tuổi theo luật định là di sản của quá khứ và có nhiều lý do, một trong những lý do ấy là cha mẹ con gái lo lắng cho con mình càng lớn tuổi thì càng khó khăn hơn trong việc chọn chồng, họ gọi là kòn ùr tào loàng, nghĩa là sợ con gái lớn sẽ bị ế chồng nên liệu trước cho chúng thì hơn.

II.  MỘT SỐ TỤC LỆ VÀ NGHI LỄ TRONG HÔN NHÂN

Gọi là tục lệ, bởi vì nó giống như một loại thủ tục và điều kiện cần phải hội đủ trước khi cưới nhau, và gọi là nghi lễ vì đây là những nghi thức trong chuyện cưới xin.

Có một số tục lệ và nghi thức cho đến nay vẫn còn được thực hành trong các cộng đồng, nó quan trọng vì qua đó vợ chồng được thừa nhận bởi dòng tộc và cộng đồng, gồm có như sau :

1.                             Tục Jơrkă khà : là tục bẻ cái thẻ tre để định của hồi môn. Việc này do nhà bên trai thực hiện trước mặt nhà gái sau khi đôi bên đã ưng thuận kết hôn, trong tục lệ này người ta thương lượng với nhau về những thứ của cải mà bên nhà trai có quyền hưởng do việc con mình về làm rể bên nhà gái.

Người có quyền trong việc này bên nhà trai là ông cậu lớn mà họ gọi là cau kồn dờng,  chính ông là người có tiếng nói mạnh nhất quyết định mọi chuyện, tất yếu cũng có tiếng nói của cha mẹ và bà con họ hàng.

Còn phía bên nhà gái thì cũng có nhân vật đối xứng là ông cậu lớn trong họ, chính ông ta cũng là người có tiếng nói mạnh nhất giống như phía bên kia, để chấp nhận hay xin giảm xuống cái giá mà nhà trai đưa ra (đư khà mơ tam dăn), thường khi người ta phải chấp nhận theo hình thức, để sau đó có thể trả dần với khả năng của cải hiện có của bên nhà gái.

2.                             Bơcik bồ : có thể gọi tục bơcik bồ là một nghi lễ, cụng đầu là sự tỏ dấu ưng thuận chính thức trước mọi người.

Người con trai và con gái được một người thế giá nhất trong họ làm nghi thức cụng đầu nhau để nói lên sự ưng thuận ấy. Nghi lễ này diễn ra một thời gian ngắn sau tục jơrkă khà diễn ra bên nhà trai và nhà trai khoản đãi bằng một bữa tiệc nhỏ trong phạm vi gia đình và bà con họ hàng gần.

Cũng có khi người ta làm nghi lễ khác để thay thế là nghi thức đeo cái còng tay (pơndò kòng) giữa hai vợ chồng mới, từ đó hai người sẽ luôn ràng buộc nhau trong nghĩa vợ chồng.

Từ sau nghi lễ bơcik bồ hay pơndò kòng thì theo tục lệ đôi nam nữ đã chính thức trở thành vợ chồng, có quyền lợi và nghĩa vụ trên nhau như mọi đôi vợ chồng khác, nghĩa là đã có quyền sống chung từ khi ấy.

Chính từ nghi lễ này mà nếu về sau phải quyết định ly dị, thì người ta phải làm nghi thức gọi là tà kòng, nghĩa là tháo cái kòng ra và hết ràng buộc trong nghĩa vụ vợ chồng.

Cũng có chỗ khi ly dị thì người ta làm nghi thức gọi là tuh phe, nghĩa là đổ gạo để phân chia đường ai nấy đi, không ràng buộc nhau nữa.

Ngoài ra trong ngày cưới bên nhà trai còn có nghi lễ gọi là giựt đứt dây xui (kơltăc che rềs), là nghi thức mà đôi vợ chồng mới thực hành ở nhà cha mẹ bên trai trong ngày lễ cưới.

Nghi thức này được thực hiện như sau  :

Đôi vợ chồng mới theo nhau đi vào đi ra nơi cánh cửa chính đủ ba vòng, sau đó giựt cho đứt cái sợi chỉ, nơi đuôi sợi chỉ ấy có buộc với khúc ruột già của con gà được cột sẵn nơi cánh cửa ra vào chính, sau đó thì ném đi phía sau lưng.

Ý nghĩa của nghi thức này để nói lên sự trừ khử những chuyện xui xẻo trong đời sống vợ chồng về sau, những chuyện ấy bị giựt bỏ và ném đi xa như vợ chồng mới ném cái sợi dây xui xẻo.

Tiếp theo đó thì vợ chồng mới làm nghi thức gọi là sa piăng păt, vợ chồng ngồi giữa nhà và được trùm đầu bằng cái khăn mới, họ cùng ăn với nhau một nắm cơm vắt để nói lên sự hiệp nhất vợ chồng, từ nay họ nên một trong mọi sự theo cái nghĩa rằng :

Bơh ndo hìngnau

ồi dùl păng, piăng dùl glah.

(Từ nay về sau,

 nằm chung một chăn, ăn cơm một niêu)

3.                             Jun bau : nghĩa gốc của chữ này là đưa chàng rể về nhà cô dâu, đây là tục ăn cưới được tổ chức sau đó một thời gian không quá lâu, lần đầu diễn ra bên nhà trai là chính, nhà trai chịu  chịu mọi phí tổn.

Trong các cộng đồng Kơho–Mà, người ta thích nói là nô-bau nghĩa là uống cưới, chứ không nói jun bau như trong các cộng đồng Kơho–Sre.

Bên nhà trai có tục lệ giết heo (peh sur) cho tiệc cưới, nhà trai mời đại diện bên nhà gái đến chứng kiến con heo và được trao lại một nửa con để về làm tiệc cho ngày cưới ngày tiếp theo bên nhà gái, tục lệ này người ta gọi là trao cái đầu heo (jào bồ sur).

Trong cái tục này nhà trai muốn nhắc nhà gái rằng :

-                                  “Chúng tôi đã giết heo cỡ này thì nhà bên đó cũng phải giết một con heo tương xứng để khoản đãi chúng tôi trong tiệc cưới lần hai.” (Tơ-a jun bau).

Người ta cũng có câu nhắc nhau về chuyện này rằng :

Bồ sur be ne, bồ be be dă.

(Đầu heo cỡ này thì đầu dê cũng phải xứng, nghĩa là phải bằng nhau, ít hay nhỏ hơn thì không được !)

Khách mời trong đám cưới thì gồm có bà con họ hàng gần xa và cả bầu bạn xa gần nữa, theo tục lệ xưa khách không cần mang bất cứ món quà cáp để tặng cho đôi vợ chồng mới, và nhà cưới cũng không có cái lệ nhận quà, mọi phí tổn cho tiệc cưới nhà cưới sẽ hoàn toàn lo liệu.

Chính trong cái ngày jun bau này mà bên nhà gái chính thức đem của hồi môn sang trao cho nhà trai, việc này diễn ra trước mắt đại diện bên nhà trai và là phần chính trong lễ cưới.

Cũng trong ngày cưới này, họ hàng bên nhà trai phân phát của hồi môn cho các thành viên trong họ mình, phần lớn nhất được dành cho cha mẹ, sau đó có phần các cậu lớn nhỏ và bà con gần, kể cả các cháu nhỏ trong họ cũng có phần tượng trưng cho chúng bằng một số tiền để ăn quà, tục lệ này họ gọi là wăn nòng jun bau,  nghĩa là đeo cái chuỗi của chàng rể, những người trong họ hàng bên trai được hưởng quyền lợi này.

4.                             Tơ-a jun bau : là lễ cưới lần thứ hai, thường diễn ra nhiều năm sau khi ăn cưới lần đầu, trong nghi lễ này bên nhà gái và đặc biệt là chính đôi vợ chồng hoàn tất nốt những cái còn lại trong chuyện của hồi môn phải trả, trong lễ cưới lần hai này đôi vợ chồng là người chủ sự, và là người đứng ra mời khách dự tiệc cưới.

III. CHẾ ĐỘ MẪU HỆ

Người con trai về làm rể bên nhà gái, hay nói cách khác là người con gái lấy chồng.

Trong một lịch sử dài không thể phủ nhận chuyện người chồng trong gia đình có ít quyền hành hơn người vợ, thậm chí phải nói rằng đó là cái luật tục, nhưng trong thực tế mọi sự còn tùy ở con người cụ thể, vì đối với một người chồng mạnh mẽ và khôn ngoan thì người vợ cũng như họ hàng bên nhà vợ không thể lấn át được cái quyền tự nhiên và hữu lý của người chồng, nhờ đó mà người chồng điều hành công việc và con cái trong gia đình theo cái quyền của mình.

Từ một góc độ khác thì có thể thấy rằng, người vợ có quyền lớn hơn người chồng là do đã trả của hồi môn về nhà chồng, với của cải ấy thì người vợ hẳn có quyền hơn người chồng, trong khi người chồng không thể phủ nhận tính cách mình bị mua, và trở thành cau rê dí, nghĩa là người về phục dịch cho nhà vợ, đương nhiên ở đây không hiểu theo nghĩa nô lệ như thường hiểu mà là nô lệ theo nghĩa vợ chồng, người con trai bỏ cha mẹ mình mà về nhà vợ. 

Đối với các người chồng Thượng hầu như không quan tâm đến những thất thế về danh xưng và quyền hạn, mà chỉ quan tâm đến chuyện cưới vợ, họ có đem cả cuộc đời mình trả giá cho việc ấy thì không thành vấn đề, miễn họ được một người bạn đời.

Tuy nhiên, trong trường hợp phía nhà gái không đủ số của cải làm của hồi môn cho nhà trai thì tục lệ chấp nhận cho người con gái về nhà con trai trong một thời hạn là ba năm, tục lệ gọi trường hợp này là rê ơm bơnhă, nghĩa là về phục dịch cho bên nhà chồng để trả ơn cho cha mẹ bên chồng, đủ thời gian ba năm ấy thì người con gái có quyền dắt chồng con về nhà cha mẹ đẻ của mình kèm theo một số của cải cha mẹ bên chồng ban phát cho mà họ gọi là phăn pơndăp sơ.

Thời nay chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại, và chính trong cộng đồng Thượng thì chưa ai đặt vấn đề này, người ta cho rằng chuyện người con trai theo vợ là chuyện tự nhiên không cần bàn cãi.

Còn chuyện người vợ có quyền trong gia đình cũng là chuyện đương nhiên, bởi vì người vợ hay người mẹ là người trực tiếp coi sóc con cái và tài sản gia đình, nên họ có quyền để định đoạt là hữu lý và chính đáng.

Người chồng có vai trò quan trọng trong việc làm ra của cải, nhưng không phải là người quản trị, và cũng do rất nhiều thực tế lịch sử nên chế độ mẫu hệ trong xã hội Thượng vẫn luôn đứng vững qua các thời đại cho đến thời nay.

Tuy nhiên, thời nay người cũng thấy có những bước đổi mới, nghĩa là cái quyền của người chồng cũng đã được nhìn nhận, đặc biệt trong vấn đề tài sản ông có quyền hưởng một phần trong trường hợp người vợ chết và phải tái giá với một người vợ khác, riêng về phần con cái thì vẫn hoàn toàn thuộc về bên họ hàng vợ quá cố.

Kết luận

Nói tới chuyện hôn nhân và gia đình người Thượng thì cũng cần đi từ cái nhìn tổng quan đến phân tích, làm như thế là cần thiết để khám phá ra những giá trị truyền thống cần bảo toàn, những tập tục và những nghi lễ cần duy trì và mặc cho chúng một ý nghĩa hoàn bị hơn.

Làm như thế cần thiết cho sự thừa nhận của cộng đồng, trước khi tiến tới được sự thừa nhận về mặt pháp lý dân sự.

Sự nhìn nhận về mặt tôn giáo cũng cần dựa trên những giá trị truyền thống, thiếu nền tảng của những giá trị truyền thống thì Bí tích sẽ trở nên lạc lõng.

Bên cạnh những tập tục đẹp cũng cần khám phá ra những hình thức tục lệ suy đồi hay còn đáng gọi là những hủ tục, do những thói tục ấy trong thực tế đi ngược lại luân thường đạo lý, và do đó thực sự làm giảm hạ phẩm giá của hôn nhân.

Nói chung, chuyện dựng vợ gả chồng vừa là nét văn hoá lớn, vừa là thuần phong mỹ tục và những nghi lễ mang ý nghĩa xây dựng đời phu thê, bên cạnh đó luôn tồn tại những thói tục suy đồi không thể phủ nhận được.


 

MỘT VẤN ĐỀ

TRONG CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO THƯỢNG :

NAM NỮ SỐNG CHUNG TRƯỚC BÍ TÍCH HÔN NHÂN

 

Trước hết cần lưu ý rằng từ ngữ sống chung ở đây hiểu theo nghĩa là đã cưới xin theo tục lệ, nhưng chưa cử hành Bí tích Hôn Phối theo luật đạo, việc này thường hoãn lại một thời gian sau đó.

Đã là tục lệ thì cần hiểu đó là chuyện bình thường xưa nay trong xã hội Thượng, trong khi đó việc áp dụng luật đạo cho hôn nhân vẫn còn đang là chuyện mới mẻ, chưa ảnh hưởng đủ mạnh để tạo nên  truyền thống và ăn rễ sâu trong cuộc sống, nên họ chưa hiểu và còn xa lạ, chưa thấy sự thiết thực bằng những tập tục cổ truyền của họ.

Không thể không lưu ý tới một số những khó khăn khác không do lỗi họ, ví dụ linh mục quản xứ ở quá xa, vấn đề mục vụ trong các vùng Thượng còn gặp rất nhiều bất cập do rất nhiều yếu tố khác nhau, khiến cho nhiều đôi bạn Thượng nghĩ rằng việc cưới xin theo đúng thủ tục của Giáo hội là quá khó khăn cho họ, họ đành phải chọn cưới nhau theo tập tục của cha ông theo thông lệ để cho xong chuyện, vì đó là cách thức trong tầm tay của họ.

Hiện tượng cưới xin này hiện nay còn khá phổ biến trong các xứ Thượng, khiến có thể nói rằng con số cử hành Bí tích trước khi về chung sống vẫn đang là con số ít, so với con số về chung sống trước và cử hành Bí tích Hôn phối sau.

Điều trên đây gây khá nhiều khó khăn cho mục vụ hôn nhân và gia đình trong các vùng Thượng.

Cần phải đặt vấn đề này trong bối cảnh đặc thù của nó, để thấy được đâu là những mối liên hệ tạo nên sự khó khăn đó cho chính các đôi hôn nhân Thượng, và từ đó giúp nhận ra những khúc mắc hiện nay nằm ở chỗ nào.

Một số những lý do cho việc chung sống trước Bí tích

Để trả lời cho vấn đề là tại sao có nhiều cặp nam nữ cưới nhau theo tục lệ trước, và rồi sống chung một thời gian, sau đó mới xin cử hành Bí tích hôn phối ?

Có thể thấy 2 lý do chính như sau :

1.                             Tập tục cưới xin cổ truyền cho đến nay vẫn thống lĩnh trong vấn đề cưới xin, dù cho họ đã theo đạo.

Để giải thích cho lý do này thì có thể nói rằng tập tục cổ truyền là môi sinh quan trọng nhất của chuyện cưới xin, một khi người Thượng đã rập theo tập tục ấy như đã nói ở phần trên thì chuyện hôn nhân đã được chính thức thừa nhận trong phạm vi gia đình, dòng tộc và cộng đồng.

Từ lúc ấy đôi nam nữ đã có sự ràng buộc với nhau, đã có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi đôi vợ chồng khác.

Cho đến nay hầu hết vẫn hiểu Bí tích hôn nhân là một thủ tục tiếp theo cần phải hoàn tất ở một giai đoạn sau đó.

Nói tóm lại là chính cha mẹ là người tạo điều kiện cho chuyện con cái sống chung trước Bí tích hôn phối.

Không có sự hậu thuẫn của cha mẹ đôi bên thì con cái cũng không có sự sống chung, nên cha mẹ là người chịu trách nhiệm một phần lớn cho hiện tượng này.

2.     Ảnh hưởng của Giáo lý vẫn đang ở thế chưa đủ mạnh trong cuộc sống thực tế hiện nay của người Kitô hữu Thượng.

Điều cần đặt ra ở đây là tại sao cha mẹ lại chấp nhận để xảy ra như thế ?

Là vì Giáo lý đức tin chưa ăn rễ sâu vào trong các cơ cấu tập tục, cơ chế gia đình, dòng tộc và cộng đồng, nên chưa thực sự chi phối chuyện tổ chức đời sống hôn nhân của họ.

Nói cách khác, nhiều người Thượng hầu như còn đang nghĩ rằng hôn nhân của họ theo tập tục cổ truyền là đã có giá trị rồi, Bí tích hôn phối là thủ tục tôn giáo làm tăng giá trị sẵn có ấy lên, nên cái tiên quyết vẫn là tập tục cổ truyền, họ bị áp lực của gia đình, dòng tộc của hai bên đòi buộc như thế, trong khi vẫn một cách nào đó cho rằng Bí tích hôn phối là một sự đòi buộc (của nhà thờ) và đành phải hoàn tất sau.

Từ đó đưa đến chỗ gia đình cũng như dòng tộc có thái độ châm chước, nghĩa là họ cho rằng từ lúc họ cử hành theo tập tục cổ truyền thì con cái họ đã là vợ chồng thật rồi, nên chuyện sống chung không được họ hiểu là xấu là tội, (ờ dri-tơlàr), và họ cho rằng chuyện chưa cử hành Bí tích có thể chấp nhận được.

Họ không chối bỏ bổn phận phải cử hành Bí tích, nhưng trong bối cảnh cụ thể họ dễ chấp nhận để cho luật đạo nhường bước luật đời, hoàn tất thủ tục đời trước và luật đạo sau.

Có vẻ đây không phải là dấu hiệu của sự suy thoái đức tin hay băng hoại về đạo đức, vì thường các cặp sống chung trước vẫn có ý ngay lành trong thực tế, nghĩa là họ có ý cưới nhau thật sự chứ không phải cưới thử, vì mọi sự được tiến hành đúng tục lệ,

Vấn đề là do Giáo lý đức tin vẫn còn trong tình trạng yếu kém trong cuộc sống của họ, nên họ bị sai lầm do không nắm vững Giáo lý khi để cho tập tục lấn lướt Bí tích.

Thực ra chuyện cưới xin thì xưa nay tục lệ vẫn thế, còn Bí tích hôn nhân theo luật đạo hiển nhiên là điều đến sau, nên nếu chưa chi phối và đứng trên tục lệ về hôn nhân thì hẳn không phải là chuyện lạ.

Nói tóm lại, chỉ khi nào Giáo lý ăn rễ sâu trong mọi cơ chế, từ gia đình cho đến dòng tộc và cả cộng đồng thì mới có thể thăng tiến hôn nhân và gia đình người Thượng được.

Đó mới là vấn đề, người Thượng chưa quí chuộng đủ điều mà họ chưa hiểu, đó là điều đương nhiên, trong khi vẫn coi trọng những giá trị truyền thống của họ.

3.     Đi tìm những phương hướng khả thi cho sự thăng tiến hôn nhân và gia đình người Kitô hữu Thượng.

Có thể suy đoán rằng : điều người ta chưa hiểu thì người ta không thể quý chuộng, điều người ta không quý chuộng thì người ta cũng không giữ.

Vậy cái khúc mắc chính của chuyện đôi bạn sống chung trước Bí tích là do chỗ không hiểu biết giá trị của Bí tích hôn nhân hơn là vì hữu ý coi nhẹ Bí tích.

Ở đây không cố ý đẩy trách nhiệm sang phía khác, nhưng công bằng mà nói thì không thể đòi hỏi người Thượng phải giữ cái mà họ chưa hiểu.

Trong thực tế, rất dễ thấy rằng cưới nhau qua con đường Bí tích trước và sống chung sau chỉ có thể có tại những nơi có nền giáo dục tốt, hay được học hỏi Giáo lý đầy đủ và cẩn thận.

Hôn phối Công giáo đúng nghĩa là hoa quả chỉ có thể thu hái được nơi đã được gieo vãi trước đó.

Vậy vấn đề cần thiết và cần phải làm để thăng tiến đời sống hôn nhân và gia đình Kitô hữu Thượng là gì  ?

Kitô hữu Thượng cũng phải được học hỏi về Giáo lý tốt hơn trong hoàn cảnh cụ thể của họ.

Đặc biệt giới trẻ cũng phải được chuẩn bị hôn nhân bằng những lớp dự bị hôn nhân, sao cho thật thích hợp với hoàn cảnh của họ.

Vấn đề then chốt trong công cuộc rao giảng Tin Mừng cho các cộng đồng Thượng là vấn đề Phúc âm hóa cuộc sống của họ.

Vậy thì tình trạng cưới xin và sống chung trước Bí tích Hôn Nhân là một dấu chứng cho thấy của mức độ Phúc âm hóa ấy còn đang trong thời kỳ bất cập, vấn đề này là do vấn đề hiểu biết Giáo lý còn nông cạn.

Vậy vấn đề đặt ra chính là sự giáo huấn đức tin và đời sống cho các cộng đồng Kitô hữu Thượng, việc này đòi sự thông đạt liên tục và rõ ràng cho một thành phần được coi là bị giới hạn về mặt dân trí, trong đó những tập tục trong chuyện dựng vợ gả chồng không phù hợp với luân lý Kitô giáo, và cách riêng là những hủ tục làm giảm hạ phẩm giá của đời sống hôn nhân.

Tóm lại, có hiểu thì người ta mới mến chuộng, có mến chuộng thì người ta mới sống.


Mục Lục