Lm. Phaolô B’ Nahria Yatine
Cộng đồng người Churu, đang sinh sống và làm ăn tại hai vùng chính
mà trước đây người ta thường gọi là Quận Dran và Quận Đức Trọng. Nhưng họ chỉ
sống và ở những nơi chạy dọc theo dòng chảy của sông Đa Nhim thuộc khu vực phía
nam của con sông, gọi là Nam Sông tiếp giáp với tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận,
sống theo cụm dân cư thành thôn ấp, có chung ngôn ngữ chính là tiếng Churu. Bắt
đầu rải ra từ Huyện Đơn Dương thuộc các thôn
Diom A, Diom B, B’Kăn, Kađô, Pró, Mađanh... Ở Huyện Đức Trọng có các
thôn : Pré, Tain, Lơwang, Xóp, MơAm, Ma bó, KơJong, Chrang... Tiếng nói thuộc
ngữ hệ Malayo Polinesian, theo chế độ mẫu hệ. Dân số khoảng 15.000 người, sinh
sống bằng nghề nông nghiệp và chăn nuôi. Chủ yếu bằng cây lúa nước, gieo sạ
trên các thửa đất bằng, làm nương rẫy trên đất bằng, đất đồi, chỉ có ít trường
hợp phát rừng làm rẫy.
Về tín ngưỡng, có thể nói người Churu cũng thuộc sắc tộc đa thần,
vì đời sống tâm linh, họ tin vào và tôn thờ các vị thần linh : rừng, núi sông
nước, đất... và thờ cúng ông bà tổ tiên, gọi chung là (Duh Yàng – tơlàng atơu).
Họ quan niệm rằng cư dân sinh sống được yên ổn và tồn tại là nhờ có các vị thần
phù hộ, nên phải biết tạ ơn các vị thần bằng các hình thái cúng giỗ qua các lễ
hội theo tập tục. Trong đó có tập tục ma chay, tôn thờ linh hồn người đã khuất
vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Tập tục ma chay dân tộc Churu có ba mốc kỳ hạn
chính : Mơtai, kloh tơjuh và Pơthi (chết, giáp tuần hay kỳ hạn bảy, bỏ mả hoặc
mãn tang)
I. MỘT SỐ
NGHI THỨC CƠ BẢN
TRONG TANG TỤC NGƯỜI CHURU.
Khi có một người qua đời mà tiếng Churu gọi là
m’tai. Theo quan niệm, họ cho rằng có linh hồn rời khỏi phần xác và đi vào sinh
sống ở thế giới bên kia gọi là rơlồng atơu (cõi âm phủ). Đến một lúc nào đó sẽ
đầu thai (yoă yồn) đi vào kiếp sống khác : có thể là trở về với thế giới con
người hoặc là thế giới con vật. Khi có một người m’tai, thì các nghi thức ma
chay luôn được diễn ra theo tiến trình của nó như : hấp hối – tắt thở (chết) –
báo tử – liệm xác – tiễn biệt lần cuối – lễ an táng – tiễn đưa tới nhà mồ –
thăm mộ.
1. Hấp
hối : pui soằn thì có Tục “Le ia”
Khi hấp hối – sắp tắt thở, hay trút hơi thở
cuối cùng : họ tiến hành đỗ nước lã trong cái bát có đựng chiếc nhẫn, rồi dùng
chùm ngón tay chấm nước để nhỏ giọt xuống miệng và vừa đếm từ 1 đến 7. Đến giọt
thứ 7, người nhỏ giọt lẫm bẩm vài lời cầu xin với người sắp chết cần mọi sự tha
thứ, hoặc người sắp chết cần sự tha thứ của người thân và những người khác mà
họ cảm thấy đã xúc phạm, hiểu lầm, thiếu sót, va chạm, tiếng qua tiếng lại với
nhau trong cuộc sống hàng ngày. Chính sự tha thứ đó sẽ đem cho họ được sự bình
an và không còn có một hối hận gì gọi là “tơyoh ia toh glài tồ nau jơlàn siàm”
nghĩa là giọt nước tha thứ, để lên đường bình an.
Dụng nghĩa : đó là ân huệ cuối cùng cần có đối
với người qua đời…
2. M’tai,
lơhiă (chết) :
Khi mới chết, họ lấy nước rửa mặt mũi, thân thể
và tay chân. Bao nhiêu quần áo mới – cũ của người đã khuất mà lúc đang còn sống
đã dùng hay bộ nào chưa dùng, đều cho mặc hết vào người. Trải chiếu và đặt nằm
xuống, sửa thi hài nằm ngay ngắn, lấy khăn Chăm (khăn trắng có hoa văn) đắp lên
người. Đắp nhiều hay ít tùy thuộc người giàu hay nghèo.
Cũng có nơi, mới chết, họ lấy tám hòn than bếp
đã nguội lạnh buộc vào dẻ đặt vào nách người chết. Nách bên kia đặt một túi cơm
(bơlơ) : có trứng gà, có một con gà con, có cơm. Người ta quan niệm và tin rằng
: những hòn than là ánh sáng chỉ đường cho người đã khuất trở về với ông bà tổ
tiên.
3. Chơu sơgơr
(trống báo tử) :
Theo lẽ thường, khi có một người trong làng vừa
mới qua đời, thì già làng lập tức đánh hai tiếng trống liên hồi làm tín hiệu
thông báo cho bà con trong làng biết rằng : trong làng có người vừa mới chết.
Tiếng trống đó gọi là trống báo tử (sơgơr pơthơu hu m’muih m’tai)
Sau đó, tang gia cắt cử người đi đến từng gia
đình. Bắt đầu từ các gia đình gần nhất, rồi tới các gia đình xa ở đầu làng cuối
làng. Theo tục lệ của người thượng, đặc biệt là với người Churu, dù chuyện vui
hay buồn đều phải làm như thế. Vì nếu không đi báo đến tận từng nhà như vậy,
thì ngay cả các gia đình gần bên cạnh nằm ngay sát nách, họ chẳng đến viếng và
chia buồn, huống chi là các gia đình ở xa. Kế đó, họ lại cử người (thường là
người có uy tín, biết đường biết lối, biết làng, biết nhà, biết người, biết ăn
biết nói) đi đến báo cho các làng láng giềng xa – gần mà tang gia, cũng như
người qua đời đã từng có mối tương giao với nhau hay có liên hệ ruột thịt, bà
con họ hàng, dòng tộc, bạn bè thân hữu... cùng biết mà đến để phúng viếng và
chia buồn với tang gia.
Khi đến chia buồn, những thứ mang để phúng
viếng thường là tiền, khăn chăm, gạo, mắm, muối, gà, vịt, heo, dê, ché rượu cần
to, nhỏ... tùy theo mức độ quan hệ, vai vế, xa gần, hoặc cả chức vụ, địa vị
trong xã hội...
4. Pò
atơu (liệm xác) :
Pò atơu được tiến hành một cách đơn giản, cho
mặc quần áo mới, váy mới, tùy theo đối tượng là nam hay nữ. Rồi phủ thêm các
lớp khăn lên trên người chết, có lót ít tấm khăn ở dưới và lớp tận cùng là tấm
chiếu được đan bằng cói... rồi đặt thi hài xuống quan tài. Liệm xác thường được
cử hành vào lúc 19g hay 20g tối, vì đó là thời gian thích hợp nhất : bà con họ
hàng, xóm làng đi làm về kịp và có thể tham dự được phần nghi thức này.
Lơsơi pâm
- Kẹp bị cơm, thịt gà
chín nguyên con vào nách người chết gọi là lơsơi pâm. Dụng nghĩa rằng người chết qua thế giới bên kia cần dùng,
phòng khi đói trong thời gian chờ làm thủ tục “xuất cảnh”.
- Phía trên người chết đạt cái vòm đỡ phủ khăn,
nhằm giúp che lại toàn bộ thi hài. Trên cái vòm treo đầu, cánh, đuôi của con gà
(bỏ phần thân) tạo hình con gà gọi là mơnu choh rơwai (gà mổ ruồi).
- Đến chiều tối ở hai bên các cửa chính nhà có
người chết : dựng cây giáo treo hai dải khăn, để trừ ác quỷ (prơh kờm-m’lai
phùt-phòn).
- Những người đến chia buồn, mang theo của
phúng điếu : tấm khăn, quần áo, váy, tiền bạc, vòng, nhẫn, rượu, gạo, gà vịt…
để cùng lo tang chế. Thể hiện tình làng nghĩa xóm và cả tính cộng đồng nữa. Có
một số người ở lại cùng tang gia, đặc biệt bà con họ hàng ở xa, chờ đến khi
chôn cất xong mới về. Bình thường, họ để xác trong nhà ba ngày hai đêm thì mới
chôn cất. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề khó khăn trong đời sống của bà con cũng
như trong mục vụ :
·
Trong đời sống (môi trường hay môi sinh) : đây là thời gian vừa đủ
làm cho thi thể bị phân hủy, chảy nước và có mùi. Theo tục lệ, bà con họ hàng
thường ngồi xung quanh quan tài để túc trực, khóc than cả ngày lẫn đêm, kèm
theo vấn đề ăn uống, nhậu nhẹt, say sưa xung quanh, ngay bên cạnh người chết.
Đó là cách mà theo họ đã giải thích và cho rằng : để thực hiện đạo lý làm
người, là hết tình nặng nghĩa của mình đối với người đã khuất. Nếu có ai tránh
né, không dám túc trực theo kiểu đó, là người không có tình lớn không có nghĩa
sâu, không có lòng hoặc không có bụng. Nhưng nói gì thì nói, đây là vấn đề đòi
hỏi phải có sự hướng dẫn, giải thích cho rõ ràng và cụ thể, cương quyết và dứt
khoát hầu mang lợi ích cho đời sống của họ. Nếu cứ theo quan niệm hay tục lệ
đó, thì quả thực đời sống của họ không biết chừng mới phát triển được. “Sông có
khúc người có lúc”, cái gì hay, tốt đẹp, có ý nghĩa và giá trị thiêng liêng,
phù hợp với đời sống của con người trong mọi thời mọi nơi và mọi thời đại thì
có thể lưu giữ được và đáng tôn trọng. Còn những gì không phù hợp vệ sinh, làm
ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, có thể gây lây nhiễm, mất thời gian vô
ích, tốn kém, gây ra tình trạng nợ nần, nghèo đói... hay những gì không phù hợp
với đà tiến của khoa học, của đời sống xã hội con người đến lúc chúng ta cần
phải loại bỏ dần và loại bỏ ngay.
·
Trong mục vụ : đây là vấn đề hết sức khó khăn trong việc cử hành
các Nghi thức thánh, như : làm phép xác, đọc kinh cầu nguyện, đọc và nghe diễn
giải Lời Chúa, hoặc đọc và nghe các bài suy niệm về ý nghĩa của sự chết. Đến
việc cử hành Thánh lễ An Táng cũng vậy, hiện trường vẫn còn nguyên trạng : vẫn
còn say xỉn, nằm ngủ ngỗn ngang xung quanh quan tài... Chưa chuẩn bị chỗ, bàn
thờ để cử hành Thánh Lễ. Đó là những vấn nạn còn tồn tại từ lúc chưa có Đức tin
Kitô giáo cho đến nay. Có lẽ thói quen xấu này, vì nó xảy ra thường xuyên : từ
ngày tháng năm này tới ngày tháng năm khác, thành một cái nếp ăn sâu vào trong
cuộc sống của họ và biến thành cái tục lệ. Và đã là tục lệ thì mọi người đều
phải giữ, chính từ việc giữ đó nó được lưu truyền lại cho hậu sinh. Điều này đã
làm cản trở và gây không ít khó khăn trong sự phát triển, nâng cao đời sống văn
hóa, kinh tế, trình độ nhận thức và cả đời sống đức tin nữa.
Còn việc
giữ tang hay để tang thì sao ? Hầu như họ không đeo tang thì phải.
Cách đeo tang hay để tang
của người Churu thường được ẩn kín trong lòng, nên không được biểu lộ ra bên
ngoài như là đeo khăn trắng, khăn vàng, khăn đen... của người Kinh hay người
Tàu. Cách để tang của người Churu bằng việc dọn đồ ăn thức uống trên mâm đồng,
rồi đặt bên cạnh người chết hoặc dọn và đặt dưới di ảnh của người đã khuất nếu
trường hợp đã chôn cất xong. Họ nghĩ rằmg : vong hồn của người đã khuất vẫn còn
lai vãng phẳng phất đâu đây, nên họ vừa dọn và bày ra thức ăn đồ uống trên mâm,
vừa khóc và lẩm bẩm gọi tên người đã khuất, để mời đến dùng bữa.
Người Churu thường để tang theo ba giai đoạn :
từ lúc vừa mới chết đến giáp tuần, tức là hết kỳ hạn bảy ngày người Churu gọi
là kloh tơjuh. Sau đó từ ba tháng đến một năm hoặc đến ba năm. Khi đủ ba năm
tròn sẽ lo việc pơthi, tức xây mộ họ gọi là mãn tang. Lúc này, họ bắt đầu chuẩn
bị xây nhà mồ hoặc mộ.
Cách làm
quan tài hay áo quan : Họ cắt cử một nhóm người vào rừng hạ thân cây tươi để làm
quan tài (bòng atơu). Đoạn thân cây tươi sẽ được lấy theo đúng kích
thước của người chết. Rồi dùng búa, rìu, nỏ và nêm để chẻ đôi thân cây ra làm
hai. Tiếp theo là các thao tác: đục, chọc bọng nơi chính giữa thân cây tạo
thành một lỗ sâu vừa đủ và đúng với kích thước của người chết để đạt thi hài.
Hai tấm chẻ đạt úp lên nhau ôm lấy và bọc kín thi hài, đường khe chẻ được nhồi
bằng cơm nếp làm keo để dáng dính chặt vào nhau. Nếu người chết là hạng người
tôi tớ, tức người bậc thấp, thì quan tài của họ chỉ là bằng tre nứa, được đan
thành bốn tấm và được rắp nối lại nhau thành một quan tài thay cho hòm gỗ (pă
rơtay).
Phân chia
của cải cho người đã khuất :
-
Tục lệ chia của cho người chết : vì quan niệm rằng người chết đi,
nhưng linh hồn vẫn còn sống và ở thế giới bên kia, nên cũng cần có của cải vật
chất như người sống ở trần thế, như trâu, bò, chum, ché, tô, chén, vàng bạc, vòng
cườm, nhẫn, ché rượu, gùi, giao, rựa, bát đĩa, thìa đũa... Riêng trâu bò được
chia thì giết làm thịt, còn chum ché, tô bát đập cho bể hoặc đục cho thủng đáy
để tránh trường hợp bị lấy cắp buôn bán ; vàng bạc làm cho móp méo và trầy xướt
; vòng cườm làm cho đứt... rồi chôn theo với người quá cố. Vì theo họ, có quan
niệm cho rằng ở thế giới bên kia mọi sự sẽ ngược lại với thế giới mình đang
sống. Nghĩa là mọi thứ còn tốt đối với người còn sống thì đối với đã chết là
hư, không dùng được. Nên mọi thứ đem theo cho người đã khuất phải đập gãy bể,
đục thủng và làm cho hư nát, móp méo (trong thế bên kia, thế giới của người đã
khuất con vật gì giết chết là sống, đồ dùng hư là tốt).
-
Ngoài ra, cũng có quan niệm cho rằng : nếu mọi thứ vẫn còn tốt và
đẹp mà đem đặt bên cạnh mộ, thì sẽ bị lấy (mất) cắp. Như vậy, người đã khuất sẽ
không có cái gì để dùng ở thế giới bên kia. Người chết sẽ nguyền rủa những
người thân trong gia đình của họ. Thế là người thân sẽ không có sự bình an,
thanh thản… không những thế, mà còn sẽ gặp giáng họa như : ốm đau, bệnh tật,
tai nạn, chuyện làm ăn sẽ gặp nhiều trắc trở, sẽ không được ăn nên làm ra của
cải, nợ nần chồng chất, tiền mất tật mang, tan cửa nát nhà...
-
Của chia cho người chết tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia đình giàu
hay nghèo, và phù hợp với đối tượng nam hay nữ. Nếu người đã khuất là người lớn
thuộc gia đình khá giả và có địa vị trong xã hội, thì sẽ được chia của nhiều
hơn.
-
Hình thức chia trâu và cúng cơm : con trâu được trói lại vào một
cây cột thật vững, người làm nhiệm vụ cúng tế đỗ bã rượu cần vừa mới khui lên
đầu trâu, rồi lẩm bẩm vài câu thần chú hay cầu khấn gì đó. Sau đó tiến hành
công việc ngã trâu (cắt cổ) ở nơi thường có tổ chức lễ hội đâm trâu. Công việc
này, họ thường dùng gươm hay giáo để đâm rồi mổ làm thịt, phục vụ cho đám tang.
Đây cũng là hình thức chia phần và gởi đi cho người đã khuất, vì đó là phần của
người đã khuất, nên phải trao gởi cho họ.
-
Phần cúng cơm : sau khi thịt trâu đã được nấu – nướng chín rồi,
người ta chỉ lấy các bộ phận: óc, mắt, mũi, lưỡi, tim, gan, phổi, dồi và bát
cơm, bát nước, chai rượu. Đặt tất cả những thứ đó vào trong mâm đồng để cúng.
Trong mâm cúng được chia làm hai khẩu phần : khẩu phần dành cho thần quản ma và
khẩu phần dành cho người chết.
-
Nhạc Tang : dùng chiêng bằng bộ ba, koòng bộ sáu (poh
sar Dờt), sáo tiêu 3 – 4 lỗ dùng để thổi điệu khóc thương (hia cho),
chà vành tô (ua jơlu),
trống, kèn bầu.
-
Trực canh xác chết. Để có thể cùng nhau thức đêm trực canh xác,
người ta thường dùng súng nước làm bằng ống tre giống như cây kim chích để sịt
nước, nhằm đánh thức mọi người cùng thức qua đêm. Việc trực để canh xác có lý
do của nó :
+
Lý do thứ nhất, lúc trời về đêm là thời điểm cọp hay xuống núi và
vào các buôn làng. Vì các buôn làng thường là ở trong rừng núi sâu, nên cọp hay
đến. Do đó, phải trực canh giữ xác sợ cọp lấy xác ăn thịt.
+
Lý do thứ hai, vì muốn gần gũi người đã khuất lần cuối, đồng thời
muốn thể hiện tình cảm thân thương, gắn bó mật thiết trong cộng đồng của người
Churu.
5. Tiễn
biệt lần cuối :
Vào buổi cuối cùng trước lúc tiễn đưa ra nghĩa
địa (an táng) : họ làm một con vịt, khui một ché rượu để cúng tiễn. Những người
nào có cùng trực hệ, phải đến vái lạy và cầu an với người chết. Vì họ quan niệm
rằng người chết phải qua cửa khẩu là một con sông phân cách giữa hai thế giới
của người sống và người chết, thì mới đi vào nước Diêm vương. Trong khi qua
sông phân cách đó phải đi bằng ghe, hoặc đò hay thuyền, để được lướt nhẹ như
vịt bơi lội dễ dàng với bàn chân dẹt.
Trong quãng đường đưa đi an táng đến nhà mồ,
đều có địa điểm phải dừng để nghỉ gọi là lơnưh
dơng brò gơdoh (điểm đập gàu bầu). Thường là bà con họ hàng đi trước, tiếp
theo là quan tài. Sau quan tài là những người thân. Nhưng lại có lúc, đi trước
quan tài gồm khoảng chục người, rồi đến quan tài, kế quan tài là những người
thân và sau đó là những người bà con hàng xóm. Họ vừa đi vừa tạt nước – ném bùn
vào nhau bất chấp già hay trẻ, nam hay nữ. Theo họ, đó là cách xua đuổi ma quỉ
và các tà thần. Khi đi đến nơi dừng, nơi để đập gàu bầu thì họ dừng lại, mở nấp
quan tài ra để kiểm tra và sửa lại cái đầu cho ngay ngắn, rửa mặt cho người
chết. Rồi sau đó, đậy và đóng nấp quan tài lại cho thật chặt. Cái gàu bầu đựng
nước rửa mặt cũng được đập bể, đặt ở phía chân quan tài và tiếp tục di chuyển
đến nhà mồ.
Trên đường từ nhà đến nhà mồ có tục Chuàng
pơtar (bước qua chiếc gối). Việc này dành cho người vợ hay chồng. Thứ đến,
là cử một người leo lên quan tài. Dĩ nhiên, nhóm người có nhiệm vụ khiêng quan
tài đông thời cũng khiêng cả người nói trên. Người được cử lên quan tài có
nhiệm vụ quan sát và chứng giám việc ai vi phạm tái giá trước thời gian chịu
tang (chồng hoặc vợ). Suốt đoạn đường này, họ dùng nhạc tang đánh chiêng chiếc,
theo điệu Dờt. Trước khi hạ huyệt, họ thường mở nắp quan tài để nhìn mặt người
thân đã khuất lần cuối, đồng thời họ cũng sắp xếp lại thi hài cho ngay ngắn và
họ nói vài câu với người đã khuất, để bày tỏ sự kính trọng, quan tâm, yêu
thương chăm sóc tận tình, chu đáo...
6. Hình
thức và nơi chôn cất :
Người chết được chôn cất trong một nhà mồ chôn
tập thể có mái che bằng lá tranh, huyệt mộ chôn chồng chất lên nhau, có thay
đổi vị trí huyệt đào cho một người chết, không nằm ngoài khuôn viên nhà mồ hình
vuông, có diện tích khoảng trên dưới 16 mét. Người có vị thế, tức là có vai vế
lớn – cao như ông bà – cha mẹ, thì sẽ đào huyệt chôn ở về phía mặt trời mọc.
Hai bên hông dành cho con cháu, người tôi tớ thì đào huyệt chôn nằm về phía mặt
trời lặn.
Chôn cất xong, tức là khi vừa đắp đất trên
huyệt thành một ngôi mộ xong. Người vợ hay người thân, họ lấy một cái khăn chăm
màu trắng trải phủ xuống trên phần mộ. Sau đó, cầm hai đầu khăn và phần kia thả
xuống cho chạm đất. Kéo khăn đi vòng quanh ngôi mộ bảy vòng theo chiều ngược
kim đồng, rồi đem khăn đó về nhà cất trên bàn thờ, đặt dưới di ảnh của người đã
khuất. Nhưng trước khi hạ quan tài xuống huyệt, lại thấy họ chỉ lấy khăn chăm
màu trắng phủ lên trên quan tài và nói vài câu gì đó, cụ thể như: ông (bà), anh
(chị), hoặc con ơi ! Đây là nơi, là nhà ở, chúc ở lại bình yên, hẹn có ngày sum
họp, và xin hãy nhớ về nhà, về với gia đình và phù hộ cho gia đình... Làm như
thế, vì họ quan niệm rằng để cho gơnuh rơsi tức vong hồn của người đã quá cố
luôn ở bên cạnh họ, để phù hộ cho họ.
Khi đoàn người tiễn đưa người chết đến nơi an
nghỉ cuối cùng đã hoàn tất, tức là đã chôn cất xong. Họ bắt đầu trở về nhà,
người đầu tiên trong đoàn lúc vừa về đến trước cổng và cửa nhà, sẽ bị người
trong nhà đang đứng đợi trước cổng hay cửa nhà tạt và xối nước, tung tro bếp để
xua đuổi những điều không lành, đuổi xua những rủi ro – xui xẻo... ra khỏi gia
đình của họ.
7. Thăm
mộ :
Việc thăm mộ là điều phải có. Nó giống như là
việc đi thăm con cái lâu ngày xa nhà, đi thăm để làm vơi đi nỗi nhớ thương da
diết, canh cánh trong lòng... Khi đi thăm họ mang theo cả thức ăn đồ uống, quà
cắp, một bó nhang, một vài cây nến để đốt và bái... Cuộc viếng thăm này như là
đi thăm người còn sống vậy. Điều đó nói lên tình yêu thương gắn bó mật thiết
giữa người còn sống với người đã khuất. Đây là cách biểu lộ tình cảm thân
thương rất tự nhiên và bình thường như những các dân tộc khác mà thôi. Không có
gì là lạ cả. Có khác là ở chỗ hình thức, thay vì mang theo đồ ăn thức uống họ
chỉ cầm bó nhang, vài cây nến để đốt, vái lạy hay để đọc kinh cầu nguyện. Thăm
mộ được tiến hành bắt đầu vào sáng ngày hôm sau cho tới ngày giáp tuần (hết kỳ hạn
bảy ngày gọi là kloh tơjuh).
II. Kloh tơjuh :
Giỗ kỳ hạn bảy ngày (giáp tuần được tính từ ngày
chết hay ngày chôn cất đến ngày tiếp sau đó, đủ bảy ngày hoặc được một tuần gọi
là kloh tơjuh). Trong ngày này, gia đình tổ chức cúng
giỗ, vật sính lễ – cúng giỗ gồm : gà, vịt, heo… (từa tựa như ngày mở mả của dân
tộc Kinh).
Các khẩu phần sau khi cúng giỗ đều mang đến mồ
huyệt để cầu an. Sau ngày giỗ này, nếu là người vợ chết. Dòng họ vợ sẽ chuyển
giao người chồng còn sống cho bên họ hàng chồng (dù còn trẻ hay đã già). Tức là
để nói lên rằng : để giúp người chồng có quyền tự do để lựa chọn cho tương lai
của mình. Nên họ hàng bên nhà vợ không còn có trách nhiệm gì nữa, nhưng họ vẫn
chia của cải tài sản cho người chồng kém may mắn đó, cũng có kèm theo một con
trâu, một con bò và một số đồ đạc thường dùng vừa đủ cho sinh hoạt và lao động
kiếm sống hằng ngày. Còn phần lớn của cải tài sản, nhà cửa... để lại bên nhà họ
bên vợ. Mục đích là dành lại cho con cái. Con cái của hai của vợ chồng để lại
cho người thân bên vợ có trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc. Người chồng chịu
tang sau một năm thì mới được phép tái giá lần hai. Hết thời gian chịu tang
người còn sống được quyền tái giá là chuyện bình thường.
Nếu trường hợp chồng chết trước, vợ còn trẻ mà
đã tái giá sớm trước ngày kloh tơjuh và chưa đủ trọn ba năm (ka bơng m’nhum
pơthi akut atơu) thì phải bồi thường cho gia đình bên chồng là một con trâu hay
một con bò và sẽ chịu vài hình phạt khác, người Churu gọi là mă mơdơu. Tái giá
sớm như vậy đối với người Churu họ coi việc đó như là phạm tội ngoại tình. Nên
người vợ phải chịu hình phạt và đền bù, bồi thường danh dự cho người chồng và
gia đình bên chồng theo tục lệ ông bà để lại, người phán xử việc này vẫn là già
làng, hay một vị đại diện có uy tín và thế giá... hình thức chịu phạt khi tái
giá sớm theo tục lệ là phải làm thủ tục cúng giỗ tại nhà mồ để xin lỗi và xin
phép với vong hồn người chết.
Trong trường hợp người
chết thuộc diện đơn côi, không còn người thân và giòng họ (mất gốc). Dân làng
sẽ cùng gánh vác việc lo tang. Sau kỳ hạn bảy ngày, nhà cửa của người chết sẽ
phải tháo bỏ, của cải vật chất dân làng mang đi bỏ ở nơi có cây đa cổ thụ xa
làng. Ruộng đất sở hữu của người chết sẽ bị bỏ hoang và không một ai dám canh
tác, vì theo họ, có quan niệm cho rằng ai sử dụng sẽ bị chết dần chết mòn (do
ảnh hưởng nặng nề về chuyện mê tín dị đoan).
Nếu có gia súc gia cầm thì được giết làm thịt
trong ngày chết hoặc trong ngày giáp tuần kloh tơjuh. Trường hợp Chết do nguyên
nhân bị tai nạn như : bị xe tông, chết đuối, do bị giết, trúng đạn… gọi là chết
xấu “Mơtay Bơryang”, hoặc là chết dữ. Sau khi an táng đến ngày “kloh
tơjuh” (kỳ hạn 7 ngày, giáp tuần) phải được “rào Bơryang” tức
là rửa xui, xua đuổi sự xui xẻo ra khỏi gia đình, nếu không rào bơryang, rửa
đuổi xui, giải xấu tháo dữ thì những người còn sống sau này cũng sẽ chết dữ,
chất xấu như vậy. Rào bơryang, tức là rửa xui, giải xấu, tháo dữ bằng hình thức
mời thầy cúng “chuyên” cúng rửa, cúng giải, cúng tháo những điều xui, dữ, xấu,
ác như vậy họ gọi là sơwoăh bơryang, chữ sơwoăh có nghĩa là nhổ bỏ, tháo gỡ...
Còn vật sính lễ để sơwoăh bơryang là con dê màu vàng hoặc hơi trắng để chuộc
hồn người đã khuất hoặc giải cứu khỏi hồn họ tay ác thần. Nếu không được cúng
giải, họ quan niệm sau này sẽ gặp những chuyện chẳng lành, người thân của họ sẽ
gặp các rủi ro và chết tương tự như đã xảy ra.
III. PƠ THI
(Ngày cúng giỗ cuối cùng, còn gọi là giỗ “bỏ mả”
hoặc trọn kiếp hay mãn tang)
Pơthi là kỳ hạn cuối cùng trong tang tục Churu.
Pơthi là ngày cúng giỗ rất lớn (đại tiệc), vì là công việc sau cùng nên họ
thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng và rất chu đáo : từ đồ ăn thức uống đến vật liệu
xây mộ ; từ khâu tổ chức đến việc mời bà con họ hàng thân thuộc cũng như xa gần
đến dự (bơng m’nhum pơthi akut atơu). Thời gian thích hợp nhất trong việc này,
là sau mùa gặt. Đó là thời gian khoảng giữa tháng 12 Dương Lịch, hoặc vào những
ngày trước và sau Tết Âm Lịch.
Nếu là
pơthi người chồng chết (giỗ mãn tang)
Người vợ cùng với người thân, sẽ có trách nhiệm
lo liệu việc pơthi. Trường hợp vợ cũng chết, sau thời gian đó thì con
cháu và bên họ vợ phải lo liệu.
Trước ngày pơthi, phải
mang của cải để dâng cho bên họ hàng nhà chồng. Của dâng gồm : sợi hạt cườm,
nhẫn bạc, khăn chăm, tiền… cùng ché rượu cần để làm thủ tục dâng của, tục gọi
là pồtơlàng atơu. Nếu gia đình bên chồng đồng ý, chấp thuận hay không còn gì
vướng mắc thì sẽ tiến hành mở cửa mồ (mả).
1. Mở cửa
mả :
Mở cửa mả được tiến hành vào tối hôm trước, vì đến sáng hôm sau là tiến hành
xây mồ.
2. Làm lễ
mở cửa mồ : Làm lễ mở cửa mồ thường là một con heo, một gà và một vịt, một ché
rượu cần đối với nhà giàu có ; nhà nghèo chỉ một con gà và một ché rượu cần nho
nhỏ. Tối hôm làm lễ mở cửa mồ, họ dọn đồ ăn thức uống trên mâm đồng, đặt trên
bàn thờ dưới di ảnh của người mất ; hoặc đặt trên chiếu đã trải xuống dưới nền
(sàn) nhà cách gọn gàng và ngăn nắp, để sự tôn kính – hiếu thảo trước vong linh
của người mất. Nhưng chiếc chiếu đó phải bằng cói và được đan dệt bởi bàn tay
khéo léo của người Thượng, chứ không phải là chiếc chiếu mua ở ngoài chợ. Dọn
và đặt xong rồi, họ bắt đầu khóc lóc và lẩm bẩm gọi tên người mất mời đến dùng
bữa. Đêm hôm đó họ cũng có ăn uống gọi là bơng pơh akut atơu. Sáng hôm sau, ăn
uống xong. Ông bơsềh (thầy cúng) cùng với gia đình đem đồ ăn thức uống dọn cho
người chết đến nhà mồ, rồi sẽ tiến hành làm nhà mả.
3. Làm
nhà mả : Người giàu hai năm hoặc ba năm buộc phải pơthi, người nghèo có thể
là hai hay ba năm hoặc nhiều hơn nữa tùy hoàn cảnh gia đình, nhưng cũng phải
làm khi nào có khả năng chứ không phải là thôi luôn, không lo gì nữa.
Đối với người Churu, việc xây được nhà mồ, nhà
mả là cách biểu lộ trọn tình vẹn nghĩa đối với người thân đã khuất, là giữ chữ
hiếu với tổ tiên, ông bà – cha mẹ, và đây cũng là cách để tỏ ra cho dân làng
biết rằng mình cũng là người có hiếu, biết chu toàn bổn phận và tỏ ra mình cũng
là người có của.
4. Ăn mừng nhà mả : bơng m’nhum pơthi
atơu. Ăn mừng nhà mả của người Churu, thông thường họ mời bà con hàng xóm xung
quanh đến tham dự gọi là Bơng M’nhum Pơthi Atơu. Trong đó : rượu cần gồm từ 10
ché đến 30 ché. Trâu hoặc bò từ ba con đến năm con, không tính gà vịt, heo, dê…
Nếu là nhà mồ tập thể hay là làm từng phần mộ,
ví dụ hai mươi người lớn thì ngã 20 con trâu, tính từng đầu người. Ở Diom, ông
Touneh Hàn Đăng đã cúng pơthi atơu và đã ngả 20 con trâu. Ơ K’răngchớ gia đình
ông Ya Phan đã cúng pơthi atơu một lúc 18 con trâu.
Trước khi bắt tay vào công việc pơthi, thầy
cúng làm nghi lễ cúng động thổ và thông tin với hồn người chết biết về việc
pơthi, và sửa sang mồ mã cho mình. Khi công việc sửa sang mồ mã đã hoàn tất,
thì ngày giỗ pơthi chính thức được bắt đầu : các họ hàng thông gia, được mời
đến dự và phụ giúp mọi công việc trong ngày giỗ.
Vật sính lễ là một con trâu được trói cột cách
chắc chắn, thầy cúng cầm chén bã rượu cần trút xuống đầu trâu, miệng cầu khấn
gọi hồn người chết đến nhận vật sính lễ. Một đại diện người thân của người chết
được mời cầm cái giáo thực hiện quyền đâm trâu (cho có lệ). Sau đó, cây giáo
được chủ nhà chuộc lại bằng sợi hạt cườm hoặc bằng khoảng số tiền nhỏ đẻ hồi
thu lại cây giáo.
Các khẩu phần, món cúng giỗ, sau khi đã làm
chín, (giống hệt như các món cúng giỗ trong kỳ hạn bảy ngày, tức giáp tuần)
thầy cúng đảm nhiệm nghi thức cúng giỗ. Các khẩu phần cúng dành cho hồn người
chết, sau khi giỗ xong đều được mang đến tới mộ và gọi họ đến nhận khẩu phần
của mình. Bên cạnh đó, cũng có việc cầu xin với vong linh của những người đã
khuất cầu xin họ ban cho mọi người thân trong gia đình còn sống ở trần thế được
bình an.
Trong lúc thầy cúng đang thực hiện nghi thức
cúng giỗ, tang nhạc gồm cồng chiêng núm bộ ba, trống và kèn bầu, được đánh lên
thành bản hợp xướng vang lên trong giai điệu hân hoan chào đón. Tất cả mọi
người tham dự đều múa theo điệu múa tămya arya : vừa múa vừa reo hò và vừa uống
rượu quanh vòng ngôi mộ vừa mới xây, biểu lộ niềm vui hân hoan, nhưng vẫn giữ
nét sự uy nghi nghiêm trang trong nghi thức cúng giỗ pơthi.
Sau khi chu toàn nghi thức cúng giỗ pơthi xong.
Những người tham dự ngày giỗ đó mới được phép dùng tiệc đám linh đình trong sự
thân thiện, cởi mở sau một thời gian vất vả lo liệu công việc cúng giỗ. Do đó,
buổi cúng giỗ pơthi đó được diễn ra khác với bầu không khí trong thời điểm có
người chết ở hai giai đoạn đầu (m’tai lơhiă : chết ; kloh tơjuh : giáp tuần)
Giỗ pơthi, là kỳ hạn cuối cùng. Nó có ý nghĩa
quan trọng hơn hết, vì đây là lúc họ cầu an với người đã khuất và cầu cho các
vong hồn của những người đã chết được siêu thoát khỏi âm phủ (địa ngục), nhằm
giúp họ được đầu thai trở về lại kiếp sống của thế giới con người. Sau khi hoàn
tất công việc pơthi, tức là giỗ mãn tang. Nghĩa vụ hay bổn phận của họ đối với
những người đã khuất coi như đã xong, sau này sẽ không còn vướng bận gì nữa.
Cuối ngày pơthi (giỗ mãn tang). Nếu pơthi là
người chồng thì những người thân bên chồng sẽ được nhận của lễ cuối cùng từ
những người thân bên vợ dâng. Của lễ đó thường là một đùi thịt trâu hay thịt
bò, một ché rượu cần to có giá trị nhất trong các ché, một sợi hạt cườm dài từ
cỗ đến lưng, một khoản tiền nho nhỏ để mang về nhà.
Khoảng cách thời gian
pơthi thường được tính từ ngày chôn cất cho đến ba năm sau. Đủ ba năm tròn gia
đình sẽ lo liệu việc pơthi, đó là trường hợp gia đình có đủ điều kiện vật chất.
Trong trường hợp không có đủ điều kiện, thường thường họ tổ chức làm pơthi tập
thể cùng một lúc trong một ngày.
Nếu là pơthi cho nhà mồ, tức là nhà cất táng
người chết được sắp xếp chồng lên nhau, theo kiểu từng tầng từng lớp: chết
trước xếp trước, chết sau được xếp sau. Chờ đến khi nào mọi sự phân hủy hết mùi
hôi thối, thi hài hoai mục, xương rơi rụng xuống vào một cái hố được đào sẵn ở
chính giữa dưới nhà mồ, thì lúc đó họ tiến hành công việc cải táng. Họ gom nhặt
lại các phần xương, xếp gọn chung với nhau. Đào huyệt mới, chôn chung thành
ngôi mộ tập thể. Sau đó, tiến hành xây cất.
Nếu là pơthi cho ngôi mộ, tức là cho từng người
được chôn cất theo từng huyệt riêng biệt như hiện nay. Họ tiến hành xây cho
từng ngôi mộ, rồi họ tiến hành pơthi. Mỗi lần tổ chức pơthi là mỗi lần các nhà
mồ, các phần mộ sẽ được sửa sang lại làm cho mới và sạch sẽ.
Pơthi là kỳ hạn kết thúc công việc cúng giỗ cho
một người đã khuất được gọi là giỗ mãn tang. Vì theo quan niệm cho rằng : sau
lần pơthi đó, các vong hồn những người đã khuất sẽ được siêu thoát và tiếp tục
sống trong đời sống mới, hạnh phúc hơn, thanh thoát hơn. Bởi thế, ngày lễ pơthi
là ngày trọng đại nhất của người Churu. Ngày này họ mở tiệc ăn mừng rất lớn :
ăn uống, ca hát, nhảy múa, vui vẻ (m’nhum-bơng, h’ri adoh, tămya arya, koòng
chiêng, đồng la, kèn)... Không có ngày nào vui hơn ngày này.
Pơthi là ngày giỗ mãn tang đồng thời cũng là
ngày kết thúc việc cúng giỗ. Người Churu gọi là bỏ giỗ mồ mã ông bà tổ tiên. Bỏ
giỗ mồ mã không phải là bỏ quên mồ mã, nhưng vẫn còn có việc chăm sóc giữ gìn.
Cho nên, hàng năm vào đầu mùa gặt hái hoặc vào đầu mùa khô, để phòng tránh
trường hợp gây cháy. Họ thường dọn cỏ cây xung quanh các phần cho sạch sẽ.
Tập tục ma chay của người Churu trong thời hiện
tại đã có những bước ngoặc thay đổi đáng kể, cả về hình thức lẫn nội dung. Từ
khi có sự hiện diện của các nhà truyền giáo, niềm tin Kitô giáo đã du nhập vào,
là dấu chỉ cho thấy hạt giống của Tin Mừng đã được gieo. Các nhà truyền giáo đã
có nhiều cố gắng suy nghĩ, chuẩn bị, dọn đường cho Lời Chúa, cho Tin Mừng nhập
thể vào thực tại của nền văn hóa người Thượng nói chung và cho người cho người
Churu nói riêng. Hay nói một cách khác, các nhà truyền giáo đã làm cho Tin Mừng
được nhập thể thực sự vào nền văn hóa của người Churu, và làm trở nên thân
quen, gần gũi, trở thành cái hồn của người Churu đối với người Churu. Nhờ văn
minh Kittô giáo được đưa vào (nhập thể) trong nền văn hóa của người Thượng, giúp
nền văn hóa của người Thượng loại bỏ những tập tục lạc hậu không phù hợp với sự
phát triển của thời đại, đồng thời bên cạnh đó cũng loại bỏ được phần nào những
mê tín dị đoan không phù hợp với Đức tin Kitô giáo. Sự nhập thể của Tin Mừng,
của niềm tin Kitô giáo loại bỏ được những hình ảnh sai lạc, những quan niệm cổ
hủ... Nhưng cũng bảo tồn và phát huy được nền văn hóa của người Thượng, làm cho
người Thượng tìm được và lấy lại cái hồn sống của mình, cái linh thiêng nhất
của mình, là trở về với cái gốc gác và nguồn cuội của mình. Nhờ đó, họ sẽ tìm
lại cái giá trị thiêng liêng cao cả, những nét đẹp kỳ diệu vốn đã có sẵn trong
nền văn hóa của họ, và giúp họ có ý thức trách nhiệm, biết dùng chính khả năng
của họ mà cố gắng làm sống lại nền văn hóa của chính họ. Khi họ làm được như
thế thì chắc chắn nền văn hóa người Thượng được thăng hoa. Điều đó đã được thể
hiện rõ nhất và cách cụ thể như : chữ viết, ngôn ngữ…, Nhà thờ Cam Ly phần nào
đã tôn vinh nền văn hóa của người Thượng. Tất tất cả những cái hay, cái đẹp,
cái tốt thể hiện qua những công trình kiến trúc, qua những tác phẩm văn chương
và nghệ thuật, qua việc cử hành các Nghi thức Phụng Vụ Thánh, hay qua cái ăn,
cái mặc và qua nếp sống hàng ngày.
Từ một nền văn hóa truyền khẩu đã phát huy
thành nền văn hóa có chữ viết. Nhờ công trình chuyển dịch Thánh Kinh, Giáo Lý,
Thánh Nhạc, Sách Lễ Rôma…
Từ một ngôn ngữ tưởng chừng như đã bị mai một,
chết dần chết mòn, nay đã trở thành ngôn ngữ đang sống, đang hồi sinh...
Từ những tập tục rờm rà, lạc hậu, tốn kém, nay
trở thành đơn giản và thích hợp với đà tiến của xã hội con người ngày nay.
Từ một vùng làng quê nghèo chưa biết hay chưa
nhìn thấy một cái chữ nào, thậm chí cả việc không biết đọc biết viết, nay đã có
nhiều người thuộc nhiều làng quê nghèo đã có nhìn thấy cái chữ, đã biết đọc
biết viết, có bằng cấp, học vị cao và địa vị trong xã hội. Nhờ có sự hiểu biết
này, đời sống bà con phần nào đã xóa được cảnh nghèo, xóa được nạn mù chữ,
thoát được cái đói cái rách, xóa bớt dần cái tục lệ lạc hậu, cái quan niệm lệch
lạc và ngay cả nạn mê tín dị đoan ; đồng thời cũng phần nào xóa bỏ được cái suy
nghĩ sai lầm... và đã có khả năng để tiếp cận với nền văn minh của thế giới,
thích nghi được với sự phát triển của xã hội con người về phương diện vật chất
cũng như tinh thần.
Từ việc cất táng chung trong một nhà mồ, nay đã
biết chôn cất theo từng phần mộ riêng biệt.
Từ một tín ngưỡng đa thần, nay đã là một tín
ngưỡng độc thần. Dù rằng có rất nhiều dòng chảy (mương, suối, sông, kênh,
rạch...) nhưng nguồn nước thì vẫn từ trên trời rơi xuống. Nguồn nước thì chảy
qua các con suối, con sông, con kênh, con rạch... rồi tất cả cùng chảy về biển.
Hơi nước bốc lên về trời, thế là trở về lại với nguồn gốc của mình.
Dù đã có sự thăng hoa về nền văn hóa nói chung
và về tập tục tang ma nói riêng. Nhưng các nghi thức tang ma của người Churu
xưa cũng như nay. Thực tế vẫn được cử hành cho từng vùng, từng miền tuy có khác
nhau về chi tiết nhưng về phần cơ bản thì vẫn giống y hệt nhau.
Tập tục tang ma của người Churu trước thời kỳ
chưa có niềm tin Kitô giáo có nhiều nghi thức rờm rà, lạc hậu, tốn kém tiền
của, cũng như sức người, mất thời gian, không hợp vệ sinh...
Trước đây, có sự phân biệt giữa chủ – tớ, giữa
giàu – nghèo, giữa địa vị cao – thấp trong xã hội. Cho nên, tầng lớp giàu sang
có vị thế trong xã hội thì đám tang linh đình, tốn kém, rầm rà và phức tạp
tương xứng với chức danh của họ. Và nơi an nghỉ cuối cùng của họ sẽ là nơi
hướng về mặt trời mọc, để thể hiện người đã có nhiều uy quyền trong xã hội khi
còn sống. Tầng lớp thấp nghèo, đám tang của họ chỉ diễn ra đơn sơ, ngắn gọn, ít
tốn kém... nói chung mọi thứ được tổ chức phù hợp với hoàn cảnh sống của họ. Và
nơi an nghỉ cuối cùng của họ là nơi hướng về mặt trời lặn, thể hiện thân phận
thấp hèn, yếu thế. Nhưng nay, nhờ có công cuộc truyền giáo, loan báo Tin Mừng,
Lời Chúa đã nhập thể, đã được gieo vào lòng của họ, họ đã đón nhận, đã thấm
nhuần và đã sống khoảng 80 năm. Với chừng đó thời gian không dài cũng không
ngắn, cũng đủ làm cho hố ngăn cách giữa chủ và tớ, giữa giàu và nghèo, giữa cao
và thấp trong cộng đồng xã hội người Thượng phần nào đã san bằng dần.
Tập tục tang ma của người Churu cũng có phần
liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình : Nếu vợ chết chồng còn sống, thì
người chồng sẽ trả giao về lại với gia đình bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng
thân thuộc. Người chồng nào có số không cao hay kém may mắn, vợ chết trước (mất
sớm) thì thật là bất hạnh cho người chồng đó. Đây là một điều không thể chấp
nhận được, vì nó chẳng những gây ra nỗi bất hạnh cho người chồng mà còn gây ra
nỗi bất hạnh cho con cái của họ nữa.
Nhạc tang trước thời kỳ niềm tin Kitô giáo thì
được giữ gìn rất kỹ, được sử dụng rất phong phú và đa dạng. Nhưng ngày nay, vấn
đề nhạc tang đã không còn đề cập tới và gìn giữ nữa.
Nhà mồ là nơi cất táng chung (nhà mồ tập thể),
tiết kiệm đất đai nhưng không phù hợp trong vấn đề vệ sinh và môi trường (ảnh
hưởng không tốt đến môi sinh)
Vì là tín ngưỡng đa thần, nên lại chìm đắm nặng
nề về mê tín dị đoan. Ngay cả lúc đã là Kitô giáo, họ vẫn còn đi cúng thầy :
nau juh gru – pơjơu. Trong trường hợp này dễ thấy nhất là khi gặp ốm đau, hoạn
nạn, chết bởi trúng đạn, tai nạn xe cộ và chết đuối. Họ thường đến với các thầy
cúng (gru – pơjơu), để xua đuổi tà ma, ác thần ; xả xui hay là rửa xui, hoặc là
đuổi xui (rao – prơh bơryang) hoặc bỏ tháo cái xui (Sơwoăh bơryang).
Mê tín dị đoan, hay đi cúng thầy vẫn là căn
bệnh nhức nhối triền miên từ xưa tới nay. Cho dù họ đã đón nhận Tin Mừng, đã có
đức tin Kitô giáo, vẫn đi lễ, vẫn xưng tội và rước lễ, nói chung là vẫn giữ
đạo. Đây là một trong những nguyên nhân làm kìm hãm lại sự phát triển đời sống
xã hội, kinh tế, văn hóa và giáo dục : trí tuệ, đức tin, và con người trong
cộng đồng người Thượng nói chung cũng như của người Churu nói riêng.
Tập tục tang ma sau thời kỳ đón nhận niềm tin
Kitô giáo : Đây là thời kỳ văn minh của cộng đồng người Thượng. Nó được phát
triển bởi sự soi sáng của Tin Mừng, của đức tin Kitô giáo. Nhờ vậy, tập tục
tang ma của họ đã có sự biến chuyển theo đà tiến của nhân loại, phù hợp với
niềm tin Kitô giáo. Phần nào đã làm giảm bớt sự tốn kém tiền của và sức người.
Trình độ học vấn và nhận thức của họ ngày càng được nâng cao. Nên đã phần nào
xóa bỏ được rất nhiều tập tục lạc hậu trong đó có tập tục tang ma.
Trong tập tục tang ma của người Churu, cũng đã
nói lên nét văn hóa hay bản sắc riêng của họ. Bản sắc này, được hình thành và
phát triển theo hình thái tín ngưỡng tôn giáo đa thần hay độc thần. Chính niềm
tin vào Thiên Chúa và nền văn minh từ bên ngoài du nhập vào, là những tác nhân
đã làm cho đời sống của họ được biến đổi và thăng hoa về mọi mặt : văn hóa,
khoa học kỹ thuật, kinh tế, quan niệm xã hội, tập tục lạc hậu được xóa bỏ dần
dần…
Nhờ sự phát triển của xã hội. Các đồ dùng
(phương tiện) phục vục cho việc tang ma thuận lợi hơn nhiều, cụ thể như : quan
tài (áo quan), không còn vất vả và mất thời gian phải vào rừng lên núi, chặt
cây, đục đẽo, cưa cắt... làm quan tài cho người đã khuất. Ngày nay, chỉ điện thoại
hay đến dịch vụ an táng, để mặc cả, thỏa thuận trong vòng vài phút là mọi sự sẽ
có ngay. Tiễn đưa về nghĩa trang cũng vậy, đã có xe tang (xe tang của công ty
dịch vụ mai táng, xe khách, xe tang đẩy, kể cả xe công nông…) mà không cần phải
cặt cây để làm dàn khiêng.
Mồ mả hiện nay được xây bằng gạch đá, xi măng,
sắt thép… nên đẹp hơn. Không còn có sự phân biệt giàu nghèo, chủ tớ nữa. Vợ
chết, người chồng có đủ thẩm quyền ở lại với mái nhà do từ bàn tay của mình làm
nên ; với gia đình con cái do mình sinh ra, để nuôi dưỡng giáo dục, để lấp đi
khoảng trống hay bù đắp tình thương của người vợ để lại mà ấp ủ, nâng niu, chở
che, dìu dắt... những đứa con côi mẹ. Không thể làm cho những đứa con của mình
bị thiệt thòi về tình thương yêu của cha mẹ. Mẹ mất thì còn có cha chăm sóc yêu
thương. Và người cha sẽ vừa là cha vừa là mẹ vẫn còn tốt hơn là thiếu vắng cả
cha lẫn mẹ. Ở lại với những đứa con của mình vẫn tốt hơn là cuốn gói về nhà ông
bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, nơi chôn nhau cắt rốn. Ở lại với con cái do
mình sinh ra, không những để yêu thương chăm sóc chúng nên người mà còn để
chúng chăm sóc lại khi về chiều, hoặc những lúc ốm đau trở trời… cha con có chỗ
tựa nương vào nhau là vậy.
Nhờ có công cuộc truyền giáo ở nơi các cộng
đồng người Thượng, các dạng mê tín dị đoan được đẩy lùi vào quá khứ. Chết vì
tai nạn lao động, xe cắn, trúng đạn, té sông... giờ đây không còn cần phải mời
thầy cúng, thầy mo nữa. Có chăng cũng là một phần ít ỏi mà thôi, đó là những
thành phần ít học, trình độ giáo lý và hiểu biết đức tin còn thấp kém, hoặc ít
tham dự Thánh lễ, họa may chỉ đi lễ một lần trong một năm vào dịp Giáng Sinh là
thôi. Còn các ngày lễ Chủ Nhật, lễ trọng, lễ bổn mạng... không cần biết và
không muốn đi.
Nhờ công cuộc truyền giáo, loan báo Tin Mừng đã
làm cho đời sống đồng bào Thượng nói chung và người Churu nói riêng được phát
triển đáng kể về mọi phương diện : dân trí, quan niệm về tôn giáo xã hội và đời
sống được thay đổi ; kinh tế, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật không ngừng
được nâng cao...
Tóm lại, từ khi từ bỏ tín ngưỡng cũ, đa thần
(thờ các thần linh : thần núi, thần rừng, thần mưa, thần mây, thần gió...) để
lãnh nhận đức tin Kitô giáo đối với người Thượng là giai đoạn chuyển tiếp.
Chính vì là giai đoạn chuyển tiếp, nên công việc loan báo Tin Mừng đòi hỏi cần
phải có thời gian. Thời gian ở đây không có nghĩa là thời gian chờ đợi họ đến
với mình, mà là thời gian mình cần dành cho họ, đến với họ, ở với họ : để tìm
đến ; tìm gặp ; tìm cách trao đổi, trò chuyện cho thật thân tình, tạo cho họ sự
gần gũi, khử trừ cái mặc cảm tự ti nhằm tạo nơi họ sự tự tin, để dễ nói chuyện
với họ. Kể cho họ nghe về những câu chuyện trong Thánh Kinh, câu chuyện về Chúa
Giêsu. Được như vậy, thế là công việc loan báo Tin Mừng Cứu Độ, về Giáo lý của
Chúa Kitô, chân lý về Thiên Chúa được bắt đầu từ đó. Cần dành thời gian cho họ
cũng có nghĩa là phải kiên trì, nhiệt thành, phải có lòng tôn trọng và yêu mến,
chăm sóc, quan tâm bằng việc đến thăm hỏi họ thường xuyên... hiện diện với họ
trong lúc vui cũng lúc buồn : các ngày lễ hội, đám cưới, đám tang... Cần dành
thời gian là để tạo niềm tin yêu, sự tôn trọng ở nơi chính họ, và để họ cảm
thấy sự hiện diện của các vị chủ chăn là ánh sáng chỉ đường cho họ đi tới đỉnh
đồi yêu thương, chia sẻ và phục vụ, và đồng thời cũng là ánh sáng soi dẫn họ
đặt tới chân lý. Sự hiện diện của các vị chủ chăn là niềm vui, là nguồn động
viên khích lệ và là nguồn hạnh phúc của họ nữa.
Nhưng sự hiện diện đó không buộc phải là cùng
ăn cùng uống như họ, mà là sự hiện diện của một vị chủ chăn : một vị chủ chăn
đến để tìm kiếm ; tìm kiếm để gặp gỡ ; gặp gỡ để tìm hiểu ; tìm hiểu để gần gũi
; gần gũi để cứu vớt ; cứu vớt bằng việc hướng dẫn, dạy dỗ và khuyên bảo... ;
cứu vớt bằng sự hiện diện để yêu thương nâng đỡ, chở che, ủi an và làm tất cả
mọi sự vì họ, cho họ với con con tim biết yêu thương và phục vụ như Chúa Kitô
đã yêu thương và hiến mạng sống mình vì đàn chiên...
Đức Giêsu đã dùng hình ảnh tiệc cưới để nói về
hạnh phúc thiên đường. Dĩ nhiên, chúng ta cũng phải đồng ý với Thánh Phaolô để
nói rằng : Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống (Rm 14,17).
Nhưng hình ảnh tiệc cưới, nói lên tầm quan trọng của sự hiện diện. Hiện diện để
chia sẻ là cái cốt yếu của hạnh phúc, bởi vì niềm vui trọn vẹn nhất chính là
niềm vui mà người ta chia sẻ cho người khác. Chính vì thế, Đức Giêsu đã lấy
Thịt và Máu của mình để chia sẻ cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Bữa tiệc mà
trong đó ngài hẹn ước với các ông là sẽ cùng chia sẻ “Rượu Mới” trong Nước của
Cha Ngài (x. Mt 26,29 ; Lc 14,25 ; Lc 22,18). Chính việc chia sẻ cụ thể tấm
bánh và ly rượu đó, nói lên sự chia sẻ niềm vui của Ngài cho các môn đệ, một
niềm vui trọn vẹn (x. Ga 15,11), một niềm vui báo trước niềm vui bất diệt không
có mãnh lực nào có thể cướp mất được (x. Ga 16,22). Sự diện hiện chân thành của
vị chăn chiên chính là nguồn hạnh phúc của họ. Các ngài cũng diện hiện để chia
sẻ bánh và rượu, bằng việc hy sinh, từ bỏ thời gian và công việc của mình mà
đến với, hiện diện với... sự hy sinh tựa như một tấm bánh được bẻ ra để chia
sẻ, như một giọt rượu để thấm vào...
IV. Lời
bàn :
Vài nét khái quát về tập tục tang ma của người
Churu mà con cố gắng trình bày trên. Đây như chỉ là một sự chia sẻ chứ không
phải là một bài nghiên cứu có khoa bảng nào cả, và đã là sự chia sẻ thì chỉ là
có sao nói vậy, nên sẽ có nhiều giới hạn, thiếu sót...
Và nói là lời bàn nhằm để
kết thúc một bài chia sẻ vốn có nhiều hạn chế về chủ quan cũng như khách quan.
Lời bàn ở đây muốn gởi lên các cha, các vị có nhiều kinh nghiệm trong mục vụ và
chuyên môn, tìm cách khắc phục và giúp giải quyết những khó khăn mà chúng con đã, đang và sẽ
gặp phải, đụng chạm hàng ngày trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho chính người
bản địa của mình. Và lời bàn đó là :
Làm thế nào để đổi mới quan niệm hay tục lệ của
họ ? Tức là muốn đổi mới cách suy nghĩ của họ cho phù hợp với thời đại mới ?
Làm cách nào để loại trừ những mê tín dị đoan,
để có một đức tin tinh ròng ?
Những quan niệm cũ, hủ tục lạc hậu, mê tín dị
đoan không phù hợp với đức tin Kitô giáo, không hợp vệ sinh, không phù hợp với
đà tiến của khoa học... Là nguyên cớ làm cho anh em Tin Lành chỉ trích đạo Công
Giáo của chúng ta là đạo sai lầm, hoặc không phải là đạo thật.