HÀNH
TRÌNH TÌM VỀ NGUỒN ĐỂ TRI ÂN :
“NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO
CỦA CÁC CHA DÒNG CHÚA CỨU THẾ”.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi
Quay về quá khứ, nhìn lại một chặng đường tương đối khá dài của các
cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế trong công cuộc truyền giáo cho người Dân tộc Kơho
ở Giáo Phận Đàlạt như là một lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria và
Thánh cả Giuse vì những ơn huệ nhưng không, cao vời các Đấng đã ban cho Nhà
Dòng Chúa Cứu Thế qua các cha, các thầy đã dấn bước phục vụ Chúa, phục Hội
Thánh và Giáo phận trong việc loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho các anh chị em Dân
tộc Kơho, một mảng truyền giáo của Giáo Phận Đàlạt nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm
80 năm truyền giáo cho anh chị em Dân tộc thiểu số kể từ ngày 07.12.1927, khi
Đức Cố Giám Mục Jean Cassaigne rửa tội cho bà Maria K’Trut, người Dân tộc đầu
tiên tin nhận Chúa và gia nhập Hội Thánh. Nhìn lại những chặng đường truyền
giáo của các cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế cho anh chị em Dân tộc Kơho ở vùng
Fyan, La Ba, Phú Sơn để tri ân các ngài về tình thương, lòng hy sinh xả kỷ của
các ngài và cố gắng tìm ra những nét đặc biệt của các ngài trong công cuộc loan
báo Tin Mừng để học hỏi, noi gương những vị thừa sai tiền bối đã để lại một gia
sản quí báu cho Giáo Hội, cho Giáo Phận Đàlạt là một số đông anh chị em Dân tộc
được biết Chúa, được rửa tội làm con cái Chúa và con cái Hội Thánh.
I. HÀNH TRÌNH TÌM VỀ
NGUỒN :
1. Tại sao các cha
Canađa lại chọn truyền giáo cho anh chị em Dân tộc Kơho ?
Đọc lại các tài liệu, các ký sự và nhật ký của các cha Canađa chúng
ta nhận thấy có một cái gì đó thật diệu kỳ và lạ lùng. Tất cả các cha Canađa
dấn thân phục vụ công việc rao giảng Tin Mừng cho anh chị em Dân tộc ở vùng
Fyan, La Ba đều hoàn toàn tự nguyện. Các ngài đến ở Fyan, La Ba là do tình
thương của các ngài đối với những con người nghèo khó, những người bơ vơ vất
vưởng, sống hết sức hoang sơ trong một vùng rừng núi mênh mông bạt ngàn của
tỉnh Tuyên Đức và quận Đức Trọng xưa. Các cha Canađa đến phục vụ cho anh chị em
Dân tộc Kơho ở Fyan, La Ba đều là những cha đã có rất nhiều công lao đối với
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam trong những giai đọan đầu : “Có cha đã đi khắp đất
nước Việt Nam, đã đi Thái Lan, Campuchia để giảng đại phúc ; có cha đã là giáo
sư Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế, có cha là Bề Trên phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế
Việt Nam, có cha là Giáo Tập, Giám Học Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế, có cha là
những người giỏi về máy móc, xây dựng nhà cửa, kỹ thuật giỏi dẫn thủy nhập
điền, giỏi thủy lợi…” Các ngài sau khi đã làm nhiều việc giúp xây dựng nền móng
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và khi Nhà Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã đủ nhân sự,
đủ lông đủ cánh và trưởng thành, các ngài đã tự nguyện chọn một mảng loan báo
Tin Mừng cho anh chị em Dân tộc Kơho, rao giảng Đức Kitô cho những người Dân
tộc chưa biết Chúa tại vùng rừng núi Fyan, La Ba. Các ngài chỉ có một lý do hết
sức đơn giản là muốn trở về với mục đích đầu tiên của Đấng sáng lập Dòng Chúa
Cứu Thế, thánh Anphong đệ Liguori năm 1732 : “Rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó, những người bơ vơ, vất
vưởng, những Anawim của Thiên Chúa”.
2. Những cái duyên gặp
gỡ và chọn lựa :
Vào năm 1955, Phụ Tỉnh, được sự đồng ý của
Tỉnh Mẹ, đã quyết định lập tại Fyan, La Ba một đồn điền, với mục đích chính yếu
là tăng thêm lợi tức, nhằm phục vụ công việc của Phụ Tỉnh. Ngày 01.12.1955, một
hợp đồng mua bán đất đã được thực hiện giữa Phụ Tỉnh và bà Papadato, theo đó,
Phụ Tỉnh sẽ sở hữu 49,7 hécta đất . Đây là một đồn điền cà phê đã bị hoang hóa.
Ngày 16.12.1955, Hội Đồng Cố Vấn Phụ Tỉnh họp tại Đàlạt để nghe cha Antôn
Lapointe trình bày bản quy hoạch đồn điền và chương trình phát triển đồn điền.
Ngày 08.12.1955, cha Alphonse Tremblay cùng với các thầy Liguori,
Eugène và Modeste lãnh ấn tiên phong trong sứ mạng mới này, và đây cũng là ngày
được chọn làm ngày khai sinh cộng đoàn. Tháng giêng 1956, cộng đoàn chia tay
với cha Alphonse Tremblay và vui mừng đón nhận cha Antôn Lapointe làm thành
viên. Ngài sẽ là vị Bề Trên tiên khởi của cộng đoàn và là người sẽ gắn bó với
mảnh đất này cho tới khi qua đời (05.5.1971).
Ngay đầu năm 1956, cha Antôn Lapointe và quý thầy đã bắt tay vào
việc khai hoang và trồng các loại cây công nghiệp như chè, cà phê, cam, chuối.
Công việc bộn bề, nhân lực thiếu, vì thế, các ngài đã phải mướn nhân công là
những anh em người Dân tộc trong vùng. Từ những tiếp xúc và trao đổi hằng ngày
trong công việc, tiếng tốt về các vị khách mới đã về tận các buôn làng. Thế là
buôn làng rộng mở đón các vị thừa sai bước vào. Công việc mục vụ đầu tiên các
ngài thực hiện là đến thăm các gia đình, chăm sóc y tế cho những người tật bệnh
đau yếu, cung cấp gạo cho những người đói ăn. Những hoạt động này còn tiếp tục
cho tới những năm đầu thập niên 1970. Cộng đoàn tông đồ Fyan, La Ba có mặt từ
chính những cuộc gặp gỡ thiết thân này. Mục đích tìm thêm lợi tức giờ đây trở
thành thứ yếu. Thực tế, nguồn lợi tức mà đồn điền mang lại đã không đủ phục vụ
công việc truyền giáo tại đây, cho dù, nhờ khai hoang, số đất đã tăng lên đến
hơn 100 hécta.
Từ đây việc truyền giáo cho anh chị em Dân tộc bắt đầu.
3. Các địa điểm truyền
giáo các cha Canađa đã chọn :
Ngày 25.7.1956, cha Sylvère Drouin được cử tới Fyan, La Ba để tăng
cường thực hiện lọai tông đồ mới này. Tháng 02.1957, Trung Tâm Truyền Giáo dành
cho người Dân tộc được khởi công xây dựng tại Ngọc Sơn, La Ba theo đồ án của
cha Sylvère Drouin, với mục đích trước hết là đem văn minh khoa học vào các
thôn làng, nhưng chính yếu là đem văn minh cứu độ tới mỗi người dân. Tại Trung
Tâm, một ngôi trường dành riêng cho con em người Dân tộc đã được xây dựng. Để
có đủ số học sinh cho các lớp học, cha Sylvère Drouin đã phải lặn lội vào các
buôn làng, với túi thuốc và bộ đồ nghề cắt tóc trên tay, thuyết phục dân chúng
cho con em đến trường. Tại đây, các em được dạy đọc và viết tiếng Kơho, tiếng
Việt và tiếng Pháp ; bên cạnh đó, các em được học giáo lý. Sau 3 năm từ năm
1957 tới năm 1960, 55 em Dân tộc đã được diễm phúc lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.
Tất cả những em theo học tại đây, sau khi kết thúc giai đoạn học tập, sẽ là
những hạt nhân cho các buôn làng. Tính đến năm 1961, cộng đoàn Fyan, La Ba đã
rửa tội khoảng 2.500 người Dân tộc.
Ngày 16.02.1958, cha Maurice Benoit tới Fyan,
La Ba.
Đầu thập niên 1960, hai tu viện đã được xây
dựng tại Fyan, La Ba, một cho quý cha, quý thầy Dòng Chúa Cứu Thế và một cho
các nữ tu Dòng Thánh Vinh Sơn. Hai tu viện và hai cộng đoàn này là trung tâm
xuất phát các thừa sai phục vụ trong một môi trường truyền giáo cho anh chị em
Dân tộc Kơho rộng mênh mông trải dài từ Ganreo, Đức Trọng tới tận Đamrông,
Krông Kơnô.
Và cũng vào thời điểm này, nghĩa là vào đầu
thập niên 1960, vấn đề truyền giáo của các cha, các thầy ở Fyan, La Ba bước
sang một trang mới. Vấn đề đặt ra cho các cha thừa sai là cần phải xây dựng nơi
thờ tự cho những anh chị em đã đón nhận Tin Mừng, cũng như tổ chức cách sống
của các vị thừa sai sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Vì, theo thói quen và do
công việc, anh chị em Dân tộc Kơho thường chọn rừng làm nơi sống ban ngày và
chỉ trở về bản làng khi trời đã tối. Vì thế, một cộng đoàn thừa sai được tổ
chức chặt chẽ như Quy Luật Dòng đòi hỏi xem ra không thích hợp ; và càng không
thích hợp nếu chỉ xây dựng nhà thờ tại Trung Tâm Fyan. Do đó, hàng loạt giáo
điểm với nhà nguyện cho các giáo điểm đã được xây dựng tại các buôn làng, nhờ
đó, quý cha, quý thầy được ở gần dân, giúp họ thăng tiến về mọi mặt, cũng như
nhờ đó, người Dân tộc có thể đến với các vị thừa sai cách dễ dàng. Tại mỗi giáo
điểm đều có các trạm phát thuốc miễn phí và các lớp giáo lý thường kỳ.
Ngày 10.4.1958, giáo điểm Liên Hùng (nay là
Phisrồn, Đamrông) được thành lập. Tại đây cha Maurice Benoit đã sống như một
công nhân và một kỹ sư xây dựng.
Năm 1959, hai giáo điểm mới được thành lập :
một tại Phikoh và một tại Đàrơmăng (nay thuộc huyện Đamrông).
Mùa thu năm 1959, cha Thomas Côté và cha
Philippe Vaillancourt tới Fyan.
Năm 1960, có thêm cha Michel Laliberté.
Ngày 27.5.1961, linh mục Việt Nam đầu tiên tới
Fyan là cha Antôn Vương Đình Tài. Từ đây, Fyan trở thành mảnh đất mầu mỡ cho
các hoạt động của Nhà Dòng Chúa Cứu Thế và hân hạnh ghi nhận dấu chân của nhiều
vị thừa sai Canađa cũng như Việt Nam.
Năm 1961, hai giáo điểm Kơya và Sôăn được hình
thành. Mùa thu năm ấy, cha Antôn Lapointe cho xây dựng một nguyện đường tại
Tơrlăngtô (thuộc xã Phi Liêng, Đamrông ngày nay).
Năm 1962, ba giáo diểm Đampău, Đanùng và Rơlơm
đi vào hoạt động. Cũng trong giai đoạn những năm này, các giáo điểm khác như
Đamrông, Romen, Yalu, Riôngtô, Phisur (nay thuộc xã Phitô, Lâm Hà), Srê Dà Đờng
(đường Rơlơm đi vô), Plontum (Thanh Bình), Ganreo (Đức Trọng)… đều được hình
thành và đi vào hoạt động.
Vào năm 1966, Philiêng (Đamrông) và Prơtèng
(Phú Sơn) có nhà trường và nhà nguyện.
Trong chiến tranh, từ 1962 – 1975, các cơ sở
này hầu như bị tàn phá và thiêu rụi do cả hai phe tham chiến.
4.
Những gương mặt truyền giáo nổi bật :
a. Cha Antôn Lapointe
Cha Antôn Lapointe là một gương mặt truyền
giáo nổi bật nhất trong các cha các thầy Dòng Chúa Cứu Thế làm công việc loan
báo Tin Mừng tại Fyan, La Ba. Ngài đã đi khắp Bắc, Trung, Nam, Thái Lan,
Campuchia để giảng đại phúc và truyền giáo. Ngài là một người có tài lợi khẩu,
một nhà hùng biện bẩm sinh, một nhà xã hội, một người có tài tổ chức, trí óc
rất khôn ngoan và lòng nhiệt thành phục vụ những người nghèo. Đọc lại tiểu sử,
hồi ký và nhật ký của vùng truyền giáo Fyan, người ta không khỏi ngạc nhiên vì
trước năm 1957, Fyan có hơn 50 buôn làng Dân tộc hệ phái Kơho nằm rải rác ở các
triền núi, triền đồi hẻo lánh, xa xôi. Có những bản làng nằm tuốt trong rừng
già hiểm trở, nước độc… Mỗi buôn làng chỉ có khoảng 50 tới 250 nhân khẩu. Người
ta vẫn gọi những người này là man di, hoang dã vì họ ít khi được tiếp xúc với
thế giới văn minh, ít khi được tiếp xúc với người Kinh, người nước ngoài. Hầu
hết cuộc sống của họ còn tùy thuộc vào thiên nhiên : Họ đánh bẫy, bắn ná, bắn
cung để giết thú rừng, họ trồng lúa rẫy, trồng mì, trồng khoai lang để sinh
sống. Họ không có trường học, không có trạm xá. Đời sống còn hoàn toàn tăm tối
và mê tín dị đoan. Họ là những người chưa được khai phóng. Tuy nhiên, Thiên
Chúa luôn có chương trình của Ngài. Cha Antôn Lapointe là người gặp gỡ những
người Dân tộc đầu tiên tại đồn điền cà phê Fyan và nhờ những viên thuốc
quinine, chloroquine, aspirine, các anh chị em Dân tộc Kơho lúc đó đang bị
hoành hành vì bệnh sốt đã được chữa lành. Lập tức cha Antôn Lapointe được đồn
thổi như “một vị phù thủy mới”, quyền năng gấp bội so với mọi phù thủy đang
hành nghề trong vùng. Tài chữa bệnh của ngài thật đơn giản : “không cần cúng
dê, cúng vịt, cúng gà, không cần rượu đế, rượu cần, không cần bầy biện đồ cúng
và cũng không cần đích thân đến nhà, nhưng chỉ cần vài viên thuốc mầu vàng, đỏ,
nâu hay trắng, gói đem về nhà xa uống vẫn hiệu nghiệm. Nhờ tài chữa bệnh và nhờ
thiện cảm, các anh chị em Dân tộc đã để cho ngài nói về Chúa cho họ và lạ lùng
thay người Dân tộc đã chấp nhận tin vào Chúa. Ngài được các anh chị em Dân tộc
gán cho biệt danh cha già (Bàp kra) vì ngài có bộ râu rất đáng kính.
Cha Antôn Lapointe đã làm việc truyền giáo tại
đất nước Việt Nam trong 40 năm từ năm 1931 tới 1971. Ngài đã phục vụ người Dân
tộc từ năm 1956 tới năm 1971. Trong 15 năm loan báo Tin Mừng cho người Dân tộc Kơho
ở Fyan, cha Antôn Lapointe đã làm được nhiều việc rất tốt đẹp và được mọi người
nể trọng, ngưỡng mộ. Ngài qua đời ngày 08.5.1971 và thân xác ngài đươc chôn cất
bên hông phải phía trước nhà thờ Rơlơm, Đại Đờn.
b. Cha Sylvère Drouin :
Cha Sylvère Drouin vào Fyan năm 1956 đồng thời
với cha Antôn Lapointe để tăng cường cho mảng truyền giáo mới cho anh chị em
Dân tộc Kơho. Ngài còn rất trẻ, nên người Dân tộc đặt cho ngài biệt hiệu là Cha
Pơnu (Cha trẻ). Cha Sylvère Drouin rất yêu mến người Dân tộc, ngài đã kết thân
với hai cậu cháu người Dân tộc ở Bòn (làng) Tron (gần Đàlạt) là K’Song và
K’Kràng. Ngài chiếm cảm tình của mọi người nhờ sự hiền lành, khiêm nhượng, nhờ
bộ tông đơ hớt tóc và nhờ những túi thuốc Tây như Parécétamol, élixir
parégorique, quinine, vitamine C… mang theo bên mình mỗi lần đi vào các làng,
bản Dân tộc. Ngài gây thiện cảm với người Dân tộc và người Dân tộc cũng có
thiện cảm với ngài. Do đó, dần dần có nhiều người Dân tộc xin theo đạo và xin
gia nhập đạo. Cha Sylvère Drouin là người làm việc trí thức : Ngài dậy các em
Dân tộc học tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng La Tinh. Ngài học tiếng Dân tộc rất
sành sõi. Ngài cùng một số anh em Dân tộc trí thực dịch sách đạo, giáo lý, Kinh
Thánh, dịch các bài hát tiếng Pháp ra tiếng Dân tộc. Cha Sylvère Drouin đã để
lại rất nhiều dấu ấn và kỷ niệm cho người Dân tộc ở Fyan.
Cha Sylvère Drouin sinh ngày 18.11.1917, qua
đời ngày 19.6.1994 tại Canađa và được chôn cất tại nghĩa trang Nhà Dòng Sainte
Anne de Beaupré Canada.
c. Cha Maurice Benoit :
Cha Maurice Benoit đến Fyan vào ngày
16.02.1958. Ngài rất giỏi về kỹ thuật : xây dựng nhà cửa và đúng là một kỹ sư
thủy lợi. Ngài đã có công rất nhiều trong việc tập cho người Dân tộc biết tương
thân tương trợ lẫn nhau. Chính vì thế, ngài đã lập ra những hợp tác xã cho anh
chị em Dân tộc vay vốn, không lấy lời. Hợp tác xã nhiều thể loại như hợp tác xã
lúa, bắp, hợp tác xã máy cầy… Tất cả những hình thức này nhằm tạo cho người Dân
tộc biết làm ăn, biết giúp đỡ nhau thăng tiến. Xem ra lúc đầu những hợp tác xã
này cũng mang lại được một số kết quả tốt, nhưng lâu dài không có kết quả bao
nhiêu vì người Dân tộc quen sống độc lập và nhiều ỉ nại vào người khác. Vì có
tài xây dựng nhà cửa, nên đi đâu, cha Maurice Benoit cũng dựng nhà một cách dễ
dàng. Ngài còn có tài dẫn thủy nhập điền, không có bằng kỹ sư, nhưng đúng là kỹ
sư thủy lợi. Ngài đã dẫn nước từ nguồn mạch trên núi cho cả dân ở Ngọc Sơn,
Fyan dùng từ những năm các cha Canađa mua sở đồn điền cà phê Fyan cho tới ngày
hôm nay năm 2007, đường dẫn nước vẫn còn dùng tốt. Ngài cũng đã dẫn nước cho
dân ở Kim Thạch, Tùng Lâm dùng… Ngài là một con người rất nhiệt thành trong
công tác tông đồ và xã hội.
Cha Maurice Benoit sinh ngày 23.4.1918, qua
đời tại Canada ngày 25.5.2003 và được chôn cất tại nghĩa trang Sainte Anne de
Beaupré.
d. Cha Michel Laliberté :
Cha Michel Laliberté đến Fyan vào năm 1960. Ngài
là một linh mục rất năng nổ và đầy tình nhân ái. Ngài biết kỹ thuật về xe hơi
giỏi. Nên, ngài đã lập hai garage : một ở Đampău và một ở Đanùng. Ngài biết
tiếng Dân tộc rất thành thạo. Ngài luôn cử hành lễ hát bằng tiếng Dân tộc Kơho.
Ngài đi hết làng nay qua làng khác để dậy giáo lý, giới thiệu Đức Kitô cho
người Dân tộc. Ngài luôn luôn không quản khó khăn. Ngài sẵn sàng giúp đỡ mọi
người. Ngài có lòng bao la như một người mẹ. Anh chị em Dân tộc rất thích đến
với ngài. Ngài rất yêu mến những trẻ em Dân tộc và luôn luôn muốn qui tụ các em
tới với ngài để ngài dậy dỗ, hướng dẫn và nâng đỡ. Ngài ước mong được chết
trong vùng truyền giáo, nhưng biến cố năm 1975 đã không thỏa nguyện mong ước
của ngài.
Ngài đã trở về Canada và vẫn còn đang sống ở
Nhà Dòng Sainte Anne de Beaupré. Ngài sinh ngày 29.8.1915. Năm nay đã 92 tuổi.
5.
Thử tìm lại đường lối truyền giáo của các ngài :
Nói đến phương pháp truyền giáo là nói đến
những lý thuyết, những bài học, những lý luận, những phương cách để làm công
việc loan báo Tin Mừng. Mà nếu đã nói đến phương pháp, những bài học, những
cách thức để làm công việc truyền giáo, thiết tưởng nó chỉ nằm trong sách vở và
có nơi áp dụng được có nơi không thể áp dụng. Có người đi đến với người Dân tộc
bằng cách này thì thành công, nhưng người khác dùng cách ấy lại không có kết
quả. Tuy nhiên, vào thời nào, học ở đâu, người ta vẫn phải học về phương pháp
truyền giáo. Đọc lại hồi ký và ký sự cộng đoàn của các cha Canada, nhất là
những bài các ngài viết trong những số Missions Rédemptoristes từ năm 1963 –
1964, chúng ta nhận thấy, các cha Canada Dòng Chúa Cứu Thế đã tới với anh chị
em Dân tộc một cách rất bình thường, các ngài đến với họ bằng tất cả tình
thương. Điều này, theo cảm nghĩ của con là điều căn bản. Các ngài đã bỏ quê
hương, bỏ cha mẹ, anh chị em, những người thân thương của các ngài để đến với
những anh chị em Dân tộc Kơho vùng sâu vùng xa, hẻo lánh, thiếu thốn mọi sự,
thiệt thòi mọi sự. Các ngài đã chấp nhận vùng rừng sâu, nước độc, muỗi, ruồi
vàng và những căn bệnh sốt rét còn tràn lan. Các ngài đã chấp nhận một vùng mất
an ninh, đi đâu, ở đâu cũng nơm nớp lo sợ súng đạn và chiến tranh. Các ngài đã
chấp nhận những con người man di, thiếu văn minh và đầy những hủ tục, những
phong tục, những mê tín dị đoan hoàn toàn khác với những con người, những đất
nước văn minh. Các ngài đã chấp nhận một sắc dân nói tiếng khác lạ, tiếng nói
các ngài đã mất biết bao công sức học là tiếng Việt Nam, nhưng đến vùng Fyan,
các ngài chấp nhận một ngôn ngữ thiểu số hoàn toàn mới lạ, hoàn toàn làm lại từ
đầu, các ngài lại phải đổ mồ hôi nước mắt, đổ nhiều công sức để học thêm một
thổ ngữ mới mẻ và lạ lùng. Ngôn ngữ chính là chìa khóa đi vào lòng người, đi
vào nếp sống và tập tục của người Dân tộc. Các ngài đã chịu khó, miệt mài học
ngôn ngữ, tìm hiểu phong tục, tập quán của người Dân tộc Kơho. Qua việc học
tiếng, các ngài đã tiếp xúc, đã sống gần gũi, đã tỏ ra rất thân thiện với người
Dân tộc. Các ngài đã cảm thông, chấp nhận và coi họ như những người anh em của
mình. Đường hướng phục vụ của các ngài là sống yêu thương, hòa đồng và hết sức
tế nhị, tôn trọng người Dân tộc. Người Dân tộc dần dần nhận ra tình thương của
các cha, nên họ chấp nhận các cha và hết sức cởi mở, lắng nghe các cha dạy bảo
về Tin Mừng, về đời sống nhân bản, đời sống đời thường. Ngoài cuộc sống đời
thường, ngoài các phương pháp hết sức đời thường, mang đầy tình người, các cha
Canada đã chọn một nếp sống siêu thoát Tin Mừng để phục vụ, để sống với anh chị
em Dân tộc. Các ngài đã noi gương Chúa Giêsu và có những tâm tình như chính Đức
Giêsu (Pl 2,5). Đó là tâm tình của vị mục tử tốt lành, yêu mến đến cùng những
anh chị em Dân tộc mình phục vụ, biết thương xót họ, hiền hậu và khiêm nhu mở
rộng lòng đón tiếp họ, giới thiệu cho họ Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đến quên cả
mệt mỏi, ăn uống và nghỉ ngơi… Trên hết mọi phương pháp, các ngài đã luôn trung
thành và gắn bó với việc cầu nguyện. Các ngài đã cảm nghiệm sâu sắc lời của
thánh Phaolô tông đồ : “Tôi đã trở nên
tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu cho được một số” (1Cr 9,22).
6.
Tri ân các bậc tiền bối :
Nhìn lại một con đường, quay lại những chặng
hành trình truyền giáo của các cha Canada, các cha Việt Nam và các thầy Dòng
Chúa Cứu Thế đã dấn thân phục vụ công việc rao giảng Tin Mừng cho người Dân tộc
Kơho tại Fyan, chúng ta không ngừng cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria và
Thánh cả Giuse đã làm những việc thật lạ lùng và kỳ diệu cho vùng truyền giáo
Fyan, Lâm Hà. Những chặng đường các cha Canada, các cha Việt Nam và các thầy
Dòng Chúa đã đi qua : thời gian mới có 50 năm. Năm mươi năm quả thực chưa dài
lắm đối với công cuộc truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam đã trải dài hơn 300
năm. Nhưng đây là những chặng đường tình yêu và hồng ân. Hồng ân và tình yêu,
Thiên Chúa đã gửi cho vùng truyền giáo Fyan những bậc cha anh nhiệt thành, đạo
đức và phục vụ theo cách của Chúa Giêsu. Hồng ân ấy là “các bậc tiền bối đều là
những thành phần ưu tú : Cha Anphong Tremblay là Giám Phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu
Thế ; cha Gioan Labonté là Giám Đốc Học Viện và là Giám Phụ tỉnh ; cha Antôn
Lapointe là nhà truyền giáo, giảng thuyết lỗi lạc ; cha Thomas Côté là giáo sư
Học Viện và là một nhà trí thức giỏi giang”. Đó là những con người, nhưng là
những “hồng ân”, Thiên Chúa ân ban cho vùng truyền giáo Dân tộc Kơho Fyan. Các
ngài là gốc, là rễ, là nền, từ đó vùng truyền giáo Fyan được xây dựng và phát
triển. Hầu hết các ngài đã khuất sau một chặng đường hy sinh, mệt mỏi và vất vả
để làm cho vùng truyền giáo Fyan sinh hoa kết quả tươi tốt. Có thể nói, tên
tuổi của các ngài đã và sẽ còn là niềm tự hào, là tấm gương, là niềm khích lệ
to lớn đối với mọi người Dân tộc Kơho vùng Fyan, La Ba và đối với các thế hệ
đàn em đang tiếp nối sứ mạng của các ngài trong vùng Fyan, Lâm Hà. Sự nghiệp
của các ngài vẫn là những thách đố cho các thế hệ kế thừa và vẫn là “lời rao
giảng” về tình yêu cho thế giới, cho con người, cho mỗi người.
Tri ân các bậc tiền bối để cùng Mẹ Maria ngợi
khen Thiên Chúa : “Đấng Toàn Năng đã làm
cho tôi những việc trọng đại, Danh của Ngài thật chí thánh chí tôn” (Lc
1,49).
7.
“Phaolô trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Co 3,6)
Nhìn lại biến cố các cha Canađa, các cha Việt
Nam và các thầy Dòng Chúa Cứu Thế đến vùng truyền giáo Fyan, La Ba cách đây 50
năm là một hồng ân cứu độ tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa ban cho những anh
chị em Dân tộc Kơho Fyan, cho Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và cho Giáo Phận
Đàlạt. Và suốt 50 năm qua, hồng ân ấy không ngừng được củng cố và lớn mạnh. Các
bậc tiền bối là những người đã đặt nền móng cho công cuộc loan báo Tin Mừng cho
người Dân tộc Kơho như thánh Phaolô đã thiết lập các giáo đoàn dựa trên nền
tảng là Đức Giêsu Kitô. Các ngài đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng Chúa, Hội Thánh
và Nhà Dòng Chúa Cứu Thế trao phó. Các ngài đã xây dựng một cộng đoàn Dân Chúa
cho người Dân tộc Kơho tại vùng Fyan, Lâm Hà hoàn toàn dựa trên Đức Giêsu Kitô.
Các ngài đã làm công việc truyền giáo vì Danh Chúa Giêsu Kitô. Tất cả cho vinh
quang của Thiên Chúa. Các ngài không hề làm vì lợi ích cá nhân, không tìm lấy
tiếng cho cá nhân mình. Các ngài luôn làm
việc tông đồ theo ý muốn của Chúa và xây dựng cộng đoàn những kẻ tin Dân tộc Kơho
theo ý muốn của Chúa. Do đó, công cuộc truyền giáo cho người Dân tộc Kơho tại
Fyan, Lâm Hà suốt hơn 50 năm vẫn luôn được củng cố và phát triển theo ý Chúa. Các
ngài đã đặt nền móng vững chắc cho công cuộc truyền giáo miền Dân tộc Kơho Fyan
luôn luôn và mãi mãi qui về Đức Giêsu Kitô. Các ngài trồng, các lớp kế thừa
tưới, tiếp tục sứ mạng của các ngài, nhưng chính Thiên Chúa làm cho công việc
loan báo Tin Mừng tại Fyan, Lâm Hà luôn vững mạnh và được vun trồng, chăm bón
theo chiều hướng tốt của Hội Thánh, của Nhà Dòng và của Giáo phận. Và cũng
chính tại vùng truyền giáo Fyan và những điểm giáo, giáo điểm tại Fyan, các bậc
cha anh đã gieo hạt giống của Lời, để đến hôm nay, những hạt giống đó vẫn tiếp
tục nảy mầm và lớn lên.
II. NHÌN VỀ HÔM
NAY VÀ NGÀY MAI
ĐỂ PHÁT TRIỂN
:
50 năm đối với lịch sử của một đất nước, một
tôn giáo quả thực chưa dài, nhưng đối với đời sống của một con người, 50 năm đã
là dài lắm, đã chiếm 3/4 cuộc đời của một đời người. Từ những ngày đầu tiên khi
gặp gỡ các người Dân tộc tại sở đồn điền cà phê Fyan và sau này tại các buôn
làng Dân tộc xa xôi, hẻo lánh, các cha Antôn Lapointe, Sylvère Drouin, Maurice
Benoit, Michel Laliberté và các bậc đàn anh đi trước, đã đến với người Dân tộc,
làm quen với họ, thân thiện với họ, biết họ và họ chấp nhận để các cha nói về
Chúa cho họ và họ đã tin theo Chúa, hẳn con đường, chặng đường ấy có nhiều hoa
thơm cỏ lạ, có hoa núi, hoa rừng, hoa ruộng đồng… nhưng vẫn không thiếu những
cỏ gai, những đồi tranh, những rừng già, những đường mòn, những đồi dốc, những
quãng đường khúc khửu quanh co, khó khăn giăng mắc. Từ một con số không, từ
những buôn làng, bản, sóc gồm những con người chưa hề được nghe nói về Chúa. Những
anh chị em Dân tộc hầu như còn ngơ ngác nai tơ, nhìn văn minh như cái gì rất xa
lạ với họ, nhìn tôn giáo như cái gì không thực tế đối với các thần đồi, thần
núi, thần suối, thần đá, thần khe… Những anh chị em Dân tộc chưa hề biết gì là
vệ sinh, là y khoa, là khoa học kỹ thuật. Thiên Chúa đối với họ là một khoảng
cách xa vời vợi. Và cũng chính những con người ấy ngày hôm nay đã thành những
con chiên ngoan đạo, những công dân của Nước Trời.
Với một thành quả hết sức khiêm tốn, từ năm
1956 – 1958 đã có 55 em Dân tộc được diễm phúc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, làm
con Chúa và làm con Giáo Hội. Tới tháng 12.1961, số anh chị em Dân tộc được rửa
tội đã gia tăng lên 2.500 người. Và cho tới tháng 7.2007, vùng truyền giáo Dân
tộc Lâm Hà và Đamrông đã có hơn 20.000 anh chị em Dân tộc được rửa tội và trở
thành con cái Chúa, con cái của Giáo Hội.
Hiện nay, đã có những nhà thờ nằm rải rác ở
các nơi như nhà thờ Phú Sơn, nhà thờ Rơlơm, nhà thờ Đoàn Kết, nhà thờ Tân Văn
và nhà thờ Lán Tranh và nhà thờ Đa Tông, Đamrông đang được xây dựng.
Vùng truyền giáo Lâm Hà và Đamrông có 2 linh
mục Dòng Chúa Cứu Thế, và 3 linh mục triều phụ trách các nhà thờ nêu trên và
các điểm truyền giáo cho người Dân tộc Kơho.
Hiện tại, đã có các dòng nữ phụ giúp công việc
truyền giáo như Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, Dòng Đức Bà Truyền Giáo, Tu
Hội Đời Sống Tông Đồ Nhập Thể – Tận Hiến – Truyền Giáo.
Nhìn lại một chặng đường 50 năm truyền giáo
của các cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế cho người Dân tộc Kơho tại Fyan, Lâm
Hà, những thành quả khiêm tốn có được là do hồng ân của Thiên Chúa. Tất cả đều
là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa trao ban cho vùng truyền giáo Fyan, Lâm
Hà, cho Dòng Chúa Cứu Thế và cho Giáo Phận Đàlạt. Vùng truyền giáo Fyan, Lâm Hà
và Đamrông vẫn còn bao la, mênh mông, bạt ngàn : với các buôn làng trải dài từ
Đinh Văn tới Đa Krông Kơnô gần 90 cây số, anh chị em Dân tộc tuy đời sống có
nơi đã khá hơn, nhưng phong tục, tập quán và nhiều chuyện vẫn còn đó : “Đời
sống văn hóa, kinh tế, tôn giáo”. Kinh tế đối với người Dân tộc vẫn muôn đời
khó nâng cao. Văn hóa có được khai phóng đó nhưng vẫn đòi hỏi nhiều thế hệ kiên
nhẫn và nhiệt tình. Có lúc anh chị em Dân tộc trở lại đạo hàng loạt, nhưng đòi
hỏi phải có nhiều nhân sự, nhiều vị tông đồ nhiệt thành, thánh thiện và một sự
đào tạo kéo dài nhiều năm, nhiều thế hệ. Điều con tin tưởng là Chúa Thánh Thần
luôn hiện diện hướng dẫn vì công cuộc truyền giáo là của Chúa Thánh Thần.
Con đuờng truyền giáo còn đó và vẫn luôn mời
gọi nhiều thừa sai thành tâm, thiện chí đi vào mảng loan báo Tin Mừng cho người
Dân tộc Kơho tại Fyan, Lâm Hà, Đamrông và nhiều nơi khác trong Giáo phận Đàlạt.
Nhìn về những ân huệ tuyệt vời Thiên Chúa trao ban hôm nay tại vùng truyền giáo
Fyan, Lâm Hà và những thách đố, những mong ước tiến tới cho một tương lai tươi
sáng là qui tụ mọi anh chị em Dân tộc Kơho trong các buôn làng trong sự hiệp
nhất : “để họ được nên một như chúng ta
là một” (Ga 17,22). Xin cho Tin Mừng Cứu Độ và Danh Đức Giêsu Kitô tiếp tục
được vang lên tới mọi nơi, mọi ngõ ngách, mọi buôn sóc, bản làng xa xôi hẻo
lánh, vùng sâu vùng xa để tất cả anh chị em Dân tộc nhận ra, tin và đi theo Đức
Giêsu Cứu Thế.
III.
KẾT LUẬN
Hồi tưởng lại cuộc hành trình tìm về nguồn để
tri ân : Những chặng đường truyền giáo của các cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế
tại Fyan, La Ba để cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Trinh Nữ Maria và Thánh cả
Giuse vì muôn hồng ân cao vời miền truyền giáo Fyan, Lâm Hà đã, đang và sẽ nhận
lãnh. Các bậc tiền bối, các cha anh đi trước như Thánh Phaolô tông đồ, các ngài
đã “đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã
chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4,7) và các ngài đã “rao giảng lời của Chúa cho trọn vẹn, rao
giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã
được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa”
(Cl 1,25-26). Hầu hết các bậc đàn anh đã ra đi : Cha Antôn Lapointe đã nằm tại
mảnh đất Rơlơm, Đạ Đờn ; Cha Antôn Vương Đình Tài một nhà truyền giáo Việt Nam
cũng đã nằm xuống trên vùng đất Giarai, Kontum… và nhiều bậc cha anh đã về với
Chúa tại đất nước Canađa nơi chôn rau cắt rốn của các ngài, công cuộc loan báo
Tin Mừng cho người Dân tộc Kơho tại Fyan (Phú Sơn), Lâm Hà vẫn còn rất nhiều
việc phải thực hiện và hoàn thành. Vùng đất Phú Sơn vẫn bạt ngàn, mầu mỡ, xin
hết lòng tri ân các bậc tiền bối .
Như vậy, phải nói rằng, lịch sử hơn 50 năm
truyền giáo cho anh chị em Dân tộc Kơho tại Phú Sơn, Lâm Hà của các cha, các
thầy Dòng Chúa Cứu Thế Canađa và Việt Nam là lịch sử được tưới gội bởi biết bao
hy sinh, khó nhọc, biết bao mồ hôi, nước mắt, và bởi biết bao ơn huệ cao vời
của Thiên Chúa. Đó là lịch sử và hành trình đức tin phục vụ yêu thương. Đó là
lịch sử của những “hồng ân” tiếp nối “hồng ân” và được xây trên những “hồng
ân”. Giờ đây, công cuộc truyền giáo cho anh chị em Dân tộc Kơho tại Phú Sơn,
Giáo Phận Đàlạt đang chờ được viết tiếp ?