TƯỜNG TRÌNH VỀ VIỆC DỊCH THUẬT

GIÁO LÝ VÀ PHỤNG VỤ SANG TIẾNG KƠHO

Lm. Giuse Phạm Minh Sơn

 

Con xin được trình bày về việc dịch các bản văn tôn giáo sang tiếng Kơho.

Rất may mắn cho con là ngày 07.7.2004, Cha Đaminh Nguyễn Huy Trọng, theo yêu cầu của Đức Cha, đã viết kính gửi Đức Cha bản “Tường trình về việc dịch thuật Giáo lý và Phụng vụ sang tiếng nói Kơho”. Và biết con phải trình bày về vấn đề này, Ngài đã thương tình gửi cho con bản “Tường trình”.

Con xin cám ơn Cha Đaminh. Con xin phép Đức Cha để được phổ biến. Và con xin được cùng với Quý Cha, Quý Thầy vui mừng đọc và nghe lại một Bản tổng hợp sơ lược nhưng đầy đủ về một công việc rất quan trọng trong vấn đề truyền giáo cho người Thượng.

“Lá thư dài và đầy đủ này” giờ đây có thể gợi lên cho chúng ta bao chứa chất yêu thương của Hội Thánh địa phương đối với những người bản địa. Hội Thánh địa phương ở đây hiểu cụ thể là các Đức Cha, các Cha, các Chủng sinh, các Tu sĩ nam nữ, các anh chị em Giáo dân. Người bản địa ở đây là những người Thượng sinh sống trong miền này.

Hội Thánh địa phương chúng ta đã cố gắng học hỏi, bập bẹ nói, ghi chép, dâng kinh nguyện, hát thánh ca, đã và đang nỗ lực chuyển tải dần dần kho tàng Giáo lý và Phụng vụ phong phú và cao quý của Hội Thánh vào những ngôn ngữ Thượng, và đồng thời đưa những ngôn ngữ Thượng vào kho tàng Giáo lý và Phụng vụ, làm cho những ngôn ngữ dân gian này, ngoài giá trị tự bản thân chúng là liên hệ, duy trì và phát triển giữa con người với con người, còn có một giá trị riêng biệt và đặc biệt, đạt đến “tuyệt đỉnh” của chúng nữa là tôn thờ, ca ngợi Thiên Chúa và góp phần mang lại ân phúc cứu độ cho con người.

Con xin đọc lại nguyên văn bản Tường trình của Cha Đaminh Nguyễn Huy Trọng sau đây :

 

Tường trình về việc dịch thuật Giáo lý và Phụng vụ sang tiếng nói Kơho.

I. Hiện trạng Dân Tộc Kơho :

Dân tộc Kơho (nói tiếng Kơho), chủ yếu lập cư rải rác khắp lãnh thổ tỉnh Lâm Đồng bây giờ. Có một số làng đã sinh sống lâu đời ở các tỉnh lân cận như Đaklak, Kontum, Pleiku, Bình Thuận, Quy Nhơn, Đồng Nai, Bình Dương. Dân số Kơho tại Lâm Đồng khoảng trên 140.000. Số người Kơho đã được Rửa tội theo đạo Công Giáo là trên 80.000.

Như vậy đây là một Dân tộc bản địa khá đông. Họ có tiếng nói riêng nhưng không có chữ viết. Họ có niềm tin, nghi lễ, phong tục, tập quán và tổ chức xã hội đặc thù.

Trong khoảng thời gian truyền giáo tương đối là vắn, họ đã gia nhập đạo Công Giáo khá đông (trên 50%). Lý do chỉ có thể giải thích được là do sự yêu thương quan phòng của Thiên Chúa qua Giáo Hội của Ngài. Nhưng cũng qua nhận định của nhiều nhà truyền giáo, thì niềm tin và các sinh hoạt thuộc niềm tin của họ có nhiều điểm tương đồng với Lịch sử Cựu Ước. Dĩ nhiên không thể loại trừ đã có rất nhiều vị tông đồ nhiệt thành, biết hội nhập thích đáng vào lịch sử và nếp sống của anh em Kơho.

II. Diễn tiến công việc dịch thuật :

1. Buổi sơ khai : cuối thập niên 20, thế kỷ 20 :

Linh mục Jean Cassaigne, sau khi nhận nhiệm sở Di Linh (1926), Ngài đã thấy ra ngay việc truyền giáo cho anh em Kơho phải được ưu tiên. Lập tức Ngài lao ngay vào việc học tiếng Kơho. Vừa học vừa ghi ký theo mẫu tự La-tinh. Đồng thời Ngài đã vận dụng ngôn ngữ này vào việc truyền giáo.

Ngay giữa thập niên 30, Ngài đã cho in ấn ba cuốn sách nhỏ giúp cho những ai muốn làm quen và tìm hiểu Dân Tộc này.

a.    Lexique Mưi – Francais - Annamite, pour la région Djiring - Dalat. In tại nhà in Tân Định, Saigon. Giá bán 1 đồng (không rõ năm in).

b.    Manuel de conversation Francais - Koho. 2e édition, Saigon, Imprimerie de l’union, 57, Rue L. Mossard, 1935.

c.     Catéchisme Kơho, Sara diat Bap Iang. Saigon, Imprimerie de L’union, 57, Rue L. Mossard, 1938.

Vào năm 1951, Ngài đã cho in ấn tại Pháp hai cuốn sách nữa với quy mô lớn hơn cả về nội dung và số trang, về kinh đọc, Giáo lý và Phụng vụ.

d.    Duh Bap-Yang bal mơ Yesu, 1951, Les Presses Missionnaires, 184, Avenue de Verdun, Issy-les-Moulineaux.

e.    Jat gung Yesu. Sara Jưnau Bap-Yang (cùng năm và địa chỉ).

Cả năm tác phẩm trên hiện còn lưu trữ tại Thư viện Toà Giám Mục Đàlạt. Chắc chắn còn có các tác phẩm khác.

Từ trước năm 1940, đã bắt đầu có các linh mục người Pháp khác tới phụ lực với Cha Cassaigne trong công tác Truyền giáo cho anh em Kơho tại Di Linh. Nhất là từ khi có nhà thờ và nhà xứ Kala (1940), thì nơi đây là địa điểm vừa thực hành vừa làm giàu thêm các tác phẩm trên.

2. Thời trăm hoa đua nở :

Từ sau năm 1950, có khá đông các Linh mục Thừa sai tới Đàlạt, và các Trung Tâm Truyền Giáo cho anh em Kơho được thành lập ở nhiều vùng khác nhau : Tại Đàlạt, Ryôngtô, Đơn Dương, Bảo Lộc. Ngay tại Di Linh, ngoài Kala, còn có thêm 3 Trung Tâm Truyền Giáo khác nữa.

Vì nhu cầu mục vụ cấp thiết tại chỗ, nên các linh mục ở mỗi địa phương đã cùng với các Giảng viên Giáo lý người Kơho hình thành các bản văn giáo lý, kinh đọc, phụng vụ, bài hát riêng cho mỗi vùng. Xét về nhiều mặt, các bản văn này đã đáp ứng kịp thời và rất hữu ích. Cụ thể là khắp nơi, con số người Kơho được lãnh Bí tích Rửa tội càng ngày càng đông.

Con số đầu sách bằng tiếng Kơho, in ronéo, hoặc in ấn hẳn hoi, thuộc mọi thể loại, đặc biệt là Giáo lý, Thánh ca, Phụng vụ đều có khá nhiều tại mỗi Trung tâm.

3. Thời làm việc chung :

Vào năm 1969, các linh mục coi sóc anh em Kơho ở hai huyện Di Linh và Bảo Lộc đã họp bàn và đi tới quyết định là nên dịch chung và sử dụng chung một số bản văn nền tảng : các kinh đọc hằng ngày, một số phần trong Sách lễ Rôma và các Bí tích, cũng như các nghi thức làm phép.

Được Đức Giám Mục Giáo phận khích lệ đặc biệt, nên đã thành lập ra một ban phiên dịch, với 3 linh mục cùng đứng ra điều hành. Đó là Cha Lôrenxô Phạm Giáo Hoá, Cha Christian Grison và Cha Phêrô Trần Văn Khoa. Có các linh mục trẻ phụ tá khác lần lượt tham gia. Bên cạnh các ngài, phải kể đến con số đông đảo các Giảng viên Giáo lý người Kơho. Cũng có mời được vài vị trí thức Dân tộc cùng góp ý.

Bản văn gốc được dựa vào để phiên dịch là bản La-tinh đang được Giáo Hội sử dụng. Cha Khoa và các cộng sự của ngài thảo bản dịch trước, sau đó được toàn thể bàn bạc, sửa chữa và quyết định.

Sau hơn năm năm kiên trì, miệt mài làm việc chung. Mỗi tháng họp chung ít là một lần, mỗi lần hai ngày một đêm, lần lượt ở các Trung tâm Truyền giáo Bảo Lộc và Di Linh. Kết quả là đã đồng thuận được các bản văn đã có dự tính trên đây. Cụ thể là các kinh đọc đã được sử dụng chung rộng rãi ở Di Linh và Bảo Lộc.

4. Thời hoàn chỉnh :

Từ năm 1980, Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, và sau đó là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, luôn thúc giục, khích lệ và tạo mọi điều kiện để hoàn thiện thêm một bước các bản văn đã dịch, đồng thời tiếp tục dịch thêm các bản văn còn thiếu. Các linh mục phụ trách và các cộng sự viên đã cùng nhau làm việc từng tuần lễ một, nhiều năm liên tiếp để hoàn thiện và bổ túc.

Cũng trong khoảng thời gian này, các linh mục và các Giảng viên Giáo lý ở Di Linh đã dịch ra được trên 300 bài hát thông dụng để dùng trong các buổi Phụng vụ. Đồng thời cũng xem lại và bổ túc cuốn Giáo lý phổ thông đã được một số người dịch và cho sử dụng trước đây.

Từ năm 1994, Đức Giám Mục Giáo phận xét thấy cần phải tích cực hơn nữa để bản văn Phụng vụ có thể được Toà Thánh công nhận, nên đã khích lệ anh em làm sao để bản văn được nghiêm chỉnh và đầy đủ hơn. Lúc này con số linh mục rành tiếng Kơho đã khá đông, nên công việc mau hơn rất nhiều.

Từ năm 2001, Đức Giám Mục Giáo phận muốn tiến thêm một bước nữa, là cho tập họp các bản văn Kinh Thánh đã dịch ở các nơi lại, giao cho một linh mục có khả năng chịu trách nhiệm, dựa theo bản văn La-tinh mới nhất, được Toà Thánh công nhận, để làm ra một bản văn chung cho mọi miền sử dụng tiếng Kơho. Công việc đã được tiến hành rất tích cực.

III. Những thành quả chung :

Đến đây, con xin được tiếp lời Cha Đaminh Nguyễn Huy Trọng, để nói đến những thành quả chung sau nhiều năm làm việc chung của Nhóm Phiên Dịch tiếng Koho
Giáo phận
.

Nhóm Phiên Dịch tiếng Koho Giáo phận dần dần được mở rộng với sự tham dự của các Cha Lôrenxô Phạm Giáo Hóa, Đaminh Nguyễn Huy Trọng, Phaolô Lê Đức Huân, Giuse Mai Văn Thược, Phaolô Vũ Đức Vượng, Augustinô Phạm Minh Thanh, Giuse Nguyễn Hưng Lợi, Phanxicô Xaviê Nguyễn Viết Đoàn, Phanxicô Xaviê K’Brel, Phêrô K’Cheoh, Giuse Phạm Minh Sơn và hai ba giáo dân.

Các bản văn dịch đều dựa vào bản văn tiếng La-tinh mới nhất của Hội Thánh.

Các bản văn này do một nhóm dịch trước, sau đó photocopy thành nhiều tập và được đem ra thảo luận chung. Những phiên thảo luận chung thường được triệu tập tại Tòa Giám Mục Đàlạt và thường kéo dài từ thứ hai đến thứ sáu.

1. Về Sách lễ Rôma (Missale Romanum, ấn bản năm 2000) :

Chúng con đã dịch xong Sách lễ Rôma, chia ra làm ba lần như sau :

a.    Lần 1 : Thành Tập GÙNG LƠH-YÀNG, được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích phê chuẩn ngày 24.02.2005, và được Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Nha Trang, Chủ Tịch HĐGMVN cho “imprimatur” ngày 07.04.2005, cùng với “concordat cum originali” của Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Phú Cường, Chủ Tịch UBGM về Phụng Tư.

b.    Lần 2 : Thành Tập SRĂ LƠH-YÀNG ROMA, được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích phê chuẩn ngày 08.11.2005, và được Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Nha Trang, Chủ Tịch HĐGMVN cho “imprimatur” ngày 15.01.2006, cùng với “concordat cum originali” của Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Phú Cường, Chủ Tịch UBGM về Phụng Tự.

c.     Lần 3 : Thành Tập SRĂ LƠH-YÀNG ROMA, đang chờ đợi HĐGMVN chấp thuận và Tòa Thánh phê chuẩn.

2. Về Kinh Thánh :

Chúng con đã dịch xong Bốn Phúc âm thành Tập JƠNAU YAL NIĂM, và đã được Đức Cha Giáo phận cho “Nihil obstat” ngày 31.8.2006, Đức Cha Chủ tịch HĐGMVN cho “Imprimatur” ngày 06.9.2006.

3. Về các Bí tích :

Chúng con đã dịch và thảo luận chung xong và đã photocopy thành những tập sau đây :

a.     Nghi lễ Rửa tội trẻ em trong Tập GÙNG PƠNĐUM OH DÊT.

b.     Nghi thức Gia nhập Kitô giáo của người lớn trong Tập GÙNG TƠMUT CAU DỜNG TAM PƠRJUM-NIĂM.

c.      Nghi thức Hôn nhân trong Tập GÙNG TAMBAO.

d.     Nghi thức Xức dầu bệnh nhân và Việc săn sóc họ theo mục vụ trong Tập GÙNG BONG JIỜU BOL KÒP-JÊ MƠ CĂM-GÀR BOL KHAI JĂT BE GÙNG YÀNG.

e.     Nghi lễ An táng và Thánh lễ cầu hồn trong Tập GÙNG TƠP BỒC MƠ JƠNAU LƠH-YÀNG CAU CHƠT IN.

Những tập trong Phần “Về các Bí tích” này có lẽ sẽ được Nhóm Phiên Dịch bổ túc đầy đủ rồi mới xin HĐGMVN chấp thuận và Tòa Thánh phê chuẩn, sau khi Nhóm Phiên dịch đã hoàn thành hết tập Kinh Thánh Tân Ước, tập các Thánh vịnh, và tập các Bài đọc Chúa Nhật và Lễ trọng năm A, B, C.

III. Một vài nhận định :

1. Hiện tại đã khởi đầu từ quá khứ :

Trước khi có được những thành quả chung trên đây, thì đã có biết bao cố gắng truyền đạt ngôn ngữ của nhiều anh chị em người bản địa, cùng với bao miệt mài học hỏi, ghi chép, in ấn của nhiều người, nhiều nhóm, nhiều trung tâm truyền giáo, đủ đáp ứng những yêu cầu truyền giáo và tòng giáo qua nhiều giai đoạn.

Chính những cố gắng, miệt mài về ngôn ngữ bản địa lại đã góp phần xây dựng và kiện toàn khả năng và lòng hăng say nơi những thế hệ người truyền giáo, đồng thời góp phần quy tụ, xây dựng đời sống công giáo nơi những thế hệ người bản địa tòng giáo. Và tất cả những thế hệ truyền giáo và tòng giáo ấy đã góp phần xây dựng những nền tảng vững chắc cho tương lai.

2. Công việc xây dựng nên những con người :

Những thành quả chung trên đây đều không phải do những người chuyên môn, không phải đã nằm trong một chương trình lâu dài, không phải đã được thực hiện theo những kế hoạch. Tất cả chỉ là do yêu cầu cụ thể của việc truyền giáo.

Yêu cầu cụ thể đòi hỏi phải có những công việc, những công việc cấp bách đòi hỏi phải có những con người. Và rồi, những con người bình thường phải cố gắng đáp ứng yêu cầu cụ thể và công việc cấp bách, nghĩa là : Phải kiễng chân lên, rướn người lên, với tay lên chạm tới công việc.

3. Tinh thần hợp tác :

Những người ngồi lại với nhau đều là những người đã làm việc truyền giáo ở các địa phương, cho nên rất dễ dàng đi vào truyền thống của Hội thánh về vấn đề ngôn ngữ, lại cũng đang thấy những nhu cầu cấp thiết của đông đảo những con người, đồng thời cũng thấy những giới hạn về ngôn ngữ của chính ngôn ngữ, của mình và của tất cả, nên dễ dàng hợp tác với nhau và chấp nhận một mức độ dịch thuật hoàn hảo tương đối.

Những thế hệ đàn anh đã qua luôn nhắc cho họ nhớ rằng họ cũng chỉ là những con người của một giai đoạn, những công việc họ đang làm rồi cũng sẽ được những thế hệ tương lai tiếp nối và kiện toàn, cũng như chính họ đang tiếp nối và kiện toàn những công việc của các thế hệ trước.

4. Tính tập thể :

Với rất nhiều lý do giống như nhau, những người ngồi lại làm việc chung với nhau luôn đương nhiên có một ý thức rất rõ rệt rằng họ phải làm việc tập thể và phải luôn tôn trọng ý kiến của tập thể.

Là những người đã tham gia vào việc truyền giáo thì có biết bao nhiêu hình ảnh cụ thể luôn gợi lên những ý tưởng sau đây : cánh đồng truyền giáo mênh mông, công việc truyền giáo bao la, trải rộng đến mọi góc cạnh của đời sống con người, và trải dài qua nhiều thời gian, cá nhân từng con người chẳng là gì cả trong cái chiều dài, chiều rộng mênh mông bao la ấy, họ phải luôn bám vào nhau để hoàn thành một công việc.

5. Tính nghiêm túc :

Tuy dù không phải là những người chuyên môn, nhưng chúng ta cũng dễ nhận ra tính nghiêm túc của công việc dịch thuật qua các thế hệ truyền giáo.

Những lý do thì rất cụ thể : Trước hết chính vì là những người không chuyên môn, khả năng giới hạn, mà những người ngồi lại làm việc chung với nhau luôn phải cố gắng hết sức trong công việc. Nội dung của những bản văn dịch thuật lại toàn là những vấn đề quan trọng : Giáo lý, Kinh thánh, Phụng vụ, Thánh ca. Đối tượng sử dụng lại là những đám đông còn mới mẻ và ở trong những giai đoạn khai tâm, cần phải được lắng nghe và đón nhận những sự thật rõ ràng và tinh tuyền.

6. Sự góp phần và dễ dàng đón nhận của cộng đoàn :

Những yếu tố khác rất quan trọng cũng phải được kể đến trong những thành quả của mọi bản văn dịch thuật :

Đó là chính bản thân người Thượng : tất cả đều là những nhóm người hiền lành, dễ thương, có nhiều đức tính tốt, dễ đón nhận điều hay lẽ phải. – Tính tín ngưỡng của người Thượng rất cao, và cũng gần gũi với Kitô giáo, rất dễ chuyển mình theo đạo, từng người hay từng gia đình, dòng họ, buôn làng.

Với những yếu tố về địa dư, dân số, thì miền đất Giáo phận chúng ta dễ dàng gợi lên tinh thần truyền giáo.

Công việc truyền giáo lại luôn sinh động vì sự quan tâm của các Giám mục, linh mục, và đông đảo giáo dân.

Trong những hoàn cảnh ấy, thì tất cả những cố gắng dịch thuật đều dễ dàng được mau mắn đón nhận.

Kết luận :

Những ngôn ngữ Thượng đã là những phương tiện hữu hiệu diễn tả, kết nối, duy trì và phát triển đời sống, phong tục, tập quán, tính tín ngưỡng của các dân tộc
bản địa.

Những thế hệ truyền giáo trong Giáo phận Đàlạt chúng ta đã cố gắng học hỏi, sử dụng, dịch thuật các ngôn ngữ này là để góp phần đưa những gì là đẹp đẽ, tốt lành, ích lợi của Chúa và của Hội Thánh đến với người Thượng, để sửa đổi, bổ túc, kiện toàn, thăng hoa tất cả nơi người Thượng.

Cách riêng để giúp cho “Tính tín ngưỡng” đã in sâu, lâu dài, rộng khắp, bao phủ toàn bộ đời sống, phong tục, tập quán nơi những người bản địa được tiếp tục đi lên, êm ái và phấn khởi vươn tới “tôn giáo của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu”.

Chúa Giêsu đã và sẽ mãi mãi là con đường “thăng hoa” sâu sắc, toàn diện và bền vững cho tất cả các anh chị em bản địa. Và anh em chúng ta, qua việc truyền giáo, cách riêng qua việc học hỏi, sử dụng, dịch thuật ngôn ngữ bản địa, đang được may mắn và hạnh phúc góp phần nhỏ bé của mình trong tiến trình chân thực này.


Mục Lục