“NGHI LỄ NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ?”

Mầu nhiệm Vượt Qua trong Kinh Thánh

và nơi các Giáo Phụ

 

Câu hỏi về ý nghĩa của lễ Vượt Qua được đặt ra từ khi câu hỏi này xuất hiện ở Israel: “Nghi lễ này có ý nghĩa gì?” (Xh 12,26). Câu hỏi này, được nhắc lại lúc đầu bữa ăn vượt qua của người Do Thái, đi theo tất cả lịch sử ngày lễ, và giúp chúng ta hiểu biết ngày càng sâu xa hơn về lịch sử này… Đôi khi nó cũng được đặt ra dưới hình thức mà chúng ta cũng bắt gặp trong các nguồn Kitô giáo: “Chúng ta tưởng niệm điều gì đêm nay?”, hoặc: “Tại sao chúng ta canh thức đêm nay?” (1). Câu hỏi này quan trọng vì nó cho phép ghi dấu biến cố cứu độ, biến cố là nguồn gốc của lễ Vượt Qua, hoặc, nói cách khác, lễ Vượt Qua “tưởng niệm” biến cố đó. Cả đối với người Kitô hữu chúng ta, biến cố đó có thể là một dụng cụ quý giá để giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn mầu nhiệm Vượt Qua, và nhất là để biến điều mà những người trước chúng ta đã hiểu về mầu nhiệm đó, thành của chúng ta.

1. Hai bộ mặt của Vượt Qua

Trước câu hỏi: “Nghi lễ này có ý nghĩa gì?’, Cựu Ước đua ra hai câu trả lời khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Theo cách cắt nghĩa xưa hơn, lễ Vượt Qua tiên vàn nhắc lại “sự vượt qua của Thiên Chúa”. Chính danh xưng Vượt Qua phát xuất từ một động từ có nghĩa là hành động của Thiên Chúa “vượt qua ở trên”, theo nghĩa Người “bỏ qua”, “tha thứ”, hoặc “bảo vệ” nhà của người Do Thái, trong lúc Người đánh phạt nhà kẻ thù của họ : “Khi con cháu anh em hỏi anh em : Nghi lễ này có ý nghĩa gì đối với quý vị?, anh em sẽ trả lời : Đó là lễ tế Vượt Qua mừng Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Israel tại Ai Cập, khi Người đánh phạt Ai Cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn” (Xh 12,26-27).

Nội dung hay biến cố mà lễ Vượt Qua tưởng niệm, chính là sự vượt qua cứu độ của Thiên Chúa. Người ta có thể gọi cách cắt nghĩa này về Vượt Qua là thần học hay quy thần, vì người chủ xướng là chính Thiên Chúa. Sáng kiến của Thiên Chúa được nhấn mạnh, tức là lý do hơn là hiệu quả của việc cứu độ.

Trong sách Đệ nhị luật cũng như trong những đoạn khác gần đây hơn của chính sách Xuất hành, sự chú ý được chuyển dịch từ lúc sát tế con chiên tới lúc ra khỏi Ai Cập, được coi như vượt qua từ nô lệ sang tự do (x.Đnl 16 và Xh 13-15), Đồng thời với biến cố trung tâm, người chủ xướng hay chủ thể của Vượt Qua cũng thay đổi : không còn là Thiên Chúa vượt qua và cứu thoát nữa, nhưng là con người hay dân Chúa vượt qua và được cứu thoát. Chính vì vậy, cách giải thích này về Vượt Qua có thể coi là nhân học hay quy nhân. Như tôi đã nói, hai câu trả lời này bổ túc cho nhau và không loại trừ nhau. Quả thực, ngay cả trong viễn tượng thứ hai này, con người được coi như tùy thuộc vào Thiên Chúa ; cuộc xuất hành xẩy ra vì giao ước Sinai ! Vậy đây là sự giải thoát tôn giáo chứ không phải chính trị, hoặc ít nhất không chủ yếu mang tính chính trị. Dân được giải thoát để họ có thể phục vụ Thiên Chúa, như các nguồn Kinh Thánh rất thường hay lặp lại: “Hãy thả cho dân Ta đi, để chúng mở lễ kính Ta trong sa mạc” (x.Xh 4,23 ; 5,1).

Hai cách giải thích này – nhân học và thần học – được duy trì trong tất cả Cựu Ước. Thời Đức Giêsu, chúng ta bắt gặp hai tình huống. Trong Do thái giáo chính thức ở Palestina, dưới bóng đền thờ và hàng giáo sĩ Do thái, cách giải thích thần học có ưu thế : lễ Vượt Qua tưởng niệm trước hết là sự vượt qua của Thiên Chúa, Trong một bản văn rất hay, lịch sử cứu độ được tóm tắt qua bốn biến cố căn bản : tạo dựng, hy tế Isaac, Vượt Qua và quang lâm (“bốn đêm”). Vượt Qua được mô tả như “đêm mà Thiên Chúa tỏ mình ra chống lại người Ai Cập và bảo vệ những đứa con đầu lòng của Israel” (2). Trong bối cảnh này – bối cảnh Đức Giêsu – khía cạnh Vượt qua đậm mầu sắc nghi lễ và hy tế. Nó bao gồm trong một phụng vụ cụ thể, mà những thời điểm chính yếu là sát tế con chiên trong Đền thờ, lúc sau trưa ngày 14 nisan, và ăn thịt chiên đêm sau tại mỗi gia đình, trong bữa ăn vượt qua.

Ngược lại, trong Do thái giáo thuộc văn hóa Hy lạp, hoặc Do thái giáo của dân chúng tha hương, ưu tiên là cách giải thích nhân học. Ở đây, biến cố lịch sử trung tâm được lễ Vượt Qua tưởng niệm là việc dân chúng vượt qua biển Đỏ. Nhưng chính biến cố này cũng bị liệt vào hàng thứ yếu so với ý nghĩa ẩn dụ của nó : con người vượt qua từ nô lệ đến tự do, từ nết xấu đến nhân đức. Người nổi tiếng nhất trong số những đại biểu của khuynh hướng này viết như sau: “Lễ Vượt Qua là một việc tưởng niệm và một việc tạ ơn về cuộc Xuất Hành vĩ đại ra khỏi Ai Cập. Nhưng đối với những người quen giải thích những bản văn theo nghĩa ẩn dụ, lễ Vượt Qua đưa về việc thanh tẩy tâm hồn”. “Nói đúng ra, Vượt Qua có nghĩa là đi từ mọi đam mê tới điều có thể hiểu được và thần linh” (3). Di cư, xuất hành, vượt qua, ra khỏi : những hình ảnh này có một âm hưởng lớn về đường thiêng liêng, nhất là khi người ta liên hệ chúng với não trạng Kinh thánh này là nhìn ra, trong cuộc di cư của Abraham và trong cuộc di cư nói chung, khuôn mẫu đức tin và vận mệnh của dân Israel (“cha tôi là người aram lang thang…”), là khuôn mẫu sẽ còn kéo dài trong Tân Ước, trong lý tưởng sống của “những khách lạ và lữ hành” (1Pr 2,11 ; Dt 11,13).

Nếu Vượt Qua chủ yếu ở chỗ đi từ nết xấu tới nhân đức, hiển nhiên chủ thể không phải là Thiên Chúa, nhưng là con người ; nó được cử hành không phải như một phụng vụ gồm những nghi lễ bên ngoài (cho dù vẫn phải có những nghi lễ này) cho bằng do một cố gắng liên tục ở bên trong hướng tới sự lành. Cũng chính Philô còn nói : Con chiên vượt qua phải được dâng cho Thiên Chúa chính là sự tiến bộ thiêng liêng, khi ở đây ông nại tới nghĩa ngữ nguyên của thuật ngữ hy lạp được dùng để chỉ tế vật vượt qua (probaton, con chiên, con dê con, từ chữ pro-baino có nghĩa là tiến về phia trước, tiến bộ).

Như thế, chúng ta thấy phát sinh hai quan niệm khác nhau về vượt qua sẽ còn tồn tại trong Kitô giáo, và những tương quan biện chứng của chúng sẽ lên khuôn tất cả linh đạo vượt qua cho tới tận hôm nay.

Từ lễ Vượt Qua Do thái, chúng ta sang lễ Vượt Qua Kitô giáo. Nhưng trước hết có một câu hỏi : chúng ta bắt đầu cử hành lễ Vượt Qua Kitô giáo khi nào ? Từ sau khi Chúa chết và sống lại, trong khi vẫn tiếp tục “lên Đền thờ” và cử hành lễ Vượt Qua với những người Do Thái khác, cộng đồng Kitô hữu sơ khai một lúc nào đó bắt đầu suy nghĩ và sống lễ hàng năm này không phải để kỷ niệm những biến cố Xuất hành và chờ Đấng Mêsia đến nữa, nhưng đúng hơn, để kỷ niệm điều đã xẩy ra ở Giêrusalem trong một lễ Vượt Qua vài năm trước, và như chờ mong Chúa Kitô trở lại. Sự tiến triển nội tâm đi trước sự tiến triển nghi thức, và lễ Vượt Qua Kitô giáo được cử hành “trong thần khí và sự thật” trong nơi bí ẩn của tâm hồn các môn đệ, trước khi người ta đặt ra một nghi thức và một ngày lễ riêng. Tuy vậy, lễ này cũng mau chóng được đặt ra, một khi sự biến đổi bên trong về nội dung của lễ Vượt Qua được hoàn tất. Khi khuyên tín hữu Corintô “mừng lễ” (1Cr 5,7), có lẽ thánh Phaolô đã liên hệ tới lễ Vượt Qua. Chính như vậy mà cuối cùng các môn đệ cử hành lễ Vượt Qua hàng năm bằng một lễ riêng, ngày càng ý thức hơn về sự mới mẻ của lễ này.

Làm sao cuối cùng có thể ghép mau chóng và rõ ràng như thế việc thiết lập lễ Vượt qua của Cựu Uớc vào Tân Ước, của Israel vào Giáo Hội? Xét bên ngoài, việc ấy được thực hiện nhờ một dữ kiện thuần túy theo niên biểu : Đức Kitô đã chết và sống lại ở Giêrusalem, vào dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái. Và theo thánh sử Gioan, lại xẩy ra vào chính lúc người ta sát tế những con chiên vượt qua trong Đền Thờ. Chỉ nguyên sự trùng hợp theo niên biểu này chắc chắn không đủ để kéo theo sự biến đổi lễ Vượt Qua, nếu không có một nhân tố quan trọng hơn : nhân tố tiên trưng (typologique). Biến cố này – Đức Kitô chịu sát tế -  được coi như thực hiện mọi hình bóng và mọi chờ mong của lễ Vượt Qua cũ. Melitô Sardes diễn tả xác tín này trong một ngôn ngữ bắt chước ngôn ngữ sử dụng trong việc Nhập Thể, như muốn nói rằng mầu nhiệm Vượt qua chỉ là kết luận chặt chẽ của một vụ việc bắt đầu từ Nhập Thể :

“Lề luật trở thành Lời

Cũ trở thành mới

Hình bóng trở thành thực tại

Con chiên trở thành Con” (4)

Các tác giả Tân Ước giải thích lại tất cả lịch sử Đức Giêsu dựa vào biến cố này, và thấy lễ Vượt Qua cũ được thực hiện vĩnh viễn trong lịch sử ấy.

Như vậy, Giáo Hội đã thừa hưởng lễ Vượt Qua từ Israel. Tuy nhiên lễ này, khi từ Israel sang Giáo Hội, đã thay đổi nội dung ; nó trở thành cuộc tưởng niệm về một điều gì khác. Câu hỏi trước đây: “Nghi lễ này có ý nghĩa gì ?” được đặt ra cách khác.

2. Vượt Qua – Khổ Nạn

Cũng giữa lòng Kitô giáo, người ta thấy xuất hiện hai câu trả lời bổ túc cho nhau, tạo ra hai truyền thống Vượt qua chính trong Giáo Hội xưa. Từ đầu cho tới thế kỷ III, một truyền thống vượt qua căn bản có tính thống nhất về những nội dung thần học (nhưng không thống nhất trong thực hành phụng vụ!) phát triển. Truyền thống này được gọi là thuộc “châu Á”, theo nơi phát sinh và mở mang lớn hơn, tức Tiểu Á. Chúng ta muốn nói về một lễ Vượt Qua Kitô học hay quy Kitô, có nội dung lịch sử-tưởng niệm và cánh chung, tức là một lễ Vượt Qua mà vai chính không phải con người cũng không phải Thiên Chúa của Cựu Ước, nhưng là Đức Giêsu Kitô. Về Đức Kitô, người ta tưởng niệm “mầu nhiệm vừa mới vừa cũ : mới trong thực tại, cũ trong tiên trưng” (Mélitô). Nói khác đi, lễ Vượt Qua tưởng niệm tất cả lịch sử cứu độ, là lịch sử đạt tới tột đỉnh nơi Đức Kitô, và kéo dài trong sự chờ mong Ngài trở lại lần cuối.

Nhưng lễ Vượt Qua tưởng niệm đặc biệt đại lễ hiến tế của Đức Kitô (Appolinariô Hierapolis), tức là cuộc Khổ Nạn của Ngài. Ngay chữ Vượt Qua phát xuất từ một động từ hy lạp có nghĩa là đau khổ. Melitô tự hỏi: “Vượt Qua là gì?”, và ngài trả lời : danh xưng phát xuất từ biến cố : quả thực, cử hành Vượt Qua (paschein) đến từ đau khổ (pathein) (5). Trong một thời gian rất lâu, cách cắt nghĩa ngữ nguyên ngây thơ này (ngây thơ vì dùng một chữ do thái phát xuất từ chữ hy lạp!) sẽ còn ảnh hưởng trên thần học về Vượt qua nơi phần đông tác giả Kitô giáo.

Quan niệm Vượt qua mà chúng ta vừa mô tả, có sự thống nhất về thần học, nhưng khi thể hiện trên bình diện nghi lễ thì lại chia thành hai cách thực hành phụng vụ khác nhau, vì lý do nào và ngày tháng nào không rõ. Điều này đã gây ra cuộc “tranh luận lớn” làm náo động Giáo Hội ở thế kỷ II, thời Đức Giáo hoàng Victor, suýt đưa Giáo Hội tới đại ly giáo đầu tiên.

Quả thực, các Giáo Hội ở Tiếu Á liên kết trực tiếp hơn với Lễ Vượt Qua Do thái, và với huấn quyền của Gioan (người đã chỉ ra việc sát tế Đức Giêsu trên thánh giá như là biến cố vượt qua hoàn hảo), nên đã cử hành lễ Vượt Qua ngày 14 nisan, bất kể ngày nào trong tuần mà lễ đó rơi vào. Ngược lại, phần Kitô giáo còn lại, đứng đầu là Rôma, cử hành lễ Vượt Qua Chủ nhật sau 14 nisan, nghĩa là một ngày cố định trong tuần chứ không phải trong tháng. Dĩ nhiên, việc lựa chọn tưởng niệm sự chết, hay, ngược lại, tưởng niệm sự Phục Sinh, làm ngày mừng lễ Vượt Qua, cũng mặc nhiên cho thấy người ta nhấn mạnh khía cạnh nào của biến cố.

Tuy nhiên, những nguồn rõ ràng chứng minh rằng, vào thời kỳ này, lễ Vượt Qua trước tiên tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Theo Tertullianô chẳng hạn, thuật ngữ Vượt Qua thường chỉ thứ sáu thánh, hoặc khoảng thời gian từ thứ năm thánh tới đêm thứ bẩy. Lễ Vượt Qua kết thúc với đêm canh thức thứ bẩy và sáng chúa nhật, và bắt đầu “laetissimum spatium” (thời gian hoan lạc nhất) của lễ Hiện Xuống.

Sự ưu ái dành cho việc kỷ niệm cuộc Khổ Nạn không làm chúng ta ngạc nhiên, khi biết rằng, vào thời kỳ bách hại, chính Giáo Hội cũng sống cuộc khổ nạn của mình, và vì vậy Giáo Hội nhận thấy thời điểm này của cuộc đời Thầy mình gần gũi cách đặc biệt với kinh nghiệm lịch sử của mình. Chúng ta lưu giữ được bằng chứng cảm động của một giám mục về một lễ Vượt Qua cử hành trong suốt cơn bão tố bách hại của Đêciô: “Họ đầy ải chúng tôi, và giữa mọi người, chỉ có chúng tôi là bị bách hại và xử tử. Nhưng chúng tôi vẫn còn cử hành lễ (Vượt Qua). Nơi nào người ta chịu khổ, nơi ấy trở thành chỗ cho chúng tôi mừng lễ, cho dù đó là một cánh đồng, một hoang mạc, một chiếc thuyền, một quán trọ, một nhà tù. Các vị tử đạo hoàn hảo cử hành những lễ Vượt Qua huy hoàng nhất, vì các ngài được nhận vào bữa tiệc trên trời”. (6)

Như vậy, việc nhắc lại cuộc Khổ Nạn không phải là không có nơi những người cử hành lễ Vượt Qua vào Chúa nhật. Cũng theo cách ấy, những người cử hành ngày 14 nisan, để kỷ niệm cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, không vì thế mà bỏ qua sự Phục Sinh. Quả thực, họ thấy cái chết của Chúa theo cách của Gioan, nghĩa là như lúc được “tôn vinh”, như cái chết vinh quang bao gồm và đi trước Phục Sinh. Ý tưởng chiến thắng, vinh quang và Phục Sinh liên kết chặt chẽ với chữ “Khổ Nạn”, trong suốt thời bách hại này. Như thánh Đionysiô nói ở trên : Vị tử đạo được nhận vào bữa tiệc trên trời, tức là ngài cử hành thứ sáu thánh ở trần gian, và cử hành Chúa nhật Phục Sinh trên trời.

Trọng tâm của cuộc Vượt Qua, vào thời kỳ rất xa xưa này, là cái chết của Đức Kitô, nhưng không phải cái chết nơi chính nó, không phải cái chết thuần túy, nhưng là “cái chết của cái chết” ; “cái chết bị tiêu hóa bởi chiến thắng” (x.1Cr 15,54). Cái chết của Đức Kitô được nhìn trong “sinh lực” mãnh liệt của nó và trong sức mạnh cứu độ, nhờ đó, như thánh Inhatiô Antiokia nói, “sự khổ nạn của Ngài là sự phục sinh của chúng ta” (7). Là vì Đức Giêsu không những là con người mà còn là Thiên Chúa ; và “nhờ Thần Khí bất tử của Ngài, Ngài đã giết chết tử thần, một tử thần đã giết chết con người” (8).

Tùy theo người ta chọn thứ sáu (như nhóm Mười Bốn nisan, Quartodécimans) hay Chúa nhật như những người khác, mầu nhiệm Vượt qua thay đổi viễn tượng và bầu khí thiêng liêng, nhưng không thay đổi nội dung thần học.

3. Lễ Vượt Qua – vượt qua

Trên bình diện thần học, đại truyền thống Vượt qua thứ hai phát sinh ở Alexanđria, đầu thế kỷ III, với Clêmentê và Origen. Hai vị này lấy lại quan niệm đạo đức và thiêng liêng bằng cách Kitô hóa nó, là quan niệm phát triển trong Do thái giáo theo văn hóa Hy lạp và tập trung vào con người như chủ thể và người chủ xướng lễ Vượt Qua. Trong viễn tượng này, tất cả đời sống của người Kitô hữu và của Giáo Hội được nhìn như một cuộc xuất hành, một con đường liên tục, bắt đầu khi người ta đến với đức tin, và kết thúc khi người ta ra khỏi thế gian. Lễ Vượt Qua đích thực không ở phía sau, nhưng ở phía trước : đó là lễ Vượt Qua trên trời sẽ được cử hành nơi quê hương hạnh phúc, không có cả biểu tượng lẫn hình bóng (9).

Nếu người ta coi Vượt Qua tiên vàn như một sự vượt qua của con người, rõ ràng giá trị chính của nó không ở trong quá khứ, nhưng ở trong Giáo Hội hiện thời, vì chỉ ở đó mà sự vượt qua này được thực hiện. Chắc chắn những biến cố cúu độ không bị chối bỏ, nhưng sự quan trọng của chúng giảm đi, vì mọi biến cố lịch sử, kể cả những biến cố liên hệ đến Đức Kitô, có được một ý nghĩa tượng trưng. Lễ Vượt Qua của Đức Kitô, nếu so sánh với lễ Vượt Qua trên trời, thì, như thánh Grêgoriô Nadian nói, cũng là “một hình bóng, cho dù rõ ràng hơn lễ Vượt Qua của lề luật” (10). Dấu chỉ của sự giải trừ lịch sử hóa (déhistoricisation) ngày lễ : nhấn mạnh ý tưởng về một lễ “Vượt Qua liên tục”, có hại cho lễ Vượt Qua hàng năm, là lễ minh nhiên nhắc lại biến cố lịch sử được tưởng niệm.

Nguyên tắc gợi ý của truyền thống này là : “những sự kiện lịch sử không thể là hình bóng của những sự kiện lịch sử khác, cũng như những sự kiện vật chất không thể là hình bóng của những sự kiện vật chất khác, nhưng đúng hơn, là hình bóng của những sự kiện thiêng liêng” (11). Có nghĩa là : không phải những nghi lễ phụng vụ hay những buổi lễ bên ngoài hiện tại hóa chủ yếu những sự kiện lịch sử của cuộc Xuất Hành và những sự kiện liên quan tới sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu, nhưng là những quyết định và những sự kiện nội tâm và thiêng liêng. Ăn thịt chiên có nghĩa là nuôi dưỡng mình cách thiêng liêng bằng Đức Kitô và lời Ngài.

4. Tổng hợp của thánh Augustinô : lễ Vượt Qua, vượt qua cuộc Khổ Nạn

Đó là hai truyền thống Vượt qua chính phát triển thời Giáo Hội sơ khai. Trước câu hỏi : nghi lễ này có nghĩa gì?, truyền thống thứ nhất trả lời : cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô ; truyền thống thứ hai trả lời : sự vượt qua của con người. Như ta thấy, chúng ta đang ở trong sự nối dài hai quan niệm đã có trong Cựu Ước : một lễ Vượt Qua thần học (kể từ đây, nói chính xác hơn là Kitô học), dựa trên ý tưởng sát tế, và một lễ Vượt Qua nhân học, dựa trên ý tưởng vượt qua. Hai viễn tượng làm nổi bật hai chủ thể và hai cực của sự cứu độ : sáng kiến của Thiên Chúa và sự đáp ứng của con người, ân sủng và tự do. Đối với những người này, lễ Vượt Qua tiên vàn là một hồng ân của Thiên Chúa ; đối với những người kia, lễ Vượt Qua tiên vàn (nhưng không chỉ có vậy) là sự chinh phục của con người.

Những tác giả về sau, cho tới thế kỷ IV, lấy lại và khai triển một trong hai cách cắt nghĩa trên, hoặc chấp nhận cả hai theo cách lai tạp, mà không đi đến một tổng hợp thần học thực sự.

Thánh Augustinô có công  liên kết hai viễn tượng này thành một. Vào cuối thế kỷ IV, những người La tinh  có dịp xem lại thần học Vượt qua. Vào lúc ấy và trong bối cảnh ấy, những truyền thống Vượt qua khác nhau phát triển trong Giáo Hội mà không biết đến nhau, cuối cùng được tiếp xúc nhau, gây ra khủng hoảng có lợi. Khác với những cuộc tranh luận về Vượt qua ở thế kỷ II, liên hệ đến ngày tháng chứ không phải ý nghĩa của Vượt Qua, cuộc tranh luận mới này, ngược lại, liên hệ đến ý nghĩa của Vượt Qua, chứ không về ngày tháng và những yếu tố phụng vụ khác. Vì vậy, cuộc tranh luận này chỉ có nơi các nhà thần học, không để lại nhiều dấu vết trong lịch sử Giáo Hội, cho dù về phương diện thần học, nó quan trọng hơn cuộc tranh luận trước.

Việc đã xẩy ra như sau. Người La tinh đã lấy lại thần học Vượt qua sơ khai từ Tiểu Á, tiếp tục giải thích lễ Vượt Qua như một cuộc “Khổ Nạn”. Lễ Vượt Qua của họ thuộc mẫu Kitô học và lịch sử-tưởng niệm, như tôi đã định nghĩa, vì hoàn toàn quy về Đức Giêsu Kitô. Một đại biểu của phong trào này đã viết: “Có lời chép : Đó là lễ  Vượt Qua của Đức Chúa (Xh 12,11), chứ không chép : “của dân” ; quả thực, danh xưng Vượt Qua phát xuất từ khổ nạn. Chính vì thế, người ta gọi nó là lễ “Vượt Qua của Chúa”, vì không phải dân chúng, nhưng là Chúa, trong cuộc Vượt Qua, đã bị sát tế như con chiên” (12).

Cách giải thích cổ xưa này về lễ Vượt Qua bén rễ sâu trong dân Chúa và nơi các mục tử. Nó sẽ không bao giờ được thay thế hoàn toàn (người ta thấy vết tích của nó trong kinh tiền tụng lễ Phục Sinh của phụng vụ la tinh và Ambrosiô, trong đó cuộc Vượt Qua được định nghĩa là “ngày Đức Kitô chịu sát tế”). Tuy nhiên, người ta ngày càng công kích nó dữ dội do sự xuất hiện của một lối giải thích mới cắt nghĩa lễ Vượt Qua như một sự vượt qua. Chính Ambrosiô là người đưa ra cách giải thích này : nhờ biết tiếng Hy lạp, lần đầu tiên tại Tây phương, ngài đã có thể trình bầy tư tưởng của Philo và Origen. Theo các ông này, Vượt Qua chính xác là việc con người đi từ nết xấu tới nhân đức, từ tội lỗi tới ân sủng (13).

Làm như thể điều đó chưa đủ, người ta còn thêm vào sự khám phá đầu tiên này sự khám phá của Hiêronimô. Khi dịch Kinh Thánh từ nguyên bản, Hiêronimô đã thấy cũng như giúp cho người La tinh thấy rằng, nếu Vượt Qua có nghĩa là vượt qua, thì đó là sự vượt qua của Thiên Chúa chứ không phải của con người. Ngài viết: “Vượt Qua, tiếng Do thái là phase, không bắt nguồn từ “khổ nạn” như nhiều người nghĩ, nhưng từ vượt qua…theo nghĩa chính Chúa “vượt qua ở trên”, và đến cứu dân Người” (14).

Phản ứng chống lại sự “canh tân Vượt qua” này thật dữ dội. Ambrosiaster sống ở Roma thời Đức Giáo hoàng Đamasô là một trong những phát ngôn nhân. Ông viết: “Vượt Qua có nghĩa là sát tế, không phải vượt qua, như một số người nghĩ ; quả thực, hình bóng Đức Kitô đến trước, rồi mới tới dấu chỉ cứu độ” (15). Có nghĩa là lễ Vượt Qua phải tiên vàn tưởng niệm lý do của sự cứu độ, tức sự sát tế của Đức Kitô, chứ không phải hiệu quả của nó, tức sự vượt qua của con người.

Một khó khăn cơ bản không cho phép các tác giả này có tiếng nói chung về ý nghĩa của lễ Vượt Qua. Khó khăn này, lúc đó chưa ai nhận thấy, là do sự khác biệt giữa danh xưng và nội dung của lễ Vượt Qua. Những người giải thích Vượt Qua như một sự vượt qua cắt nghĩa danh xưng Vượt Qua và sự tiếp nối của nó với lễ Vượt Qua và Cựu Ước, nhưng không để ý đến nội dung mới mẻ của lễ Vượt Qua Kitô giáo (sự chết và sự sống lại của Đức Kitô). Ngược lại, những người cắt nghĩa Vượt Qua như một cuộc khổ nạn để ý đến nội dung mới mẻ của lễ Vượt Qua Kitô giáo, nhưng không biện minh được danh xưng Vượt Qua và mối liên hệ của nó với định chế cũ. Tại sao gọi cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô là lễ Vượt Qua, nếu Vượt Qua có nghĩa là sự vượt qua?

Thần học Vượt qua rơi vào điểm chết khi Augustinô, đúng lúc thừa độ chín của mình, chạm trán với vấn đề ý nghĩa của Vượt Qua Kitô giáo. Ngài giải quyết sự đối nghịch giữa hai cách cắt nghĩa dường như không thể nhượng bộ. Ngài làm điều đó bằng cách đọc kỹ một bản văn của Gioan. Chúng ta hãy nghe ngài nói với chúng ta: “Khi cắt nghĩa danh xưng Vượt Qua, dịch ra tiếng la tinh là sự vượt qua, tác giả Phúc Âm nói : Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải vượt qua thế gian mà về với Chúa Cha…Đó là sự vượt qua! Từ đâu và tới đâu? Từ thế gian, tới Chúa Cha” (16).

Khởi đi từ bản văn này mà cuối cùng ngài đi đến chỗ tổng hợp giữa khổ nạn và vượt qua, giữa lễ Vượt Qua của Thiên Chúa và lễ Vượt Qua của con người, giữa khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, giữa Vượt Qua phụng vụ và bí tích và Vượt Qua luân lý và tu đức. Augustinô dựa trên một sự kiện cho tới lúc ấy chưa được các tác giả quan tâm về Vượt Qua biết tới : đó là chính Tân Ước chứa đựng một cách cắt nghĩa danh xưng Vượt Qua, Khi đưa hai thuật ngữ “Vượt Qua” và “vượt qua” (metabaino) lại gần nhau, quả thực Gioan đã muốn gán cho danh xưng Vượt Qua một cách giải thích và một nội dung Kitô giáo. Nhiều nhà chú giải hiện nay có khuynh hướng nghĩ rằng Augustinô đã đoán đúng. Dù sao, sau Augustinô, trong suốt thời Trung cổ, đó sẽ là định nghĩa được ưa thích về lễ Vượt Qua Kitô giáo: “Sự vượt qua của Đức Giêsu từ thế gian này về với Chúa Cha”.

Chúng ta thử xét xem những tổng hợp trên được thực hiện cách nào trong định nghĩa này. Sự vượt qua của Đức Giêsu từ thế gian này về với Chúa Cha bao gồm cả Khổ Nạn lẫn Phục Sinh liên kết với nhau cực kỳ chặt chẽ : chính qua cuộc khổ nạn của mình mà Chúa Giêsu đạt tới vinh quang của sự phục sinh. Đó là sự tinh tế có trong thần học của Gioan (x. chẳng hạn Ga 12,20-36) và của tất cả Tân Ước. Augustinô viết: “Qua Khổ Nạn, Chúa vượt qua từ cõi chết đến cõi sống” (17). Như vậy, Khổ Nạn và vượt qua không còn phải là hai cách cắt nghĩa đối nghịch nhau, nhưng tương cận với nhau. Lễ Vượt Qua Kitô giáo là một transitus per passionem : một sự vượt qua qua cuộc Khổ Nạn. Người ta nghĩ ngay đến những lời Đức Giêsu nói với hai môn đệ Emmau: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26), cũng như đến những lời của Phaolô: “Phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22). Từ đây, Augustinô có thể viết: “Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa, đó là lễ Vượt Qua đích thực” (18). Sau khi đã hoàn tất tiến trình Kitô hóa lễ Vượt Qua cũ, cuối cùng ngài còn phải gộp chung cả khổ nạn lẫn phục sinh của Đức Kitô. Quả thực, cho tới lúc này, chưa một ai đã cắt nghĩa rõ ràng thuật ngữ “transitus” liên hệ đến sự phục sinh của Đức Kitô.

Thế nhưng tổng hợp quan trọng nhất thì khác, tức tổng hợp giữa lễ Vượt Qua của Thiên Chúa và lễ Vượt Qua của con người. Tổng hợp này được thực hiện như thế nào trong định nghĩa mới về lễ Vượt Qua? Ở đây, thần học Vượt qua đạt tới chiều sâu của chính con người Đức Kitô, hòa lẫn với mầu nhiệm Nhập Thể. Nơi Đức Giêsu, hai chủ thể của Vượt Qua – Thiên Chúa và con người – dường như không còn đối nghịch nhau hay đặt cạnh nhau, nhưng trở thành một chủ thể duy nhất, vì nơi Đức Kitô, nhân tính và thần tính là một ngôi vị! Tác giả và người nhận ơn cứu độ gặp nhau, ân sủng và tự do gắn chặt với nhau. “Giao ước mới và vĩnh cửu” được khai sinh ; vĩnh cửu, vì từ đây ngôi vị không thể tách rời hai yêu tố kết ước nữa, trở nên một ngôi vị duy nhất nơi Đức Kitô.

Tuy vậy, vẫn còn một nghi ngờ cần giải tỏa : Đức Giêsu có phải là người duy nhất thực hiện cuộc Vượt Qua không? Có phải chỉ mình Ngài vượt qua thế gian này về với Chúa Cha không? Còn chúng ta thì sao? Ở đây, thánh Augustinô đưa ra một tổng hợp đáng kinh ngạc khác, tổng hợp giữa cuộc Vượt Qua của Đầu và cuộc Vượt Qua của thân thể. Bản văn đã đề cập viết tiếp: “Nơi Thủ Lãnh, niềm hy vọng chắc chắn đã được ban cho các chi thể đi theo Ngài, Đấng đã vượt qua” (19). Phải chăng chỉ là một hy vọng? Còn hơn thế nữa : còn là một thực tại, cho dù vào lúc này, mới chỉ là một thực tại khởi đầu, được thực hiện trong đức tin và trong các bí tích. “Quả thực, như thánh Tông Đồ viết, lúc Ngài chịu chết vì tội lỗi chúng ta, và sống lại để ta được nên công chính, cuộc vượt qua của ta từ cõi chết đến cõi sống được hiến thánh trong cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Chúa” (20). Cuộc vượt qua được Đức Giêsu thực hiện không phải là cuộc vượt qua đơn độc, nhưng là cuộc vượt qua tập thể, của tất cả nhân loại, tới Chúa Cha. Khi bình giải câu Thánh vịnh như nói trong bản Phổ thông “Singularis ego sum donec transeam” (Tv 140/141,10), “Con đơn độc cho tới lúc vượt qua”, Augustinô bảo rằng chúng ta nghe thấy ở đó tiếng của Đức Kitô nói trước cuộc Vượt Qua. Như thể Ngài nói: “Sau cuộc Vượt Qua, Tôi không chỉ một mình, có nhiều người sẽ theo Tôi, nhiều người sẽ bắt chước Tôi. Điều đó có nghĩa gì? Quả thực, Tôi nói cho các ông hay : nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt” (21). Giáo Hội, nhiệm thể Đức Kitô, sinh ra từ Vượt Qua, như một bông lúa mọc lên từ mộ Đức Kitô.

Như vậy, cùng với Đức Kitô, tất cả chúng ta vượt qua về với Chúa Cha, và “sự sống mới của chúng ta hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). Thế nhưng tất cả chúng ta còn phải vượt qua. Chúng ta đã vượt qua “in spe” và “in sacramento”, trong hy vọng và nhờ phép Rửa tội, nhưng chúng ta còn phải vượt qua trong thực tế của cuộc sống hàng ngày, bằng cách bắt chước Ngài, nhất là tình yêu của Ngài: “Giờ đây chúng ta thực hiện cuộc vượt qua này nhờ đức tin giúp chúng ta có được ơn tha thứ các tội lỗi, và niềm hy vọng sự sống vĩnh cửu, nếu chúng ta yêu mến Chúa và người thân cận của chúng ta” (22).

Theo Augustinô, quả thực chúng ta phải vượt qua. Và nếu chúng ta không vượt qua về với Thiên Chúa là Đấng không qua, chúng ta sẽ vượt qua cùng với thế gian là thực tại đang qua. Hạnh phúc cho người vượt qua “khỏi thế gian”, hơn là vượt qua “cùng với thế gian” ; hạnh phúc cho người vượt qua tới Chúa Cha, hơn là tới kẻ thù (23). Vượt Qua, chính là vượt qua tới thực tại không qua.

Xin nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô là Thủ Lãnh chúng ta, Chúa ban cho chúng ta thật sự làm cuộc “vượt qua thánh” này, để cuối cùng chúng ta được thấy dung nhan Chúa, và được thỏa mãn vì có Chúa luôn hiện diện. Amen.

----------

 

(1) Cf. St Augustin, Ser. Guelf., 5, 2 (SCh 116, p. 212)

(2) Targum de l’Exode 12, 42 (trad. R. Le Déaut, La Nuit pascale, Rome, 1963, pp. 64-65) ; cf. aussi Pesachim X, 5.

(3) Philon d’Al., Spec. leg. II, 145.147 et De congres. 106

(4) Méliton de Sardes, Sur la Pâque 7 ; SCh 123, p. 62

(5) Méliton de Sardes, Sur la Pâque 46 ; SCh 123, p. 84

(6) Denys Al. chez Eusèbe, Histoire ecclésiastique, VII, 22, 4.

(7) St Ignace d’Ant., Smyr. 5, 3

(8) Méliton, Sur la Pâque 66

(9) Cf. Origène, In Ioh. X, 111 ; GCS 4, p. 189

(10) St Grégoire de Nazianze, Or. XLV, 23 ; PG 36, 645

(11) Origène, In Ioh. X, 110 ; GCS 4, p. 189

(12) Grégoire d’Elvire, Tract. Scrip. IX, 9 ; CCL 69, p. 72

(13) Cf. St Ambroise, De Sacr. I, 4, 12 ; PL 16, 421 ; De Cain et Abel I, 8, 31 ; PL 14, 332

(14) St Jérôme, In Mattheum IV, 26, 2 ; CCL 77, p. 245

(15) Ambrosiaster, In Ep. I ad Cor. 5, 7 ; CSEL 81, 2, p. 56

(16) St Augustin, In Ioh. 55, 1 ; CCL 36, p. 464

(17) St Augustin, Enarr. Ps. 120, 6 ; CCL 40, p. 1791

(18) St Augustin, De cat. Rud. 23. 41 ; PL 40, 340

(19) St Augustin, In Ioh. 55, 1

(20) St Augustin, Ep. 55, 1, 2 ; CSEL 34, 2, p. 170

(21) St Augustin, Enarr. Ps. 140, 25 ; CCL 40, 2044

(22) St Augustin Ep. 55, 2, 3 ; CSEL 34, 2, p. 171

(23) Cf. In Ioh 55 ; CCL 36, p. 464

 

(Raniero Cantalamessa, Le Mystère Pascal, éd. Salvator, Paris, 2000, ch. 1, pp. 11-28)

Lm Micae Trần Đình Quảng chuyển ngữ

 

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều