THÁNH BASILIÔ,
TIN VÀO CHÚA THÁNH THẦN
1. Đức tin dừng lại ở sự
vật
Triết
gia Edmund Husserl tóm tắt chương trình hiện tượng luận của ông bằng một câu
châm ngôn: Zu den Sachen selbst! Đi đến
với sự vật, sự vật như ta thấy trên thực tế, trước khi chúng được khái niệm hóa
và công thức hóa. Một triết gia khác sau ông, J.P. Sartre, nói rằng "những
chữ, và cùng với chúng là ý nghĩa những sự vật và cách sử dụng chúng" chỉ
là "các dấu để dò nhỏ bé mà người ta đã vạch trên bề mặt của chúng" :
phải vượt qua chúng để có được sự mạc khải bất ngờ về “sự tồn tại" của sự
vật, khiến người ta phải nín thở.
Lâu
trước đó thánh Tôma Aquinô đã đưa ra một nguyên tắc tương tự liên quan đến những
sự vật hay đối tượng của đức tin: "Fides
non terminatur ad enunciabile, sed ad
rem” (đức tin không dừng lại ở lời tuyên bố, nhưng ở sự vật). Các Giáo Phụ
là những kiểu mẫu bất hủ của đức tin này, không dừng lại ở công thức, nhưng đi
đến thực tại. Sau thời hoàng kim của các Đại Giáo Phụ và Tiến Sĩ, hầu như ngay
lập tức chúng ta chứng kiến điều mà một trong những chuyên viên về tư tưởng Giáo
phụ đã định nghĩa là "sự thành công của chủ nghĩa hình thức". Các
khái niệm và thuật ngữ, chẳng hạn như "bản thể", "ngôi vị",
"hypostasis" được phân tích
và nghiên cứu cho chính chúng, không đưa về thực tại mà các người đặt ra tín điều
đã tìm cách dùng chúng để diễn tả.
Athanasiô
có lẽ là trường hợp điển hình nhất của một đức tin quan tâm đến sự vật hơn là tuyên
bố nó. Trong một thời gian sau Công đồng Nicêa, người ta có cảm tưởng ngài bỏ
qua từ "homoousios" (đồng bản
thể), khi mạnh mẽ bảo vệ nội dung của nó, tức thần tính đầy đủ của Chúa Con và
sự ngang hàng của Chúa Con với Chúa Cha. Ngài cũng sẵn sàng chấp nhận những thuật
ngữ mà ngài nghĩ là tương đương, với điều kiện là chúng không làm phương hại đến
đức tin Nicêa. Chỉ khi ngài nhận ra rằng thuật ngữ này cuối cùng là thuật ngữ
duy nhất không mở lối cho lạc giáo xâm nhập, ngài sẽ sử dụng chúng ngày càng nhiều
hơn.
Sự
kiện này đáng lưu ý, vì chúng ta biết rằng coi việc đồng thuận về các thuật ngữ
quan trọng hơn nội dung đức tin, thì sẽ ra sao : đó là điều đã gây ra những thiệt
hại cho sự hiệp thông Giáo hội. Cách đây vài năm, người ta đã có thể khôi phục
lại sự hiệp thông với một số Giáo Hội Đông phương, gọi là Giáo Hội theo thuyết nhất
tính hay Giáo Hội phái Nestoriô, sau khi nhận ra rằng sự chống đối của họ đối với
đức tin Calcêđonia dựa trên sự khác biệt về ý nghĩa của những hạn từ ousia và hypostasis, chứ không phải về bản chất của giáo thuyết. Thỏa thuận
giữa Giáo Hội Công giáo và Liên hiệp thế giới các Giáo Hội Luthêrô về đề tài
công chính hóa bởi đức tin, ký năm 1998, cho thấy rằng cuộc tranh cãi hàng thế
kỷ về vấn đề này nằm ở thuật ngữ hơn là ở thực tại cụ thể. Các công thức, một khi
được sáng chế, có khuynh hướng hóa thạch, trở thành biểu ngữ và dấu hiệu thành
viên của một giáo phái hơn là biểu hiện của một đức tin sống động.
2. Thánh Basiliô và thần
tính của Chúa Thánh Thần
Hôm
nay chúng ta ngồi trên vai một vị khổng lồ khác, Thánh Basiliô Cả (329-379), để
cùng với ngài xem xét lại một thực tại khác của đức tin, tức Chúa Thánh Thần. Chúng
ta sẽ thấy rằng ngài cũng là một kiểu mẫu đức tin không dừng lại ở công thức nhưng
đi tới thực tại.
Về
thần tính của Chúa Thánh Thần, Basiliô không nói lời đầu tiên cũng không nói lời
cuối cùng, nghĩa là, ngài không phải là người khai mào cuộc tranh luận cũng
không phải là người kết thúc nó. Người đầu tiên nói về Chúa Thánh Thần trong
khía cạnh hữu thể học là thánh Athanasiô. Trước Athanasiô, giáo thuyết về Chúa
Thánh Thần vẫn còn trong bóng tối, và người ta cũng hiểu lý do tại sao : người
ta không thể xác định vị trí của Chúa Thánh Thần trong thần tính trước khi thần
tính của Chúa Con được định tín. Vì vậy, người ta chỉ biết lặp đi lặp lại trong
kinh tin kính: "Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần", không thêm điều gì
khác.
Trong
những lá thư gửi Sêrapion, Athanasiô mở đầu cuộc tranh luận sẽ dẫn đến việc định
tín thần tính Chúa Thánh Thần trong Công đồng Constantinopoli năm 381. Công đồng
dạy rằng Chúa Thánh Thần hoàn toàn là Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và
Chúa Con, Người không thuộc về thế giới thụ tạo, nhưng thuộc thế giới sáng tạo,
bằng chứng là sự tiếp xúc của Người thánh hóa chúng ta, thần hóa chúng ta, và
Người không thể làm thế nếu Người không là Thiên Chúa.
Tôi
đã bảo là Basiliô không nói lời cuối cùng. Ngài tránh áp dụng cho Chúa Thánh Thần
tước hiệu "Thiên Chúa", "đồng bản thể". Ngài khẳng định rõ
ràng đức tin của mình vào thần tính đầy đủ của Chúa Thánh Thần bằng cách sử dụng
những kiểu nói tương đương, chẳng hạn được tôn thờ (isotimia) ngang với Chúa Cha
và Chúa Con, đồng chất (homogénéité), chứ không dị chất (hétérogénéité), với Chúa
Cha và Chúa Con. Công đồng Constantinopoli năm 381 đã dùng những thuật ngữ này xác
định đặc tính thần linh của Chúa Thánh Thần. Tín khoản về Chúa Thánh Thần dựa
trên những thuật ngữ ấy mà ngày nay chúng ta vẫn còn tuyên xưng trong Kinh Credo (Kinh Tin Kính) của chúng ta :
Tôi
tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và Đấng ban sự sống ; Người bởi Đức
Chúa và Đức Chúa Con mà ra ; Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa
Cha và Đức Chúa Con ; Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Thái
độ khôn ngoan này của Basiliô, không muốn xa cách thêm với phe chống đối Macêđonia,
khiến ngài bị Grêgoriô Nadian chỉ trích. Grêgoriô liệt bạn mình vào số những người
có can đảm nghĩ rằng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, nhưng lại không đủ can đảm để
tuyên bố điều ấy cách minh nhiên. Ngài đã viết không do dự: "Chúa Thánh Thần
có phải là Thiên Chúa không? Chắc chắn rồi ! Người có đồng bản thể không? Có, nếu
thật sự Người là Thiên Chúa".
Nếu
Basiliô không nói lời đầu tiên và cũng không nói lời cuối cùng khi đề cập thần
học về Chúa Thánh Thần, vậy tại sao lại chọn ngài làm thầy dạy tin vào Chúa
Thánh Thần? Basiliô, giống như Athanasiô, quan tâm đến "sự vật" hơn là
công thức hóa sự vật, thì cũng quan tâm đến thần tính đầy đủ của Thần Khí hơn
là đến những thuật ngữ diễn tả đức tin đó. Ngài đưa chúng ta tới trọng tâm của
ngôi vị và hành động của Chúa Thánh Thần.
Thánh
thần học của Basiliô là một Thánh thần học cụ thể, được sống, không phải "kinh
viện", nhưng "chức năng" theo nghĩa khá tích cực của thuật ngữ. Chính
ở điểm đó mà nó vẫn còn mang tính thời sự và giúp ích nhiều cho chúng ta hôm nay.
Qua nhiều thế kỷ, Thánh thần học, mang dấu vết vụ Filioque, cuối cùng đã tập trung nhiều hơn vào vấn đề xem liệu Chúa
Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha mà thôi, như các người Đông phương nói, hay từ
cả Chúa Con nữa, như người La Tinh tuyên xưng. Một vài điểm trong Thánh thần học
cụ thể của các Giáo Phụ được chuyển qua các khảo luận về "bảy ơn Chúa Thánh
Thần", nhưng chỉ giới hạn trong lãnh vực thánh hóa bản thân và trong đời sống
chiêm niệm.
Công
đồng Vatican II đã mở ra một trang mới trong lãnh vực này, chẳng hạn đưa những
đặc sủng trong cuộc đời các thánh vào Giáo hội học, hay đời sống của Giáo Hội,
nói về các đặc sủng đó trong Hiến chế Lumen
Gentium. Nhưng đó chỉ là khởi đầu ; vẫn còn một chặng đường dài để làm sáng
tỏ hành động của Chúa Thánh Thần trong toàn bộ kinh nghiệm của Dân Chúa. Vào
năm 1981, nhân dịp kỷ niệm 1600 năm Công đồng chung Constantinopoli năm 381, Đức
Gioan Phaolô II đã viết một tông thư, trong đó ngài nói: "Tất cả công việc
đổi mới của Giáo Hội mà Công đồng Vaticanô, được Thiên Chúa quan phòng, đã đề ra
và khởi sự... chỉ có thể được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, tức là được ánh sáng
và quyền năng của Người trợ giúp". Như chúng ta sẽ thấy, chính Basiliô dẫn
dắt chúng ta vào đường lối này.
3. Chúa Thánh Thần trong
lịch sử cứu độ và trong Giáo Hội
Điều
thú vị là biết nguồn gốc của khảo luận về Chúa Thánh Thần. Thật kỳ lạ, nguồn gốc
ấy là kinh Gloria Patri (Kinh Sáng
Danh). Trong một phụng vụ, Basiliô đã xướng lên vinh tụng ca bằng cách dùng xen
lẫn hai công thức: "Vinh danh Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần",
và: "Vinh danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. So với công thức
trước, công thức sau cho thấy rõ hơn sự ngang hàng của Ba Ngôi, Ba Ngôi phối hợp
với nhau thay vì phụ thuộc vào nhau. Trong bầu khí nóng bỏng của các cuộc thảo
luận về bản tính của Chúa Thánh Thần, điều này đã gây ra các vụ phản đối, và
Basiliô bắt đầu viết tác phẩm của mình để biện minh cho hành động của mình ; một
cách cụ thể, để bảo vệ thần tính đầy đủ của Chúa Thánh Thần, chống lại những
người theo lạc giáo Macêđonia.
Tuy
nhiên chúng ta hãy đi ngay đến chỗ, như tôi đã nói, giáo thuyết của Basiliô mang
tính thời sự quan trọng, tức là khả năng làm sáng tỏ sự can thiệp của Thần Khí trong
từng giai đoạn của lịch sử cứu độ và trong mọi lãnh vực của đời sống Giáo Hội,
bắt đầu bằng hoạt động của Thần Khí trong công cuộc sáng tạo.
"Trong
cuộc tạo dựng mọi loài, Chúa Cha là nguyên nhân đầu tiên của mọi loài được dựng
nên trong thế gian, Chúa Con là nguyên nhân dụng cụ và Chúa Thánh Thần là
nguyên nhân hoàn hảo. Theo ý muốn của Chúa Cha mà các thần trí thụ tạo hiện hữu
; nhờ quyền năng hành động của Chúa Con mà chúng trở thành "hữu thể" ;
nhờ sự hiện diện của Thần Khí mà chúng đạt tới chỗ hoàn hảo... Nếu bạn cố gắng loại
bỏ Thần Khí ra khỏi cuộc sáng tạo, tất cả hòa lẫn với nhau và cuộc sống của chúng
không có luật lệ, không có trật tự, không có bất kỳ xác định nào".
Thánh
Ambrosiô sẽ lấy lại ý tưởng này của Basiliô và rút ra một kết luận thú vị. Đây
là những gì ngài nói khi nhắc đến hai câu đầu tiên của sách Sáng thế ("đất
còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm"):
"Khi
Thần Khí bắt đầu thổi vào tạo thành, tạo thành chưa có vẻ đẹp nào. Nhưng khi nhận
được hoạt động của Thần Khí, tạo thành có được tất cả nét đẹp huy hoàng làm nó
tỏa sáng như 'thế giới'”.
Nói
cách khác, Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho tạo thành từ chỗ hỗn mang thành cosmos, một cái gì đó đẹp đẽ, trật tự, sạch sẽ : một "thế giới"
(mundus), theo ý nghĩa đầu tiên của từ
Hy lạp cosmos. Bây giờ chúng ta biết
rằng hành động sáng tạo của Thiên Chúa không giới hạn ở thời điểm ban đầu, theo
sự suy nghĩ của viễn tượng tự nhiên thần giáo hay cơ học về vũ trụ. Thiên Chúa không
chỉ sáng tạo một lần, nhưng luôn luôn sáng tạo. Điều này có nghĩa là Chúa Thánh
Thần liên tục đưa vũ trụ, Giáo Hội và mọi người từ hỗn mang đến cosmos, nghĩa là từ rối loạn đến trật tự,
từ lộn xộn đến hài hòa, từ không hình dạng đến đẹp đẽ, từ cũ kỹ đến mới mẻ. Điều
này không xẩy ra cách máy móc và thình lình, nhưng theo nghĩa Người hoạt động
trong tạo thành và hướng sự tiến triển của nó tới một mục đích. Người là Đấng
luôn "dựng nên và đổi mới mặt đất" (x. Tv 104,30).
Theo
Basiliô giải thích trong cùng một bản văn, điều này không có nghĩa là Chúa Cha
đã tạo ra một cái gì đó bất toàn và "hỗn mang" cần được chỉnh sửa ;
nhưng đó chỉ đơn giản tùy thuộc vào dự định và ý muốn của Chúa Cha, là tạo dựng
qua Con của Người và đưa mọi loài tới chỗ hoàn hảo qua trung gian của Thần Khí.
Từ
sáng tạo, thánh tiến sĩ đi đến cứu chuộc, nơi Thần Khí cũng đang hoạt động:
"Liên
quan đến kế hoạch cứu độ (oikonomia)
con người, công trình của Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ vĩ đại của chúng ta, Đức Giêsu
Kitô, được thiết lập theo ý muốn của Thiên Chúa, ai có thể phản đối là kế hoạch
ấy được hoàn thành nhờ ân sủng của Thần Khí?"
Ở
điểm này, Basiliô để hết tâm chiêm niệm sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong
cuộc đời của Đức Giêsu. Đây là một trong những đoạn văn đẹp đẽ nhất của tác phẩm
này và mở ra một lãnh vực nghiên cứu cho khoa Thánh thần học chỉ cách đây ít
lâu. Chúa Thánh Thần đã hành động trong lời loan báo của các tiên tri và trong
việc chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến ; chính nhờ quyền năng của Người mà Đức
Giêsu nhập thể trong lòng Đức Maria ; Người là dầu được Thiên Chúa dùng để xức
cho Đức Giêsu lúc Đức Giêsu chịu phép rửa. Mỗi công trình của Đức Giêsu đều được
thực hiện có Chúa Thánh Thần hiện diện. Chúa Thánh Thần đã hiện diện khi Đức
Giêsu bị ma quỷ cám dỗ, khi Ngài làm phép lạ, không bỏ Ngài khi Ngài sống lại từ
trong kẻ chết, và trong ngày Phục Sinh, Ngài thổi hơi trên các môn đồ (x. Ga
20,22 tt). Đấng Bảo Trợ là "bạn đồng hành không thể tách rời" của Đức
Giêsu trong suốt cuộc đời của Ngài.
Từ
cuộc đời của Đức Giêsu, thánh Basiliô chuyển qua sự hiện diện của Thần Khí
trong Giáo Hội:
"Và
tổ chức của Giáo hội, phải chăng rõ ràng người ta không thể phủ nhận đó là công
trình của Thần Khí? Theo Phaolô, chính Thần Khí đã ban cho Giáo hội "trước
hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, các thầy dạy... thứ tự này được xếp đặt
theo sự đa dạng của các ân huệ của Thánh Thần".
Trong
kinh Anaphora mang tên thánh Basiliô,
mà Kinh Nguyện Thánh Thể IV hiện nay của chúng ta đã theo sát, Chúa Thánh Thần
chiếm vị trí trung tâm.
Hình
ảnh cuối cùng liên quan đến sự hiện diện của Đấng Bảo Trợ trong cánh chung học.
Basiliô viết: "Cũng vào lúc Chúa trên trời tỏ hiện như được mong đợi, Chúa
Thánh Thần sẽ không vắng mặt". Đối với các người được tuyển chọn, đây là
lúc từ chỗ "hoa quả đầu tiên" đến chỗ chiếm hữu trọn vẹn Thần Khí",
còn đối với những người bị loại bỏ, đây là lúc tách lìa vĩnh viễn, cắt đứt rõ
ràng, giữa linh hồn và Thần Khí.
4. Linh hồn và Thần Khí
Nhưng
thánh Basiliô không dừng lại ở hành động của Thần Khí trong lịch sử cứu độ và
trong Giáo Hội. Là một người khổ hạnh và tâm linh, ngài rất quan tâm đến hành động
của Thần Khí trong đời sống cá nhân của mỗi người được rửa tội. Ngài chưa đặt
ra sự phân biệt và thứ tự của ba con đường mà sau này sẽ trở thành những con đường
cổ điển, nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến hành động của Thần Khí trong việc thanh tẩy
tâm hồn bị tội lỗi làm cho ô uế, trong sự chiếu sáng của Người và trong việc thần
hóa còn được ngài gọi là "thân mật với Thiên Chúa".
Làm
sao có thể không đọc trang này, trong đó thánh nhân liên tục tham khảo Kinh Thánh
để mô tả hành động này và làm chúng ta cảm kích bằng sự nhiệt tình của mình:
"Mối
liên hệ mật thiết với Chúa Thánh Thần không ở chỗ gần gũi trong không gian. Làm
sao có thể tiếp cận bằng thân xác với Đấng không có thân xác? Nhưng bao gồm việc
loại bỏ những đam mê làm tổn thương linh hồn, không cho linh hồn làm bạn với
Thiên Chúa. Thanh tẩy bản thân cho hết những vẻ xấu xa vì nết xấu, trở lại với
vẻ đẹp tự nhiên do Thiên Chúa tạo ra, và như thể trở lại với hình ảnh đế vương,
nhờ sự trong sạch khôi phục lại hình hài ban sơ, chính đó là cách duy nhất đến
gần Chúa Thánh Thần. Người sẽ cho bạn thấy hình ảnh của Chúa Cha vô hình nơi chính
Người. Và khi được diễm phúc chiêm ngưỡng hình ảnh này, bạn sẽ thấy vẻ đẹp khôn
tả của Đấng là Tiên Mẫu và nguồn mạch. Nhờ Thần Khí, những tâm hồn được nâng
lên, nhũng người yếu đuối được bàn tay nắm lấy, những người đang tiến bộ trở
nên hoàn hảo. Chính Thần Khí sáng ngời nơi những người đã được thanh tẩy, biến
họ thành thần thiêng nhờ hiệp thông với Người. Cũng như những thân thể sáng ngời
và trong suốt, khi một tia sáng chiếu vào chúng, chính chúng trở nên lấp lánh
và phản chiếu một tia sáng khác, cũng vậy những linh hồn mang Thần Khí, được Thần
Khí chiếu sáng, cũng trở nên thần thiêng, và dội lại ân sủng trên những người
khác. Từ đó người ta nhìn thấy trước tương lai, hiểu biết những mầu nhiệm, thấu
hiểu những điều ẩn giấu, phân phát các ân sủng, tư cách công dân của thiên quốc,
nhảy múa với các thiên thần, niềm vui bất tận, thường trực trong Thiên Chúa, giống
như Thiên Chúa, và đỉnh điểm những gì chúng ta có thể mong muốn là trở nên
Thiên Chúa".
Việc
khám phá ra đàng sau bản văn này của Basiliô những hình ảnh và khái niệm phát
xuất từ tác phẩm Ennéades của Plotinô
và nhân tiện nói về một sự xâm nhập ngoại lai vào cơ thể Kitô giáo, những việc
đó không gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu. Trên thực tế, đây là một chủ đề
điển hình về Kinh Thánh và thánh Phaolô, được diễn đạt bằng những thuật ngữ
quen thuộc và có ý nghĩa, liên quan đến văn hoá thời đó. Ở nền tảng mọi sự,
Basiliô không đặt hành động của con người – tức chiêm ngắm - nhưng hành động của
Thiên Chúa và việc bắt chước Đức Kitô. Chúng ta đi ngược với viễn tượng của
Plotinô và bất kỳ triết gia nào. Đối với ngài, mọi sự bắt đầu bằng phép Rửa Tội,
là một đản sinh mới. Hành vi quyết định không phải ở lúc cuối, nhưng ở lúc đầu
cuộc hành trình:
"Cũng
giống như trong cuộc đua có lượt đi lượt về ở sân vận động, một lúc dừng chân và
nghỉ ngơi tách cuộc chạy theo hướng ngược chiều, cũng vậy, trong sự thay đổi đời
sống, cần có một cái chết giữa hai cuộc sống, để chấm dứt những điều đi trước và
thực hiện những điều đến sau. Làm thế nào để xuống tận địa ngục? Hãy bắt chước sự
mai táng của Đức Kitô bằng phép Rửa Tội".
Các
lược đồ cơ bản cũng giống như của Phaolô. Trong chương 6 thư Rôma, thánh Tông Đồ
nói đến việc triệt để thanh tẩy tội lỗi qua phép Rửa Tội, và trong chương 8, ngài
mô tả cuộc đấu tranh mà Kitô hữu, được Thần Khí nâng đỡ, phải duy trì đến chết,
chống lại những ham muốn của xác thịt, để tiến tới trong cuộc sống mới:
"Những
người sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt ; còn những
ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính
xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. Thật vậy
hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt
không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được. Những ai
bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa [...]. Vậy thưa anh
em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống
theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết.
Nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi
anh em, thì anh em sẽ được sống" (Rm 8,5-13).
Không
có gì ngạc nhiên khi Basiliô muốn minh họa cho nhiệm vụ được Thánh Phaolô mô tả,
nên đã sử dụng một hình ảnh của Plotinô. Hình ảnh này là nguồn gốc của một
trong những ẩn dụ phổ quát nhất của đời sống thiêng liêng và cũng nói cho chúng
ta hôm nay như đã nói cho các Kitô hữu ngày xưa:
"Hãy
trở về với chính bạn và tra xét bản thân bạn. Nếu chưa thấy nó đẹp, hãy làm như
nghệ sĩ tạc tượng : đục chỗ này, bỏ chỗ kia, rồi đánh bóng, tẩy sạch, cho đến
khi ông tô điểm cho bức tượng của mình hoàn toàn đẹp đẽ. Cũng vậy, hãy cắt bỏ khỏi
linh hồn bạn tất cả những gì không cần thiết, sửa chữa những chỗ không được chỉnh,
tẩy rửa và thắp sáng những gì tối tăm, và luôn hoàn thiện bức tượng của bạn cho
đến khi nhân đức tỏa chiếu trong mắt bạn bằng ánh sáng thần linh của nó».
Như
Leonardo da Vinci nói, nếu điêu khắc là “nghệ thuật bỏ đi", thì triết gia có
lý khi so sánh sự thanh tẩy và thánh thiện với điêu khắc. Nhưng đối với người Kitô
hữu, vấn đề không phải là đạt tới một vẻ đẹp trừu tượng, tạo ra một bức tượng đẹp,
nhưng là đưa ra ánh sáng và làm cho hình ảnh của Thiên Chúa được sáng láng hơn,
một hình ảnh bị tội lỗi luôn có xu hướng che phủ.
Người
ta kể có một hôm Michelangelo đang đi bộ trong sân ở Firenze thì nhìn thấy một
khối đá cẩm thạch còn thô ráp, đầy bụi bậm và bùn đất. Ông đột nhiên dừng lại và
nhìn nó, rồi, như được một tia sáng soi chiếu, ông nói với những người xung
quanh: "Khối đá này có giấu một thiên thần, tôi muốn đưa thiên thần đó ra!".
Và ông bắt đầu công việc, dùng dao khoét để hình thành thiên thần mà ông đã thoáng
thấy. Cũng chính là vấn đề của chúng ta. Chúng ta vẫn còn là những khối đá thô
ráp, với bao nhiêu "đất cát" và rất nhiều mảnh vụn vô ích phủ đầy
trên chúng ta. Thiên Chúa là Cha nhìn chúng ta và nói: "Hình ảnh Con Ta ẩn
giấu trong khối đá này ; Ta muốn đưa hình ảnh đó ra, để nó tỏa sáng mãi mãi bên
cạnh Ta trên Thiên Đàng!” Và để làm điều này, Người sử dụng chiếc dao khoét của
thập giá, Người “cắt tỉa” chúng ta (x. Ga 15,2).
Những
người quảng đại nhất không chỉ chịu những cú đục khoét, cắt gọt từ bên ngoài,
nhưng còn cộng tác vào đó, càng nhiều càng tốt, bằng những hy sinh hãm mình lớn
nhỏ, và đập tan ý muốn cũ kỹ của mình. Một Giáo Phụ sa mạc nói:
"Nếu
chúng ta muốn được giải thoát hoàn toàn, hãy học cách đập tan ý muốn của chúng
ta, và dần dần, cùng với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta sẽ tấn tới và đi đến chỗ hoàn
toàn thoát khỏi những đam mê. Có thể đập tan mười lần ý muốn của bạn trong một
thời gian rất ngắn và tôi cho bạn biết cách làm thế nào. Một người đang đi dạo
và nhìn thấy một cái gì đó : ý nghĩ của anh ta nói với anh ta: "Nhìn kìa!".
Nhưng anh ta trả lời ý nghĩ của mình: "Không, tôi không nhìn!" Và anh
ta đập tan ý muốn của anh ta".
Vị
Giáo Phụ này của thời xa xưa đưa ra những ví dụ khác từ đời sống đan viện. Người
ta nói xấu về ai đó, có lẽ về bề trên của chúng ta; con người cũ nơi bạn nói với
bạn: "Hãy tham gia đi, nói những gì bạn biết. Nhưng bạn trả lời: ‘Không!’".
Và bạn hy sinh con người cũ... Không khó để nối dài danh sách bằng những hành
vi từ bỏ khác, tùy theo điều kiện sống của chúng ta và chức vụ chúng ta đang nắm
giữ.
5. Một sự hãm mình
"thiêng liêng"
Có
một điểm trong đó sự biến đổi lý tưởng của Plotinô thành lý tưởng Kitô giáo vẫn
còn chưa đầy đủ, hoặc ít ra không rõ ràng mấy. Chúng ta đã nghe thánh Phaolô
nói: "Nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ
nơi anh em, thì anh em sẽ được sống". Vậy Thần Khí không chỉ là kết quả của
sự hãm mình, mà còn giúp cho người ta có thể hãm mình ; không chỉ ở cuối đường,
mà còn ở đầu đường. Các Tông Đồ đã không nhận được Thần Khí vào ngày lễ Ngũ Tuần
vì trước đó họ đã hăng say ; họ trở nên hăng say vì đã nhận được Thần Khí.
Tự
cơ bản, ba Giáo Phụ vùng Cappađocia là những nhà khổ hạnh và đan sĩ ; đặc biệt Basiliô,
với Quy luật đan viện của mình (Asceticon!), là một trong những người sáng lập
ra chế độ khổ hạnh Kitô giáo. Điều đó sẽ giúp ngài nhấn mạnh vào tầm quan trọng
của nỗ lực nơi con người. Người em ruột và cũng là môn đệ của ngài, Grêgoriô
Nyssê, sẽ đi theo cùng một hướng, khi viết: "Những nỗ lực của bạn để bảo vệ
lòng mộ đạo càng phát triển, thì sự vĩ đại của linh hồn bạn cũng sẽ phát triển,
nhờ năng lực mà bạn đặt vào đó”.
Trong
thế hệ tiếp theo, viễn tượng này về khổ hạnh sẽ được tiếp tục và phát triển nơi
các tác giả tu đức, như Gioan Cassianô, nhưng tách ra khỏi nền tảng thần học vững
chắc của Basiliô và Grêgoriô Nyssê. Louis Bouyer nhận xét rằng chính từ điểm
này mà chủ thuyết Pêlagiô bắt đầu phát triển, là chủ thuyết đặt nỗ lực của con
người trước ân sủng". Nhưng chắc chắn chúng ta không đổ lỗi cho Basiliô và
các nhà thần học vùng Cappađocia kết quả tiêu cực này.
Để
kết luận, chúng ta hãy trở lại với lý do khiến giáo thuyết của thánh Basiliô về
Chúa Thánh Thần vẫn còn có giá trị luôn mãi, và ngày nay, tôi dám nói là mang
tính thời sự và cần thiết hơn bao giờ hết : thực tại cụ thể của nó và sự gắn bó
của nó với đời sống Giáo Hội. Những người La Tinh chúng ta có một phương tiện
ưu đãi để coi Thánh thần học ấy là của chúng ta, và biến giáo thuyết ấy thành lời
cầu nguyện, đó là bài thánh ca Veni
Creator.
Từ
đầu đến cuối bài ca này là một lời cầu nguyện chiêm niệm về những gì Thần Khí
làm cách cụ thể : như Thần Khi sáng tạo trên toàn trái đất và nhân loại ; trong
Giáo Hội, như Thần Khí thánh hóa (ơn Thiên Chúa, nước hằng sống, lửa, tình yêu
và sự xức dầu thiêng liêng) và như Thần Khí đặc sủng (đa dạng trong các ân huệ,
ngón tay ở bàn tay phải của Thiên Chúa, Đấng đặt lời nói trên môi) ; trong cuộc
sống của mỗi tín hữu, như ánh sáng cho thần trí, tình yêu đối với trái tim, chữa
lành cho cơ thể ; như đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến chống lại sự dữ
và như một hướng dẫn viên trong việc biện phân sự lành.
Chúng
ta hãy cầu khẩn Thánh Thần bằng những câu của đoạn đầu tiên. Hãy nài xin Người
cũng đưa thế giới và linh hồn chúng ta từ chỗ hỗn mang đến cosmos, từ phân tán đến hiệp nhất, từ sự xấu xí của tội lỗi đến vẻ
đẹp của ân sủng.
Veni, Creator Spiritus,
mentes tuorum visita
imple superna gratia
quae tu creasti pectora
Lạy Thần Khi Sáng Tạo,
xin ngự đến,
xin viếng thăm tâm trí
các tín hữu của Ngài,
xin đổ đầy bằng ân sủng từ
trên
những trái tim mà Ngài
đã tác tạo.
(lấy ý trong Raniero
Cantalamessa, Bài giảng thứ ba Mùa Chay 2012, tại Phủ Giáo hoàng)
Lm Micae Trần Đình Quảng