CHÚA THÁNH THẦN,
LUẬT MỚI CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
1. Luật của Thần Khí và
Lễ Ngũ Tuần
Cách
thức thánh Phaolô bắt đầu suy tư về Chúa Thánh Thần trong thư Rôma chương 8 thật
đáng kinh ngạc: "Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô Giêsu, thì không
còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô
Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết”. Thánh Tông Đồ đã dành cả
chương trước để nói rằng "người Kitô hữu được giải thoát khỏi Lề Luật",
và ở đây trong chương mới ngài lại nói về Lề Luật một cách tích cực và phấn khởi.
"Luật của Thần Khí" có nghĩa luật là chính Thần Khí ; đây là thứ thuộc
dạng (le génitif) cắt nghĩa, cũng như hoa mầu hồng là chính hoa hồng.
Để
hiểu ý của Phaolô trong kiểu nói này, phải đưa về biến cố lễ Ngũ Tuần. Trình
thuật của sách Công Vụ về việc Chúa Thánh Thần đến bắt đầu như sau: "Khi đến
ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi" (Cv 2,1). Có thể suy ra
rằng lễ Ngũ Tuần đã có trước... vào ngày lễ Ngũ Tuần. Nói cách khác, đã có một
lễ Ngũ Tuần trong Do thái giáo, và chính vào ngày lễ Do thái này mà Chúa Thánh
Thần ngự xuống trên các tông đồ.
Trong
Cựu Ước, có hai cách giải thích chủ yếu về lễ Ngũ Tuần. Ban đầu, lễ Ngũ Tuần là
lễ "bảy tuần" (Tb 2,1), còn được gọi là lễ mùa gặt hay thu hoạch (Ds
28,26 tt), ngày dâng cho Đức Chúa những hoa quả đầu mùa (Xh 23,16 ; Đnl 16,9).
Nhưng rồi, vào thời Đức Giêsu, lễ này có thêm một ý nghĩa mới rất phong phú, trở
thành lễ ban lề luật trên núi Sinai và kết thúc giao ước ; nói tắt, lễ kỷ niệm
các biến cố được mô tả trong Xh 19-20 (quả thực, theo tính toán riêng của Kinh
Thánh, lề luật được ban cho Môsê tại Sinai năm mươi ngày sau Lễ Vượt Qua).
Từ
một ngày lễ gắn liền với chu kỳ của thiên
nhiên (thu hoạch), lễ Ngũ Tuần đã biến thành một lễ gắn liền với lịch sử cứu độ. Theo một bản văn của phụng
vụ Do thái hiện nay, "Ngày lễ các tuần là ngày ban tặng Ngũ Thư của chúng
ta”. Khi rời Ai Cập, dân đã đi năm mươi ngày trong sa mạc, và cuối cuộc hành trình
này, Đức Chúa đã ban Lề Luật cho Môsê, thiết lập trên nền tảng này một giao ước
với dân: “Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh…” (Xh 19,4-6).
Để
mô tả việc Chúa Thánh Thần ngự xuống, có vẻ như thánh Luca đã tự ý lấy lại những
nét đặc trưng của cuộc thần hiển ở Sinai ; quả thực, những hình ảnh ngài sử dụng
nhắc nhớ đất rung và lửa. Phụng vụ của Giáo Hội xác nhận cách giải thích này,
vì đưa Xh 19 vào số các bài đọc của lễ Vọng Hiện Xuống.
Sự
gần gũi với lễ Hiện Xuống gợi ra cho chúng ta điều gì ? Nói khác đi, sự kiện
Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội vào chính ngày Israel tưởng niệm việc ban Lề
Luật và thiết lập giao ước có ý nghĩa gì ? Thánh Augustinô đã đề ra cho mình
câu hỏi này: "Tại sao người Do Thái cũng mừng lễ Ngũ Tuần ? Thưa anh em, có
một mầu nhiệm vĩ đại và tuyệt vời ở đó : nếu anh em để ý thì vào ngày lễ Ngũ Tuần,
họ đã nhận được lề luật do ngón tay của Đức Chúa viết ra và chính vào ngày lễ Ngũ
Tuần đó mà Chúa Thánh Thần hiện xuống”.
Một
Giáo Phụ khác từ Đông phương cho chúng ta thấy cách giải thích này về lễ Hiện
Xuống đã thể hiện một di sản chung cho toàn thể Giáo Hội như thế nào, trong những
thế kỷ đầu tiên: "Lề Luật đã được ban ngày lễ Ngũ Tuần ; phải như thế, vì
ngày ban luật cũ cũng là ngày ban ân sủng của Thần Khí ".
Ở
đây câu trả lời cho câu hỏi của chúng ta là rõ ràng, tức là biết tại sao Chúa
Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần : để cho thấy Người
là luật mới, luật Thần Khí đóng ấn giao ước mới và vĩnh cửu, thánh hiến dân tư
tế và vương giả là Giáo Hội. Thật là một mạc khải vĩ đại về ý nghĩa của lễ Hiện
Xuống và về chính Chúa Thánh Thần !
Thánh
Augustinô kêu lên: "Ai lại không ngạc nhiên về sự trùng hợp này, đồng thời
cũng khác biệt này ?" Năm mươi ngày chia cách cử hành Vượt Qua với ngày Môsê
nhận được lề luật do ngón tay Đức Chúa viết trên bia đá ; tương tự như vậy, năm
mươi ngày sau cái chết và sự sống lại của Đấng bị đem đi sát tế như con
chiên, ngón tay Thiên Chúa, tức là Chúa
Thánh Thần, ùa vào các tín hữu đang tụ họp."
Chính
vì vậy, người ta hiểu rõ những lời tiên tri của Giêrêmia và Edêkien về giao ước
mới. Sấm ngôn của Đức Chúa: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những
ngày đó. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta"
(Gr 31,33). Không còn phải trên bia đá, nhưng trong lòng dạ ; không còn là luật
bên ngoài, nhưng là luật bên trong.
Edêkien
cắt nghĩa rõ hơn luật bên trong này khi ông lấy lại và bổ túc lời tiên tri Giêrêmia:
"Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng
các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng
các ngươi một quả tim bằng thịt. chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các
ngươi. Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của
Ta và đem ra thực hành" (Ed 36,26-27).
Việc
thánh Phaolô, qua kiểu nói "luật của Thần Khí", ám chỉ toàn bộ những
lời tiên tri liên quan đến chủ đề về giao ước mới, rõ ràng phát xuất từ đoạn
văn trong đó ngài gọi cộng đồng của giao ước mới là "bức thư của Đức Kitô…không
phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải
ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức lòng
người" ; cũng trong đoạn văn này, ngài định nghĩa các tông đồ là "những
người phục vụ giao ước mới, không phải giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa
vào Thần Khí ; vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2Cr 3,
3.6).
2. Luật của Thần Khí là
gì, hành động thế nào
Vì
vậy luật mới hay luật của Thần Khí, theo nghĩa chặt, không phải là luật được Đức
Giêsu ban hành trong bài giảng trên núi, nhưng là luật ghi khắc trong tâm hồn
ngày lễ Hiện Xuống. Chắc chắn các giới luật Phúc âm cao hơn và hoàn hảo hơn các
giới luật của Môsê ; tuy nhiên, chỉ riêng chúng mà thôi. chúng sẽ vẫn không hiệu
quả. Nếu chỉ cần công bố ý muốn mới của Thiên Chúa qua Phúc Âm là đủ, người ta sẽ
không thể giải thích tại sao Đức Giêsu phải chết, tại sao Chúa Thánh Thần phải
đến. Chính các tông đồ cũng cho thấy điều đó là không đủ ; các ông đã nghe biết
mọi sự - chẳng hạn phải giơ má kia cho người vả má này – vậy mà lúc Chúa chịu
Khổ Nạn, các ông không có được sức mạnh tuân giữ bất kỳ điều răn nào của Đức Giêsu.
Nếu
Đức Giêsu hài lòng với việc ban hành điều răn mới: "Thầy ban cho anh em một
điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 13,34), thì điều răn này
sẽ vẫn như cũ, vẫn là một luật cũ, một "chữ viết". Chỉ vào ngày lễ Hiện
Xuống, Ngài nhờ Thần Khí thổi tình yêu vào lòng dạ các môn đệ mà lệnh truyền này
đương nhiên trở thành luật mới, luật của Thần Khí ban sự sống. Chính nhờ Thần
Khí mà lệnh truyền này là "mới", không phải chữ viết. Qua chữ viết, nó
là cũ vì nó đã có trong Cựu Ước (Lv 19,18).
Không
có ân sủng bên trong của Chúa Thánh Thần, ngay cả Phúc Âm, ngay cả điều răn mới,
sẽ vẫn là một luật cũ, một chữ viết. Lấy lại một tư tưởng táo bạo của thánh
Augustinô, thánh Tôma Aquinô viết: "Chữ viết chỉ bất kỳ bản văn viết nào ở
bên ngoài con người, cho dù đó là bản văn của các giới luật luân lý trong Phúc
Âm ; vì vậy ngay cả chữ viết của Phúc Âm cũng sẽ giết chết, nếu ở bên trong con
người không có ân sủng chữa lành của đức tin". Thậm chí rõ ràng hơn, những
gì ngài viết không xa trước đó còn minh nhiên hơn: "Luật mới tiên vàn là
ân sủng của Chúa Thánh Thần, được ban cho các tín hữu trong Đức Kitô".
Nhưng
luật mới là chính Thần Khí hành động cụ thể thế nào, và theo nghĩa nào người ta
có thể gọi là "luật"? Nó hành động qua tình yêu ! Luật mới không gì
khác hơn là "điều răn mới” như Đức Giêsu gọi. Chúa Thánh Thần đã ghi luật
mới trong lòng chúng ta, bằng cách truyền đạt tình yêu cho nó: “Thiên Chúa đã đổ
tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
Đây là tình yêu mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và đồng thời bằng tình yêu
này, Ngài khiến chúng ta yêu mến Ngài và người lân cận (amor quo Deus nos
diligit et quo ipse nos dilectores sui facit). Đó là một khả năng mới để yêu.
Người
tiếp cận Phúc Âm với não trạng con người coi việc biến tình yêu thành một “điều
răn” là phi lý ; người ta phản bác : nó là thứ tình yêu nào vậy, nếu nó không có
tự do, nhưng được truyền làm ? Câu trả lời là có hai cách đưa con người đến chỗ
làm hay không làm một điều gì đó : hoặc cưỡng bách hoặc thu hút ; luật thiết định
theo cách thứ nhất, tức cưỡng bách, có kèm theo đe phạt; tình yêu theo cách thứ
hai, tức bằng cách thu hút.
Thật
vậy ai nấy đều bị thu hút bởi những gì mình thích, không bị cưỡng bách nào từ
bên ngoài. Đưa cái kẹo cho đứa trẻ trông thấy, và bạn sẽ thấy nó vươn tay vồ lấy.
Có ai thúc đẩy nó không ? Không ai cả, chính cái kẹo thu hút nó. Cho một linh hồn
đang khao khát sự thật thấy điều tốt, linh hồn sẽ đổ xô về phía điều tốt đó. Có
ai thúc đẩy không ? Không ai cả, chính điều tốt thu hút linh hồn ấy. Tình yêu
giống như một "sức mạnh" của linh hồn hướng tới đối tượng mình thích,
trong đó linh hồn biết mình sẽ được an nghỉ.
Theo
ý nghĩa này, Chúa Thánh Thần - cụ thể là tình yêu - là một "luật", một
"điều răn" : tạo ra nơi người Kitô hữu một động lực khiến họ làm tất
cả những gì Thiên Chúa muốn, một cách bộc phát, thậm chí không nghĩ tới điều
đó, vì họ biến ý Chúa thành ý mình, và yêu tất cả những gì Thiên Chúa yêu.
Sống
trong ân sủng, được dẫn dắt bởi luật mới của Thần Khí, là sống như người "đang
yêu", nghĩa là đang được chuyên chở bởi tình yêu. Sự khác biệt do việc “phải
lòng ai” tạo ra như thế nào trong nhịp sống của con người và trong mối quan hệ
giữa hai sinh vật, thì việc Chúa Thánh Thần đến cũng tạo ra sự khác biệt như vậy
trong mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa.
3. Tình yêu bảo vệ luật...
Việc
giữ các điều răn có vai trò nào trong nhiệm cục mới của Thần Khí ? Đó là một điểm
dễ chạm nọc cần được làm sáng tỏ. Ngay cả sau lễ Hiện Xuống, vẫn còn tồn tại luật
thành văn : những giới luật của Thiên Chúa, mười điều răn, những lệnh truyền Phúc
Âm ; sau này thêm vào đó là các luật của Giáo Hội. Đâu là ý nghĩa của Bộ Giáo Luật,
nội quy đan viện, lời khấn dòng, nói tắt, tất cả những gì cho thấy một ý muốn
khách quan áp đặt từ bên ngoài ? Có phải những thứ này giống như những dị vật
trong cơ thể Kitô giáo chăng ?
Chúng
ta biết rằng trong dòng lịch sử Giáo Hội, có những phong trào đã nghĩ như vậy
và đã từ chối mọi luật lệ, nhân danh sự tự do của Thần Khí, đến mức họ đặt tên rất
đúng là phong trào của những người "vô pháp" (anomistes). Nhưng thẩm
quyền của Giáo Hội và lương tâm Kitô giáo không lúc nào thừa nhận họ. Ngày nay,
trong một bối cảnh văn hóa ghi dấu chủ nghĩa hiện sinh vô thần, không giống như
quá khứ, người ta không từ chối luật pháp nhân danh sự tự do của Thần Khí, nhưng
nhân danh sự tự do thuần túy của con người. Một nhân vật của Jean-Paul Sartre
nói: "Không có gì ở trên trời, không gì tốt, không gì xấu, không ai ra lệnh
cho tôi. [...] Tôi là một con người, Jupiter, và mỗi người phải tìm ra con đường
của mình".
Câu
trả lời của Kitô giáo cho vấn đề này phát xuất từ Phúc Âm. Đức Giêsu quả quyết
Ngài không đến để "bãi bỏ lề luật" nhưng để "kiện toàn" (Mt
5,17). Nhưng thế nào là "kiện toàn" lề luật ? Thánh Tông Đồ trả lời: "Yêu
thương là Lề Luật trong sự viên mãn của nó !"(x. Rm 13,10). Còn Đức Giêsu
thì nói : Tất cả lề luật và các tiên tri đều tùy thuộc vào giới luật tình yêu (x.
Mt 22,40). Thế thì tình yêu không thay thế lề luật, nhưng tuân giữ nó, "kiện
toàn" nó. Tình yêu là sức mạnh duy nhất có thể giúp người ta giữ luật.
Trong
lời tiên tri của Edêkien, khả năng giữ luật Thiên Chúa được gán cho ân huệ tương
lai của Thần Khí và của quả tim mới: "Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào
lòng các ngươi. Ta sẽ làm cho các ngươi đi thei thánh chỉ, tuân giữ các phán của
Ta và đem ra thi hành” (Ed 36,27). Và theo cùng một ý nghĩa, Đức Giêsu nói:
"Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy" (Ga 14,23), nghĩa là người đó sẽ
có thể tuân giữ nó.
Giữa
luật bên trong của Thần Khí và luật thành văn bên ngoài, không có đối kháng hay
bất phù hợp trong nhiệm cục mới, nhưng ngược lại, có sự hợp tác đầy đủ : luật
bên trong được ban để bảo vệ luật bên ngoài: "Lề luật đã được ban cho
chúng ta để chúng ta tìm kiếm ân sủng ; và ân sủng đã được ban cho chúng ta để bảo
đảm việc thực thi lề luật". Việc giữ các điều răn và, trong thực tế, là sự
vâng phục, là bệ thử tình yêu, dấu hiệu để nhận ra xem người ta sống "theo
Thần Khí" hay "theo xác thịt".
Sự
khác biệt so với quá khứ là như thế nào, nếu chúng ta vẫn còn tuân thủ lề luật ?
Sự khác biệt là trước đây người ta giữ luật để mong có được sự sống mà lề luật không
thể ban, và như vậy người ta làm cho lề luật thành một dụng cụ chết chóc ; ngày
nay, người ta giữ luật để sống gắn kết với sự sống đã lãnh nhận. Việc tuân giữ
luật không còn là nguyên nhân nữa nhưng là hiệu quả của sự công chính hóa. Theo
nghĩa này, thánh Tông Đồ có quyền nói rằng diễn từ của ngài không hủy bỏ lề luật,
ngược lại củng cố và nâng cao nó: "Có phải là chúng ta dựa vào đức tin mà
hủy bỏ Lề Luật chăng ? Không phải thế ! Trái lại chúng ta củng cố Lề Luật” (Rm
3,31).
4 ... và luật bảo vệ
tình yêu
Nếu
thực sự tình yêu bảo vệ lề luật, thì lề luật cũng bảo vệ tình yêu. Lề luật phục
vụ tình yêu và bảo vệ nó bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta biết rằng lề luật
được ban cho tội nhân (1Tm 1,9) mà chúng ta còn là những kẻ có tội ; chúng ta
đã nhận được Thần Khí, nhưng chỉ như của đầu mùa ; con người cũ còn chung chạ với
con người mới trong ta, và chừng nào còn có dục tình nơi ta, thì Thiên Chúa
quan phòng ban cho ta những mệnh lệnh giúp chúng ta nhận ra chúng và chiến đấu chống
lại chúng, dù chỉ lo sợ bị phạt.
Luật
hỗ trợ sự tự do của chúng ta, một sự tự do còn bấp bênh và chao đảo trong việc
thiện. Nó giúp cho sự tự do, chứ không chống lại. Người nào tưởng phải từ chối
mọi thứ luật lệ nhân danh sự tự do của con người, người đó quả là lầm, vì không
biết rõ tình trạng của sự tự do này sau khi đã phạm tội.
Bên
cạnh chức năng có thể nói là tiêu cực này, lề luật có được một chức năng tích cực
khác, chức năng biện phân, giúp chúng ta biện biệt đâu là ý muốn thực sự của
Chúa. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta gắn bó cách tổng quát với ý muốn của Thiên
Chúa, coi ý của Người là ý của ta và muốn thi hành ; nhưng có thể ta chưa biết rõ
những khía cạnh hàm chứa trong ý muốn này. Những khía cạnh này được mạc khải
cho ta, không chỉ bởi những biến cố của cuộc sống mà còn bởi luật.
Ngoài
ra, theo một ý nghĩa còn sâu sắc hơn, chính luật bảo vệ tình yêu. Kierkegaard
viết: "Chỉ khi có bổn phận phải yêu thì tình yêu mới được bảo đảm mãi mãi
không thay đổi". Câu trên muốn nói thế này : con người chúng ta khi yêu, càng
yêu mãnh liệt thì càng lo lắng nhận ra nguy cơ bắt gặp trong tình yêu. Nguy cơ
này không đến từ người khác nhưng là từ chính mình ; quả thực ta biết rằng mình
hay thay đổi lắm, nay yêu mai có thể chán. Bây giờ đang yêu sợ mai chán có thể
gây ra những mất mát không thể sửa chữa, thế nên ta đi bước trước bằng cách
dùng luật mà ràng buộc tình yêu của mình. Con người có thể nhất thời thay đổi,
nhưng luật thì không. Nhờ có luật bảo vệ mà tình yêu được bảo đảm.
Điều
đó giả thiết đây phải là một tình yêu đích thực, chứ không phải một thứ trò
chơi giữa hai người, như triết gia khẳng định. Trong thông điệp Deus caritas est, Đức Bênêđitô XVI giải
thích: “Tình yêu cần sự dứt khoát theo một ý nghĩa kép : theo nghĩa dứt khoát,
‘duy chỉ một người mà thôi’, và theo
nghĩa ‘vĩnh viễn’. Tình yêu bao trùm toàn bộ cuộc sống trong mọi chiều kích của
nó, kể cả chiều kích thời gian. Điều này không thể khác đi được, vì sự hứa hẹn
của nó nhắm vào sự dứt khoát : tình yêu nhắm vào sự vĩnh cửu” (số 6).
Con
người ngày nay rất hay thường tự hỏi có thể có tương quan nào giữa tình yêu của
hai người trẻ và luật hôn nhân, và có cần gì phải "ràng buộc" tình
yêu mà tự bản chất là tự do và bộc phát. Những người từ chối định chế hôn nhân,
cả trong lý thuyết lẫn trên thực tế, và chọn thứ tình yêu tự do hoặc chọn cuộc
sống chung thuần túy, luôn thuộc số đông hơn.
Chỉ
khi khám phá ra mối tương quan sâu sắc và cốt tử giữa luật và tình yêu, giữa quyết
định và thể chế, mà người ta có thể trả lời những câu hỏi này một cách chính
xác và giúp cho những người trẻ một lý do thuyết phục để "cam kết"
yêu thương mãi mãi và không sợ biến tình yêu thành một "bổn phận". Bổn
phận phải yêu bảo vệ tình yêu khỏi "thất vọng" và làm cho nó "hạnh
phúc và độc lập" theo nghĩa nó bảo vệ khỏi thất vọng không thể yêu mãi
mãi. Kierkegaard lưu ý : hãy cho tôi một người yêu thực sự, và bạn sẽ thấy liệu
ý nghĩ phải yêu mãi mãi là một gánh nặng đối với ta, hay là một hạnh phúc lớn
nhất.
Nhận
định trên không chỉ đúng cho tình yêu giữa con người, mà còn và càng đúng cho
tình yêu đối với Thiên Chúa. Chúng ta có thể tự hỏi : tại sao phải tự ràng buộc
mình để yêu Chúa, bằng cách tuân phục một luật dòng, tại sao phải tuyên những lời
khấn buộc sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục, trong khi chúng ta đã có một
luật nội tâm và thiêng liêng lôi cuốn ta giữ và sống những điều đó ? có thể có được
tất cả những điều đó bằng cách "thu hút" ? Trả lời : Chính vì trong một
lúc sốt sắng, ta cảm thấy được Chúa lôi kéo, ta yêu mến Ngài và muốn có Ngài
luôn mãi. Nhưng vì ta thất thường, lòng dạ hay thay đổi, mà lại sợ mất Ngài,
nên ta tự ràng buộc mình bằng những lời khấn đó, để bảo đảm cho tình yêu của ta
khỏi biến chất.
Lý
do ràng buộc của ta cũng tựa như lý do khiến Ulysse trói mình vào cột buồm. Ulysse
muốn nhìn lại quê hương và người vợ yêu quý bằng mọi giá, nhưng anh biết mình
phải băng qua vùng biển của các nàng tiên cá, và sợ tầu đắm như nhiều người
khác trước anh, anh đã trói mình vào cột buồm, sau khi đã đổ sáp bịt tai những
người bạn đồng hành. Khi đến chỗ các nàng tiên cá, anh bị mê hoặc, muốn gặp các
nàng và hét lên cho người ta cởi trói, nhưng các thủy thủ không nghe thấy gì,
vì vậy anh đã thoát nguy và đã có thể đạt được mục tiêu của mình.
5. "Không còn bị lên
án nữa !"
Trước
khi kết thúc, chúng ta hãy trở lại với lời khẳng định lúc khởi sự đề tài: "Vậy
giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy,
luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật
của tội và sự chết”. Thế giới thời thánh Tông Đồ bị khái niệm về án phạt và xa
lìa thần linh ám ảnh. Người ta tìm cách vượt qua bằng các hình thức phụng tự bí
ẩn khác nhau. Một học giả lớn về thời cổ đã coi nó như là một "thời kỳ lo
âu" (E. R. Dodds).
Để
có được một ý tưởng về hiệu quả phát sinh do những lời lẽ của Phaolô đối với những
nhà trí thức của thời kỳ, chúng ta hãy nghĩ về một người bị lên án tử hình đang
chờ ngày hành quyết. Một hôm anh nghe một tiếng nói thân thiện: "Được tha
rồi! Bạn được tha rồi ! mọi án phạt đều bị đình chỉ. Bạn được tự do!” Một cảm
giác tái sinh. Sự giải thoát này vẫn còn nguyên vẹn vì Chúa Thánh Thần không phải
tuân theo luật entropi như mọi nguồn
năng lượng vật lý. Chính chúng ta hết thảy phải mở rộng tâm hồn để đón nhận sự
giải thoát này, chính các thừa tác viên lời Chúa phải làm cho nó vang lên trong
thế giới hôm nay.
(lấy ý trong R.
Cantalamessa, Bài giảng thứ hai Mùa Chay năm 2009, tại Phủ Giáo hoàng)
Lm
Micae Trần Đình Quảng