CHÚA THÁNH THẦN,
HỒN CỦA CÁNH CHUNG KITÔ GIÁO
1. Thần Khí của lời hứa
Chúng
ta cùng nhau nghe đoạn thư Rôma 8 mà chúng ta muốn suy niệm :
“Cả
chúng ta cũng rên siết trong lòng : chúng ta đã lảnh nhận Thần Khí như ân huệ mở
đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu
chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải
trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa
: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi ?” (Rm 8,23-25).
Trong
Kinh Thánh, người ta nhận thấy về con người Đức Kitô có một sức căng giữa lời hứa
và sự hoàn thành, thì về Chúa Thánh Thần cũng có một sức căng tương tự. Cũng như
Đức Giêsu tiên vàn được hứa trong Kinh Thánh, rồi được bày tỏ trong xác phàm,
và cuối cùng được chờ đợi trở lại lần cuối, cũng thế, Chúa Thánh Thần, trước
đây "đã được Chúa Cha hứa", được ban trong lễ Ngũ Tuần, và giờ đây lại
được chờ đợi và kêu cầu "bằng những tiếng rên khôn tả" của con người
và toàn thể tạo thành, tất cả khi nếm thử những hoa quả đầu mùa, thì chờ đợi hồng
ân của Người viên mãn.
Trong
khoảng thời gian-không gian này kéo dài từ lễ Hiện Xuống tới ngày Quang Lâm, Chúa
Thánh Thần là lực đẩy chúng ta tiến tới, giữ chúng ta trong thế bước đi, ngăn cản
chúng ta buông xuôi và trở thành một người "định cư", làm cho chúng
ta hát lên với một tình cảm mới "Những thánh ca lên đền": "Vui chừng
nào khi người ta nói với tôi : Chúng ta sẽ đi về nhà Chúa!". Thánh Thần là
Đấng tạo động lực và, một cách nào đó, chắp thêm đôi cánh cho niềm hy vọng của
chúng ta ; hơn nữa, Người là chính nguyên lý, hồn của niềm hy vọng của chúng
ta.
Trong
Tân Ước, hai tác giả Luca và Phaolô nói về Thần Khí như về một “lời hứa” ; nhưng,
như chúng ta sẽ thấy, có sự khác biệt quan trọng. Trong Phúc Âm Luca và trong
sách Công Vụ, chính Đức Giêsu nói về Thần Khí là “lời hứa của Chúa Cha”.
"Và nầy, Thầy sẽ gửi cho anh em những gì Cha Thầy đã hứa" ; “Đang khi
dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi
Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã
nghe Thầy nói tới, đó là : ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì
trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1,4-5).
Đức
Giêsu nhắc tới điều gì khi nói về Chúa Thánh Thần như về lời hứa của Chúa Cha ?
Chúa Cha đã thực hiện lời hứa này ở đâu? Có thể nói tất cả Cựu Ước là một lời hứa
về Thánh Thần. Công trình của Đấng Mêsia luôn được trình bày như là đỉnh điểm của
việc tuôn đổ Thần Khí Thiên Chúa trên khắp cả thế gian. Việc so sánh với những
gì Phêrô nói trong ngày lễ Ngũ Tuần cho thấy Luca đặc biệt nghĩ đến lời tiên
tri Gioel: “Trong những ngày cuối cùng, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy
người phàm” (Cv 2,17).
Nhưng
không chỉ có lời tiên tri đó. Làm thế nào không nghĩ tới những gì có thể đọc thấy
trong các tiên tri khác ? "Cho đến ngày, từ trên cao, Thần Khí sẽ được đổ
xuống trên chúng ta " (Is 32,15). "Ta sẽ đổ Thần Khí trên con cháu ngươi" (Is 44, 3). "Chính
thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi" (Êd 36,27).
Về
nội dung lời hứa, như vẫn thường làm, Luca nhấn mạnh khía cạnh đặc sủng của ân huệ
Thánh Thần, đặc biệt lời tiên tri. Lời hứa của Chúa Cha là "quyền năng từ
trên cao" sẽ làm cho các môn đệ có thể đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất.
Nhưng Luca không bỏ qua những khía cạnh sâu xa, thánh hóa và cứu độ hơn nơi
hành động của Thần Khí, chẳng hạn như tha thứ tội lỗi, ban một luật mới và một
giao ước mới, như thấy trong việc d0ối chiếu Sinai với lễ Ngũ Tuần. Câu của Phêrô:
“đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em” (Cv 2,39), đưa về lời hứa cứu độ, chứ
không chỉ lời hứa nói tiên tri hay một vài đặc sủng.
2. Thần Khí, hoa quả đầu
mùa và ân huệ mở đầu
Từ
Luca sang Phaolô, chúng ta bước vào một viễn tượng mới, sâu sắc hơn nhiều trên
bình diện thần học. Thánh Tông Đồ liệt kê các đối tượng khác nhau của lời hứa :
sự công chính hóa, tử hệ thần linh, sự thừa tự ; nhưng Đấng tóm tắt mọi sự, đối
tượng tuyệt hảo của lời hứa, chính là
Chúa Thánh Thần, Đấng mà có khi ngài gọi là "lời hứa của Thần Khí"
(Ga 3,14), có khi là "Thần Khí của lời hứa" (Ep 1,13).
Đây
là hai ý tưởng mới được thánh Tông Đồ đưa vào trong khái niệm về lời hứa. Ý tưởng
thứ nhất là lời hứa của Thiên Chúa không phụ thuộc vào việc giữ luật, nhưng vào
đức tin, do đó vào ân sủng. Thiên Chúa không hứa ban Thần Khí cho ai giữ luật,
nhưng cho người tin vào Đức Kitô: “Anh em đã nhận được Thần Khí vì đã làm những
gì Luật dạy, hay vì đã tin nhờ được nghe ? […] Nếu nhờ Lề Luật mà người ta được
hưởng gia tài, thì không còn phải là nhờ lời hứa nữa" (Gl 3,2.18).
Chính
xuyên qua khái niệm về lời hứa mà thần học về Chúa Thánh Thần nơi Phaolô được kết
nối với phần còn lại của tư tưởng của ngài và là chứng minh cụ thể cho điều đó.
Người Kitô hữu biết rõ điều này : họ đã có kinh nghiệm mới về Thần Khí sau lời rao
giảng Tin Mừng, chứ không phải vì bắt đầu tuân thủ Lề Luật trung thành hơn trước.
Ý
tưởng mới thứ hai, theo một nghĩa nào đó, khiến người ta bối rối. Như thể
Phaolô muốn ngay từ đầu loại trừ mọi cám dỗ "nhiệt tình", khi tuyên bố
lời hứa vẫn chưa được hoàn tất, ít nhất không hoàn toàn ! Về vấn đề này, hai
khái niệm áp dụng cho Chúa Thánh Thần mang tính mạc khải : hoa quả đầu mùa
(aparchè) và ân huệ mở đầu (arrabôn). Chữ thứ nhất trong bản văn Rôma 8 đang
bàn: “Chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như hoa quả đầu mùa, chúng ta cũng rên siết
trong lòng khi trông đợi ơn cứu chuộc thân xác chúng ta” (Rm 8,23) ; chữ thứ
hai trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô (bản của Phụng vụ Giờ kinh dịch là ‘bảo
chứng’): “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu
cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng
ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 1,21-22); “Đấng đã tạo
thành chúng ta vì mục đích ấy chính là Thiên Chúa, Người đã ban Thần Khí cho
chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 5,5).
Thánh
Tông Đồ muốn nói gì với chúng ta? Việc Đức Kitô đến thực hiện không làm cạn kiệt
lời hứa. Bằng một kiểu nói hoàn toàn tương phản, ngài nói chúng ta "lãnh
nhận... trong khi," chúng ta lãnh nhận, và chúng ta chờ đợi. Chính vì những
gì chúng ta lãnh nhận chưa phải là sự viên mãn, nhưng chỉ là những hoa quả đầu
tiên, một sự dự báo, mà niềm hy vọng nẩy sinh nơi chúng ta. Hay đúng hơn, mong
muốn, chờ đợi, khát vọng còn mãnh liệt hơn trước đây, vì bây giờ chúng ta biết Thần
Khí là gì. Trên ngọn lửa khao khát của con người, sự xuất hiện của Thần Khí trong
ngày lễ Ngũ Tuần, bằng cách nào đó, như
đổ thêm nhiên liệu.
Chính
xác như đối với Đức Kitô. Ngài đến thực hiện mọi lời hứa, nhưng không chấm dứt
sự chờ đợi. Sự chờ đợi được phục hồi, dưới hình thức chờ đợi Ngài trở lại trong
vinh quang. Sự chỉ định "lời hứa của Chúa Cha" đặt Chúa Thánh Thần
vào chính trọng tâm của cánh chung Kitô giáo. Do vậy, người ta chỉ có thể dè dặt
đối với khẳng định của một số nhà chuyên môn, theo đó "trong quan niệm của
những người Kitô hữu gốc Do thái, Thần Khí chủ yếu là sức mạnh của thế giới tương
lai, còn trong quan niệm của các Kitô hữu Hy lạp, Người là sức mạnh của thế giới
cao hơn." Phaolô chứng minh hai quan niệm không nhất thiết xung khắc nhau,
ngược lại có thể cùng tồn tại. Trong Ngài, Thần Khí cùng một lúc là thực tại của
thế giới cao hơn, thần linh, và sức mạnh của thế giới sẽ đến.
Trong
quá trình chuyển đổi từ hoa quả đầu mùa sang sự viên mãn, hoa quả đầu mùa sẽ
không bị vứt bỏ để nhường chỗ cho sự viên mãn, đúng hơn chính hoa quả ấy sẽ trở
thành viên mãn. Nói cách khác, chúng ta sẽ giữ lại những gì chúng ta đã có và sẽ
có được những gì chúng ta chưa có. Chính Thần Khí sẽ được đổ tràn viên mãn.
Nguyên
tắc thần học "ân sủng là khởi đầu của vinh quang", áp dụng cho Chúa Thánh
Thần, có nghĩa là các hoa quả đầu mùa khởi đầu cho sự hoàn thành, khởi đầu của
vinh quang, một phần của vinh quang này. Trong trường hợp này, không nên dịch arrabôn bằng "bảo chứng"
(pignus), nhưng chỉ bằng khai ân (arra) mà thôi. Bảo chứng không phải là một sự
bắt đầu hoàn trả, nhưng là một sự việc được ban trong lúc chờ hoàn trả. Sau khi
việc hoàn trả được thực hiện, người ta trả lại bảo chứng. Khai ân thì không như
vậy. Chúng không được trả lại lúc hoàn trả, nhưng được bổ sung. Chúng đã là một
phần của hoàn trả. “Nếu Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như một bảo chứng của
tình yêu bằng hoạt động của Thần Khí của Người, thì phải chăng Người sẽ không lấy
đi bảo chứng này khi toàn bộ thực tại sẽ được ban cho chúng ta? Không. Đúng
hơn, Người sẽ bổ túc những gì Người đã ban "(Augustinô).
Tình
yêu Thiên Chúa, mà chúng ta được nếm thử trước ở trần gian này, nhờ vào "những
khai ân của Thần Khí", có cùng một phẩm chất với tình yêu mà chúng ta sẽ được
thưởng thức trong cuộc sống vĩnh cửu, nhưng không có cùng cường độ. Việc lãnh
nhận Thần Khí cũng giống như vậy.
Như
ta thấy, một sự biến đổi sâu sắc đã xảy ra trong ý nghĩa của lễ Ngũ Tuần. Ban đầu,
lễ Ngũ Tuần là lễ của hoa quả đầu mùa, nghĩa là ngày người ta dâng lên Thiên
Chúa những hoa quả đầu tiên của vụ thu hoạch. Ngay cả ngày nay nó vẫn còn là lễ
của những hoa quả đầu tiên, nhưng là hoa quả đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho
nhân loại, trong Thần Khí của Người. Vai trò của người cho và người nhận đảo ngược,
hoàn toàn hài hòa với những gì đang diễn ra trong mọi lĩnh vực, từ lề luật sang
ân sủng, từ sự cứu độ như một công việc của con người đến ơn cứu độ như một món
quà cho không của Thiên Chúa.
Đây
là lý do tại sao việc giải thích lễ Hiện Xuống, lễ của những hoa quả đầu mùa, lại
không có gì tương đương trong bối cảnh Kitô giáo, nếu có thể nói được như vậy.
Thánh Irênê đã cố gắng đi theo chiều hướng này
khi nói rằng vào ngày lễ Hiện Xuống, “Thần Khí dâng cho Chúa Cha những hoa
quả đầu tiên của mọi dân tộc”, nhưng điều đó hầu như không được tư tưởng Kitô
giáo tiếp nối.
3. Chúa Thánh Thần, hồn
của Truyền Thống
Không
giống như mọi khía cạnh khác của Thánh thần học, sự đóng góp của thời kỳ Giáo
phụ, liên quan đến Thần Khí như là lời hứa, không quan trọng, sở dĩ thế vì các
Giáo Phụ tỏ ra ít quan tâm đến viễn tượng lịch sử và cánh chung so với viễn tượng
bản thể học. Thánh Basiliô đã viết một bản văn đẹp về vai trò của Chúa Thánh Thần
trong sự hoàn thành cuối cùng: "Cũng vào lúc Chúa trên trời tỏ hiện mà người
ta mong đợi, Chúa Thánh Thần sẽ không vắng mặt... Vào thời điểm này, ai có thể
bỏ qua những điều lành mà Thiên Chúa chuẩn bị cho những người xứng đáng, đến nỗi
không hiểu rằng ngay cả triều thiên dành cho người công chính là ân sủng của Chúa
Thánh Thần". Nhưng nếu người ta chú ý quan sát, thánh nhân chỉ nói rằng Chúa
Thánh Thần cũng sẽ tích cực tham gia vào hành động cuối cùng của lịch sử nhân
loại, khi thời gian đi đến vĩnh cửu. Không có suy tư nào về những gì Chúa Thánh
Thần thực hiện ngay từ bây giờ, trong thời gian, để thúc đẩy nhân loại hướng tới
sự hoàn thành. Thiếu ý thức về đà tiến của Chúa Thánh Thần, về sức mạnh thúc đẩy
dân Chúa trên đường về quê hương.
Chúa
Thánh Thần thúc đẩy các tín hữu tỉnh thức khi chờ đợi Đức Kitô trở lại, dạy cho
Giáo Hội kêu lên: "Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến" (Kh 22,20). Khi Thần
Khí cùng với Giáo Hội cầu xin Marana-tha,
thì cũng giống như khi Người nói Abba
trong lòng người tín hữu : phải hiểu tiếng đó theo nghĩa là Người bảo nói, Người
trở thành tiếng nói của Giáo Hội. Thật vậy, Đấng Bảo Trợ không thể tự mình kêu
lên Abba, vì Người không phải là con
của Chúa Cha ; và Người không thể kêu lên Marana-tha,
"Lạy Chúa, xin ngự đến", vì Người không phải là tôi tớ Đức Kitô, nhưng
là "Chúa", đồng hàng với Đức Kitô, như chúng ta tuyên xưng trong kinh
tin kính.
Đức
Giêsu nói về Đấng Bảo Trợ: "Người sẽ loan báo cho anh em biết những điều sẽ
xẩy đến” (Ga 16,13), nói khác đi, Người sẽ cho biết về trật tự mới các sự việc lộ
ra từ lễ Vượt Qua. Do đó, Chúa Thánh Thần là động lực của cánh chung Kitô giáo,
giữ cho Giáo Hội hướng về phía trước, hướng về ngày Chúa trở lại. Chính điều đó
mà suy tư của Kinh Thánh và thần học ngày nay đã tìm cách làm nổi bật. Moltmann
viết : Cuộc sống mới do Thần Khí gợi lên chính nó đã mang tính cánh chung, mà
không phải chờ đến giây phút cuối cùng của ngày Quang Lâm ; ở chỗ nó khởi đầu một
cuộc sống sẽ xuất hiện hoàn toàn, khi cách hiện hữu do Thần Khí xác định được
thiết lập, không còn bị xác thịt ngăn trở. Thần Khí không chỉ là lời hứa theo
nghĩa tĩnh, nhưng là sức mạnh của lời hứa, là Đấng làm cho ta nhận thức được khả
năng giải thoát, cảm thấy những xiềng xích còn khá nặng nề và không chịu nổi đến
mức nào, và thúc đẩy ta đập tan chúng.
Nhãn
quan của Phaolô về Chúa Thánh Thần như lời hứa và hoa quả đầu mùa cho phép ta
khám phá ra ý nghĩa đích thực của Truyền Thống Giáo Hội. Truyền Thống trước hết
không phải là một tập hợp những sự việc "được truyền đạt", mà tiên
vàn là nguyên lý năng động của truyền đạt. Nói đúng hơn, nó là chính đời sống Giáo Hội : thực sự, được Thần Khí linh hoạt, dưới
sự hướng dẫn của Huấn quyền, nó phát triển trong sự trung thành với Đức Giêsu
Kitô. Thánh Irênê viết rằng mạc khải "giống như một kho tàng quý giá được
giữ trong một chiếc bình có giá trị, nhờ Thần Khí Thiên Chúa, luôn tươi trẻ và cũng
làm cho chiếc bình chứa đựng nó tươi trẻ". Chiếc bình giá trị tươi trẻ với
nội dung của nó chính là sự rao giảng của Giáo Hội và Truyền Thống.
Do
đó, Chúa Thánh Thần là hồn của Truyền Thống. Nếu người ta hủy bỏ hoặc lãng quên
Chúa Thánh Thần, những gì còn lại của Truyền Thống này chỉ là chữ chết. Như thánh
Tôma Aquinô quả quyết, "không có ân sủng bên trong của Chúa Thánh Thần,
ngay cả Phúc Âm sẽ vẫn là chữ giết chết", nếu như vậy thì chúng ta nên nói
gì về Truyền thống ?
Quả
thật Truyền Thống là một sức mạnh kiên trì và bảo tồn quá khứ, nhưng cũng là một
sức mạnh canh tân và tăng trưởng ; nó vừa là trí nhớ vừa là dự đoán. Nó giống
như làn sóng của việc rao giảng tông đồ tiến tới và lan truyền qua nhiều thế kỷ.
Sóng chỉ có thể được thu trong chuyển động. Đóng băng truyền thống vào một thời
điểm nhất định trong lịch sử có nghĩa là biến nó trở thành "truyền thống
chết", không còn là "truyền thống sống động" nữa như thánh Irênê
nói.
4. Chúa Thánh Thần làm
cho chúng ta chan chứa hy vọng
Với
thông điệp của mình về đức cậy, Đức
Bênêđictô XVI cho chúng ta biết hậu quả thực tế bắt nguồn từ bài suy niệm
của chúng ta : hy vọng, luôn hy vọng, và nếu chúng ta đã hy vọng cả ngàn lần vô
ích, hãy lại bắt đầu hy vọng nữa! Thông điệp (có tựa đề "Spe salvi":
"Chúng ta đã được cứu nhờ hy vọng", chính xác là trích từ đoạn thư
Phaolô mà chúng ta đã bình giải) bắt đầu bằng những lời này:
"Sự
cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa sự hy vọng đã được ban chúng ta, một
sự hy vọng đáng tin cậy, dựa vào đó chúng ta có thể đối diện với hiện tại của
chúng ta : hiện tại, thậm chí một hiện tại khó nhọc, có thể được sống và chấp
nhận nếu nó dẫn đến tận cùng và nếu
chúng ta có thể chắc chắn về tận cùng này, nếu tận cùng này là tuyệt vời đến mức
có thể biện minh cho những nỗ lực của con đường này ".
Một
loại tương đương và thay đổi lẫn nhau hình thành giữa hy vọng và được cứu thoát,
như giữa hy vọng và tin. Đức Giáo Hoàng viết: "tin là hy vọng," như vậy
theo quan điểm thần học, là xác nhận trực giác thi phú của Charles Péguy, người
bắt đầu bài thơ về nhân đức thứ hai bằng những lời này : “Thiên Chúa nói : Đức
tin mà ta yêu nhất, chính là đức cậy. "
Cũng
như chúng ta phân biệt hai loại đức tin : đức tin thô và đức tin thật sự tin (tức
là những điều chúng ta tin và chính hành vi tin), chúng ta cũng phân biệt hai
loại đức cậy. Có một đức cậy khách quan cho thấy điều được hy vọng – di sản
vĩnh cửu - và một đức cậy chủ quan là chính hành vi hy vọng điều này. Đức cậy
chủ quan này là một lực đẩy về phía trước, một đà tiến bên trong, một sự mở rộng
tâm hồn, hướng về tương lai. Một Giáo Phụ xưa có nói: "Một sự di cư yêu thương
của tâm trí hướng tới những gì người ta hy vọng".
Phaolô
giúp chúng ta khám phá mối quan hệ sống còn giữa đức cậy và Chúa Thánh Thần.
Ngài coi ba nhân đức đối thần bắt nguồn từ hành động của Chúa Thánh Thần. Ngài
viết: "Còn chúng tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ
đợi được nên côn chính như chúng tôi hy vọng. Quả thật, trong Đức Kitô Giêsu, cắt
bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái"
(Gl 5,5-6 ; x. Rm 5,5).
Do
đó, Chúa Thánh Thần xuất hiện như là nguồn gốc và sức mạnh đời sống thần học của
chúng ta. Đặc biệt chính nhờ Người mà chúng ta có thể "tràn đầy hy vọng".
Thánh Tông Đồ cũng đã viết trong thư Rôma: "Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng
ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền
năng của Thánh Thần anh em được tràn trề hy vọng" (Rm 15,13). "Thiên
Chúa của nguồn hy vọng", một định nghĩa quả là bất thường về Thiên Chúa!
Hy
vọng đôi khi được gọi là "người bà con nghèo" trong số các thần đức. Đúng
là đã có một thời điểm suy tư mãnh liệt về đề tài hy vọng, mà cuối cùng đưa đến
một "thần học về hy vọng". Nhưng không có suy tư về tương quan giữa
hy vọng và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, người ta không thể hiểu được nét đặc thù
của niềm hy vọng Kitô giáo và sự khác biệt của nó đối với bất kỳ ý tưởng hy vọng
nào khác, nếu không xem xét nó trong mối tương quan sâu sắc của nó với Chúa
Thánh Thần. Chính Thánh Thần tạo ra nét khác biệt giữa "nguyên lý hy vọng"
và thần đức hy vọng. Các nhân đức gọi là thần đức không chỉ vì chúng có Thiên
Chúa là cứu cánh, mà còn vì có Thiên Chúa là nguyên lý ; Thiên Chúa không chỉ
là đối tượng, mà còn là nguyên nhân. Chúng được Thiên Chúa khích động, truyền đạt.
Chúng
ta cần hy vọng để sống và cần Chúa Thánh Thần để hy vọng ! Một trong những nguy
hiểm chính trên con đường thiêng liêng là chán nản bởi cùng những tội lỗi lặp
đi lặp lại, những ý định ngay lành kế tiếp nhau dường như vô ích. Niềm hy vọng
cứu thoát chúng ta, cho ta sức mạnh để luôn khởi sự lại từ đầu, để mỗi lần tin
rằng sẽ có một sự hoán cải tốt đẹp, thực sự. Chính như vậy mà Thiên Chúa mủi
lòng, đến cứu chúng ta bằng ân sủng của Ngài.
"Đức
tin không làm ta ngạc nhiên. (Vẫn là nhà thơ của hy vọng nói, hoặc đúng hơn,
làm cho Thiên Chúa nói). Ta đã bùng nổ lớn lao trong sáng tạo của Ta... Thiên
Chúa nói, bác ái không làm Ta ngạc nhiên. Những thụ tạo tội nghiệp này quá bất
hạnh đến nỗi, trừ phi chúng có trái tim bằng đá, làm sao chúng có thể không có chút
bác ái nào đối với nhau ? Nhưng Thiên Chúa nói, hy vọng là điều khiến Ta ngạc
nhiên. Chớ gì những đứa trẻ đáng thương này thấy như mọi sự đang qua và tin rằng
ngày mai sẽ tốt hơn. Điều đó, quả là đáng ngạc nhiên và chính Ta cũng ngạc
nhiên về điều đó. Quả thực ân sủng của Ta phải có một sức mạnh không thể tin nổi".
Chúng
ta không thể hài lòng vì chỉ hy vọng cho mình. Chúa Thánh Thần muốn biến chúng
ta thành những người gieo rắc niềm hy vọng. Không có món quà nào đẹp hơn là làm
lan tỏa hy vọng trong nhà của chúng ta, trong cộng đồng của chúng ta, trong
Giáo Hội địa phương và phổ quát. Hy vọng giống như một số sản phẩm hiện đại tái
tạo không khí, làm thơm tho cả căn phòng.
Tôi
kết thúc loạt bài suy niệm Mùa Chay bằng một bản văn của Đức Phaolô VI tóm tắt
nhiều điểm mà chúng ta đã đề cập:
"Chúng
ta thường tự hỏi... chúng ta cảm thấy nhu cầu đầu tiên và cuối cùng nào cho
Giáo Hội được chúc phúc và rất thân yêu của chúng ta. Chúng ta phải nói lên điều
đó với tâm trạng lo lắng và khi cầu nguyện, vì đó là mầu nhiệm và đời sống của Giáo
Hội, như các bạn biết : Thần Khí, Chúa Thánh Thần, làm linh hoạt và thánh hóa
Giáo Hội, hơi thở thần linh của nó, làn gió thổi các cánh buồm của nó, nguyên lý
thống nhất của nó, nguồn ánh sáng bên trong và sức mạnh của nó, nâng đỡ và an ủi
nó, nguồn mạch đặc sủng và ca hát của nó, bình an và niềm vui của nó, bảo chứng
và khúc dạo đầu cho nó về cuộc sống hạnh phúc và vĩnh cửu. Giáo Hội cần lễ Ngũ
Tuần vĩnh cửu của mình; Giáo Hội cần lửa trong tâm hồn, lời nói trên môi, lời
tiên tri trong ánh mắt. Giáo Hội cần phải lại có được sự băn khoăn, ham thích,
chắc chắn về chân lý của mình”.
Xin
nhờ công nghiệp của cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, Đấng Phục Sinh ban cho tất
cả chúng ta, trong ngày Phục Sinh thánh này, một sự tuôn trào mới mẻ Thần Khí của
Ngài.
(lấy ý trong R.
Cantalamessa, Bài giảng thứ tư Mùa Chay năm 2009, tại Phủ Giáo hoàng)
Lm Micae Trần Đình Quảng