CHÚA THÁNH THẦN TRONG VIỆC SÁNG TẠO
1. Một thế giới trong trạng
thái chờ đợi
Tôi
chọn chương tám của thư Rôma, vì trong các tác phẩm của Phaolô và trong cả Tân Ước,
chương này khai triển đầy đủ nhất và sâu sắc nhất về Chúa Thánh Thần. .
Sau
đây là đoạn văn mà chúng ta muốn suy niệm ngày hôm nay :
"Tôi
nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà
Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta. Muôn loài thụ tạo những mong ngóng đợi chờ
ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã
lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy
; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không
phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng
tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng : cho đến bây giờ, muôn loài
thụ tạo cũng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,18-22)
Vấn
đề chú giải được tranh luận từ thời cổ đại xung quanh bản văn này là ý nghĩa của
thuật ngữ sáng tạo, ktisis. Bằng thuật
ngữ ktisis này, thánh Phaolô chỉ định
có khi tất cả mọi người, thế giới con người, có khi sự kiện hay hành vi sáng tạo
của Thiên Chúa, có khi cả thế giới nói chung, tức là vừa chỉ nhân loại vừa chỉ cosmos, đôi khi chỉ sự sáng tạo mới phát
xuất từ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô.
Augustinô,
được các tác giả hiện đại khác tiếp nối, cho rằng ở đây thuật ngữ trên chỉ định
thế giới con người, và do đó cần phải loại trừ khỏi bản văn này mọi viễn tượng
vũ trụ, liên quan đến vật chất. Sự phân biệt giữa "tất cả sáng tạo"
và "chúng ta, những người chiếm được hoa quả đầu mùa của Thần Khí" hẳn
sẽ là một sự phân biệt bên trong thế giới loài người, và tương đương với sự phân
biệt giữa nhân loại không được cứu chuộc và nhân loại được Đức Kitô cứu chuộc.
Nhưng
ngày nay, ý kiến gần như nhất trí là thuật ngữ ktisis chỉ định toàn thể tạo thành, tức là thế giới vật chất cũng như
thế giới con người. Việc quả quyết tạo thành lâm vảo cảnh hư ảo "mà không do
lỗi của nó" hẳn là vô nghĩa nếu không đề cập sự sáng tạo vật chất.
Thánh
Tông Đồ thấy tạo thành đang chờ đợi, đang trong "tình trạng căng". Đối
tượng của kỳ vọng này là sự mạc khải vinh quang của con cái Thiên Chúa. "Tạo
thành, trong sự tồn tại dường như khép kín và bất động của nó... lo lắng chờ đợi
con người được tôn vinh, tạo thành sẽ là "thế giới" của con người được
tôn vinh đó, do vậy, chính thế giới cũng được tôn vinh" (H. Schlier).
Tình
trạng băn khoăn chờ đợi này là do tạo thành, mặc dù không do lỗi của mình, đã bị
con người lôi kéo vào một tình trạng vô đạo mà Phaolô đã mô tả ở đầu thư Rôma
(x. Rm 1,18 tt). Ở đó, ngài định nghĩa tình trạng này là một tình trạng "bất
công" và "dối trá", còn ở đây ngài sử dụng các thuật ngữ "hư
ảo" (mataiotes) và hư hỏng (phthora) nói lên cùng một điều: "mất ý
nghĩa, không thực, thiếu sức mạnh, mất vẻ huy hoàng, mất Thần Khí và sự sống.
Nhưng
tình trạng này không bị đóng lại và dứt khoát. Vẫn còn hy vọng cho tạo thành !
Không phải vì tạo thành, với tư cách tạo thành, có thể hy vọng cách chủ quan,
nhưng vì Thiên Chúa có ý định cứu chuộc tạo thành. Niềm hy vọng này liên kết với
con người được cứu chuộc, “con của Thiên Chúa”. Trong một hành động trái ngược
với hành động của Ađam, một ngày kia con người ấy sẽ vĩnh viễn đưa cosmos vào trong tự do và vinh quang.
Đây
là nền tảng cho trách nhiệm sâu sắc hơn của các Kitô hữu đối với thế giới : trách
nhiệm bầy tỏ ngay từ bây giờ các dấu chỉ của tự do và vinh quang mà toàn thể vũ
trụ được kêu gọi tới ; đau khổ trong hy vọng, biết rằng "những đau khổ chịu
bây giờ không sánh được với vinh quang tương lai mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi
chúng ta".
Trong
câu cuối cùng, thánh Tông Đồ làm nổi bật nhãn quan này về đức tin bằng một hình
ảnh táo bạo và xúc động : toàn thể tạo thành được so sánh với một phụ nữ rên siết
và quằn quại như sắp sinh nở. Trong kinh nghiệm của con người, đó luôn là một nỗi
đau khổ hòa lẫn niềm vui, khác xa những giọt nước mắt âm thầm và vô vọng của thế
giới, mà thi sĩ Virgiliô đã gói ghém qua câu thơ trong Aeneid: "sunt lacrimae
rerum", đây là những giọt nước mắt dành cho những sự việc.
2. Luận đề về "thiết
kế thông minh": khoa học hay đức tin ?
Nhãn
quan của Phaolô về đức tin, mang tính tiên tri, cho chúng ta cơ hội để gợi lên
vấn đề được tranh luận ngày hôm nay, về sự tồn tại hay không của một ý nghĩa và
một dự án thần linh bên trong sự sáng tạo, đồng thời chúng ta không muốn gán
thêm cho bản văn của Phaolô một ý nghĩa khoa học hay triết học, mà rõ ràng nó
không có. Dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Darwin (ngày 12 tháng 2 năm 1809)
làm cho suy tư theo chiều hướng này thậm chí còn hợp thời và cần thiết.
Theo
nhãn quan của Phaolô, Thiên Chúa khởi đầu và kết thúc lịch sử thế giới ; một
cách mầu nhiệm, Người đưa thế giới tới một mục đích, thậm chí sử dụng ngay cả sự
phản kháng hoặc từ chối của con người có tự do cho mục đích này. Thế giới vật
chất được tạo ra cho con người và con người cho Thiên Chúa. Đây không chỉ là ý
tưởng của Phaolô. Chủ đề vật chất cuối cùng được giải thoát và tham dự vào vinh
quang dành cho con cái Thiên Chúa song song với chủ đề "trời mới đất mới"
của thư thứ hai thánh Phêrô (3,13) và Khải Huyền (21,1).
Điểm
mới lạ lớn đầu tiên của nhãn quan này là nó cho ta biết về sự giải thoát của vật
chất, chứ không phải giải thoát khỏi vật chất, như trong hầu hết các quan niệm
cũ về sự cứu rỗi : thuyết Platô, thuyết ngộ đạo, thuyết ảo thân, thuyết Manikê,
thuyết cathari. Thánh Irênê cả đời tranh đấu chống lại sự quả quyết của thuyết
ngộ đạo cho rằng "vật chất không có khả năng cứu độ".
Trong
cuộc đối thoại hiện nay giữa khoa học và đức tin, vấn đề được đặt ra trong các
thuật ngữ khác nhau, nhưng bản chất vẫn là một. Vấn đề là xem cosmos đã được ai đó nghĩ đến và muốn có,
hay là kết quả của "ngẫu nhiên và cần thiết" ; xem con đường của nó
mang dấu ấn của một trí thông minh và tiến tới một mục tiêu rõ ràng, hay tiến
hóa mù quáng cách nào đó, chỉ tuân theo các luật riêng của mình và các cơ chế
sinh học.
Luận
đề về vấn đề này được các tín hữu ủng hộ cuối cùng đã kết tinh bằng công thức của
thiết kế thông minh (Intellelligent Design trong tiếng Anh), nghĩa là của Đấng Tạo Hóa. Theo tôi, điều đã gợi ra rất nhiều
thảo luận và phản kháng về ý tưởng này, là do người ta không phân biệt rõ giữa
thiết kế thông minh như một lý thuyết khoa học và thiết kế thông minh như là
chân lý đức tin.
Là
một lý thuyết khoa học, những người đề xuất lý thuyết "thiết kế thông
minh" quả quyết rằng có thể chứng minh bằng chính phân tích việc sáng tạo,
và do đó có tính khoa học, rằng thế giới là tác phẩm của một tác giả bên ngoài
và mang dấu ấn của một trí thông minh có óc tổ chức. Đây là quả quyết mà phần lớn
các nhà khoa học muốn chất vấn (và là quả quyết duy nhất họ có thể chất vấn!),
không phải là quả quyết thuộc đức tin mà người tin Chúa có được do mạc khải, và
trí khôn của họ cũng cảm thấy quả quyết ấy là đúng và cần thiết.
Nếu,
như nhiều nhà khoa học nghĩ (không phải mọi nhà khoa học!), việc trình bày
"thiết kế thông minh" như một kết luận khoa học tùy thuộc vào ngụy khoa
học, thì ngụy khoa học nào loại trừ sự tồn tại của một "thiết kế thông
minh" dựa trên những kết quả khoa học, cũng tùy thuộc vào ngụy khoa học
như vậy. Khoa học có thể có tham vọng này nếu tự nó có khả năng cắt nghĩa mọi sự
: nói cách khác, không chỉ cắt nghĩa thế giới "thế nào", mà "ai"
tạo ra thế giới và "tại sao" có thế giới. Khoa học biết rõ mình không
có khả năng làm điều đó. Người loại bỏ ý tưởng về Thiên Chúa khỏi nhãn quan của
mình không vì vậy mà loại bỏ mầu nhiệm. Luôn luôn tồn tại một câu hỏi chưa được
trả lời : tại sao có hiện hữu chứ không có hư vô ? Phải chăng đối với chúng ta chính
hư vô có lẽ là một mầu nhiệm ít bí hiểm hơn sự hiện hữu và tình cờ, một sự bí mật
ít khó hiểu hơn Thiên Chúa?
Trong
một cuốn sách phổ biến khoa học, do một người vô tín viết, tôi bắt gặp được lời
thú nhận có ý nghĩa này : nếu chúng ta phải đi lại lịch sử của thế giới theo
chiều ngược lại, như khi chúng ta lần rở một cuốn sách bắt đầu từ trang chót, thì
cuối cùng, chúng ta sẽ nhận ra như thể nó thiếu trang đầu tiên, thiếu incipit, thiếu khởi đầu. Chúng ta biết mọi sự về thế giới, nhưng không biết nó bắt đầu
lúc nào và tại sao. Người tin Chúa xác tín rằng Kinh Thánh cung cấp trang thiếu
sót ban đầu này ; và trang này, cũng giống như trang bìa trước của mỗi cuốn
sách, cho chúng ta biết tên tác giả và tựa đề tác phẩm!
Một
so sánh có thể giúp chúng ta dung hòa đức tin của chúng ta vào sự hiện hữu của
một thiết kế thông minh của Thiên Chúa về thế giới, với sự tình cờ và không thể
đoán trước hiển nhiên, do Darwin và khoa học hiện nay đưa ra ánh sáng. Đó là tương
quan giữa ân sủng và tự do. Cũng như trong lãnh vực tâm trí, ân sủng chừa ra một
khoảng trống cho sự không thể đoán trước được của tự do và cũng hành động qua sự
không thể đoán trước này, cũng vậy, trong lãnh vực vật lý và sinh học, mọi sự được
giao phó cho trò chơi của những nguyên nhân thứ hai (cuộc đấu tranh cho sự sống
còn của các loài theo Darwin, sự ngẫu nhiên và sự cần thiết theo Monod), ngay cả
khi trò chơi này được Thiên Chúa quan phòng dự liệu và thực hiện. Trong cả hai
trường hợp, Thiên Chúa, như cách ngôn nói, "viết thẳng với những đường
cong".
3. Tiến hóa và Ba Ngôi
Câu
chuyện về thuyết sáng tạo và thuyết tiến hóa thường diễn ra trong một cuộc đối
thoại với luận đề ngược lại, thuộc bản chất duy vật và vô thần, do đó, nhất thiết
mang tính hộ giáo. Trong một suy tư như thế này, được thực hiện bởi các tín hữu
và cho các tín hữu, chúng ta không thể dừng lại ở mức này. Dừng lại ở đây sẽ chỉ
là nhìn vấn đề theo nhãn quan 'tự nhiên thần giáo' (déiste), chứ chưa phải nhãn
quan Ba ngôi, và do đó chưa phải là đặc thù Kitô giáo.
Chính
cha Phêrô Teilhard de Chardin đã mở lối tư duy về sự tiến hóa theo chiều kích
Ba ngôi. Sự đóng góp của nhà nghiên cứu này trong cuộc tranh luận về sự tiến
hóa chủ yếu là đưa vào cuộc tranh luận con người Chúa Kitô, cũng làm cho cuộc
tranh luận trở thành một vấn đề Kitô học.
Điểm
khởi đầu Kinh thánh của cha là lời Phaolô quả quyết "tất cả đều do Thiên
Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người" (Cl 1,16). Trong nhãn quan này, Chúa
Kitô xuất hiện như là điểm Omega, nghĩa là như ý nghĩa và đích điểm của sự tiến
hóa vũ trụ và con người. Phương tiện và lập luận mà nhà nghiên cứu dòng Tên này
sử dụng để đi đến kết luận như trên có thể bị tranh cãi, nhưng không phải chính
kết luận. Maurice Blondel giải thích lý do trong một nhận xét để bảo vệ nhà tư
tưởng Teilhard de Chardin, trong đó ông nói rằng khi đối mặt với những chân trời
mở rộng của khoa học tự nhiên và nhân loại, nếu không phản bội đạo Công giáo,
người ta không thể có những lời giải thích tầm thường và những cách nhìn giới hạn,
biến Đức Kitô trở thành một sự kiện lịch sử, cô lập Ngài trong Cosmos như một giai đoạn giả, và dường
như làm cho Ngài trở thành một kẻ xâm nhập hoặc một người lạc lõng trong không
gian bao la đè bẹp và thù nghịch với Vũ trụ.
Điều
còn thiếu cho một tầm nhìn hoàn toàn Ba ngôi của vấn đề là xem xét vai trò của
Chúa Thánh Thần trong việc sáng tạo và tiến hóa của cosmos. Nguyên lý cơ bản của thần học Ba ngôi đòi hỏi điều ấy, theo
đó những công trình ad extra (hướng ngoại)
của Thiên Chúa đều chung cho cả Ba Ngôi, mỗi Ngôi tham gia với đặc tính riêng của
mình.
Bản
văn Phaolô mà chúng ta suy niệm cho phép chúng ta lấp đầy khoảng trống này. Sự ám
chỉ công việc của tạo thành được nói tới trong văn mạch bài diễn từ của Phaolô
về các hoạt động khác nhau của Chúa Thánh Thần. Ngài thấy sự liên tục giữa tiếng
rên siết của tạo thành và tiếng rên siết của người tin, sự liên tục này rõ ràng
có liên quan với Thần Khí: "Không chỉ có tạo thành, mà cả chúng ta nữa, cũng
có những hoa quả đầu mùa của Chúa Thánh Thần, chúng ta rên siết trong lòng”. Chúa
Thánh Thần là sức mạnh nhiệm mầu thúc đẩy tạo thành hướng tới sự hoàn tất. Nói
về sự tiến triển của trật tự xã hội, Công đồng Vaticanô II quả quyết rằng
"Thần Khí Thiên Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh
tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến
hóa này" (MV 26).
Là
"nguyên lý của việc sáng tạo mọi loài", Người cũng là nguyên lý tiến
hóa của tạo thành trong thời gian. Thật vậy, nguyên lý này không tồn tại nếu việc
tạo thành không tiếp diễn. Trong bài phát biểu trước những người tham dự cuộc hội
thảo về sự tiến hóa, do Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng tổ chức ngày 31 tháng
10 năm 2008, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhấn mạnh khái niệm này. Ngài nói:
"Quả quyết rằng nền tảng của vũ trụ và sự phát triển của nó là thành quả của
sự khôn ngoan quan phòng của Đấng sáng tạo không có nghĩa là sự sáng tạo chỉ có
liên hệ với lúc khởi đầu của lịch sử thế giới và của đời sống. Đúng hơn, nó ngụ
ý rằng Đấng sáng tạo xây dựng những phát triển này và hỗ trợ chúng, đặt định
chúng và liên tục gìn giữ chúng".
Thần
Khí mang lại điều gì đặc biệt và "cá nhân" trong sáng tạo ? Như mọi
khi, điều đó phụ thuộc vào những tương quan bên trong Ba Ngôi. Chúa Thánh Thần
không ở lúc khởi thủy, nhưng theo một cách nào đó, ở vào lúc kết thúc sáng tạo,
cũng như Người không ở lúc khởi thủy, nhưng ở vào lúc kết thúc tiến trình Ba ngôi.
Theo thánh Basiliô, trong sáng tạo Chúa Cha là nguyên nhân đầu tiên, Đấng mà mọi
sự từ Người mà đến ; Chúa Con là nguyên nhân tác thành, Đấng mà nhờ Ngài mọi sự
được tạo ra ; Chúa Thánh Thần là nguyên nhân làm cho mọi sự hoàn hảo.
Do
đó, hành động sáng tạo của Thần Khí là nguồn gốc làm cho tạo thành được hoàn hảo
; chúng ta hẳn sẽ nói Người không phải là Đấng làm cho thế giới đi từ hư vô đến
hiện hữu, cho bằng là Đấng làm cho thế giới từ một hữu thể không hình dạng đến
một hữu thể có hình dạng và hoàn hảo. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần là Đấng làm
cho tạo thành từ hỗn mang đến cosmos,
làm cho nó thành một cái gì đó đẹp đẽ, trật tự, sạch sẽ : chính xác một
"thế giới", theo ý nghĩa nguyên thủy của từ này. Thánh Ambrosiô nhận
xét: "Khi Thần Khí bắt đầu bay lượn trên tạo thành, thì tạo thành chưa có
vẻ đẹp nào. Nhưng khi tạo thành nhận được hoạt động của Chúa Thánh Thần, nó có
được tất cả vẻ đẹp lộng lẫy làm cho nó tỏa sáng như 'thế giới'”.
Không
phải hành động sáng tạo của Chúa Cha là "hỗn mang", cần có sự sửa chữa,
nhưng như thánh Basiliô ghi nhận trong đoạn văn trích dẫn ở trên, chính Chúa
Cha muốn cho mọi sự hiện hữu qua trung gian của Chúa Con và muốn đưa mọi sự tới
chỗ hoàn thiện qua trung gian của Chúa Thánh Thần.
"Lúc
khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng,
bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên nước "(St
1,1-2). Như ta thấy chính Kinh Thánh ám chỉ sự chuyển tiếp từ tình trạng một vũ
trụ đang được phác họa và hỗn mang sang tình trạng đang từ từ hình thành với
các thụ tạo phân biệt nhau, và đề cập Chúa Thánh Thần như sự khởi đầu của bước
chuyển tiếp này hoặc sự tiến hóa. Kinh Thánh trình bày bước chuyển tiếp này là
đột ngột và ngay lập tức, nhưng khoa học đã cho biết nó đã trải dài trong khoảng
thời gian hàng tỷ năm và vẫn tiếp tục. Tuy vậy điều đó không nên tạo ra vấn đề,
một khi chúng ta biết mục đích và thể loại văn học của trình thuật Kinh thánh.
Dựa
trên ý nghĩa của những kiểu nói tương tự trong các bài thơ ở Babylon về nguồn gốc
vũ trụ, ngày nay người ta có khuynh hướng gán cho kiểu nói "thần khí Thiên
Chúa" (ruach 'elohim) trong Sáng thế 1,2 ý nghĩa thuần túy tự nhiên của cơn
gió mạnh, coi thần khí ấy cũng chỉ là một yếu tố của sự hỗn mang nguyên thủy,
cũng như vực thẳm và bóng tối, khi liên kết nó với những gì đi trước chứ không
với những gì theo sau trong trình thuật sáng tạo. Nhưng hình ảnh "hơi thở
của Thiên Chúa" trở lại trong chương tiếp theo của sách Sáng Thế (Thiên
Chúa "thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật") có
một ý nghĩa "thần học", và chắc chắn không phải là ý nghĩa tự nhiên.
Loại
trừ khỏi bản văn bất kỳ sự tham chiếu nào, cho dù là phôi thai, với thực tại thần
linh của Thần Khí, khi chỉ gán hoạt động sáng tạo cho lời Thiên Chúa, có nghĩa
là chỉ đọc bản văn dưới ánh sáng của những gì xẩy ra và cũng không phải dưới
ánh sáng của những gì diễn ra sau trong Kinh thánh, dưới ánh sáng của những ảnh
hưởng mà nó đã phải chịu, và cũng không phải dưới ánh sáng của những ảnh hưởng
mà nó đã gây ra, trái ngược với những gì được xu hướng gần đây của thông diễn học
Kinh thánh gợi ra.
Đọc
thêm trong mạc khải, chúng ta tìm thấy những dấu chỉ ngày càng rõ hơn về một hoạt
động sáng tạo của hơi thở Thiên Chúa, liên kết chặt chẽ với hoạt động trong lời
của Người. "Một lời (dabar) Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa
thở (ruach) làm ra muôn tinh tú" (Ps 33, 6, x. thêm Is 11.4: "Lời Người
nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà"). Trong
những đoạn văn này, thần khí hay hơi thở chắc chắn không chỉ gió tự nhiên. Một
thánh vịnh khác lặp lại cùng bản văn này khi nói: "Sinh khí của Ngài, Ngài
gửi tới, là chúng được dựng nên và Ngài đổi mới mặt đất này" (Tv 104,30).
Do đó, dù gán cho St 1,2 bất cứ cách giải thích nào, chắc chắn phần tiếp theo của
Kinh Thánh sẽ gán cho Thần Khí Thiên
Chúa một vai trò tích cực trong sự sáng tạo.
Đường
hướng phát triển này trở nên rất rõ ràng trong Tân Ước mô tả sự can thiệp của
Chúa Thánh Thần trong công cuộc sáng tạo mới, sử dụng chính xác những hình ảnh
của hơi thở và gió mà người ta đọc thấy trong nguồn gốc của thế giới (x. Ga
20,22 với St 2.7). Ý tưởng ruach sáng
tạo không thể phát sinh từ hư vô. Trong cùng một bình luận hay ấn bản Kinh
Thánh, người ta không thể dịch St 1,2 là "một cơn gió của Thiên Chúa bay
lượn trên nước" và sau đó đề cập chính bản văn này để cắt nghĩa chim bồ
câu lúc Đức Giêsu nhận lễ rửa.
Do
đó, không sai khi tiếp tục nhắc đến St 1,2 và những chứng từ khác để tìm ra một
nền tảng Kinh thánh cho vai trò sáng tạo của Chúa Thánh Thần, như các Giáo Phụ
đã làm. Theo thánh Basiliô, được Luthêrô tiếp nối, "Nếu bạn chấp nhận lời
giải thích này, bạn sẽ có được một lợi ích to lớn từ nó". Và quả đúng như
vậy : khám phá trong "Thần khí của Thiên Chúa" đang bay lượn trên nước
một dấu chỉ đầu tiên còn phôi thai của hành động sáng tạo của Thần Khí giúp ta
hiểu biết bao nhiêu bước kế tiếp của Kinh Thánh, mà chúng ta hẳn sẽ không giải
thích cách khác nguồn gốc của chúng.
4. Phục sinh, từ già cỗi
sang tươi trẻ
Giờ
đây chúng ta tìm cách nhận diện một số hậu quả thực hành mà nhãn quan này của
Kinh Thánh về vai trò của Chúa Thánh Thần có thể có cho thần học và cho đời sống
thiêng liêng của chúng ta. Về các ứng dụng thần học, tôi sẽ chỉ đề cập một điều
: sự tham gia của các Kitô hữu trong cam kết tôn trọng và bảo tồn tạo thành. Đối
với tín hữu Kitô giáo, chủ nghĩa sinh thái không chỉ là một sự cần thiết thực tế
cho sự sống còn hay một vấn đề chính trị và kinh tế, nhưng có một nền tảng thần
học. Sáng tạo là công việc của Chúa Thánh Thần!
Phaolô
nói với chúng ta về một tạo thành đang "rên siết như lúc sinh con". Ngày
nay những tiếng rên siết lúc sinh con này trộn lẫn với những tiếng rên siết lúc
hấp hối và sinh thì. Thiên nhiên phải chịu, một lần nữa "không phải do nó",
một cảnh hư ảo và hư nát khác với những hư hỏng và hư nát thuộc trật tự thiêng
liêng như Phaolô nhận thấy, nhưng phát sinh từ cùng một nguồn mạch : tội lỗi và
ích kỷ của con người.
Bản
văn Phaolô mà chúng ta đang suy niệm có thể gợi hứng còn hơn một suy niệm về vấn
đề sinh thái : chính chúng ta đã nhận được những hoa quả đầu mùa của Thần Khí,
chúng ta có đang trong quá trình đẩy nhanh sự “giải thoát hoàn toàn vũ trụ và sự
tham dự của nó vào vinh quang của các con cái Thiên Chúa", hay chúng ta đang
trì hoãn nó, giống như tất cả những người khác ?
Tuy
vậy chúng ta hãy đề cập ứng dụng cá nhân hơn. Chúng ta công nhận con người là một
tiểu vũ trụ ; do đó, tất cả những gì chúng ta đã nói một cách tổng quát về cosmos đều được áp dụng cho nó với tư
cách một cá thể. Chúa Thánh Thần là Đấng khiến mỗi người chúng ta đi từ hỗn mang
đến cosmos : từ rối loạn, lộn xộn và
phân tán đến trật tự, hợp nhất và đẹp đẽ. Vẻ đẹp này hệ tại ở chỗ phù hợp với ý
muốn của Thiên Chúa và với hình ảnh của Đức Kitô, với việc từ con người cũ sang
con người mới.
Với
một ám chỉ gần như không che giấu về cuộc đời của mình, thánh Tông Đồ đã viết
cho người Côrintô: "Dù con người bên ngoài chúng tôi có tiêu tan đi, thì
con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới" (2Cr 4,16). Sự tiến
hóa của tinh thần nơi con người không diễn ra song song với sự tiến hóa của thân
thể, nhưng theo chiều ngược lại.
Nhờ
vào ba giải Oscar được trao và sự nổi tiếng của diễn viên chính, bộ phim có tựa
đề "Câu chuyện lạ lùng của Benjamin Button", lấy từ một truyện ngắn của
nhà văn Francis Scott Key Fitzgerald, đã được nói đến rất nhiều về. Đó là câu
chuyện về một người khi sinh ra đã già khọm, với những nét quái dị của một người
tám mươi tuổi, và người đó khi lớn lên, lại trẻ ra đến mức chết như một đứa trẻ.
Dĩ nhiên đây là một câu chuyện nghịch lý, nhưng có thể có một ứng dụng thậm chí
còn thật hơn nếu được chuyển sang bình diện thiêng liêng. Chúng ta sinh ra là
"những con người cũ" và phải trở thành "những con người mới".
Tất cả cuộc sống, không chỉ tuổi niên thiếu, là một "thời kỳ tiến
hóa"!
Theo
Tin Mừng, người ta không sinh ra là một đứa trẻ, người ta trở thành một đứa trẻ
! Một Giáo Phụ, thánh Maximô Torinô, định nghĩa lễ Vượt Qua như một sự vượt
"từ tội lỗi đến thánh thiện, từ nết xấu đến nhân đức, từ già cỗi đến tươi
trẻ: một sự tươi trẻ không hiểu về tuổi tác nhưng về sự ngây thơ. Quả thực chúng
ta đã là những người già khọm vì sự già cỗi của tội lỗi chúng ta, nhưng do sự
phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta đã được đổi mới trong sự ngây thơ vô tội của các
trẻ em".
Mùa
Chay là thời gian lý tưởng để áp dụng cho sự trẻ lại này. Một kinh tiền tụng của
mùa này công bố: "Chúa đã thiết lập cho con cái Chúa một thời gian cứu độ
đặc biệt để thanh tẩy tâm hồn, nhờ đó khi lòng trí dứt bỏ mọi tâm tình bất
chính, chúng con biết dùng của cải chóng qua mà vẫn gắn bó với gia tài vĩnh cửu
trên trời". Một lời nguyện trong sách Bí tích Gêlasiô ở thế kỷ thứ 7, vẫn
còn được sử dụng trong đêm Vọng Phục Sinh, long trọng công bố: "Ước gì cả
thế giới nghiệm thấy và nhìn nhận rằng : vạn vật suy vong đã được trỗi dậy,
muôn loài già cỗi được đổi mới và hết thảy được phục hồi nguyên vẹn như xưa nhờ
chính Đức Kitô là căn nguyên tất cả".
Chúa
Thánh Thần là hồn của sự đổi mới và trẻ hóa này. Hãy bắt đầu ngày sống của
chúng ta bằng cách đọc câu đầu tiên của bài thánh thi được sáng tác để vinh
danh Người: "Xin hãy đến, lạy thần khí sáng tạo" : Xin hãy đến đổi mới
trong cuộc đời con việc lạ lùng của sự sáng tạo đầu tiên, thổi hơi thở vào sự
trống rỗng, tối tăm và hỗn mang của lòng con, và xin hướng dẫn con biết hoàn
thành "thiết kế thông minh" của Thiên Chúa trong cuộc đời con.
(lấy ý trong R.
Cantalamessa, Bài giảng thứ nhất Mùa Chay năm 2009, tại Phủ Giáo hoàng)
Lm
Micae Trần Đình Quảng