THÁNH GRÊGORIÔ NADIAN :

THẦY DẠY TIN VÀO BA NGÔI

 

Cách đây không lâu, có một số mệnh đề thần học, mặc dù giữa chúng có những khác biệt sâu xa, đều có một lược đồ cơ bản chung, khi thì minh nhiên, khi thì mặc nhiên. Lược đồ này rất đơn giản, vì rút gọn. Hai mầu nhiệm lớn nhất của đức tin là Ba Ngôi và Nhập Thể: Thiên Chúa là Một và Ba Ngôi; Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là người. Trong những mệnh đề tôi đang nghĩ đến, tâm điểm này được trình bầy như sau : Thiên Chúa là Một, và Đức Giêsu Kitô là người, đến nỗi thần tính của Đức Kitô không còn nữa, và cùng với thần tính ấy là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Kết quả của quá trình này cuối cùng là, một cách mặc nhiên và giả hình, chấp nhận hai đức tin và hai Kitô giáo khác nhau, không có điểm chung nào ngoại trừ tên của chúng : Kitô giáo của Kinh Tin Kính của Giáo Hội, của các bản tuyên ngôn đại kết chung, trong đó, với những lời của kinh Tin Kính Nicêa và Constantinopoli, người ta tiếp tục tuyên xưng đức tin vào Ba Ngôi và thần tính đầy đủ của Đức Kitô, và bên kia là Kitô giáo của các tầng văn hoá rộng lớn, cả chú giải Kinh thánh và thần học, nơi cùng một chân lý hoặc bị bỏ rơi hoặc được giải thích cách khác nhau.

Trong bầu khí này, trở lại với các Giáo Phụ là cách thích hợp nhất, không chỉ để biết nội dung của tín điều trong tình trạng tín điều vừa mới khai sinh, mà hơn thế nữa để tìm lại được sự hiệp nhất sống còn giữa đức tin được tuyên xưng và đức tin được sống, giữa "sự vật" (res) và "lời công bố" (enuntiabile). Đối với các Giáo Phụ, Ba Ngôi và một Thiên Chúa, hai bản tính và một ngôi vị nơi Đức Kitô không phải là các chân lý được quyết định xung quanh một bàn họp, hoặc tranh luận trong các sách vở để đối thoại với các sách vở khác ; chúng là những thực tại tối cần cho đời sống.

1. Thánh Grêgoriô Nadian, ca viên tán tụng Ba Ngôi

Người khổng lồ (xem bài thánh Athanasiô, tin vào thần tính Đức Kitô) mà chúng ta muốn đứng trên vai ngày hôm nay là thánh Grêgoriô Nadian ; vần đề mà chúng ta muốn khảo sát cùng với ngài là Ba Ngôi. Ngài là tác giả của bức tranh vinh quang phơi bày mạc khải của Thiên Chúa Ba Ngôi trong lịch sử và phương pháp sư phạm của Thiên Chúa được mạc khải ở đó. Cựu Ước viết và công khai tuyên bố sự hiện hữu của Chúa Cha, và bắt đầu cho thoáng thấy sự hiện hữu của Chúa Con ; Tân Ước công khai công bố Chúa Con và bắt đầu mạc khải thần tính của Chúa Thánh Thần ; giờ đây, trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần tỏ hiện rõ ràng, và chúng ta tuyên xưng vinh quang của Ba Ngôi chí thánh. Thiên Chúa đã dần dần cho thấy sự tỏ hiện của Ngài, thích ứng với thời đại và khả năng tiếp nhận của con người.

Ba cách tỏ hiện đó không liên quan gì đến chủ đề được gán cho Gioakim Florê về ba thời kỳ : thời kỳ của Chúa Cha trong Cựu Ước, thời kỳ của Chúa Con trong Tân Ước và thời kỳ của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Sự khác biệt của thánh Grêgoriô là ở trong thứ tự tỏ hiện, không phải của "hữu thể" hay "hành động" của Ba Ngôi, vì Ba Ngôi lúc nào cũng hiện diện và hành động chung với nhau.

Grêgoriô Nadian đã làm sáng tỏ tín điều Ba Ngôi, và vì vậy người ta gán cho ngài danh hiệu "nhà thần học" (ho Theologos) như truyền thống quen gọi. Ngài đã có công đặt ra công thức hoàn hảo cho chính thuyết về Ba Ngôi, với những câu đã trở thành di sản chung của thần học. Kinh tin kính giả hiệu Athanasiô "Quicumque", được sáng tác khoảng một thế kỷ sau đó, mắc nợ Grêgoriô không phải là ít.

Dưới đây là một số công thức kết tinh của ngài:

"Ngài đã là, Ngài đã là, và Ngài đã là : nhưng Ngài đã là một. Ngài là Ánh sáng, là ánh sáng và là ánh sáng nhưng chỉ có duy nhất một ánh sáng. Đó là điều David đã từng tưởng tượng khi ông nói: "Nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng" (Tv 35,10). Và bây giờ chúng ta nhìn thấy và chúng ta rao giảng. Từ ánh sáng là Chúa Cha, chúng ta đạt tới ánh sáng là Chúa Con, trong ánh sáng của Thần Khí : thần học vắn tắt và đơn giản về Ba Ngôi [...]: Thiên Chúa, nếu được phép nói ngắn gọn, không phân chia thành những hữu thể chia cắt nhau".

Sự đóng góp chính của các Giáo Phụ vùng Cappađocia trong việc công thức hóa tín điều Ba Ngôi là  đã đi tới cùng sự phân biệt hai khái niệm ousiahypostasis, "bản thể" và "ngôi vị", tạo cơ sở khái niệm vĩnh viễn nhờ đó đức tin nơi Ba Ngôi được diễn tả. Đối với tư tưởng của nhân loại, đây là một trong những điều mới mẻ vĩ đại nhất của thần học Kitô giáo. Khái niệm hiện đại về ngôi vị như một tương quan được khai triển từ đó.

Mặt yếu của thần học Ba Ngôi nơi các ngài, mà chính các ngài cũng thấy, là mối nguy hiểm khi quan niệm sự liên hệ giữa bản thể thần linh duy nhất và ba ngôi vị  Cha, Con và Thánh Thần theo kiểu liên hệ có trong bản tính giữa loài và cá thể (ví dụ giữa loài người và mỗi con người), do đó dễ bị người ta tố cáo là chủ thuyết ba Thiên Chúa (trithéisme, tam thần).

Grêgoriô Nadian cố gắng trả lời cho vấn nạn này, khẳng định rằng mỗi ngôi trong ba ngôi hợp nhất với hai ngôi kia không kém hơn ngôi đó hợp nhất với chính mình. Vì cùng một lý do, ngài cũng từ chối những tương đồng cổ truyền của "nguồn, suối, sông" hoặc "mặt trời, tia nắng, ánh sáng". Nhưng cuối cùng, một cách thẳng thắn, ngài chấp nhận thích nguy cơ này - nguy cơ quá nhấn mạnh sự phân biệt các ngôi – hơn là nguy cơ lạc thuyết hình thái (modalisme) đối nghịch. Ngài nói: "Thà có một ý tưởng, mặc dù không đầy đủ, về sự hợp nhất Ba Ngôi, hơn là mắc tội phạm thượng tuyệt đối".

Tại sao chọn thánh Grêgoriô Nadian làm thầy dậy tin vào Ba Ngôi? Lý do cũng giống như lý do chúng ta chọn Athanasiô làm thầy dậy tin vào thần tính của Đức Kitô. Đối với Grêgoriô, Ba Ngôi không phải là một chân lý trừu tượng, hoặc chỉ thuần túy là một tín điều ; đó là niềm đam mê của ngài, môi trường sống của ngài, chỉ cần gọi tên Ba Ngôi là trái tim của ngài rung động.

Chính thống giáo gọi ngài là "ca viên tán tụng Ba Ngôi". Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì chúng ta biết về nhân cách của ngài. Grêgoriô Nadian là một con người có tấm lòng thậm chí còn lớn hơn trí khôn của mình, một tính khí nhạy cảm với sự quá đáng, đến mức làm ngài phải nhiều phen thất vọng và đau khổ trong mối quan hệ với người khác, bắt đầu với bạn thân của mình là thánh Basiliô.

Sự nhiệt tình của ngài đối với Ba Ngôi được thấy rõ trong các tác phẩm thi ca của ngài. Ngài sử dụng những kiểu nói như "Ba Ngôi của tôi”, "Ba Ngôi yêu dấu". Grêgoriô là người tình của Ba Ngôi. Ngài viết:

"Từ ngày tôi từ bỏ những sự việc của thế gian này để dành linh hồn tôi cho những chiêm niệm sáng chói, khi thượng trí đưa tôi ra khỏi thế gian này để đặt tôi xa tất cả những gì là xác thịt, kể từ ngày đó tôi lóa mắt bởi ánh sáng của Ba Ngôi... Từ chỗ ngự trị cao vời, Ba Ngôi đổ xuống trên mọi sự luồng sáng khôn tả của Ngài... Từ ngày đó tôi chết cho thế gian và thế gian chết cho tôi".

Chỉ cần so sánh những lời này với những kiểu diễn tả hoàn hảo về mặt kỹ thuật, nhưng lạnh lùng của kinh tin kính "Quicumque" mà ngày xưa người ta đã đọc trong kinh thần vụ Chúa Nhật, để thấy được khoảng cách giữa đức tin sống động của các Giáo Phụ với đức tin mang tính hình thức, lặp đi lặp lại, được thiết lập sau đó, cho dù đức tin này cũng thực hiện một nhiệm vụ quan trọng.

2. Chúng ta không thể sống thiếu Ba Ngôi

Giờ đây, như thường lệ, là một vài suy tư về những gì các Giáo Phụ có thể cống hiến cho chúng ta, trong lãnh vực này, để làm mới lại đức tin của chúng ta. Người ta biết rõ là thần học Tây phương đã luôn phải tự vệ trước nguy cơ đối nghịch với nguy cơ chủ thuyết tam thần, mà Grêgoriô Nadian, như chúng ta đã thấy, đã phải tự vệ; hoặc nguy cơ nhấn mạnh sự hợp nhất bản tính, có hại cho sự tách biệt các ngôi vị.

Chính trong lãnh vực này mà viễn tượng tự nhiên thần giáo (déisme) của Descartes và các triết gia thời Khai sáng đã phát triển, hoàn toàn phớt lờ Ba Ngôi để chỉ tập trung vào Thiên Chúa, được quan niệm như Hữu Thể tối cao. Kant đã đưa ra kết luận nổi tiếng là "từ giáo thuyết Ba Ngôi, hiểu theo nghĩa đen, người ta tuyệt đối không thể rút ra được điều gì trong thực hành". Nói cách khác, giáo thuyết này không quan trọng cho đời sống của con người và của Giáo Hội.

Đây chắc chắn là một trong những yếu tố mở đường cho chủ thuyết vô thần hiện đại. Nếu trong thần học, thay vì nói đến một "Hữu Thể tối cao" mơ hồ, người ta duy trì ý tưởng về một Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, thì hẳn Feuerbach đã không dễ dàng khi phổ biến thành công chủ thuyết của mình, một chủ thuyết cho rằng Thiên Chúa là một sự phóng chiếu mà con người tạo ra từ chính mình và yếu tính của mình. Quả thực con người cần gì phải tự chia thành ba : Cha, Con và Thánh Thần? Và trong ý nghĩa nào thì Ba Ngôi có thể là sự phóng chiếu và thăng hoa do tâm trí con người tạo ra? Đó là tự nhiên thần giáo mơ hồ bị Feuerbach tiêu diệt, chứ không phải là niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất và ba ngôi.

Tuy nhiên, nếu quan điểm của người Latinh về Ba Ngôi một mặt làm cớ gây ra sự lạc hướng của tự nhiên thần giáo, thì mặt khác, người ta tìm ra biện pháp hiệu quả nhất chống lại nó. Người ta sẽ không bao giờ biết ơn Augustinô cho đủ, vì đã diễn giải Ba Ngôi dựa vào lời của Gioan: "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,10). Theo Augustinô, Thiên Chúa là tình yêu vì Ngài là Ba Ngôi! "Tình yêu giả thiết có người yêu, người được yêu, và tình yêu". Trong Ba Ngôi, Chúa Cha là người yêu, nguồn mạch và khởi đầu mọi sự ; Chúa Con là người được yêu ; Chúa Thánh Thần là tình yêu nhờ đó Chúa Cha và Chúa Con yêu thương nhau.

Yêu là yêu ai đó hay cái gì đó, cũng như biết, theo Husserl giải thích, là biết cái gì đó. Không có tình yêu "trống rỗng", không đối tượng. Bây giờ, ai là người Thiên Chúa yêu, để được định nghĩa là "tình yêu"? Con người chăng? Nhưng khi ấy con người chỉ là tình yêu một vài trăm triệu năm. Vũ trụ chăng? Nhưng rồi vũ trụ chỉ là tình yêu một vài chục tỷ năm. Vậy trước đây, Thiên Chúa yêu ai để là "tình yêu"? Các nhà tư tưởng Hy lạp và, nói chung, các triết lý tôn giáo của mọi thời đại, đã quan niệm Thiên Chúa đặc biệt bằng những hạn từ "tư tưởng", đã có thể trả lời: Thiên Chúa tư duy chính mình; Ngài là "tư tưởng thuần khiết". Nhưng không thể như vậy nữa, kể từ khi người ta nói rằng Thiên Chúa tiên vàn là "tình yêu", vì "thuần túy yêu mình" sẽ là ích kỷ thuần túy, không phải là hết sức ca ngợi tình yêu, nhưng là hoàn toàn phủ nhận tình yêu.

Đây là câu trả lời của mạc khải, được Giáo Hội làm rõ với giáo về thuyết Ba Ngôi. Thiên Chúa mãi mãi là tình yêu, ab aeterno (từ đời đời) vì ngay cả trước khi có một đối tượng bên ngoài Ngài để yêu, thì nơi Ngài đã có Ngôi Lời, là Con, mà Ngài yêu bằng tình yêu vô biên, tức là "trong Chúa Thánh Thần". Điều này không giải thích sự duy nhất có thể đồng thời là ba ngôi như thế nào (đây là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể biết được bởi vì xẩy ra chỉ ở nơi Thiên Chúa), nhưng đủ để chúng ta ít nhất đoán ra tại sao, nơi Thiên Chúa, sự duy nhất cũng phải là ba ngôi.

Một Thiên Chúa là Kiến thức thuần túy, Lề luật thuần túy hoặc Quyền lực thuần túy chắc chắn sẽ không cần phải là ba ngôi (chỉ tổ gây vô vàn phức tạp cho sự vật) ; nhưng một Thiên Chúa tiên vàn là Tình yêu thì cần, bởi vì "nếu không có ít là hai người, không thể có tình yêu". Henri de Lubac viết: "Thế giới phải biết điều này : mạc khải Thiên Chúa Tình Yêu làm đảo lộn tất cả những gì người ta đã hiểu về thần tính".

Mạc khải tình yêu chắc chắn chỉ là một loại suy của con người, nhưng chắc chắn là điều tốt nhất cho phép chúng ta nhìn vào những chiều sâu mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong đó người ta thấy thần học Latinh hội nhập thần học Hylạp, và hai thần học ấy không thể bỏ qua nhau. Chủ đề tình yêu thực tế hầu như không xuất hiện trong thần học Ba Ngôi của người Đông phương, những người thích sử dụng loại suy về ánh sáng hơn. Phải đợi tới Grêgoriô Palamas thì mới có thể đọc, trong vũ trụ Hylạp, một cái gì đó tương tự như những gì Augustinô nói về tình yêu trong Ba Ngôi.

Ngày hôm nay, một số người muốn bỏ qua một bên tín điều Ba Ngôi để tạo điều kiện đối thoại với các tôn giáo độc thần lớn khác. Đó là một việc làm tự sát. Cũng giống như loại bỏ xương sống của một người để làm cho người đó đi nhanh hơn! Thần học, phụng vụ, tu đức và tất cả đời sống Kitô giáo, thấm nhuần tín điều đó đến mức từ bỏ nó có nghĩa là mở ra một tôn giáo khác, hoàn toàn khác.

Điều đúng hơn chúng ta phải làm, như các Giáo Phụ đã dạy, là lấy mầu nhiệm này ra khỏi các sách thần học và đưa vào cuộc sống, để Ba Ngôi không còn là một mầu nhiệm thuần túy được nghiên cứu và công thức hóa cho đúng, nhưng là một mầu nhiệm được sống, được tôn thờ và được yêu mến. Đời sống Kitô giáo diễn ra từ đầu đến cuối dưới dấu chỉ và trước mặt Ba Ngôi. Lúc bắt đầu cuộc sống, chúng ta đã được rửa tội "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần", và nếu chúng ta được ơn chết như một người Kitô hữu, chúng ta sẽ được nghe đọc bên giường chết: "Hỡi linh hồn người Kitô hữu, hãy ra khỏi thế gian này, nhân danh Chúa Cha là Đấng đã dựng nên con, nhân danh Chúa Con là Đấng đã cứu độ con và nhân danh Chúa Thánh Thần là Đấng đã thánh hóa con".

Giữa hai thời điểm đầu tiên và cuối cùng này là thời gian "chóng qua", mà đối với người Kitô hữu, được ghi dấu bằng một lời cầu khẩn Ba Ngôi. Chính nhờ danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà vợ chồng kết hợp với nhau trong hôn nhân và trao đổi nhẫn cưới, mà các linh mục và giám mục được thánh hiến. Đã có thời các khế ước, phán quyết và tất cả các hành vi quan trọng của đời sống dân sự và tôn giáo bắt đầu bằng công thức "nhân danh Ba Ngôi". Thiên Chúa Ba Ngôi là lòng mẹ nơi đã mang thai chúng ta (x. Ep 1,4) nhưng cũng là hải cảng mà chúng ta vượt biển hướng về đó. Ba Ngôi là "Thái bình dương", tất cả đều đổ ra từ đó cũng như chảy ngược về đó.

3. Ôi, Ba Ngôi diễm phúc

Thánh Grêgoriô Nadian lẽ ra phải làm dấy lên trong chúng ta một ước vọng táo bạo về Ba Ngôi : làm cho Ba Ngôi trở thành "Ba Ngôi" của chúng ta, Ba Ngôi "yêu quý", "Ba Ngôi đáng mến". Một số những điểm nhấn nói trên tràn ngập tôn thờ, cảm xúc và ngạc nhiên, vang lên trong các bản văn của lễ trọng kính Ba Ngôi. Chúng ta phải đưa chúng từ phụng vụ đến cuộc sống. Có một điều gì đó mà chúng ta có thể làm với Ba Ngôi hơn là cố gắng hiểu nó. Đó là bước vào trong mầu nhiệm này ! Chúng ta không thể ôm đại dương trong vòng tay, nhưng chúng ta có thể đi vào trong đó ; chúng ta không thể ôm lấy mầu nhiệm Ba Ngôi bằng tâm trí, nhưng chúng ta có thể đi vào trong đó!

Một "cánh cửa" duy nhất cho phép đi vào trong Ba Ngôi : Đức Giêsu Kitô. Nhờ sự chết và sự sống lại của Ngài, Ngài đã mở ra cho chúng ta một con đường mới, một con đường sống, để đi vào nơi cực thánh là Ba Ngôi (Dt 10, 19-20) và Ngài đã để lại cho chúng ta những phương tiện giúp ta theo Ngài trên con đường trở lại này. Giáo Hội là phương tiện đầu tiên và phổ quát nhất. Augustinô nói : khi chúng ta muốn vượt qua một eo biển, điều quan trọng nhất không phải là đứng ở bờ bên này và mở to đôi mắt xem có gì ở bờ bên kia, nhưng lên trên chiếc thuyền đưa chúng ta tới đó. Điều quan trọng nhất đối với chúng ta cũng không phải là suy tư về Ba Ngôi, nhưng là giữ đức tin của Giáo Hội hướng về Ba Ngôi.

Trong Giáo Hội, Thánh Thể là phương tiện tuyệt vời. Thánh lễ là một hành động của Ba Ngôi từ đầu đến cuối ; Thánh lễ bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và kết thúc bằng phúc lành của Cha, Con và Thánh Thần. Đó là của lễ mà Đức Giêsu, đầu và nhiệm thể, làm bằng chính Ngài dâng cho Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Thánh lễ cho phép chúng ta thực sự thâm nhập vào trái tim của Ba Ngôi.

Đối với các anh em chính thống, ảnh thánh (icône) là một phương tiện quan trọng để đi vào mầu nhiệm. Ảnh Ba Ngôi của Rublev là một tổng hợp đầy ẩn dụ của giáo thuyết Ba Ngôi của các Giáo Phụ vùng Cappađocia, đặc biệt của Grêgoriô Nadian. Người ta nhận ra trong bức ảnh này một sự pha trộn giữa chuyển động không ngừng và tĩnh lặng siêu nhân, giữa siêu việt và hạ cố. Tín điều về sự duy nhất và ba ngôi của Thiên Chúa có thể thấy được trong ba nhân vật được trình bầy theo một cách rất phân biệt, nhưng cũng rất giống nhau. Vòng tròn lý tưởng xung quanh các Ngài làm nổi bật sự duy nhất ; nhưng cách sắp đặt và sự chuyển động khác nhau của mỗi vị cũng nói lên sự phân biệt giữa các Ngài.

Thánh Sergiô Radonezh, mà bức ảnh này được vẽ cho  tu viện của ngài, là một nhân vật nổi bật trong lịch sử Nga, vì đã mang lại sự hiệp nhất giữa các nhà lãnh đạo đang bất đồng với nhau và vì đã ủng hộ việc giải phóng nước Nga khỏi tay quân xâm lược Tartares. Phương châm của ngài, mà Rublev đã cố gắng giải thích bằng bức ảnh, là: "Chiến thắng sự bất hòa đáng ghét của thế giới này bằng cách chiêm ngắm Ba Ngôi Chí Thánh". Thánh Grêgoriô Nadian đã có cùng một ý nghĩ, và Ngài đã thể hiện nó trong những câu thơ có lẽ là bản di chúc tinh thần của ngài:

Tôi tìm kiếm sự cô đơn, một nơi mà cái ác không thể tiếp cận được,

Nơi mà, với một tinh thần không phân chia, tôi có thể tìm kiếm Thiên Chúa của tôi

Và làm dịu đi tuổi già của tôi với hy vọng ngọt ngào về quê trời.

Tôi sẽ để lại gì cho Giáo hội ? Tôi sẽ để lại những giọt nước mắt của tôi ...

Những suy nghĩ của tôi đi tới ngôi nhà không biết đến hoàng hôn,

Tới Ba Ngôi yêu dấu của tôi, ánh sáng độc nhất,

Mà bóng tối âm u duy nhất của nó hôm nay gợi lên trong tôi một cảm xúc mạnh mẽ".

Linh đạo Latinh không kém phần phong phú giúp biến Ba Ngôi thành một mầu nhiệm quen thuộc với chúng ta, được chúng ta yêu mến. Nó cũng nhấn mạnh một chiều hướng ngược lại : không phải chúng ta đi vào trong Ba Ngôi, nhưng là Ba Ngôi đi vào trong chúng ta. Theo truyền thống chính thống giáo, giáo thuyết về sự cư ngụ ưu tiên đưa về Chúa Thánh Thần. Chính thần học Latinh đã khai triển, trong tiềm năng của mình, giáo thuyết Kinh thánh về sự cư ngụ của cả Ba Ngôi trong linh hồn: "Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14,23). Đức Piô XII đã dành một chỗ trong thông điệp Mystici corporis (Nhiệm Thể), nói rằng nhờ việc cư ngụ này, chúng ta "tham dự ngay từ bây giờ niềm vui và hạnh phúc của Ba Ngôi".

Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng "tình yêu được đổ xuống lòng ta nhờ Thánh Thần" (Rm 5,5) không gì khác hơn là tình yêu mà từ đời đời Cha yêu mến Con. Người là sự tuôn tràn tình yêu thần linh của Ba Ngôi trên chúng ta. Thiên Chúa chuyển đạt cho linh hồn "cùng một tình yêu mà Người chuyển đạt cho Chúa Con, mặc dù không phải do cảm tính, nhưng do sự kết hợp... Linh hồn tham dự vào bản tính Thiên Chúa, khi cùng với Người hoàn tất công việc của Ba Ngôi Chí Thánh". Chân Phước Elidabét Ba Ngôi gợi ra cho chúng ta một phương pháp đơn giản để biến tất cả những điều đó thành một chương trình sống: "Tất cả sự luyện tập của tôi là trở vào “bên trong” tôi và tự mất đi trong Ba Ngôi đang ngự ở đó".

Tôi coi đây là một lý do nữa, và là một trong những lý do sâu xa nhất, để rao giảng Tin Mừng. Cách đây vài ngày, tôi đã đọc trong phụng vụ giờ kinh những lời của Thiên Chúa trong sách Isaia: "Kẻ được Ta đoái nhìn : đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người nghe lời Ta mà run sợ" (Is 66,2). Khi ấy, tôi chợt nghĩ. Tôi tự hỏi, sự khác biệt lớn lao giữa người được rửa tội và người không được rửa tội hệ tại điều gì : Thiên Chúa  đoái nhìn người không được rửa tội, Người hiện diện một cách có chủ ý, cùng với tình yêu và sự quan phòng của Người ; còn đối với người được rửa tội, Người không chỉ đoái nhìn anh ta mà còn cư ngụ nơi anh ta, ngay cả cùng với Ba Ngôi. Đúng là Thiên Chúa có thể thích một sự hiện diện có chủ ý được chấp nhận và được sống hơn là một sự hiện diện do phép rửa mà bị thờ ơ hoặc bị từ chối, nhưng không thừa nhận ân sủng và đặc ân được rửa tội và được là Kitô hữu sẽ là một sự vô ơn.

Chúng ta chấm dứt bài suy niệm bằng cách cùng nhau đọc lại vinh tụng ca kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể, và là lời kinh ngắn nhất, ý nghĩa nhất mà Giáo hội có thể dâng lên Ba Ngôi: "Chính nhờ Người với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen."

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ hai Mùa Chay năm 2012, tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều