THÁNH GRÊGORIÔ NYSSÊ,

CON ĐƯỜNG BIẾT ĐỨC KITÔ

 

1. Hai chiều kích đức tin

Về đức tin, thánh Augustinô đã phân biệt, một sự phân biệt vẫn còn tính chất cổ điển ngay cả ngày nay : giữa những điều được tin và hành vi tin: "Aliud sunt ea quae creduntur, aliud fides qua creduntur", giữa fides quaefides qua, như nói trong thần học. Fides quae còn được gọi là "đức tin khách quan," fides qua là "đức tin chủ quan." Tất cả suy tư Kitô giáo về đức tin diễn ra giữa hai cực này.

Từ đó có hai hướng. Một đàng, có những người nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ trong đức tin và do đó đức tin khách quan, như đồng ý với các chân lý được mạc khải ; đàng khác có những người nhấn mạnh  tầm quan trọng của ý chí và tình cảm, do đó đức tin chủ quan, tin vào một người nào đó ("tin vào"), hơn là tin điều gì đó ("tin rằng"). Một đàng, nhấn mạnh những lý do của lý trí, đàng khác, nhấn mạnh "những lý do của con tim", như Pascal nói.

Sự dao động này xuất hiện lại, dưới các hình thức khác nhau, ở mỗi khúc quanh của lịch sử thần học : thời Trung Cổ, có sự nhấn mạnh khác nhau giữa thần học của thánh Tôma và thần học của thánh Bonaventura ; thời Cải Cách, giữa đức tin "phó thác" của Luthêrô và đức tin Công giáo được định hình bởi đức ái ; sau đó, giữa đức tin của Kant trong những giới hạn của lý trí thuần túy và đức tin dựa trên tình cảm của Schleiermacher và của chủ nghĩa lãng mạn nói chung ; gần chúng ta hơn, giữa đức tin của thần học tự do và đức tin hiện sinh của Bultmann, thực tế không có bất kỳ nội dung khách quan nào.

Như những lần khác trong quá khứ, thần học công giáo đương đại cố gắng cân bằng giữa hai chiều kích đức tin. Người ta vượt qua giai đoạn trong đó, vì những lý do bút chiến ngẫu nhiên, các sách giáo khoa thần học cuối cùng đều tập chú vào đức tin khách quan (fides quae), có nghĩa là vào toàn bộ những chân lý phải tin. Người ta đọc thấy trong một từ điển có uy tín về thần học (Dictionnaire critique de théologie): "Trong trào lưu nổi bật của tất cả các giáo phái, ngày nay hành vi tin xuất hiện như khám phá ra “một Thiên Chúa ở ngôi thứ hai” (un Tu divin, a divine You). Từ đây khoa hộ giáo của bằng chứng có xu hướng đứng sau khoa sư phạm về kinh nghiệm thiêng liêng, một kinh nghiệm có xu hướng khai mào một kinh nghiệm Kitô giáo, mà người ta công nhận là có thể được tiên thiên ghi khắc nơi mỗi người" (art. ‘Foi’). Nói khác đi, thay vì dựa vào sức mạnh của những luận chứng bên ngoài con người, người ta muốn giúp người đó tìm thấy nơi mình sự củng cố đức tin, cố gắng đánh thức tia lửa sáng lên trong "con tim xao xuyến" của mỗi người, vì họ được tạo dựng "theo hình ảnh của Thiên Chúa".

Tôi mở đầu như vậy để một lần nữa cho thấy các Giáo Phụ có thể góp phần vào nỗ lực của chúng ta, hầu làm cho đức tin của Giáo Hội lại được huy hoàng và mạnh mẽ. Điều lớn nhất trong số đó là những mô hình duy nhất của một đức tin vừa khách quan vừa chủ quan, nói cách khác, vừa bận tâm về nội dung và tính chính thống của đức tin, đồng thời đức tin đó được tin và được sống với tất cả sự nhiệt thành của tâm hồn. Thánh Tông Đồ đã tuyên bố: "tin trong lòng" (Rm 10,10), người ta tin bằng trái tim của mình, và, như chúng ta biết, chữ "trái tim" trong Kinh thánh chỉ ra hai chiều kích thiêng liêng của con người, tức trí khôn và ý chí, nơi tượng trưng cho tri thức và tình yêu. Theo viễn tượng này, các Giáo Phụ là một dây liên kết cần thiết để tái khám phá đức tin như Kinh Thánh mong muốn.

2. "Tôi tin kính một Thiên Chúa"

Trong bài suy niệm này, chúng ta nại tới các Giáo Phụ để canh tân đức tin vào đối tượng đầu tiên của nó, vào những gì người ta thường hiểu về chữ “tin” và dựa trên những gì tạo nên sự khác biệt giữa người tin và người không tin : tin có Thiên Chúa. Chúng ta đã suy niệm về thần tính của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần và Ba Ngôi. Nhưng tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là giai đoạn cuối cùng của đức tin, "mục nói thêm" này về Thiên Chúa được Đức Kitô mạc khải. Để có được đức tin đầy đủ này, tiên vàn phải tin vào Thiên Chúa. Trước khi tin Thiên Chúa Ba Ngôi, phải tin một Thiên Chúa duy nhất.

Thánh Grêgoriô Nadian nhắc chúng ta đường lối sư phạm của Thiên Chúa khi Người tỏ mình ra cho chúng ta. Trong Cựu Ước, Chúa Cha được mặc khải cách công khai, Chúa Con được mạc khải cách che giấu ; trong Tân Ước, Chúa Con được mạc khải cách công khai và Chúa Thánh Thần được mạc khải cách che giấu. Giờ đây, trong Giáo Hội, tất cả Ba Ngôi cùng với ánh sáng đầy đủ của Người được mạc khải cách công khai. Đức Giêsu cũng bảo : Ngài không nói với các tông đồ những điều họ “chưa có sức chịu nổi" (Ga 16,12). Chúng ta phải theo phương pháp sư phạm ấy đối với những người mà chúng ta muốn loan báo đức tin hôm nay.

Thư Do thái nói rằng bước đầu tiên để đến với Thiên Chúa là "phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người" (Dt 11, 6). Tất cả tùy thuộc vào bước đầu tiên này, và nó sẽ vẫn cần thiết ngay cả khi đã tin vào Ba Ngôi. Chúng ta hãy thử xem các Giáo Phụ có thể gợi hứng cho chúng ta thế nào từ quan điểm này, mà vẫn nhìn đến mục tiêu chính của chúng ta, không phải mục tiêu hộ giáo, nhưng là thiêng liêng, nghĩa là tập trung vào việc củng cố đức tin của chúng ta hơn là vào việc truyền đạt nó cho người khác. Người hướng dẫn mà chúng ta chọn trong cách tiếp cận này là thánh Grêgoriô Nyssê.

Grêgoriô Nyssê (331-394), em ruột thánh Basiliô, bạn và người đồng thời với Grêgoriô Nadian, là một Giáo Phụ và Tiến Sĩ Giáo Hội ngày càng cho thấy rõ tầm vóc trí tuệ và tầm quan trọng quyết định trong sự phát triển tư tưởng Kitô giáo. "Một trong những nhà tư tưởng uy thế  và độc đáo nhất trong lịch sử của Giáo Hội" (L. Bouyer), "người sáng lập một cách sống đạo thần bí mới lạ và xuất thần" (H. von Campenhausen).

Không như chúng ta, các Giáo Phụ không cần phải chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng là sự duy nhất của Thiên Chúa ; các ngài không phải chống lại thuyết vô thần, nhưng là thuyết đa thần. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy rằng con đường các ngài vạch ra để có thể biết một Thiên Chúa độc nhất, cũng là con đường có thể dẫn dắt con người ngày nay khám phá không gì hơn là Thiên Chúa.

Để làm nổi bật sự đóng góp của các Giáo Phụ, đặc biệt của Grêgoriô Nyssê, phải biết vấn đề về sự duy nhất của Thiên Chúa được trình bầy như thế nào trong thời đại của các ngài. Khi giáo thuyết về Ba Ngôi ngày càng trở nên rõ ràng hơn, các Kitô hữu đã bị cáo buộc cùng một vấn đề như họ đã cáo buộc dân ngoại : tin vào đa thần. Điều này giải thích sự bổ sung, tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa, vào câu đầu tiên trong Kinh Credo của các Kitô hữu. Sau ba thế kỷ khi mà kinh tin kính trong tất cả các lần biên tập đều bắt đầu bằng câu "Tôi tin kính Thiên Chúa" (Credo in Deum), thì vào thế kỷ IV, người ta thấy xuất hiện công thức "Tôi tin kính một Thiên Chúa (Credo in unum Deum ), rồi ra sẽ không thay đổi nữa.

Ở đây, không cần phải ghi lại đầu đuôi con đường dẫn đến kết quả này; chúng ta chỉ cần để ý nó kết thúc như thế nào. Khoảng cuối thế kỷ IV, việc thay đổi thuyết độc thần của Cựu Ước thành độc thần ba ngôi của các Kitô hữu sắp chấm dứt. Để diễn tả hai khía cạnh của mầu nhiệm, người Latinh đã sử dụng công thức "một bản thể và ba ngôi vị", người Hy Lạp thì sử dụng công thức "ba hypostasis, một ousia". Sau những cuộc thảo luận khó khăn, quá trình này dường như đã được ký kết bằng một thỏa thuận hoàn toàn giữa hai nền thần học. Grêgoriô Nadian đã kêu lên: "Người ta có thể quan niệm một thỏa thuận đầy đủ hơn và nói điều đó cách tuyệt đối hơn, bằng cách dùng các từ khác nhau sao?"

Thực sự vẫn có một sự khác biệt giữa hai cách diễn tả mầu nhiệm. Ngày nay, người ta thường bảo người Hy Lạp và người Latinh xem xét vấn đề Ba Ngôi với lăng kính khác nhau ; người Hy Lạp đi từ các ngôi vị, nghĩa là từ ba ngôi đến sự duy nhất bản tính (từ số nhiều đến số ít) ; ngược lại, người Latinh đi từ sự duy nhất bản tính đến ba ngôi vị. "Người Latinh xem ngôi vị như một cách hiện hữu của bản tính ; người Hy Lạp xem bản tính như là nội dung của ngôi vị”.

Nhưng tôi nghĩ rằng sự khác biệt trên cũng có thể được giải thích theo cách khác. Cả người Latinh lẫn người Hy Lạp, khởi đi từ sự duy nhất của Thiên Chúa ; cả tín biểu Hy Lạp lẫn tín biểu Latinh bắt đầu bằng "Tôi tin kính một Thiên Chúa" (Credo in unum Deum!). Ngoại trừ đối với người Latinh sự duy nhất này còn được hiểu là vô ngôi hoặc trước ngôi vị ; chính là bản tính Thiên Chúa, sau đó được xác định bằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dĩ nhiên không được nghĩ là bản tính ấy có trước ngôi vị. Trái lại, đối với người Hy Lạp, đây là một sự duy nhất đã có ngôi vị, vì đối với họ "sự duy nhất là Chúa Cha, từ Người và hướng tới Người mà hai ngôi kia có danh xưng." Tín khoản đầu tiên của tín biểu Hy Lạp cũng là: "Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng" (Credo trong unum Deum Patrem omnipotentem), trừ ra ở chỗ này: "Cha toàn năng" không tách khỏi 'unum Deum', như trong tín biểu Latinh, nhưng cùng với ‘unum Deum’ làm thành toàn bộ: "Tôi tin kinh một Thiên Chúa là Cha toàn năng".

Chính bằng những thuật ngữ này mà ba Giáo Phụ vùng Cappađocia quan niệm tính duy nhất của Thiên Chúa, đặc biệt thánh Grêgoriô Nyssê. Theo ngài, sự duy nhất của ba ngôi Thiên Chúa là vì Chúa Con hợp nhất với Chúa Cha cách hoàn hảo (theo bản thể), cũng như Chúa Thánh Thần hợp nhất với Chúa Cha cách hoàn hảo nhờ Chúa Con". Đây là chủ đề khó cho người Latinh, vì họ nhìn thấy nguy cơ bắt Chúa Con tùy thuộc vào Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần tùy thuộc vào Chúa Cha và Chúa Con. Augustinô viết: "Danh xưng Thiên Chúa chỉ tất cả Ba Ngôi, chứ không chỉ mình Chúa Cha”.

Thiên Chúa là danh xưng chúng ta gán cho thần linh khi chúng ta không xem xét Người nơi chính Người, nhưng trong mối liên hệ với con người và thế giới, vì tất cả những gì Người thực hiện bên ngoài Người, Người đều thực hiện cùng nhau, như nguyên nhân tác thành duy nhất. Từ tất cả những điều trên, chúng ta có thể rút ra kết luận quan trọng là : đức tin Kitô giáo cũng chính là đức tin tính độc thần ; người Do thái tin vào một Thiên Chúa duy nhất, thì người Kitô hữu đã không từ bỏ đức tin ấy, nhưng đúng hơn, họ đã làm cho nó thêm phong phú, cho nó nội dung, cũng như cho sự duy nhất này một ý nghĩa mới mẻ và tuyệt vời. Thiên Chúa là Một, nhưng không có một mình.

3. "Môsê vào trong đám mây"

Tại sao chọn thánh Grêgoriô Nyssê làm ngưới hướng dẫn giúp hiểu biết Thiên Chúa này, một Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và chúng ta đứng trước Người như là những thụ tạo? Lý do là vì ngài là người đầu tiên trong Kitô giáo đã vạch ra con đường dẫn đến chỗ hiểu biết Thiên Chúa, con đường có thể thực sự đáp ứng với tình hình tôn giáo của con người ngày nay : một con đường hiểu biết đi qua... chỗ không hiểu biết.

Ngài đã có dịp làm điều ấy trong cuộc bút chiến với người lạc giáo Eunomiô, đại diện cho một chủ thuyết Ariô cực đoan mà tất cả những Giáo Phụ nổi tiếng thế kỷ thứ IV đều chống lại : Basiliô, Grêgoriô Nadian, Gioan Kim Khẩu và, gay gắt hơn hết chính là Grêgoriô Nyssê. Eunomiô đã định nghĩa yếu tính Thiên Chúa bằng thuật ngữ "không được sinh ra" (agennetos). Theo nghĩa này, ông coi yếu tính này hoàn toàn có thể biết được và không có gì mầu nhiệm; chúng ta có thể biết Thiên Chúa cũng như chính Người biết Người.

Các Giáo Phụ đồng loạt phản ứng, ủng hộ luận chứng cho rằng "không thể biết Thiên Chúa" trong thực tại thâm sâu của Người. Nhưng trong khi những vị khác chỉ biết phản bác Eunomiô, chủ yếu dựa trên những lời Kinh Thánh, thì Grêgoriô Nyssê đi xa hơn, chứng minh rằng thừa nhận sự không hiểu biết chính là con đường dẫn đến sự hiểu biết thực sự về Thiên Chúa (theognosia). Ngài làm như vậy bằng cách lấy lại một chủ đề đã được Philô Alexanđria phác họa : chủ đề về Môsê, người gặp Thiên Chúa khi vào trong đám mây. Bản văn Kinh thánh lấy trong Xuất hành 24,15-18 và đây là nhận xét của ngài:

"Chính trong ánh sáng mà Thiên Chúa bắt đầu tỏ mình ra với Môsê. Rồi Người nói với ông trong đám mây. Cuối cùng, khi đã trở nên hoàn hảo hơn, ông chiêm ngắm Thiên Chúa trong bóng tối. Từ bóng tối qua ánh sáng là sự tách rời đầu tiên khỏi những ý tưởng giả dối và sai lầm về Thiên Chúa ; trí khôn chú tâm hơn đến những điều ẩn giấu, dẫn dắt linh hồn qua những điều hữu hình tới thực tại vô hình, thì cũng giống như một đám mây làm mờ tất cả những gì là nhạy cảm và thường làm linh hồn chiêm niệm những điều ẩn giấu ; cuối cùng, linh hồn đã đi theo những con đường này và đang tiến về những sự trên trời, sau khi đã để các sự dưới đất, ngần nào có thể, cho bản tính nhân loại, linh hồn đi vào trong cung thánh của sự hiểu biết Thiên Chúa (theognosia), được bao quanh tư bề bởi những bóng tối thần linh".

Sự hiểu biết chân thực và tầm nhìn về Thiên Chúa hệ tại ở chỗ "thấy rằng Người vô hình, vì người mà linh hồn tìm kiếm vượt qua mọi kiến thức, tách rời khỏi mọi chỗ bởi sự không thể hiểu được của nó cũng như bởi bóng tối". Ở giai đoạn cuối cùng của hiểu biết, người ta không có một khái niệm về Thiên Chúa, nhưng điều Grêgoriô Nyssê, bằng một cách diễn đạt nổi tiếng, định nghĩa là "một cảm giác nào đó về sự hiện diện" (aisthesin tina tes parusias). Cảm thấy không phải với giác quan của cơ thể, nhưng với những giác quan bên trong của trái tim. Cảm giác này không phải là vượt quá đức tin, nhưng thể hiện đức tin ở mức cao nhất. Trong sách Diệu ca, nàng kêu lên: "Bằng đức tin, tôi đã tìm thấy người mà trái tim mình yêu" (Dc 3,6). Nàng không hiểu chàng, nhưng nàng làm tốt hơn, là "cầm giữ" được chàng!”

Những ý tưởng này ảnh hưởng lớn đến tư tưởng Kitô giáo của các thế hệ tiếp theo, đến mức Grêgoriô Nyssê sẽ được coi là người sáng lập thần bí Kitô giáo. Thông qua Dionysiô Arêopagô và Maximô Người Tuyên Tín, những người lấy hứng từ ngài về chủ đề này, ảnh hưởng này sẽ mở rộng trong cả thế giới Hylạp và Latinh. Người ta thấy lại chủ đề về sự hiểu biết Thiên Chúa trong bóng tối nơi những nhà thần bí như Angêla Folignô, Gioan Thánh Giá và nhiều người khác.

4. Ai thực sự hạ nhục lý trí?

Giờ đây tôi muốn cho thấy làm thế nào trực giác của Grêgoriô Nyssê có thể giúp tín hữu chúng ta đào sâu đức tin và chỉ cho con người thời nay, đang hoài nghi về "năm con đường" của thần học truyền thống, tìm lại một con đường có thể dẫn đến Thiên Chúa như thế nào.

Sự mới lạ do Grêgoriô Nyssê đưa vào tư tưởng Kitô giáo là phải vượt qua những ranh giới của lý trí để gặp gỡ Thiên Chúa. Chúng ta đi ngược với dự phóng của Kant là giữ tôn giáo "trong bối cảnh của lý trí thuần túy". Trong văn hoá bị tục hóa hôm nay, người ta vượt xa Kant : Kant  nhân danh lý trí (ít nhất là lý trí thực tiễn) "giả định" Thiên Chúa hiện hữu, điều mà các nhà duy lý của các thời kỳ tiếp theo cũng phủ nhận.

Điều này cho thấy tư tưởng của Grêgoriô Nyssê mang tính thời sự đến mức nào. Ngài cho thấy phần cao hơn hết của con người, tức lý trí, không bị loại trừ khi người ta tìm kiếm Thiên Chúa ; cho thấy người ta không buộc lựa chọn theo đức tin hay theo lý trí. Khi đi vào đám mây, nghĩa là khi tin, người ta không từ bỏ lý tính của mình, nhưng vượt qua nó, điều này hoàn toàn khác. Có thể nói người ta kín múc ở đó nguồn ‘tài nguyên’ của lý trí riêng của mình, cho phép lý trí thực hiện hành vi cao quý nhất, bởi vì, như Pascal nói, "đề xuất cuối cùng của lý trí là thừa nhận rằng có vô số sự vật vượt qua nó".

Thánh Tôma Aquinô được coi là một trong những người bảo vệ lớn nhất cho các đòi hỏi của lý trí, đã viết: "Người ta nói rằng vào cuối sự hiểu biết của chúng ta, Thiên Chúa được biết đến như là Đấng Vô Danh, vì tâm trí chúng ta đã chạm tới giới hạn chót của sự hiểu biết về Thiên Chúa, khi mà cuối cùng, người ta nhận ra rằng yếu tính của Người ở trên tất cả những gì họ có thể biết ở trần gian này". Ngay lúc lý trí nhận ra giới hạn của nó, nó phá vỡ giới hạn đó và đi xa hơn. Nó hiểu rằng mình không thể hiểu, "thấy mình không thể thấy," như Grêgoriô nói, nhưng nó cũng hiểu rằng một Thiên Chúa hiểu được sẽ không còn là Thiên Chúa nữa. Nhờ lý trí mà người ta thừa nhận như thế, sự thừa nhận này là một hành vi hoàn toàn thuộc lý trí. Theo nghĩa đen, nó là một "sự vô tri uyên bác", vô tri mà "biết lý do".

Do đó, đúng hơn chúng ta phải nói ngược lại, nghĩa là người đặt ra giới hạn cho lý trí và hạ nhục lý trí là người không thừa nhận lý trí có khả năng vượt qua chính mình. Kierkegaard viết: "Cho đến nay, người ta đã luôn luôn nói: 'Nói rằng chúng ta không thể hiểu điều này điều khác, là không làm thỏa mãn khoa học muốn hiểu'. Sai lầm là ở đó. Người ta phải nói ngược lại: "Nếu khoa học không muốn thừa nhận rằng có cái gì đó nó không thể hiểu, hoặc - chính xác hơn – có cái gì nó không thể hiểu rõ là nó không thể hiểu', khi ấy, thế giới đảo ngược'. Do đó, nhiệm vụ của kiến thức con người là hiểu rằng có những sự vật nó không hiểu được, và cũng không hiểu được những những sự vật này là gì.

Nhưng loại bóng tối này là gì? Người ta nói về đám mây  xảy ra, trong một thời gian nhất định, chen vào giữa người Ai Cập với người Do Thái, đám mây ấy "vừa là bóng tối vừa là ánh sáng ban đêm" (x. Xh 14,20). Thế giới đức tin là bóng tối cho người nhìn nó từ bên ngoài, nhưng là ánh sáng cho người ở bên trong. Một ánh sáng đặc biệt xuất phát từ trái tim hơn là tâm trí. Trong Đêm u tối của thánh Gioan Thánh Giá (một biến thể liên quan đến đám mây của Grêgoriô Nyssê!), linh hồn tuyên bố đã đi theo con đường mới, "không có ánh sáng khác hoặc hướng dẫn nào ngoại trừ ánh sáng đã cháy lên trong trái tim tôi". Tuy nhiên, đó là một ánh sáng "bảo đảm hơn ánh mặt trời giữa trưa".

Chân phước Angêla Folignô, một trong những đại diện lớn nhất của cái nhìn về Thiên Chúa trong bóng tối, nói rằng Mẹ Thiên Chúa "đã được kết hợp với cả Ba Ngôi tuyệt đối khôn tả, rằng bà đã trải nghiệm trong cuộc đời cũng một niềm vui mà các thánh trên trời đang được hưởng, niềm vui về cái không thể hiểu (gaudium incomprehensibilitatis), bởi các ngài hiểu rằng người ta không thể hiểu". Đây là một sự bổ sung tuyệt vời cho giáo thuyết của Grêgoriô Nyssê về sự không hiểu biết  Thiên Chúa. Nó bảo đảm với chúng ta rằng sự không hiểu biết này không những không hạ nhục chúng ta và làm chúng ta mất đi điều gì đó, mà còn làm cho con người tràn đầy nhiệt tình và hân hoan ; nó nói với chúng ta rằng Thiên Chúa vô cùng lớn hơn, đẹp hơn, tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng, và đó là tất cả cho chúng ta, để niềm vui của chúng ta trọn vẹn và hoàn toàn ; để không bao giờ chúng ta có thể nghĩ là sẽ chán chường khi phải vĩnh viễn sống gần Người.

Một ý tưởng hữu ích khác của Grêgoriô Nyssê trong cuộc đương đầu với văn hoá tôn giáo hiện đại là ý tưởng về "cảm giác về một sự hiện diện" mà ngài đặt ở tột đỉnh hiểu biết về Thiên Chúa. Với Rudolph Otto, hiện tượng học tôn giáo đã cho thấy rõ sự hiện hữu của một nguyên tố chính, hiện diện ở các mức độ thuần khiết khác nhau, trong tất cả các nền văn hoá và ở mọi lứa tuổi, mà ông gọi là "cảm giác về cái thần thiêng (numineux)", một cảm giác kinh sợ xen lẫn thu hút, đột nhiên chiếm đoạt con người khi một sự kiện siêu nhiên hay siêu lý xảy ra trước mắt người đó. Nếu việc bảo vệ đức tin, theo những chỉ dẫn cuối cùng của khoa hộ giáo nói ở đầu bài, "được đặt sau một sư phạm về kinh nghiệm thiêng liêng, mà người ta thừa nhận nó có thể tiên thiên được ghi khắc nơi mỗi người", chúng ta không thể bỏ qua sự liên kết mà hiện tượng học tôn giáo hiện đại cung cấp cho chúng ta.

Chắc chắn "cảm giác về một sự hiện diện nào đó" của Grêgoriô Nyssê khác với ý thức về cái thần thiêng và cảm giác hồi hộp về cái siêu nhiên, nhưng cả hai đều có điểm chung. Một bên là khởi đầu khám phá ra Thiên Chúa hằng sống, bên kia là kết thúc công cuộc khám phá ấy. Theo Grêgoriô Nyssê, sự hiểu biết về Thiên Chúa bắt đầu đi từ bóng tối đến ánh sáng và kết thúc bằng đi từ ánh sáng đến bóng tối. Người ta không đến bước thứ hai mà không qua bước đầu ; nói cách khác, không tiên vàn thanh tẩy tội lỗi và dục vọng. Người vô đạo nói: "Nếu tôi có đức tin, tôi sẽ từ bỏ lạc thú". Nhưng tôi (Pascal) trả lời anh ta: Nếu bạn có đức tin, bạn sẽ từ bỏ lạc thú".

Hình ảnh đã đi cùng chúng ta trong suốt bài suy niệm này, nhờ Grêgoriô Nyssê, là hình ảnh của Môsê leo lên núi Sinai và vào trong đám mây. Lễ Phục sinh sắp đến khuyến khích chúng ta vượt qua hình ảnh này, từ biểu tượng sang thực tế. Có một ngọn núi khác, nơi mà một Môsê khác đã gặp Thiên Chúa "lúc bóng tối bao phủ khắp mặt đất" (Mt 27,45). Trên Núi Canvê, Đức Giêsu Nadaret, đã hợp nhất mãi mãi con người với Thiên Chúa. Kết thúc cuốn Itinerarium mentis in Deum (Hành trình của tâm trí tới Thiên Chúa), thánh Bonaventura viết:

"Sau tất cả những xem xét trên đây, cái còn lại trong tâm trí chúng ta là nâng mình lên bằng cách chiêm quan không chỉ bên trên thế giới nhạy cảm này mà còn bên dưới nó nữa ; và trong cuộc khổ hạnh này, Đức Kitô là đường và là cửa, Đức Kitô là cái thang và chiếc xe... Người nào kiên quyết và trọn vẹn hướng về Đức Kitô bằng cách nhìn Ngài bị treo trên thập giá, với lòng tin cậy mến, với lòng đạo đức, ngưỡng mộ, hoan hỷ, biết ơn, ca ngợi và hân hoan, thì cử hành Lễ Vượt Qua với Ngài, có nghĩa là vượt qua".

 

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ tư Mùa Chay năm 2012, tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều