Cha Cantalamessa - Bài Giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2018

 

(masimpress.com) 31 March 2018

Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin (Ga 19:33-35).

Không ai có thể làm cho chúng ta tin rằng việc làm chứng trọng thể này lại không đúng với sự thật mang tính lịch sử, rằng người nói rằng mình ở đó và thấy nó lại thật sự không ở đó và không thấy việc đó. Điều có nguy cơ là, trong trường hợp này, là lòng trung thực của tác giả. Trên đồi Can-vê, dưới chân thập giá, là mẹ của Chúa Giêsu và ở cạnh Mẹ, “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến”. Chúng ta có chứng từ về người làm chứng!

Ông “thấy” không chỉ điều đang diễn ra như mọi người nhìn thấy, nhưng dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần sau Lễ Vượt Qua thì ông cũng đã thấy được ý nghĩa của điều đã xảy ra: trong thời khắc mà Con Chiên thật của Thiên Chúa đã bị sát tế và ý nghĩa của Lễ Vượt Qua xưa được chu toàn; Đức Kitô trên thập giá là đền thờ mới của Thiên Chúa mà từ cạnh sườn Người, như tiên tri Ezekiel đã tiên báo (47:1tt), chảy ra nước hằng sống; thần khí mà Người trao ban vào thời khắc của sự chết đã bắt đầu một công trình tạo dựng mới, như khởi đầu “Thần Khí Thiên Chúa”, bay là là trên mặt nước, đã biến đổi mớ hỗn mang thành vũ trụ. Gioan hiểu ý nghĩa của những lời sau cùng của Chúa Giêsu: “Mọi sự đã hoàn tất” (x. Ga 19:30).

Nhưng tại sao, chúng ta có thể tự hỏi chính mình, lại có sự tập trung không giới hạn này vào ý nghĩa của thập giá Đức Kitô? Tại sao Đấng Chịu Nạn lại hằng luôn hiện diện trong các nhà thờ của chúng ta, trên các bàn thờ, và ở mọi nơi thường có sự hiện diện của người Kitô Hữu? Một số người dã cho rằng, như chìa khóa cho sự hiểu biết mầu nhiệm Kitô Giáo, rằng Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài “sub contraria specie,” dưới một hình thức trái lại với điều mà Ngài là trong thực tế: Ngài bày tỏ sức mạnh của Ngài rong sự yếu đuối, sự khôn ngoan của Ngài trong sự ngu muội, và sự giàu có của Ngài trong sự nghèo nàn.

Tuy nhiên, chìa khóa này không áp dụng cho Thập Giá. Trên thập giá Thiên Chúa mạc khải chính Ngài là “sub contraria specie,”, thì Ngài đang mạc khải chính Ngài như Ngài thật sự là, trong thực tại gần gũi nhất và thực nhất. “Thiên Chúa là tình yêu”, Gioan viết (1 Ga 4:10), tình yêu lãng quên, một tình yêu hệ tại ở việc trao ban chính mình, và chỉ trên thập giá thì khả năng vô biên về quà tặng bản thân của Thiên Chúa thể hiện chiều dài mà khả năng này sẽ đi đến. “Yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1); “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16); “Con Thiên Chúa...đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20).

Trong năm nay khi Giáo Hội sẽ tổ chức Thượng Hội Đồng về Người Trẻ và nhằm đặt họ vào trung tâm của sự biện phân phục vụ, sự hiện diện trên đồi Can-vê của người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến mang lại một thông điệp đặc biệt. Chúng ta có mọi lý do để tin rằng Gioan đã đi cùng Chúa Giêsu khi Ngài vẫn còn khá trẻ. Đó là một sự phải lòng thật sự. Mọi thứ khác bổng trở thành thứ yếu. Đó là một cuộc gặp gỡ hiện sinh “mang tính cá nhân”. Trong khi trọng tâm của tư tưởng của Phaolô là công việc của Chúa Giêsu – thì mầu nhiệm vượt qua cái chết và sự phục sinh của Ngài – là trọng tâm của tư tưởng Gioan là về hữu thể, con người của Chúa Giêsu. Đây là nguồn của tất cả mọi lời nói “Ta là” với sự vang vọng thánh chấm phá Tin Mừng của Ngài: “Ta là con đường, sự thật và sự sống”; “Ta là cửa”; chỉ đơn giản “Ta là”.

Gioan hầu như chắc chắn là một trong hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả là người, khi Chúa Giêsu xuất hiện tại hiện trường, đã đi theo Ngài. Khi họ hỏi, “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Chúa Giêsu trả lời “Hãy đến mà xem”. “Họ đã đến và đã xem thấy nơi Người ở; và họ đã ở lại với Người ngày hôm ấy, vì lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (x. Ga 1:35-39). Giờ đó đã quyết định toàn bộ đời sống của Gioan, và ông không bao giờ quên điều đó.

Thật phù hợp trong suốt năm nay là chúng ta sẽ nỗ lực để cùng nhau khám phá với giới trẻ Đức Kitô mong đợi điều gì từ họ, họ có thể mang lại điều gì cho Giáo Hội và xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là một điều gì đó khác: đó là giúp người trẻ hiểu điều Chúa Giêsu đã mang lại cho họ. Gioan đã khám phá ra điều đó khi ở với Người: “đầy tràn niềm vui” và “một đời sống phong phú”. Chúng ta hãy làm điều này theo một cách thế mà, trong tất cả mọi bài diễn văn về người trẻ và với người trê, lời mời gọi hết lòng của Đức Thánh Cha trong Evangelii Gaudium sẽ vang vọng như một mạch nước ngầm:

“Tôi mời gọi hết mọi người Kitô Hữu ở khắp nơi, vào thời khắc rất quan trọng này, hãy đến với một cuộc gặp gỡ đổi mới với Chúa Giêsu Kitô, hay ít nhất là một sự mở ra để cho Ngài gặp gỡ họ; Tôi mời gọi tất cả anh chị em hãy làm điều này cách không mỏi mệt mỗi ngày. Không ai được phép nghĩ rằng lời mời gọi này không có ý dành cho mình, bởi vì không ai bị loại trừ ra khỏi niềm vui mà Chúa mang lại” (Số 3).

Gặp gỡ Đức Kitô cách cá nhân vẫn có thể trong thời này vì Ngài đã sống lại; Ngài là một con người sống động, chứ không phải là một tích cách. Mọi sự đều có thể sau cuộc gặp gỡ cá nhân này; không có cuộc gặp gỡ cá nhân này, sẽ chẳng có chi bền vững hay lâu dài.

Bên cạnh gương mẫu của đời Ngài, tác giả tin mừng Gioan còn để lại một thông điệp được viết ra cho người trẻ. Trong Thư Thứ Nhất của Ngài chúng ta đọc những lời cảm động từ người già với người trẻ trong các giáo hội mà Ngài thiết lập:

Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần. Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian (1 Ga 2:14-15).

Thế giới mà chúng ta phải không được yêu thương và chúng ta không được rập theo, như chúng ta biết, không phải là thế giới được Thiên Chúa tạo thành và yêu thương hay người trong thế giới mà chúng ta phải luôn đi ra gặp gỡ, đặc biệt là người nghèo và những người đang ở cấp thấp nhất của xã hội. “Hòa vào” với thế giới đau khổ và loại trừ này là, một cách trái khuấy, cách tốt nhất của việc “tách” bản thân chúng ta ra khỏi thế giới vì nó có nghĩa là đi theo hướng mà từ đó thế giới này thoát ra càng nhiều càng có thể. Điều đó có nghĩa là tách bản thân chúng ta ra khỏi nguyên tắc chính đang điều khiển thế giới, sự qui về bản thân.

Không, thế giới mà chúng ta phải không được yêu thương là một điều gì đó khác; đó là một thế giới như nó đã trở thành dưới sự thống trị của Satan và tội lỗi, “tinh thần trên không trung’, như Thánh Phaolô gọi (x. Ep 2:1-2). Nó đóng một vai trò quyết định trong quan điểm chung, và ngày nay theo nghĩa đen đó là một tinh thần “trên không trung” vì nó tự lan tỏa chính nó theo những cách vô hạn cách điện tử qua những sóng không khí. Một nhà chú giải nổi tiếng viết rằng tinh thần này “nó quá mạnh mẽ và quyền lực đến mức không một cá nhân nào có thể thoát khỏi nó. Nó đóng vai trò như một qui định và được đón nhận mà không cần chất vấn. Hành động, nghĩ hay lên tiếng chống lại tinh thần này thì bị coi là vớ vẩn hay thậm chí là sai trái hay tội phạm. Chính “ở trong” tinh thần này mà con người gặp gỡ thế giới và các sự vụ, một tinh thần có nghĩa là họ chấp nhận thế giới như là tinh thần này đại diện cho họ...[1]

Đây là điều mà chúng ta gọi là một sự rập theo tinh thần của thời đại, sự rập khuôn. Một thi hào vĩ đại có niềm tin từ thế kỷ trước, T. S. Eliot, đã viết ba câu này vốn có tiếng nói hơn tất cả mọi cuốn sách: “Trong thế giới của những kẻ trốn chạy/Người chọn hướng ngược lại/Dường như là đang trốn thoát”.[2] Các bạn trẻ Kitô Hữu thân mến, nếu các bạn cho phép một ông già như Gioan nói với các bạn cách trực tiếp, thì tôi sẽ nói với các bạn: hãy là người chọn hướng đi ngược lại! Hãy có can đảm để lội ngược dòng! Hướng ngược lại đối với chúng ta không phải là một nơi chốn mà là một con người; đó là Chúa Giêsu, bạn hữu của chúng ta, Đấng cứu chuộc chúng ta.

Một nhiệm vụ và một sứ mạng đang được giao phó cho các bạn cách cụ thể: để cứu tình yêu con người khỏi sự trôi dạt bi đát mà tình yêu này sẽ kết thúc trong chính nó: tình yêu không còn là một quà tặng của bản thân nữa mà chỉ là một sự chiếm hữu người khác – thường là bạo lực và tàn bạo. Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài trên thập giá như một agape, tình yêu trao ban chính nó.

Nhưng agape (tình yêu) thì chưa bao giờ bị tách khỏi eros (ái tình), khỏi một tình yêu đón tiếp, một tình yêu theo đuổi, một tình yêu khát khao, và một tình yêu tìm thấy niềm vui trong việc được yêu lại. Thiên Chúa chỉ thực thi “bác ái” trong việc yêu thương chúng ta, Ngài cũng khao khát chúng ta; khắp Kinh Thánh, Ngài tự mạc khải chính Ngài như là một vị hôn phu yêu thương và hay ghen. Tình yêu của Ngài cũng mang tính “luyến ái” theo nghĩa cao cả nhất của từ này. Đó là điều mà Đức Benedict XVI giải thích trong tông thư Deus Caritas est của Ngài:

Ái tình và tình yêu – tình yêu đi lên và tình yêu đi xuống – không bao giờ có thể bị tách rời nhau hoàn toàn...Niềm tin Thánh Kinh không tạo ra một vũ trụ song song, hay một vũ trụ đối kháng với hiện tượng con người mang tính nguyên sơ ấy vốn là tình yêu, nhưng thay vào đó chấp nhận toàn bộ con người; nó can thiệp vào trong việc tìm kiếm tình yêu của con người để thanh luyện con người và làm tỏ lộ những chiều kích mới của tình yêu ấy (Số: 7-8).

Đó không phải là vấn đề bác bỏ niềm vui của tình yêu, sự hấp dẫn, và sự luyến ái của việc biết cách hiệp nhất ái tình với tình yêu trong sự khao khát người khác, khả năng để trao ban chính bản thân mình vì người khác, khi gợi nhắc lại điều mà Thánh Phaolô nói đến khi nói về Chúa Giêsu: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35).

Tuy nhiên, khả năng này sẽ không diễn ra trong một ngày. Thật cần thiết để chuẩn bị bản thân các bạn để thực hiện một món quà hoàn toàn của bản thân cho người khác trong hôn nhân, hoặc với Thiên Chúa trong đời thánh hiến, khởi đầu bằng việc tạo ra một quà tặng về thời gian của các bạn, của nụ cười, (...) của đời sống của các bạn trong gia đình, trong giáo xứ, và trong công việc thiện nguyện. Đây là điều mà quá nhiều người trong số các bạn đã đang thực hiện trong âm thầm.

Trên thập giá Chúa Giêsu không chỉ mang lại cho chúng ta một gương mẫu của tình yêu trao ban chính mình được thực hiện đến tột đỉnh; Ngài cũng đã kín múc lấy ân sủng cho chúng ta để có thể thực thi nó, ở một mức nào đó, trong đời sống của chúng ta. Nước và máu đã chảy ra từ cạnh sườn Ngài đến với chúng ta ngày nay trong các bí tích của Giáo Hội, trong lời của Thiên Chúa, và ngay cả trong việc chỉ nhìn lên Đấng Chịu Nạn trong niềm tin. Một điều sau cùng mà Gioan thấy cách tiên tri trên thập giá: những người nam nữ của mọi thời đại và nơi chốn là những người hướng cái nhìn của họ lên “Đấng đã bị đâm thâu” và những người khóc những giọt nước mắt của ăn năn và của sự ủi an (x. Ga 19:37 và Zac 12:10). Chúng ta hãy cùng hòa quyện những điều này trong những cử hành phụng vụ sau đây.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ ZENIT)

[1] Heinrich Schlier, Principalities and Powers in the New Testament (New York: Herder and Herder, 1961), pp. 31-32.

[2] T. S. Eliot, Family Reunion, Part II, sc. 2, in The Complete Plays of T. S. Eliot (New York: Houghton Mifflin Harcourt, 2014), p.110.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều