THÁNH AMBROSIÔ,

TIN VÀO THÁNH THỂ

 

1. Suy tư về các bí tích

Bên cạnh chủ đề về Giáo Hội, có một chủ đề khác cho thấy sự tiến triển từ các Giáo Phụ Hylạp sang các Giáo Phụ Latinh : đó là các bí tích. Các Giáo Phụ Hylạp không suy tư về các bí tích đích danh, nghĩa là về ý tưởng bí tích, mặc dù các ngài đã bàn cách tuyệt vời về mỗi mầu nhiệm : Rửa tội, Xức dầu, Thánh Thể.

Người đi đầu về thần học bí tích, nói cách khác về những gì sẽ trở thành “bí tích” từ thế kỷ XII, lại vẫn là Augustinô. Thánh Ambrosiô với hai tác phẩm “Về các bí tích” (De sacramentis) và “Về các mầu nhiệm” (De mysteriis), cho thấy trước tên của khảo luận, nhưng không phải nội dung của nó. Quả thực, ngài cũng quan tâm đến mỗi bí tích nhưng chưa để ý đến những nguyên tắc chung cho tất cả các bí tích : thừa tác viên, chất thể, mô thức, cách thức đem lại ân sủng...

Vậy tại sao lại chọn Ambrosiô như một thầy dạy đức tin về một chủ đề như bí tích Thánh Thể, mà chúng ta muốn suy niệm hôm nay ? Chính vì Ambrosiô là người, hơn bất cứ ai khác, đã góp phần khẳng định đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể và đã đặt nền móng cho giáo thuyết tương lai về sự biến thể. Trong De sacramentis, ngài viết:

"Bánh này thuộc về bánh, trước khi đọc những lời bí tích ; ngay khi việc truyền phép xảy ra, bánh trở thành Mình Chúa Kitô [...] Vậy việc truyền phép được thực hiện bằng những lời nào và những lời này là của ai? [...] Ngay khi bí tích đáng tôn kính xẩy ra, linh mục không còn dùng những lời riêng của mình nữa, nhưng dùng những lời của Chúa Kitô. Vậy chính là lời của Chúa Kitô làm nên bí tích này".

Trong tác phẩm De mysteriis, tính hiện thực của Thánh Thể thậm chí còn rõ ràng hơn. Ambrosiô nói:

"Lời của Đức Kitô đã có thể từ chỗ không có gì làm thành cái trước đây đã không có, lời ấy lại không thể thay đổi những sự vật đang có thành những sự vật đã chưa có sao ? Bởi vì, cho những sự vật bản tính mới không kém quan trọng hơn thay đổi bản tính ấy [...]. Thân thể này mà chúng ta làm ra (conficimus) trên bàn thờ là thân thể sinh ra từ Đức Trinh Nữ. [...] Chắc chắn đó là xác thịt thật của Đức Kitô đã bị đóng đinh, đã được mai táng ; vậy đó thật sự là bí tích của xác thịt Ngài [...]. Chính Chúa Giêsu đã nói: 'Này là Mình Thầy'. Trước khi chúc tụng bằng những lời trên trời, người ta dùng tên của một vật khác, sau khi truyền phép người ta hiểu là thân thể".

Về điểm này, khi giáo thuyết về Thánh Thể kế tiếp nhau phát triển, Ambrosiô có uy tín hơn Augustinô. Chắc chắn Augustinô tin vào sự hiện diện thực của Chúa Kitô trong Thánh Thể, nhưng ngài còn nhấn mạnh hơn ý nghĩa tượng trưng và giáo hội của Thánh Thể. Một số môn đệ của ngài còn đi tới chỗ quả quyết rằng Thánh Thể không những làm nên Giáo Hội mà còn Giáo Hội: "Ăn mình Chúa Kitô cuối cùng trở thành thân thể Chúa Kitô". Trước lạc giáo của Bérenger thành Tours, người coi sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể cuối cùng chỉ còn là một sự hiên diện năng động và thuần túy tượng trưng, hầu như mọi người đều phản đối, trong đó Ambrosiô đóng một vai trò quan trọng. Ambrosiô chính là thẩm quyền đầu tiên mà thánh Tôma Aquinô trích dẫn trong Summa để ủng hộ cho chủ đề về sự hiện diện thực sự.

Kiểu nói "nhiệm thể" Đức Kitô, cho đến nay được sử dụng để chỉ Thánh Thể, dần dần cuối cùng chỉ Giáo Hội, trong khi kiểu nói "thân xác thật" từ nay chỉ dành riêng cho Thánh Thể. Sự đảo ngược đặc thù, theo một nghĩa nào đó, đánh dấu di sản của Ambrosiô thành công hơn so với Augustinô. Những kiểu nói như trong bài thánh ca Ave verum, trong đó Thánh Thể Chúa Kitô được ca ngợi là "thân xác thật, sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria, đã bị sát tế trên thập giá và bị đâm thủng ở cạnh sườn để nước và máu chảy ra", có vẻ gần như trực tiếp rút ra từ những lời của Ambrosiô nói trên.

Đây là cách chúng ta có thể tóm lược sự khác biệt giữa hai tầm nhìn : về ba thân thể của Chúa Kitô - thân thể đích thực hay lịch sử của Đức Giêsu sinh ra từ Đức Maria, Thánh Thể và thân thể của Giáo Hội - Augustinô liên kết chặt chẽ thân thể thứ hai và thứ ba, tức Thánh Thể và thân thể của Giáo hội, phân biệt với thân thể thật và lịch sử của Đức Giêsu ; Ambrosiô phối hợp, hoặc đúng hơn là đồng hóa, thân thể thứ nhất và thứ hai, tức thân thể lịch sử của Đức Kitô và Thánh Thể, phân biệt với thân thể thứ ba, tức thân thể của Giáo Hội.

Theo chiều hướng này, người ta có nguy cơ đi quá xa và rơi vào một thứ hiện thực phóng đại, như thể - như một công thức trái ngược với lạc giáo Bérenger - mình và máu Đức Kitô hiện diện trên bàn thờ "được bàn tay của linh mục chạm đến, bẻ ra và được hàm răng của các tín hữu nghiền nát". Nhưng cách tránh cho mối nguy hiểm này nằm trong chính khái niệm về bí tích, kể từ đây rõ ràng trong thần học. Sự hiện diện Thánh Thể không phải là hiện diện thể lý, mà là hiện diện bí tích, qua các dấu chỉ bánh và rượu.

2. Thánh Thể và kinh Chúc tụng Tạ ơn Do thái

Nếu tầm nhìn của Ambrosiô có giới hạn, thì đó là vì không có lời nào nhắc tới hành động của Chúa Thánh Thần trong việc làm nên Thân Mình Chúa Kitô trên bàn thờ. Tất cả hiệu năng đều nằm trong những lời truyền phép. Theo Ambrosiô, đây là những lời sáng tạo, tức là những lời không chỉ để khẳng định một thực tại đang có, nhưng còn tạo ra thực tại mà chúng biểu thị, giống như cụm từ "fiat lux" (hãy có ánh sáng) thuở tạo dựng. Điều này đã ảnh hưởng đến việc không làm nổi bật kinh khấn nguyện Chúa Thánh Thần (epiclesis) trong phụng vụ Latinh, trong khi đó kinh này, trong các phụng vụ Đông phương, đóng một vai trò cũng chủ yếu như những lời truyền phép. Những Kinh Nguyện Thánh Thể mới đã cố gắng lấp đầy khoảng trống này bằng cách long trọng khẩn nài Chúa Thánh Thần xuống trên các lễ vật trước khi truyền phép.

Tuy nhiên có một lỗ hổng lớn hơn mà người ta bắt đầu chú ý, không chỉ liên quan đến Ambrosiô hay thậm chí các Giáo Phụ Latinh, mà còn liên quan đến việc giải thích toàn bộ mầu nhiệm Thánh Thể. Hơn bao giờ hết chúng ta thấy ở đây việc nghiên cứu các Giáo Phụ giúp chúng ta không chỉ khôi phục lại sự phong phú của người xưa, mà còn mở ra cho chúng ta tính mới mẻ phát xuất từ lịch sử ; giúp chúng ta bắt chước các ngài không chỉ trong nội dung, mà còn trong phương pháp đưa vào phục vụ Lời Chúa tất cả các tài nguyên và kiến thức mà các ngài có được trong bối cảnh văn hoá của các ngài.

Sự gần gũi giữa các Kitô hữu và người Do Thái là nguồn lực mới mà chúng ta có hôm nay để hiểu Thánh Thể. Từ những ngày đầu của Giáo hội, nhiều yếu tố lịch sử khác nhau góp phần làm nổi bật sự khác biệt giữa Kitô giáo và Do thái giáo, đi đến chỗ đặt hai bên chống đối nhau, như Ignatiô Antiokia đã làm. Phân biệt mình với người Do Thái – trong việc xác định ngày lễ Vượt Qua, những ngày ăn chay, và trong rất nhiều việc khác - trở thành một loại yêu cầu. Đối với những kẻ thù và những người lạc giáo, người ta thường tố cáo họ là nhóm “theo Do thái".

Liên quan đến Thánh Thể, bầu khí đối thoại mới mẻ với Do thái giáo đã giúp chúng ta hiểu biết hơn về nguồn gốc Do thái của mình. Cũng như người ta không thể hiểu được Lễ Vượt Qua Kitô giáo mà không coi đó là sự hoàn tất điều đã được Lễ Vượt Qua Do thái loan báo, thì cũng vậy, người ta không thể hiểu Thánh Thể cho tường tận mà không nhìn thấy trong Thánh Thể như là sự hoàn thành những gì người Do Thái đã làm và đã nói trong bữa ăn nghi thức của họ. Chính danh xưng "Thánh Thể" chỉ là dịch chữ Berakha, lời kinh chúc tụng và tạ ơn làm trong suốt bữa ăn này. Một kết quả quan trọng đầu tiên của bước ngoặt này là ngày nay không một học giả nghiêm túc nào còn đưa ra giả thuyết cho rằng Thánh Thể Kitô giáo được giải thích dựa vào bữa ăn tối thịnh hành trong một số tôn giáo huyền bí của văn hóa Hylạp, như người ta đã cố làm trong hơn một thế kỷ qua.

Các Giáo Phụ giữ lại Kinh Thánh của người Do Thái, chứ không phải phụng vụ của họ ; các ngài không liên hệ với phụng vụ đó nữa, sau khi Giáo Hội tách khỏi hội đường. Đối với Thánh Thể, các ngài sử dụng những hình ảnh trong Kinh Thánh - chiên vượt qua, hy tế Isaac, hy tế của Melchisêđê, manna - nhưng không phải bối cảnh phụng vụ cụ thể trong đó người Do Thái cử hành các việc tưởng niệm này, tức nghi lễ bữa ăn cử hành mỗi năm một lần trong bữa ăn vượt qua (Seder) và mỗi tuần trong phụng vụ hội đường. Danh xưng đầu tiên mà Phaolô dành cho Thánh Thể trong Tân Ước là "Bữa tối của Chúa" (1Cr 11:20), rõ ràng đề cập bữa ăn của người Do Thái mà từ đây niềm tin vào Chúa Giêsu phân biệt chúng ta với bữa ăn ấy.

Chính Đức Bênêđitô XVI cũng theo viễn tượng này trong chương dành cho việc thiết lập Thánh Thể ở tập thứ hai của ngài về Đức Giêsu Nadarét. Theo quan điểm có ưu thế hiện nay của các học giả, ngài chấp nhận niên đại của Gioan theo đó bữa ăn tối cuối cùng không phải là một bữa ăn vượt qua, nhưng là một bữa tiệc chia tay long trọng ; cùng với Louis Bouyer, Đức Bênêđitô XVI cũng nghĩ rằng có thể "coi sự tiến hóa của Thánh Thể Kitô giáo, tức là Kinh Nguyện Thánh Thể, bắt nguồn từ kinh berakha Do thái".

Vì những lý do văn hoá và lịch sử khác nhau, ngay từ thời kinh viện, người ta đã cố gắng giải thích Thánh Thể dựa vào triết học, đặc biệt là những ý niệm của Aristot về bản thể và tùy thể. Đó là một cách thức khác đưa những kiến thức mới của thời điểm ấy vào phục vụ đức tin, và do đó, một cách bắt chước phương pháp của các Giáo Phụ. Ngày nay, chúng ta phải làm điều tương tự với những kiến thức mới trong thời kỳ này thuộc bản chất lịch sử và phụng vụ hơn là triết học.

Rập theo một số chuyên gia đã đi theo hướng này, đặc biệt là L. Bouyer, tôi muốn cố gắng chứng tỏ ánh sáng rực rỡ chiếu trên Thánh Thể Kitô giáo khi chúng ta đặt các trình thuật Phúc Âm về việc lập phép Thánh Thể trên nền tảng những gì chúng ta biết về bữa ăn Do thái truyền thống. Tính mới lạ của cử chỉ Chúa Giêsu đã làm sẽ không vì đó mà giảm sút, nhưng được tán tụng đến mức cao nhất.

3. Chuyện gì xảy ra vào đêm đó ?

Sách Didachè cho thấy mối liên hệ gần gũi giữa phụng vụ Do thái và Bữa Tiệc Ly Kitô giáo. Bản văn này cơ bản chỉ là một bộ sưu tập những lời cầu nguyện ở hội đường, đôi chỗ bổ sung những lời "cho tôi tớ Chúa là Đức Giêsu Kitô"; phần còn lại giống hệt với phụng vụ hội đường. Nghi lễ của hội đường bao gồm một loạt các kinh nguyện gọi là "berakha", được dịch sang tiếng Hylạp là “Eucharistia” (Thánh Thể). Berakha tóm lược tu đức của Cựu ước, là lời kinh chúc tụng và tạ ơn mà Israel dùng để đáp lại lời yêu thương của Thiên Chúa.

Nghi lễ được Đức Giêsu làm tiếp khi lập phép Thánh Thể, đi kèm với tất cả các bữa ăn của người Do Thái, nhưng có tầm quan trọng đặc biệt trong các bữa ăn gia đình và cộng đồng vào ngày thứ bảy và những ngày lễ. Đầu bữa ăn, mỗi người lần lượt cầm chén rượu, và trước khi đưa lên môi, lặp lại một lời chúc tụng mà phụng vụ hiện nay dạy chúng ta lặp lại gần như từng chữ lúc dâng lễ: "Lạy Chúa chúng con,  chúc tụng Chúa là vua trời đất đã ban cho chúng con trái nho nầy”. Đây là chén rượu đầu tiên.

Nhưng bữa ăn chỉ chính thức bắt đầu khi người cha trong gia đình hoặc người đứng đầu cộng đồng bẻ bánh và phân phát cho người tham dự. Thật vậy, ngay sau lời chúc tụng ở chén thứ nhất, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát mà nói: "Này là Mình Thầy..." Ở đây nghi lễ, cho đến lúc đó mới chỉ là một tiên trưng, trở thành thực tại. Sau khi chúc tụng trên  bánh, được coi như lời chúc tụng chung cho cả bữa ăn, người ta bắt đầu phục vụ các món ăn thông thường.

Nếu yếu tố lịch sử của Thánh Thể dựa trên nghi thức bữa ăn Do thái, thì việc Lễ Vượt Qua trùng hợp với Thứ Năm Tuần Thánh hay Thứ Sáu Tuần Thánh không còn ý nghĩa đặc biệt. Đức Giêsu không liên kết Thánh Thể với  một chi tiết riêng nào của bữa ăn Vượt Qua (bỏ ra ngoài ngày tháng không thể hòa hợp, người ta không thấy có nhắc nhớ nào đến sự kiện là phải ăn thịt chiên và rau đắng), nhưng chỉ liên hệ đến các yếu tố là một phần của nghi thức bữa ăn mỗi ngày : đó là bẻ bánh lúc đầu và tạ ơn lúc cuối. Tính chất vượt qua của Bữa Tiệc Ly là không thể phủ nhận, nhưng nó không tùy thuộc vào những chi tiết cụ thể này ; tính chất vượt qua được làm sáng tỏ qua mối liên hệ mà Chúa Giêsu tạo ra giữa Thánh Thể ("máu Thầy sẽ đổ ra cho các con") và cái chết của Ngài trên thập giá. Theo Gioan, hình ảnh của chiên vượt qua, mà "không xương nào bị đánh dập", được hoàn tất (Ga 19,36).

Nhưng chúng ta hãy trở lại với nghi thức Do thái. Khi bữa ăn chấm dứt và các món ăn đã được dùng hết, thực khách chuẩn bị cho nghi thức kết thúc và gán cho nó ý nghĩa sâu sắc nhất. Mọi người đều rửa tay, như lúc bắt đầu. Luật lệ quy định rằng người chủ trì phải nhận nước từ người trẻ nhất trong số họ và có lẽ đó là Gioan đã đưa nước cho Chúa Giêsu. Nhưng thay vì để người ta phục vụ mình, Chúa là Thầy đã để lại một bài học khiêm nhường khi rửa chân cho các môn đệ. Sau khi xong việc, trước một chén rượu pha nước, Ngài mời gọi đọc những kinh nguyện tạ ơn : kinh thứ nhất tạ ơn Thiên Chúa tạo thành, kinh thứ hai tạ ơn vì cuộc giải phóng khỏi đất Ai Cập, kinh thứ ba vì công trình Ngài tiếp tục từ lúc này. Sau lời cầu nguyện, chén được chuyền từ tay này sang tay khác và mọi người đều uống. Đó là nghi thức cổ xưa, đã được Chúa Giêsu thực hiện rất nhiều lần trong đời.

Luca quả quyết rằng sau bữa tối, Chúa Giêsu cầm lấy chén và nói, "Chén nầy là giao ước mới lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em". Một điều có tính quyết định khi Chúa Giêsu thêm những lời này vào công thức kinh nguyện tạ ơn, tức vào kinh berakha Do thái. Nghi lễ này là một bữa tiệc thánh trong đó người ta tạ ơn Thiên Chúa cứu độ đã cứu vớt dân Người, để ký kết với dân một giao ước tình yêu trong máu một con chiên. Bữa ăn hàng ngày chúc tụng Thiên Chúa vì Giao Ước này. Nhưng giờ đây, tức vào lúc Chúa Giêsu quyết định hiến mạng sống mình cho những người thuộc về mình như con chiên thật, Ngài tuyên bố rằng giao ước cũ mà tất cả đang cùng nhau cử hành theo phụng vụ đã chấm dứt.

Vào lúc đó, bằng một vài từ đơn giản, Ngài khai mở, dâng hiến và ký kết với dân một Giao Ước mới và vĩnh cửu trong Máu Ngài. Khi Chúa Giêsu cầm lấy chén, Ngài như thể nói: "Cho đến nay, mỗi lần cử hành bữa ăn nghi thức này, anh em đã tưởng niệm tình yêu của Thiên Chúa cứu độ đã cứu anh em khỏi đất Ai Cập. Nhưng từ đây, mỗi khi anh em lặp lại những gì đã làm hôm nay, anh em sẽ làm việc đó không phải để tưởng niệm cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ vật chất trong máu của một con vật ; anh em sẽ làm để nhớ đến Thầy, Con Thiên Chúa, Đấng đã dùng máu mình làm giá chuộc anh em khỏi tội lỗi. Cho đến nay anh em đã ăn của ăn thông thường để mừng một cuộc giải thoát vật chất ; còn bây giờ anh em sẽ ăn Thầy, là của ăn thần thiêng, đã hiến tế mình vì anh em, để anh em nên một với Thầy. Và anh em sẽ ăn thịt Thầy và uống máu Thầy, trong chính hành động Thầy hiến tế mình vì anh em. Đây là Giao Ước mới và vĩnh cửu trong tình yêu của Thầy".

Khi thêm lời "hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy", Chúa Giêsu đã làm cho quà tặng của mình mang một ý nghĩa vô biên. Từ quá khứ, cái nhìn hướng về tương lai. Tất cả những gì Ngài đã làm trong Bữa Tiệc Ly được đặt vào tay chúng ta. Khi lặp lại việc Ngài đã làm, chúng ta làm mới lại hành động trung tâm này của lịch sử nhân loại, là cái chết của Ngài cho thế gian. Hình ảnh của con chiên vượt qua trên thập giá trở thành một biến cố, được ban cho chúng ta như một bí tích trong Bữa Tiệc Ly, tức là như đời đời tưởng niệm biến cố. Biến cố như thế chỉ xảy ra một lần (semel) (Dt 10,12), còn bí tích xẩy ra bất cứ khi nào chúng ta muốn (quotiescumque) (1Cr 11,26).

Ý tưởng về "tưởng niệm" mà Chúa Giêsu vay mượn từ nghi thức Do thái vào các ngày thứ bảy và ngày lễ, theo Xh 12,14 chứa đựng yếu tính của Thánh Lễ, thần học của nó, ý nghĩa sâu xa của nó cho sự cứu rỗi. Tưởng niệm Kinh thánh còn hơn một tưởng nhớ thuần túy, một kỷ niệm thuần túy chủ quan về quá khứ. Nhờ tưởng niệm, một thực tại đã xẩy ra, bên ngoài tâm trí của người đang cầu nguyện, một thực tại có sự hiện hữu riêng, không thuộc về quá khứ, nhưng hiện hữu và hành động lúc này và sẽ tiếp tục hành động trong tương lai. Cho tới bây giờ tưởng niệm này là bảo chứng cho sự trung tín của Thiên Chúa đối với nhà Israel, thì giờ đây là thân xác bị đánh dập và máu đổ ra của Con Thiên Chúa ; chính là hy tế Canvê "được hiên tại hóa" cho mọi thời và mọi người.

Ở đây, chúng ta khám phá ra ý nghĩa và giá trị sự nhấn mạnh của Ambrosiô và, sau ngài, trong một hình thức phát triển hơn, sự nhấn mạnh của các nhà thần học kinh viện và Công đồng Trentô, về sự hiện diện “đích thật, thực sự và bản thể của Đức Kitô" trong Thánh Thể. Là vì, đây là cách duy nhất để việc tưởng niệm do Chúa Giêsu thiết lập duy trì được tính chất khách quan của một hồng ân tuyệt đối, vô điều kiện, không lệ thuộc vào bất cứ điều gì, ngay cả vào đức tin của người lãnh nhận.

4. Chữ ký của chúng ta trên quà tặng

Đâu là chỗ đứng của chúng ta trong tấn tuồng vừa nhân loại vừa thần linh mà chúng ta vừa nói đến ? Suy tư của chúng ta về Thánh Thể phải đưa chúng ta tới chỗ khám phá. Quả thực chính vì chúng ta, muốn chúng ta có liên quan với hành động của Ngài, mà Chúa Giêsu đã làm cho quà tặng của Ngài thành "bí tích".

Trong Thánh Thể có hai phép lạ : một phép lạ biến đổi bánh và rượu thành mình và máu Đức Kitô, phép lạ kia biến chúng ta thành "một hy tế sống động làm đẹp lòng Thiên Chúa", liên kết chúng ta với hy tế của Đức Kitô, như các diễn viên, chứ không chỉ như khán giả. Ở nghi thức dâng lễ, chúng ta đã dâng bánh và rượu, dĩ nhiên tự nó không có giá trị hay ý nghĩa gì với Thiên Chúa. Giờ đây, khi truyền phép, chính Đức Kitô đã mang lại giá trị mà tôi không thể làm trong lễ dâng của tôi. Vào lúc đó bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô, Đấng đã nộp mình chịu chết trong cử chỉ tối thượng cuối cùng bày tỏ tình yêu đối với Chúa Cha.

Hãy nhìn xem điều đã xảy ra : quà tặng bé mọn của tôi đã trở thành quà tặng tuyệt vời dâng cho Chúa Cha. Trong bánh rượu, Chúa Giêsu không chỉ nộp mình, mà còn đưa chúng ta vào và biến đổi chúng ta (cách thần bí, chứ không thực sự) trong Ngài. Ngài mang lại cho chúng ta giá trị mà quà tặng tình yêu của Ngài đã mang lại cho Chúa Cha. Chúng ta cũng ở trong bánh này và rượu này ; Augustinô viết: "Giáo Hội hiến dâng mình trong của lễ Giáo Hội dâng cho Thiên Chúa”.

Dựa trên một ví dụ của con người, tôi muốn tóm tắt những gì xảy ra trong cử hành Thánh Thể bằng một ví dụ lấy trong đời sống gia đình. Chúng ta hãy tưởng tượng một gia đình đông con, trong đó người con cả ngưỡng mộ và yêu thương cha mình hơn hết mọi sự. Ngày sinh nhật của cha, anh muốn tặng cha một món quà quý giá. Nhưng trước khi làm điều ấy, anh bí mật yêu cầu tất cả anh chị em trong nhà ký tên vào món quà. Món quà sẽ đến tay cha như một dấu chỉ tình yêu của mọi con cái, không phân biệt, cho dù trên thực tế chỉ có người con cả đã mua quà.

Đây là điều xảy ra trong hy tế Thánh Thể. Chúa Giêsu đã vô cùng ngưỡng mộ và yêu mến Cha trên trời. Ngài muốn dâng lên Cha mỗi ngày cho đến tận thế những gì Ngài quý nhất trên đời là cuộc sống của mình. Trong Thánh Lễ, ngài mời gọi tất cả "anh chị em" của mình ký tên vào quà tặng này, để dâng lên Thiên Chúa Cha, như là quà tặng của mọi con cái, không phân biệt, cho dù chỉ có một người đã trả giá cho quà tặng này. Và cái giá thật đắt!

Chữ ký của chúng ta là vài giọt nước pha vào rượu trong chén ; như Augustinô giải thích, chữ ký của chúng ta trên hết là tiếng Amen mà các tín hữu thưa lúc hiệp lễ: "Bạn thưa Amen cho cái mà bạn là và qua lời thưa này, bạn ký tên đồng ý. Cái bạn thấy là Mình Thánh Chúa Kitô, và bạn trả lời: Amen. Vậy hãy là chi thể của thân thể Đức Kitô, để Amen này là thật... Hãy là cái mà bạn thấy, và hãy nhận cái mà bạn là". Tất cả khoa Giáo hội học Thánh Thể của Augustinô (mà chúng ta đã có dịp đề cập) đều thấy ở đây lãnh vực áp dụng. Nếu người ta không thể nói rằng Thánh Thể Giáo Hội (như một số môn đệ của ngài khẳng định), người ta có thể và phải nói rằng Thánh Thể làm nên Giáo Hội.

Chúng ta biết rằng bất cứ ai đã ký vào một cam kết, thì phải tôn trọng chữ ký của mình. Điều này có nghĩa là khi tan Thánh Lễ ra về, chúng ta cũng phải biến đời sống chúng ta thành một quà tặng tình yêu cho Chúa Cha và cho các anh chị em chúng ta. Chúng ta cũng phải nói trong trí với anh chị em mình: "Hãy nhận lấy mà ăn; này là mình tôi. Hãy dùng thời giờ của tôi, khả năng của tôi, sự chú ý của tôi. Cũng hãy lấy máu của tôi, nghĩa là những đau khổ của tôi, tất cả những gì làm tôi tủi hổ, làm tôi đau đớn, giới hạn sức mạnh của tôi, thậm chí cái chết thể lý của tôi. Tôi muốn cả cuộc đời tôi, như Chúa Kitô, trở thành tấm bánh bị nghiền nát và rượu đổ ra cho người khác. Tôi muốn biến tất cả đời tôi thành một Thánh Thể.

Tôi đã nói về sách Didachè, như bản văn minh họa cho con đường từ phụng vụ Do thái qua phụng vụ Kitô giáo. Chúng ta hãy kết thúc bằng một trong những lời cầu nguyện của sách ấy, một lời kinh đã gợi hứng cho nhiều kinh nguyện Thánh Thể liên tục của Giáo Hội:

"Cũng như tấm bánh bẻ ra này, xưa được tung vãi trên đồi, đã được thu gom lại để làm nên một, xin cho Hội Thánh của Chúa từ tận cùng trái đất được tụ họp lại trong nước Ngài. Nhờ Đức Giêsu Kitô, vinh quang và quyền năng thuộc về Ngài đến muôn đời". Amen.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ ba Mùa Chay năm 2014, tại Phủ Giáo hoàng)

        Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều