PHÚC THAY AI BỊ BÁCH HẠI VÌ SỐNG
CÔNG CHÍNH, VÌ NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ
1. Hai lý do bách hại :
sự công chính và danh Đức Kitô
Mối
Phúc bị bách hại là một trong những Mối Phúc hiêm hoi (tất cả có bốn) được cả
Matthêu lẫn Luca thuật lại, và nó là Mối Phúc duy nhất có kèm theo lời bình giải
vắn của chính Đức Giêsu. Để hiểu những suy nghĩ sau đây, chúng ta hãy nhìn theo
kiểu nhất lãm về những bản văn liên hệ của Matthêu và Luca.
Yếu
tố phân biệt và làm rõ nét nhất hai bản văn là lý do khiến người ta bị bách hại:
“vì Con Người” theo Luca, và “vì sống công chính” theo Matthêu. Trong trường hợp
thứ nhất, chính là lý do Kitô học : người được chúc phúc là những môn đệ chịu
đau khổ vì tin vào Đức Kitô. Nền tảng có tính chất lịch sử : người ta xem xét
tình hình cụ thể của Giáo Hội, đối tượng phân biệt và thù nghịch của thế giới
chung quanh, mà khởi đầu đặc biệt là thế giới Do thái.
Trong
trường hợp thứ hai, lý do có tính chất luân lý và là nền tảng phổ quát. Những
người được chúc phúc không phải là một nhóm rõ ràng (“Phúc cho anh em..”),
nhưng là tất cả những ai bị bách hại vì sống công chính. Nơi Matthêu cũng có lý
do Kitô học (“vì Ta”) nhưng có tầm mức rộng lớn hơn. Sự công chính nói ở đây chắc chắn là sự công
chính của Phúc Âm, sự công chính của Nước Thiên Chúa (“Trước hết hãy tìm kiếm
Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người…”), được diễn tả bằng “những công
việc của đức công chính” (Mt 25) và chính vì thế đây là một phạm trù phổ quát
và bao gồm hơn là con người lịch sử Đức Kitô.
Chúng
ta có thể thoáng thấy một sự tiến triển nào đó trong cách giải thích mối phúc
này qua các thế kỷ. Thời Thượng cổ và một phần thời Trung cổ, lý do Kitô học của
Luca có ưu thế : chỉ được coi là tử đạo những ai bị bách hại vì tin vào Đức
Kitô. Trong suốt thời hiện đại, đặc biệt ngày nay, lý do luân lý và phổ quát
“vì sống công chính” đã có một tầm quan trọng mới. Các vị tử đạo (kể cả những vị
được Giáo Hội chính thức công nhận như thế) không chỉ là những vị đã bị xử tử
cách minh quyết vì tin vào Đức Kitô, mà cả những vị hiến mạng sống mình vì yêu
tha nhân, như thánh Maximilianô Kolbê ; những vị chết để bảo vệ quyền lợi của
những người bị áp bức, như Oscar Romero ; những vị chết để bảo vệ sự trong sạch
của mình, như thánh nữ Maria Goretti. Niềm tin vào Đức Kitô là giả định cần thiết
cho mọi sự tử đạo Kitô giáo chính thực, nhưng không luôn luôn và nhất thiết là
lý do của sự tử đạo ấy.
2. Hai hình thức bách hại
: giết chết và gạt ra bên lề
Việc
bách hại các môn đệ Đức Kitô có thể có hai hình thức khác nhau mà chúng ta cần
phải biết đến hôm nay. Hai hình thức này được mô tả như gương mẫu và có tính
tiên tri ở sách Khải Huyền chương 13, bằng hình ảnh hai Con Thú, một con từ dưới
biển đi lên (Kh 13,1-10), một con từ đất đi lên (Kh 13,11-18). Con Thú từ dưới
biển đi lên được đồng hóa với quyền hành chính trị thay thế cho Thiên Chúa, được
phép “giao chiến với dân thánh và thắng họ”, lên án giam tù người này, dùng
gươm giết chết kẻ kia.
Con
Thú kia từ đất đi lên cũng bách hại các thánh, cho dù bằng cách khác nhau : nói
chung nó không giết người, nhưng gạt họ ra bên lề, khai trừ họ. Mục đích của nó
là “mê hoặc những người sống trên mặt đất, bảo họ tạc tượng thờ Con Thú thứ nhất”
(Kh 13,11 tt). Đây là một quyền lực bí ẩn, một loại thừa tác vụ tuyên truyền của
Con Rồng. Nó thúc đẩy người ta thờ lậy và lụy phục Con Thú thứ nhất, với mục
đích này nó bắt đầu thực hiện điều kinh khủng là thích dấu trên tay hữu hoặc
trên trán. Nếu không mang dấu tích đó, không ai sẽ có thể “mua hay bán”, nghĩa
là thuộc về thành phần xã hội (tiền lệ đáng buồn về ngôi sao David mà Đức Quốc
Xã áp đặt cho người Do Thái). Con Thú thứ hai không thích mang vũ khí, nhưng
thích sử dụng văn hóa và công luận hơn.
Sự
mô tả của sách Khải Huyền có một chiều
kích lịch sử hiển nhiên. Con Thú
thứ nhất hầu như nhất trí được đồng hóa với hoàng đế Rôma và các người đại diện
ông, đặc biệt Domitianô, người đã chính thức hóa việc tôn thờ hoàng đế như thần
linh, và với Nêrô, tác giả của cuộc bách hại chính thức thứ nhất chống lại người
Kitô hữu. Con Thú thứ hai biểu thị vẻ huy hoàng về tôn giáo và văn hóa, phục vụ
và cổ võ ý thức hệ vương quyền, đặc biệt ở Tiểu Á.
Nhưng
sự mô tả này hiển nhiên cũng có một chiều
kích tiên tri. Nó vạch ra khung cảnh
điều kiện của các môn đệ Chiên Con ở mọi giai đoạn lịch sử. Nhưng sẽ là sai lầm
nếu tìm kiếm qua những mô tả của sách Khải huyền, đặc biệt mô tả về hai Con
Thú, những so sánh đúng lúc với những biến cố hay những thực tại lịch sử, như
người ta đã thường toan tính làm, từ đó mà rút ra những kết luận sai lạc. Cũng
sẽ là hoàn toàn điên rồ nếu không dùng những lời tố cáo mang tính tiên tri để
soi sáng những biến cố sau này xẩy ra trong Giáo Hội và trên thế giới.
Tất
cả những điều đó đặc biệt hiển nhiên ngày hôm nay. Một khi những chế độ toàn trị
vô thần và những chế độ độc tài quân sự bị lật đổ, những chế độ mang bộ mặt Con
Thú thứ nhất, và làm cho biết bao nhiêu người chịu tử đạo trong suốt thế kỷ vừa
qua, thì chính Con Thú thứ hai giờ đây đang nổi lên. Đức Giáo hoàng Bênêđitô
XVI dường như áp dụng hình ảnh hai Con Thú vào tình hình hiện nay khi ngài viết
trong sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới: “Có những chế độ áp đặt cho mọi người một
tôn giáo duy nhất, trong khi những chế độ dửng dưng với tôn giáo, tuy không
bách hại dữ dội, nhưng dùng văn hóa chế nhạo có hệ thống những niềm tin tôn
giáo” (số 5).
Chắc
chắn, những cuộc bách hại đẫm máu không chấm dứt, và hầu như mỗi ngày tin tức
cho hay về những Kitô hữu bị giết hoặc bị buộc phải lưu vong do những nhóm quá
khích trong các nước Hồi giáo. Lạ nhất là chính Magdi Allen, một nhà báo theo đạo
Hồi, mới đây đã phát động ở Ý phong trào “Hãy cứu lấy các Kitô hữu” để lay động
công luận thờ ơ đến lạ lùng trước vấn đề này. Trong thế giới Tây phương tục hóa
của chúng ta, không có hình thức thông thường của bách hại, nhưng có hình thức
thứ hai, hình thức dùng dư luận chứ không dùng gươm giáo.
Nhà
chú giải Heinrich Schlier đã phân tích thích đáng sự kiện này, bắt đầu từ câu
trong Phúc Âm nói về “tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung” (Ep
2,2). Ông khiến người ta chú ý tới vai trò của công luận trong vấn đề này. “Thần
trí của thế gian” (1Cr 2,12), như Phaolô nói, hay thần trí của thời đại trở
thành một bầu khí tinh thần qua đó những quyền lực quỷ thần hoạt động, như từ
phía sau hậu trường.
“Người
ta xác định một thần trí có cường độ lịch sử lớn mà cá nhân khó có thể trốn
tránh. Làm, nghĩ hay nói điều gì đó ngược lại được coi như một việc điên rồ hoặc
dứt khoát như một sự bất công hay một tội
phạm. Khi ấy, người ta không dám định vị mình nữa trước những sự vật, những
tình huống, nhất là trước sự sống một cách khác với với cách được coi là tốt đẹp
rồi. Kẻ thống trị ẩn mình của thế giới này – chính xác ẩn mình trong lãnh vực tinh
thần, trong bầu khí của những thời kỳ khác nhau – cho thấy thế giới và cuộc sống
từ quan điểm độc nhất của nó.”
Phẩm
chất của quyền lực “trên không trung” đặc biệt thích đáng kể từ lúc ý thức hệ
này có được cách chuyên chở ưu đãi trong những phương tiện truyền thông đại
chúng chuyển tải sứ điệp của nó qua không trung : vô tuyến truyền thanh, truyền
hình, internet…
Hai
hình thức bách hại này khác nhau ở chỗ nào? Nhà Nước vô thần công khai chống lại
đức tin, còn sự tục hóa có khuynh hướng làm cho đức tin bị coi như vô nghĩa hoặc
như cặn bã của các giai đoạn mà ý thức của con người đã vượt qua. Một trong những
tác giả thuộc loại này đã viết: “Niềm tin tôn giáo không thể diệt được, vì
chúng ta là những thụ tạo tiến triển không ngừng. Nó sẽ không bao giờ tàn lụi,
hoặc ít ra, nó chỉ tàn lụi ngày chúng ta chiến thắng nỗi sợ chết, sợ mầu đen, sợ
người lạ, sợ những người khác”.
Người
ta dự đoán tôn giáo cũng sẽ tồn tại trước những cuộc tấn công hiện nay, như đã
tồn tại trước những cuộc tấn công trước đây, và người ta cố cắt nghĩa sự kiện rắc
rối này, bằng cách coi nó như một sản phẩm nhất thời, gắn liền với điều kiện hiện
tại của con người “đang tiến hóa”. Bằng cách này, người trí thức vô thần mặc
nhiên đảm nhận vai trò của người một mình vi phạm luật này, khi dự đoán sự tiến
hóa sẽ chấm dứt, và, như Zarathoustra của Nietzsche đánh cuộc, người đó sẽ trở
lại thế gian để soi sáng những người chết đáng thương về thực tại các sự vật.
3. Điều làm nên sự tử đạo
đích thật : tình yêu, sự khiêm nhường và ân sủng
Không
phải mọi người bị bách hại đều được kể vào số những người được Đức Giêsu chúc
phúc. Điều kiện cơ bản để được vào số đó là không có pha trộn nào về vai trò giữa
người bị bách hại và kẻ bách hại.
Tôi
chỉ muốn kể ra đây làm ví dụ trường hợp kinh khủng tráo đổi vai trò giữa những
người bị bách hại và kẻ bách hại, đó là thái độ của người Kitô hữu đối với người
Do Thái qua các thế kỷ. Người Do Thái bị người ta thù ghét, bị buộc tội, bị
lăng nhục, bị ruồng bỏ “vì Con Người”, làm cho kiểu nói này mang một ý nghĩa
khác với ý nghĩa mà Đức Kitô đã dự kiến và chấp nhận.
Khi
sự phân biệt giữa hai vai trò kém đi hay mờ nhạt, người ta đối diện với những
trường hợp sai lệch về sự tử đạo tự sát hay sát nhân : người bị bách hại – hay
nghĩ mình bị bách hại – biến thành người bách hại, người tử đạo biến thành lý
hình. Phán đoán quan niệm tử đạo trong các tôn giáo khác không phải là chuyện của
chúng ta, nhưng chúng ta phải nói rõ ai thực sự chịu bách hại theo Phúc Âm. Đức
Giêsu bảo các môn đệ sống “như chiên giữa bầy sói”. Ngài nói với họ: “Khi người
ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác” (Mt 10,23). Dựa
vào những lời này mà các Giáo Phụ biện minh cho việc khước từ mọi thái độ kịch
liệt kháng cự, thậm chí nếu có dịp thì bào chữa cho việc trốn trách cuộc bách hại.
Một
hình thức lẫn lộn khác giữa những vai trò là “tử đạo khiêu khích”, trong đó
chính vị tử đạo gây nên cuộc bách hại do thái độ thách thức của mình. Ngày nay,
chúng ta không chấp nhận nữa, chẳng hạn, cách làm của những vị tử đạo dòng Phan
Sinh, những vị này, vừa cập bến ở Marốc, bắt đầu rao giảng đức tin tại công trường,
đòi hỏi những người Hồi giáo trong thành phố, cho dù là nhà lãnh đạo hay dân
chúng, phải từ bỏ niềm tin của họ và cải đạo sang Kitô giáo.
Thánh
Phanxicô biết điều đó, cho dù ngài ca ngợi những vị tử đạo này như là “những
anh em hèn mọn thực sự” về lòng can đảm và niềm tin cao đẹp của họ, nhưng ngài
bắt đầu tìm kiếm một cách khác “đến với những người Hồi giáo và lương dân”, hơn
là công khai rao giảng đức tin Kitô giáo và khuyên họ cải đạo khi hoàn cảnh cho
phép. Cách khác này, được cắt nghĩa trong luật tiên khởi, “không nêu ra những
cuộc tranh luận hay bàn cãi, nhưng phục lụy mọi người vì lòng yêu mến Thiên
Chúa, và tuyên bố mình là Kitô hữu”.
Vì
lo bút chiến với nhóm Đonatô biện minh cho sự tử đạo tự sát, thánh Augustinô đã
suy nghĩ lâu về bản chất đích thực của sự tử đạo Kitô giáo, trước khi đi đến kết
luận là “không phải khổ hình, nhưng là lý do làm nên sự tử đạo”
Câu
châm ngôn này, tách riêng ra, cũng có thể khiến nhiều người giải thích sai. Biết
bao nhiêu người chết vì một lý do sai lầm, thậm chí bất công, mà vẫn tưởng chết
ví chính nghĩa. Chính vì vậy Augustinô thấy cần phải xác định rõ và bổ túc cho
định nghĩa này. Chết cho Đức Kitô, cho đức tin cũng không đủ nữa, nếu người ta
chết mà không có tình yêu, do đối kháng với một người khác. Dựa vào lời thánh
Phaolô: “Giả như tôi nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến,
thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (2Cr 13,3), Augustinô coi đức mến là tiêu chuẩn
để nhận ra sự tử đạo đích thực, và đặc biệt trong trường hợp những người Đonatô
ly khai, là yêu mến sự hiệp nhất của Giáo Hội. Chính tình yêu và sự tha thứ, mà
vì đó Đức Kitô, Stêphanô và biết bao
nhiêu người khác sau các ngài đã chịu chết, là dấu chỉ giúp nhận ra sự tử đạo
đích thực của Kitô giáo. Câu châm ngôn “Chính lý do làm nên sự tử đạo” gộp
chung vào câu: “Chính bác ái làm nên sự tử đạo”.
Thực
xúc động khi mà, sau bao nhiêu thế kỷ, chính tại Bắc Phi, nơi Augustinô đã hoạt
động trước đây, người ta lại được thấy một trong những chứng từ sáng ngời nhất về
sự tử đạo vì tình yêu. Tôi muốn nói đến bẩy đan sĩ dòng trappít bị một nhóm người
Hồi giáo thuộc ngành chính thống ám sát vào tháng 5 năm 1996, tại Tibhirine nước
Algêria. Không lâu trước đó, khi thấy kết cục bi thảm ngày càng hiển nhiên, thầy
tu viện trưởng Dom Christian Marie de Clergé đã viết một di chúc thiêng liêng rồi
ra sẽ là một trong những cách diễn đạt cao cả nhất của linh đạo Kitô giáo về sự
tử đạo: “Đã đến lúc tôi thích khoảng thời gian tỉnh táo này để nài xin Thiên
Chúa và các anh em đồng loại của tôi tha thứ cho tôi, đồng thời để tôi hết lòng
tha thứ cho người có lẽ làm hại tôi.”
Ngài
không muốn tất cả Hồi giáo hoặc dân tộc Algêria bị buộc tội về cái chết có thể
xẩy ra cho ngài và cho các anh em ngài ; ngài cũng không muốn tội lỗi lại đổ xuống
trên người trực tiếp gây ra cái chết này, “nhất là nếu anh ta bảo mình hành động
vì nghĩ rằng một người Hồi giáo trung thành phải làm như thế”. Và cương quyết
hướng về người có lẽ một ngày nào đó đứng trước mặt ngài tay cầm dao nhọn, ngài
kết luận: “Cả bạn nữa, người bạn vào phút chót, người sẽ không biết việc mình
đã làm. Phải, cho cả bạn nữa, tôi muốn lời Cám Ơn này, và “Lời Vĩnh Biệt” này như
bạn toan tính. Ước gì chúng ta được gặp lại nhau trên thiên đàng, như những người
trộm lành, nếu điều đó làm hài lòng Thiên Chúa, Cha của cả hai chúng ta.”
Những
hoàn cảnh thúc đẩy Augustinô làm nổi bật một phẩm chất chủ yếu thứ hai của sự tử
đạo Kitô giáo : sự khiêm nhường. Trong cuốn De
Civitate Dei, ngài đối chiếu với văn hóa ngoại giáo xiển dương những cách tử
đạo và tự sát vì danh dự : Lucrêciô, Catô, Muciô Scaevola, Attiliô Rêgôlô. Theo
Augustinô, tất cả những người trên đều tỏ ra kiêu ngạo, chứ không phải một tâm
hồn cao cả đích thực. Chính sự cao cả này lẽ ra phải là lý do giúp họ mạnh mẽ
chịu đựng nỗi bất hạnh và nhục nhã, hơn là trốn tránh điều đó bằng cách tự tử.
Sự
khiêm nhường của các vị tử đạo còn biểu lộ qua việc họ sợ hãi và ghê tởm cái chết:
“Đó là những vị tử đạo, nhưng trước hết, là những con người”. Chúng ta khác xa
với tâm trí của hiền nhân phái khắc kỷ, tin chắc rằng cho dù cả thế giới có đổ
trên đầu ông thì ông vẫn không nao núng giữa những đổ nát. Người tử đạo Kitô hữu
sẽ không bao giờ đương đầu với thử thách mà chỉ dựa vào sức riêng mình, nhưng
chỉ dựa vào ơn Chúa mà thôi. Trong cuộc bút chiến chống lại chủ thuyết Pêlagiô,
câu khẳng định nổi tiếng của Augustinô: “Chính nghĩa làm nên sự tử đạo” sẽ
phong phú thêm bằng một chân lý thứ hai: “Ân sủng làm nên sự tử đạo”.
Được
những suy nghĩ sâu sắc này soi sáng, ta thấy một số pha trộn giữa thái độ của vị
tử đạo và thái độ của người anh hùng ngoại giáo trong rất nhiều văn chương tử đạo
lục xem ra ngây ngô và lỗi thời. Nếu đúng theo lịch sử (nhưng không phải vậy)
là phó tế Laurensô đã nói với đao phủ thủ lúc ngài đang nằm trên vỉ sắt nóng:
“Bên này chín rồi, lật tôi qua bên kia mà ăn”, thì ngài giống với Muciô Scaevola
hơn là với Đức Giêsu Kitô.
Chính
theo nghĩa này mà cách trình bầy của Bernanos về lúc chuẩn bị tử đạo trong sách
Le Dialogue des Carmélites và trước
đó là cách trình bầy của Gertruđê von le Fort trong truyện La dernière à l’échafaud xem ra có mầu sắc rất Augustinô và Kitô
giáo. Nữ tu trẻ Blanche de l’Agonie de Jésus sợ hãi trước viễn cảnh tử đạo và bỏ
trốn, bỏ lại các nữ tu đồng bạn. Tuy nhiên vào phút chót, cô mạnh mẽ một mình
ra trình diện và bước lên máy chém, vừa đi vừa hát đoạn cuối bài Veni Creator. Như Đức Giêsu, hấp hối trước
cuộc khổ nạn đang đến gần, đã kêu lên: “Tinh thần thì hăng say nhưng thể xác
thì yếu hèn”, nhưng rồi Ngài cương quyết nói với các môn đệ: “Đứng dậy, ta đi
nào”.
Vở
kịch Meurtre dans la cathédrale của
Tôma S. Eliot cũng cho thấy một suy tư rực rỡ về sự tử đạo Kitô giáo. Theo ông,
cám dỗ cuối cùng mà vị tử đạo phải đương đầu là sự kiêu ngạo. Tên cám dỗ có nhiều
cách len lỏi vào Tôma Becket: “Điều gì có thể sánh được với vinh quang của các
thánh ? Vinh quang trần thế, của vua chúa hay của hoàng đế chăng? Hãy tìm con
đường tử đạo, hãy ở chỗ thấp nhất dưới đất, để được chỗ cao nhất trên trời…”
Nhưng những lời sau cùng của vị tổng giám mục nói với dân mình, trước khi người
của nhà vua đến bắt, là: “Sự tử đạo Kitô giáo không phải là kết quả ý của một
người muốn trở nên thánh…Một vị tử đạo, một đấng thánh luôn được thực hiện bởi
ý định của Thiên Chúa, vì tình yêu của Ngài đối với con người… Vị tử đạo không
ao ước gì cho mình, ngay cả vinh quang của sự tử đạo.” Tử đạo là ân sủng.
4. Bị bách hại cách
chính đáng hay không chính đáng ?
Trong
phần bình giải các Mối Phúc, nhà chú giải J. Dupont coi câu xen trong bản văn của
Matthêu là quan trọng: “Phúc thay anh em khi vì Thày mà bị người ta sỉ vả, bách
hại và vu khống đủ điều xấu xa.” Theo ngài, câu xen “cách giả dối” (pseudomenoi
nghĩa đen là “bằng cách nói dối”) phản ánh mối bận tâm của tác giả sách Phúc Âm
phân biệt sự bách hại bất công với sự bách hại chính đáng.
Có
lẽ do kinh nghiệm về Giáo Hội của mình thúc đẩy, Matthêu nhắm tới việc người
Kitô hữu có thể không bị tố cáo sai, nhưng tố cáo đúng, không phải giả dối,
nhưng sự thật là vậy. Hơn nữa, đây không phải là tiếng nói đơn độc trong Giáo Hội
thời tông đồ. Thánh Phêrô từng phân biệt việc chịu đau khổ với tư cách người
Kitô hữu, với việc chịu đau khổ vì tội “giết người, trộm cắp, làm điều gian ác”
(1Pr 4,15-16), và thánh Phaolô thường khuyên tín hữu đừng là lý do cho người
ngoại chê trách vì cách cư xử của mình.
Những
nhà rao giảng Kitô giáo đầu tiên cũng trình bầy khả năng cuộc bách hại có thể
được quyết định do cách hành xử thiếu nhất quán của người Kitô hữu, chứ không
thuần túy thù ghét danh xưng của họ. Một tác giả vô danh ở thế kỷ II đã viết:
“Khi những người ngoại giáo nghe từ miệng chúng ta những lời của Thiên Chúa, họ
thán phúc nét đẹp đẽ cao cả của những lời đó ; nhưng rồi, khi biết những việc
chúng ta làm không đáp ứng những lời chúng ta loan báo, họ bắt đầu chê trách
danh Thiên Chúa.”
Không
đâu như trường hợp này, các Mối Phúc được coi như bức chân dung tự thuật về Đức
Giêsu, trong đó các Mối Phúc được thực hiện đầy đủ và có tính chất gương mẫu.
Theo triết gia Kierkegaard, chỉ có một người đã thật sự bị bách hại, người duy
nhất bị bách hại cách bất công, đó là Đức Giêsu Kitô. Còn tất cả chúng ta, khi
bị bách hại và chịu khổ, chúng ta phải liên kết với người trộm lành trên thập
giá mà nói: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.
Chứ ông này đâu có làm điều gì sai trái” (Lc 23, 41). Có lẽ chúng ta đã không
phạm lỗi đặc biệt được gán cho chúng ta, nhưng chúng ta không hoàn toàn không
có lỗi. Chỉ mình Thiên Chúa, khi chịu khổ là chịu khổ mà hoàn toàn vô tội. Có lẽ
ngoại trừ nỗi khổ của các trẻ em vô tội, và chính vì vậy mà chúng ta khó lòng chấp
nhận nỗi khổ ấy. Đau khổ này liên kết với đau khổ của Con Chiên vô tì tích, nó
là ý nghĩ duy nhất có thể cứu người tín hữu khỏi thất vọng.
Tất
cả những điều đó giúp cho các tín hữu không rơi vào những mặc cảm vô ích về sự
bách hại trước sự thù nghịch ngày càng gia tăng của thế giới tục hóa đối với họ.
Một sự thù nghịch như vậy không bao giờ tồn tại mà không có một lý do nào đó.
Ngay cả hôm nay, cũng như vào thời tác giả vô danh viết Thư thứ hai của
Clêmentê, nhiều người khâm phục vẻ đẹp của Đức Kitô và chân lý của Phúc Âm,
nhưng họ công phẫn trước sự bất nhất của những người xưng mình là Kitô hữu.
Thánh
Phaolô mô tả thái độ lý tưởng của người Kitô hữu trược sự đối kháng của thế
gian: “Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành ; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu ; bị
vu khống, chúng tôi đem lời an ủi” (1Cr 4,12-13). Một chương trình mà tác giả
Thư gửi Điognêtô đã thấy được thực hiện nơi người Kitô hữu thời ông, như ông viết:
“Họ yêu thương mọi người, và mọi người bách hại họ ; người ta nguyền rủa họ và
họ chúc lành.”
Vả
lại, người ta không chỉ thấy Mối Phúc của những người bị bách hại vì lẽ công
chính trong những dịp quan trọng, hoặc trong cuộc gặp gỡ giữa Giáo Hội và thế
giới, mà cả trong đời sống thường ngày, trong những tương phản và đối kháng mà
cuộc sống dành cho mỗi người. Sự “công chính”, tức bổn phận và lương tâm, thường
thúc đẩy người ta nói hay làm những chuyện gây ra đối kháng với chúng ta, thậm
chí ngay trong vòng hạn hẹp giữa những người trong một nhà. Đức Giêsu đã cảnh
báo: “Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại
hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống
lại cha ; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ ; mẹ chồng chống lại nàng
dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12,52-53). Kể cả giữa lòng Giáo Hội.
5. Trước khi xuống núi
Đã
dến lúc chúng ta kết thúc loạt bài suy niệm của chúng ta về các Mối Phúc. Tôi
muốn dừng lại một chút để có một cái nhìn toàn bộ về chúng. Có một dạo cộng đồng
Brescia tổ chức những buổi thuyết trình công khai về các Mối Phúc, mời các nhân
vật văn hóa, tài chính, chính trị bình giải chúng. Người ta giao cho tôi Mối
Phúc cho những ai có lòng trong sạch. Văn sĩ Erri De Luca là Mối Phúc cho những
ai có tinh thần nghèo khó. Ông ta đã có những phê phán về các Mối Phúc mà tôi
thấy rất hiệu quả:
“Những
giá trị bị đảo lộn. Một loạt niềm vui mới kế tiếp nhau được đặt đối trọng với
những thứ bậc nghèo nàn của trần thế. Hạnh phúc cho những người hiền lành, đói
khát, thương xót sao ? Sự mới mẻ thật lạ lùng. Những niềm vui này cháy lên như
mẫu củi cháy dở cầm ở tay…Chưa bao giờ những hàng ngũ bị đảo lộn như thế, không
phải do một cuộc nổi dậy, nhưng dưới đà tiến của một niềm vui mà những người có
thế lực chưa từng thấy…Sự mới mẻ của nó chưa có chỗ đứng trên mặt đất”.
Có
lẽ có điều gì đó cần làm rõ liên hệ tới quả quyết cuối cùng. Đức Giêsu nói:
“Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta
sẽ không nói : Ở đây này ! hay ở kia kìa !, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở
giữa các ông” (Lc 17,21), một điều đặc biệt có giá trị cho các Mối Phúc. Chúng
đã được thực hiện, ít ra một phần, trong thế giới này, nhưng không theo cách mà
“thế gian” mong đợi. Người ta không còn coi trọng những con người, khi còn sống,
đã cảm nghiệm được hạnh phúc mà Đức Kitô đã hứa cho những người nghèo khó, hiền
lành, có tâm hồn trong sạch. Giờ đây, như thánh Tôma lưu ý, những người sầu khổ
được Chúa Thánh Thần an ủi, Đấng được gọi là Paraclet, nghĩa là Đấng an ủi ; những người đói khát được no thỏa bằng
bánh ban sự sống ; những người thương xót được xót thương ; những người có lòng
trong sạch một cách nào đó được thấy Thiên Chúa, và những ai chế ngự được những
lý do giận dữ được gọi là con Thiên Chúa.
Nhưng
điều đó không biện minh cho mọi sự ; đây là một sự hoàn tất được dành cho một số
người, không làm thỏa mãn những ai đau buồn vì sự nghèo khó, đói khát và bất
công mà toàn dân phải chịu. Chính theo nghĩa này mà người ta hiểu tiếng than mà
người bạn của De Luca thốt lên: “Sự mới mẻ của các Mối Phúc chưa thấy có trên
trần gian này.” Về các Mối Phúc, người ta hẳn có thể lặp lại điều Gioanna d’Arc
của Péguy đã nói, khi bình giải kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con, nước Cha còn
lâu mới trị đến, ý Cha còn lâu mới thể hiện.” Lạy Thiên Chúa của con, những người
đói khát còn lâu mới được no thỏa, những người sầu khổ còn lâu mới được ủi an,
những người hiền lành còn lâu mới được Đất Hứa làm gia nghiệp!
Giải
pháp là ở chỗ khác. Để hiểu các Mối Phúc, phải đi từ quy đề (apodose), nghĩa là
từ lời hứa gắn liền với mỗi Mối Phúc. Lời hứa này hầu như luôn ở tương lai, dẫn
tới một cuộc sống khác : Phúc thay ai sầu khổ “vì họ sẽ được ủi an”, ai hiền
lành “vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”, ai khao khát “vì sẽ được thỏa
lòng”, ai xót thương “vì sẽ được xót thương”, ai có tâm hồn trong sạch “vì sẽ
được nhìn thấy Thiên Chúa”, ai xây dựng hòa bình “vì sẽ được gọi là con Thiên
Chúa”, và cuối cùng ai bị bách hại vì sống công chính “vì Nước Trời là của họ”.
Trở
ngại lớn nhất để hiểu các Mối Phúc, cũng như để hiểu đức tin nói chung, tùy thuộc
vào sự biến mất của chân trời vĩnh cửu. Đầu tiên là sự hoài nghi của thuyết mácxít
về chữ “vĩnh cửu”, theo đó vĩnh cửu làm mất đi sự dấn thân lịch sử để biến đổi
thế giới và cải thiện đời sống hiện tại, đó là một sự trốn tránh thực tại. Chủ
nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu thụ ồ ạt làm phần còn lại, ra vẻ lấy làm lạ và
gần như khiếm nhã khi có người hôm nay vẫn còn nói về vĩnh cửu giữa những người
"hiện đại", phù hợp với thời của chúng.
Có
lẽ dưới vỏ bọc quên lãng này, nơi mỗi người vẫn còn chút hoài niệm thầm kín về
vĩnh cửu. Các triết gia cho rằng con người là “một hữu thể hữu hạn”, vì vậy nó
có khả năng hướng tới cái vô hạn mà nó mong ước và có nhu cầu.
Một
số người vô tín cho rằng chờ mong cuộc sống vĩnh cửu là thiếu khôn ngoan. Họ
nói : hài lòng với cuộc sống này, để yên thế giới này cho con cái chúng ta và
cho những người đến sau chúng ta, vậy là đủ rồi. Tôi không nghi ngờ sự thành thực
của họ, nhưng tôi khó mà tin rằng ý nghĩ này khiến họ thực sự hài lòng và thỏa
mãn. Triết gia Miguel Unamuno (một nhà tư tưởng “thế tục”) trả lời như sau cho
một người bạn đã trách ông kiêu căng và tự phụ khi đi tìm kiếm vĩnh cửu:
“Tôi
không nói rằng chúng ta xứng đáng một thế giới bên kia, cũng không nói rằng
lô-gích chứng minh cho chúng ta thế giới ấy. Tôi nói rằng chúng ta cần nó, dù
chúng ta có xứng đáng hay không. Như vậy đó. Tôi nói rằng điều đang qua không
làm tôi thỏa mãn, tôi khao khát vĩnh cửu, không có nó thì không còn gì quan trọng
đối với tôi. Không có nó, không còn vui thú gì để sống nữa… Quả quyết rằng “Phải
sống, phải hài lòng với cuộc sống này” là điều quá dễ. Vậy còn những người không
hài lòng với cuộc sống này thì sao?”
Cũng
theo nhà tư tưởng trên, đây không nói về người khát khao sự vĩnh cửu mà không
yêu mến sự sống, nhưng về người không khao khát sự vĩnh cửu, vì lẽ người ta dễ
dàng suy nghĩ là vĩnh cửu ấy phải chấm dứt. Thánh Augustinô đã diễn tả cùng một
ý nghĩ như vậy khi ngài viết: “Sống tốt ích gì nếu nó không đi đến cuộc sống đời
đời.” Nếu phủ nhận yếu tố vĩnh cửu nơi con người, người ta tức khắc phải hô lên
như nhân vật Macbeth của Shakespeare sau khi giết vua: “Không có gì nghiêm trọng
trong cuộc sống phải chết này, tất cả đều là trò chơi : vinh quang và danh dự
đã chết, rượu của sự sống đã đổ tràn.”
Mỗi
năm diễn ra cuộc họp mặt cấp quốc gia của phong trào Canh Tân trong Thần Khí mà
tôi thường được mời tham dự. Một năm kia, tôi cảm thấy được gợi hứng nói về
vĩnh cửu, và tôi nghĩ là tôi đã làm với tất cả xác tín và hăng say. Tôi muốn
làm sống lại lời đã chết này, và tôi mời gọi đám đông (chừng 50.000 người) cùng
với tôi hô lên: “Vĩnh cửu, vĩnh cửu.” Người ta tưởng chừng như đang trên chiếc
tầu buồm của Christophe Colomb khi mà, lúc hầu như tuyệt vọng, một buổi sáng
người ta nghe tiếng người gác đêm hô to: “Đất liền, thấy đất liền rồi.”
Điều
ấy làm cho người ta nhiệt tình đến nỗi sau đó một số người in những “hình đề
can” dán lên kính xe hơi. Trên một trong những đề can đó, có một chữ “I”, tiếng
Anh có nghĩa là “tôi”, rồi một trái tim đỏ biểu thị chữ “yêu”, theo sau là chữ eternity, “vĩnh cửu”. Trên một đề can
khác là câu thơ của một thi sĩ tín hữu: “Trên thế gian mọi sự đều hư ảo, trừ ra
điều thuộc vĩnh cửu.”
Đúng
là “chân lý các Mối Phúc” chưa có chỗ đứng trên trái đất, ít ra chưa có như
chúng ta mong muốn. Đức Giêsu đã không công bố vô ích nếu những Mối Phúc ấy
không giúp duy trì trong ta sống ở trần gian này niềm khao khát vĩnh cửu.
(trích trong Raniero
Cantalamessa, Huit étapes vers le bonheur, Les Béatitudes évangéliques, ÉdB,
2009, pp 131-150)
Lm Micae Trần Đình Quảng