THIÊN CHÚA ĐANG Ở ĐÂY!

 

Trong Giáo hội, chúng ta quá bị thúc bách bởi các nhiệm vụ phải thực hiện, các vấn đề phải giải quyết và những thách thức phải đối phó, đến nỗi có nguy cơ sao lãng hoặc bỏ quên điều Phúc Âm nói: “porro unum necessarium”, chỉ một sự cần thiết mà thôi (Lc 10,42), tức là mối tương giao cá nhân của chúng ta với Thiên Chúa. Hơn nữa, qua kinh nghiệm, chúng ta biết rằng mối tương giao cá nhân đích thực với Thiên Chúa là điều kiện đầu tiên cho phép chúng ta đối mặt với mọi tình huống và mọi vấn đề xẩy ra, mà không làm chúng ta mất đi sự bình an và kiên nhẫn.

Do đó, trong những bài giảng của Mùa Vọng này, tôi đã quyết định để qua một bên bất kỳ quy chiếu nào về các vấn đề hiện tại. Chúng ta sẽ cố gắng làm những gì thánh Angela Foligno đã đề nghị với những người con tinh thần của mình: “hồi tưởng lại trong Chúa và dìm linh hồn ta vào trong sự vô biên là Thiên Chúa” [1]. Chúng ta hãy dùng đức tin mà tắm buổi sáng trước khi bắt đầu một ngày làm việc.

Chủ đề của những bài giảng Mùa Vọng này (và, nếu Chúa muốn, cho cả Mùa Chay nữa), sẽ là câu Thánh vịnh: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống” (Tv 42,2). Con người ngày nay say mê tìm kiếm những dấu hiệu tồn tại của những sinh vật thông minh trên các hành tinh khác. Đó là một sự tìm kiếm hợp pháp và có thể hiểu được, cho dù việc đó rất bấp bênh. Tuy nhiên, hiếm có người tìm kiếm và nghiên cứu các dấu hiệu của Hữu Thể hằng sống đã tạo ra vũ trụ, đã thấm nhập vào đó, đã đi vào lịch sử và sống trong đó. “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). Chúng ta có Đấng hằng sống ở giữa chúng ta và chúng ta bỏ qua Ngài để tìm kiếm những hữu thể sống động giả định, những hữu thể bất quá cũng chỉ có thể làm rất ít cho chúng ta, và chắc chắn không thể cứu chúng ta khỏi chết.

Cùng với thánh Augustinô, đã bao lần chúng ta buộc phải thưa với Chúa:  “Chúa đã ở với con, nhưng con lại không ở với Chúa” [2]. Không như chúng ta, Thiên Chúa hằng sống đi tìm chúng ta, Ngài không làm gì khác ngoài chuyện đó từ khi tạo dựng thế giới. Ngài tiếp tục kêu gọi: “Ađam, ngươi ở đâu?” (x. St 3,9). Chúng ta quyết định chú tâm đến các dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống này, để đáp lại lời Ngài kêu gọi, “gõ cửa nhà Ngài”, đi vào cuộc tiếp xúc mới mẻ và sống động với Ngài.

Chúng ta dựa vào câu nói của Đức Giêsu: “Anh em cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7,7). Đọc những lời này, chúng ta nghĩ ngay đến chuyện Đức Giêsu hứa cho chúng ta tất cả những gì chúng ta xin Ngài, và chúng ta hoang mang vì thấy điều này hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, Ngài có ý định nói một điều quan trọng nhất: cứ tìm tôi thì sẽ thấy; cứ gõ cửa thì tôi sẽ mở. Ngài hứa ban chính mình Ngài, vượt lên trên những điều nhỏ nhặt chúng ta xin, và Ngài luôn giữ lời hứa này. Bất cứ ai tìm Ngài đều thấy Ngài; Ngài mở cửa cho bất cứ ai gõ, và một khi đã tìm thấy Ngài thì mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.

Linh hồn khao khát Thiên Chúa hằng sống được bảo đảm sẽ tìm thấy Ngài, và cùng với Ngài và trong Ngài, sẽ tìm thấy mọi sự khác, như lời thánh Têrêsa Avila nhắc nhở chúng ta: “Đừng để điều gì làm phiền bạn, đừng để điều gì làm bạn sợ hãi; mọi sự qua đi, Thiên Chúa không thay đổi; kiên nhẫn có được mọi sự; ai có Thiên Chúa sẽ chẳng thiếu gì; một mình Thiên Chúa đủ.[3] Với những suy nghĩ này, chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm khuôn mặt của Thiên Chúa hằng sống.

Trở về với những sự vật!

Kinh thánh được đánh dấu bằng các bản văn nói về Thiên Chúa là Đấng “hằng sống”. Giêrêmia nói: “Đức Chúa là vị Thiên Chúa hằng sống” (10,10); Chính Thiên Chúa nói nơi Edêkien: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề” (33,11). Nơi một trong những thánh vịnh đẹp nhất của bộ thánh vịnh, được viết trong thời lưu đày, tác giả thánh vịnh kêu lên: “Linh hồn tôi khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống” (42,3), và trong một thánh vịnh khác: “Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng” (84,2). Ở Cêsarêa Philipphê, Phêrô tuyên bố Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Rõ ràng đây là một ẩn dụ rút ra từ kinh nghiệm của con người. Israel đành phải sử dụng để phân biệt Thiên Chúa của mình với những thần của các dân tộc khác là những thần linh “chết”. Trái ngược với họ, Thiên Chúa trong Kinh Thánh là “một Thiên Chúa thở”, và sự hít thở hay hơi thở (ruah) của Ngài là Chúa Thánh Thần.

Sau thời gian thống trị lâu dài của chủ thuyết duy tâm và chiến thắng của “ý tưởng”, trong thời gian gần đây, ngay cả tư tưởng thế tục cũng cảm thấy cần phải quay về với “thực tại” và đã bày tỏ điều đó trong tiếng hô hào chiến lược: “trở về với những sự vật”[4]; có nghĩa là không dừng lại ở các công thức về thực tại, các lý thuyết được xây dựng trên đó hoặc những gì thường thấy ở đó, nhưng tập trung trực tiếp vào chính thực tại là nền tảng của mọi sự; loại bỏ các lớp đất khác nhau phủ bên trên để khám phá ra đá tảng bên dưới.

Chúng ta cần áp dụng chương trình này vào phạm vi đức tin. Thánh Tôma Aquinô đã viết rằng đối tượng của đức tin “không dừng lại ở các công thức, nhưng ở  thực tại” [5]. Khi là vấn đề về “thực tại” tối cao, trong phạm vi đức tin, tức là Thiên Chúa, thì “trở về với những sự vật” có nghĩa là trở lại với Thiên Chúa hằng sống; có thể nói là phá vỡ bức tường khủng khiếp của ý tưởng mà chúng ta đã tạo ra về Ngài và, với vòng tay rộng mở, chạy đến gặp gỡ bản thân Thiên Chúa; khám phá ra rằng Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại, rằng giữa những ý tưởng của chúng ta về Thiên Chúa và Thiên Chúa sống động có sự khác biệt y như giữa một bầu trời được vẽ trên một tờ giấy và bầu trời thực sự.

Chương trình “trở về với những sự vật!” đã có một áp dụng nổi tiếng cách chính đáng: áp dụng đưa đến chỗ thấy rằng các sự vật đang… hiện hữu. Thật đáng cho chúng ta đọc lại đoạn văn nổi tiếng của Jean-Paul Sartre:

“Tôi đang ở trong công viên. Rễ cây dẻ chìm trong lòng đất ngay dưới băng ghế của tôi. Tôi không nhớ đó là một rễ cây nữa. Các từ đã tan biến và cùng với chúng là ý nghĩa của các sự vật, phương pháp sử dụng và các điểm tham chiếu lờ mờ mà con người đã vạch ra trên bề mặt của chúng.[…]. Sau đó, tôi đã được soi sáng. Nó làm tôi chết lặng. Trước những ngày cuối cùng này, chưa bao giờ tôi hiểu ý nghĩa của “hiện hữu”.[…]; hiện hữu thường ẩn mình. Nó ở đó, xung quanh chúng ta, trong chúng ta, nó là chúng ta, bạn không thể nói hai từ mà không đề cập nó, nhưng bạn không bao giờ có thể chạm vào nó… Và rồi đột nhiên, chính nó đó, rõ ràng như ban ngày: sự hiện hữu đột nhiên được tiết lộ. [6]

Triết gia thực hiện cuộc “khám phá” này tự nhận mình là người vô thần và do đó không vượt ra ngoài sự nhận định là “tôi hiện hữu, thế giới hiện hữu và những sự vật hiện hữu”. Tuy nhiên, chúng ta có thể khởi đi từ kinh nghiệm này, và biến nó thành tấm bạt nhảy cầu để khám phá ra một Hiện Hữu khác, thành tia lửa tạo ra một sự chiếu sáng khác có thể có. Điều có thể đối với rễ cây dẻ, tại sao không thể thực sự có thể với Thiên Chúa? Đối với tâm trí của con người Thiên Chúa có thể không thực bằng rễ của cây dẻ đối với mắt của họ chăng? Các Giáo Phụ đã không ngần ngại dùng những trực giác về sự thật nơi các triết gia ngoại giáo để phục vụ đức tin, ngay cả nơi những người cố ý dùng uy tín của mình chống lại các Kitô hữu. Chúng ta cần bắt chước các ngài và làm điều tương tự cho thời đại chúng ta.

Vậy thì chúng ta có thể giữ lại những gì từ sự “soi sáng” của triết gia này? Không có áp dụng trực tiếp nào hoặc về nội dung, mà chỉ có một áp dụng gián tiếp và về phương pháp. Đọc với một tâm thái nhất định, được ân sủng giúp đỡ, câu chuyện này dường như được viết có chủ ý để giúp chúng ta ra khỏi thói quen, để khơi dậy nơi chúng ta trước tiên là sự nghi ngờ, và sau đó là sự chắc chắn, rằng có một kiến thức về Thiên Chúa chưa được chúng ta biết đến…, rằng có lẽ cho tới lúc này chúng ta thậm chí chưa bao giờ nhận ra ý nghĩa của việc Thiên Chúa “hiện hữu”, Ngài là một Thiên Chúa đang hiện hữu hoặc, như Kinh thánh nói, một Thiên Chúa hằng sống. Do đó, chúng ta có một nhiệm vụ trước mắt, một khám phá cần thực hiện: khám phá ra Thiên Chúa “có đó”, làm nhiều đến độ có một lúc chúng ta cũng phải chết lặng! Đây hẳn sẽ là cuộc phiêu lưu của cả một đời.

Điều này giúp chúng ta hiểu thế nào là kinh nghiệm của một số người hoán cải đột nhiên được mạc khải về sự hiện hữu của Thiên Chúa, ở một thời điểm trong cuộc đời họ, sau khi cố tình không thèm biết tới hoặc từ chối nó. Một người trong số đó là André Frossard, nhà báo người Pháp, qua đời ngày 2/2/1995. Ông đã mô tả cuộc sống của mình trước ngày hoán cải như sau:

Thiên Chúa đã không hiện hữu. Hình ảnh của Ngài, những hình ảnh nhắc nhớ đến sự hiện hữu của Ngài hay sự hiện hữu mà người ta có thể gọi từ hậu duệ của Ngài trong lịch sử, là các thánh, các tiên tri, các vị anh hùng của Kinh Thánh, không thấy xuất hiện chỗ nào trong nhà của chúng tôi. Không ai trong chúng tôi nói về Ngài. Chúng tôi là những người vô thần hoàn hảo, thuộc số những người không còn đặt vấn đề về chủ nghĩa vô thần của mình nữa. Những người cuối cùng bài giáo sĩ, còn chống đối tôn giáo trong các cuộc họp công khai, đối với chúng tôi xem ra xúc động và khá buồn cười theo kiểu những nhà sử học có ý định vạch trần câu chuyện về Cô Bé Quàng Khăn Đỏ.[7]

Một ngày hè, mệt mỏi vì chờ đợi một người bạn mà anh hẹn gặp, chàng trai trẻ Frossard bước vào một nhà thờ gần đó, quan sát kiến trúc của nó và nhìn người ta cầu nguyện. Và đây là cách anh thuật lại những gì đã xảy ra:

Đầu tiên, là những từ: “đời sống thiêng liêng”. Chúng không được nói cho tôi, cũng không phải do tôi tạo ra; như thể chúng đang được một người nói thì thầm bên cạnh, người đó nhìn thấy thứ mà tôi chưa thấy. Âm tiết cuối cùng vừa chạm vào ý thức của tôi thì một trận tuyết lở đổ xuống tung tóe[…]. Làm sao mô tả được điều đó bằng những từ nghèo nàn này? Một thế giới khác, với nét rực rỡ và có độ dày đặc, bỗng nhắc cho chúng ta những bóng tối mong manh của những giấc mơ có thể thực hiện. Thế giới này là thực tại, là sự thật. Tôi nhìn thấy nó từ bến bờ mờ tối mà tôi luôn bị giữ lại trên đó. Có một trật tự trong vũ trụ và ở trên đỉnh, bên trên bức màn sương mù lấp lánh, có bằng chứng về Thiên Chúa: bằng chứng về sự hiện diện và về con người của Đấng mà tôi hẳn đã từ chối trước đây […]. Việc Ngài ùa vào tràn ngập và hoàn toàn mang đến cảm giác vui mừng không gì khác hơn là niềm vui của người được giải cứu. [8]

Khi anh ra khỏi nhà thờ, bạn của anh thấy có chuyện gì đó đã xảy ra, lên tiếng hỏi anh: “Có chuyện gì thế?” Anh trả lời: “Tôi là người Công giáo” và như thể sợ không nói đủ rõ, anh thêm: “tông truyền và Rôma” [9]

Kiểu nói diễn tả tốt nhất biến cố này là: nhận thấy Thiên Chúa. “Nhận thấy” cho thấy mắt bất ngờ mở ra, ý thức giật mình, qua đó chúng ta bắt đầu thấy một điều gì đó đã có trước, nhưng chúng ta đã không thấy.

Dựa trên tính mập mờ của sự “soi sáng” mà Sartre mô tả, chúng ta thử đọc lại đoạn về bụi gai cháy. Chúng ta cần nó, trong số những đoạn khác, để xem làm thế nào mà ngay cả tư tưởng “hiện sinh” hiện đại lại có thể giúp chúng ta khám phá ra trong Kinh Thánh điều gì đó mới mẻ mà tư tưởng cổ đại, hoàn toàn đi theo chiều hướng hữu thể học, bất chấp sự phong phú của nó, đã không thể hiểu được.

Đoạn văn Kinh Thánh kể lại câu chuyện bụi gai cháy (Xh 3,1 tt), tự nó là một bụi gai cháy. Nó cháy nhưng không bị thiêu rụi. Sau hàng ngàn năm nó đã không mất gì về quyền năng truyền đạt cảm thức về thần thiêng. Điều đó cho thấy, tốt hơn mọi diễn từ, những gì xảy ra khi người ta thực sự gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống. “Môsê tự bảo: Mình phải lại xem…” Ông tiếp tục nghĩ và muốn. Ông làm chủ chính mình. Chính ông hướng dẫn (hoặc nghĩ mình hướng dẫn) cuộc chơi. Nhưng này đây Thiên Chúa tràn đến và áp đặt luật của mình. “Môsê, Môsê! Chớ lại gần… Ta là Thiên Chúa của cha ngươi…” Mọi sự lập tức thay đổi. Môsê đột nhiên trở nên ngoan ngoãn và phục tùng. “Dạ, tôi đây!” Ông vừa trả lời, vừa che mặt, giống như các thiên thần Sêraphim lấy đôi cánh của mình mà che mặt (x. Is 6,2). Cái “thần thiêng” ở trên không. Môsê đi vào trong mầu nhiệm.

Trong bầu không khí này, Thiên Chúa mạc khải tên của mình: “TA LÀ ĐẤNG HIỆN HỮU”. Câu dịch của bản Bẩy Mươi chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy lạp, được giải thích như một định nghĩa về Thiên Chúa, Hữu Thể tuyệt đối, như một sự khẳng định về yếu tính sâu xa nhất của Ngài. Nhưng các nhà chú giải ngày nay nói cách giải thích này “hoàn toàn xa lạ với tư tưởng của Cựu Ước”. Đúng hơn câu đó có nghĩa “Ta là Đấng đang ở đó” hoặc thậm chí đơn giản hơn:  “Ta đang ở đây (hoặc Ta sẽ ở đây) vì các ngươi”. [10] Đây là một khẳng định cụ thể, không trừu tượng; nó dựa vào sự hiện tồn của Thiên Chúa hơn là vào yếu tính của Người, vào sự “hiện diện ở đây” hơn là vào “điều Người là”. Chúng ta gần gũi với “Tôi sống”, “Tôi hằng sống”, mà Thiên Chúa nói trong các chỗ khác của Kinh Thánh.

Hôm đó, Môsê đã phát hiện ra một điều rất đơn giản, nhưng lại cho phép khởi động và nâng đỡ toàn bộ quá trình giải phóng theo sau. Ông khám phá ra rằng Thiên Chúa của Abraham, của Isaác và của Giacóp hiện hữu, rằng Ngài đang là, Ngài là một thực tại hiện diện và hoạt động trong lịch sử, là Đấng mà người ta có thể cậy dựa. Vả lại, đó là những gì Môsê cần biết vào lúc ấy, chứ không phải một định nghĩa trừu tượng về Thiên Chúa.

Có một cái gì đó liên kết kinh nghiệm của triết gia trước rễ cây dẻ và kinh nghiệm của Môsê trước bụi gai cháy. Cả hai đã khám phá ra mầu nhiệm hữu thể: người trước khám phá ra hữu thể của sự vật, người sau khám phá ra Hữu Thể của Thiên Chúa. Nhưng trong khi khám phá ra sự hiện hữu của Thiên Chúa là nguồn mạch của can đảm và niềm vui, thì đơn thuần khám phá ra hữu thể của sự vật chỉ tạo ra “buồn nôn”, theo kiểu nói của triết gia này.

Thiên Chúa, cảm thức về sự hiện diện

Thiên Chúa hằng sống có nghĩa gì và Ngài định nghĩa mình như thế nào? Có một lúc tôi đã thử trả lời cho câu hỏi đó và phác thảo một hồ sơ về Thiên Chúa hằng sống, bắt đầu với Kinh Thánh, nhưng sau đó tôi thấy làm vậy là rất ngu ngốc. Muốn mô tả Thiên Chúa hằng sống và phác thảo hồ sơ, ngay cả dựa trên Kinh thánh, là lại rơi vào cám dỗ giản lược Thiên Chúa hằng sống thành một “ý tưởng” về Thiên Chúa hằng sống.

Những gì chúng ta có thể làm ngay cả đối diện với Thiên Chúa hằng sống, là vượt qua những “dấu chỉ nhỏ bé mà con người đã vạch ra trên bề mặt của Ngài”, phá vỡ những vỏ sò nhỏ bé của những gì chúng ta nghĩ về Thiên Chúa, hoặc “những chiếc bình nhỏ trắng nuột” mà chúng ta giữ kín Ngài trong đó, để hương thơm của Ngài lan tỏa và “lấp đầy ngôi nhà”. Thánh Augustinô là bậc thầy trong việc này. Ngài đã để lại cho chúng ta một loại phương pháp nâng tâm trí chúng ta lên tới Thiên Chúa hằng sống và chân thật, hệ tại ở chỗ, sau mỗi lần suy niệm về Ngài, thì lặp lại câu: “Đây không phải là Thiên Chúa. Đây không phải là Thiên Chúa!”[11] Hãy nghĩ về đất, về trời, về các thiên thần hay về bất kỳ điều gì khác hoặc người nào khác; và cuối cùng nghĩ về những gì chính bạn nghĩ về Thiên Chúa và lặp lại mỗi lần: “Đúng vậy, nhưng không phải là Thiên Chúa, không phải là Thiên Chúa!” Mọi thụ tạo được hỏi thì từng thụ tạo một đáp: “Hãy đưa suy nghĩ lên cao hơn!” Chúng ta phải tin vào một Thiên Chúa là Đấng vượt lên trên Thiên Chúa mà chúng ta tin!

Một Thiên Chúa hằng sống, với tư cách hằng sống, người ta có thể mơ hồ đoán ra Ngài; có thể có một loại cảm nhận hoặc tiền cảm về Ngài. Người ta có thể khơi dậy niềm khao khát về Ngài, một hoài niệm. Nhưng nhiều hơn thế thì không. Người ta không thể nhốt cuộc sống trong một ý tưởng. Chính vì vậy, người ta có thể dễ dàng có cảm thức hoặc hương vị về Ngài hơn là một ý tưởng về Ngài, vì ý tưởng vạch giới hạn quanh con người, trong khi cảm thức cho thấy sự hiện diện của người đó trong tính nguyên vẹn và không xác định của người đó. Thánh Grêgôriô Nyssê nói về hình thức cao nhất của sự hiểu biết Thiên Chúa như một “cảm thức về sự hiện diện”[12].

Yếu tố thiêng thánh là một phạm trù hoàn toàn không giống với bất cứ phạm trù nào khác: nó không thể được định nghĩa mà chỉ được ám chỉ; người ta chỉ có thể nói về nó nhờ các loại suy và tương phản. Một hình ảnh trong Kinh Thánh nói về Thiên Chúa theo cách này là hình ảnh núi đá. It có danh hiệu nào trong Kinh Thánh có thể tạo ra nơi chúng ta một cảm thức sống động về Thiên Chúa – đặc biệt về những gì Chúa là cho chúng ta – bằng tước hiệu Thiên Chúa Núi Đá. Như Kinh Thánh nói, chúng ta cũng hãy thử nếm “mật ong chảy ra từ hốc đá” (Đnl 32,13).

Không chỉ đơn giản là một tước hiệu, núi đá xuất hiện trong Kinh Thánh như một loại tên riêng của Thiên Chúa, đến nỗi đôi khi nó được viết hoa: “Người là Núi Đá, sự nghiệp Người hoàn hảo” (Đnl 32,4); “Chính Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm” (Is 26,4). Nhưng để hình ảnh này không gây kinh khiếp lẫn hãi sợ vì gợi ra độ cứng và không thể thâm nhập, Kinh Thánh ngay lập tức thêm một sự thật khác: Ngài là núi đá “của chúng tôi”, núi đá “của tôi”, nghĩa là một núi đá cho chúng tôi, không chống lại chúng tôi. “Đức Chúa là núi đá của con” (Tv 18,2), “núi đá và thành trì của con” (Tv 31,2), “ núi đá độ trì ta” (Tv 95,1). Các dịch giả đầu tiên của Kinh thánh, Nhóm Bẩy Mươi, đã giật mình bởi một hình ảnh quá vật chất của Thiên Chúa dường như hạ thấp Ngài, nên đã thay thế một cách có hệ thống “núi đá” cụ thể bằng những điều trừu tượng như “sức mạnh”, “nơi ẩn náu”, “ơn cứu độ”. Một cách chính đáng, tất cả các bản dịch hiện đại đã khôi phục cho Thiên Chúa tước hiệu nguyên thủy núi đá.

Núi đá không phải là một tước hiệu trừu tượng; nó không chỉ nói Thiên Chúa là gì mà còn nói chúng ta phải là gì. Núi đá được tạo ra để người ta leo lên, để tìm nơi ẩn náu ở đó, chứ không chỉ để chiêm ngưỡng từ xa. Núi đá thu hút, mê hoặc. Nếu Thiên Chúa là núi đá, thì con người phải trở thành “người leo núi đá”. Đức Giêsu nói: “Hãy học người quản gia” (x. Lc 12,42 tt); “Hãy xem những người đánh cá” (x. Mc 1,16 tt); thánh Giacôbê cũng nói: “Hãy xem nhà nông” (x. Gc 5,7). Chúng ta có thể thêm: “Hãy nhìn những người leo núi đá!” Nếu đêm buông xuống hay một cơn bão nổi lên, họ không tìm cách xuống núi cách khinh suất, nhưng còn bám chặt hơn vào đá và đợi cơn bão đi qua.

Kinh Thánh nhấn mạnh Thiên Chúa Núi Đá là nhằm phục hồi sự tin tưởng nơi dân, khiến cho lòng họ không còn sợ hãi. “Dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sấp xuống bển sâu,,,ta cũng chẳng sợ gì” (Tv 46,3-4), và lý do được đưa ra là: “Thiên Chúa nhà Giacóp là thành trì bảo vệ ta” (câu 8). Đây là tâm thái được thể hiện trong bài thánh ca “Thiên Chúa là Thành Trì và Núi Đá của chúng ta”, một bài hát góp phần rất nhiều vào việc hình thành tình cảm tôn giáo trong thế giới Tin Lành. Chỉ còn một nỗi sợ hãi duy nhất trước Thiên Chúa Núi Đá này, nhưng chính xác đó không phải là nỗi sợ. Đó là sự kính sợ: sự kính sợ thánh trước Thiên Chúa.

Thiên Chúa đang ở đây, và thế là đủ!

Tôma Celano, người đầu tiên viết tiểu sử thánh Phanxicô Assisi, mô tả một khoảnh khắc đen tối và hầu như thất vọng mà vị thánh đã trải qua vào cuối đời, khi nhìn thấy xung quanh những sai lệch so với lối sống ban đầu của anh em mình. Ngài viết:

Tức giận vì những gương xấu và một hôm đi cầu nguyện với tâm trạng quá cay đắng, ngài đã bị Chúa trách cứ: “Tại sao con lo lắng vậy? Có phải Ta đã đặt con làm người chăn dắt Dòng của Ta, để bây giờ con có thể quên rằng Ta là người bảo vệ chính của nó hay sao? […] Do đó, đừng lo lắng, nhưng hãy trông chờ ơn cứu độ của con, cho dù Dòng chỉ còn lại ba anh em, Ta vẫn giúp cho Dòng không lay chuyển [13].

Cha Eloi Leclerc, học giả dòng Phan sinh người Pháp, hơn ai hết đã minh giải giai đoạn đau khổ này trong cuộc đời Phanxicô, nói rằng vị thánh đã được hồi sinh nhờ những lời của Đức Kitô đến nỗi ngài đã lặp lại cho mình tiếng kêu: “Dieu est, et cela suffit” (Thiên Chúa đang ở đây, và thế là đủ!) [14]

Chúng ta cũng hãy học cách lặp lại những lời đơn sơ này khi mà, trong Giáo Hội hay trong cuộc đời chúng ta, chúng ta ở trong những tình huống giống như Phanxicô, và tất cả mây mù sẽ tan biến.

-----

 

[1] St. Angela of Foligno, The Book of Blessed Angela (Instructions), Part 3, in Angela of Foligno: The Complete Works, trans. Paul Lachance (Mahwah, NJ: Paulist Press, 1993), p. 243.

[2] Saint Augustin, in Confessions, X, 27

[3] Hand-written prayer-poem [“Nada Te Turbe”] known as St. Teresa of Avila’s bookmark found in her breviary after her death.

[4]  «Zuden Sachen selbst», littéralement «Aux choses elles-mêmes», est le programme de l’école phénoménologique de Husserl.

[5] S. Th. II-IIae, q.1, a. 2, 2.

[6]  J-P. Sartre, La Nausée, in Œuvres romanesques, Paris, Gallimard, p. 105 s

[7] Cf. André Frossard, Dieu existe, je L’ai rencontré, Fayard 1969, p. 22, 24.

[8] Ibid., pp. 118-119.

[9] Ibid., p. 121.

[10] Cf. G. von Rad, Theologie des Alten Testaments, I, Monaco 1966, p.194.

[11] Saint Augustin, Commentaire du Psaume 85, 12 ; cf. aussi Confessions, X, 6, 9.

[12] Saint Grégoire de Nysse, In Cant. XI, 5, 2 (PG 44, 1001).

[13] Celano, Vita seconda CXVII, 158 (Sources Franciscaines, 742).

[14] Eloi Leclerc, Sagesse d’un Pauvre, Editions Franciscaines, Paris 1959, p. 75-78.

 

(R. Cantalamessa, Bài giảng I Mùa Vọng tại Phủ Giáo hoàng, 7/12/2018)

Lm Micae Trần Đình Quảng