THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG LÀ BA NGÔI HẰNG SỐNG
Một kinh nghiệm về Thiên
Chúa hằng sống
Liên
hệ tới sự hiểu biết về Thiên Chúa hằng sống, một kinh nghiệm đáng giá hơn nhiều
luận chứng, tôi muốn bắt đầu bài suy niệm thứ hai này chính xác bằng cách chia
sẻ một trong những kinh nghiệm đó. Cách đây không lâu, tôi nhận được một lá thư
từ một người mà tôi giúp đồng hành thiêng liêng với chị, một phụ nữ có gia đình
đã chết cách đây vài năm. Những kinh nghiệm của chị được coi là xác thực do chị
đã mang theo chúng xuống mồ, mà không bao giờ nói với ai ngoại trừ cha linh hướng
của chị. Nhưng vì mọi ân sủng thuộc về Giáo hội, tôi muốn chia sẻ điều này với
anh em giờ đây, lúc người phụ nữ ấy đang ở bên Chúa. Điều này làm tôi nhớ đến
kinh nghiệm của Môsê trước bụi gai cháy. Đây là những gì bức thư nói:
Tôi
chưa tròn bốn tuổi và đang ở miền quê với bà nội. Một buổi sáng, khi đợi trong
phòng người đến mặc quần áo cho tôi, tôi nhìn một cây đoạn lớn xòe cành lá trước
cửa sổ. Mặt trời lúc bình minh đang chiếu ánh sáng trên nó. Tôi rất vui vì vẻ đẹp
của nó, và đột nhiên tôi chú ý đến một nét rực rỡ khác thường, một màu trắng lạ
lùng. Từng chiếc lá, từng cành cây bắt đầu rung rinh như ngọn lửa của cả ngàn
ngọn nến. Tôi ngạc nhiên hơn khi nhìn thấy tuyết rơi lần đầu tiên trong đời. Và
còn ngạc nhiên hơn – không biết có phải bằng con mắt của thân thể hay không – ở
trung tâm lấp lánh này, tôi thấy điều gì đó như một ánh mắt và một nụ cười của
vẻ đẹp và lòng nhân từ không thể diễn tả nổi. Tim tôi đập mạnh. Tôi cảm thấy một
sức mạnh của tình yêu thâm nhập vào tôi và tôi có cảm giác được yêu đến tận nơi
sâu thẳm của con người tôi. Nó kéo dài một phút, một phút rưỡi, tôi không biết,
nhưng đối với tôi nó giống như một sự vĩnh cửu. Một cái rùng mình xâm chiếm
toàn bộ thân thể đưa tôi trở lại thực tế, và tôi rất buồn khi nhận ra ánh mắt
và nụ cười đã biến mất và nét rực rỡ của cây đang dần dần nhạt nhòa. Những chiếc
lá lấy lại vẻ bình thường và cây đoạn, mặc dù có đầy ánh sáng rực rỡ của mặt trời
mùa hè đó, so với sự huy hoàng trước đó của nó, tôi thấy nó tối như dưới bầu trời
mưa, điều đó làm cho tôi thật thất vọng.
Tôi
không nói cho ai biết, nhưng ngay sau đó tôi nghe cô bếp và một bà khác nói với
nhau về Thiên Chúa. Tôi tiến đến và hỏi họ: "Thiên Chúa hả? Ngài là ai vậy?”
như cảm thấy có cái gì đó huyền bí. Cô bếp nói với bà kia: "Tội nghiệp con
bé, bà nội nó là người ngoại đạo và không dạy nó những điều này!" Quay về
phía tôi, cô nói: "Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng đất trời, muôn loài muôn
vật. Ngài toàn năng và ở trên thiên đàng". Tôi vẫn im lặng, nhưng tự nhủ:
"Tôi đã thấy Ngài!"
Tuy
nhiên, tôi cảm thấy bối rối. Trong mắt tôi, bà nội tôi hơn hẳn những người đàn
bà nội trợ này, nhưng cô bếp đã nói bà là người ngoại đạo vì bà không biết
Thiên Chúa. Tôi hiểu rằng đây là một thuật ngữ theo nghĩa xấu. Ai đã đúng?
Một
buổi sáng khi đang đợi người đến mặc quần áo cho tôi, tôi sốt ruột, phàn nàn vì
quần áo trẻ em cài nút phía sau. Tôi đổ lỗi hết cho "sự ác ý của người lớn
đối với những trẻ em dưới quyền của họ". Cuối cùng, không muốn chờ đợi lâu
hơn, tôi nói: "Chúa ơi, nếu có Chúa và Chúa thực sự toàn năng, thì hãy cài
nút đàng sau váy của con để con có thể đi xuống vườn." Tôi chưa nói xong
những lời này thì chiếc váy của tôi đã được cài nút. Tôi há hốc miệng, rất sợ
hãi khi thấy lời nói của mình có hiệu quả. Chân run rẩy, tôi ngồi trước gương tủ
quần áo để xem có đúng vậy không và để lấy hơi. Tôi vẫn chưa biết kiểu nói
"thử thách Thiên Chúa" nghĩa là gì, nhưng tôi hiểu mình sẽ bị biến
thành bụi nếu tôi chống lại ý muốn của Ngài.
Cả
một cuộc đời thánh thiện theo sau kinh nghiệm này chứng tỏ đó không phải là giấc
mơ hay trí tưởng tượng của một cô bé.
Thiên Chúa là tình yêu
và vì vậy là Ba Ngôi
Bây
giờ chúng ta tiếp tục suy nghĩ về Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta, những Kitô hữu,
nói với Đấng nào khi nói "Thiên Chúa" mà không xác định rõ? Khi chúng
ta nói theo lời Thánh vịnh: "Lậy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ"
(Tv 62,2), thì "Lậy Thiên Chúa" là đưa về Đấng nào? Ai trả lời ở đầu
dây bên kia, nếu có thể nói được như vậy? "Lậy Thiên Chúa" không chỉ
đơn giản là Thiên Chúa Cha, ngôi thứ nhất, như thể Ngài hiện hữu hoặc có thể
hình dung được, dù chỉ trong khoảnh khắc, mà không có hai ngôi kia. Đó cũng
không phải là yếu tính không xác định của Thiên Chúa, như thể đã có một yếu
tính của Thiên Chúa sau này được biệt loại hóa thành Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần.
Thiên
Chúa duy nhất, Đấng nói trong Kinh thánh: "Ta là!", là Cha đã sinh ra
Con và cùng với Con thở ra Thần Khí, chuyển thông cho hai ngôi tất cả thiên
tính của mình. Đó là Thiên Chúa hiệp thông tình yêu, nơi Ngài duy nhất và ba ngôi là từ cùng một nguồn gốc, cùng một hành động, và tạo thành
một Tam Vị Nhất Thể, trong đó hai
khía cạnh duy nhất tính và đa dạng tính không đi trước nhau, hoặc tồn tại mà
không có khía cạnh kia, và không khía cạnh nào ở trên khía cạnh kia hoặc
"sâu" hơn khía cạnh kia.
"Lây
Chúa" mà chúng ta cầu nguyện, tùy theo trường hợp và ân sủng của mỗi người,
có thể là một trong ba ngôi riêng biệt: Chúa Cha, Chúa Con là Đức Giêsu Kitô,
hoặc Chúa Thánh Thần, nhưng không phải cầu với một ngôi mà hai ngôi kia biến
đi. Quả thực, đối với sự hiệp thông Ba Ngôi, trong mỗi ngôi đều có sự hiện diện
của hai ngôi kia. Ba Ngôi giống như một trong những hình tam giác trong âm nhạc,
đụng bất cứ phía nào, tất cả đều rung và phát ra âm thanh giống nhau.
Tóm
lại, Thiên Chúa hằng sống của các Kitô hữu không phải ai khác ngoài Thiên Chúa
Ba Ngôi hằng sống. Giáo lý về Ba Ngôi được chứa đựng, như hạt mầm, trong mạc khải của Thiên Chúa là tình yêu. Nói:
"Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,8) là nói: Thiên Chúa là Ba Ngôi. Mỗi
tình yêu bao hàm một người yêu, một người được yêu và một tình yêu kết hợp họ.
Mọi tình yêu đều là yêu một ai đó hoặc một cái gì đó; Không có tình yêu nào là
"trống rỗng", không có đối tượng. Thiên Chúa yêu ai, để được gọi là
tình yêu? Con người chăng? Nhưng khi ấy, Ngài chỉ là tình yêu từ vài trăm triệu
năm. Ngài yêu vũ trụ chăng? Nhưng khi ấy, Ngài chỉ là tình yêu từ vài chục tỷ
năm. Và trước đây, Thiên Chúa đã yêu ai để được gọi là tình yêu?
Các
nhà tư tưởng Hy lạp và, nói chung, các triết lý tôn giáo của mọi thời đại, khi
quan niệm Thiên Chúa trước hết là một "ý tưởng", có thể trả lời:
Thiên Chúa nghĩ về chính mình; Ngài là "ý tưởng thuần túy", "ý
tưởng của ý tưởng". Nhưng điều này không còn có thể được nữa, kể từ lúc
chúng ta nói rằng Thiên Chúa trước hết là tình yêu, bởi vì "chỉ thuần túy
yêu mình" sẽ là thuần túy ích kỷ, không phải là ca ngợi tình yêu cách cao
đẹp nhất, nhưng phủ định nó hoàn toàn. Và đây là câu trả lời của mạc khải, được
Giáo Hội làm rõ. Từ đời đời, ab aeterno,
Thiên Chúa là tình yêu, bởi vì trước khi có bên ngoài Ngài một đối tượng để
yêu, Ngài đã có nơi Ngài Ngôi Lời, Chúa Con, mà Ngài yêu bằng một tình yêu vô hạn,
nghĩa là "trong Chúa Thánh Thần".
Điều
đó không giải thích "làm thế nào" duy nhất có thể đồng thời là ba
ngôi; đó là một mầu nhiệm mà chúng ta vẫn chưa biết, vì chỉ có nơi Thiên Chúa.
Nhưng nó giúp ta hiểu "tại sao", trong Thiên Chúa, duy nhất tính cũng
phải là đa dạng tính: bởi vì "Thiên Chúa là tình yêu"! Một Thiên Chúa
là tri thức thuần túy, lề luật thuần túy hoặc quyền năng thuần túy chắc chắn sẽ
không cần phải là Ba Ngôi. Điều đó làm cho mọi chuyện rắc rối hơn và quả thực,
không có "tam đầu chế" nào tồn tại lâu trong lịch sử! Đây không phải
là trường hợp của một Thiên Chúa trên hết là tình yêu, bởi vì "ít hơn hai
người, thì không thể có tình yêu". Henri de Lubac đã viết: "Thế giới
phải biết điều này: mạc khải của Thiên Chúa với tư cách là tình yêu làm đảo lộn
tất cả những gì đã quan niệm trước đây về Thiên Chúa."[1] Là Kitô hữu,
chúng ta hãy tin vào "một Thiên Chúa duy nhất" chứ không phải vào một
Thiên Chúa cô độc!
Chiêm ngưỡng Ba Ngôi để
chiến thắng sự bất hòa đáng ghét của thế giới [2]
Không
khảo luận nào về Ba Ngôi có thể giúp chúng ta tiếp xúc trực tiếp với Ba Ngôi bằng
việc chiêm ngưỡng icône (bức ảnh
thánh) Ba Ngôi của Rublev, mà chúng ta được thấy một bản sao trong bức tranh khảm
trước mắt chúng ta, trên đỉnh bức tường đối diện. Được vẽ vào năm 1425 cho Nhà
thờ thánh Sergius, bức tranh được "Công đồng của một trăm tu nghị"
năm 1551 công bố là mô hình của tất cả các bức ảnh thánh về Ba Ngôi.
Một
điều cần được nói ngay về bức ảnh thánh này. Bức ảnh không có ý trực tiếp trình
bầy Ba Ngôi, vì theo định nghĩa, Ba Ngôi vô hình và cao cả. Đó sẽ là điều trái
ngược với mọi quy tắc của khoa hình ảnh thánh trong Giáo hội Byzantine. Những
gì bức ảnh thực sự mô tả là ba thiên thần hiện ra với Abraham dưới cây sồi ở
Mambrê (x. St 18,1-15). Điều này được chứng minh rõ ràng qua sự kiện là trong
các mô tả khác về cùng một chủ đề trước và sau Rublev, Abraham, Sara, con bê và
cây sồi ở hậu cảnh cũng xuất hiện cùng với ba nhân vật. Quả thực, nhìn theo
truyền thống giáo phụ, tình tiết này được coi như một sự tiên báo về Ba Ngôi. Bức
ảnh thánh này là một trong những hình thức đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng
liêng, nghĩa là giải thích một sự kiện của Cựu Ước dưới ánh sáng của Tân Ước.
Tín
điều về sự duy nhất và ba ngôi của Thiên Chúa được diễn tả qua việc ba người có
mặt, phân biệt nhau, nhưng rất giống nhau. Các ngài làm thành một vòng tròn
cách lý tưởng, làm nổi bật sự duy nhất, tuy vậy sự chuyển động khác nhau của
các ngài, đặc biệt của thiên thần đứng đầu, nói lên sự phân biệt giữa các ngài.
Trong bản gốc, cả ba đều mặc áo màu xanh dương, dấu chỉ cà ba có chung một
thiên tính. Nhưng phía trên hoặc phía dưới áo xanh, mỗi vị đều có một màu phân
biệt nhau. Chúa Cha (thường được đồng hóa với thiên thần bên trái, Đấng mà hai
vị kia cúi đầu), mặc một chiếc áo có màu sắc không thể xác định, gần như thuộc
ánh sáng thuần khiết, dấu chỉ của vô hình và không thể đạt tới; Chúa Con ở giữa,
mặc một chiếc áo dài mầu tối, dấu chỉ của nhân tính nơi Ngài; Chúa Thánh Thần,
thiên thần bên phải, mặc áo choàng màu xanh lá cây, dấu chỉ của sự sống, vì Người
là "Đấng ban sự sống".
Có
một điều đặc biệt quan trọng khi người ta chiêm ngưỡng bức ảnh thánh của
Rublev: sự bình an sâu xa và hiệp nhất tỏa ra từ toàn bộ bức ảnh. Một tiếng kêu
im lặng phát ra từ bức ảnh: "Hãy là một như chúng ta là một". Vị
thánh mà bức ảnh được vẽ cho tu viện của ngài, thánh Sergius Radonezh, được biết
đến trong lịch sử nước Nga, vì đã khôi phục sự thống nhất giữa các nhà lãnh đạo
đang xung đột với nhau, do đó giúp cho nước Nga thoát khỏi tay quân Tartar xâm
lược. Phương châm của ngài là: "Chiêm ngưỡng Ba Ngôi chí thánh, chiến thắng
sự bất hòa đáng ghét của thế giới". Rublev muốn thu thập di sản tinh thần
của vị thánh vĩ đại này, người đã biến Ba Ngôi thành nguồn cảm hứng cho cuộc đời
và công trình của mình.
Tất
cả chúng ta đều muốn sự hiệp nhất. Sau từ "hạnh phúc", không có từ
nào khác tương ứng với nhu cầu sâu sắc hơn của trái tim con người bằng từ
"hiệp nhất". Chúng ta là "những hữu thể hữu hạn, có khả năng hướng
tới vô hạn", điều đó có nghĩa là chúng ta là những thụ tạo giới hạn khao
khát vượt quá giới hạn của chúng ta, để là "tất cả cách nào đó", quodammodo omnia, như nói trong triết học.
Chúng ta không cam chịu chỉ là những gì chúng ta đang là. Ai mà không nhớ,
trong những năm còn trẻ, những khoảnh khắc mà khi cảm nhận nhu cầu hiệp nhất
sâu xa, hẳn đã muốn thấy tất cả vũ trụ tập hợp tại một điểm và cùng với tất cả
những người khác ở tại điểm này, chính là vì tình cảm chia ly và cô đơn trên thế
giới thật mạnh mẽ và đau đớn? Thánh Tôma Aquinô giải thích tất cả những điều đó
như sau: "Vì sự hiệp nhất (unum) là một nguyên lý của hữu thể giống như sự
thiện (bonum), nên mỗi người tự nhiên mong muốn sự hiệp nhất, cũng như mong muốn
sự thiện. Vậy, cũng như tình yêu hoặc mong muốn sự thiện gây ra đau khổ, tình
yêu hoặc mong muốn cho sự hiệp nhất cũng vậy."[3]
Do
đó, tất cả chúng ta đều muốn sự hiệp nhất, tất cả chúng ta mong muốn nó từ nơi
sâu thẳm của trái tim chúng ta.
Như
vậy tại sao lại khó kiến tạo sự hiệp nhất, nếu tất cả chúng ta đều rất mong muốn
nó? Chính là vì chúng ta muốn sự hiệp nhất, đúng, nhưng... hiệp nhất quanh quan
điểm của chúng ta. Điều này dường như
quá rõ ràng, quá hợp lý đến nỗi chúng ta ngạc nhiên khi những người khác không
nhận ra điều đó, ngược lại nhấn mạnh quan điểm của họ. Thậm chí chúng ta cẩn thận vạch ra con đường cho người khác
để họ đến và tham gia với chúng ta tại nơi chúng ta đang ở. Vấn đề là người trước
mặt tôi chính xác làm cùng một điều giống tôi. Bằng cách này, người ta sẽ không
bao giờ đạt được sự hiệp nhất. Hiệp nhất đòi hỏi con đường ngược chiều.
Ba
Ngôi chỉ cho chúng ta biết con đường thực sự đi đến hiệp nhất. Khởi đi từ những
Ngôi Thiên Chúa, thay vì từ khái niệm bản tính, các Giáo Phụ Đông phương giải
thích sự hiệp nhất của Thiên Chúa theo một cách khác. Các ngài đã làm điều đó bằng
cách khai triển giáo lý về sự tương nhập.
Áp dụng cho Ba Ngôi, sự tương nhập (nghĩa là "thâm nhập lẫn nhau"),
diễn tả sự kết hợp ba ngôi vị trong một yếu tính duy nhất.[4] Nhờ đó, ba ngôi kết
hợp với nhau, nhưng không lẫn lộn; mỗi ngôi "đồng nhất" với ngôi kia,
hiến thân cho ngôi kia và duy trì sự hiện hữu của ngôi kia. Khái niệm này dựa
trên những lời của Đức Kitô: "Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy"
(Ga 14,11).
Đức
Giêsu đã mở rộng nguyên tắc này sang mối quan hệ giữa Người và chúng ta: "Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong
Thầy và Thầy ở trong anh em" (Ga 14,20); "Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một"
(Ga 17,23). Con đường hiệp nhất thực sự là chúng ta, trong Giáo Hội, bắt chước
sự tương nhập của Thiên Chúa. Thánh Phaolô chỉ ra nền tảng của nó khi ngài nói
rằng "mỗi người liên đới với những
người khác như những bộ phận của một thân thể" (Rm 12,5). Nơi Thiên
Chúa, sự tương nhập dựa trên sự duy nhất của bản tính, nơi chúng ta, dựa trên sự
kiện chúng ta là "một thân thể duy
nhất và một thần khí duy nhất".
Thánh
Tông Đồ giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của tương nhập hoặc thâm nhập lẫn nhau trong
thực tế: "Nếu một bộ phận nào đau,
thì mọi bộ phận cùng đau; nếu bộ phận nào được vẻ vang, thi mọi bộ phận cũng
vui chung" (1Cr 12,26); "Anh
em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô" (Gl
6,2). "Gánh nặng" của người khác là bệnh tật, giới hạn, lo lắng,
nhưng cũng là khuyết điểm và tội lỗi. Sống sự tương nhập có nghĩa là "đồng
hóa mình" với người khác, đặt mình – như người ta nói – trong địa vị của họ, tìm
hiểu trước khi xét đoán.
Ba
Ngôi luôn quan tâm tôn vinh lẫn nhau. Chúa Cha tôn vinh Chúa Con; Chúa Con tôn
vinh Chúa Cha (Ga 17,4); Chúa Thánh Thần sẽ tôn vinh Chúa Con (Ga 16,14). Mỗi
ngôi lo cho ngôi khác được biết đến. Chúa Con dạy người ta kêu lên "Abba!"; Chúa Thánh Thần dạy
người ta kêu lên "Giêsu là Chúa!"
và "Lậy Chúa, xin hãy đến, Maranatha”.
Các Ngài không dạy nói ra tên riêng của mình, nhưng là tên của những ngôi khác.
Chỉ có một "nơi" trên thế giới trong đó quy tắc "yêu người lân cận
như chính mình" được thực hành, theo một nghĩa tuyệt đối, đó là Ba Ngôi! Mỗi
ngôi yêu ngôi khác giống hệt như yêu mình.
Bầu
không khí sẽ rất khác trong một cơ thể xã hội nếu chúng ta cố gắng sống với những
lý tưởng cao cả này trước mắt! Hãy nghĩ đến một gia đình trong đó chồng bảo vệ
và tán dương vợ trước mặt các con và người lạ, cũng như vợ làm như thế đối với
chồng; hãy nghĩ đến một cộng đồng trong đó mọi người cố gắng thực hành lời
khuyên của thánh Giacôbê: "Anh em đừng
nói xấu nhau" (Gc 4,1), hoặc của thánh Phaolô: "Hãy coi người khác trọng hơn mình" (Rm 12,10). Theo quan
điểm này, một người thậm chí có thể vui mừng khi một người khác mà mình quý trọng
được bổ nhiệm vào một chức vụ vinh dự (ví dụ chức hồng y), như thể chính mình
được bổ nhiệm vào chức đó.
Nhưng
hãy để các thánh phát biểu về điều này, những người duy nhất có quyền phát biểu
vì các ngài đã thực hành nó. Trong một lời khuyên, thánh Phanxicô Assisi nói:
"Phúc cho người đầy tớ nào không tự hào về điều tốt mà Chúa nói và làm qua
anh ta, hơn là tự hào về điều tốt mà Ngài nói và làm qua một người khác".
Thánh Augustinô nói với dân chúng: "Nếu bạn yêu thích sự hiệp nhất, bất cứ
ai trong đó có sự gì thì cũng là cho bạn! Đừng ghen tị và những gì tôi có cũng
là của bạn; tôi cũng đừng ghen tị, vì những gì bạn có cũng sẽ là của tôi. Ghen
tuông tạo ra sự chia cách; sự hiệp nhất, đó là kết quả của bác ái. [...] Nơi
thân thể, chỉ có bàn tay là làm việc; nhưng nó làm việc cho một mình nó chăng?
Nó cũng làm việc cho mắt nữa. Do đó, khi người ta muốn đánh vào mặt chứ không
phải tay, phải chăng mặt nói: "Tôi chẳng phải động đậy, vì người ta đâu có
muốn nhắm vào tôi?"[5]
Điều
này có nghĩa là: nếu bạn cố gắng đặt lợi ích của cộng đồng lên trên khẳng định
cá nhân của bạn, mỗi đặc sủng và danh dự trong cộng đồng sẽ là của bạn, giống
như trong một gia đình hiệp nhất, thành công của một thành viên làm cho tất cả
các thành viên khác được hạnh phúc. Chính vì vậy bác ái là "con đường trổi vượt hơn cả" (1Cr 12,31): nó nhân lên các
đặc sủng, làm cho đặc sủng của một người thành những đặc sủng của mọi người.
Tôi biết rằng những điều này nói thì dễ, nhưng thực hành thì khó; tuy nhiên, thật
tuyệt khi biết rằng với ân sủng của Thiên Chúa, chúng là điều có thể làm được
và có những người đã thực hành chúng, và cũng làm như vậy cho chúng ta trong
Giáo hội.
Việc
chiêm ngưỡng Chúa Ba Ngôi thực sự giúp đánh bại "mối bất hòa đáng ghét của
thế giới". Phép lạ đầu tiên mà Chúa Thánh Thần thực hiện vào ngày Lễ Ngũ
Tuần là làm cho các môn đệ "đồng tâm
nhất trí" (Cv 1,14), "một
lòng một ý" (Cv 4,32). Ngài
luôn sẵn sàng lặp lại phép lạ này, để mỗi lần biến đổi sự bất hòa (dis-corde) thành sự hài hòa (con-corde). Người ta có thể chia rẽ
trong trí – ở chỗ mỗi người nghĩ về
các vấn đề giáo lý hoặc mục vụ vẫn còn được tranh luận một cách hợp pháp trong
Giáo hội – nhưng không bao giờ chia rẽ
trong lòng: In dubiis libertas, in
omnibus vero caritas (trong sự hồ nghi, có tự do, nhưng trong mọi sự, có
bác ái). Điều đó có nghĩa là bắt chước
sự hiệp nhất của Ba Ngôi, thực sự là "hiệp nhất trong đa dạng".
Đi vào trong Ba Ngôi
Một
việc chúng ta có thể làm về Ba Ngôi thậm chí còn hạnh phúc hơn là chiêm ngưỡng
và bắt chước Ba Ngôi: đó là đi vào trong Ba Ngôi! Chúng ta không thể ôm lấy đại
dương, nhưng có thể đi vào trong đó; chúng ta không thể ôm lấy mầu nhiệm Ba
Ngôi bằng tâm trí, nhưng có thể bước vào trong đó!
Đức
Kitô đã để lại cho chúng ta một phương tiện cụ thể để làm điều này: Thánh Thể.
Trong bức ảnh thánh của Rublev, ba thiên thần được sắp xếp quanh một chiếc bàn;
trên bàn này, có một cái ly và trong ly, người ta thấy một con chiên. Không thể
nói cách đơn giản và hiệu quả hơn rằng Ba Ngôi hẹn gặp chúng ta mỗi ngày trong
Thánh Thể. Bữa tiệc của Abraham ở cây sồi Mambrê biểu thị bữa tiệc này. Cuộc viếng
thăm Abraham của cả Ba Ngôi được nhắc lại cho chúng ta mỗi khi chúng ta chịu lễ.
Cũng
liên quan tới Thánh Thể, giáo lý về sự tương nhập Ba Ngôi soi sáng chúng ta.
Giáo lý ấy cho ta biết nơi nào có một ngôi trong Ba Ngôi thì cũng có hai ngôi
kia, kết hợp với nhau không thể tách rời. Lúc chịu lễ là lúc lời của Đức Kitô
được thực hiện theo nghĩa hẹp: "Con ở
trong chúng và Cha ở trong con"; "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha"
(Ga 14,9); ai đón nhận Thầy, cũng là đón nhận Chúa Cha. Chúng ta sẽ không bao
giờ có thể đánh giá đúng ân sủng được ban cho chúng ta. Những người bạn đồng
bàn của Ba Ngôi!
Bằng
sự chặt chẽ thần học thông thường của mình, Thánh Cyrillô Alexandria đã trình bầy
chân lý liên kết bền chặt giữa Ba Ngôi và Thánh Thể. Ngài nói: "Chúng ta
được hiệp nhất với Thiên Chúa Cha nhờ Đức Kitô. Quả thực, nhận được nơi ta cả về
thể xác lẫn tinh thần những gì Chúa Con là do bản tính, chúng ta tham dự và kết
hợp với tất cả bản tính của Đấng tối cao".[6]
Cũng
chính người mà tôi đã chia sẻ chứng tá lúc đầu đã tâm sự với tôi, trong một dịp
khác, một kinh nghiệm mà sau này chị có về Ba Ngôi. Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm
này vì nó cho chúng ta biết rằng Giáo Hội không chỉ là những gì người ta thấy
hoặc nói về Giáo Hội. Chị nói:
"Một
buổi tối nọ, Thần Khí đã đưa tôi vào trong mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi. Sự trao
đổi lý thú của việc cho và nhận cũng diễn ra trong tôi: từ Chúa Kitô mà tôi được
kết hợp, hướng tới Chúa Cha và từ Chúa Cha đến Chúa Con. Nhưng làm thế nào diễn
tả nổi điều không thể diễn tả? Tôi không thể nhìn thấy bất cứ điều gì, nhưng những
gì tôi trải nghiệm còn hơn cả nhìn thấy, và lời nói của tôi hoàn toàn không đủ
để diễn tả sự trao đổi niềm vui hỗ tương này đang diễn ra, nhận được và cho đi.
Và một sức sống mãnh liệt đã chảy từ ngôi này sang ngôi khác trong cuộc trao đổi
đó, giống như sữa ấm chảy từ vú mẹ sang miệng đứa bé gắn liền với sự thoải mái
đó. Và tôi là đứa bé này, đó là tất cả tạo thành tham dự vào sự sống, vào Vương
quốc, vào vinh quang, một khi đã được Đức Kitô tái sinh. Ôi Ba Ngôi chí thánh
và hằng sống! Tôi đã ở bên ngoài tôi trong hai hoặc ba ngày và cho đến ngày hôm
nay, kinh nghiệm này vẫn còn in sâu trong tôi."
Ba
Ngôi không chỉ là một mầu nhiệm và là một tín khoản của chúng ta, mà còn là một
thực tại sống động và đang sống. Như tôi đã nói lúc đầu, Thiên Chúa hằng sống của
Kinh Thánh mà chúng ta tìm kiếm không ai khác ngoài Ba Ngôi hằng sống. Xin Thần
Khí cũng đưa chúng ta vào trong Ba Ngôi, và cho chúng ta nếm thử sự đồng hành dịu
ngọt của Ngài.
[1] H. de Lubac, Histoire et Esprit,
Aubier, Paris 1950, ch. 5.
[2] Je reproduis ici en partie ce que j’ai
écrit dans mon livre Contempler
la Trinité, Editions des Béatitudes, 2006.
[3] Saint Thomas, Somma teologica I-IIae
, q. 26,a.3.
[4] Cf. Ps. Cyrille d’Alexandrie, De Trinitate, 23 ; PG 77
1164B ; saint Jean Damascène, De
fide orthodoxa, 3, 7.
[5] Saint Augustin, Traité sur Jean, 32, 8.
[6] Saint Cyrille d’Alexandrie, Commentaire de Jean, XI,
12 (PG 74, 564).
(R. Cantalamessa, Bài giảng II Mùa Vọng,
14/12/2018, tại Phủ Giáo hoàng)
Lm Micae Trần Đình Quảng