“AI ĂN TÔI

SẼ NHỜ TÔI MÀ ĐƯỢC SỐNG”

Thánh Thể làm nên Giáo Hội nhờ việc chịu lễ

 

Một triết gia vô thần đã phát biểu: “Con người là cái mà nó ăn”, một câu đáng cho ta lưu ý; ông có ý định nói cho ta biết, nơi con người, không có khác biệt về phẩm giữa vật chất và tinh thần, nhưng tất cả chỉ là đưa về thành tố hữu cơ và vật chất. Tuy vậy, một lần nữa, chính một người vô thần đã tìm ra cách trình bầy tốt nhất một mầu nhiệm Kitô giáo, dù ông không biết việc mình làm. Qua Thánh Thể, người Kitô hữu thực sự là cái mà người đó ăn. Ngay từ xa xưa, thánh Lêô Cả đã viết: “Việc chúng ta dự phần vào mình và máu Đức Kitô không nhằm chuyện gì khác hơn là biến chúng ta thánh Đấng mà chúng ta ăn” (Serm. 12 sur la Passion 3, 7).

Nhưng chúng ta hãy nghe chính Đức Giêsu nói về vấn đề này: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Trong câu này, giới từ “nhờ” chỉ hai chuyển động: một chuyển động ghi khởi điểm, một chuyển động ghi đích điểm. Ý nghĩa thế nào? Ai ăn thịt Đức Kitô thì sống “nhờ” Ngài, nghĩa là nhờ sự sống từ Ngài mà đến, và sống “cho” Ngài, nghĩa là cho vinh quang, tình yêu và Triều Đại của Ngài. Cũng như Đức Giêsu sống nhờ Chúa Cha và cho Chúa Cha, cũng vậy, khi chúng ta hiệp thông vào mầu nhiệm mình và máu Đức Giêsu, chúng ta sống nhờ Ngài và cho Ngài.

Các Giáo Phụ đã bình giải mầu nhiệm này dựa vào ví dụ lương thực nuôi thân xác. Theo các ngài, nguyên lý sống mạnh nhất biến đổi nơi mình nguyên lý nào yếu hơn, chứ không ngược lại: thực vật tiêu hóa khoáng vật, động vật tiêu hóa thực vật, tình thần tiêu hóa vật chất. Đức Giêsu nói với người đến lãnh nhận Ngài: “Không phải ngươi biến đổi Ta trong ngươi, nhưng chính Ta sẽ biến đổi ngươi trong Ta” (thánh Augustinô, Conf. VIII, 10). Chính lương thực, tự nó, không làm cho sống, không thể chuyển thông sự sống cho ta, nhưng người ta phải ăn vì nó là lý do làm cho sống, vì nó nuôi dưỡng sự sống đã có nơi thân xác ta. Ngược lại, bánh sự sống làm cho sống và ai lãnh nhận thì nhờ nó mà được sống thật.

Vì vậy, trong khi lương thực nuôi thân xác biến đổi thành người ăn nó, trong khi cá, bánh và mọi của ăn khác trở thành máu của con người, thì ở đây, tất cả đều ngược lại. Chính bánh sự sống hoạt động, tiêu hóa, và biến đổi thành nó người nào dùng nó. Chính chúng ta là những người bị Đức Kitô tác động, những người sống bằng sự sống làm linh hoạt Đức Kitô, do tước hiệu là đầu và trái tim của tất cả thân thể. Chính vì để giúp chúng ta hiểu chân lý này – Đức Kitô không nuôi sống ta theo kiểu những thực phẩm hư nát, nhưng vì Ngài có sự sống nơi Ngài, Ngài làm lan tỏa nơi ta sự sống ấy – mà Ngài hiến mình làm “bánh ban sự sống”, và nói thêm: “Ai ăn tôi sẽ nhờ tôi mà được sống” (x. Cabasilas, La vie dans le Christ IV, 3).

Nói rằng trong việc chịu lễ Đức Giêsu “đồng hóa” ta với Ngài, có nghĩa cụ thể là Ngài làm cho tình cảm, ước vọng, cách suy tưởng của ta giống như của Ngài. Nói tắt, Ngài ban cho chúng ta “những tâm tình như chính Ngài” (x. Pl 2,5).

Đức Giêsu ban tràn đầy cho chúng ta như thế, vì Ngài thi hành chức năng như trái tim của nhiệm thể. Vai trò của trái tim trong bộ máy của chúng ta thực sự như thế nào? Từ mọi phần của thân thể, nó nhận được dòng máu “ô nhiễm”, cạn kiệt các yếu tố quan trọng, nhưng chứa đầy mọi thứ cặn bã độc hại của bộ máy; trong phổi, máu này tiếp xúc với ôcxy, như thử qua lửa; được tái sinh và làm giầu bằng những chất bổ dưỡng như thế, nó không ngừng được trả lại cho mọi chi thể nhờ sức mạnh của trái tim. Cũng xẩy ra như vậy trong lãnh vực thiêng liêng, cho Thánh Thể, trái tim của Giáo Hội là Đức Kitô. Trong thánh lễ, Ngài nhận được dòng máu ô nhiễm từ khắp nơi. Lúc hiệp lễ, tôi đặt nơi Ngài tội lỗi của tôi, tất cả những gì ô uế trong tôi để được tẩy sạch, và Ngài đem lại cho tôi một dòng máu tinh sạch, máu của Ngài, máu của Con Chiên vô tì tích, đầy sự sống và thánh thiện, “phương dược bất tử” (thánh Ignatiô Antiokia).

Phải sống kinh nghiệm đó để hiểu được lời Kinh Thánh: “Máu Đức Kitô…thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa đến sự chết” (Dt 9,14), và: “Máu Đức Giêsu thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1Ga 1,7).

Thánh Thể thực sự là “trái tim” của Giáo Hội, theo một nghĩa chắc chắn thực tiễn hơn là chúng ta thường nghĩ.

Hiệp thông vào mình và máu Đức Kitô

Trong Thánh Thể, chính xác chúng ta hiệp thông với ai và với cái gì? Theo thánh Phaolô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1Cr 10,16).

Chúng ta thường giải thích những lời trên như sau: chúng ta hiệp thông với tất cả thực tại Đức Kitô, qua những yếu tố khác nhau làm nên thực tại đó: mình Ngài, máu Ngài, linh hồn và thần tính của Ngài. Cách suy nghĩ này chịu ảnh hưởng của triết học Hy lạp và quan niệm của triết học này ở ba cấp độ : thân xác, linh hồn và tinh thần. Khi đó phải chăng người ta không làm sáng tỏ tương quan từ ngôi vị này đến ngôi vị kia, từ con người này đến con người kia, từ tất cả đến tất cả, tất cả đều trở thành thực tại trong hiệp lễ, theo cách trực tiếp và đơn giản. Theo ngôn ngữ Kinh thánh (chúng ta đã nói, nhưng tôi nhấn mạnh lại), những thuật ngữ mình và máu có một nghĩa cụ thể và lịch sử. Chúng muốn nói lên tất cả sự sống của Đức Kitô, hoặc đúng hơn: sự sống và sự chết của Ngài. Thân xác không được báo hiệu như một thành tố siêu hình của con người, nhưng đúng hơn, như một sự sống có điều kiện và sống trong một thân xác. Đây là về con người toàn vẹn, như trường hợp thuật ngữ “xác thịt” được Gioan sử dụng trong Phúc Âm của mình. Trong Thánh Thể, thân xác cho thấy Đức Kitô trong điều kiện của Ngài là tôi tớ, có thể phải đau khổ, nghèo khó và thập giá. Đức Kitô “trở thành xác thịt” (làm người) đã chịu khó nhọc, đổ mồ hôi, đau khổ, cầu nguyện, ở giữa chúng ta.

Cũng vậy là từ “máu”: không phải nó phân biệt một khía cạnh trong một bộ phận của con người (máu thuộc về thân xác), nhưng nó chỉ ra một thực tại cụ thể hoặc một biến cố cụ thể là cái chết; không phải một cái chết nào đó, nhưng một cái chết dữ dội và, theo ngôn ngữ hy tế của giao ước, một cái chết đền tội (x. Xh 24,8).

Từ đó mà có một hệ quả quan trọng: không một thời điểm hay một kinh nghiệm nào trong cuộc đời Đức Giêsu mà chúng ta không thể làm sống lại và chia sẻ, khi chúng ta lên chịu lễ. Quả thực tất cả cuộc đời của Ngài đều là hiện diện trong mình và máu. Một kiểu nói của Phaolô cho thấy tổng hợp mầu nhiệm thập giá Đức Kitô: “Ngài đã hủy mình ra không” (Pl 2,7). Như vậy, mỗi thánh lễ có thể hoàn toàn được lời này soi sáng, đặc biệt nếu là về cử hành hay dự một thánh lễ lúc mà chúng ta phải chịu một điều thiệt hại gây ra cho chúng ta và chúng ta chống lại, hoặc khi vâng lời làm ta khó sống. Khi đó, chúng ta có thể nói: Đức Giêsu đã hủy mình ra không, đến lượt tôi, tôi cũng phải hủy mình ra không, khi chết cho tôi và cho những “lý lẽ” của tôi. Đó chính là một hành vi đích thực hiệp thông với Đức Kitô.

Tùy theo những tâm thái bên trong của ta hay những nhu cầu lúc đó, chúng ta có thể đến gần Đức Giêsu và đứng bên cạnh Ngài khi Ngài cầu nguyện, lúc Ngài bị cám dỗ, đang mệt nhọc, khi chết trên thập giá, cả lúc Ngài sống lại nữa. Đó không phải là một loại tưởng tượng trong trí, nhưng chính vì Đức Giêsu vẫn đang sống ngày hôm nay, cho dù không sống trong xác thịt, nhưng trong Thần Khí.

Kết hợp với Chúa, chính là cùng với Ngài làm nên một Thần Khí duy nhất

Trong những bài nhiệm huấn của thánh Cyrillô Giêrusalem, chúng ta đọc thấy: “Dưới hình bánh, thịt được ban cho bạn, dưới hình rượu, máu được ban cho bạn, để khi tham dự vào thịt và máu Đức Kitô, bạn trở thành một thân thể và một máu huyết với Đức Kitô” (Cat. myst. IV, 3, SCh 126, p. 137). Đó là một ngôn ngữ dũng cảm, nhưng các Giáo Phụ biết mình không phóng đại. Thật ra, việc chịu lễ có một chiều sâu đến độ vượt thắng mọi thứ loại suy của con người. Đức Giêsu lấy cây nho và ngành nho làm ví dụ; chắc chắn đây là một sự kết hợp rất chặt chẽ. Cây nho và ngành nho chia sẻ cùng một nhựa, cùng một sự sống. Tách khỏi cây nho, ngành nho sẽ chết. Nhưng cả cây nho lẫn ngành nho đều không “ý thức” điều liên kết chúng, vì chúng không có linh hồn. Đôi khi người ta thêm ví dụ về vợ chồng: kết hợp với nhau, vợ chồng làm nên “một xương một thịt” (đây có lẽ là loại suy mạnh nhất). Nhưng chúng ta lại đang ở trên một bình diện khác thấp kém hơn nhiều: bình diện xác thịt chứ không phải tinh thần. Hai vợ chồng có thể làm nên một xương một thịt, nhưng không làm nên một tinh thần duy nhất, trừ khi hiểu theo nghĩa luân lý. Trái lại, “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (1Cr 6,17). Chính đó là sức mạnh của chịu lễ. Khi chịu lễ, chúng ta trở nên một tinh thần với Đức Giêsu, và “tinh thần duy nhất” này là Chúa Thánh Thần. Theo thánh Basiliô, Chúa Thánh Thần làm ta được thân mật với Thiên Chúa (Spir. S. 19), Thánh Irênê nói thêm: Chúa Thánh Thần là “sự hiệp thông của chúng ta với Đức Kitô”. Theo kiểu nói của nhà thần học hiện nay, H. Mulhen, Thần Khí là sự “trực tiếp” trong mối tương giao của chúng ta với Đức Kitô, theo nghĩa Người là trung gian giữa Đức Kitô và ta, không vì vậy mà tạo ra một vách ngăn nào, không có gì xen giữa Đức Giêsu và ta, vì Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần (cũng như Đức Giêsu và Chúa Cha) chỉ làm nên “một”.

Khi ta chịu lễ, Đức Giêsu đến với ta để ban cho ta Thần Khí, không phải như Đấng đã ban Thần Khí ngày xưa, nhưng như Đấng “trao Thần Khí” (x. Ga 19,30) sau khi đã hoàn tất hy tế không đổ máu trên bàn thờ. Bằng cách này Đức Giêsu cho chúng ta dự phần vào sự xức dầu thiêng liêng của Ngài lan tỏa qua chúng ta; nói đúng hơn, Ngài dìm chúng ta vào trong dầu ấy: “Đức Kitô trào ra trong ta và kết hợp với ta, bằng cách thay đổi ta và biến đổi ta trong Ngài, như một giọt nước mất hút trong một đại dương bao la đầy hương thơm. Đó là những kết quả mà hương thơm này tạo ra nơi những người bắt gặp nó. Nó không chỉ xức thơm những người đó, không, nó biến đổi bản thể riêng của họ trong hương thơm này, hương thơm đã được đổ tràn ra cho chúng ta: Chúng ta là hương thơm của Đức Kitô (2Cr 2,15)” (Cabasilas, op. cit. IV, 3).

Quanh bàn tiệc Thánh Thể, sự “say sưa chừng mực Thần Khí” trở thành thực tại. Bình giải một đoạn văn trong sách Diễm ca, thánh Ambrosiô viết: “Anh đã ăn mật, ăn cả tảng mật ngọt (Dc 5,1). Bạn thấy chăng trong tảng mật này không có gì đắng đót, nhưng có tất cả sự ngọt ngào ? “Anh đã uống rượu với mật của anh” (ibid.). Bạn thấy chăng niềm vui đang nói không có tì tích nào làm nhơ bẩn? Là vì, mỗi khi bạn uống chén, bạn nhận được ơn thứ tha tội lỗi, và bạn say sưa thần khí. Đúng như thánh Tông Đồ nói: “Chớ say sưa rượu chè, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí” (Ep 5,18). Người say Thần Khí có thể nói được là đâm rễ trong Đức Kitô. Một sự say sưa thánh thiện là sự say sưa tạo ra sự điều độ trong tâm hồn” (De sacr. V, 17). Thánh Ambrosiô kêu lên trong thánh thi lừng danh mà ngày nay người ta vẫn còn đọc trong phụng vụ các giờ kinh: “Chúng ta hãy vui sướng được uống nước dư tràn chừng mực của Thần Khí” (laeti bibamus sobriam profusionem Spiritus).

Sự say sưa chừng mực không chỉ là một chủ đề thi vị, nhưng có nhiều ý nghĩa và sự thật. Sự say sưa luôn gây hiệu quả là làm cho con người ra khỏi chính mình. Nhưng khi mà trong cơn say vật chất (say rượu, say thuốc phiện) con người thoát khỏi chính mình để sống “dưới” phẩm chất của một hữu thể có lý trí, gần như theo cách thú vật, thì, nếu là về say sưa thiêng liêng, con người ra khỏi mình để sống “trên” lý trí, ở chân trời của Thiên Chúa. Mọi chịu lễ cuối cùng sẽ trở thành một sự xuất thần, nếu chúng ta không hiểu là những hiện tượng lạ lùng nhưng ngẫu nhiên, đôi khi dành riêng cho các nhà thần bí, nhưng theo đúng nghĩa là sự ra khỏi (extasis) con người của cái tôi, và nói như Phaolô, là “không còn phài là tôi sống nữa”.

Điều các Giáo Phụ muốn hiểu qua biểu tượng say sưa, thì thánh Tôma Aquinô diễn tả bằng những hạn từ hợp lý hơn. Ngài nói : Thánh Thể là “bí tích tình yêu” (sacramentum caritatis) (x. S.Théol. III, q.78, a.3). Ngài giải thích : Sự kết hợp với Đức Kitô hằng sống chỉ có thể xẩy ra trong tình yêu; thực sự, tình yêu là thực tại duy nhất cho phép hai hữu thể sống kết hợp với nhau, mỗi hữu thể vẫn là chính mình, để làm nên một. Nếu có thể nói Chúa Thánh Thần là sự “hiệp thông của chúng ta” với Đức Kitô, thì chính vì Người là Tình Yêu của Thiên Chúa. Sự chịu lễ nào không được thực hiện bằng một hành vì yêu thương đều bất toàn; tôi không tự hiến hoàn toàn và không dè dặt cho Đức Kitô là Đấng đã hiến mình cho tôi vào lúc tôi đến nói với Ngài bằng tấm lòng đơn sơ và chân thành, như Phêrô: Lậy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa (x. Ga 21,16).

“Con ở trong họ và Cha ở trong con”: hiệp thông với Chúa Cha.

Cuối cùng, trong việc chịu lễ, nhờ Đức Giêsu và Thần Khí của Ngài, chúng ta cũng gặp được Chúa Cha. Trong “lời kinh tế hiến”, Đức Giêsu thưa với Chúa Cha: “Để họ được nên một như chúng ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong con” (Ga 17,23). Những từ: “con ở trong họ như Cha ở trong con”  muốn nói rõ Đức Giêsu ở trong chúng ta như Chúa Cha ở trong Ngài. Thế nên không thể lãnh nhận Chúa Con mà đồng thời không lãnh nhận Chúa Cha. Lý do cuối cùng là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một bản tính thần linh không thể tách rời. Các Ngài chỉ là một. Một ghi chú của thánh Hilariô đã làm nổi bật vấn đề này: “Chúng ta kết hợp với Đức Kitô, Đấng không tách khỏi Chúa Cha, nhưng là Đấng, tuy ở trong Chúa Cha, nhưng vẫn kết hợp với chúng ta. Chúng ta cũng đi đến chỗ hiệp nhất với Chúa Cha theo cách ấy. Quả thực, Đức Kitô ở trong Chúa Cha theo cách đồng bản tính, vì Ngài được Chúa Cha sinh ra; nhưng một cách nào đó, qua Đức Kitô, cả chúng ta cũng ở trong Chúa Cha theo cách đồng bản tính. Đức Giêsu sống nhờ Chúa Cha, còn chúng ta, chúng ta sống nhờ nhân tính của Ngài” (De Trinitate VIII, 13-16 ; PL 10, 246 tt.).

Để xác định rõ hơn về phương diện thần học, chúng ta nói Đức Giêsu Kitô, Chúa Con, hiện diện theo bản tính trong Thánh Thể (nói cách khác: chính hai bản tính thần linh và nhân loại ở đó), và Ngài cũng hiện diện theo ngôi vị (vì là Ngôi Hai); Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, một cách trực tiếp, chỉ hiện diện theo bản tính (vì sự hiệp nhất của bản tính thần linh), nhưng một cách gián tiếp, tức vì sự tương nhập (périchorèse, circumincession) của các ngôi, sự hiện diện của các Ngài cũng là theo ngôi vị. Mỗi ngôi trong Ba Ngôi thực sự bao gồm hai ngôi kia.

Đôi khi các thánh có kinh nghiệm, do đã sống kinh nghiệm đó, về cả Ba Ngôi hiện diện trong Thánh Thể, điều mà thần học quả quyết như một nguyên lý. Người ta đọc thấy trong Nhật ký của một nhà thần bí lớn, thánh nữ Vêronica Giuliani: “Trong bí tích Thánh Thể, tôi dường như thấy Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất như ngự trên ngai: Chúa Cha trong sự toàn năng của Người, Chúa Con trong sự khôn ngoan của Người, Chúa Thánh Thần trong tình yêu của Người. Mỗi lần tôi chịu  lễ, linh hồn và trái tim tôi trở thành đền thờ của Ba Ngôi chí thánh. Và khi Thiên Chúa đến trong tôi, thì cả thiên đàng cũng đến đó. Khi nhìn thấy Thiên Chúa giam mình trong Bánh Thánh, suốt cả ngày tôi ở trong tình trạng ngất trí vì tôi cảm thấy hạnh phúc. Cho dù tôi phải lấy mạng sống để minh chứng cho sự thật này, tôi cũng sẽ làm điều đó cả ngàn lần” (Diario III, 928. 1048).

Như vậy, chúng ta đi vào một sự hiệp thông mầu nhiệm, nhưng thật sự và sâu xa, với cả Ba Ngôi: với Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Tất cả Ba Ngôi hiện diện quanh bàn thờ một cách vô hình. Chính đó là ý nghĩa của bức icône nổi tiếng của A. Rublev về Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, được biểu thị tượng trưng bằng ba thiên thần hiện ra với Abraham dưới gốc cây sồi ở Mambrê, tạo nên một thứ vòng tròn thần bí quanh bàn thờ và dường như nói với những ai chiêm ngắm: hãy là một như chúng ta là một.

Thiên Chúa đã đặt thân thể Ngài trong bàn tay chúng ta

Việc chịu lễ mở rộng trước mắt chúng ta như những cửa lần lượt đưa chúng ta vào trước hết là trong trái tim Đức Kitô, rồi nhờ Ngài mà đi vào trong trái tim Ba Ngôi. Nhưng trước một sự hạ cố quá lớn lao không thể ngờ được của Thiên Chúa, chúng ta lại cảm thấy buồn. Chúng ta làm gì với thân thể Đức Kitô. Có một hôm, lúc chịu lễ, tôi cảm thấy rúng động bởi một bài thánh ca hay, trong đó có câu được lặp đi lặp lại như một thứ điệp khúc: “Thiên Chúa đã đặt thân thể Người trong bàn tay chúng ta, Thiên Chúa đã đặt thân thể Người trong bàn tay chúng ta”. Thình lình, tôi cảm thấy như có một nỗi đau trong lòng: Thiên Chúa đã đặt thân thể Người trong bàn tay chúng ta, còn chúng ta, chúng ta làm gì với thân thể của Thiên Chúa? Và tôi đã không thể cầm hãm tiếng kêu này trong nơi sâu thẳm của tôi: Chúng tôi đã bạo hành với thân thể đó. Chúng tôi đã bạo hành với thân thể đó. Bằng cách nào? Ngài đã tự nguyện đến trên bàn thờ và trong tâm hồn ta, mà chúng ta lạm dụng. Chúng ta “buộc” Ngài hàng ngày làm cử chỉ tuyệt đỉnh yêu thương này, trong khi chúng ta không yêu mến, thường chia trí quá đáng, và chính như thế mà chúng ta bạo hành với Ngài. Phải đầy tế nhị dịu hiền biết bao đối với một người hoàn toàn nhỏ bé không được bảo vệ; chúng ta thì ngược lại, tỏ ra thô lỗ tầm thường biết bao với Đức Giêsu, Đấng không được bảo vệ trước chúng ta, và đây chính là một mầu nhiệm. Thánh Phanxicô Assisi kêu lên: “Anh em hãy xem, hàng ngày Ngài hạ mình xuống trên bàn thờ, như Ngài đã làm điều đó khi từ ngai vàng, Ngài hạ cố xuống trong lòng Đức Trinh Nữ”.

Vì vậy, chúng ta không thể chịu lễ nếu không có sự khiêm nhường của một tâm hồn thống hối. Cũng chính thánh Phanxicô còn nói với chúng ta: “Anh em hãy nghe, nếu Đức Thánh Trinh Nữ đã nhận được bao nhiêu vinh dự – và điều này là công bình – vì Người đã cưu mang Ngài trong lòng dạ rất tinh tuyền, nếu thánh Gioan Tẩy Giả nhảy mừng, và không dám đặt tay trên đầu Chúa, nếu người ta tôn kính ngôi mộ nơi Chúa nghỉ yên trong một thời gian vắn, thì người lãnh nhận Ngài trên đôi tay, trên môi miệng, trong lòng và mang Ngài cho người khác lãnh nhận, người đó phải thánh thiện, công chính, xứng đáng biết bao nhiêu. Hẳn là điều khốn khổ và bất hạnh khủng khiếp, nếu khi Ngài đang hiện diện nơi anh em, anh em lại bận tâm đến chuyện gì khác ở thế gian. Chớ gì con người hãy lo sợ, vũ trụ hãy run rẩy và tầng trời hãy nhảy mừng, khi Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, ở đó, trên bàn thờ, trong đôi bàn tay của linh mục. Anh em thân mến, anh em hãy chiêm ngắm sự khiêm nhường của Thiên Chúa, hãy mở lòng anh em cho Ngài; anh em hãy khiêm nhường để Ngài nâng anh em lên” (Thư cho tổng tu nghị).

Ý thức về sự cao cả của mầu nhiệm mà chúng ta lãnh nhận, vượt quá sự xứng hợp của chúng ta để đón nhận, nếu chúng ta nài xin, bạn hữu của chúng ta trên trời – Đức Maria, các thiên thần, các thánh mà chúng ta yêu mến – sẵn sàng đến giúp đỡ chúng ta. Cùng với các ngài chúng ta có thể nói rất đơn sơ, nhưng cương quyết, gần giống như người mà Phúc Âm đề cập: ông ta phải tiếp một người bạn nửa đêm đến nhà và không có gì cho người ấy, ông ta không ngại đánh thức một người láng giềng quen biết để xin bánh cho người bạn kia (x. Lc 11,5 tt). Phần chúng ta, chúng ta có thể xin với  những người thờ phượng hoàn hảo trên trời sự tinh tuyền của các ngài, lời ca ngợi, sự khiêm nhường, tâm tình biết ơn vô hạn của các ngài đối với Thiên Chúa, để Đức Giêsu tìm thấy những điều ấy nơi ta, khi Ngài đến viếng thăm lúc ta chịu lễ. Các thánh, đứng đầu là Đức Maria, thích hành động như thế. Điều này có thể nhờ tín điều các thánh thông công. Các ngài muốn điều đó vì các ngài yêu chúng ta và yêu mến Đức Giêsu. Thử tưởng tượng các ngài từ chối coi. Theo tôi, khi đó người ta đua nhau trên thiên đàng bằng một thứ ghen tương nào đó vì những lời kêu gọi tương tự.

Khi chúng ta chịu lễ, Thiên Chúa ở đó cách viên mãn, và khi ấy không có gì là không thể:  những ước ao giản dị, thậm chí trẻ con, được coi là những quyền do sự hào phóng toàn năng của Thiên Chúa. “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32). Nếu một ông vua thuận cho con trai mình đi thăm một người nghèo trong khu nhà ổ chuột của người này, ông có sẽ từ chối người nghèo này một đồ trang trí nào đó hay những bông hoa để làm cho khung cảnh bớt thảm hại hay làm cho việc tiếp đón bớt bất tiện chăng? Chúng ta có thể nói thêm nữa theo kiểu trẻ em, và vào lúc chịu lễ, hình dung sự “ngạc nhiên” của Đức Giêsu đang mong tìm thấy nơi ở thảm hại thường ngày, khi Ngài đến giữa chúng ta; trái lại, Ngài đang đứng trước chính vẻ huy hoàng của tầng trời, nơi mà từ đó Ngài đến.

Chỉ cần chúng ta trông đợi. Đức Maria và các thánh đánh giá rất quan trọng những gì chạm đến trái tim của Vua trên trời. Chính vì vậy, thực đáng buồn và ngượng ngùng biết bao khi, giữa ngày sống, thình lình bạn nhận ra là các ngài đã đến, đã trang hoàng nhà cửa của người nghèo, nhưng chủ nhà lại đi ra ngoài từ sáng sớm và không trở về.

Tôi cho rằng chính là một hồng ân cứu độ cho một người Kitô hữu trải qua thời kỳ mà người đó sợ không dám lên chịu lễ, sợ nghĩ tới điều đang xẩy ra làm cho họ run rẩy, thời kỳ mà họ không ngừng lặp lại như Gioan Tẩy Giả: “Có phải chính Ngài đang đến với tôi?” (Mt 3,14). Chúng ta không thể lãnh nhận Thiên Chúa với tư cách Thiên Chúa, tức là vẫn bảo vệ cho Người sự thánh thiện và oai nghiêm của Người. Chúng ta không thể thuần hóa Thiên Chúa. Giáo Hội, khi giảng dậy – giờ đây việc chịu lễ trở thành một thói quen quá “dễ dàng” – hẳn không phải ngại nói với giáo dân đôi khi bằng ngôn từ của thư Do thái: “Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và dông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những người nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa, vì họ không chịu nổi những lời sau đây:…Cảnh tượng hãi hùng đến mức ông Môsê phải nói: Tôi kinh hoàng và run rẩy. Nhưng anh em đã tới núi Sion, tời thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người…Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu, và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh mẽ hơn cả máu Abel” (Dt 12,18-24).

Chúng ta biết Giáo Hội sơ khai cảnh báo cộng đoàn phụng vụ lúc chịu lễ: “Ai thánh thiện, hãy tới gần. Ai không thánh thiện, hãy sám hối” (Didachè 10). Thánh Gioan Kim Khẩu, người có chuyện xích mích với một đám dân quen đối diện sự việc cách hời hợt, có thể nói là không bao giờ đề cập việc chịu lễ mà không dùng tính từ “kinh khủng” (friktos). Ngài viết: “Những mầu nhiệm Giáo Hội thật kinh khủng, bàn thờ thật kinh khủng. Không có ơn Chúa giúp đỡ đặc biệt, một linh hồn không thể chịu đựng lửa của một lễ hy sinh như thế mà không hoàn toàn bị lửa đó tiêu diệt” (In John. hom. 46 ; De Sacerd. III, 4). Ngài còn nói là khi người Kitô hữu trở về từ bàn thánh, người đó giống như một con sư tử phun ra lửa: cái nhìn của người đó khiến ma quỷ chịu không nổi. Ít nhất một lần phải có kinh nghiệm về sự oai nghiêm kinh khủng của Thánh Thể, để sau đó hiểu đầy đủ lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa che giấu sự oai nghiêm của Người như một bức màn, sợ chúng ta tiêu biến.

Giáo Hội : hiệp thông vào thân thể Đức Kitô

Trong bài suy niệm, chúng ta giới hạn vào chiều dọc của hiệp thông, tức hiệp thông với Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong bản văn nhắc lúc đầu, thánh Phaolô nói: “Khi ta cùng bẻ bánh thánh, đó chẳng phải là dự phần vào thân thể Người sao: bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy” (1Cr 10,16-17). Từ “thân thể” được nói tới hai lần trong bản văn; lần thú nhất chỉ thân thể thực sự của Đức Kitô, lần thứ hai chỉ thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Theo thánh Augustinô: “Vào lúc chịu khổ nạn, Chúa trong bí tích này đã ban cho chúng ta thịt và máu Ngài, làm cho chúng ta cũng trở thành thịt máu ấy. Là vì, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng là thân thể của Ngài, và như vậy, nhờ lòng thương xót của Ngài, chúng ta là cái mà chúng ta lãnh nhận. Anh em hãy nhớ lại một lát xem hạt giống đã như thế nào khi còn trong cánh đồng: đất làm nó nẩy mầm, mưa nuôi dưỡng nó; rồi có người và công việc của ông ta: ông đưa nó đến sân, đập ra, sàng sẩy rồi cho vào kho; ông lấy số cần thiết để xay thanh bột và nấu nướng, và chính như thế, cuối cùng nó trở thành bánh. Bây giờ, hãy nghĩ về anh em: anh em đã không hiện hữu, anh em đã được tạo dựng, đã được đặt trên sân của Chúa, được đập ra, nhờ sự vất vả của những “con bò” là những người đã loan báo Tin Mừng cho anh em. Khi là dự tòng, anh em như ẩn tàng trong kho lẫm; khi đích danh cam kết xin chịu phép rửa tội, anh em bắt đầu được sàng lọc bằng chay tịnh và trừ quỷ; cuối cùng anh em đến với nước, anh em được nhào nặn để trở nên một; rồi lửa của Chúa Thánh Thần nấu nướng anh em và anh em trở thành bánh của Chúa. Đó là cái mà anh em đã lãnh nhận. Anh em thấy đó, bánh được chuẩn bị là một; cũng vậy anh em cũng hãy là một trong tình yêu lẫn nhau, giữ cùng một đức tin, một đức cậy, một đức ái, mà không gì phân chia” (Sermo Collection Denis 6 ; PL 46, 834 tt).

Giáo Hội, thân thể Đức Kitô, hình thành theo khuôn mẫu Bánh thánh. Giáo Hội cũng chịu nhiều thăng trầm như Thánh Thể. Bánh thánh thực hiện sự hiệp nhất của các phần tử bằng cách biểu thị nó (cũng trong việc đó, bí tích “significando causat”). Trong lúc chịu lễ, “sự hiệp nhất của dân Chúa được biểu thị cách cụ thể và được thực hiện cách kỳ diệu” (GH 11). Nói khác đi, những dấu chỉ bánh và rượu diễn tả cách hữu hình điều gì (sự hiệp nhất nhiều hạt lúa và nhiều ngành nho), thì bí tích thực hiện điều đó cách nội tâm, trên bình diện thiêng liêng.

“Bí tích thực hiện”: tuy nhiên không phải chỉ mình nó, cũng không phải tự động, nhưng cùng với sự dấn thân của chúng ta. Khi tôi đến gần Thánh Thể, tôi không thể không quan tâm đến người anh chị em tôi; tôi không thể đẩy xa người đó, không đẩy xa đích thân Đức Kitô, và chính tôi lìa xa sự hiệp nhất. Người nào lúc chịu lễ tự phụ đang cháy lửa yêu mến Đức Kitô trong khi vừa mới xúc phạm hay làm tổn thương một người anh chị em, và làm điều đó mà không xin lỗi hoặc không có ý định xin lỗi người anh chị em, thì người đó giống như người lâu ngày gặp một người bạn, nhón gót chân lên hôn vào trán bạn để chứng tỏ tình cảm thắm thiết, nhưng lại không nhận ra rằng, khi làm điều đó, anh ta đang giẫm lên chân người bạn bằng đôi giầy có đinh. Bàn chân của Đức Giêsu, chính là những chi thể của thân thể Ngài, đặc biệt những người nghèo khổ và hèn kém nhất. Những “bàn chân” đó là của Ngài, Ngài yêu thương và Ngài hẳn có thể kêu to cho người của chúng ta: ngươi có kính mến ta cũng vô ích.

Trong việc chịu lễ, Đức Kitô đến với tôi cũng là Đức Kitô không thể phân chia đang đi gặp người anh chị em tôi. Ngài liên kết chúng ta với nhau, nếu có thể nói được như thế, vào lúc Ngài liên kết tất cả chúng ta với Ngài. Có lẽ đó là ý nghĩa sâu sắc của cách diễn tả bắt gặp trong những tác phẩm của Tân Ước và của Giáo Hội sơ khai: “Hợp nhất với nhau trong việc bẻ bánh” (Cv 2,42). Các Kitô hữu đã ý thức về sự hợp nhất của họ trong việc bẻ bánh; quả là nghịch lý khi hợp nhất trong hành vi phân chia, vì bẻ ra biểu thị phân chia. Đúng là như vậy: chúng ta hợp nhất trong sự phân chia, đúng hơn trong sự phân chia cùng một tấm bánh.

 Ở trên, thánh Augustinô đã nhắc chúng ta rằng không thể có bánh nếu những hạt lúa làm nên bánh tiên vàn không được xay ra. Để được xay, không gì hữu hiệu hơn là bác ái huynh đệ, nhất là đối với những người sống đời cộng đồng: chịu đựng lẫn nhau, dù có khác nhau về tính tình, quan điểm, v.v. Đó như là một chiếc cối xay tinh luyện chúng ta ngày qua ngày, bỏ đi những chỗ xấu xí tự nhiên của chúng ta.

Từ đây chúng ta biết ý nghĩa của lời thưa Amen, và khi thưa Amen lúc chịu lễ, chúng ta biết mình nói với Đấng nào. Thừa tác viên nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, và chúng ta đáp: “Amen”. Chúng ta đáp Amen với thân thể rất thánh của Đức Giêsu, sinh bởi Đức Maria, đã chết vì ta, nhưng chúng ta cũng đáp Amen với thân thể mầu nhiệm là Giáo Hội, và một cách cụ thể là những anh chị em quanh chúng ta trong cuộc sống hoặc nơi bàn tiệc. Không thể tách hai thân thể, đón nhận thân thể này mà không đón nhận thân thể kia. Đáp Amen với nhiều anh chị em, có lẽ với phần đông, chắc hẳn không quá khó, nhưng trong số họ, luôn sẽ có người làm ta đau khổ, bất kể đó là lỗi của họ hay lỗi của ta ; luôn có người chống đối ta, chỉ trích ta, vu khống ta. Đáp Amen trong trường hợp này là rất khó, nhưng chứa đựng một ân sủng đặc biệt; thậm chí như một bí ẩn trong hành vi này. Nếu chúng ta muốn hiệp thông với Đức Giêsu cách thân mật hơn, hoặc nếu chúng ta cần Ngài tha thứ và ban cho chúng ta ân sủng đặc biệt, chính đó là phương tiện tốt để được nhậm lời: đi lãnh nhận Đức Giêsu trong Thánh Thể đồng thời với người hoặc những người “anh chị em” này; nói rõ với Ngài: Lậy Chúa Giêsu. hôm nay con lãnh nhận Chúa cùng với người anh em này (nói rõ tên), con cho người này cùng với Chúa trú ngụ trong tâm hồn con; con sung sướng được Chúa dẫn người này đến cùng với Chúa. Cử chỉ nhỏ mọn này làm Đức Giêsu rất hài lòng, vì Ngài biết rằng để làm được điều này, chúng ta đã phải chết đi một tí.

Tôi kết thúc bài suy niệm này bằng một đoạn của bài Adoro Te devote, một bài hát đã nuôi dưỡng lòng đạo đức của rất nhiều thế hệ tin vào Thánh Thể. Đoạn đó khởi đầu bằng câu: “O memoriale mortis Domini” được dịch là: Ôi, tưởng niệm cái chết của Chúa, là bánh hằng sống ban sự sống cho con người: xin cho linh hồn con được sống bằng Chúa và luôn cảm thấy ngọt ngào sự hiện diện của Chúa”. Amen.

(R. Cantalamessa, L’Eucharistie, notre sanctification, Centurion 1989, chap. 3)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều