“CHO TỚI NGÀY CHÚA ĐẾN”
Thánh Thể như chờ mong Chúa trở lại
“Cho tới ngày Chúa đến,
mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11,26). Những lời
trên của thánh Tông Đồ vang lên trong mỗi Thánh lễ; quả thực đó là lời chúng ta
tung hô sau lúc truyền phép: “Lạy Chúa Giêsu, chúng con loan truyền Chúa đã chịu
chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại, và mong đợi Chúa đến trong vinh quang”. Đó
là tiếng vang vọng của Maranatha, Lạy
Chúa, xin hãy đến! hoặc “Chúa đến”, mà người ta nghe trong cử hành Thánh Thể thời
Giáo hội sơ khai. Thánh Giêrônimô nói đến một “truyền thống thông đồ” còn thấy ở
thời ngài, theo đó không được phép giải tán dân chúng trước nửa đêm trong đêm
canh thức vượt qua, vì ngày quang lâm của Chúa còn có thể xẩy đến cho tới lúc đó
(In Evang. Matth. IV, 25, 6): có
nghĩa là: trong phụng vụ của Giáo Hội sơ khai, người ta cảm nghiệm biết dường
nào việc chờ mong Đức Kitô trở lại.
“Hãy nâng tâm hồn lên”
Chờ
mong Chúa trở lại, hoặc “hướng tới cánh chung”, không phải là một hiện tượng
thuần túy chủ quan – nghĩa là chỉ có nơi tâm trí những người cử hành Thánh Thể –
trái lại bén rễ sâu nơi chính trọng tâm mầu nhiệm, nội tại nơi cử hành Thánh Thể.
Trong
lễ Vượt Qua Do thái giáo, đã có sự mong chờ này, cho dù lễ này cũng chỉ “in figura” (trong hình bóng; người ta phải
ăn thịt chiên trong tư thế “lưng thắt gọn,
chân đi dép, tay cầm gậy…ăn vội vã” (Xh 12,11), như người sắp ra đi. Danh
xưng “Vượt Qua” được giải thích như cuộc ‘vượt qua’ từ Ai Cập đến Đất Hứa, từ
thế gian về với Chúa Cha. Giờ đây, sự vội
vã ra đi này trở thành thiêng liêng và sâu xa hơn trong Thánh Thể. Đó là cách
hiện diện của Đức Giêsu trong bí tích làm nẩy sinh trong tâm hồn sự chờ mong và
khao khát một điều gì khác. Sự hiện diện này bị “che giấu”, có thể nói là một sự
hiện diện-khiếm diện. Điều xẩy ra trong Thánh Thể cũng giống như trong Nhập Thể:
Thiên Chúa mạc khải mình bằng cách che giấu, và Người không thể làm khác được,
nếu không, thụ tạo sẽ bị tiêu diệt vì sự uy nghi sáng láng của Người. Thế nhưng
chính vì Người che giấu mình đi mà người ta lại muốn Người mở ra, muốn được thấy
Người “không bi che phủ”. Chỉ cần yêu là đủ để hiểu. Tác giả bài “Adoro Te
devote” đã hiểu điều đó khi khiến cho chúng ta hát lên: “Ôi Chúa Giêsu, giờ đây
con chiêm ngắm Chúa dưới tấm màn che, xin thực hiện điều con nguyện ước biết
bao, là được chiêm ngắm Chúa diện đối diện (revelata
facie), và cho con được hạnh phúc trong thị kiến vinh quang của Chúa.” Người
đang yêu không thể hài lòng với một sự hiện diện bị che giấu, không đầy đủ.
Trong “Bài ca của linh hồn nồng cháy nỗi khát khao được thấy Chúa”, thánh Gioan
Thánh Giá nói về Thánh Thể bằng những lời chắc chắn được kinh nghiệm của mình
linh hứng: “Khi con chiêm ngắm Chúa trong Thánh Thể để làm dịu nỗi đau buồn của
con, tấm màn che giấu Chúa không cho tâm hồn con được thấy chỉ làm cho con thêm
đau khổ; mọi sự chỉ làm cho con đau đớn bao lâu con còn cư ngụ ở trần gian này:
vì con chết đi được do không chết.”
Thay
vì dập tắt lòng khát khao thấy Thiên Chúa hiện diện, Thánh Thể làm gia tăng lòng
khát khao ấy hơn. Thánh Phaolô đã không nói khác khi ngài dùng hình ảnh “của đầu
mùa”: chúng ta nếm thử của đầu mùa của Thần Khí, nhưng chính khi nếm thử như vậy
mà chúng ta ý thức ngay: của đầu mùa không đủ cho chúng ta; của đầu mùa làm người
ta chờ đợi tất cả mùa gặt, ước muốn tất cả. Và thánh Tông đồ nói thêm: vì vậy cả chúng ta cũng rên siết trong lòng, vẫn
còn phải trông đợi quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa
(Rm 8,23).
Trong
viễn tượng này, Thánh Thể diễn tả ngay cả bản chất của cuộc sống Kitô giáo trên
trần gian; là thời điểm ưu đãi lúc mà Giáo hội nghiệm thấy mình, tự yếu tính,
đang “ở trên đường”, đang lữ hành. Thánh Thể là “của ăn nuôi người lữ hành”, là
bí tích của cuộc xuất hành tiếp nối, bí tích vượt qua. Ngay từ buổi đầu của
Giáo hội, để dẫn vào kinh tiền tụng của Thánh lễ, Giáo hội đã hô lên: “Sursum
corda” (Hãy nâng tâm hồn lên). Thánh Augustinô đã bình giải như sau: “Tất cả đời
sống của người Kitô hữu chân thật là một “sursum
cor”. Nâng tâm hồn lên nghĩa là gì”? Có nghĩa là đặt hy vọng của mình nơi
Thiên Chúa. Khi anh em nghe linh mục nói “Sursum
corda”, anh em đáp “Habemus ad
Dominum” (Chúng tôi đang hướng về Chúa). Hãy liệu sao cho lời đáp của anh
em là thật” (Ser. Denis 6; PL 46,
834).
Nhiều
Giáo Phụ nại tới thư Do thái 10,1, đã phân biệt ba giai đoạn hoặc ba thời điểm
trong lịch sử cứu độ: giai đoạn hình bóng,
giai đoạn hình ảnh và giai đoạn thực tại. “Hình bóng trong Lề Luật, hình
ảnh trong Phúc Âm, thực tại ở trên trời. Chúng ta đang bước đi ở trần gian này,
trong hình ảnh, nhưng đến khi sự hoàn hảo
được viên mãn, chúng ta sẽ thấy diện đối diện, vì sự hoàn hảo ở trong thực tại”
(thánh Ambrosiô, De Offic. I, 48). Do
đó các Giáo Phụ này phân biệt ba cuộc vượt qua: cuộc vượt qua Lề Luật, cuộc vượt
qua Phúc Âm và cuộc vượt qua thứ ba sẽ
được hoàn tất giữa vô vàn các thiên thần trong tột điểm của ngày lễ và
trong cuộc xuất hành tiến về quê trời vượt quá mọi hạnh phúc” (Origen, In Joh. X, 111, GCS, 1903, p. 189).
Chính Đức Giêsu đã mở lối vào ý tưởng này về cuộc “Vượt Qua trên trời” khi mà,
bằng việc lập phép Thánh Thể, Ngài đã ám chỉ đến một lễ Vượt Qua mới, mầu nhiệm,
sẽ hoàn tất “trong Nước Thiên Chúa” (x. Lc 22,16).
Thánh Thể làm nên giáo xứ
Thế
nên Thánh Thể thúc đẩy chúng ta sống hướng về cánh chung, sống như người khách
hành hương, đôi mắt và tâm hồn hướng về trời. Trong những bài suy niệm trước,
tôi đã muốn cho thấy Thánh Thể làm nên Giáo Hội như thế nào; cũng vậy trong bài
suy niệm cuối cùng này, tôi cũng muốn cho thấy Thánh Thể làm nên giáo xứ như thế
nào.
Giáo
xứ là gì? Tôi ngạc nhiên khi thấy trong Kinh Thánh người ta nói nhiều về “giáo
xứ” và những “người thuộc giáo xứ”. Thật ra, những hạn từ này phát xuất từ paraoikeo, rất thường thấy bằng tiếng Hy
lạp trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Để biết chính xác hơn một giáo xứ là
gì hay phải là gì, chúng ta cần tra cứu Kinh Thánh.
Trong
sách Công vụ, chúng ta đọc thấy Israel đã “cư ngụ ở đất Ai Cập” (Cv 13,17),
nhưng từ được dịch là “cư ngụ” trong bản dịch mới, thì trong bản Hy lạp nguyên
thủy là “giáo xứ” (paroikia). Ở chỗ
khác, chúng ta cũng đọc thấy Abraham, nhờ đức tin, đã sống suốt đời như một
“người thuộc giáo xứ”, nghĩa là như một người mà người ta đã dịch là người trú
ngụ nơi đất khách (St 15,13; Dt 11,9).
Nhưng
chúng ta hãy trở lại với những người Kitô hữu, nghĩa là với Israel mới. Chúng
ta đọc trong thư thứ nhất của thánh Phêrô:“Anh
em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này” (1Pr 1,17), nghĩa
đúng từng chữ: “trong thời của giáo xứ anh em”, và ở một đoạn sau: “Anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên
anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt” (1Pr 2,11), dịch đúng từng chữ:
“anh em là những người thuộc giáo xứ, tôi khuyên…”
Có
gì đàng sau những chữ paroikia và paroikos, và đâu là nghĩa chính xác của
những chữ ấy? Rất đơn giản: para, trạng
từ, có nghĩa là bên cạnh; oika, danh từ, có nghĩa là ở; vậy có
nghĩa là ở gần, như những người lân cận, không phải ở bên trong, nhưng ở chung
quanh bên ngoài. Tiếp đến hạn từ có nghĩa là người trú ngụ ở nơi nào đó một thời
gian vắn, người du hành, hoặc còn có nghĩa là người bị lưu đầy khỏi xứ sở. Vậy paroikia chỉ một nơi ở tạm bợ. Thêm vào tính chất tạm bợ này là
sự mong manh, bấp bênh. Quả thực, người
chỉ đi qua một thành phố không được hưởng mọi quyền công dân đích thực; vì vậy paroikos dùng để phân biệt khách qua đường
với một công dân có trọn quyền. Nếu một cuộc chiến xẩy ra giữa xứ sở nguyên
quán của mình và xứ sở cho mình trú ngụ, người trú chắc chắn phải rời nơi mình
trú ngụ, trừ khi từ bỏ xứ sở nguyên quán của mình.
Thế
tại sao đời sống Kitô giáo được Kinh Thánh định nghĩa như một đời sống của những
“người thuộc xứ sở”, một đời sống của “giáo xứ”, nghĩa là những người hành
hương, khách lạ? Câu trả lời rất rõ ràng: họ ở “trong” thế gian nhưng không
“thuộc về” thế gian (x. Ga 17,10.16); vì quê hương đích thực của họ ở trên trời,
từ nơi đó họ chờ mong Chúa Giêsu Kitô đến như Đấng Cứu Thế (x. Pl 3,18); vì họ
không có nơi cư ngụ bền vững ở trần gian này, nhưng chỉ đang trên đường hướng về
thành trì tương lai (x. Dt 13,14).
Theo
nghĩa này, đúng theo nguyên thủy, Giáo hội dù lớn lao đi nữa, vẫn chỉ là một
“giáo xứ” độc nhất và rộng lớn. Ngay từ đầu, đó là ý thức nền tảng của chân
tính Kitô giáo; chẳng hạn nó được diễn tả trong những lá thư trao đổi giữa các
cộng đoàn đầu tiên. Lá thư rất quen thuộc của thánh Giáo hoàng Clêmentê gửi
Giáo hội ở Corintô khởi đầu như sau: “Giáo hội của Thiên Chúa cư ngụ nơi đất
khách (dịch sát: thuộc giáo xứ), ở Rôma gửi Giáo hội của Thiên Chúa sống nơi đất
khách ở Corintô”. Để báo tin về cuộc tử đạo của thánh Giám mục Polycarpô cho các
anh em của một thành phố khác, các Kitô hữu Smyrna đã viết: “Giáo hội cua Thiên
Chúa sống nơi đất khách (paroikousa:
thuộc giáo xứ) ở Smyrna, gửi Giáo hội của Thiên Chúa sống nơi đất khách ở
Philouménos.” Thư gửi Điognêtê – một trong những tài liệu cổ nhất – định nghĩa
người Kitô hữu như sau: “một người cư ngụ tại một quê hương, theo cách một người
khách lạ (paroikos!); với tư cách
công dân, người đó tham dự vào mọi việc, nhưng đảm nhận mọi sự như một khách
hành hương; với một người như thế, mỗi vùng đất lạ đều là một quê hương, và mỗi
quê hương đều là vùng đất lạ” (Ad Diogn.
V, 5).
Về
vấn đề này, tôi có một suy nghĩ. Trong ngôn ngữ ngoại giao hôm nay, Vaticanô được
định nghĩa như một “Nhà Nước ngoại quốc” và Đức Giáo hoàng như “thủ lãnh của một
Nhà Nước ngoại quốc”. Đối với “những người ở ngoài”, kiểu nói này có một ý
nghĩa, nhưng đối với người tín hữu, nó phải có một ý nghĩa khác triệt để hơn
nhiều. Quả thực, Vaticanô với tư cách đại diện và trung tâm của Giáo hội công
giáo, là một Nhà Nước “ngoại quốc”, nhưng ngoại quốc không chỉ đối với nước Ý
mà nó ở trong đó, mà còn đối với cả thế giới. Thực sự nó là Nhà Nước của dân
khách lạ và hành hương trong thế giới này.
Tuy
nhiên, đây là một sự xa lạ rất đặc biệt. Những giáo thuyết khác đã khắc sâu vào
trí não con người ý nghĩa của sự xa lạ và trốn chạy khỏi thế gian (trong số họ,
theo một nghĩa khác, các người theo thuyết Platô và ngộ đạo đã định nghĩa thế
này về con người: con người tự bản tính là xa lạ với thế giới). Nhưng có sự
khác biệt vô cùng lớn lao: những người trên đây coi thế giới là công trình của
sự dữ, vì thế khuyên người ta không dấn thân vào đó, biểu hiện qua hôn nhân,
lao động, Nhà Nước. Ngược lại, nơi người Kitô hữu, không có gì giống như thế,
người Kitô hữu “lấy vợ và sinh con”, “tham dự vào mọi việc” (A Diognète). Sự xa
lạ là đặc tính thuộc cánh chung học, chứ không thuộc hữu thể học; nói khác đi,
chính do ơn gọi chứ không do bản tính mà họ cảm thấy mình xa lạ; là vì họ có vận
mệnh trong một thế giới khác, không phải vì họ đến từ nơi khác. Cảm thức của
người Kitô hữu về sự xa lạ có nền tảng trong sự phục sinh của Đức Kitô. “Nếu
anh em đã sống lại cùng với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời”.
Sự sáng tạo và tốt lành căn bản không vì thế mà bị tiêu hủy.
Trong
Kinh Thánh, khái niệm về giáo xứ được bổ túc bắng khái niệm về “diaspora” hay phân tán khắp nơi: “Phêrô, Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô, kính gửi
những người được Thiên Chúa kén chọn, những khách lữ hành đang sống tản mác
trong các xứ (dans la diaspora)” (1Pr 1,1). Diaspora là hành vi phát tán.
Kitô hữu là hạt giống của Thiên Chúa, gieo vãi trong thế giới, để cuối cùng cả
thế giới trở thành cánh đồng của Thiên Chúa mang những hạt lúa chín. Không có
thù nghịch hay khinh chê thế gian; thế gian là của Thiên Chúa và Thiên Chúa
“yêu thương thế gian”, muốn cứu thế gian (x. Ga 3,16; 12,47). Quả thực, người
Kitô hữu cũng phải là “muối đất”, nhưng muối đất với điều kiện: cho dù họ tan
biến giữa con người, họ không được đánh mất “hương vị” của mình; còn về sự khác
biệt của họ đối với thế gian, họ khác biệt nếu biết chôn vùi hạt mầm vĩnh cửu
và bất hoại trong thế gian này, một thế gian hoàn toàn chỉ biết cuộc đời này và
hư hoại. Nói cách khác, Kitô hữu là “muối đất” bao lâu sống như những người
hành hương và lữ khách trong thế gian này.
Như
người ta nói, sự khôn ngoan Kitô giáo hệ tại ở thế quân bình giữa tính siêu việt
và tính nội tại; nhưng chúng ta lại thường quan niệm sự quân bình này theo kiểu
định liều lượng: một chút siêu việt và một chút nội tại, một chút lưu ý tới “thế
giới khác” và một chút lưu ý tới “thế giới này”, không quá nghiêng theo hướng
này hay hướng kia. Đó thực sự là cách suy luận của con người theo xác thịt.
Trong những việc của Thiên Chúa, sự quân bình không bao giờ ở chỗ định liều lượng
các điều trái ngược nhau, nhưng là đặt chúng giáp mặt nhau, trong tất cả sức mạnh
của chúng, cùng một lúc; phải phóng đại bằng cách đi đến tận cùng theo hướng
này và hướng kia. Điều này tạo ra một “lối sống nghịch lý và, như mọi người
nói, tuyệt diệu của người Kitô hữu” (A Diognète). Mầu nhiệm vượt qua không ở chỗ
rao giảng một chút về thập giá, một chút về sự Phục Sinh, nhưng đúng hơn, ở chỗ
muốn đi tới tận trọng tâm của thập giá, để có thể thưởng thức trọn vẹn sự Phục
Sinh. Khi đó sự khôn ngoan của Kitô giáo hệ tại ở chỗ sử dụng thế giới này như thể
không có ngày hôm sau và hoạt động cho thế giới này như thể nó không bao giờ chấm
dứt.
“Đấng Phu Quân đến kia rồi”
Chúng
ta bắt đầu hiểu Thánh Thể làm nên giáo xứ như thế nào và tại sao: Thánh Thể làm
nên giáo xứ bằng cách giữ cho những người Kitô hữu “thắt đai lưng, tay cầm gậy
và chân mang dép”, trong tình trạng thường xuyên xuất hành. Thánh Thể làm nên
giáo xứ khi hằng ngày nhắc nhở trong Thánh lễ để cho Giáo hội không đông cứng
và trở thành một Giáo hội “đã yên vị” và định cư, một Giáo hội ngưng trệ. Kiểu
mẫu một giáo xứ mà thế giới cần là: không phải một nơi có thể thấy mọi dịch vụ,
mọi hoạt động, mọi thứ giải trí mà thế giới gây ra và phổ biến (mà chính thế giới
giờ đây cũng chán ngấy và thất vọng); giáo xứ mà thế giới cần là một nơi hành
hương và có niềm vui, nơi cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nơi bất
cứ ai đến đó lần đầu tiên đều phải nhận rằng có điều gì đó khác; bấy giờ họ kêu
lên, như những người lần đầu tiên đi vào cộng đồng Kitô giáo tiên khởi: “Hẳn thật có Thiên Chúa ở giữa anh em”
(1Cr 14,25).
Không
may, trong suốt dòng lịch sử, người ta đã đánh mất ý nghĩa nguyên thủy của từ
giáo xứ, đến độ từ đó chúng ta có thể rảo qua những trang Kinh Thánh mà thậm
chí không thể tìm lại được ý nghĩa đó. Từ giáo xứ chỉ còn có nghĩa là một khu vực,
một đơn vị quản trị của Giáo hội địa phương, không nhắc nhớ chút nào ý tưởng xuất
hành và lữ hành về quê trời. “Parroco”
(tiếng Ý chỉ cha xứ) lúc đầu là một tính từ đưa về mọi Kitô hữu, rồi trở thành
một danh từ để chỉ người chịu trách nhiệm coi sóc một giáo xứ. Phải tạo ra một
từ mới phái sinh “người thuộc giáo xứ” (paroissien), nhưng ngay cả từ này cũng
không quy chiếu tới ý tưởng người lữ hành hay khách lạ.
Vào
một thời gần chúng ta hơn, việc tái khám phá vai trò và sự dấn thân của người
Kitô hữu trong thế giới đã góp phần làm giảm bớt ý nghĩa cánh chung của đời sống
Kitô giáo. Cả chúng ta nữa, giống như các cô trinh nữ khờ dại, chúng ta nghĩ rằng
đêm là để ngủ; đúng như điều dụ ngôn nói: “Vì
chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi rồi ngủ cả” (Mt 25,5).
Nhưng
chính khi giấc ngủ ngon đang đè nặng thế gian thì có tiếng kêu: Hỡi các cô
trinh nữ khôn ngoan, hãy đổ dầu đầy vào đèn: chú rể đến kìa”. Cũng như ngày xưa
người lính gác lần lượt báo cho nhau biết dấu hiệu đức vua đến, cũng vậy, tiếng
kêu này phải vang lên trong cả Giáo hội, làm run rẩy mọi người. Đấng Phu Quan đến!
Ngài đến. Ngài đã nói và sẽ làm như thế; “việc Ngài đến chắc chắn như ánh bình
minh”. Chúa đã hô lên nơi tâm hồn tôi một tiếng kêu không thể kìm nén. Nó được
hình thành trong tôi và tôi cảm thấy nó lôi kéo tôi như một cơn lốc; thời gian
vừa qua, bất cứ nơi nào tôi rao giảng thì tôi cũng phải kêu lên rất to: “Thưa anh em, nay đã đến giờ anh em phải tỉnh
thức! Ngày tàn của mọi sự đến gần (1Pr 4,7); vị thẩm phán đang đứng ngoài cửa” (Gc 5,9). Tôi đọc thầm những lời
của Thánh vịnh lưu đầy như sau: “Lưỡi xướng
ca sẽ dính với hàm, nếu tôi không hoài niệm, nếu tôi quên Giêrusalem…nếu tôi
không còn lấy Giêrusalem làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn” (Tv 137,5).
Chắc
chắn là chuyện quá dễ khi núp sau lý do: “Nhưng đó là một cách rao giảng khải
huyền, rao giảng về ngày tận thế!” Không, không phải là một rao giảng khải huyền;
nhưng là rao giảng cánh chung hoặc thuần túy Kitô giáo. Khác nhau là thế này: theo lời rao giảng khải huyền, điều quan
trọng là “khi nào” thì Đức Kitô đến, cái đáng kể là ngày giờ, do đó mà theo định
kỳ có những tiên tri giả loan báo ngày tận thế sắp xẩy ra. Ngược lại, chính Đức
Giêsu cắt tận gốc những tư biện kiểu đó khi quả quyết rằng không một ai được biết
thời giờ và kỳ hạn, “ngày và giờ không ai
biết được, chỉ mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24,36; x. Cv 1,7).
Còn
theo lời rao giảng cánh chung, quan
trọng là sự kiện Đức Kitô sẽ đến, sẽ có ngày tận thế, “hình bóng thế gian này
qua đi”. Nhưng có phải vì vậy mà sự việc bớt nghiêm túc và kém cấp bách chăng?
Thật ngu ngốc khi tìm thấy niềm an ủi trong sự kiện đơn giản là không một ai biết
ngày tận thế sẽ xẩy ra khi nào. Như thể đối với tôi, ngày tận thế không thể xẩy
ra ngày mai, thậm chí đêm nay! Đối với tôi, sẽ là ngày quang lâm của Chúa,
không hơn không kém. Trong sách Khải huyền, Đức Giêsu nói: “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (Kh 22,20), và Đức Giêsu biết
Ngài nói gì.
Thánh
Cyprianô, Giám mục tử đạo, nói với các Kitô hữu ở Carthagô: “Anh em rất thân mến,
Nước Thiên Chúa ở ngay bên cửa nhà chúng ta; phần thưởng của cuộc sống, niềm
vui được cứu độ mãi mãi, hạnh phúc vĩnh cửu và thiên đàng cuối cùng chiếm được,
mà trong một thời kỳ chúng ta đã đánh mất, thì này đây, khi thế gian này qua
đi, chúng sẵn sàng đến; những sự trên trời nối tiếp những sự dưới đất, những sự
cao cả nối tiếp những sự nhỏ bé, điều vĩnh cứu thay thế cho điều mau qua” (De mort. 2). Ai dám quả quyết là ngày đó
thánh Cyprianô đã lầm và làm cho dân chúng phải lầm, vì biết bao nhiêu thế kỷ
qua đi từ đó và không gì có vẻ đã xẩy ra? Điều ngài nói, tất cả những ai nghe
ngài đều có thể kiểm chứng từng điểm một, và phúc thay những ai đã thực sự nghe
ngài!
Về
vấn đề này, để hiểu ngôn ngữ của Kinh Thánh và của các Giáo Phụ, điều quan trọng
là để ý đến một sự kiện. Khi nói về ngày tận thế, ngày nay chúng ta nghĩ về
ngày đó theo những lược đồ hiện đại, trong tuyệt đối, theo đó sẽ không thể có
điều gì khác ngoài sự vĩnh cửu. Nhưng những lý luận của Kinh Thánh cụ thể hơn
và những phạm trù của nó tương đối hơn. Vậy khi Kinh Thánh nói về ngày tận thế,
thường ra là về thế giới đang thực sự hiện hữu, thế giới mà một số người biết:
thế giới “của họ”. Tóm lại, là về sự kết thúc của “một” thế giới hơn là “của”
thế giới. Khi ấy điều không hoàn toàn đúng là mọi lời tiên báo về tận thế bị những
sự kiện chối bỏ. Đức Giêsu đã nói: Thế hệ
này sẽ không qua đi…và những sự kiện cho thấy Ngài có lý: thế hệ này đã thấy
kết cục bi đát của “thế giới do thái” và Giêrusalem bị tàn phá. Thế giới Rôma
cũng kết thúc khi dân man di đến. Khi Rôma bị bao vây năm 410, các Giáo Phụ
nghĩ đã đến ngày tận thế; về căn bản, các ngài đã không lầm: một thế giới đã thực
sự kết thúc, để bắt đầu một thế giới khác. Cuộc Cách mạng Pháp cũng ghi dấu
ngày tàn của một thế giới, tương tự như vậy, trong nhiều nước ở Đông Âu, chủ
nghĩa cộng sản lên ngôi đã kết thúc cho một thế giới. Ai nói với chúng ta rằng,
hôm nay nữa giữa chúng ta, một thế giới nào đó mà chúng ta đã xây dựng, được
thúc đẩy bởi sự tiến bộ và âm thầm chống lại Thiên Chúa, sẽ không sẵn sàng kết
thúc trong cơn co giật của cơn hấp hối thường đi kèm với những khoảnh khắc vượt
qua này trong lịch sử? Lời Đức Giêsu vẫn còn nguyên sức mạnh của nó: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh
em không ngờ, Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).
Chờ đợi và dấn thân
Chính
nơi đây mà niềm hy vọng Kitô giáo phát xuất: “Chúa sắp đến rồi, sẽ hết lao nhọc”;
thánh Phaolô còn đi tới chỗ gọi hy vọng đó là
“hy vọng hồng phúc”; ngài nói rằng chúng ta “trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngay Đức Kitô Giêsu là
Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt
2,13). Đó là chân lý vĩ đại độc nhất làm lay động lòng người và mọi người chuyển
mình hướng về đó; đó là tin mừng duy nhất thực sự quan trọng mà đức tin có nhiệm
vụ phải mang lại cho thế giới: Chúa đến!
Chúng
ta thử tưởng tượng đời sống, thế giới, chính đức tin, nếu không có được sự chắc
chắn đó, thì tất cả sẽ lu mờ và phi lý. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô
chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người
(x. 1Cr 15,19). Đối với người xưa, mọi sự được biết đến nhờ cứu cánh của nó (finis vừa có nghĩa là “chấm dứt” vùa có
nghĩa là “mục đích”); chính vì vậy, ai không biết mình đi tới mục đích nào,
không biết điều gì lôi cuốn mình, người đó thực sự không biết thế giới này; người
đó biến lịch sử thành tầm thường, và người không biết rằng lịch sử hướng về
Chúa đến thì không hiểu gì cả.
Sức
mạnh của việc rao giảng Kitô giáo là loan báo Chúa trở lại. Như vậy tại sao lại
yên lặng, tại sao đặt dưới đáy thùng ngọn lửa có thể thiêu cháy thế giới? Lệnh
truyền của Thiên Chúa được ghi trong sách tiên tri Isaia: “Hỡi kẻ loan Tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao…Hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Đừng sợ. Hãy bảo các thanh
niên Giuđa rằng: Kìa Thiên Chúa các ngươi, kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng,
tay nắm trọn chủ quyền” (Is 40,9 tt), phải chăng lệnh truyền đó lại không nói cho toàn thể Giáo hội sao?
Không
loan báo ngày tận thế nữa, vì sợ làm cho dân chúng phải lo lắng, thì, ở một quy
mô lớn hơn, giống như thể cho thấy lại sự ngốc nghếch của các bậc cha mẹ không
cảnh báo cho con dâu hay con rể biết nó sắp chết, vì sợ làm cho nó hoảng sợ; điều
này chắc chắn sẽ không ngăn cản người con đó chết, nhưng không giúp cho nó chết
trong những điều kiện tốt. Augustinô đã kêu lên: “Tình yêu của chúng ta đối với
Đức Kitô thuộc loại nào, nếu chúng ta nghi ngờ Ngài đến. Thưa anh em, phải
chăng đó không phải là lý do làm ta xấu hổ sao? Chúng ta yêu mến Ngài, mà lại sợ
Ngài đến sao? Thế nhưng chúng ta có thật sự yêu mến Ngài không? Hay phải chăng chúng
ta lại không yêu mến tội lỗi chúng ta hơn yêu mến Đức Kitô? (Enarr. in Ps. 95,14).
Bổn
phận cấp bách là khôi phục cho các tín hữu sự thân tình, hoài niệm, ý thức về
quê hương thiên quốc và về thiên đàng, tại sao không? Hơi hướng về những điều
trên dần dần mất đi, sao vậy? Là vì có những thầy dạy thiếu thận trọng, bị các
ý thức hệ vô thần đe dọa, không muốn nói về một “thế giới bên kia” luôn luôn và
trong bất cứ trường hợp nào bị coi như một thứ vong thân.
Nếu
việc mong chờ Chúa trở lại là thuần túy Kinh thánh, nó không làm chuyển hướng sự
dấn thân cho các anh em, nhưng đúng hơn, thanh tẩy sự dấn thân ấy; nó dạy chúng
ta biết “khôn ngoan cân nhắc những thực tại trần gian, luôn thiết tha với những
thực tại bền vững trên trời” (lời nguyện hiệp lễ thứ ba sau CN I Mùa Vọng). Sau
khi đã nhắc lại cho các người Kitô hữu là “thời giờ đang co rút”, thánh Phaolô
rút ra kết luận này: vậy trong khi còn thời giờ, chúng ta hãy làm việc cho lợi
ích của mọi người, đặc biệt cho các anh em trong đức tin. Chính Đức Giêsu cũng
đã dậy chúng ta: trong khi chờ đợi Ngài trở lại, chúng ta phải rửa chân cho
nhau. Nếu Thánh Thể có mầu sắc cánh chung, thì quả thật cánh chung của chúng ta
là Thánh Thể, nghĩa là để phục vụ và hiến ban mạng sống mình cho tới chết.
Sống
trong sự chờ đợi ngày Chúa trở lại không có nghĩa là ước mong cái chết đến sớm:
một điều không có liên hệ gì với ý thức cánh chung; người này có thể ước muốn
mau ra khỏi thân xác mình để ở với Đức Kitô; người kia lại muốn được sống lâu;
người khác nữa cuối cùng sẽ cùng với thánh Tông Đồ nói: “Nếu sống ở đời này mà công
việc của tôi sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào” (Pl
1,22), quyết định như vậy là tốt nhất. Về
điều đó, mỗi người có ơn ban phù hợp với mình. “Tìm kiếm những sự trên trời” đúng
hơn có nghĩa là hướng tất cả cuộc sống riêng của mình tới chỗ gặp gỡ Chúa, làm
cho biến cố này trở thành điểm thu hút và là đèn pha soi chiếu cuộc đời của
mình. Cũng ở đây, yếu tố “khi nào” là thứ yếu, và bình tâm phó mặc cho ý muốn của
Thiên Chúa.
“Ta cùng trẩy lên đền
thánh Chúa”
Vậy
chờ đợi Đức Kitô đến không phải là một tình trạng tâm trí tiêu cực – chán ghét
thế gian và sự sống hẳn có thể bị đánh giá là tiêu cực – nhưng chờ đợi Đức Kitô đến có một khía cách tích cực:
ước mong sự sống đích thực Đức Giêsu sẽ mang đến cho ta khi Ngài trở lại. Phụng
vụ của Giáo hội luôn gọi ngày các thánh gặp gỡ Chúa là ngày “đản sinh” (dies natalis). Đức Giêsu nói về một sự
“sinh ra” (x. Ga 16,21), và thực sự, đây sẽ là ra khỏi chỗ sâu thẳm tăm tối của
thế gian này và xúc động mà phóng tới ánh sáng chân lý toàn diện.
Khi
ấy, không còn là một sứ điệp buồn phiền, càng không phải là sứ điệp sợ hãi,
nhưng là một sứ điệp vui mừng và hy vọng. Trong bộ Thánh vịnh do thái, có những
thánh vịnh được gom lại dưới tiêu đề “các Thánh vịnh lên đền” hay “các thánh ca
Sion”; đó là những Thánh vịnh mà các người hành hương Israel hát lên khi họ
hành hương lên đền thánh Giêrusalem. Thánh vịnh 122 bắt đầu như sau: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: ta cùng
trẩy lên đền thánh Chúa.” Từ đây, những Thánh vịnh lên đền này là những
Thánh vịnh của các người sống trong Giáo hội đang trên đường về Giêrusalem
thiên quốc. Bình giải những chữ đầu tiên của Thánh vịnh này, thánh Augustinô
nói cho các thính giả như sau: “Thưa anh em, anh em hãy nghĩ đến điều gì xẩy ra
khi người ta loan báo cho dân chúng ngày lễ các thánh tử đạo, hoặc khi ấn định
một nơi thánh để tụ họp lại trong ngày đó và cử hành lễ kính: đám đông thật náo
nhiệt, nơi người ta vừa cổ vũ nhau vừa nói: Nào chúng ta cùng đi! Nếu có ai hỏi:
Đi đâu? Thì được nghe đáp: Tới đó, tới nơi thánh này, trong thánh điện này! Họ
nói với nhau như vậy, và vì họ làm cho nhau nóng lên, nếu có thể nói được như
thế, họ tạo thành một ngọn lửa độc nhất, ngọn lửa phát sinh từ người, bằng lời
nói của mình, truyền cho người khác ngọn lửa để đốt cháy người này, khiến tất cả
hội tụ về phía nơi thánh ấy. Vậy nếu một tình yêu thuần khiết có thể đưa các tín
hữu vào một đền thánh vật chất, thì tình yêu làm mê đắm trên thiên đàng trái
tim của một người, sống trong hòa thuận, có thể trao đổi với anh em mình những
lời nói: Chúng ta cùng đi về nhà Chúa,
tình yêu ấy còn cao cả hơn dường nào! Nào, chúng ta chạy mau, chạy vì chúng ta
đi về nhà Chúa; chạy, vì cuộc chạy ấy không làm chúng ta mệt nhọc, vì chúng ta
sẽ tới đích nơi không còn mệt nhọc. Chúng ta hãy chạy đến nhà Chúa và chớ gì
linh hồn chúng ta hòa vào niềm vui của những người đã nói lại cho chúng ta những
lời đó. Họ đã thấy quê trời trước chúng ta, và từ xa kêu gọi chúng ta đang tiếp
bước họ: Chúng ta cùng đi về nhà Chúa.
Hãy tiến bước, hãy chạy mau. Các tông đồ đã thấy và đã nói với chúng ta: Chạy
mau đi, hối hả lên, đi theo chúng tôi! Chúng
ta cùng đi về nhà Chúa!” (Enarr. in
Ps. 121/122, 2).
Cuộc
chạy này không đòi sự tham dự của đôi chân chúng ta, nhưng đòi những chuyển động
của tâm hồn, là những ước muốn thánh thiện, những công việc của ánh sáng. Đức
Giêsu, người dẫn đầu cuộc hành hương vĩ đại của nhân loại tiến về Thiên Chúa,
đưa chúng ta tới đền thánh trên trời; Ngài đã “mở cho chúng ta một con đường mới và sống động, qua bức màn là chính
thân xác của Ngài” (Dt 10,20). Chúng ta chạy trên những vết chân đã ghi dấu
sẵn; chúng ta chạy “theo mùi hương thơm của Ngài” là Chúa Thánh Thần.
Trong
mọi Thánh Thể, “Thần Khí và Tân Nương
nói (với Đức Giêsu): Xin Ngài ngự đến!” (Kh 22,17). Đến lượt
chúng ta, được nghe những lời ấy, chúng ta cũng hãy thưa với Đức Giêsu: Xin
Ngài ngự đến!
(Raniero
Cantalamessa, L’Eucharistie, notre
sanctification, Centurion, 1089, chap. VII, pp. 146-162)
Lm Micae Trần Đình Quàng