X
“ĐỨNG GẦN THẬP GIÁ ĐỨC GIÊSU
CÓ THÂN MẪU NGƯỜI LÀ ĐỨC MARIA”
“Đứng gần thập giá Đức
Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Clopát, cùng với bà
Maria Magđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức
Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’. Rồi Người nói với
môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’. Kể tư giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Ga 19,25-27)
Đó
là những lời chúng ta vừa nghe ít phút trước đây, trong bài Thương khó. Người
thuật lại cho chúng ta chính là Gioan, người đã nghe và cùng với Đức Maria đứng
dưới chân thập giá. Hiếm có thông tin nào đến từ một nguồn trực tiếp và bảo đảm
như vậy. Chúng ta muốn nối dài một chút suy niệm của chúng ta dựa vào những lời
trên đây, trong buồi chiều thứ Sáu Thánh này.
Nếu
Đức Maria “đứng gần thập giá Đức Giêsu” trên đồi Canvê, thì điều đó có nghĩa là
Người đã ở Giêrusalem trong những ngày này, và nếu Người ở Giêrusalem thì có
nghĩa là Người đã thấy hết. Người đã chứng kiến tất cả cuộc Khổ nạn của Con
mình, từ tiếng kêu: Barabba! Và tiếng nói Ecce
Homo (Đây là Người)! Người đã thấy Con mình bị điệu ra trước dân chúng, bị
đánh đòn, bị đội mão gai, bị khạc nhổ; Người đã thấy thân thể trần trụi của Con
bị thập giá đè nặng, run rẩy trước cái chết. Người đã thấy quân lính chia nhau
áo xống của Con, bắt thăm chiếc áo dài mà có lẽ chính tay Người đã dệt với bao
tình yêu mến. Chính Người cũng đã uống chén đắng, và đã uống cạn. Và những lời
sau đây, do thiếu nữ Sion thốt lên trong cơn đau buồn của mình, phù hợp với Người
biết bao: “Này tấy cả những ai qua lại,
hãy nhìn kỹ mà xem: có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ Đức Chúa giáng trên
tôi.” (Ac 1,12)
Đức
Maria không phải là người duy nhất đứng dưới chân thập giá, Bên cạnh Người,
ngoài Gioan, còn có những phụ nữ khác: một trong những chị em của Người, cộng
thêm với Maria, vợ ông Clêopat và Maria Magđala. Người ta hẳn nghĩ rằng, trong
ngữ cảnh này, Đức Maria cũng chỉ là một phụ nữ trong số các phụ nữ khác. Nhưng
Người đứng đó với cách là mẹ, và điều này thay đổi hoàn toàn, đặt Người vào một
vị trí độc nhất trên thế giới, khác với vị trí của những người cũng hiện diện ở
đó. Đôi lần tôi đã tham dự nghi lễ an táng một người trẻ. Tôi nghĩ riêng đến lễ
an táng của một trẻ em. Đi sau quan tài là nhiều phụ nữ. Tất cả đều mặc đồ đen
và khóc lóc. Tất cả tỏ ra đau khổ như nhau. Nhưng trong số họ có một phụ nữ mà
mọi người tham dự đều nghĩ tới, khóc thương, nhìn trộm: đó là mẹ của đứa trẻ.
Cái nhìn của chị như sững sờ, hướng vào quan tài, và người ta có thể thấy môi
miệng chị không ngừng lặp lại tên đứa con trai. Đến kinh Sanctus, mọi người đọc theo linh mục: “Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là
Thiên Chúa các đạo binh…”, chị cũng lặp lại cách máy móc: “Thánh! Thánh!
Thánh!...” Lúc ấy, tôi đã nghĩ đến Đức Maria đứng dưới chân thập giá.
Thế
nhưng một đòi hỏi khó khăn hơn nhiều nơi Đức Maria: tha thứ cho những kẻ giết
Con mình. Khi nghe Con nói: “Lạy Cha, xin
tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), Đức Maria hiểu ngay
điều Chúa Cha chờ đợi nơi Nguòi: tự trong lòng, Người cũng nói những lời ấy: “Lạy
Cha, xin tha cho họ”. Người đã nói và đã tha thứ.
***
Công
đồng Vaticanô II nói về Đức Maria dưới chân thập giá bằng những lời như sau:
“Như thế Đức Trinh Nữ
cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho
đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Người đã đứng ở đó, đau đớn chịu
khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của con với tấm lòng của một
người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra[1].”
Khi
ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra, Người như thể hiến tế chính mình
vậy.
Đức
Maria “đứng” dưới chân thập giá, đầu của Người ngang tầm với đầu của con, vì
con bị treo. Bốn con mắt nhìn nhau. Khi nói: “Hỡi Bà, đây là con của Bà”, Đức Giêsu nhìn thẳng vào người mà Ngài
không cần gọi tên để biết đích xác là ai trong số các phụ nữ khác. Ai sẽ có thể
đi sâu vào mầu nhiệm của cái nhìn này giữa mẹ và Con trong một thời khắc như thế?
Một niềm vui trong lúc cực kỳ đau khổ truyền cho nhau giữa hai người, như nước
trong bình thông nhau, và niềm vui này phát xuất từ việc từ đây các ngài không
còn chống lại nỗi đau buồn, không có bất kỳ sự bảo vệ nào khi đối mặt với đau
khổ, và để mặc cho đau khổ tràn ngập nơi mình. Tiếp theo sự tranh đấu là sự
bình an. Cả hai chỉ còn là một với sự đau khổ và tội lỗi của toàn thế giới. Đức
Giêsu, trước tiên nơi con người của Ngài, như “của lễ đền bù tội lỗi nhân loại” (1Ga 2,2), và Đức Maria, cách
gián tiếp, do sự kết hợp thể xác và tinh thần với Con mình.
Việc
làm cuối cùng của Đức Giêsu, trước khi chìm sâu trong cơn hấp hối và cái chết,
là yêu tha thiết ý Cha. Đức Maria theo Ngài trên con đường này: Người cũng yêu
tha thiết ý Chúa Cha, trước khi nỗi cô đơn kinh khủng ùa vào tâm hồn Người, trước
khi bóng tối bao phủ nơi Người, như nó đã “bao
phủ cả mặt đất” (Mt 27,45). Và nỗi cô đơn và yêu say mê này còn gắn chặt
vào tâm điểm cuộc sống của Người cho tới chết, cho tới ngày sống lại.
Một
Thánh vịnh được phụng vụ áp dụng cho Đức Maria nói như sau: “Tại đó kẻ này người nọ sinh ra. Nhưng nói về
Sion, thiên hạ bảo: người người sinh tại đó […] Chúa ghi vào sổ bộ các dân: Kẻ
này người nọ, đều sinh ra tại đó” (Tv 86/87,4-6). Đúng
vậy! Tất cả chúng ta đều sinh ra tại đó; người ta sẽ nói cho Đức Maria, Sion
mới: kẻ này người nọ sinh ra nơi Người. Trong sổ bộ của Ngài, Thiên Chúa ghi
tôi, ghi bạn, ghi mỗi người, thậm chí kẻ chưa được biết Người: “người này sinh ra tại đó!”
Thế chúng ta đã không được “tái sinh nhờ lời Thiên Chúa hằng sống và
mãi mãi” (1Pr 1,23) sao? Chúng ta không được “sinh bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13), “được sinh ra bởi nước và Thần
Khí” (Ga 3,5) sao? Không gì đúng hơn, nhưng không vì thế mà, theo một nghĩa
khác, chúng ta được sinh ra nhờ lòng tin và sự đau khổ của Đức Maria. Nếu
Phaolô, một tôi tớ của Đức Kitô, đã có thể nói cho các tín hữu của mình là: “Trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính
tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4,15), thì càng có lý để có thể nói Đức Maria
là mẹ của chúng ta. Nào ai ngoài Mẹ có thể coi những lời của Phaolô là của
mình: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ
của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa” (Gl 4,19)? Người đã sinh
chúng ta một lần nữa lúc này, vì Người đã sinh chúng ta lần đầu lúc Con Thiên
Chúa nhập thể, khi Người đã sinh ra, theo nghĩa riêng của từ, “Lời Thiên Chúa
hằng sống và vĩnh cửu” là Đức Kitô, và trong Lời đó chúng ta được tái sinh.
***
Một
chuyện so sánh sẽ giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của việc Đức Maria hiện diện dưới
chân thập giá: đó là so với hình bóng Abraham. Chuyện so sánh này được chính
thiên thần Gabriel gợi ý, khi mà trong ngày Truyền tin, thiên thần nói với Đức
Maria chính những lời người đã nói với Abraham: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (St 18,14;
Lc 1,37). Tuy nhiên chuyện so sánh tiên vàn là từ những sự kiện. Thiên Chúa đã
hứa ban cho Abraham một người con trai, lúc ông đã quá tuổi làm cha, và bạn ông
thì son sẻ. Và Abraham đã tin. Thiên Chúa cũng báo cho Đức Maria là Người sẽ có
một con trai, cho dù Người không có quan hệ nào với một người nam. Và Đức Maria
đã tin.
Nhưng
rồi Thiên Chúa đã lại xen vào cuộc đời Abraham, và lần này là để yêu cầu ông
sát tế người con này mà chính Người đã ban cho ông và đã nói về người con đó: “Chính nhờ Isaac mà ngươi sẽ có một dòng dõi
mang tên ngươi” (St 21,12). Cũng lần này, Abraham đã tin và vâng phục. Cũng
vậy, Thiên Chúa đã xen lần thứ hai vào cuộc đời Đức Maria, yêu cầu Người thuận
tình và ngay cả chứng kiến hiến tế của Con mình, Đấng đã được báo trước là sẽ
nên cao trọng và triều đại Ngài sẽ vô cùng vô tận (x. Lc 1,32-33). Và Đức Maria
đã vâng phục. Abraham đã đi với Isaac lên núi Moria; Đức Maria đã đi theo Đức
Giêsu lên đồi Canvê. Nhưng Thiên Chúa đòi hỏi nơi Đức Maria hơn là nơi Abraham.
Với Abraham, Thiên Chúa can thiệp vào phút chót khiến cho con ông được sống. Đức
Maria thì không được như vậy. Người đã phải vượt qua giới hạn cuối cùng, mãi
mãi, là sự chết. Người tìm lại được con, nhưng chỉ sau khi người ta tháo đinh
đưa con xuống.
Vì
bước đi trong đức tin, không phải trong thị kiến, Đức Maria đã hy vọng tiến
trình lịch sử rồi ra sẽ đảo ngược một lúc nào đó, để người ta công nhận Con
mình vô tội. Người đã hy vọng trước mặt Philatô, nhưng không được gì. Thiên
Chúa đã đi bước trước. Người đã hy vọng cho tới chân thập giá, cho tới lúc đóng
đinh Đúc Giêsu. Điều đó cũng không thể xẩy ra. Người đã chẳng được bảo đảm là
Con mình sẽ ngự trên ngai vàng vua Đavit và sẽ đời đời cai trị nhà Giacob sao
(x. Lc 1,32-33)? Ngai vàng vua Đavít mà lại là thập giá ư? Phải, Đức Maria “đã trông cậy mặc dầu không còn gì để trông
cậy” (Rm 4,18). Người đã trông cậy nơi Thiên Chúa, ngay cả khi Người không
còn thấy lý do cuối cùng để trông cậy.
Từ
việc so sánh này giờ đây chúng ta có thể rút ra kết luận. Nếu với tất cả những
những gì Abraham đã làm, ông đáng được gọi là “tổ phụ chúng ta hết thảy” (Rm 4,16) và cha chúng ta trong đức tin[2],
vì lẽ gì chúng ta ngần ngại gọi Đức Maria là “Mẹ Giáo hội”. Thiên Chúa đã nói với
Abraham: “Ta sẽ đặt ngươi làm cha của vô
số dân tộc […] bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của người, nên Ta
sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông” (St
17,5; 22,16-17). Cũng vậy, nhưng với giọng điệu mạnh mẽ hơn, Thiên Chúa nói với
Đức Maria: “Bởi vì bà đã làm điều đó, đã không từ chối Con mình, người Con duy
nhất của mình, Ta sẽ thi ân giáng phúc cho bà, sẽ đặt bà làm mẹ của vô số dân tộc”.
Nếu
mọi tín hữu của tất cả các hệ phái Kitô giáo đều cùng xác tín rằng Abraham đã
không chỉ được đặt làm “gương mẫu và bảo trợ”, mà còn làm nguyên nhân của phúc
lành” (như Calvinô nói khi bình luận câu St 12,3), và trong kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa, ông được dành cho vai trò là người trung gian của phúc lành cho
muôn thế hệ[3]”,
tại sao mọi Kitô hữu lại không vui mừng xác tín rằng Đức Maria càng phải được
Thiên Chúa đặt làm nguyên nhân và trung gian của mọi phúc lành cho muôn thế
hệ? Không chỉ là gương mẫu – tôi nhấn mạnh – nhưng còn là nguyên nhân cứu độ
cho tất cả nhân loại”, như thánh Irênê đã nói rõ[4]?
Tại sao không chia sẻ xác tín rằng lời Đức Kitô nói lúc hấp hối “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,27) không chỉ
nói cho Gioan mà còn cho tất cả các môn đệ? Theo Công đồng, duới chân thập giá,
Đức Maria trở thành “Mẹ thật chúng ta trên bình diện ân sủng[5]”.
Vì
vậy, cũng như Israel khi gặp thử thách thì hướng về Thiên Chúa mà kêu lên: “Xin Ngài nhớ đến Abraham tổ phụ chúng tôi”
(x. Xh 32,13; Đnl 9,27; Tb 4,12), giờ đây chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa
mà kêu lên: “Xin Chúa nhớ đến Đức Maria, Mẹ chúng con!”, và như người Do Thái
kêu lên: “Vì tình nghĩa với bạn thân Ngài
là Abraham, xin Ngài đừng rút lại lòng thương xót đã dành cho chúng tôi”
(Đn 3,35), chúng ta có thể thưa lên với Chúa: “Vì tình nghĩa với bạn thân của
Chúa là Đức Maria, xin Chúa đừng rút lại lòng thương xót đã dành cho chúng
con!”
***
Có
khi trong cuộc đời chúng ta cần đến một niềm tin cậy như Đức Maria. Đó là khi
Thiên Chúa dường như không nghe tiếng ta cầu nguyện, khi có người hẳn sẽ nói
Ngài nuốt lời và không giữ lời hứa, khi Ngài dẫn ta đi hết thất bại này đến thất
bại khác, khi Ngài để ta vùng vẫy trong thất bại, và quyền lực bóng tối dường
như chiến thắng trên mọi mặt trận; khi dường như Ngài “đã quên thương xót, vì giận hờn mà khép kín từ tâm” (Tv 77,10).
Khi giờ đó xẩy đến cho bạn, bạn hãy nhớ tới lòng tin của Đức Mẹ mà thưa lên với
Chúa: “Lậy Chúa, con không hiểu Chúa nữa, nhưng con tin tưởng nơi Chúa!”
Có
lẽ Thiên Chúa tìm kiếm một người nào đó, như Abraham hiến tế con mình là Isaac,
dâng hiến cho Ngài, hữu thể, hoặc sự việc, hoặc dự án, hoặc cơ sở, hoặc chức vị
quý giá đối với họ, mà ngày nào đó Thiên Chúa đã trao phó cho họ và họ đã hoạt
động cả đời cho những cái đó…Chính đó là cơ hội Thiên Chúa dành cho bạn để bạn
tỏ cho Ngài thấy Ngài quý báu hơn mọi sự, hơn những ân huệ của Ngài, hơn công
việc mà bạn làm cho Ngài. Thiên Chúa đã thử thách Đức Maria trên đồi Canvê “để
thấy Người có gì trong lòng”, và trong lòng Đức Maria, tiếng “xin vâng”, “này
con đây” của ngày Truyền tin vẫn nguyên vẹn, thậm chí còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chớ gì những lúc đó Ngài có thể cũng thấy tâm hồn chúng ta sẵn sàng thưa với
Ngài lời “xin vâng” và “này con đây!’
Như
tôi đã nói, trên đồi Canvê, Đức Maria kết hợp với Con mình yêu tha thiết thánh
ý Chúa Cha. Trong việc đó, Người đã thực hiện đến mức hoàn hảo ơn gọi vủa Người
là hình bóng của Giáo Hội. Giờ đây, Người ở đó và chờ đợi chúng ta. Người ta
nói Đức Kitô còn “hấp hối cho đến tận thế, và đừng để Ngài cô độc suốt thời
gian đó[6]”.
Và nếu Đức Kitô hấp hối trên thập giá cho tới tận thế, theo cách thức mà chúng
ta không hiểu nổi nhưng có thực, thì Đức Maria có thể ở đâu trong suốt thời gan
đó, nếu không phải ở với Ngài “dưới chân
thập giá”? Ở đó, Người mời gọi những
tâm hồn quảng đại và hẹn gặp họ để họ liên kết với Người yêu tha thiết thánh ý
Chúa Cha. Yêu tha thiết mà không hiểu được thánh ý đó. Không được để Đức Maria
chơ vơ một mình trong suốt thời gian đó. Người biết không có gì quan trọng hơn,
đẹp đẽ hơn, xứng với Thiên Chúa hơn mà chúng ta có thể làm trong cuộc đời, ít
nhất một lần trước khi chết.
Sách
Thánh viết là khi bà Giuđitha trở lại với dân sau khi đã liều mình cho dân, cư
dân trong thành đổ xô đến gặp bà, vị thượng tế đã chúc lành cho bà và nói: “Này trang nữ kiệt, Thiên Chúa tối cao ban
phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này […] Vì cho đến muôn đời muôn thuở
những ai hằng nhớ đến sức mạnh của Thiên Chúa sẽ không lãng quên lòng trông cậy
bà đặt nơi Người.” Gđt 13,18-19) Ngày hôm nay, đây cũng chính là những lời
chúng ta thưa với Đức Maria: “Mẹ được
chúc phúc giữa các người phụ nữ!” Lòng can đảm của Mẹ sẽ không bao giờ bị
lãng quên trong tâm hồn và kỷ niệm của Giáo Hội!
(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB,
2018, pp. 105-113)
Lm
Micae Trần Đình Quảng
[1]
Lumen Gentium, số 38.
[2]
Lễ Quy Rôma
[3]
G. von Rad
[4]
Irênê, Contre les Hérésies,
III, 22, 4.
[5]
Lumen Gentium, số 61
[6]
B. Pascal, Pensées, 553.