XIII

 

“ĐẾN NHƯ CHÍNH CON MỘT,

THIÊN CHÚA CŨNG CHẲNG TIẾC”

 

Lời Chúa là một quà tặng ban cho chúng ta chiều nay: một quà tặng quá lớn đến nỗi tôi đã phải buồn bã khi nghĩ mình có thể làm nó hư hại, hoặc thậm chí sẽ không thể tránh làm cho nó hư hại. Vì vậy, tôi muốn dự phòng cho tôi khi trao lại tức khắc và toàn bộ món quà này. Tôi muốn xướng tên nó, đặt nó an toàn trong tâm hồn anh chị em, trước khi tình trạng đầy đủ của nó bị phân tán do tôi cố diễn dịch bằng những từ khác. Chúa Cha, Cha của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô!

Tôi muốn hô lên tiếng đó bắng tấm lòng tinh tuyền và yêu mến, danh xưng “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,14-15). Chỉ mình Đức Giêsu có thể nói về Chúa Cha. Khi Ngài nói về Chúa Cha, mắt của các Tông Đồ mở to ra, họ như rất nhớ về Người và Philipphê đã nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện!” (Ga 14,8)

Nhưng sao lại nói về Chúa Cha trong ngày hôm nay là ngày Đức Kitô chịu chết? Thánh Phaolô viết: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,8) Ngài còn viết: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). Một lời quả quyết gây ngạc nhiên. Theo như con người nghĩ, việc Đức Giêsu chết trên thập giá không cho thấy tình yêu của Chúa Cha, nhưng đúng hơn là sự ác độc của Người, hoặc ít nhất sự công bình khắt khe của Người. Thực tế sự hiểu biết về Chúa Cha như còn bị che giấu, ngay cả nơi những tín hữu, bởi vô vàn những thiên kiến của con người. Đức Giêsu hẳn còn có lý do để lặp lại ngày hôm nay: “Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha!” (Ga 17,25)

Khó khăn của việc dung hòa giữa sự tốt lành của Chúa Cha với cái chết của Đức Kitô là do hai loạt sự kiện. Một loạt thuộc lãnh vực thần học và chính chúng ta, những nhà thần học, những nhà giảng thuyết chịu trách nhiệm, nói rõ ra là như vậy. Trong quá khứ, đôi khi chúng ta đưa ra một hình ảnh về mầu nhiệm Cứu Chuộc được quan niệm ít nhiều bằng những từ như sau. Do tội lỗi, con người tích lũy một món nợ vô hạn đối với Thiên Chúa và Ngài đòi chúng ta phải trả. Thế là Đức Kitô Con Thiên Chúa làm người, vào cuộc, giải quyết món nợ to lớn này bằng cách đổ máu mình ra. Rồi một khi “được đền bồi” (một thuật ngữ nguy hiểm!), “được nguôi giận” (một thuật ngữ nguy hiểm khác), Chúa Cha tha thứ. Nhưng rõ ràng là những hình ảnh đậm chất pháp lý lạnh lùng ấy, với thời gian, chỉ có thể làm phát sinh một tình cảm ghê tởm thầm kín đối với Chúa Cha, Đấng ngự trên trời thản nhiên chờ đợi cái giá trả cho mình là máu của Con mình.

Loạt khó khăn thứ hai thuộc lãnh vực văn hóa, điển hình của thời đại chúng ta, Khoa tâm lý học có điều kiện thuận lợi đưa ra ánh sáng tất cả những lệch lạc tác động đến hình ảnh của người cha trong lãnh vực nhân văn: ý niệm xiển dương nam tính, ý niệm độc đoán, ý niệm cha chú, v.v. Người ta khẳng định nơi tâm hồn mọi con trai đều ẩn giấu một ước muốn âm thầm giết cha. Sự hoài nghi liên hệ tới người cha dưới đất cũng tác động đến Cha trên trời. Chính như vậy mà một trào lưu văn hóa hiện đại nghĩ là phải nhiệt tình đứng về phía Đức Giêsu chống lại Chúa Cha, đến độ phát minh ra cái gọi là “thần học về cái chết của Thiên Chúa”. Rốt cuộc, có thể nói nhân loại đã thực hiện được ước muốn thầm kín giết chết Chúa Cha.

***

Lý do chính của mọi nỗi oán hận này là sự đau khổ của con người, sự kiện con người chịu khổ còn Thiên Chúa thì không.. Một số người cho rằng người ta không thể chấp nhận một Thiên Chúa để cho bao nhiêu trẻ em vô tội phải khổ. Và nếu người ta cố cho họ thấy là chính Đức Giêsu cũng đã chịu khổ, họ phản bác: “Chính Ngài là bằng chứng lớn nhất của chúng ta! Chắc chắn Ngài vô tội, tại sao Ngài đã phải chịu khổ?” Như vậy người ta đi tới tột đỉnh lầm lạc là  đặt chính Đức Giêsu chống lại Cha Ngài, như một loại bằng chứng tố cáo trách nhiệm của Chúa Cha.

Chúng ta phải phản ứng như một người con rất thương cha sẽ phản ứng khi thấy cha bị xúc phạm. Chúng ta phải tái khám phá khuôn mặt thực của Chúa Cha, khuôn mặt yên lặng và bị che phủ, và không có lúc nào đẹp hơn ngày Thứ Sáu thánh để làm việc đó. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). Trong Chúa nhật II mùa Chay năm B, phụng vụ của Giáo Hội đọc đoạn này sau đoạn sách Sáng thế chương 22 nói về việc hiến tế Isaac, và có lẽ chính thánh Tông Đồ đã có ý định đặt gần nhau hai đoạn văn trên. Nhưng đoạn văn này nói về ai? Nói về Abraham. Quả thực Thiên Chúa đã nói với Abraham: “Bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của người, con một của ngươi, Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi […] Nơi ngươi mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” (x. St 22,16-18)

Vậy ông già Abraham lầm lũi đi sau con trai mình là Isaac, hướng về núi Moria, là hình bóng và biểu tượng của một người cha khác. Ông là biểu tượng của Thiên Chúa Cha đồng hành với Đức Giêsu lên đồi Canvê. Lúc ra khỏi nhà Tiệc ly, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.” (Ga 16,32)

Ai có thể tả lại được những tình cảm của Abraham khi dẫn con lên đồi nơi con sắp bị sát tế? Origen nói rằng thời khắc nguy kịch nhất cho Abraham là lúc đang đi đường, vì không biết mọi sự đã được chuẩn bị, Isaac thưa với cha: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” (St 22,7). Nó không biết lễ toàn thiêu là chính nó. Theo Origen, những tiếng “cha”, “thưa cha” chắc chắn là những tiếng thử thách cho Abraham. Và ông đã phải mạnh mẽ cầm mình như thế nào để không bị lộ và tháo lui! Cũng vậy khi ở vườn Ghếtsêmani Đức Giêsu kêu lên: “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con” (Mc 14,36), ai có thể nói điều gì đã xẩy ra trong lòng Chúa Cha? Chắc chắn Abraham muốn chết cả ngàn lần thay cho con hơn là giết con.

Vậy Cha trên trời và Con mình là Đức Giêsu luôn ở bên nhau trong cuộc Khổ nạn và trên thập giá. Không chỉ bị đóng đinh vào cánh tay gỗ thập giá, Đức Giêsu còn bị đóng đinh vào cánh tay của Chúa Cha, tức là vào ý muốn của Người. Và cũng như trong vĩnh cửu, từ sự ôm hôn khôn tả và hồng phúc của Chúa Cha và Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần, là quà tặng của tình yêu hỗ tương giữa hai ngôi, cũng vậy, hiện tại trong thời gian, từ sự ôm hôn đau buồn của Chúa Cha và Chúa Con trên thập giá mà phát xuất Chúa Thánh Thần, là quà tặng của Chúa Cha và Chúa Con cho ta. Gục đầu xuống, Đức Giêsu “trao Thần Khí” (Ga 18,30).

***

Thế nhưng chúng ta tự hỏi: có được phép nói như vậy về Chúa Cha không? Phải chăng Thiên Chúa không phải là không thay đổi, không thể tiếp cận với đau khổ và vĩnh cửu sao? Các Kitô hữu sơ khai dễ dàng nói về những “khổ nạn” và đau khổ nơi Thiên Chúa. Họ bảo: “Nếu Chúa Con chịu khổ, Chúa Cha cũng cùng chịu khổ. Làm sao Chúa Con có thể chịu khổ nếu Chúa Cha không cùng chịu khổ[1]” “Chính Chúa Cha, Thiên Chúa của vũ trụ, giầu lòng bao dung, thương xót và nhân từ, lại không chịu khổ một cách nào sao? Hoặc có lẽ Người không biết rằng khi lo cho những việc của con người, Người phải chịu một cuộc khổ nạn thuộc con người? Người chịu một khổ nạn tình yêu[2].” Thế mà chúng ta biết rằng Origen là một trong những Giáo phụ nhiệt thành nhất trong việc bảo vệ những đặc quyền của Thiên Chúa và sự siêu việt của Ngài.

Cuộc Khổ nạn của Đức Kitô là sự bầy tỏ trong lịch sử và như một loại thần hiện của cuộc Khổ nạn mầu nhiệm trong tâm hồn của Thiên Chúa. Chính cuộc Khổ nạn này đã làm cho Người phải kêu lên trong Cựu Ước qua những kiểu nói mà bài ca “Than trách” chúng ta cần lặp lại trong số những bài ca khác: “Dân Ta hỡi, Ta đã làm gì ngươi? Ta đã làm chi khiến ngươi phải phiền lòng? Hãy trả lời cho Ta!” (Mk 6,3) Đáp lại câu hỏi: “Tại sao Thiên Chúa chịu khổ?”, Người dùng những lời khởi đầu sách tiên tri Isaia trả lời cho chúng ta: “Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng phản nghịch cùng Ta.” (Is 1,2)

Chắc chắn sự đau khổ của Thiên Chúa khác hẳn sự đau khổ của chúng ta, vì sự đau khổ của chúng ta, trong một mức độ nào đó, mãi mãi là sự đau khổ phải chịu, bắt chịu, trong khi sự đau khổ của Thiên Chúa là hoàn toàn tự do, không đặt lại vấn đề về sự không thể biến chất và sự không thể thay đổi của Người. Đó là “cuộc Khổ nạn của Đấng không phải khổ”, như định nghĩa của một Giáo phụ xưa[3].

Thiên Chúa của Kinh Thánh là tình yêu và “trong tình yêu người ta không sống mà lại không phải khổ[4]”.

Tuy vậy, một lạc giáo mau chóng xuất hiện, thực tế làm sai lệch giáo thuyết về sự đồng khổ của Thiên Chúa. Nó phủ nhận mọi phân biệt giữa Cha và Con nơi Thiên Chúa; nói cách khác, phủ nhận Ba Ngôi. Theo những người lạc giáo này, Chúa Cha và Chúa Con là những danh xưng khác nhau của cùng một ngôi. Vì vậy họ được gọi là những người theo Khổ phụ thuyết, nghĩa là những người gán cho Thiên Chúa khả năng chịu khổ. Đó là một quan niệm hoàn toàn khác với chính thuyết, theo đó, Chúa Cha, tuy vẫn là Cha tức một ngôi riêng biệt, tham dự vào sự đau khổ của Chúa Con, vẫn là ngôi Con. Để khỏi là lý do gây ra sai lạc, người ta không muốn nói về sự đau khổ của Thiên Chúa nữa, vì lẽ văn hóa mới mà trong đó Giáo Hội được mời gọi loan báo Phúc Âm, tức văn hóa Hy lạp, không công nhận một Thiên Chúa phải chịu khổ và tiếp xúc với lịch sử.

Nhưng với thời gian, mọi sự đang thay đổi, nhất là theo sau những kinh nghiệm mới mẻ và đáng sợ mà nhân loại đã trái qua về sự đau khổ. Những vị chăm chút nhất trong số các nhà thần học, nhất trí với Kinh Thánh và với các Giáo phụ xa xưa nhất, lại bắt đầu nói về sự đau khổ của Thiên Chúa. Một trong số các ngài viết về vấn đề này như sau: “Thế giới phải biết rằng: mạc khải của Thiên Chúa-Tình Yêu làm đảo lộn tất cả những gì đã hình dung về thiên tính[5].” Trong thông điệp của Đức Gioan Phaolô II về Chúa Thánh Thần[6], người ta đọc thấy theo cùng một ý nghĩa là “trong nhân tính của Đức Giêsu Cứu Thế, sự “đau khổ” của Thiên Chúa được thực hiện”.

***

Nhưng đâu là lý do cuối cùng của đau khổ này? Chúng ta có nên tưởng tượng, như một số triết gia Hy lạp, là có một Tất Yếu, một Định Mệnh mà mọi người mọi vật phải phục tùng, ở trên chúng ta và trên ngay cả Thiên Chúa chăng? Không bao giờ! Thiên Chúa là Thiên Chúa, không có ai cũng không có gì ở trên Ngài. Vậy lý do là từ đâu? Có hai yêu tố cho ta biết điều đó: tình yêu của Thiên Chúa và sự tự do của con người. Cha mẹ trần gian đã chịu đựng những lầm lỗi và vô ơn của con cái (ngày nay điều này xẩy ra quá nhiều!) biết việc con cái khinh dể cha mẹ nói lên điều gì. Thiên Chúa đã dự kiến cho con người một ý định lạ lùng về ân sủng. Nhưng rồi xẩy ra tội lỗi; con người khước từ Thiên Chúa khi nói “Non serviam”, “tôi không làm tôi cho Ngài!” Tất cả rời bỏ nhà cha, như bao nhiêu đứa con hoang. Nhưng thực tế còn đẹp hơn trong dụ ngôn. Quả thực, trong trường hợp hiện nay, Con cả không ở yên trong nhà cha. “Con Một trong cung lòng Chúa Cha” (x. Ga 1,18) đã có khát vọng nồng cháy tìm thấy lại những người con tản mác của mình, và không đợi có lệnh như: “Con hãy đi và chết cho các anh em con”, nhưng hướng về Cha mà nói: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế…Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10.5-7). Ý của Thiên Chúa là muốn cho mọi người được cứu độ (x. 1Tm 2,4).

Sự vâng phục hoàn hảo nhất là sự vâng phục đi trước lệnh truyền và vâng theo ước muốn nhỏ mọn nhất. Sự vâng phục của Đức Kitô là như thế. Thánh Tôma viết: Thiên Chúa đã trao nộp Con mình cho sự chết qua việc “gợi lên ý muốn chịu khổ vì chúng ta bằng việc truyền vào đó tình yêu[7]”. Thánh Bênađô nói: “Thiên Chúa Cha không đòi hỏi máu của Con mình, nhưng Ngài chấp nhận lễ dâng của con – Non requisivit Pater sanguinem Filii, sed accepit oblatum[8]”.

Chính từ đây vọt ra mầu nhiệm mà chúng ta cử hành chiều nay, từ giữa lòng Ba Ngôi; mầu nhiệm phát sinh từ tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta, và từ tình yêu của Chúa Con đối với Cha của Ngài. Lúc sắp ra khỏi nhà Tiệc ly, Đức Giêsu nói: “Để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha, nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây” (x. Ga 14,31). Cho nên chúng ta có lý do mà kêu lên qua lời của bài ca Exsultet: “Ôi Ân tình Cha thật kỳ diệu! Ôi Ân phúc Cha thật khôn lường! Để cứu dân lầm than nô lệ, Cha đã thí Con Một quý yêu.”

Kiểu nói “Thiên Chúa đã không tiếc Con của mình” có nghĩa Ngài không dành riêng cho mình người con ấy, không coi người con ấy như một kho tàng phải bo bo giữ lại. Chúa Cha không chỉ là Đấng nhận lễ hy sinh của Con, nhưng cũng là Đấng hy sinh ban cho chúng ta Con của mình! “Lậy Cha rất nhân từ, Cha đã yêu thương chúng con dường nào, đã không tiếc Con Một của mình, nhưng đã trao nộp cho chúng con là những người tội lỗi! Cha yêu thương chúng con biết bao[9]!” Còn chúng ta, chúng ta lại tránh xa mặt Chúa, vì tưởng Chúa ghét chúng ta!

***

Nói cho một em nhỏ biết rằng cha nó yêu nó, bạn sẽ làm cho nó thành một con người mạnh mẽ, đầy tự tin, vui vẻ và tự do trong đời sống. Và đó chính là điều mà lời này của Chúa  muốn làm cho chúng ta: trả lại cho ta sự tự tin này. Người ta chỉ có thể thắng nỗi cô đơn của con người trên thế giới bằng niềm tin vào  tình yêu của Thiên Chúa là Cha. Một triết gia lớn đã viết: “Tình phụ tử củaThiên Chúa là chuyện duy nhất không thể lay chuyển của cuộc đời, là giao điểm đòn bẩy của nó[10]”.

Hãy quan sát một em nhỏ được cha nó dắt tay đi chơi hoặc cầm cổ tay nó mà xoay vòng, bạn sẽ có hình ảnh của một sự hiên ngang, tự do và niềm vui. Tôi đã đọc ở đâu đó một ngày kia một người nhào lộn đang thực tập: ông cúi xuống khoảng không, từ lầu trên cùng của tòa nhà chọc trời, giữ thăng bằng trên gót chân, tay ông giữ tay con ông. Khi cả hai rơi xuống đất rồi, có người hỏi đứa trẻ xem có sợ không khi từ trên cao rơi vào khoảng không, và đứa trẻ ngạc nhiên về câu hỏi đã trả lời: “Không, em không sợ, cha em đã nắm tay em mà”.

Tôi lặp lại: chính như thế mà lời Chúa muốn cho chúng ta. Sau khi đã nhắc lại là Thiên Chúa đã không tiếc chính Con Một vì ta, thánh Phaolô kêu lên một tiếng kêu vui mừng và chiến thắng: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Ai sẽ kết án chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa? Phải chăng là gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta!” (x. Rm 8,31-37). Như vậy, hết còn sợ hãi, hết còn thất vọng, hết còn nhát gan! Chúa Cha biết những điều ấy và Người yêu chúng ta, Đức Giêsu nói như thế! “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15)

Trước một tình yêu không hiểu nổi như thế, được một xung lực tự phát thúc đẩy, chúng ta hướng về Đức Giêsu mà cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là anh cả của chúng con, xin hãy phán: chúng con có thể làm gì để xứng đáng, hoặc ít nhất nhận ra biết bao nhiêu đau buồn, tình yêu hải hà?” Và từ trên thập giá, Ngài trả lời cho chúng ta bằng hành vi chứ không bằng lời nói. Ngài bảo: “Có một điều các con không thể làm, mà chính Ta cũng đã làm khiến cho Chúa Cha được hạnh phúc: hãy phó thác nơi Người, hãy tin tưởng vào Người, ngược lại mọi sự, ngược lại mọi người, ngược lại chính anh em! Khi các con sống trong tối tăm, khi các khó khăn đe dọa bóp nghẹt các con, khiến các con sắp sửa đầu hàng, hãy trấn tĩnh lại và kêu lên: lạy Cha, con không hiểu được Cha nữa, nhưng con tin tưởng vào Cha! Và các con sẽ tìm lại được bình an.”

***

Trên thế giới hôm nay có một tình trạng đau khổ đặc biệt mà lời loan báo về Chúa Cha có thể làm giảm nhẹ. Khi mô tả sứ mệnh của Gioan, thiên thần báo tin cho Dacaria, cha của vị Tẩy Giả, cho biết sứ mệnh của Gioan sẽ như thế nào, khi thiên thần ám chỉ tới lời tiên tri Malaki: “Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Ml 3,24; Lc 1,17). Chúng ta cần làm mới lại việc hoán cải này. Kẻ có tên là diabolos, kẻ phá rối, phá ngang không chỉ làm cho dân này dân nọ chống lại nhau, giai cấp xã hội này chống lại giai cấp xã hội nọ, phái tính này chống lại phái tính kia, đàn ông chống lại đàn bà và đàn bà chống lại đàn ông; nó còn muốn phá rối thâm hơn nhiều: làm cho cha mẹ chống lại con cái và con cái chống lại cha mẹ. Sự kiện này trên thế giới gây ra đau khổ và buồn phiền biết mấy! Có bao nhiêu tội ác làm chúng ta không nói nên lời!

Chiều nay chúng ta tưởng niệm tình yêu thần linh của một người cha đối với một người con và của một người con đối với một người cha! Ước gì mầu nhiệm này đem lại cho Giáo Hội và thế giới một ơn chữa lành, lại đưa tâm hồn của những người cha về với các người con và tâm hồn của những người con về với các người cha. Ước gì tình yêu này làm mủi lòng những tâm hồn cứng cỏi. Tông đồ Gioan viết cho các tín hữu thời ấy: “Hỡi các bậc phụ huynh, tôi viết cho anh em, vì anh em biết Đấng vẫn có từ lúc khởi đầu […] Hỡi anh em là những người con thơ bé, tôi đã viết cho anh em :anh em biết có Chúa Cha. Hỡi các bậc phụ huynh, tôi đã viết cho anh em: anh em biết Đấng vẫn có từ lúc khởi đầu.” 1Ga 2,13-14). Đến lượt tôi lúc này, tôi nói với anh em là những người cha, tôi nói với anh em là những người con. Phải trở về với Thiên Chúa để khỏi sa vào tay Ác thần, để tìm lại được niềm vui là một người đàn ông, một người đàn bà, một người cha hay một người mẹ, một con trai hay một con gái. Niềm vui hiện hữu ở đời, niềm vui được sống.

Kinh Thánh viết là vào ngày thứ sáu của tuần lễ tạo dựng, Thiên Chúa ngắm nhìn những gì Ngài đã làm ra và Ngài thấy “quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Trong ngày Thứ Sáu thánh hôm nay là ngày thứ sáu của tuần lễ tạo dựng mới, Thiên Chúa Cha nhìn tạo thành của Người, và thấy rằng, nhờ hy tế của con mình, mọi sự lại “rất tốt đẹp”. Một lần nữa, “công trình của Chúa làm Chúa được hân hoan” (Tv 104,31).

Nếu từ thế giới bệnh hoạn này vang lên tới trời bao nhiêu tiếng kêu phản loạn, bao nhiêu lời báng bổ, bao nhiêu lời nguyền rủa, thì trong ngày rất thánh này trong năm, chúng ta biến thành của chúng ta những lời của thánh Tông Đồ, và từ đáy lòng, chúng ta nhân danh mọi người trên trái đất này mà thưa lên: “Chúa tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Ep 1,3). Chúc tụng Thiên Chúa Cha! Chúc tụng Người!

(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 141-151)

Lm Micae Trần Đình Quảng



[1]  Tertullianô, Adversus Praxeam, 29.

[2]  Origen, Homélie sur Ézéchiel, 6, 6.

[3]  Grêgôriô Người Làm Phép L

[4]  Imitation de Jésus- Christ, IV, VII, 33.

[5]  H. de Lubac

[6]  Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Dominum et vivificantem, số 39

[7]  Tôma Aquinô, Somme Théologique, III, 47, 3.

[8]  Bênađô de Clairvaux, Contre les erreurs d’Abélard, 8, 21.

[9]  Augustinô, Confessions, X, 43.

[10]  S.Kierkegaard, Journal, III A, 73.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều