XVII
“MỘT NGƯỜI ĐÃ CHẾT
THAY CHO MỌI NGƯỜI”
Một
sử gia Hy lạp thuật chuyện ngày kia vua Damoclès muốn tỏ cho một cận thần thèm
muốn địa vị của ông biết một ông vua thực sự sống như thế nào. Ông dọn một bữa
tiệc thịnh soạn và cho mời người đó đồng bàn với ông. Cuộc sống cung đình dường
như luôn là điều con người thèm khát. Nhưng có một lúc nhà vua mời ông nhìn lên
bên trên đầu mình, và người này khi ấy đã trông thấy gì? Một thanh gươm treo lủng
lẳng trên đầu ông bằng một sợi lông ngựa, mũi gươm quay xuống dưới. Người cận
thần mặt nhợt như tầu lá, cổ họng thắt lại, toàn thân run lẩy bẩy. Damoclès
nói: cuộc sống của các vua là như thế, có một thanh gươm ngày đêm đe dọa trên đầu.
Thế
nhưng chúng ta có thể thêm: không chỉ có các vua ở trong tình trạng như thế. Một
thanh gươm treo trên đầu mỗi người, không trừ ai. Nhưng họ không lưu ý, vì ai nấy
đều bận tâm vào công việc và giải trí của mình. Thanh gươm này được gọi là cái
chết. Vì yêu thương con người chứ không phải ghét họ, Giáo Hội phải thỉnh thoảng
thi hành nhiệm vụ bạc bẽo này là kêu gọi chúng ta ngước mắt lên để thấy thanh
gươm treo lủng lẳng trên đầu, để nó không rơi xuống trên đầu ta vào lúc chúng
ta không được chuẩn bị.
Nhưng
phải chăng ý nghĩ về cái chết của mình không đủ ám ảnh chúng ta sao? Tại sao phải
khuấy dao vào vết thương? Quả thực nỗi sợ chết hiện diện trong đáy lòng mỗi người.
Theo một nhà tâm lý học có tiếng, nỗi lo về cái chết là “con sâu ở trọng tâm” mọi
tư tưởng. Nó là cách diễn tả trực tiếp của bản năng mạnh mẽ nhất nơi con người,
bản năng sinh tồn.
Nếu
có thể nghe được tiếng kêu thầm lặng phát ra từ toàn thể nhân loại, người ta sẽ
nghe thấy tiếng kêu kinh khủng này: “Tôi không muốn chết!”
Vậy
tại sao lại mời gọi con người nghĩ tới cái chết, nếu cái chết đã có mặt. Câu trả
lời đơn giản thôi. Chính vì chúng ta đã chọn gạt bỏ ra ngoài ý tưởng về cái chết,
làm như nó không có, hoặc chỉ là cho người khác, không phải cho chúng ta. Sau
chiến tranh, một khu dân cư mới hạng sang xuất hiện trong một thành phố lớn ở
Ý. Các nhà xây dựng đã quyết định không nên có nhà thờ ở đây vì việc nghe tiếng
chuông báo tử và thấy đám tang có thể khuấy động sự yên tĩnh của dân cư.
Nhưng
ý nghĩ về cái chết không thể bị những phương tiện này gạt ra ngoài. Chỉ còn việc
là trấn áp ý nghĩ này và đó là điều hầu như tất cả chúng ta đang làm. Thế mà trấn
áp ý nghĩ này đòi hỏi những nỗ lực, một sự chú ý thường xuyên, một nỗ lực tâm
lý học mãnh liệt, như thể phải giữ chặt chiếc vung đang muốn bật lên. Chúng ta
sử dụng một phần quan trọng của năng lực để tránh nghĩ về cái chết. Một số người
thậm chí còn thể hiện sự tin tưởng lớn vào điều này và nói rằng họ biết mình phải
chết, nhưng không quan tâm quá nhiều về nó. Họ nói mình nghĩ tới sự sống chứ
không phải sự chết… Nhưng đây là thái độ của con người trần tục; thực ra đó chỉ
là một trong nhiều cách kìm nén sợ hãi.
Thế
nên cuối cùng cần phải nói về sự chết và nói cho đúng về nó trong ngày Thứ Sáu
Thánh, ngày sự chết đã bị đánh bại. Cần nói về nó, không phải để làm gia tăng nỗi
sợ hãi, nhưng để được giải thoát khỏi sợ hãi nhờ một người duy nhất có thể làm
điều đó.
***
Con
ngươi đã tìm thấy những câu trả lời nào cho vấn đề sự chết? Các thi sĩ đã là những
người chân thành nhất. Tuy không đưa ra những giải pháp, họ giúp chúng ta ít nhất
cũng ý thức về tình huống của chúng ta và mủi lòng về số phận của chúng ta và số
phận của những người đồng loại. Một trong số họ (G. Ungaretti) đã viết: “Chúng
ta giống như những lá cây mùa thu”. Theo một thi sĩ khác, con người giống như một
ngọn sóng cuộn tròn và tiến lên tạo bọt trên mặt biển và không ai biết nó sẽ ùa
vào bãi biển nào (G. Becquer). Trước bí ẩn của cái chết, một thi sĩ người Ý (G.
Pascoli) đã kêu lên: “Mầu nhiệm quá lớn lao trên trái đất bị đè nặng này”.
Bù
lại, những triết gia đã cố gắng “cắt nghĩa” cái chết. Một trong số họ, Épicure,
đã quả quyết cái chết là một vấn đề hão, vì như ông nói, “Khi tôi ở đó, cái chết
chưa ở đó, và khi cái chết ở đó thì tôi không ở đó nữa”.
Ngay
cả thuyết mácxít cũng cố gắng gạt bỏ vấn đề về cái chết. Thuyết này cho rằng
cái chết là việc của con người và điều đó chứng minh đúng đắn rằng điều đáng kể
không phải là cá nhân, nhưng là xã hội, chủng loại, là thứ không chết. Nhưng
thuyết mácxít đã biến mất và vấn đề sự chết vẫn tồn tại. Lâu trước cuộc chạy
đua vũ trang hay trên các thị trường thế giới, chủ thuyết cộng sản đã thua cuộc
trong các tâm hồn. Đối diện với cái chết, nó đã không biết làm gì khác hơn là
xây lăng mộ.
Trước
Đức Giêsu Kitô, chính Kinh Thánh cũng hầu như giữ thái độ thinh lặng liên quan
đến vần đề sự chết. Tác giả sách Giảng viên đã tuyệt vọng mà kết luận: “Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù
vân cả!” (Gv 12,8). Người chết được so sánh với một ngọn đèn dầu bị vỡ và tắt
ngúm, với một chiếc vò bị bể ở hồ chứa nước, với một cái ròng rọc đứt dây vĩnh
viễn làm rơi cái xô xuống đáy giếng (x. Gv 12,1-8). Sách Huấn ca kết luận: “Hỡi tử thần, nhớ đến ngươi thật là cay đắng!”
(Hc 41,1)
***
Đức
tin Kitô giáo có thể nói gì về vấn đề này? Một chuyện đơn giản nhưng vĩ đại:
cái chết hiện hữu, là vấn đề lớn nhất trong các vấn đề của chúng ta, nhưng Đức
Kitô đã chiến thắng sự chết! Cái chết của con người không giống như trước đây,
một biến cố mang tính quyết định đã xẩy ra. Trong đức tin, người ta nhận thấy một
sự mới mẻ không tin nổi mà chỉ chính Thiên Chúa đến mới có thể gây ra. Cái chết
đã mất đi ngòi chích của nó, giống như một con rắn mà nọc độc chỉ có thể làm
cho nạn nhân ngủ trong vài giờ nhưng không làm người đó tử vong. “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi
tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cr 15,55)
Trong
Phúc Âm, viên đại đội đội trưởng Rôma đã cống bố sự mới mẻ của cái chết này; chứng
kiến Đức Giêsu hấp hối, ông kêu lên: “Quả
thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Viên đại đội trưởng này biết
rõ những người chiến đấu và những cuộc chiến đấu. Ông nhận ra tức khắc tiếng
kêu của Đức Giêsu vào lúc tắt thở là tiếng kêu của một người thắng trận chứ
không phải của người thua trận.
Nhưng
Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết như thế nào? Ngài đã không tránh nó, đã không
đẩy lui nó như một kẻ thù đang trốn chạy. Ngài đã chiến thắng nó, bằng cách chịu
đựng nó, nếm mùi cay đắng của nó. Ngài đã thắng nó từ bên trong, chứ không ở
bên ngoài.
Từ
đầu, tôi đã nhắc lại những lời của bài đọc thứ hai: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà
dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết…”
(Dt 5,7) Chúng ta không thật sự có một vị thượng tế không biết động lòng trắc ẩn
trước những yếu đuối của chúng ta, nhất là trước nỗi sợ chết. Chúng ta có thể đọc
trong Phúc Âm thấy Đức Giêsu đã khóc ba lần, trong đó có hai lần vì nỗi đau buồn
do cái chết gây ra.
Chính
trong vườn Ghếtsêmani mà Đức Giêsu đã sống đến cùng kinh nghiệm của con người
trước cái chết. Các sách Phúc Âm đều nói: “Người
bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến”. Hai từ được sử dụng vào lúc này gợi
lên ý tưởng về một người đang bị rối loạn sâu xa, cô đơn trong lo sợ, giống như
khi người ta cảm thấy mình bị gạt ra ngoài xã hội loài người.
Đức
Giêsu đã không sống cái chết như một người có một quân chủ bài có thể sử dụng
khi cần. Nếu trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu đã nhiều lần cho người ta hiểu rằng
Ngài biết mình sẽ sống lại, thì đó là một kiến thức đặc biệt mà Ngài không có khi
Ngài muốn và như Ngài muốn. Tiếng kêu trên thập giá “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” chỉ
ra rằng vào lúc đó, với tư cách là con người, Ngài không có được sự chắc chắn
đó.
Đức
Giêsu đã sống cái chết như chúng ta, như khi chúng ta vượt qua ngưỡng cửa lúc tối
và không biết có gì ở bên kia nó. Đức Giêsu chỉ được sự phó thác không lay chuyển
vào Cha của Ngài nâng đỡ, khiến Ngài thưa lên: “Lậy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha!” (Lc 23,46)
***
Thế
nhưng điều gì đã xẩy ra, sau khi Ngài vượt qua ngưỡng cửa trong bóng tối này?
Các Giáo Phụ có thói quen sử dụng một hình ảnh để trả lời cho câu hỏi trên. Cái
chết giống như một thú dữ cũng đã tấn công Đức Giêsu và nuốt trửng Ngài, nghĩ rằng
Ngài đã thuộc về nó như tất cả những gì phải chết. Nhưng con thú đã bị mắc bẫy.
Nhân tính của Đức Kitô che giấu nơi mình một quyền năng bất tử, Ngôi Lời Thiên
Chúa không thể chết. Cái chết có những chiếc răng bị quyền năng đó bẻ gẫy mãi
mãi. Trong một bài giảng cũng dịp Thứ Sáu Thánh này, một giám mục ở thế kỷ II
đã tuyên bố: “Cùng với Thần Khí của mình không lụy phục cái chết, Đức Kitô đã
giết sự chết, một sự chết đã giết con người[1].”
Đức
Giêsu đã chiến thắng sự chết “bằng cách chết”. Mortem nostram moriendo destruxit: chính là tiếng kêu vượt qua ngày
nay vẫn đồng loạt vang lên cả trong Giáo Hội Đông phương lẫn Tây phương. Sữ chết
không còn là một bức tường mà đứng trước nó mọi sự đều đổ vỡ; đó là một sự vượt
qua, tức là một cuộc Vượt Qua. Đó là một loại “cầu Than Thở” (ở thành phố
Venetia) nhờ đó người ta đi vào cuộc sống thật không còn phải chết nữa.
Quả
thực, lời loan báo Kitô giáo quan trọng nhất là ở đó, Đức Giêsu đã không chết
cho Ngài. Ngài không chỉ để lại cho chúng ta gương mẫu về một cái chết oai
hùng, như Socrates. Ngài còn làm hơn thế nữa. Thánh Phaolô nói: “Một người đã chết thay cho mọi người”
(2Cr 5,14) và: “Đức Giêsu đã phải chết là
để cho mọi người được cứu độ” (Dt 2,9). Những quả quyết lạ lùng trên đây
không làm chúng ta reo lên vui mừng, chỉ là vì chúng ta không đánh giá cho đủ tầm
quan trọng của chúng và theo đúng mặt chữ như chúng ta đáng lẽ phải làm. “Được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô”
(Rm 6,3), chúng ta đi vào trong một tương quan thực sự, cho dù thần bí, với cái
chết này, chúng ta dự phần vào đó, đến độ thánh Tông Đồ đã can đảm công bố
trong đức tin: “Anh em đã chết, và sự sống
mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.” (Cl 3,3) “Một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi
người đều chết.” (2Cr 5,14)
Chúng
ta hiểu điều đó dễ dàng. Vì từ nay chúng ta
thuộc về Đức Giêsu Kitô hơn thuộc về chính chúng ta (x. 1Cr 6,19 tt), kết
quả là, ngược lại, những gì thuộc về Đức Kitô thì thuộc về chúng ta hơn là những
gì thuộc về chúng ta. Cái chết của Ngài thuộc về chúng ta hơn là cái chết riêng
của chúng ta. Phaolô còn nói: “Sự sống, sự
chết, hiện tại, tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, vì anh em thuộc về Đức
Kitô” (1Cr 3,22 tt). Sự chết là cho chúng ta hơn chúng ta là cho sự chết;
nó thuộc về chúng ta hơn là chúng ta thuộc về nó. Trong Đức Kitô, chúng ta cũng
đã chiến thắng sự chết.
Khi
là về cái chết, điều quan trọng nhất trong Kitô giáo không phải là chúng ta phải
chết, nhưng là sự kiện Đức Kitô đã chết. Kitô giáo không thâm nhập vào lương
tâm với nỗi sợ chết, nhưng với cái chết của Đức Kitô. Đức Kitô đến giải thoát
con người khỏi nỗi sợ chết, chứ không làm gia tăng nỗi sợ ấy. Con Thiên Chúa đã
mặc lấy xác thịt con người, “để kẻ nắm
quyền sự chết là ma quỷ phải chịu bất lực, và như thế giải thoát những ai, vì sợ
chết, đã phải làm tôi suốt đời” (Dt 12. 14 tt).
Điều
có lẽ làm cho chúng ta sợ hãi nhất trong cái chết, là phải đương đầu với sự cô
đơn. Một tác giả đã viết: “Không ai có thể chết cho người khác, nhưng mỗi người
sẽ phải vật lộn với cái chết. Chúng ta có thể tha hồ hét to vào tai người sẽ ở
bên cạnh chúng ta, nhưng vào lúc đó, mỗi người sẽ phải gặp lại chính mình[2].”
Nhưng
điều đó không hoàn toàn đúng. “Nếu chúng
ta cùng chết với Ngài, chúng ta sẽ cùng sống lại với Ngài” (2Tm 2,11). Như vậy có thể có hai người cùng chết.
Chúng
ta biết sự nghiêm trọng của an tử theo quan điểm Kitô giáo. An tử làm cho cái
chết của con người không còn liên hệ với cái chết của Đức Kitô; làm cho cái chết
mất đi đặc tính vượt qua của nó; nó đưa cái chết về lại tình trạng trước khi Đức
Kitô đến. Cái chết mất đi sự oai nghiêm khắc khổ của nó khi trở thành công việc
của con người, quyết định của một sự tự do có giới hạn. Nó hoàn toàn “bị tục
hóa”, nghĩa là bị tước bỏ tính chất thánh thiêng của nó.
***
Từ
khi có thế giới, con người đã không bao giờ ngừng tìm kiếm các phương dược chống
lại cái chết. Một trong những phương dược ấy, có tính chất kiểu mẫu nơi Cựu Ước,
là con cái: sống còn qua các con cái của mình. Một phương dược khác là nổi tiếng.
Một thi sĩ ngoại đạo đã viết: “Tôi sẽ không chết hoàn toàn (non omnis moriar)”. “Tôi đã dựng lên một
công trình kỷ niệm bền vững hơn đồng (aere
perennius)” (Horatius).
Ngày
nay, người ta ngày càng chạy đến một phương dược giả (pseudo-remède) mới mẻ: học
thuyết về sự tái đầu thai. Nhưng có lời chép rằng: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt
9,27). Chỉ một lần, semel! Học thuyết
tái đầu thai không phù hợp với đức tin Kitô giáo. Cách trình bầy ở Tây phương về
việc tái đầu thai là kết quả, trong số những kết quả khác, của một sự sai lầm lớn.
Ở nguồn gốc, và trong tất cả các tôn giáo tuyên xưng sự tái đầu thai như một điều
phải tin, sự tái đầu thai không có nghĩa là một sự bổ sung của cuộc sống, nhưng
của đau khổ, nó không phải là nguồn mạch an ủi, nhưng là nguồn mạch lo sợ. Cùng
với nó, người ta nói như sau cho con người: Coi chừng, nếu ngươi làm điều xấu,
ngươi sẽ phải tái sinh để đền bồi cho việc làm ấy.” Chính là một lời đe dọa và
một hình phạt. Giống như nói với một tù nhân trong ngày cuối bị giam giữ là
hình phạt đã được tăng gấp đôi và anh ta phải bắt đầu lại từ đầu. Chúng ta có tất
cả, chúng ta đã thích nghi tất cả với não trạng Tây phương duy vật và tục hóa.
Chúng ta đã biến học thuyết tái đầu thai, được phát minh trước tin mừng Phục
sinh của Đức Kitô, thành một cái cớ để thoát khỏi tính nghiêm trọng của cuộc sống
và cái chết.
Phương
dược thật sự là phương dược được Giáo Hội nhớ đến ngày hôm nay: “Một ngươi đã chết thay cho mọi người” “Đức
Kitô đã trải nghiệm cái chết vì lợi ích của mọi người!” Để bảo vệ mình trước
cái chết, chúng ta không được làm gì khác ngoài việc gần gũi hơn với Ngài.
Chúng ta phải thả neo vào Đức Giêsu Kitô bằng đức tin, như chiếc neo người ta cắm
xuống đáy biển để con tầu có thể chịu được cơn bão đang đe dọa.
Ngày
xưa người ta dạy nhiều cách dọn mình chết. Cách chính là năng nghĩ về nó, hình
dung về nó trong những chi tiết bệnh hoạn nhất. Điều quan trọng không phải thật
sự nhìn tới cái chết của chúng ta, nhưng đúng hơn là nhìn tới cái chết của Đức
Giêsu Kitô, không phải chiếc sọ biểu tượng cho cái chết, nhưng là Đấng bị đóng
đinh trên thập giá. Cường độ kết hợp với Ngài sẽ đáp ứng với cường độ tự tin của
chúng ta trước cái chết.
Chúng
ta phải làm thế nào để sự gắn bó của chúng ta với Đức Kitô mạnh hơn sự gắn bó của
chúng ta với những sự vật, với công việc, với người thân yêu, với mọi sự, sao
cho không gì có thể giữ chúng ta lại khi “đến
giờ phải ra đi” (2Tm 4,6).
Khi
sắp qua đời, Phanxicô Assisi, người đã thực hiện ở mức hoàn hảo sự kết hợp với
Đức Kitô, đã thêm một đoạn vào trong bài ca vạn vật: “Lạy Chúa, Chúa đáng ca ngợi
vì chị Chết của chúng con, mà không người còn sống nào có thể thoát khỏi.” Và
khi người ta cho hay là ngài sắp lìa đời, ngài đã kêu lên: “Chào mừng bà chị Chết
của tôi!” Cái chết đã thay đổi bộ mặt: đã trở nên một người chị.
Phanxicô
Assisi đã không phải là người duy nhất. Sau Thế chiến II, một cuốn sách nhan đề
Những lá thư cuối cùng từ Stalingrad đã
được xuất bản. Đó là một tập thư của các người lính Đức thuộc một đoàn quân xa
cuối cùng mắc bẫy ở Stalingrad trước cuộc tấn công của quân đội sô viết, và tất
cả đều chết. Nơi một trong những lá thư trên, một người lính trẻ đã viết cho
cha mẹ như sau: “Con không sợ chết. Đức tin đã cho con sự tin chắc sâu xa này!”
***
Trước
khi chết, Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể và như vậy đã lường trước hạn cái chết
của Ngài; Ngài đã loại bỏ nó khỏi tình cờ, những biến cố và những giải thích ngẫu
nhiên. Ngài đã cho nó một ý nghĩa, ý nghĩa do chính Ngài ban chứ không phải ý
nghĩa do kẻ thù gán cho: biến nó thành việc tưởng niệm của Giao Ước mới, đền bồi
tội lỗi, lễ dâng tối cao của tình yêu cho Chúa Cha vì loài người. Ngài nói: “Hãy cầm lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị
nộp vì các con”.
Trong
mỗi Thánh lễ, Ngài cũng cho chúng ta cơ hội tuyệt vời này là ban trước một ý
nghĩa cho cái chết của chúng ta, là kết hợp chúng ta với Ngài để làm cho Thánh
lễ trở thành một món quà sống động trong Đức Kitô, một sự đổ máu làm lễ tế, như
thánh Phaolô nói (x. 2Tm 4,6).
Một
hôm, vào lúc xế chiều, trên bờ hồ Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta hãy sang bờ bên kia đi!” (Mc
4,35) Một ngày hay một buổi chiều nào đó, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta những lời
trên: “Chúng ta hãy sang bờ bên kia đi.”
Phúc cho những ai giống như các môn đệ sẵn sàng đưa Ngài lên thuyền và nhổ neo
với Ngài trong đức tin.
Trong
ngày hôm nay, một lời tạ ơn sâu sắc mạnh mẽ vọt lên từ trái tim người tín hữu
và từ toàn thể nhân loại:
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn thay cho người biết và người không biết Chúa vì
Chúa đã chết cho họ.
Chúng
con tạ ơn vì mồ hôi máu Chúa, vì sự lo âu của Chúa và tiếng kêu chiến thắng của
Chúa trên thập giá.
Xin
Chúa ở kề bên những ai sắp ly trần và lặp lại cho họ điều Chúa đã nói cho người
trộm lành trên thập giá: “Ngày hôm nay
anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi!”
Lạy
Chúa, xin ở lại với chúng con vì trời đã tối và cuộc sống đã đến hồi tàn tạ…
(Raniero
Cantalamessa, Nous prêchons un Christ
crucifié, EdB, 2018, pp. 191-201)
Lm
Micae Trần Đình Quảng