XVIII
“LÀ CÁC NGƯƠI ĐÃ LÀM CHO TA”
Thánh
Lêô Cả viết: “Cuộc Khổ Nạn của Chúa còn kéo dài cho tới tận thế[1].”
Theo ngài, cuộc Khổ Nạn ấy kéo dài trong Nhiệm Thể của Chúa là Giáo Hội, nhất
là nơi người nghèo, người bệnh và người bị bách hại. Blaise Pascal làm cho tư
tưởng này nổi tiếng khi biến tư tưởng đó làm của mình: “Đức Giêsu hấp hối cho tới
tận thế. Không được ngủ trong suốt thời gian này[2].”
Năm
nay, chúng ta suy niệm đôi điều về những gì Đức Giêsu đang chịu khổ và hấp hối
ngày hôm nay. Phụng vụ là tưởng niệm, hiện diện và chờ đợi. Có ba chuyển động
lý tưởng luôn khởi đi từ phụng vụ: chuyển động thứ nhất, ngược về những biến cố
lịch sử được tưởng niệm; chuyển động thứ hai, đi về phía dưới, nghĩa là với việc
trở lại vinh quang của Chúa; chuyển động sau cùng, ở bên trong, nghĩa là lúc hiện
tại của cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy đi theo chuyển động thứ ba này và khởi
từ cử hành phụng vụ hôm nay, chúng ta hãy nhìn về thực tại chung quanh chúng
ta.
Ngày
hôm nay, Đức Giêsu ở đâu, chịu khổ nơi nào, hấp hối nơi nào? Ờ nhiều nơi và
trong nhiều tình huống. Nhưng chúng ta chú ý tới một điều thôi, là sự nghèo
khó, để không bị mất hút trong mơ hồ và trong vô số chuyện. Những người nghèo
là hình ảnh của Đức Kitô bị đóng đinh. Những chiếc đinh là những bất công, những
đau khổ và hạ nhục mà người ta bắt họ phải chịu. Đức Kitô không thể xuống khỏi
thập giá nếu chúng ta không tháo đinh cho Ngài…Nếu chúng ta không có khả năng
thao ngay lập tức và ở mọi nơi trong thực tế, chúng ta hãy bắt đầu ít nhất tháo
đinh cho Ngài trong tâm hồn chúng ta, tháo đinh cho Ngài bên trong chính chúng
ta.
***
Tội
lớn nhất chúng ta có thể phạm tới người nghèo có lẽ là tội thờ ơ, giả vờ như
không thấy, “tránh qua bên kia” (Lc
10,31). Không biết có vô số người đói khát, ăn xin, không nơi trú ẩn, không được
giúp đỡ thuốc men và nhất là không có hy vọng một tương lai sáng sủa hơn – Đức
Giáo Hoàng đã viết như thế trong thông điệp Sollicitudo
rei socialis – , “điều đó có nghĩa là chúng ta giống như nhà phú hộ kia giả
vờ không nhận ra Ladarô người ăn xin đang ngồi trước cửa[3].”
Chúng
ta có khuynh hướng lắp hai cửa kính ngăn chúng ta với người nghèo. Hiệu quả của
hai cửa kính, được làm nhiều ngày hôm nay, ngăn cản gió lạnh và tiếng động từ bên
ngoài vào; tất cả đều được giảm thiểu, thay đổi, nhét bông. Và chúng ta thấy những
người nghèo di chuyển, hối hả, hét to trên màn ảnh nhỏ, chúng ta thấy họ trên
những trang báo, trong các tập san truyền giáo, nhưng tiếng kêu cứu của họ chỉ
vang đến chúng ta từ rất xa. Nó không đi sâu vào trong tâm hồn chúng ta.
Thế
nên công việc đầu tiên phải làm là phá vỡ cửa kính đôi, lướt thắng thờ ơ và vô
cảm. Chúng ta phải dẹp bỏ bản năng của mình là tự vệ và để bản thân tràn ngập nỗi
lo lắng đúng dắn, do sự lầm than khủng khiếp đang hoành hành trên thế giới gây
ra. Phải để cho người nghèo đi vào trong da thịt của chúng ta. Phải “ý thức tới”
người nghèo. Sự ý thức này là dấu chỉ cho thấy cuối cùng chúng ta mở mắt, lương
tâm thức tỉnh và bắt đầu thấy điều đã có trước đây nhưng chúng ta đã không thấy.
Đức Phaolô VI viết: “Tiếng kêu cứu của người nghèo buộc chúng ta phải “thức tỉnh
các lương tâm trước thảm kịch của lầm than và trước những đòi hỏi thuộc công
bình xã hội của Phúc Âm và Giáo Hội[4].”
Hãy
tưởng tượng một ngày kia chúng ta nhìn lên màn hình thấy những hình ảnh về một
tai họa – một cảnh xe lửa trật đường rầy, một tai nạn xe hơi trên đường cái, một
tòa nhà sụp đổ hay bốc cháy – chúng ta bỗng nhận ra một người thân của chúng ta
trong số nạn nhân: mẹ chúng ta, anh em chúng ta, chồng của chúng ta. Một tiếng
kêu thất thanh từ lòng chúng ta phát ra. Và lòng chúng ta đảo lộn so với một
lúc trước đây. Biến cố có một chiều kích hoàn toàn khác. Điều gì đã xẩy ra? Một
điều rất đơn giản: những gì chúng ta thấy trước đây chỉ bằng đôi mắt và cái đầu,
giờ đây chúng ta thấy bằng con tim. Thì chính là điều sẽ xẩy ra, ít nhất ở một
mức độ nào đó, khi chúng ta thấy trước mắt một số cảnh tượng lầm than gây ảo
giác. Họ có phải là anh em của chúng ta không. Tất cả chúng ta có thuộc về cùng
một gia đình nhân loại không? Phải chăng không có lời chép rằng “chúng ta là chi thể của nhau” (Rm 12,5)
sao?
Than
ôi, với thời gian, chúng ta quen với mọi sự, chúng ta đã quen với sự khốn cùng
của người khác, với những hình ảnh cho thấy những thân thể chỉ còn là những bộ xương do nạn đói gây ra. Sự khốn khổ
không đánh động chúng ta nữa, chúng ta coi chuyện đó hầu như không tránh được.
Nhưng chúng ta hãy đứng một lát bên cạnh Chúa, hãy cố gắng nhìn sự việc như
Chúa nhìn. Có người đã so sánh trái đất với một phi thuyền bay trong vũ trụ,
trong đó một trong ba phi hành gia tiêu thụ 85% tài nguyên để mình dùng và âm
mưu chiếm đoạt 15% tài nguyên còn lại.
***
Với
việc Đức Giêsu Kitô đến, vấn đề người nghèo đã mang một chiều kích mới trong lịch
sử. Thậm chí nó còn trở thành một vấn đề Kitô học. Đức Giêsu Nadaret đã đồng hóa
mình với người nghèo. Đấng đã tuyên bố những lời sau đây khi chia sẻ bánh: “Này là Mình Thầy”, cũng đã nói những lời
như vậy khi nói về người nghèo. Ngài đã nói những lời ấy khi mà, khi nói về những
gì được làm hay không được làm cho kẻ đói khát, khách lạ, trần truồng, tù nhân,
Ngài đã long trọng tuyên bố: “là các
ngươi đã làm cho chính ta” và “là các
ngươi đã không làm cho chính ta” (Mt 25, 31 tt). Trên thực tế, điều đó muốn
nói lên rằng “người rách rưới, người xin chút bánh, người ngửa tay xin, chính là
Ta.”
Tôi
nhớ tới lần đầu tiên khi sự thật này “nổ tung” trong tôi với tất cả sự nguyên vẹn
của nó. Tôi đang thi hành sứ vụ trong một nước thuộc thế giới đệ tam, và mỗi cảnh
tượng lầm than mới mà tôi chứng kiến – một đứa trẻ ăn mặc rách rưới, bụng
thõng, mặt mũi đầy ruồi nhặng, hoặc một nhóm nhỏ chạy theo chiếc xe chở rác, hy
vọng kiếm được thứ gì đó từ bãi rác, hoặc một thân thể đầy thương tích – tôi
nghe thấy vang lên trong tôi một giọng nói: “Này là Mình Thầy.” Đã có một cái gì đó khiến tôi khó thở.
Người
nghèo cũng là một “đại diện Đức Kitô”, biểu thị Đức Kitô. Không phải theo nghĩa
những gì họ làm như thể chính Đức Kitô đã làm, nhưng theo nghĩa những gì người
ta làm cho người nghèo là như làm cho Đức Kitô. “là các ngươi đã làm cho chính Ta.”
Có
một mối dây liên hệ rất chặt chẽ giữa Thánh Thể và người nghèo. Cả hai đều là
Thân Thể Đức Kitô, theo cách khác nhau. Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể và
nơi người nghèo. Thánh Gioan Kim Khẩu viết:
“Bạn muốn kính trọng
thân thể Đức Kitô chăng? Đừng để Ngài bị khinh rẻ trong các chi thể Ngài, nghĩa
là nơi các người nghèo, không có quần áo che thân. Đừng kính trọng Ngài trong
nhà thờ với những vải vóc lụa là trong khi bạn để Ngài bên ngoài trời, chịu cảnh
lạnh lẽo vì thiếu áo quần. Có lợi gì khi bàn của Đức Kitô đầy những bình bằng vàng
trong khi chính Ngài chết đói nơi người nghèo? Tiên vàn, hãy cho kẻ đói ăn, cho
kẻ khát uống, và sau đó mới trang hoàng bàn thờ bằng những gì còn lại[5].”
Vả
lại, chính Đức Kitô qua các thế kỷ đã mau mắn xác nhận cách giải thích hẹp và
thực tiễn về lời của Ngài: “là các ngươi
đã làm cho chính ta.” Một ngày nọ, lúc Martinô còn là một binh sĩ đang là dự
tòng, ở miền bắc Âu châu, nơi ông thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông đã gặp một
người nghèo không đủ áo quần đang run rẩy vì lạnh. Không có gì khác ngoài tấm
áo choàng đang khoác trên vai, ông lấy gươm cắt nó ra làm đôi, đưa cho người
ngheo một nửa. Đến đêm, Đức Kitô hiện ra, mặc đúng nửa tấm vải choàng mà ông đã
chia cho, và tự hào nói với các thiên thần vây quanh như sau: “Martinô còn là dự
tòng mà đã biết phủ Ta bằng mảnh áo choàng này[6].”
Thật
sự người nghèo là chính Đức Giêsu sống trong người đó. Hơi giống với khi Ngài
hiện ra sau khi sống lại dưới nhiều hình thức khác nhau – với Maria như một người
giữ vườn, với các môn đệ Emmau như người khách bộ hành, với các tông đồ trên bờ
hồ như một người qua đường – trong khi chờ đợi mắt họ mở ra. Người đầu tiên nhận
ra khi ấy đã kêu lên: “Chúa đó!” (Ga
21,7) Ôi, chớ gì khi trông thấy một người nghèo, miệng chúng ta cũng có thể kêu
lên mà nhận ra rằng: “Chúa đó”, Đức
Giêsu đó!
***
Phải
làm gì để thể hiện mối quan tâm của chúng ta đối với người nghèo, ít ra ở một mức
độ nào đó? Người nghèo không cần những tình cảm tốt đẹp của ta, nhưng cần thấy
việc làm. Thế nhưng chỉ những cử chỉ này thôi cũng sẽ chỉ làm cho lương tâm xấu
của chúng ta được yên ổn. “Nếu ai có của
cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng
thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em
là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi,
nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1Ga 3,17-18)
Những
gì chúng ta phải làm cụ thể cho người nghèo có thể tóm gọn vào trong ba từ:
loan báo Phúc Âm cho họ, yêu thương họ và giúp đỡ họ.
Loan báo Phúc Âm cho người
nghèo:
đó là sứ mệnh Đức Giêsu thừa nhận như là công việc tuyệt vời của mình (x. Lc
4,18) và Ngài giao phó việc ấy cho Giáo Hội. Chúng ta không được để cho lương
tâm xấu của mình thúc đẩy chúng ta làm điều bất công lớn này là tước đi quyền
được nghe tin mừng của những người lẽ ra là những người đầu tiên và tự nhiên nhất
phải được nghe. Có lẽ chúng ta viện lý do như câu châm ngôn nói: “Bụng đói thì
không có tai”.
Đức
Giêsu đã làm cho bánh hóa ra nhiều thì cũng làm như vậy đối với lời. Thậm chí
Ngài còn ban lời trước (có khi trong ba ngày liền), chỉ sau đó mới quan tâm tới
bánh. Người nghèo không chỉ sống vì bánh, nhưng còn sống bằng hy vọng và bằng mỗi
lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Người nghèo có quyền thiêng thánh được nghe
toàn bộ Phúc Âm, chứ không phải trong bản cô đọng, thích nghi và đôi khi bị
chính trị hóa.
Ngày
hôm nay họ cũng có quyền nghe tin mừng: “Phúc
cho những ai nghèo khó”. Phải, dầu sao họ cũng được chúc phúc. Là vì, một
“khả thể” vô hạn, bị cấm cản hoặc rất khó đạt tới đối với người giầu, lại được
cống hiến cho họ: Nước Trời.
Yêu thương người nghèo: Yêu mến Đức Kitô và
yêu thương người nghèo đáp ứng lẫn nhau. Một số người, như Charles de Foucault,
khởi sự từ yêu mến Đức Kitô để đi đến chỗ yêu thương người nghèo. Có những người
khác, như Simone Weil, khởi đi từ yêu thương người nghèo, ngươi vô sản để từ đó
được dẫn tới chỗ yêu mến Đức Kitô.
Yêu
thương người nghèo trên hết có nghĩa là kính trọng họ, thừa nhận phẩm giá của họ.
Nơi họ phẩm giá căn bản nhất của con người chiếu tỏa ánh sáng rực rỡ nhất,
chính vì họ không có bất cứ một tước hiệu danh giá nào, và những phân biệt thứ
yếu nào.
Yêu
thương người nghèo còn có nghĩa là xin họ tha thứ. Tha thứ vì đã không thật sự
vui mừng đến gặp gỡ họ; vì những khoảng cách, dầu sao chúng ta cũng đã tạo ra
giữa ta với họ; vì những nhục nhã họ liên tục phải chịu; tha thứ vì chúng ta chỉ
tức giận cách thụ động trước bất công; vì sự mị dân mà chúng ta có đối với họ;
vì mỗi người cho ý kiến của mình và như vậy cố gắng hợp pháp hóa sự thinh lặng
của chúng ta. Tha thứ vì luôn dám chắc với sự chính xác toán học là không bi lừa
gạt trước khi làm một cử chỉ nhỏ bé nhất cho họ. Tha thứ vì không thừa nhận nơi
họ một nhà tạm sống động của Đức Kitô nghèo khó và bị khinh rẻ; vì không ở
trong số họ.
Hơn
nữa, người nghèo không chỉ đáng cho ta thương cảm, thương xót, họ còn đáng cho
ta thán phục. Họ là những nhà vô địch về nhân bản. Mỗi năm người ta trao giải
Nobel, những huy chương vàng, bạc, đồng cho người xứng đáng hoặc chiến thắng
trong cuộc tranh tài chỉ vì một số người có khả năng chạy nhanh hơn trong cuộc
đua một trăm mét, hai trăm mét hay bốn trăm mét vượt rào, hoặc nhảy cao hơn người
khác một phần trăm mét, hoặc chiến thắng trong cuộc đua maratông hoặc cuộc lượn
xuôi trên tuyết. Nhưng nếu chú ý đến những cú nhảy chết người, tới sức chịu đựng,
tới những cuộc lượn xuôi mà người nghèo có khả năng làm, không chỉ một lần,
nhưng kéo dài cả cuộc đời, thì những màn trình diễn của các lực sĩ giỏi nhất dường
như chỉ là những trò không đáng kể.
Cuối cùng là cứu giúp
người nghèo.
Thánh Giacôbê viết: “Giả như có người anh
em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong
anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại
không cho họ những thứ thânxác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức
tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,15-17). Trong ngày
phán xét, Đức Giêsu sẽ không nói: “Ta
mình trần, các ngươi đã thương xót số phận của ta” nhưng “Ta mình trần, các người đã cho mặc.”
Ngày
nay, thuần túy bố thí không còn đủ nữa, ngay cả khi không có gì miễn cho chúng
ta làm tất cả những gì có thể, thậm chí bằng cách cho ít tiền. Điều phải làm
ngày nay, chính là một chiến dịch mới, một sự huy động tất cả Kitô giới và thế
giới dân sự trong mọi mặt để giải phóng những ngôi mộ sống của Đức Kitô là hàng
triệu người chết vì đói khát, bệnh tật, kiệt sức. Đó sẽ là một cuộc thập tự
chinh đúng nghĩa, cuộc thập tự chinh của Đức Kitô. Hủy bỏ hay giảm thiểu hố sâu
bất công và gây gương mù giữa người giầu và người nghèo trên thế giới là nhiệm
vụ cấp bách nhất (và quan trọng nhất) mà thiên niên kỷ đang qua đi để lại cho
thiên niên kỷ sắp bắt đầu.
Không
phải Thiên Chúa mà chúng ta trách giận khi thấy thế giới lầm than, nhưng là
trách giận chính chúng ta. Có một hôm tôi đọc thấy chuyện một người có hành vi
tức tối và nổi loạn khi thấy một đứa bé gái đang rét cóng và khóc vì đói. Người
này kêu trách: “Hỡi Thiên Chúa, Ngài ở đâu vậy? Sao Ngài không làm gì cho đứa
bé vô tội này?” Nhưng một tiếng nói bên trong trả lời ông: “Chắc chắn Ta đã làm
điều gì đó cho con bé. Ta đã tạo dựng nên ngươi.”
***
Một
Thánh vịnh tuyên bố là có phúc những ai quan tâm đến số phận của người nghèo:
“Beatus vir qui intelligit super egenem et pauperem – Phúc thay kẻ lưu tâm đến người nghèo khổ” (Tv 41,1). Và một phúc
lành rút ra từ bản Phổ Thông được kêu cầu cho người đó: “Dominus conservet eum,
et vivificet eum, et beatum faciat eum in terra – Chúa bảo vệ và giữ gìn mạng sống họ, và ban cho họ hạnh phúc trên đời.”
Trong
Giáo Hội công giáo, lời kêu cầu này trở thánh một kinh nguyện phụng vụ chính thức
cầu cho Đức Giáo Hoàng, pro Summo
Pontifice. Các cha và anh em kính mến, cho phép tôi đọc lại lời kinh này để
kết thúc bài suy niệm về những người nghèo.
Chính
những người nghèo, thông qua tôi, cảm ơn và chúc tụng trong ngày hôm nay, khi
chúng ta tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô đang diễn ra nơi họ. Không ai
trên thế giới xứng đáng hơn Đức Giáo Hoàng lời chúc tụng này, vọt lên từ tâm hồn
những nghười nghèo. Gương của ngài không cho phép một ai, ở trong hay ở ngoài
Giáo Hội, được yên hàn trong sự ích kỷ và thờ ơ của mình, trước vô số những người
thua thiệt trên trái đất, “Dominus conservet eum, et vivificet eum, et beatum
faciat eum in terra - Chúa bảo vệ và giữ
gìn mạng sống ngài, và ban cho ngài hạnh phúc trên đời.”
(Raniero
Cantalamessa, Nous prêchons un Christ
crucifié, EdB, 2018, pp. 203-212)
Lm
Micae Trần Đình Quảng
[1]
“Passio Domini usque in finem
producitur mundi”, Lêô Cả, Sermon
70, 5 (PL 54, 383).
[2]
B. Pascal, Pensées, 553, Br.
[3]
ĐGH Gioan Phaolô II, thông điệp Sollicitudo
rei socialis, số 42.
[4] Phaolô VI, tông huấn Evangelica testificatio, 17 tt ; trong EV 4, tr. 649 tt.
[5]
Gioan Kim Khẩu, Homélies sur
Matthieu 50, 3-4 (PG 58, 508 tt).
[6] S. Severo, Vita
Martini, 3. Mandadori, Milano 1975, tr. 13 tt.