XIX
“NGƯỜI ĐÃ PHÁ ĐỔ
BỨC TƯỜNG NGĂN CÁCH”
Trong
tông thư Ngàn năm thứ ba đang đến, một
văn kiện giống như một vì sao hướng dẫn Giáo Hội công giáo hướng về Năm Thánh
2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết:
“Thật chính đáng khi
thiên niên kỷ thứ hai của Kitô giáo sắp kết thúc, Giáo Hội nhận trách nhiệm về
tội lỗi của các con cái mình với một ý thức sâu sắc… Giáo Hội không thể bước
qua ngưỡng cửa ngàn năm mới mà không thúc giục con cái mình lấy lòng thống hối
thanh tẩy hết những lỗi lầm, những bất trung, những chệch choạc, những chậm chạp.”
(số 33).
Trong
số những tội này, nổi bật nhất là tội phạm đến dân Do Thái. Kết thúc cuộc Hội
thảo về người Kitô hữu và chủ thuyết bài do thái, tổ chức tại Vatican từ 30
tháng 10 đến 1 tháng 11 năm 1997, Đức Giáo Hoàng quả quyết:
“Trong thế giới Kitô
giáo, những cách giải thích sai lầm và bất công của Tân Ước liên quan đến dân
Do Thái và tội lỗi của họ đã lưu hành quá lâu, làm nảy sinh những tình cảm thù
hận đối với dân này. Chúng đã góp phần nhấn chìm nhiều lương tâm đến nỗi khi
làn sóng khủng bố lấy cảm hứng từ chủ nghĩa bài do thái ngoại giáo tràn vào
châu Âu […], sự kháng cự tinh thần của nhiều người đã không phải là sự kháng cự
mà nhân loại có quyền mong đợi từ các môn đệ của Chúa Kitô.”
Đã
từ lâu, những nền tảng thần học cho phép người ta can đảm nhận trách nhiệm này
được làm sáng tỏ, mà không làm suy yếu tí nào niềm tin của chúng ta vào Giáo Hội,
một Giáo Hội tự nó là “thánh thiện và vô tì tích[1]”.
Nhưng
trong những lời cầu xin tha thứ từ phía Giáo Hội, còn có một ý nghĩa thần học
mà người ta phải nhận ra. Khi Giáo Hội nhận trách nhiệm về những lầm lỗi mà các
phần tử của mình phạm phải, Giáo Hội làm một hành vi có lẽ là đẹp nhất có thể
làm trên trái đất: Giáo Hội minh oan cho Thiên Chúa, Giáo Hội công bố Thiên
Chúa vô tội, “anaitios o Theos! Thiên
Chúa không có tội nào”.; chính chúng ta mới là kẻ có tội. Giáo Hội mượn lời
tiên tri xưa mà nói: “Đức Chúa, Thiên
Chúa chúng tôi, quả là Đấng công chính; còn chúng tôi, chúng tôi phải bẽ mặt
thì cũng đáng” (Br 1,15)
***
Trải
qua các thế kỷ, ngày Thứ Sáu Thánh đã là mảnh đất ưu đãi vun đắp thái độ thiếu
hiểu biết và thù nghịch đối với người Do Thái. Thế nên thật chính đáng khi công
trình hòa giải và “thanh tẩy ký ức” khởi đi từ ngày Thứ Sáu Thánh.
Thánh
Phaolô giải thích cho chúng ta biến cố thập giá:
“Chính Người là sự bình an của chúng ta. Người đã liên kết đôi bên, dân
Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường
ngăn cách là sự thù ghét […] Như vậy
khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất
nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải
với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất. Trên thập giá, người đã tiêu diệt sự
thù ghét […]. Nhờ Người, cả đôi bên,
chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.”
(Ep 2,14-18)
Chắc
chắn hai dân này là dân Do Thái và dân ngoại.
Nhãn
quan tiên tri này của vị Tông Đồ đã lu mờ rất nhiều trong các sự kiện. Chính
trong một bài giảng ngày Thứ Sáu Thánh ở Tiểu Á vào thế kỷ thứ II (chúng ta đã
đọc một đoạn trong Phụng vụ Giờ Kinh hôm qua) mà lần đầu tiên Melito Sarđê tố
cáo người Do Thái về tội giết Thiên Chúa, không cần úp mở. “Người đã làm gì, hỡi
Israel? Người đã giết Chúa của ngươi trong ngày đại lễ. Ngươi hãy lắng nghe tiếng
con cháu các dân tộc và hãy nhìn xem. Vua đã bị lăng nhục. Thiên Chúa bị giết
chết…bởi tay người Do Thái[2]”.
Chính
trong bối cảnh cuộc bút chiến chống Do thái mà loại Thán ca (Impropères hay
Reproches), đã có nơi Melito, xuất hiện, sau này cũng xuất hiện trong phụng vụ
la tinh tôn thờ thánh giá, Người ta lần lượt kể lại những việc lành Thiên Chúa
đã làm cho Israel, và đáp lại là thái độ vô ơn bội bạc của dân. “Chính Người đã
đưa ngươi ra khỏi Ai Cập.. Còn ngươi thì trái lại…”
Đúng
là trong bản văn này và những bản văn khác tương tự, phải gán phần lớn cho khoa
tu từ, cách riêng cho loại văn đả kích rất thịnh hành thời ấy. Nhưng hạt giống
đã gieo và sẽ để lại dấu ấn trong phụng vụ (người ta nghĩ tới tính từ nổi tiếng
được sử dụng trong lời cầu nguyện cho người Do Thái và đã bị bỏ đi), trong nghệ
thuật và thậm chí trong văn hóa dân gian, góp phần vào việc phổ biến kiểu nói
khuôn đúc “người Do Thái”.
Linh
ảnh byzantin về cảnh đóng đinh hầu như luôn cho thấy hai khuôn mặt phụ nữ dưới
chân thập giá. Trong một số trường hợp, cà hai đều quay mặt về thập giá, nhưng
rất thường là người thì nhìn thập giá còn người kia thi quay lưng lại, hoặc thậm
chí bị thiên thần bắt phải rời xa thập giá. Đó là Giáo Hội và Hội đường. Người
ta đã lãng quên lời thánh Phaolô quả quyết rằng Đức Kitô chịu chết trên thập
giá để liên kết hai thực tại này chứ không phải để chia rẽ.
Tất
cả điều ấy, như Đức Thánh Cha lưu ý, đã khiến cho các Kitô hữu bớt cảnh giác
khi mà, trong thế kỷ chúng ta, cơn giận dữ của Đức Quốc Xã đã nổ ra chống lại
người Do Thái. Tóm lại, điều ấy đã gián tiếp ủng hộ cho Shoah (Holocauste: người Do Thái bị giết như lễ vật Hy Sinh). Nhưng
rất lâu trước khi có sự kết thúc gây tử vong này, cuộc tranh cãi đã được dùng để
biện minh cho nhiều sự phiền nhiễu và đã gây ra cho dân Do Thái nhiều đau khổ từ
phía dân Kitô giáo và từ chính các tổ chức của Giáo Hội.
Nhưng
tôi phải nói đến điều dường như cần phải làm sáng tỏ nhất. Trong cuộc tranh luận
mới đây tiếp theo sau Văn kiện “Chúng tôi
nhớ” của Hội Đồng giáo hoàng về việc hợp nhất các Kitô hữu được phổ biến, một
học giả được nhiều người biết đến đã đưa ra một cách triệt để cho toàn bộ vấn đề.
Ông viết nơi trang nhất của một tờ nhật báo lớn:
“Nguồn gốc của mọi chủ
trương bài do thái là ở trong Tân Ước, đặc biệt trong các thư thánh Phaolô và
sách Khải huyền. Một người con của Israel không thể quên rằng thời các Tổ Phụ,
trong đó anh ta đã quen nhìn thấy sự phục hồi của Lề Luật và đỉnh cao của mối
tương quan phó thác với Thiên Chúa, được Phaolô đánh giá là một thời kỳ bị tội
lỗi và sự chết chi phối. Anh ta không thể chịu được rằng Giêrusalem, nơi thiêng
thánh tuyệt vời, được tác giả sách Khải huyền coi là nơi tập trung của sự dữ thể
lý và siêu hình, nơi Con Rồng và Con Thú trị vì.”
Tác
giả viết tiếp: phương dược duy nhất là “kiểm duyệt thánh Phaolô, kiểm duyệt
sách Khải huyền và những đoạn Phúc Âm trong đó tình cảm bài do thái được diễn tả
cách mãnh liệt nhất”. Nhưng vì không thể yêu cầu người Kitô hữu làm điều đó (thậm
chí là một sự mất đức tin nếu họ làm điều đó), chỉ còn việc là mỗi người học hỏi
gốc rễ tôn giáo riêng của mình, trong một tinh thần khoan dung, hướng tới những
giá trị phổ quát vượt lên trên mọi tôn giáo và chung cho mọi tôn giáo[3].
Như
ta thấy, đây là một tư duy hoàn toàn có thể có. Nhưng tôi thấy ở đó một sự mập
mờ căn bản. Phaolô không chỉ coi thời của các Tổ Phụ như “một thời bị tội lỗi
và sự chết thống trị”, nhưng cả thời của toàn thể nhân loại trước Đức Kitô.
Ngài quả quyết trong thư Rôma: “Do Thái
cũng như Hy Lạp đều bị tội lỗi thống trị” (Rm 3,9). Bên trong tình huống
chung này của tội lỗi và sự chết, ngài thậm chí công nhận ưu thế rõ ràng của
dân Do thái: “Vậy thì người Do thái được
gì hơn? Phép cắt bì có ích lợi gì? Nhiều lắm chứ! Về mọi mặt! Trước hết họ đã
được Thiên Chúa giao phó lời Người cho họ.” (Rm 3,1-2)
Làm
sao ngươi ta có thể tố cáo Phaolô là đã không nhận ra nơi Abraham “tột đỉnh của
mối tương quan phó thác nơi Thiên Chúa, trong khi chính vì đó mà ngài gọi ông
là “cha của các kẻ tin” (Rm 4,16). Liên
quan tới thánh Phaolô, có sự nhầm lẫn lớn nảy sinh từ việc người ta đã buộc tội
ngài là đã tranh luận "chống lại người Do Thái", trong khi thực tế,
đó là một cuộc bút chiến chống lại "các Kitô hữu gốc Do thái".
Vả
lại, những gì Phaolô và Gioan nói về người Do Thái không là gì so với những gì
các ngài nói về người ngoại giáo. Những người này được xác định bằng những hạn
từ như sau: “Anh em không có Đấng Kitô,
không được hưởng quyền công dân Israel, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa
của Thiên Chúa, không có niểm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này.”
(Ep 2,12) Và thành Babylon này của sách Khải huyền, nơi ngự trị của Con Thú và
Con Rồng, chúng ta biết rõ không được đồng hóa nó tiên vàn với Giêrusalem,
nhưng với Rôma ngoại đạo, thành phố có “bảy
ngọn đồi” (Kh 17,9).
***
Tôi
cho rằng câu trả lời đúng đắn cho vấn đề gợi ra là ở trong những lời của Đức
Giáo Hoàng mà tôi vừa nhắc đến: “Trong thế giới Kitô giáo, những cách giải
thích sai lạc và bất công đối với Tân Ước liên quan tới dân Do thái và lỗi lầm
được gán cho họ đã truyền đi quá lâu.” Chủ trương bài Do thái không phát sinh từ
sự trung thành với Kinh Thánh Kitô giáo, nhưng từ sự bất trung đối với sách đó.
Theo nghĩa này, tình hình mới mẻ do cuộc đối thoại giữa người Do Thái và người
Kitô hữu tạo ra thực sự là có ích để hiểu rõ hơn chính Kinh Thánh của chúng ta.
Nó là một dấu chỉ thời đại. Thử xem theo nghĩa nào.
Chúng
ta hãy trở lại với ngôn thức đầu tiên của mầu nhiệm vượt qua, tới khởi giảng.
Khởi giảng không bao giờ nói người Do Thái gây nên cái chết của Đức Kitô, nhưng
“tội lỗi của chúng ta”. “Đức Giêsu chính
là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống
lại để chúng ta được nên công chính.” (Rm 4,25) Ngay cả những Tín biểu có dấu
vết tên của Phonxiô Philatô, cũng không bao giờ đề cập người Do Thái khi nói về
việc đóng đinh thập giá và cái chết của Đức Kitô.
Chắc
chắn một số thủ lãnh Do Thái đã đóng một vai trò tích cực trong việc kết án Đức
Giêsu. Trình thuật cuộc Khổ nạn chúng ta vừa nghe nhắc lại cho chúng ta điều
đó. Nhưng đây chỉ là những lý do chất thể. Trong mức độ người ta nhấn mạnh những
hoàn cảnh cụ thể này, bằng cách gán cho chúng một giá trị thần học và không chỉ
là giá trị lịch sử, người ta quên mất tầm quan trọng phổ quát và vũ trụ của cái
chết của Đức Kitô. Người ta tầm thường hóa thảm kịch Cứu Chuộc khi coi nó là kết
quả của các hoàn cảnh ngẫu nhiên. Gioan viết: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội
lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1Ga 2,2). Của cả
thế gian nữa: ngay cả cho những người không biết hoặc không tin!
Người
ta quên đi một sự kiện khác trong cuộc bút chiến với người Do Thái: họ đã hành
động vì không biết (cho dù điều đó không muốn nói là không có lỗi). Trên thập
giá, Đức Kitô nói: “Lạy Cha, xin tha cho
họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34) Sau ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô
nói: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh
em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em” (Cv
3,17; x. Cv 13,27). “Nếu biết, họ đã chẳng
đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá.” (1Cr 2,8)
Chúng
ta còn muốn tiếp tục nòi về việc giết Thiên Chúa nữa chăng? Cừ tiếp tục vì,
theo Kinh Thánh và tín lý của chúng ta, đã có việc giết Thiên Chúa. Nhưng hãy
biết cho rằng người Do Thái không phải là những gười Do Thái phạm tội đó, tất cả
chúng ta đều đã phạm.
***
Nhưng
nếu “những gốc rễ của sự thù ghét người Do Thái” không có trong Tân Ước, thì
chúng ở đâu? Nếp gẫy đã xẩy ra như thế nào và khi nào? Tôi cho rằng khám phá ra
chuyện đó không khó. Đức Giêsu, các Tông Đồ, thày phó tế Têphanô (x. Cv 7) đã
tranh luận với các thủ lãnh người Do Thái, đôi khi bằng một giọng rất gay gắt.
Nhưng các ngài đã làm với tinh thần nào? Khi loan báo Giêrusalem sẽ bị tàn phá,
Đức Giêsu đã khóc, giống như Ngài đã khóc trước cái chết của bạn mình là
Ladarô. Têphanô trước khi chết còn kêu lên: “Lậy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!” (Cv 7,60)
Phaolô,
bị cáo chính trong toàn bộ vụ này, còn đi đến chỗ nói lên những lời khiến người
ta phải rùng mình: “Có Đức Kitô chứng
giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần
hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ
mãi không ngơi. Quả vậy giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống mà
tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng.” (Rm 9,1-3)
Đối với Phaolô, “sống là Đức Kitô”, vậy mà còn chấp nhận xa lìa Đức Kitô, nếu
việc đó giúp cho những anh em theo xác thịt của ngài chấp nhận Đấng Mêsia!
Những
con ngươi như vậy nói từ bên trong dân Do Thái, cảm thấy liên đới với dân, vì họ
thuộc về cùng một thực tại tôn giáo và nhân văn. Họ có thể nói: “Những người
kia là người Do Thái ư? Tôi cũng vậy!” Khi yêu nhau, người ta có thể nói với
nhau như thế. Có phải các tiên tri, chính Môsê, đã ít nghiêm khắc đối với
Israel? Đôi khi họ đã không nghiêm khắc hơn nhiều đó sao? Chính từ họ mà có những
kiểu nói nghiêm khắc nhất của Tân Ước. Nguồn gốc cuối cùng của những bài “Thán ca” là ở đâu, nếu không phải là từ
văn thể chất vấn thiêng thánh mà trong Cựu Ước Thiên Chúa dành cho dân mình (x.
Đnl 32; Mk 6,3-4; Tv 77 và 105)?
Phải
chăng người Do Thái cảm thấy bị Môsê và các tiên tri xúc phạm, và vì đó mà tố
cáo các vị này là bài Do Thái? Họ biết rằng trong trường hợp này, Môsê sẵn sàng
tự loại mình khỏi Sách Sự Sống hơn là chỉ tự cứu mình thôi mà không có dân của
mình. Tự nền tảng, điều đó không khác với điều cũng xẩy ra giữa chúng ta. Dante
Alighieri nói với người Ý bằng những lời thóa mạ đến nỗi nếu một người lạ đánh
liều nhận những lời đó là của mình, dù chỉ là một phần rất nhỏ, chúng ta sẽ biến
chúng thành một thảm kịch. Về phần mình, chúng ta chấp nhận người đó; chúng ta
cảm thấy rằng người đó là người của ta, người đó lấy lòng yêu thương mà nói,
không phải với giọng khinh miệt.
Ngược
lại, điều gì đã xẩy ra khi từ Giáo Hội sơ khai của những Kitô hữu gốc Do Thái
chuyển qua Giáo Hội gốc Dân Ngoại? Dân Ngoại coi cuộc tranh luận của Đức Giêsu
và của các Tông Đồ chống lại Do Thái giáo là của mình, nhưng không phải tình
yêu của các ngài đối với người Do Thái. Cuộc tranh luận thì được chuyển đạt, chứ
tình yêu thi không! Khi nói về biến cố hủy hoại thành Giêrusalem, các Giáo Phụ
sẽ không khóc khi nói về nó, mà ngược lại!
Gốc
rễ của vấn đề hoàn toàn là ở đây: một sự thiếu vắng tình yêu, tức là một thái độ
bất trung với lệnh truyền cơ bản của Phúc Âm. Người Kitô hữu chúng ta đã tiếp tục
phàn nàn, và phàn nàn đến tận trước ngày Shoah, về sự thù ghét của người Do
Thái chống lại người Kitô hữu, về sự chống đối việc truyền bá Phúc Âm (điều rất
đúng đặc biệt lúc đầu), nhưng chúng ta đã không nhận ra “cái đà” trong tâm hồn
chúng ta!
Đây
không phải là đưa ra một vụ kiện tổng quát về quá khứ. Đức Thánh Cha viết trong
Ngàn năm thứ ba đang đến: “Để phán xét cho đúng về lịch sử, người ta không thể bỏ
qua mà không lưu ý đến những điều kiện về văn hóa của thời kỳ.” Quả thực khi ấy
người ta nhất tề nghĩ rằng những quyền của chân lý đi trước những quyền của con
người. Thế nên đây không phải là lúc đưa ra một vụ kiện về quá khứ. Tuy vậy,
Tông thư viết tiếp, “việc xem xét những tình tiết giảm nhẹ không miễn cho Giáo
Hội bổn phận phải hối tiếc sâu sắc về những yếu đuối của rất nhiều con cái mình
đã làm méo mó bộ mặt của Giáo Hội, và đã không cho Giáo Hội phản chiếu đầy đủ
hình ảnh Chúa chịu đóng đinh của mình, là chứng nhân vô song của tình yêu nhẫn
nại và của dịu dàng khiêm nhường” (số 35). Khi Giáo Hội nói về các “con cái” của
mình, chúng ta biết Giáo Hội cũng bao gồm trong đó các “người cha” nữa
***
Khi
tôi nói về lầm lỗi xúc phạm tới những người anh em Do Thái, tôi không chỉ nghĩ
đến lầm lỗi của những người khác, của những thế hệ trước tôi. Tôi còn nghĩ đến lầm
lỗi của tôi. Tôi luốn nhớ đến khoảnh khắc tôi bắt đầu hoán cải về vấn đề này.
Chuyện đó xẩy ra trong một chuyến bay đưa tôi trở về sau cuộc hành hương đầu
tiên của tôi nơi Đất Thánh. Tôi đọc Sách Thánh và lời trong thư Êphêsô đập vào
mắt tôi: “Có ai ghét thân xác mình bao giờ”
(Ep 5,29). Tôi hiểu rằng câu đó cũng áp dụng cho mối tương quan của Đức Giêsu với
dân Ngài. Và những định kiến của tôi, nếu không phải là những thù nghịch của
tôi đối với người Do Thái, từ từ thấm nhiễm vào tôi trong suốt những năm tôi được
đào tạo, bỗng xuất hiện như một sự xúc phạm tới chính Đức Giêsu.
Ngài
đã mặc lấy mọi sự giống ta, trừ ra tội. Nhưng tình yêu đối với tổ quốc của Ngài
và sự liên đới với dân tộc Ngài không phải là một tội, chúng là một giá trị. Vậy,
do chính việc Nhập Thể, Đức Giêsu – từ đây chúng ta gọi tên Do thái của Ngài là
Yeshua – yêu dân tộc Israel. Bằng một
tình yêu mạnh mẽ và tinh tuyền mà không một người yêu nước nào trên thế giới đã
từng có một tình yêu như vậy đối với tổ quốc. Tội chống lại người Do Thái cũng
là một tội chống lại nhân loại.
Tôi
đã hiểu rằng tôi phải trở lại với Israel, “Israel của Thiên Chúa”, theo cách gọi
của thánh Tông Đồ, một cách gọi không nhất thiết và không hoàn toàn trùng hợp với Israel chính trị, cho dù người ta cũng
không thể tách biệt chúng. Tôi hiểu rằng tình yêu này không phải là một mối đe
dọa đối với bất kỳ dân tộc nào khác, rằng nó không hình thành những liên minh
hay những khối chống lại ai, bởi vì Đức Giêsu đã dạy chúng ta rằng tâm hồn Kitô
giáo của chúng ta phải mở ra cho hết mọi người và giúp chính Israel làm như vậy.
“Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của
người Israel thôi? Thiên Chúa không là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa sao?”
(Rm 3.29)
***
Tất
cả những điều đó làm cho khuôn mặt của Edith Stein trở thành thân ái đối với
tôi, nàng Rebecca mới này mang nơi mình
hai quốc gia, hai dân tộc chống lại nhau, Giáo Hội và Hội Đường, và đã đổ máu
mình cho cả hai để giải hòa hai bên. Edith Stein là kiểu mẫu của tình yêu Kitô
giáo mới dành cho Israel, một tình yêu tìm được nơi Đức Giêsu không phải một vật
cản, nhưng là một khích lệ lớn nhất cho nó. Bà viết cho một trong những người bạn
thân linh mục của mình: “Cha không thể tin được làm một người con gái của dân
tuyển chọn, thuộc về Đức Kitô không những bằng tinh thần mà còn bằng huyết nhục,
có ý nghĩa thế nào đối với con.” Cảm thấy cùng một dòng máu với dòng máu Đức
Kitô lưu chuyển trong mạch, điều đó làm cho bà đầy tràn xúc động và tự hào.
Những
dòng chữ bà viết ngay từ những dấu chỉ đầu tiên của cuộc bách hại Đức Quốc Xã chống
lại người Do Thái trở nên nổi tiếng: “Ở đó, dưới bóng thập giá, tôi hiểu số phận
dân của Thiên Chúa : những ai biết rằng đây là thập giá Đức Kitô có nhiệm vụ
vác nó trên vai, nhân danh mọi người khác.” Khi bà cùng với em gái bị hai người
công an dẫn ra khỏi tu viện để đưa đi Auschwitz, một trong số những người có mặt
thấy Edith nắm chặt tay em gái và thì thầm bên tai: “Đi nào, chúng ta sắp chết
cho dân tộc ta.”
Thế
nhưng chúng ta có một gương mẫu lớn hơn Edith Stein, Đức Maria – chúng ta cũng
hãy gọi Người bằng danh xưng Do thái mỹ miều, Myriam – Mẹ của Đức Giêsu. Người là “hình bóng của Giáo Hội”, kiểu
mẫu của một Giáo Hội chưa bị một tội nào đó chống lại Israel làm cho nhơ bẩn,
không bị ảnh hưởng bởi sự thù nghịch. Tình cảm của Đức Maria đối với dân người
được diễn tả trong kinh Magnificat: “Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã
hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ
Abraham, và cho con cháu đến muôn đời.”
“Israel,
Abraham, tổ phụ chúng ta” : cảm xúc thuộc về dân Giao Ước. “thuộc hàng con cháu
đến muôn đời”: giống như nơi thánh Tông Đồ, một sự chắc chắn có tính chất không
thể hủy bỏ của lời hứa dành cho Israel.
***
Để
kết thúc, chúng ta trở lại với thư gửi tín hữu Ephêsô. Bức tường hận thù, bị thập
giá phá vỡ, đã được xây lại và củng cố qua các thế kỷ. Chúng ta lại phải phá vỡ
bằng sự thống hối cũng như bằng lời cầu xin Thiên Chúa và các anh em Do Thái
tha thứ cho chúng ta. Những cử chỉ và lời nói hòa giải phát xuất từ phẩm trật
Giáo Hội không được nằm chết trong các văn kiện, nhưng phải đạt tới tâm hồn của
mọi người tín hữu. Tôi đã dám nói ở đây chỉ vì điều đó mà thôi. Ngày xưa, vào
các dịp “đại phúc”, người ta đã dựng nên những “giàn thiêu” để thiêu hủy mọi sự
hư ảo. Trong ngày Thứ Sáu Thánh hôm nay, chúng ta cũng hãy làm một giàn thiêu để
phá hủy mọi thù nghịch của chúng ta. Phá hủy nơi chính chúng ta, chứ không phải
sự thù nghịch của những người khác.
Phải,
ước muốn của Đức Giêsu là tụ họp mọi con cái của dân Ngài, như gà mẹ ấp ủ con
dưới bóng cánh của mình, khi nào thì ước muốn đó được thực hiện? Người Kitô hữu
chúng ta có thể đẩy nhanh hay làm chậm lại ngày mà trên các đường phố ở
Giêrusalem, người ta lại reo hò như trong ngày Lễ Lá: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!” (x. Lc 13,34-35; 19,38).
Ngày Đức Giêsu Nadaret được dân mình thừa nhận, nếu không như Đấng Cứu Thế được
trông đợi và Con Thiên Chúa, như trong trường hợp của chúng ta, ít nhất cũng
như một trong các đại tiên tri của họ.
Năm
nay, do một sự trùng hợp họa hiếm, lễ Vượt Qua Do thái rơi vào chính ngày lễ Vượt
Qua của chúng ta. Ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau cử hành việc tưởng niệm
ơn cứu độ. Vượt Qua là dấu chỉ hữu hình và thể chế của sự tiếp nối giữa Israel
và Giáo Hội.
Có
một bản văn mà các người Do Thái đã và còn đang đọc trong “Seder” vượt qua. Melito Sarđê biến
bài đó thành của mình và đưa vào phụng vụ Kitô giáo, trong đoạn bài giảng
chúng ta đã nghe hôm qua. Ngươi Do Thái và chúng ta cùng nhau đọc hôm nay,
trong một tinh thần ca ngợi chúng và tạ ơn Thiên Chúa:
“Ngài
đã đưa chúng ta
Từ
chỗ nô lệ tới tự do
Từ
u sầu đến mừng vui
Từ
tang chế đến lễ lạc
Từ
bóng tối đến ánh sáng
Từ
tôi đòi đến cứu chuộc[4].”
Hãy
thêm điều này: Ngài đã đưa chúng ta từ thù nghịch đến bạn hữu. Ngài đã phá đổ bức
tường ngăn cách giữa chúng ta. Chúng ta có thể chuẩn bị vượt qua ngưỡng cửa của
thiên niên kỷ mới, trong tư cách của chững con người được hòa giải.
(Raniero
Cantalamessa, Nous prêchons un Christ
crucifié, EdB, 2018, pp. 213-225)
Lm
Micae Trần Đình Quảng
[1]
x. Lumen Gentium, số 8 : Giáo
Hội “sancta simul et semper purificanda” : thánh thiện đồng thời phải
luôn được thanh tẩy”.
[2] Melito Sarđê, Sur la Paque, 73-96, in Sources
Chrétiennes 123, p. 102-116
[3]
P. Citati, Le radici dell’odio
contro gli ebrei, in “La Republica”, 18.3.1998
[4]
Melito Sarđê, Pesachim X, 5 ;
x. Sur la Pâque, 68, in Sources chrétiennes 123, p.96-98.