XXVIII
“CÓ MẤY NGƯỜI PHỤ NỮ”
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu có thân mẫu Người,
chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Clopas, cùng với bà Maria Mađalêna.” (Ga
19,25) Một lần nữa chúng ta bỏ qua một bên Đức Maria, Mẹ Ngài. Không cần cắt
nghĩa sự hiện diện của Người trên đồi Canvê. Người là mẹ của Ngài, điều ấy cắt
nghĩa tất cả; những người mẹ không bao giờ bỏ con mình, cả khi con bị xử tử.
Nhưng tại sao có những phụ nữ khác ở đó? Họ là ai, có bao nhiêu người?
Phúc
Âm cho ta biết tên của một số phụ nữ trong nhóm họ: Maria Mađalêna, Maria mẹ của
Giacôbê hậu và Giuse, Salomê, mẹ của các con
ông Dêbêđê, Gioanna và Suzanna (x.Lc 8,3). Cùng với Đức Giêsu đến từ
Galilê, các phụ nữ này đã theo Ngài, vừa đi vừa khóc trên đường lên Canvê (Lc 23,27-28). Tới Gôlgôtha, họ quan sát “từ
xa” (nghĩa là với khoảng cách cho phép) và từ đó họ theo Ngài tới nơi an táng,
lòng đầy buồn bã, cùng với Giuse Arimathia (Lc 23,55).
Biến cố này được chứng thực quá rõ và quá lạ lùng nên
không thể coi thường. Người ta gọi những phụ nữ này là những “phụ nữ đạo đức” (đàn
ông chiều ý họ nên gọi thế), nhưng còn hơn cả những "phụ nữ đạo đức",
họ thực sự là những "Bà Mẹ Can Đảm"! Họ dũng cảm đối mặt với nguy hiểm,
công khai ủng hộ một người ''bị kết án tử hình”. Đức Giêsu đã nói: "Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!" (Lc 7,23) Họ là những phụ nữ
duy nhất không thấy vấp phạm vì Ngài.
Hiện nay người ta tranh luận sôi nổi về "những người
ra quyết định" về cái chết của Đức Giêsu: các nhà lãnh đạo Do Thái hay
Philatô, hay cả hai? Dầu sao, có điều chắc chắn: họ là đàn ông, không phải phụ
nữ. Không có người phụ nữ nào tham gia, thậm chí gián tiếp, vào việc kết án
Ngài. Người phụ nữ ngoại giáo duy nhất được đề cập trong các tường thuật về cuộc
Khổ Nạn, vợ của Philatô, cũng phản đối việc lên án Ngài (Mt 27,19). Chắc chắn Đức
Giêsu cũng chết vì tội lỗi của phụ nữ nữa, nhưng trên bình diện lịch sử, chỉ họ
mới có thể nói đúng: "Chúng tôi vô
can trong vụ đổ máu người này!” (x.
Mt 27,23)
Đây là một trong những dấu chỉ chắc chắn nhất về sự trung
thực và tính hợp lý của các Phúc Âm về phương diện lịch sử: hình tượng tầm thường
mà các tác giả và các người gợi hứng Phúc Âm đưa ra, cũng như vai trò lạ lùng
mà họ gán cho các phụ nữ. Ai cho phép người ta trung thành và mãi mãi gìn giữ
câu chuyện đáng xấu hổ về sự sợ hãi, hành vi trốn chạy, chối Thày của đàn ông,
tất cả còn trở nên tồi tệ khi so sánh với hành vi quá khác biệt của một số phụ
nữ tội nghiệp? Tôi nhắc lại, ai cho phép điều đó, nếu đã không có sự cưỡng bách
phải trung thành với một câu chuyện mà kể từ nay dường như vô cùng lớn hơn sự thảm
thương của họ?
***
Người ta đã luôn tự hỏi: làm sao mà những “phụ nữ đạo đức"
đã là những người đầu tiên được thấy Đấng Phục Sinh và được trao nhiệm vụ báo
tin cho các Tông Đồ? Đó là cách tốt nhất để làm cho sự phục sinh không đáng tin
cậy lắm. Chứng cớ của một phụ nữ không có tầm quan trọng nào trong việc xét xử.
Có lẽ vì lý do này mà không có bóng dáng phụ nữ trong bảng danh sách dài của
Phaolô viết về những người đã thấy Đấng Phục Sinh (x. 1Cr 15,5-8). Chính các Tông
Đồ trước tiên đã coi lời các phụ nữ là "lẩm cẩm" điển hình của phái nữ
và đã không tin vào điều đó (Lc 24, 11).
Các tác giả cổ đại tin rằng họ đã tìm thấy câu trả lời
cho câu hỏi này. Romanos le Melode nói trong một bài thánh thi của ông: "Phụ
nữ là người đầu tiên nhìn thấy Đấng Phục Sinh, vì chính một phụ nữ, bà Evà, là
người đầu tiên phạm tội[1]!”
Nhưng câu trả lời thực sự thì khác: phụ nữ đã là những người đầu tiên được thấy
Chúa sống lại, vì họ là người cuối cùng bỏ Ngài sau khi Ngài chết; và thậm chí
sau khi Ngài chết, họ còn trở lại ngôi mộ mang theo dầu thơm ướp xác (Mc 16,1).
Chúng ta phải đặt ra những câu hỏi: tại sao phụ nữ không
sợ cớ vấp phạm thập giá? Tại sao họ ở gần Đấng bị đóng đinh mặc dù mọi sự dường
như đã kết thúc và chính các môn đệ thân cận nhất của Ngài đã bỏ Ngài và quay về
nhà?
Chính Đức Giêsu đã trả lời trước cho Simon, khi Ngài nói
với ông về người phụ nữ tội lỗi đã rửa và hôn chân Ngài: "Chị ấy đã yêu mến nhiều!" (x. Lc 7,47)
Những phụ nữ đã đi theo Đức Giêsu vì chính Ngài, để tỏ lòng biết ơn vì những điều
tốt họ đã nhận được từ Ngài, không có hậu ý theo Ngài để kiếm ăn. Họ không được
hứa "mười hai tòa", cũng không yêu cầu được ngồi hai bên tả hữu Ngài
trong Nước Ngài. Theo Phúc Âm, họ đi theo Ngài "để phục vụ Ngài" (x.
Lc 8,3; Mt 27,55); họ là những người duy nhất, sau Đức Maria Mẹ Ngài, đã đồng
hóa tinh thần Phúc Âm. Họ đã theo những lý lẽ của con tim, thứ đã không lừa dối
họ.
***
Về vấn đề này, sự hiện diện của họ bên cạnh Đấng bị đóng
đinh và Phục Sinh mang lại cho chúng ta hôm nay một bài học sống còn. Văn minh
của chúng ta, bị kỹ thuật chi phối, cần có một trái tim, để con người có thể sống
mà không bị phi nhân bản hoàn toàn. Chúng ta phải mở rộng chỗ cho những "lý
lẽ của con tim", nếu chúng ta muốn tránh cho hành tinh của chúng ta, đang khi
nóng lên về mặt thể chất, không rơi vào thời kỳ băng giá về mặt tinh thần. Cuộc
khủng hoảng nghiêm trọng về niềm tin mà thế giới đang trải qua ngày hôm nay bắt
nguồn từ việc người ta không lắng nghe những lý lẽ của con tim, nhưng giới hạn vào
những mưu mẹo của tâm trí.
Trong điều đó, và trái với nhiều lãnh vực khác, kỹ thuật
không giúp ích nhiều cho chúng ta. Đã từ lâu chúng ta làm việc trên một loại
máy tính "suy nghĩ" và nhiều người tin chắc rằng sẽ đạt đến chỗ đó.
Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có ai xem xét khả năng một máy tính "yêu
thương", xúc động, giúp con người về mặt tình cảm, giúp họ yêu thương, như
giúp họ tính toán khoảng cách giữa các vì sao, xác định chuyển động của các
nguyên tử, ghi nhớ dữ liệu...
Sự phát triển của trí khôn và các khả năng nhận thức của con
người chẳng may không đi đôi với sự phát triển khả năng yêu thương. Thậm chí việc
sau dường như không quan trọng tí nào khi
chúng ta biết rõ rằng thực tế có hạnh phúc hay không trên trần gian không phụ
thuộc vào thực tế có kiến thức hay không, cho bằng thực tế có yêu hay không
yêu, được yêu hay không được yêu. Lý do rất đơn giản: chúng ta được tạo dựng
"theo hình ảnh của Thiên Chúa" và Thiên Chúa là tình yêu. Deus caritas est! Không khó để hiểu tại sao chúng ta muốn phát huy kiến thức của
mình rất nhiều và tại sao chúng ta rất ít muốn gia tăng khả năng yêu thương: kiến
thức tự động thể hiện thành quyền lực, tình yêu thành phục vụ.
Một trong những thần tượng hiện đại là "IQ",
"chỉ số thông minh". Nhiều phương pháp đã được phát triển để đo chỉ số
IQ. Nhưng có ai quan tâm cũng để ý đến "chỉ số tình cảm" chăng? Thế
mà chỉ có tình yêu cứu chuộc và cứu độ, trong khi khoa học và khao khát kiến thức,
chỉ riêng chúng, có thể dẫn đến đọa đày.
Đây là điều Faust
của Goethe kết luận và cũng là tiếng kêu của một đạo diễn, người đã đóng xuống
đất cách tượng trưng khối lượng quý giá của một thư viện và cho diễn viên chính
thốt lên rằng "tất cả những cuốn sách trên thế giới không có giá trị bằng
một cái vuốt ve âu yếm[2]".
Trước đó, thánh Phaolô đã viết: "Sự
hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn bác ái thì xây dựng" (1Cr 8.1) Đức
Giáo Hoàng nhắc nhở chúng ta trong Thánh lễ Dầu: "Không có tình yêu, con
người trống rỗng bên trong.”
Sau rất nhiều thời kỳ đã lấy tên của con người – homo erectus, homo faber, cho đến homo
sapiens-sapiens nghĩa là rất khôn ngoan, ngày hôm nay – chúng ta phải hy vọng rằng cuối cùng một kỷ
nguyên của phụ nữ cũng mở ra cho nhân loại: một kỷ nguyên của trái tim, của lòng
trắc ẩn và cuối cùng trái đất này không còn là "Mẫu đo đất khiến chúng ta
trở nên quá dữ tợn[3]".
***
Từ mọi nơi xuất hiện nhu cầu cung cấp thêm không gian cho
phụ nữ. Chúng ta không tin rằng "yếu tố nữ vĩnh cửu sẽ cứu chúng ta[4]".
Kinh nghiệm hàng ngày cho thấy phụ nữ có thể "kéo chúng ta lên" nhưng
cũng có thể đẩy chúng ta xuống. Họ cũng cần được Đức Kitô cứu. Nhưng chắc chắn
một khi được Đức Kitô cứu và "giải thoát" khỏi lệ thuộc đàn ông từ xa
xưa, phụ nữ có thể góp phần cứu xã hội chúng ta khỏi những tệ nạn có gốc rễ sâu
xa đe dọa nó: bạo lực, ý chí quyền lực, khô cằn thiêng liêng, khinh rẻ sự sống...
Chỉ cần tránh lặp lại lỗi lầm cũ theo đó người phụ nữ, để
tự cứu mình, phải thôi là phụ nữ và biến mình thành đàn ông[5].
Định kiến này đã ăn sâu trong xã hội đến nỗi chính phụ nữ đã phải chịu thua nó.
Để khẳng định phẩm giá của mình, đôi khi họ nghĩ cần phải chấp nhận các hành vi
nam tính hoặc thậm chí giảm thiểu sự khác biệt giữa hai phái, bằng cách chỉ coi
nó như một sản phẩm của văn hóa. "Người ta không sinh ra là phụ nữ, người
ta trở thành phụ nữ", theo lời một trong những đại biểu nổi tiếng của họ[6].
Chúng ta phải hết lòng biết ơn những "phụ nữ đạo đức"!
Trên đường đến Calvê, những tiếng nức nở của họ là những âm thanh thân thiện
duy nhất lọt đến tai Đấng Cứu Thế; trong khi Ngài bị treo trên thập giá, "cái
nhìn" của họ là cái nhìn duy nhất đầy yêu mến và cảm thương đối với Ngài.
Phụng vụ byzantin
đã vinh danh những phụ nữ đạo đức bằng cách dành cho họ một Chúa nhật của năm
phụng vụ, Chúa nhật thứ hai sau Lễ Phục Sinh, lấy tên là "Chúa nhật của những
Myrrophores", nghĩa là Chúa nhật của những người mang dầu thơm ướp xác. Đức
Giêsu hạnh phúc khi chúng ta vinh danh trong Giáo Hội những phụ nữ yêu mến Ngài
và tin vào Ngài khi Ngài còn sống. Về một trong số họ – người phụ nữ đã đổ một bình
dầu thơm lên đầu Ngài – Ngài đã nói một
câu tiên tri lạ lùng vẫn tiếp tục được thực hiện qua nhiều đời: "Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào
trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô."
(Mt 26,13)
***
Tuy nhiên, ngưỡng mộ và vinh danh những phụ nữ đạo đức là
không đủ, chúng ta còn phải bắt chước họ. Thánh Lêô Cả nói rằng "Cuộc Khổ
Nạn của Đức Kitô tiếp tục cho đến hết đời[7]",
còn Pascal thì viết: "Đức Giêsu sẽ hấp hối cho đến tận thế[8]".
Cuộc Khổ Nạn nối dài nơi các chi thể của Thân Thể Đức Kitô. Nhiều phụ nữ, tu sĩ
và giáo dân, ngày nay ở bên cạnh những người nghèo, những bệnh nhân SIDA, những
tù nhân, những người thuộc mọi hạng bị loại trừ khỏi xã hội, là những người thừa
kế những "phụ nữ đạo đức" này. Đối với những phụ nữ này – tín hữu hay
không – Đức Kitô lặp lại lời Ngài đã nói: “là
các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)
Những phụ nữ đạo đức là gương cho các phụ nữ Kitô giáo
ngày nay, không những vì vai trò của họ trong cuộc Khổ Nạn mà cả trong cuộc Phục
Sinh. Từ đầu đến cuối Kinh Thánh, người ta bắt gặp những chữ “Hãy đi” hoặc “Các
con (ngươi) hãy đi”, bao nhiêu lần Thiên Chúa sai đi. Đó là lời nói với
Abraham, với Môsê (“Ngươi hãy đi, Ta sai
người đến với Pharaon” x. Xh 3,10), với các tiên tri, với các Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15)
Tất cả những lời mời gọi này là nói với các ông. Chỉ có một
lời “Hãy đi” nói với các phụ nữ, là lời nói với các bà đang mang thuốc thơm đi
ướp xác vào sáng ngày Phục Sinh: “Khi ấy
Đức Giêsu nói với họ : Chị em đừng sợ. Về báo cho anh em của Thầy để họ đến
Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10) Bằng những lời này, Ngài biến
họ thành những chứng nhân đầu tiên của sự Phục Sinh, “các bà chủ của các ông chủ”
như các tác giả xưa đã gọi[9].
Thật đáng tiếc cho Maria Mađalêna, vì cô đã được đồng hóa
với người phụ nữ tội lỗi đã rửa chân cho Đức Giêsu (Lc 7,37), cuối cùng đã làm
phong phú vô số truyền thuyết cổ xưa và hiện đại và được nhớ đến trong việc tôn
kính cũng như trong nghệ thuật hầu như chỉ trong vỏ bọc một "hối
nhân", không phải là chứng nhân đầu tiên về sự phục sinh, cô, "tông đồ
của các tông đồ, như thánh Tôma Aquinô định nghĩa.
***
“Các bà vội vã rời
khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức
Giêsu hay” (Mt 28,8) Hỡi các phụ nữ Kitô giáo, hãy tiếp tục báo tin vui cho
các người kế vị các Tông Đồ, và cho các linh mục chúng tôi, những cộng tác viên
của các ngài: “Thầy đang sống! Ngài đã sống lại! Ngài đến trước các vị ở
Galilê, nghĩa là nơi các vị đến! Xin đừng sợ!”
Xin tiếp tục hát bài thánh ca xưa mà phụng vụ đặt vào môi
miệng của Maria Mađalêna: “Mors et vita
duello conflixere mirando: dux vitae mortuus regnat vivus; Sự sống và sự chết giao tranh với nhau trong một cuộc chiến
tay đôi lạ lùng: Chúa của sự sống đã chết nhưng nay đang sống và cai trị.” Sự sống
đã chiến thắng sự chết, nhờ Đức Kitô, và một ngày kia cũng sẽ như thế đối với
chúng ta. Bên cạnh tất cả các phụ nữ thiện chí, các vị là niềm hy vọng cho một
thế giới nhân bản hơn.
Chúng ta dùng một lời kinh của Giáo Hội xưa mà thưa lên với
Đấng đứng đầu các “phụ nữ đạo đức” và là mẫu gương khôn sánh cho họ, là Mẹ Đức
Giêsu:
“Lạy Mẹ Maria, xin cứu giúp những kẻ khốn cùng, nâng đỡ những
người sợ hãi, an ủi những ai yếu nhược : xin cầu cho dân Chúa, bênh đỡ hàng giáo
sĩ, cầu bầu cho giới phụ nữ đạo đức.”
“Sancta Maria,
succurre miseris, iuva pusillanimes, refove flebiles. Ora pro populo, interveni
pro clero, intercedo pro devoto femineo sexu.”
(Raniero
Cantalamessa, Nous prêchons un Christ
crucifié, EdB, 2018, pp. 317-325)
Lm
Micae Trần Đình Quảng
[1]
Romanos le Mélode, Hymnes, 45,
6 (SCh 128).
[2]
Trong phim Ý “Cento chiodi” của Ermano Olmi.
[3]
Dante Alighieri, Paradis,
Actes Sud, Arles 2007.
[4]
W. Goethe, Faust, II partie,
Gallimard, Paris 2007.
[5]
x. L’Evangile copte de Thomas,
114; Extraits de Théodote, 21, 3.
[6]
S. de Beauvoir, Le Deuxième Sexe,
1949.
[7] Lêô Cả, Sermon
70, 5.
[8]
B. Pascal, Pensées, 553.
[9]
Grêgoriô Antiokia, Homélie sur les
femmes myrrophores, 11 (PG 88, 1864)