XXIX
“CHIẾC ÁO DÀI KHÔNG
CÓ ĐƯỜNG KHÂU”
“Đóng đinh Đức Giêsu vào
thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một
phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt
liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem
ai được”. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả
áo dài cũng bắt thăm luôn.” (Ga 19:23-24).
Người
ta luôn tự hỏi thánh Gioan muốn nói gì khi ngài coi chi tiết đặc biệt này của
cuộc Khổ Nạn quan trọng đến vậy. Một lời giải thích tương đối mới đây cho là
chiếc áo dài nhắc nhớ phẩm phục của vị thượng tế, và vì vậy, Gioan muốn quả quyết
rằng Đức Giêsu đã chết không chỉ như một ông vua mà còn như một tư tế. Tuy
nhiên Kinh Thánh không xác định áo choàng của thượng tế không có đường khâu (x.
Xh 28,4; Lv 16,4). Do đó, các nhà chú giải có uy tín nhất thích giữ lại cách giải
thích truyền thống hơn, theo đó chiếc áo không có đường khâu tượng trưng cho sự
hiệp nhất của Giáo Hội[1].
Bất
kể bản văn được giải thích theo cách nào, có một điều chắc chắn: sự hiệp nhất của
các môn đệ và, thông qua họ, của cả nhân loại, đối với Gioan, là mục tiêu khiến
cho Đức Kitô phải chết: “Đức Giêsu sắp phải
chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con
cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.” (Ga 11,51-52). Trong bữa
tiệc ly, chính Ngài đã nói: “Con không chỉ
cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào
con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở
trong chúng ta.” (Ga 17,20-21)
Tin
vui chúng ta công bố ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là sự hiệp nhất mà, trước khi là một
mục tiêu phải đạt tới, đã là một món quà để đón nhận. Theo thánh Cyprianô, chiếc
áo dài dệt liền “từ trên xuống dưới”, có nghĩa là “sự hiệp nhất mà Chúa Kitô
mang lại đến từ trên cao, từ Cha trên trời, và vì vậy, không thể bị phân chia bởi
những người nhận nó, nhưng phải được đón nhận cách nguyên vẹn[2].”
Những
người lính chia "áo xống" thành bốn phần, tức là áo ngoài của Đức
Giêsu (ta imatia), chứ không phải áo
trong (chiton), là áo tiếp xúc trực
tiếp với thân thể của Ngài. Đây cũng là một biểu tượng. Con người chúng ta có
thể phân chia yếu tố con người và hữu hình của Giáo Hội, nhưng không thể phân
chia sự hiệp nhất sâu xa hơn, được đồng hóa với Chúa Thánh Thần. Áo dài của Đức
Kitô đã không và sẽ không bao giờ có thể bị phân chia. Nó cũng không có đường
khâu. Phaolô kêu lên: “Thế ra Đức Kitô đã
bị chia năm xẻ bẩy rồi ư?” (x. 1Cr 1,13). Đó là đức tin mà chúng ta tuyên xưng
trong Kinh Tin Kính: "Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và
tông truyền".
*
* *
Nhưng
nếu sự hiệp nhất phải được dùng làm dấu chỉ "để thế giới tin", thì nó
cũng phải là một sự hiệp nhất hữu hình và cộng đồng. Đây là sự hiệp nhất mà
chúng ta đã đánh mất và chúng ta phải tìm thấy lại. Nó còn hơn là những quan hệ
láng giềng; nó là sự hiệp nhất mầu nhiệm bên trong, "một thân thể, một Thần Khí, một hy vọng, một Đức Chúa, một niềm tin, một
phép rửa, một Thiên Chúa, Cha của mọi người" (Ep 4,4-6), với điều kiện
được các tín hữu đón nhận, sống và biểu lộ cụ thể. Một sự hiệp nhất không bị lung
lay bởi sự đa dạng, nhưng có thể được diễn tả trong sự đa dạng đó.
Sau
ngày Phục Sinh, các tông đồ hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc khôi phục vương quốc Israel không?"
(Cv 1,6). Ngày nay, chúng ta thường đặt câu hỏi như thế với Thiên Chúa: có phải
bây giờ là lúc khôi phục sự hiệp nhất hữu hình của Giáo Hội không? Câu trả lời
của Thiên Chúa cũng giống như câu trả lời của Chúa Giêsu cho các môn đệ: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn
Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhung anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần
khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy.”
(Cv 1,6-8)
Đức
Thánh Cha (Bênêđitô XVI) đã nhắc lại điều này trong bài giảng ngày 25 tháng 1 tại
đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, vào cuối Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất
Kitô giáo. Ngài nói: "Hiệp nhất với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta
là một món quà từ trên, phát xuất từ sự hiệp thông yêu thương giữa Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong đó nó được gia tăng và hoàn thiện. Chúng ta
không có quyền quyết định sự hiệp nhất này sẽ được hoàn tất khi nào hoặc thế
nào. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm được! Giống như thánh Phaolô, chúng ta
hãy tin tưởng và hy vọng vào “ân sủng của Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Hôm
nay cũng vậy, Chúa Thánh Thần sẽ là Đấng duy nhất đưa chúng ta tới hiệp nhất, nếu
chúng ta để Người hướng dẫn. Chúa Thánh Thần đã đem lại sự hiệp nhất căn bản đầu
tiên của Giáo Hội, giữa người Do Thái và người ngoại giáo như thế nào? Chúa
Thánh Thần xuống trên Cornêliô và toàn thể gia đình ông theo cùng một cách mà
Người đã xuống trên các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Phêrô chỉ cần rút ra kết
luận: "Vậy nếu Thiên Chúa đã ban cho
họ cùng một ân huệ như Ngài đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Đức Giêsu
Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?" (Cv 11,17).
Trong
suốt thế kỷ vừa qua, chúng ta đã thấy cùng một điều kỳ diệu được lặp lại trước
mắt chúng ta trên quy mô toàn cầu. Thiên Chúa đã đổ Thánh Thần một cách mới mẻ
và lạ lùng trên hàng triệu tín đồ từ mọi giáo phái Kitô, và để không có nghi ngờ
nào về ý định của Người, Người đã đổ Thần Khí với cùng những biểu hiện như vậy.
Đây không phải là dấu cho thấy Thần Khí thúc đẩy chúng ta nhận ra nhau là những
môn đệ của Đức Kitô và cùng nhau hướng tới sự hiệp nhất sao?
Đúng
là sự hiệp nhất thiêng liêng và đặc sủng này không đủ. Chúng ta đã thấy như thế
ngay từ thời Giáo Hội sơ khai. Sự hiệp nhất mới được hình thành giữa người Do
Thái và Dân Ngoại đã bị ly giáo đe dọa. Trong cái gọi là Công đồng Giêrusalem
người ta đã “tranh luận nhiều” và cuối cùng đã đạt được một thoả thuận và thông
báo cho Giáo Hội bằng công thức: "Thánh
Thần và chúng tôi đã quyết đinh..." (Cv 15,28).
Vì
vậy, Chúa Thánh Thần cũng hành động bằng một cách khác: kiên nhẫn trao đổi, đối
thoại và thậm chí thỏa hiệp giữa các bên, khi không liên hệ đến những điều thiết
yếu của đức tin. Người hành động qua "cơ cấu" của con người và các
“chức vụ" do Chúa Giêsu đặt định, trên hết là chức vụ tông đồ và của
Phêrô. Đó là điều mà ngày nay chúng ta gọi là phong trào đại kết về giáo lý và
thể chế.
*
* *
Tuy
nhiên, kinh nghiệm cho thấy ngay cả sự hiệp nhất về giáo lý cũng không đủ và
không làm cho các vấn đề tiến triển, nếu không đi kèm với một sự hiệp nhất thiêng
liêng căn bản. Những nhân vật lớn nhất cổ cõ cho sự hiệp nhất thể chế lặp đi lặp
lại điều đó cho chúng ta với sự nhấn mạnh ngày càng gia tăng. Để kỷ niệm bách
chu niên thiết lập tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu
(1908-2008), dưới chân thập giá, chúng ta muốn suy gẫm về sự hiệp nhất thiêng
liêng này, xem nó là gì, làm cách nào chúng ta có thể tiến bộ trong lãnh vực
này.
Sự
hiệp nhất thiêng liêng phát sinh nhờ thống hối và tha thứ, và được nuôi dưỡng bằng
lời cầu nguyện. Năm 1977, tôi đã tham dự một hội nghị đại đặc sủng ở thành phố
Kansas, Missouri. Có bốn mươi ngàn người tham gia, gần một nửa trong số họ là
người công giáo (bao gồm Hồng y Suenens) và phần còn lại của các giáo phái Kitô
giáo khác. Vào một buổi tối, một trong những người thuyết trình bắt đầu nói qua
micro theo cách mà vào thời điểm đó, hoàn toàn xa lạ với tôi: "Hỡi các bạn,
linh mục và mục sư, hãy khóc lên và rên rỉ vì thân thể của Con Ta bị phá vỡ. Hỡi
các bạn là giáo dân nam nữ, hãy khóc lên và rên rỉ vì thân thể Con Ta bị phá vỡ."
Mọi
người xung quanh tôi lần lượt quỳ xuống, và một vài tiếng nức nở, ăn năn vì sự
chia rẽ trong Thân thể Đức Kitô. Một biểu ngữ khổng lồ treo trên sân vận động
có hàng chữ sau: "Jesus is Lord",
Đức Giêsu là Chúa". Tôi đã ở đó, như một người quan sát vẫn còn rất hay
phê bình và dửng dưng, nhưng tôi nhớ mình đã nghĩ: "Nếu một ngày nào đó các
tín hữu được hợp nhất trong một Giáo hội duy nhất, thì cũng sẽ như thế: tất cả
chúng ta sẽ quỳ gối, tấm lòng ăn năn và cảm thấy nhục nhã, dưới vương quyền vĩ
đại của Đức Kitô."
Nếu
sự hiệp nhất của các môn đệ phải phản chiếu sự hiệp nhất giữa Cha và Con, trước
hết nó phải là sự hiệp nhất yêu thương, vì sự hiệp nhất trong Ba Ngôi là như thế.
Kinh Thánh khuyên chúng ta "sống
theo sự thật và trong tình bác ái” (veritatem
facientes caritate) (x. Êp 4,15). Còn Augustinô thì quả quyết rằng "người
ta không vào trong sự thật nếu không qua bác ái[3]",
(non intratur in veritatem nisi per
caritatem).
Điều
lạ lùng là con đường đưa tới sự hiệp nhất này, dựa trên tình yêu, giờ đây đã rộng
mở trước mắt chúng ta. Chúng ta không thể “đốt giai đoạn” trên bình diện giáo
lý vì vẫn còn những khác biệt và các vị hữu trách có thẩm quyền phải nhẫn nại
giải quyết. Thay vào đó từ lúc này chúng ta có thể đốt giai đoạn trong lãnh vực
bác ái và được hiệp nhất. Theo thánh Augustinô, dấu chỉ chân thật và chắc chắn
cho thấy Chúa Thánh Thần đến, là không nói bằng miệng lưỡi, nhưng là yêu mến sự
hiệp nhất: "Hãy biết rằng bạn có Chúa Thánh Thần khi bạn để trái tim mình
gắn bó với sự hiệp nhất thông qua tình bác ái chân thành[4]".
Chúng
ta hãy suy lại bài ca đức mến của Thánh Phaolô. Mỗi câu đều có một ý nghĩa hiện
thời và mới mẻ nếu áp dụng cho tình yêu giữa các thành viên thuộc các giáo phái
Kitô khác nhau, trong các mối quan hệ đại kết:
"Đức mến thì nhẫn nhục...đức mến thì không
ghen tương…đức mến không tìm kiếm tư lợi [không chỉ tìm tư lợi cho Giáo Hội
của mình], đức mến không làm điều bất
chính, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật [không
vui mừng vì những khó khăn của các Giáo Hội khác], tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.”
(1Cr 13,4tt).
Tuần
này chúng ta tiễn đưa một người chị em đến nơi an nghỉ muôn đời, Đó là chị
Chiara Lubich, người sáng lập Phong trào Focolari, người đi tiên phong và là kiểu
mẫu của phong trào hiệp nhất thiêng liêng của tình yêu. Suốt cuộc đời, chị cho chúng
ta thấy việc theo đuổi sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu không phải là cách khép
mình trước phần còn lại của thế giới; đúng hơn đó là bước đi đầu tiên và là điều
kiện cho một cuộc đối thoại rộng lớn hơn với các tín đồ của các tôn giáo khác
và với tất cả những người nam nữ quan tâm đến số phận của nhân loại và hòa
bình.
***
Người
ta nói rằng "Yêu nhau không phải là nhìn nhau nhưng là cùng nhau nhìn về một
một hướng". Giữa các tín hữu thuộc những Giáo Hội khác nhau cũng vậy, yêu
thương có nghĩa là cùng nhau nhìn về cùng một hướng là Đức Kitô. "Người là bình an của chúng ta" (Êp 2,14). Nếu hướng về Đức Kitô, và
cùng nhau tiến về Ngài, người Kitô hữu chúng ta cũng gần gũi với nhau, cho đến
khi chúng ta thật sự "nên một với Ngài và với Cha", như Chúa Giêsu đã
đòi hỏi nơi chúng ta. Chính là điều chúng ta thấy với những chiếc căm xe khi
chúng đi từ đường chu vi tới trung tâm: càng đến gần trung tâm, chúng càng gần
nhau, cho đến khi tạo thành một điểm duy nhất.
Điều
duy nhất sẽ hiệp nhất các Kitô hữu chia rẽ, sẽ là một làn sóng yêu thương mới tỏa
ra giữa họ. Đây là điều đang xảy ra trong Kitô giáo, làm chúng ta ngạc nhiên và
hy vọng. "Tình yêu Đức Kitô thôi
thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết.”
(2Cr 5,14). Vậy người anh em tôi thuộc về một Giáo Hội khác – thậm chí là mọi
người – là "người mà Đức Kitô đã chết
cho" (Rm 14,16), như Người đã chết cho tôi.
*
* *
Có
một lý do đặc biệt phải thúc đẩy chúng ta trên con đường này. Những gì đang diễn
ra vào đầu thiên niên kỷ thứ ba không giống như những gì đã diễn ra vào đầu
thiên niên kỷ thứ hai, khi có sự phân ly giữa Đông và Tây; cũng không giống như
những gì đã diễn ra vào giữa thiên niên kỷ thú hai, khi có sự phân ly giữa người
Công giáo và người Tin lành. Phải chăng chúng ta có thể nói rằng cách chính xác
mà Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha, hay cách người tội lỗi được công
chính hóa, là những vấn đề hấp dẫn con người thời nay, và sự sống còn hay không
của đức tin Kitô giáo tùy thuộc vào đó? Thế giới đã tiến triển và chúng ta vẫn
bị mắc kẹt trong các vấn đề và công thức mà thế giới thậm chí không còn biết ý
nghĩa của chúng.
Trong
các trận chiến thời trung cổ, có một lúc, sau khi bộ binh, cung thủ và kỵ binh
bị địch quân tràn ngập, cuộc hỗn chiến tập trung quanh nhà vua. Ở đó kết quả cuối
cùng của cuộc chiến được định đoạt. Đối với chúng ta hôm nay, cuộc chiến cũng diễn
ra quanh nhà vua. Có những tòa nhà và công trình được làm bằng kim loại theo
cách mà nếu chạm vào một điểm nào đó, hoặc một hòn đá nào đó bị lấy đi, thì mọi
sự sẽ đổ nhào. Trong tòa nhà đức tin Kitô giáo, viên đá góc chính là thần tính
của Đức Kitô. Nếu viên đá này bị lấy đi, mọi sự sẽ đổ nhào và đầu tiên là niềm
tin vào Ba Ngôi.
Vậy
nên chúng ta thấy ngày nay có thể có hai thứ hiệp nhất: một sự hiệp nhất của đức
tin và một sự hiệp nhất của vô tín; một thứ kết hợp tất cả những ai tin Đức
Giêsu là Con Thiên Chúa, Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, và Đức Kitô đã
chết để cứu chuộc mọi người; và một thứ kết hợp tất cả những ai, dù tôn trọng Kinh
Tin Kính Nicêa, tiếp tục công bố những công thức này nhưng làm cho nội dung thật
sự của chúng trống rỗng. Một thứ đại kết trong đó, cuối cùng, mọi người tin vào
những điều giống nhau, vì không ai tin vào bất cứ điều gì nữa, theo nghĩa của thuật
ngữ "tin" trong Tân Ước.
Gioan
viết trong Thư thứ nhất: "Ai là kẻ
thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên
Chúa” (1Ga 5,5). Dựa vào tiêu chuẩn này, sự phân biệt căn bản giữa các Kitô
hữu không phải là giữa người Công giáo, Chính Thống và Tin Lành, nhưng giữa những
người tin rằng Đức Kitô là Con Thiên Chúa và những người không tin như thế.
***
“Ngày mồng một tháng sáu năm thứ hai triều
vua Đariô, có lời Đức Chúa phán, qua trung gian ngôn sứ Khacgai, với tổng đốc xứ
Giuđa là Dơrupbaven con ông Santien, và với thượng tế Giêsua con ông Giêhôsađắc
[…]: “Bây giờ có phải là lúc để các
ngươi ở trong các nhà có ghép gỗ đóng trần, còn Đền thờ thì lại hoang tàn đổ
nát không?” (Kg 1:1-4).
Những
lời trên của tiên tri Khacgai được nói cho chúng ta hôm nay. Đây có phải là lúc
chúng ta tiếp tục chỉ quan tâm đến những gì liên hệ đến trật tự tôn giáo của
chúng ta, phong trào của chúng ta, hay Giáo Hội của chúng ta chăng? Đây không
phải là lý do khiến chúng ta cũng "gieo
nhiều mà gặt ít" (Kg 1,6) chăng? Chúng ta rao giảng và chúng ta hoạt động
bằng nhiều cách, nhưng thế giới lìa xa Đức Kitô thay vì đến gần Người.
Dân
Israel nghe lời nhắc nhở của vị tiên tri; ai nấy đều ngưng trang trí ngôi nhà của
mình để cùng nhau xây dựng đền thờ của Thiên Chúa. Khi ấy Đức Chúa lại sai tiên
tri của mình đến mang theo sứ điệp an ủi và khuyến khích, một sứ điệp cũng là
cho chúng ta: "Vậy bây giờ, hỡi
Dơrupbaven, hãy mạnh bạo lên! Này thượng tế Giêsua, con ông Giơhôsađắc, mạnh bạo
lên nào! Toàn dân trong xứ hãy mạnh bạo lên. Sấm ngôn của Đức Chúa các đạo
binh!” (Kg 2,4). Hãy mạnh bạo lên, tất cả anh em có sự hiệp nhất các Kitô hữu
canh cánh bên lòng, và hãy vào việc, vì Thầy ở với anh em, Chúa phán như thế!
(Raniero
Cantalamessa, Nous prêchons un Christ
crucifié, EdB, 2018, pp. 327-336)
Lm
Micae Trần Đình Quảng
[1]
x. R. Brown, The Death of th
Messiah, II, Doubleday, New York 1994, p. 955-958.
[2]
Cyprianô, De unitate Ecclesiae,
7.
[3]
Augustinô, Contra Faustum, 32,
18.
[4]
Augustinô, Discours, 269, 3-4.