XXXI
“CHÚNG TA CÓ
MỘT VỊ THƯỢNG TẾ SIÊU PHÀM”
"Chúng ta có một tư tế siêu phàm, đã băng qua
các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa" (Dt 4,14): chính những lời
này mở đầu cho đoạn thư Do thái mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc II. Trong Năm
Linh Mục này, phụng vụ hôm nay cho phép chúng ta trở lại với nguồn gốc lịch sử
của chức tư tế Kitô giáo.
Cái chết của Đức Kitô là
nguồn gốc của hai chức tư tế: chức tư tế thừa tác của các giám mục và linh mục,
và chức tư tế phổ quát của tất cả các tín hữu. Chức tư tế sau cũng dựa trên hy
tế của Đức Kitô. Sách Khải huyền nói: "Người
đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi của chúng ta, làm cho
chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phục vụ Thiên Chúa là Cha của
Người" (Kh 1,5-6). Điều hết sức quan trọng là phải hiểu bản chất của
hy tế và chức tư tế của Đức Kitô, vì chính từ chức tư tế này mà linh mục cũng
như giáo dân, theo cách khác nhau, phải mang dấu ấn và tìm cách sống theo những
đòi hỏi của nó.
Thư Do thái giải thích chức
tư tế của Đức Kitô mới mẻ và độc đáo ở điểm nào, không chỉ liên quan đến chức tư
tế của giao ước cũ, mà còn đến tất cả định chế tư tế ngay cả ở bên ngoài ngoài
Kinh Thánh.
"Đức Kitô, đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc
của thế giới tương lai […]. Người đã
vào cung thánh, không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của
mình. Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho
chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò,
nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hóa được
họ nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy.
Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn
dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người than tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc
đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” (Dt
9,11-14)
Chính đó là sự mới mẻ. Mọi
linh mục khác đều hiến dâng một cái gì đó bên ngoài, còn Đức Kitô, Ngài đã dâng
hiến chính mình; mọi linh mục khác đều dâng các tế vật, còn Đức Kitô, Ngài đã dâng
hiến chính mình làm tế vật! Thánh Augustinô tóm tắt trong một công thức nổi tiếng
loại tư tế mới này, trong đó linh mục và tế vật là một: "Ideo sacerdos, quia sacrificium",
nghĩa là “linh mục vì là tế vật"[1].
*
* *
Năm 1972, một nhà tư tưởng
nổi tiếng người Pháp đã tung ra luận đề theo đó "bạo lực là trái tim và
linh hồn bí ẩn của thiêng thánh[2]".
Quả thực, hy tế là nguồn gốc và trung tâm của tất cả các tôn giáo, nghi thức về
vật thế chỗ luôn bao gồm sự hủy diệt và cái chết. Nhật báo "Le Monde"
hoan nghênh quả quyết này của René Girard, khi nói rằng quả quyết này biến năm
đó thành "một năm đánh dấu bằng dấu hoa thị trong biên niên sử của nhân loại".
Nhưng đã lâu trước đây, nhà thông thái này đã đến với Kitô giáo, và vào Lễ Phục
sinh năm 1959, đã công khai hóa "sự hoán cải" của mình, tuyên bố mình
là một tín đồ và trở lại Giáo hội.
Điều này cho phép ông, trong
các nghiên cứu về sau, không dừng lại để phân tích cơ chế của bạo lực, nhưng chỉ
ra cách thoát khỏi nó. Tiếc thay nhiều người ngày nay vẫn tiếp tục nêu René
Girard như một người đã tố cáo liên minh giữa thánh thiêng và bạo lực, không để
ý đến lời ông nhấn mạnh sự tan vỡ toàn diện và vĩnh viễn của liên minh này
trong mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô.
Theo René Girard, Đức
Kitô vạch mặt và phá vỡ cơ chế thần thiêng hóa bạo lực, biến mình thành "vật
bung xung" (bouc émissaire) cho nhân loại, nạn nhân vô tội của mọi bạo lực.
Đức Kitô đã không đến để hiến dâng máu của người khác, nhưng của chính mình. Ngài
đã không đặt tội lỗi của mình lên lưng người khác – con người hay động vật – Ngài
đã gánh trên vai tội lỗi của mọi người: “Tội
lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá”
(1Pr 2,24).
Quá trình dẫn đến sự ra
đời của tôn giáo bị đảo ngược so với lời giải thích của Freud. Trong Đức Kitô,
chính Thiên Chúa biến mình thành nạn nhân, và không phải nạn nhân (người cha
nguyên thủy theo Freud), mà, một khi đã hy sinh, sẽ được nâng lên địa vị thần
thánh (Cha trên trời). Đó không còn là con người hiến tế cho Thiên Chúa, mà là
Thiên Chúa, Đấng đã “hiến tế” mình cho con người, bằng cách trao nộp Con Một cho
sự chết vì con người (x. Ga 3,16). Hy tế không phải để "xoa dịu" Thiên
Chúa nữa, nhưng đúng hơn để xoa dịu con người, khiến con người không còn thù nghịch
với Thiên Chúa và với người lân cận.
Khi ấy người ta có thể
tiếp tục nói về hy tế, nhân nói về cái chết của Đức Kitô và như vậy về Thánh lễ
chăng? Trong một thời gian dài, Girard đã bác bỏ khái niệm này, coi nó như quá
bị ý tưởng bạo lực ghi dấu, nhưng cuối cùng ông thừa nhận khả năng này theo
truyền thống Kitô giáo, với điều kiện nhìn thấy một loại hy tế mới trong hy tế
của Đức Kitô, và nhìn thấy "sự kiện trung tâm trong lịch sử tôn giáo của
nhân loại" trong sự thay đổi ý nghĩa này.
***
Nhìn dưới ánh sáng này,
hy tế của Đức Kitô chứa đựng một thông điệp tuyệt vời cho thế giới hôm nay. Ông
nói to cho thế giới biết rằng bạo lực là một cặn bã cổ, một sự thụt lùi về các
giai đoạn nguyên thủy và lỗi thời của lịch sử nhân loại và – trong trường hợp của
các tín hữu – một sự chậm trễ có lỗi và tai tiếng trong việc nhận ra bước nhảy
vọt về phẩm chất do Đức Kitô tạo ra.
Ông cũng nhắc nhớ rằng bạo
lực lúc nào cũng thua. Trong hầu hết các thần thoại cổ xưa, nạn nhân là kẻ chiến
bại và người đao phủ thủ là người chiến thắng[3].
Đức Giêsu đã thay đổi dấu chỉ chiến thắng. Ngài đã mở đầu một loại chiến thắng
mới, không phải ở chỗ làm ra những nạn nhân, nhưng là biến mình thành nạn nhân.
Augustinô định nghĩa Đức Giêsu trên thập giá là "Victor quia victima!",
Đấng chiến thắng vì là tế vật[4].
Giá trị hiện đại của việc
bảo vệ các nạn nhân, các người nghèo và đời sống bị đe dọa, xuất hiện trong
vùng Kitô giáo, đó là một thành quả muộn màng của cuộc cách mạng do Đức Kitô thực
hiện. Chúng ta có bằng chứng nghịch lại. Ngay khi người ta bỏ (như Nietzsche đã
bỏ) nhãn quan Kitô giáo để làm sống lại nhãn quan ngoại giáo, người ta quên mất
cuộc chinh phục này, và lại bắt đầu tôn dương "người mạnh mẽ, quyền lực, đến
tột đỉnh là siêu nhân"; và người ta định nghĩa những giá trị Kitô giáo như
tạo ra một thứ “đạo đức của những người nô lệ", kết quả của sự oán hận bất
lực của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh.
Nhưng, thật không may,
chính nền văn hóa hiện đại này lên án bạo lực, thì mặt khác lại ủng hộ và tán dương
nó. Người ta rên rỉ trước một số biến cố đẫm máu được tờ báo tường thuật, mà
không nhận ra rằng đồng thời chỗ được chuẩn bị cho các biến cố đó trong trang
quảng cáo tiếp theo hoặc trong chương trình truyền hình được thông báo. Việc
người ta ngày càng thích các chi tiết trong mô tả bạo lực – được tìm đọc đầu tiên
và đáng tin nhất – chỉ ủng hộ bạo lực mà thôi. Kết quả là người ta không hồi
tâm về sự dữ, lại còn được khuyến khích làm sự dữ. Thật đáng lo ngại khi thấy bạo
lực và máu đã là những thành phần quảng cáo trong các phim và trò chơi điện tử,
khiến người ta bị chúng thu hút và bén mùi.
Cũng nhà thông thái nói
trên đã vạch trần ma trận của cơ chế bạo lực là bắt chước, xu hướng bẩm sinh
này gắn liền với bản tính con người, coi những gì người khác muốn là đáng muốn,
do đó, lặp lại những gì người ta thấy làm cho người khác. Tâm lý "bầy
đàn" đưa đến việc chọn một "vật bung xung" để tìm ra một sự gắn
kết nhất thời và giả tạo giữa con người, trong cuộc tranh đấu chống lại kẻ thù
chung - nói chung là yếu tố yếu nhất, yếu tố khác biệt.
Chúng
ta có một ví dụ về việc nại tới bạo lực của những người trẻ trong các sân vận động,
trong việc bắt nạt ở trường học và trong một số cuộc biểu tình trên đường phố để
lại phá hoại và đổ nát. Thế hệ thanh niên này được sự ưu đãi hiếm hoi là đã
không biết đến chiến tranh thực sự, chưa bao giờ bị động viên, giải trí (vì đây
thật sự là một trò chơi, cho dù ngu ngốc và đôi khi bi thảm) bằng cách bày ra
những chiến tranh nhỏ, được thúc đẩy bởi cùng một bản năng như một bày lũ man rợ.
*
* *
Tuy vậy còn có một bạo lực
nghiêm trọng và lan rộng hơn so với bạo lực của những người trẻ trong các sân vận
động và trên đường phố. Ở đây, chúng ta sẽ không nói về bạo lực đối với trẻ em,
tội mà một số người trong hàng giáo sĩ đã phải chịu ô danh; người ta đã nói đủ
về nó ở chỗ khác. Tôi nói về bạo hành đối với phụ nữ. Tôi có cơ hội giúp cho những
con người và các tổ chức tranh đấu chống lại bạo hành này hiểu rằng Đức Kitô là
đồng minh tốt nhất của họ.
Bạo hành này càng nghiêm
trọng hơn vì thường xẩy ra trong khung cảnh gia đình, người khác không biết, khi
nó không được biện minh dứt khoát bởi những định kiến về tôn giáo giả tạo và
văn hóa. Các nạn nhân thấy mình cô đơn cách tuyệt vọng và bất lực. Chỉ có ngày
hôm nay, nhờ sự hỗ trợ và khuyến khích của nhiều hiệp hội và tổ chức, một số người
mới mạnh mẽ bước ra ánh sáng và tố giác thủ phạm.
Phần lớn bạo hành này có
thêm khía cạnh tình dục. Đàn ông nghĩ mình đang chứng tỏ nam tính của mình bằng
cách làm khổ phụ nữ, mà không nhận ra rằng họ chỉ cho thấy sự bất an và hèn
nhát của mình. Ngay cả đối với người phụ nữ có hành động xấu, thật là tương phản
giữa cách hành xử của Đức Kitô và cách hành xử của một số giới! Những người cuồng
tín kêu gọi ném đá; trước những người dẫn
đến cho Ngài một người phụ nữ ngoại tình, Đức Kitô nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy
đá mà ném trước đi!" (Ga 8,7). Ngoại tình là một tội do hai người phạm,
nhưng lúc nào cũng chỉ có một người bị trừng phạt.
Bạo hành đối với
phụ nữ bao giờ cũng đáng ghét khi xẩy ra nơi lẽ ra phải tôn trọng và yêu thương
nhau, trong mối quan hệ giữa vợ và chồng. Đúng là bạo hành không luôn luôn và hoàn
toàn là lỗi của một bên, người ta cũng có thể bạo hành bằng lời nói, nhưng
không ai có thể phủ nhận rằng, trong phần lớn các trường hợp, nạn nhân là phụ nữ
Trong một số gia đình,
đàn ông coi mình được quyền lên tiếng và giơ tay đánh vợ. Vợ con đôi khi sống dưới
sự đe dọa thường xuyên của người chồng người cha hay nổi giận. Đối với người
này hay người ngang hàng với ông ta, nên lịch sự nói: “Các bạn thân mến, khi tạo
ra chúng ta thuộc nam giới, Thiên Chúa không có ý định cho chúng ta quyền nổi
giận và đập tay xuống bàn, cho dù có lý do nào đi nữa. Lời Thiên Chúa nói với
Evà sau khi sa ngã: "Và nó (người
chồng) sẽ thống trị ngươi" (St 3,16)
là một lời tiên báo cay đắng, không phải một sự cho phép.”
Đức Gioan Phaolô II đã khai
mào cách thực hành cầu xin sự tha thứ cho những sai lầm tập thể. Một trong những
cách thực hành này, công bằng nhất và cần thiết nhất, sẽ là sự tha thứ mà một nửa
nhân loại phải cầu xin nửa kia: chồng đối với vợ. Lời cầu xin này không thể
chung chung và trừu tượng. Đặc biệt đối với những người tự xưng là Kitô hữu, nó
phải đưa tới những cử chỉ cụ thể hoán cải, những lời xin lỗi và hòa giải trong
gia đình và xã hội.
***
Trong bài trích Thư gửi
tín hữu Do Thái mà chúng ta đã nghe, tác giả tiếp tục như sau: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn
tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khấn nguyện len Đấng có quyền năng cứu Người
khỏi chết”. Đức Giêsu đã biết đến
tình trạng của nạn nhân trong tất cả sự tàn ác của nó, những tiếng khóc nghẹn
ngào và những giọt lệ âm thầm. Thực sự, "Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những
nỗi yêu hèn của ta”. Trong mỗi nạn nhân của bạo lực, Đức Kitô làm sống lại
cách mầu nhiệm kinh nghiệm trần thế của mình. Chính về từng người trong số họ
mà Ngài nói: "là các ngươi đã làm
cho chính Ta" (Mt 25,40).
Họa hiếm mới có một sự
trùng hợp là năm nay Lễ Vượt Qua của chúng ta rơi vào cùng tuần với Lễ Vượt Qua
của người Do Thái, là tổ tiên của nó và là cái nôi hình thành ra nó. Điều này thúc
đẩy chúng ta hướng về người anh em Do Thái chúng ta. Do kinh nghiệm, họ biết nạn
nhân của bạo hành tập thể là như thế nào và chính vì thế, họ sẵn sàng nhận ra
các triệu chứng tái phát của nó.
Chúng ta hãy chúc cho những
người anh em Do Thái của chúng ta một lễ Vượt Qua tốt đẹp. Chúng ta dúng chính
những lời của thầy Gamaliel trong sách Seder
– nghi lễ Vượt Qua Do thái – được
phụng vụ lâu đời nhất của Kitô giáo giữ lại:
"Chính Người đã làm
cho chúng ta vượt qua
từ nô lệ đến tự do,
từ nỗi buồn đến niềm
vui,
từ tang tóc đến lễ lạc
từ bóng tối đến ánh sáng
từ tôi đòi đến cứu chuộc
"
để chúng ta ca lên trước
mặt Người: Halleluia[5].”
(Raniero
Cantalamessa, Nous prêchons un Christ
crucifié, EdB, 2018, pp. 347-355)
Lm
Micae Trần Đình Quảng
[1]
Augustino, Confessions, 10,
43.
[2]
x. R. Girard, La violence et le
sacré, Grasset, Paris 1972.
[3]
x. R. Girard, Le sacrifice,
Bibliothèque Nationale, 2003, p.73 et s
[4] Augustinô, Confessions,
10, 43.
[5]
Mêlitô Sarđê, Pesachim, X, 5
và Homélie de Pâques, 68 (Sch 123, p.
98).