XXXIII
“TA ĐÃ CHẾT VÀ NAY
TA SỐNG
ĐẾN MUÔN THUỞ MUỐN ĐỜI”
Một
số Giáo Phụ đã tập trung tất cả mầu nhiệm cứu chuộc vào một hình ảnh. Các ngài
nói quang cảnh là quang cảnh một cuộc chiến đấu đầy tính sử thi ở đấu trường. Một
người dũng cảm đương đầu với bạo chúa độc ác đã bắt cả thành phố làm nô lệ. Sau
nhiều nỗ lực và đau khổ, ông đã chiến thắng. Còn bạn, bạn đứng trên khán đài,
không đánh nhau, không mệt nhọc, không bị thương tích. Nhưng nếu bạn ngưỡng mộ
vị anh hùng, nếu bạn vui mừng với ông trong chiến thắng, nếu bạn đội cho ông một
vòng hoa triều thiên, nếu bạn khích động dân chúng cổ võ cho ông, nếu bạn mừng
rỡ cúi chào người chiến thắng, nếu bạn hôn ông và bắt tay ông; nói tóm lại, nếu
bạn cuồng nhiệt đến độ coi chiến thắng của ông là của mình, thì tôi, tôi dám
nói là bạn chắc chắn sẽ được chia phần thưởng của người chiến thắng.
Nhưng
còn hơn thế nữa: giả sử người chiến thắng thực sự không cần phần thưởng mà ông
vừa giành được, và điều ông muốn trên hết là thấy người ủng hộ mình được vinh
danh và vòng hoa chiến thắng là phần thưởng của bạn ông, trong trường hợp này,
người bạn ông, dù chưa phải mệt nhọc hoặc bị thương tích, sẽ có được vòng hoa
chiến thắng không? Tất nhiên là sẽ được[1]!
Thì
đó là điều đang xảy ra giữa Đức Kitô và chúng ta. Đức Giêsu trên thập giá đã
đánh bại kẻ thù xưa. Thánh Gioan Kim Khẩu đã kêu lên: "Kiếm của chúng ta
không dính máu, chúng ta không ở trong đấu trường, không bị thương tích, thậm
chí không nhìn thấy trận chiến, vậy mà chúng ta có được chiến thắng. Cuộc chiến
đấu này là của Ngài, vòng hoa chiến thắng là của chúng ta. Và bởi vì chiến thắng
này cũng là chiến thắng của chúng ta, chúng ta hãy bắt chước điều những người
lính đã làm trong những trường hợp này: chúng ta hãy hân hoan vui mừng, hãy hát
thánh ca ngợi khen Chúa[2]".
***
Chúng
ta không thể giải thích rõ hơn ý nghĩa của phụng vụ mà chúng ta cử hành hôm
nay. Nhưng những gì chúng ta làm có phải cũng là một hình ảnh, biểu thị một thực
tại của quá khứ, hoặc phải chăng là chính thực tại? Là cả hai cùng một lúc!
Thánh
Augustinô nói: "Chúng ta biết và tin chắc rằng Đức Kitô đã chết một lần
cho chúng ta [...]. Chúng ta biết rất rõ điều đó chỉ được thực hiện một lần. Nhưng
lễ này được làm mới lại định kỳ [...]. Không có đối nghịch nào giữa thực tại lịch
sử và ngày lễ phụng vụ ; lịch sử không nói thật để làm cho phụng vụ nói dối, nhưng
điều lịch sử trình bày như chỉ xảy ra một lần thực sự, phụng vụ nhắc nhở nó cho
những tâm hồn đạo đức để làm cho họ cử hành nó nhiều lần[3]."
Phụng
vụ "làm mới lại" biến cố: biết bao nhiêu cuộc tranh luận, từ năm thế
kỷ nay, về ý nghĩa của từ này, đặc biệt khi áp dụng cho thập giá và Thánh lễ! Đức
Phaolô VI đã sử dụng một động từ có thể mở đường cho một thỏa thuận đại kết về
vấn đề: động từ "biểu hiện", được hiểu theo nghĩa mạnh của từ tái hiện
(re-présenter), nghĩa là làm cho điều đã xẩy ra lại hiện diện và hoạt động[4].
Có
một sự khác biệt chủ yếu giữa sự biểu hiện của cái chết của Đức Kitô và cái chết
của Giuliô Caesar chẳng hạn, trong bi kịch cùng tên của Shakespeare. Không ai
tham dự ngày kỷ niệm cái chết của mình như một người còn sống; Đức Kitô thì có,
vì Ngài đã sống lại. Chỉ mình Ngài có thể nói, như nói trong sách Khải huyền,
"Ta đã chết, và nay Ta sống mãi đến
muôn đời" (Kh 1,18). Chúng ta phải cẩn thận ngày này, khi chúng ta viếng
các nhà mồ, hoặc tham dự các cuộc rước Đức Kitô tử nạn, để không đáng phải nhận
lời Đấng Phục sinh trách cứ những phụ nữ đạo đức vào buổi sáng Phục Sinh:
"Sao các bà lại tìm Người Sống trong
số kẻ chết?» (Lc 24,5).
Theo
một số tác giả, "anamnesis,
nghĩa là tưởng niệm trong phụng vụ, làm cho biến cố còn đúng hơn lần đầu tiên được
thực hiện trong lịch sử." Nói cách khác, đúng và thật cho chúng ta, những
người sống nó “theo Thần Khí” hơn là những ai đã sống nó “theo xác thịt",
trước khi Chúa Thánh Thần mạc khải cho Giáo Hội ý nghĩa đầy đủ của nó.
Đó
không chỉ là một ngày kỷ niệm mà chúng ta cử hành, mà còn là một mầu nhiệm. Và
vẫn chính thánh Augustinô giải thích sự khác biệt giữa hai sự việc. Ngài nói: “Để
cử hành theo cách kỷ niệm, chỉ cần "đánh dấu bằng một lễ tôn giáo ngày biến
cố được thực hiện"; còn để cử hành theo cách mầu nhiệm (in sacramento), không những chúng ta tưởng
niệm biến cố, mà còn thêm vào đó tất cả những gì có thể cho biết ý nghĩa mầu
nhiệm của biến cố và đón nhận nó cách thánh thiện[5]".
Điều
đó làm thay đổi mọi sự. Không chỉ tham dự một buổi trình diễn, mà còn là
"đón nhận" ý nghĩa của nó; không còn là khán giả nữa, mà là những diễn
viên. Do đó, chúng ta cần phải chọn vai trò chúng ta muốn đóng trong vở kịch,
chúng ta muốn mình là ai trong số Phêrô, Giuđa, Philatô, hay đám đông, Simon
người Kyrênê, Gioan, Maria... Không ai có thể giữ trung lập; không xác định lập
trường, chính là giữ một lập trường rõ ràng: lập trường của Philatô rửa tay, hoặc
của đám đông "đứng nhìn từ xa”
(Lc 23,35).
Tối
nay trở về nhà, nếu có người hỏi chúng ta: "Bạn từ đâu tới? Chúng ta hãy lặng
lẽ trả lời, ít nhất là trong tâm hồn chúng ta: "từ Calvê!"
*
* *
Nhưng
tất cả điều này không tự động xảy ra, vì lý do duy nhất là đã tham dự phụng vụ
này. Theo Augustinô, đây là "đón nhận" ý nghĩa của mầu nhiệm. Và điều
đó đi qua đức tin. Mạnh như dàn nhạc có thể chơi, không có âm nhạc nếu không có
tai lắng nghe; do đó không thể có ân sủng nếu không có đức tin để đón nhận nó.
Trong
một bài giảng lễ Vượt Qua vào cuối thế kỷ 4, vị giám mục đã nói bằng một ngôn
ngữ hiện đại lạ lùng và có thể nói là hiện sinh: "Đối với mỗi người,
nguyên lý của cuộc sống là nguyên lý từ đó Đức Kitô đã hiến tế mình cho người
đó. Nhưng Đức Kitô đã tự hiến tế mình cho người đó, khi người đó nhận ra ân sủng
và ý thức được sự sống đã được ban cho mình nhờ sự tự hiến tế này[6]."
Điều
đó xảy ra cách bí tích nhờ phép Rửa tội,
nhưng phải xảy ra, luôn xẩy ra và còn xẩy ra, một cách có ý thức trong cuộc sống. Trước khi chết, chúng ta phải can đảm
táo bạo làm một cú đột phá: chiếm lấy cho mình chiến thắng của Đức Kitô. Một sự
chiếm đoạt trái lẽ thường! Một điều, bất hạnh thay, chung trong một xã hội như
xã hội chúng ta, nhưng với Đức Giêsu, điều này không bị cấm, thậm chí chúng ta
còn được khuyến khích nữa. "Trái lẽ thường" có nghĩa là nó không phải
do chúng ta, chúng ta không đáng được, nhưng nó được ban cho chúng ta một cách
nhưng không, bởi đức tin.
Chúng
ta hãy nghe một tiến sĩ Giáo Hội, thánh Bênađô, nói về nó: "Đối với tôi,
điều mà tôi không tìm thấy nơi tôi, tôi đã chiếm đoạt nó (nghĩa đen của usurpo, tôi chiếm đoạt), với sự tin tưởng
từ tấm lòng của Đấng Cứu Thế, vì lòng Ngài chan chứa yêu thương. Vì thế, công
trạng của tôi là lòng thương xót của Chúa. Tôi sẽ luôn có nhiều công trạng bao
lâu Ngài giầu lòng thương xót đối với tôi. Và công trạng của tôi sẽ tràn đầy nếu
lòng thương xót của Ngài bao la (Tv 119,156). Đó có sẽ là sự chính trực của tôi
mà tôi sẽ ăn mừng không? Không, lậy Chúa, con sẽ chỉ nhớ đến sự công chính của
Chúa. Vì sự công chính của Chúa là của con, vì chính Chúa đã làm cho con nên
công chính (x.1Cr 1,30)[7].”
Phải
chăng cách quan niệm này về thánh thiện đã làm cho thánh Bênađô ít nhiệt thành
trong các công việc lành, ít cảm đảm trong việc tập tành các nhân đức? Phải
chăng tông đồ Phaolô đã quên hãm dẹp thân xác, bắt thân xác phải chịu cực và phục
tùng (1Cr 9,27), và trước cả thế giới cũng như hơn bất kỳ người nào khác, ngài đã
coi việc chiếm đoạt sự công chính của Đức Kitô là mục tiêu của cuộc đời mình và
việc rao giảng của mình (x. Pl 3,7-9) ?
Ở
Rôma, cũng như ở tất cả các thành phố lớn, chúng ta thấy rất nhiều người vô gia
cư. Có một kiểu nói đại khái giống nhau dành cho những người ấy trong tất cả
các ngôn ngữ: những người có tài sản duy nhất là quần áo rách rưới mặc trên người,
và một vài vật gì đó mang theo trong túi xắc nhựa. Hãy thử tưởng tượng rằng một
ngày nào đó chúng ta nghe nói trên đường Condotti (ai nấy đều biết đường
Condotti ở Roma biểu thị cái gì[8])
bà chủ một cửa hàng sang trọng, không rõ vì lý do gì, do quan tâm hay hào
phóng, cho mời tất cả những người ăn xin trong thành phố đến cửa hàng của mình;
bà mời họ cởi bỏ bộ đồ dơ bẩn, tắm rửa và chọn bộ quần áo nào họ thích trong số
những bộ đang bầy bán. Bà bảo cứ mang đi, hàng miễn phí.
Mọi
người nghĩ trong lòng: "Một trò đùa! Làm gì có chuyện ấy!". Rất đúng,
nhưng điều không bao giờ xảy ra giữa con người với nhau lại là điều có thể xảy
ra hàng ngày giữa con người và Thiên Chúa, vì trước mặt Ngài, chúng ta là những
người ăn xin! Đó là điều xảy ra khi có một lời thú tội: bạn cởi bỏ những quần
áo rách rưới là tội lỗi của bạn, bạn được lòng thương xót tắm rửa và khi bạn trỗi
dậy, bạn được "mặc áo quần cứu độ, được
choàng áo chính trực công minh” (Is 61,10).
Người
thu thuế của dụ ngôn lên đền thờ cầu nguyện; anh chỉ đơn giản nói, nhưng nói từ
tận trong lòng: "Lậy Chúa, xin thương
xót tôi là kẻ có tội! Sau đó anh trở về nhà và được "trở nên công chính"
(Lc 18,14), được hòa giải, phục hồi, vô tội. Nếu có đức tin và lòng ăn năn,
chúng ta cũng có thể nói về mình như thế, khi chúng ta trở về nhà sau cử hành phụng
vụ này.
*
* *
Trong
số những nhân vật của cuộc Khổ Nạn mà chúng ta có thể đồng hóa mình với họ, thiết
nghĩ tôi đã bỏ qua một người đáng được bắt chước hơn ai hết: người gian phi sám
hối.
Người
gian phi sám hối hoàn toàn xưng thú tội mình đã phạm. Anh nói với người bạn
đang lăng mạ Đức Giêsu: "Mày đang chịu
chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ. Chúng ta chịu
như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái” (Lc 23,41). Người gian phi sám hối
ở đây là một nhà thần học xuất sắc. Thật vậy chỉ có Thiên Chúa, nếu chịu khổ,
là chịu khổ như một người tuyệt đối vô tội. Bất cứ ai khác chịu khổ đều phải
nói: "Tôi phải chịu thế này là đích đáng". Bởi vì, ngay cả khi không
chịu trách nhiệm về hành động bị đổ lỗi cho anh ta, anh ta không bao giờ hoàn
toàn không có lỗi. Chỉ có sự đau khổ của những đứa trẻ vô tội là giống như sự
đau khổ của Thiên Chúa và đó là lý do tại sao nó quá mầu nhiệm và thiêng thánh.
Có
bao nhiêu vụ phạm tội tàn bạo gần đây mà vẫn coi như không có tội, bao nhiêu trường
hợp chưa được giải quyết! Người gian phi sám hối kêu gọi những người có trách
nhiệm: hãy làm như tôi, xem lại mình, thú nhận lầm lỗi của mình; bạn cũng vậy,
bạn hãy cảm nghiệm niềm vui này mà tôi đã cảm nghiệm khi tôi nghe Đức Giêsu
nói: "Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi
trên Thiên đàng!» (Lc 23,43). Có bao nhiêu tội nhân, sau khi thú nhận tội lỗi,
có thể quả quyết rằng đã xẩy ra như thế đối với họ: họ đã đi từ địa ngục đến
thiên đường vào ngày họ có can đảm ăn năn và thú nhận tội lỗi. Tôi cũng biết một
vài người trong số họ. Thiên đường hứa hẹn là bình an trong lương tâm, có thể
nhìn mình trong gương, hay nhìn các con mà không hổ thẹn.
Đừng
mang theo xuống mồ bí mật của bạn; sự kết án trở lại với bạn sẽ khủng khiếp hơn
nhiều so với sự kết án của con người. Trong phim "Những kẻ đính hôn"
của Alessandro Manzoni, Lucia nói với người
đàn ông đã bắt cóc cô: "Chúa đã tha thứ cho nhiều việc vì một việc làm tốt".
Chúng ta càng phải nói là Ngài tha thứ nhiều tội lỗi vì một hành động ăn năn
chân thành. Ngài đã hứa điều đó cách long trọng: "Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết, có thẫm tựa
vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18).
Giờ
đây, chúng ta hãy trở lại điều đã nói lúc đầu và chúng ta hãy thực hiện nó. Đó
là nhiệm vụ của chúng ta hôm nay. Lòng tràn ngập niềm vui, reo mừng chiến thắng
của thập giá, chúng ta hãy xướng lên bài thánh thi ngợi khen Chúa. Chúng ta
cùng đọc với phụng vụ: “Ôi Đấng Cứu Chuộc, hãy nhận bài thánh ca của những người
hát mừng cuộc chiến thắng của Ngài”.
(Raniero
Cantalamessa, Nous prêchons un Christ
crucifié, EdB, 2018, pp. 363-370)
Lm
Micae Trần Đình Quảng
[1] Nicolas Cabasilas, La vie en Christ, I, 9 (PG 150, 517).
[2]
Gioan Kim Khẩu, De coemeterio et
de cruce (PG 49, 596).
[3]
Augustinô, Sermon 220 (PL 38,
1089).
[4]
x. Phaolo VI, Mysterium fidei
(AAS 57, 1965, p. 753 ss).
[5] Homélie pascale de l’an 387 (Sch 36, p. 59
s.).
[6]
Idem.
[7]
Bênađô Clairvaux, Sermon sur le
Cantique, 61, 4-5 (PL 183, 1072).
[8]
Via Condotti là một trong những con phố mua sắm thanh lịch và nổi tiếng
nhất Roma, thậm chí trên thế giới, dành riêng cho những cửa hiệu bán đồ xa xỉ,
thời trang và may mặc của giới thượng lưu, trang sức và nghệ thuật Ý.